Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 18 tháng tư là ngày thứ tư của vụ khủng hoảng tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Mặc dù có gần một nửa con tin được dân làng trả tự do, cùng với dân làng được về nhà.

dongtam1

Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội. Photo courtesy of news.zing.vn

Căng thẳng vẫn tiếp tục phủ bóng lên vùng đất ven đô của thủ đô Hà Nội. Luật sư Trần Vũ Hải có nói với chúng tôi vào ngày 17 tháng tư rằng hiện nay người dân không còn lòng tin nữa.

Suy sụp lòng tin trầm trọng

Ngày 18 tháng tư Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội nói với báo chí rằng sẽ giải quyết chuyện Đồng Tâm theo đúng pháp luật, và chính quyền sẽ không nhân nhượng.

Nhà văn Thùy Linh hiện sống ở Hà Nội, theo dõi rất sát việc xung đột đang diễn ra ở Đồng Tâm nói bà rất lo lắng :

"Nói thật là đêm nay tôi cực kỳ lo lắng, không biết có đổ máu không, nếu họ tấn công vào thì không biết việc gì sẽ xảy ra, vì hiện nay lực lượng (công an) vẫn đang bao vây xung quanh, còn dân làng vẫn đang cố thủ, con tin vẫn đang bị bắt giữ bên trong.

Mọi người đang chờ là sau những lời lẽ đó sẽ là một cuộc tấn công như từng làm, như Văn Giang, hay các nơi mà họ chiếm đất. Ngày xưa vụ sân golf Đông Anh cũng dạng như thế. Sau khi dân lập hào lũy, họ tìm cách chia dân ra, rồi sau đó kiểu gì họ cũng chiến thắng, chiến thắng trong ngoặc kép, giành thế áp đặt lên người dân theo cái cách của họ".

Trong bản thông báo đưa ra ngày 18 tháng tư, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà nội cho rằng vụ việc xung đột ở Đồng Tâm có nguyên nhân là do dân chúng cứ biểu tình khiếu kiện kéo dài, không chấp nhận những quyết định của chính quyền.

Có một điều quan trọng nữa là trong bản thông báo này khẳng định khu đất mà nông dân Đồng Tâm đang đòi là thuộc khu vực quốc phòng. Trong khi trước đó, liên tục trong 3 năm, từ 2014 đến 2016, sau nhiều lần giải quyết, Hà Nội đã công nhận khu đất mà người dân đòi là thuộc đất nông nghiệp chứ không thuộc đất quốc phòng.

Nhà văn Thùy Linh nói tiếp :

"Họ không coi trọng lời hứa của họ, cái đó chỉ là chiến thuật để kéo dài thời gian, câu giờ đễ giải quyết vấn đề theo cái cách của họ, chứ không xuất phát từ thiện chí cùng người dân giải quyết thõa đáng vấn đề. Tất cả những việc đến giờ phút này ở Đồng Tâm, những lời hứa hay những việc làm của ông Chung chủ tịch cũng giống như những lần trước đó. Bây giờ người dân ở Đồng Tâm người ta không tin bất cứ cái gì nữa. Không tin bất kể ai".

Xung đột đất đai giữa nông dân và chính quyền các địa phương Việt Nam không phải lần đầu tiên xảy ra. Có thể kể ra rất nhiều cuộc xung đột như Văn Giang, Đông Anh, Tiên Lãng, Trịnh Nguyễn, … đều ít nhiều mang tính chất bạo lực. Và trong tất cả những cuộc xung đột này chính quyền đều đưa ra những lời hứa.

dongtam2

Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017. Citizen photo

Khác với những lần trước, trong vụ xung đột tại Đồng Tâm hiện nay, người dân chỉ liên lạc với bên ngoài qua một số rất ít các luật sư đại diện quyền lợi của họ. Luật sư Hà Luân nói với RFA rằng người dân không muốn quay phim chụp ảnh và tiết lộ ra bên ngoài nhiều thông tin về họ.

Không những nhân viên công an và an ninh bị bắt giữ, dân Đồng Tâm còn không cho bất cứ người lạ nào được quyền vào làng, bao gồm tất cả những nhà báo, của nhà nước cũng như những nhà báo hoạt động độc lập, những người đưa tin tự nguyện cho mạng xã hội. Một nhà báo Việt Nam quê quán gần làng Đồng Tâm cho chúng tôi biết rằng người dân Đồng Tâm hiện nay không tin chính quyền, nhà báo, và cũng không tin cả nhau. Luật sư Hà Huy Sơn bình luận :

"Lòng tin của người dân đối với chính quyền có thể do chính những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, công ăn việc làm, chuyện ô nhiễm, rồi tệ nạn xã hội, những bất công của cơ quan pháp luật,… thành ra chuyện giảm sút lòng tin cũng là một chuyện thực tế. Tôi nghĩ là những năm gần đây chính quyền cũng có những tiến bộ nhất định, nhưng mà so với cái đòi hỏi của cuộc sống thì chưa đáp ứng được. Đó cũng là lý do người dân người ta mất niềm tin".

Nguyên nhân của những lời hứa

Trong cơ chế quyền lực chính trị tập trung như ở Việt Nam việc quyết định thường mang tính tập thể, do đó một cá nhân đứng trước một việc thuộc trách nhiệm của mình thường rất khó đưa ra một quyết định chính xác hay một lời hứa có thể thực hiện được. Ngoài ra với cơ chế xã hội hiện nay được đảng cầm quyền gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta cho rằng tham gia vào các quyết định còn có các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Nhà văn Thùy Linh nói với chúng tôi :

"Họ cực kỳ lúng túng khi giai quyết sự việc này. Luôn luôn họ chờ lệnh cấp trên, họ chờ sự bàn bạc ở cái cấp nào đó, cho nên tất cả những việc họ làm là chỉ để xoa dịu đúng thời điểm đó thôi. Họ không có phương pháp giải quyết rốt ráo vấn đề, nên cái việc mà như hiện nay ở Đồng Tâm, thì tôi cũng nghĩ là lãnh đạo Hà Nội chờ chỉ đạo bên trên, hoặc bản thân họ bị áp lực của các nhóm lợi ích, những nhóm mà đang muốn chiếm đất của dân Đồng Tâm".

Trong tất cả những cơ sở kinh doanh có liên quan đến đất đai ở Đồng Tâm thì công ty truyền thông Viettel do quân đội quản lý là lớn nhất. Chính việc giao đất cho dự án này đã thổi bùng ngọn lửa xung đột trong những ngày giữa tháng tư này tại Đồng Tâm. Tổng giám đốc của Viettel là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, một ủy viên trung ương đảng, cơ quan bao gồm hơn 100 người có quyền lực nhất Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ủy viên của Quân ủy trung ương, cơ quan đảng đầy quyền lực của quân đội Việt Nam.

Một nguồn tin giấu danh tính nói với chúng tôi rằng vụ việc ở Đồng Tâm nằm ngoài tầm tay của các nhà lãnh đạo của thành phố Hà Nội.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 18/04/2017

Published in Diễn đàn