Một trọng tâm trong chủ điểm kinh tế được đưa ra bàn tại Hội nghị trung ương 5, Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 5 là ‘tháo gỡ vướng mắc về thể chể kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà kinh tế quốc doanh chủ đạo.
Một cậu bé đánh giày bên ngoài một dự án phát triển nhà ở được xây dựng tại trung tâm thành phố Hà Nội ngày 18 tháng 11 năm 2015. AFP photo
Tư duy cũ
Cổng thông tin điện tử trích dẫn bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi khai mạc Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 5, đề cập việc "sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước". với lý do doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết đây cũng lại là một vấn đề đã bàn thảo rất nhiều lần trong các nghị quyết Trung ương, nhưng cuối cùng vẫn "dậm chân tại chỗ". Ông đặt ra câu hỏi là Hiến pháp Việt Nam có qui định nền kinh tế nhà nước ở vai trò nòng cốt, chủ đạo hay không ?
"Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng rõ".
Khái niệm kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng được định nghĩa trong nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 2015. Trong đó, vai trò chủ đạo của nhà nước đối với doanh Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS trong lần trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do sau đó có đưa ra nhận xét rằng ông không thấy sự thay đổi nào, "giới thủ cựu bên đảng vẫn giữ nguyên như cũ". và lý do quan trọng để nền tư duy đó vẫn là nền tảng của kinh tế Việt Nam là vì "họ sợ những cái thực sự không đáng sợ và không đủ tự tin".
Ông phân tích rõ hơn :
"Cũng có một điểm mà họ có lý là họ muốn vẫn muốn ôm các doanh nghiệp nhà nước để họ có thể đạo diễn những con số làm sao để cho nó phù hợp với kế hoạch và thành tích của họ. Tôi nói ví dụ nền kinh tế đặt ra 5,8% nhưng chỉ đạt 5,7 thôi thì họ có thể lệnh cho Petro Việt nam thêm triệu tấn, Vinacomin khai thác thêm nửa triệu tấn than xuất đi, như thế thì nó tăng lên mức đẹp cả kế hoạch nữa. Như thế thì người ta ghi vào thành tích của người ta. Về khía cạnh thực dụng thì họ có lý thực dụng của họ như vậy. Với một nền kinh tế nói chung thì đó là một cách làm tai hại".
Khái niệm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đưa ra lần đầu tiên từ thập niên 1990. Theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long, tất cả những vấn đề này vốn đã được bàn luận rất nhiều lần. Tại Hội nghị Trung ương 5 năm nay, một lần nữa được nhắc đến trong chương trình làm việc toàn khoá của Ban chấp hành Trung ương do Hội đồng lý luận Trung ương đưa ra.
"Nhưng mà thực tế thì những người làm đó thì người ta cũng chưa qua, chưa thực sự hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Cho nên bây giờ, những người bản thân chưa tiếp cận, chưa kinh qua cái đó mà lại đưa ra những lý lẽ thì tôi thấy khó mà đi vào cuộc sống".
Theo ông Ngô Trí Long, hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới có sự phân biệt rõ ràng giữa kinh tế thị trường, xã hội hoặc kinh tế thị trường thuần tuý. Riêng đối với Việt Nam lại có sự bao gộp kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thêm vào đó, cũng theo ông, khó mà đi vào thực tế khi câu hỏi "định hướng xã hội chủ nghĩa là gì trong nền kinh tế thị trường ?" được mang ra bàn cãi nhiều lần và chưa có câu trả lời thoả đáng.
"Phải chăng đó là mô hình riêng của Việt Nam mà thế giới đã đi rồi. bây giờ bản thân anh không học và kế thừa, vận dụng cho Việt Nam tốt hơn mà cố gắng tìm ra nét đặc biệt, đặc thù thì tôi nghĩ rằng khó có khả năng nền kinh tế phát triển có hiệu quả được".
Vòng lẩn quẩn
Chúng tôi đặt vấn đề với Tiến sĩ Ngô Trí Long dựa trên các báo cáo thua lỗ, hoạt động kinh doanh không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2016, nếu tìm cách nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp nhà nước thì liệu nền kinh tế Việt Nam có hy vọng khởi sắc hay không ? Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng đấy là một cái vòng lẩn quẩn mà kinh tế Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam đang chạy quanh hơn thập kỷ nay để đi tìm một nét đặc thù, một nét riêng nào đó.
"Cái đấy chính là quanh quẩn cố níu kéo cố bám lấy định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế giới đã định hình rất rõ kinh tế thị trường thuần tuý hay kinh tế thị trường xã hội. Nói chung đất nước nào mục tiêu cũng làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Ngay Bắc Âu là mô hình như thế mà những bất công người ta phải xoá bỏ. ngay thời ông Phan Văn Khải đi Bắc Âu, ông nói điều đó thì người ta nói rằng chúng tôi đang thực hiện đấy chứ đâu ?".
Ông ví von một hình ảnh vui rằng "chẳng lẽ chúng ta đang cố tìm ra một loại bánh xe nào đó hình bầu dục hay hình vuông ?".
Trong bài phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có nhắc đến vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn.
Vấn đề này được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra khi được hỏi về những điều Việt Nam cần phải làm để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
"Việt nam hiện nay đang đẩy mạnh việc khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Để doanh nghiệp tư nhân có thể sinh và có dưỡng thì phải giảm những chi phí về tham nhũng quyền hà của bộ máy nhà nước".
Còn theo ý kiến của Tiến sĩ Ngô Trí Long, ông cho rằng cần phải cải tổ tư duy, suy nghĩ làm sao để đi vào thực chất, đi vào cuộc sống và bản chất của vấn đề.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 08/05/2017