Nếu bàn về xã hội Việt Nam thì cũng chỉ xoay quanh chữ : chính trực. Nếu bàn về chính trị Việt Nam thì cũng xoay quanh chữ : chính trực.
Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực của địa phương cũng có thể bị khống chế bởi một chỉ thị từ một cơ quan trung ương và kỳ vọng sự chính trực trở nên quá khó khăn đối với các vị dân biểu.
Tại sao tôi không dùng từ ‘tử tế’, rằng ở Việt Nam có những người làm việc tử tế hay có những chính trị gia tử tế ? Nhưng có vẻ nghĩa ‘tử tế’ có phần châm biếm (troll) sau phát biểu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nên bài viết này bàn về chính trực.
Chính trực là gì ? Nó là đức tính để khiến hành vi một người thực hiện trên cơ sở lương tâm của chính họ.
Trong nền chính trị, chính trực có thể biểu hiện ở việc họ không bị cám dỗ bởi quyền lực, và sử dụng quyền lực ở mục đích cá nhân. Ở một hệ thống chính trị có sự đan xen và giám sát lẫn nhau, tính chính trực có thể được hình thành một cách có điều kiện.
Trở lại Việt Nam, chính trực và phi chính trực có thể biểu hiện rõ nét ở hai con người tại thành phố Đà Nẵng.
Bên ni là Bá Thanh, bên tê là Duy Khương
Một là, Cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương. Người còn lại là, Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Câu chuyện của hai nhân vật này xoay quanh Vũ ‘Nhôm’ và đường dây lũng đoạn quyền lực, trục lợi đất công tại thành phố biển. Một người chống lại điều đó, người còn lại thì tiếp tay cho điều đó.
Ông Võ Duy Khương, người được Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ qua một bài viết trên trang điện tử Một Thế giới, theo đó : Ông Khương là thiểu số chính trực hiếm hoi trong Ban lãnh đạo thành phố. Ông không đủ sức cưỡng lại những hành vi vi phạm pháp luật của những người lãnh đạo chủ chốt. Nhưng vì sự phản đối đó mà từ năm 2013, ông bị thư nặc danh và các tin nhắn liên tục gửi tới đe dọa. Cuối cùng, ông bị ép phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố trước khi đến tuổi nghỉ hưu.
Còn ông Nguyễn Bá Thanh – thần tượng của cơ số không ít người lại là người có liên quan đến việc biếu đất công sản cho Vũ ‘Nhôm’ và đồng bọn, người có liên quan đến một văn bản ‘ép bán trực tiếp khu công sở (thuộc Sở Tư Pháp Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng) cho công ty Vũ Nhôm.
Ông Võ Duy Khương - một chính khách Đà Nẵng
Ông Bá Thanh cũng là người khiến cho ông tướng Trần Văn Thanh, người từng làm Chánh Thanh tra Bộ Công an phải ‘sợ’, và khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt thì ông Thanh mới tuyên bố : Giờ thì không sợ nữa !
Theo như cách nhà báo Hoàng Hải Vân tường thuật lại, thì ông Võ Duy Khương là người chính trực (như cách nhà báo này đặt trên Facebook cá nhân), còn ông Nguyễn Bá Thanh là phi chính trực.
Nhưng ở góc độ nào đó, một người có thể chính trực ở điểm này, cũng có thể không chính trực tại điểm khác. Như cách mà Facebooker Viet Hoang Le chỉ ra, bởi trong một bối cảnh khác thuộc Dự án liên quan đến rừng Sơn Trà, ông Võ Duy Khương lúc đó là Thường trực Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, là người trực tiếp giải quyết bồi thường giải tỏa rừng Sơn Trà, nhưng kết quả đã không có bồi thường nào xảy ra, mà chỉ là hỗ trợ người trồng rừng với mức giá rẻ mạt (1.400 VND/m2).
Như vậy có thể nhận ra, sự chính trực ở một chính trị gia bất kỳ Việt Nam đã hiếm, thì làm sao có thể nói về một sự tử tế của chính trị gia ?
Lãnh đạo thì hay, hay dân thì khờ dại ?
Lãnh đạo nói hay, dân thì khờ dại, nên thành ra ông Nguyễn Bá Thanh mới trở thành ‘Bác Thanh’ hay ‘Thánh Thanh’. Khi ông Bá Thanh còn sống, mỗi lần phát biểu trước một kỳ họp Hội đồng nhân dân nào đó của thành phố, dân các tỉnh lại tấp nập bật Tivi nghe ông nói. Ai chưa có dịp thì lại lên Youtube để xem lại, rồi phản hồi ‘ngưỡng mộ’. Khi ông chết đi, hàng ngàn người đổ ra đường đưa tang ông, một số vị dân biểu thành phố Đà Nẵng còn lên tiếng đòi đặc cách lấy tên ông để đặt tên đường, hay ngay điểm cầu Ngã ba Huế - thì mọc lên quán café Nguyễn Bá Thanh.
Người từng đòi 'bắt nhốt hết không nói nhiều' tham nhũng, lại là người tham nhũng lớn ở cấp địa phương.
Với ông Võ Duy Khương, nếu đặt một mặt mà nhà báo Hoàng Hải Vân chỉ ra, thì ông Khương là người chính trực, và trong hàng tá phản hồi trong bài viết đó, có tới 1,2 nghìn lượt thích, 77 lượt yêu thích, 28 lượt ngạc nhiên, 2 lượt cười, và 2 lượt phẫn nộ. Nhiều phản hồi bày tó ông Khương là ‘cán bộ liêm chính ; kính trọng ông ; người anh mẫu mực ; cán bộ tài năng, liêm khiết’,…
Ông Nguyễn Bá Thanh được tưởng nhớ tại một quán cafe.
Nhưng nếu một ngày ông Võ Duy Khương bị điều tra bởi các quyết định sai quy định, ‘nâng đỡ trong sáng’ trong điều hành chính sách nhà nước, thì liệu những ngôn từ biểu thị trên có trở thành một sự phẫn nộ hay không ?
Chỉ biết là, cái câu ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’ luôn ám chỉ đúng với môi trường chính trị Việt Nam. Và sự chính trực trong một chính trị gia bất kỳ trở nên cực kỳ khó tồn tại, bởi một thể chế mà một cá nhân có thể lợi dụng quyền lực cấp trên để trục lợi, thậm chí khống chế cả một tập thể quyền lực nhân dân. Cái ‘tập thể lãnh đạo Đà Nẵng’ từng đã phải ‘cúi đầu’ trước cái cơ quan quyền lực to đùng ở Trung ương, để đi đến ‘thống nhất’ bán đất công sản với giá rẻ mạt cho doanh nhân ‘Vũ’ Nhôm đấy thôi ?
Còn người dân, vẫn có sự ngây thơ nhất định, vẫn bị dắt mũi bởi sự kiện mang tính nhất thời của lãnh đạo. Những con người vẫn hằng tin tưởng, trong một cơ chế lạm dụng quyền lực vẫn còn lãnh đạo biết ‘vì dân’.
Và gần đây, là sự nổi lên của vị đứng đầu Đcộng sản Việt Nam.
Không ai biết kéo dài bao lâu, ‘thần tượng’ này sẽ sụp đổ, và không ai hiểu rõ, là sau này, nếu thể chế thay đổi, tài liệu giải mật thì hàng tá thần tượng lãnh đạo mà người dân đang ngưỡng mộ sẽ bị phơi bày thế nào. Bởi thế, nên pháo hoa ở Yên Bái vẫn bắn lên cao, trong sự hạnh phúc của người dân, sau những ngày ‘đốt lò’.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/02/2018