Phạm Minh Chính chỉ đóng trò "Nói vậy mà không là vậy" thay cho Nguyễn Phú Trọng !
Thực hư trong việc tổ chức "Lễ kỉ niệm Cấp Quốc gia 100 năm Sinh nhật cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt"
Mặc dầu lễ kỉ niệm này vừa mới tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, nhưng từ cuối tháng 8/2022 cơ quan cao nhất của chế độ toàn trị đã ra lệnh cho chính phủ và đảng bộ thành phố Vĩnh long – quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- chuẩn bị tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm Sinh nhật của ông 23/11/1922 – 23/11/2022 (1). Nhưng trước đó ít ngày trước lễ kỉ niệm bộ Công an đã ra lệnh cho Tỉnh ủy Vĩnh Long phải tăng cường an ninh trong dịp này để ngăn cản những cuộc tụ họp của nhân dân để tưởng nhớ tới cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một chính trị gia rất nổi tiếng và được lòng dân, nhất là đồng bào miền Nam, từ khi làm Bí thư thảnh ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau 1975 và nhiều năm làm Thủ tướng, đặc biệt cả khi ông đã về hưu (xem phần sau).
Ông Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy Dệt Thành Công khi là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Tư liệu
Ngày 23/11/2022 Phạm Minh Chính trong diễn văn với tư cách Thủ tướng chủ trì lễ kỉ niệm 100 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long đã nhận định về ông Kiệt là người "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào". Nhưng liền đó ông Chính lại muốn nịnh Nguyễn Phú Trọng -một người từng kết án rất gay gắt cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt là chống lại Đảng- nên đã lập lại câu nói cao ngạo và giả dối của ông Trọng tại Đại hội 13 : "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển và hoàn thiện" (2).
Ai không biết rõ, chỉ đọc thoáng qua đoạn trên thì tưởng là ông Chính khen ông Kiệt thực. Nhưng việc cố tình chắp hai nhân vật từng là đối thủ như nước với lửa, không đội trời chung với nhau trong nhiều lãnh vực, cho thấy thái độ và ý đồ nói vậy mà không là vậy về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt của Phạm Minh Chính. Thực vậy trong nhiều năm ông Kiệt làm Thủ tướng (8/1991-9/1997) và cả những năm làm Cố vấn của Ban chấp hành trung ương luôn luôn muốn thực hiện đổi mới thực sự cả trong chính trị lẫn kinh tế, theo ông tức là chấm dứt kinh tế quốc doanh, thực hiện kinh tế thị trường thực sự và giã từ Chủ nghĩa xã hội theo Marx-Lenin. Nhưng phe giáo điều bảo thủ từ Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu tới Nguyễn Phú Trọng đã chống lại kịch liệt, còn kết án ông Kiệt là "giã từ hệ tư tưởng Mác-Lênin để rơi vào hệ tư tưởng khác" và "Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất". Tuy vậy vì độc đoán và tham lam quyền lực nên từ khi làm Tổng bí thư (2011) tới nay chính Nguyễn Phú Trọng là người thủ tiêu nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ để nắm độc quyền (xem các phần sau).
Chính vì chống lại các chính sách và lời khuyên của Võ Văn Kiệt nên sau 36 năm "Đổi mới" giả hiệu, nay nhân dân ta vẫn bị tước các quyền tự do dân chủ, Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu, lợi tức đầu người chỉ xấp xỉ bằng 1/8 của Nam Hàn và Đài Loan (của Đài Loan là 35.510 USA/năm, Hàn Quốc là 33.590 USD/năm, còn Việt Nam chỉ có 4.160 USD/năm. Mặc dù hai nước này cũng xuất phát hầu như cùng một thời điểm như Việt Nam, nhưng khác biệt căn bản là hai nước này đã từ độc tài cá nhân và quân phiệt từng bước dứt khoát trở thành xã hội Dân chủ Đa nguyên. Trong khi đó Việt Nam trước sau vẫn nằm trong chế độ độc tài toàn trị ! (3). Không những thế Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc Trung Quốc cả trong kinh tế, ngoại giao, lẫn ý thức hệ. Chuyến đi vội vã của Nguyễn Phú Trọng mới đây sang chúc mừng Tập Cận Bình được tái bầu làm Tổng bí thư đã tỏ rõ tình thế này (4).
Bên cạnh đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng trong các bài tường thuật của báo chí chế độ toàn trị cũng chỉ nói rât chung chung và qua loa. Các nhà khoa bảng xã hội chủ nghĩa trước sau vẫn chỉ như cái loa của Nguyễn Phú Trọng ! (5). Vì từ Phạm Minh Chính tới những người đứng đầu các cơ quan Lí luận và Tuyên giáo trung ương tổ chức kỉ niệm về Võ Văn Kiệt mà lại không dám nói thẳng, nói thật những gì ông Kiệt trên nhiều cương vị khác nhau từ giữa thập niên 70 của thế kỉ trước tới thập niên đầu tiên của Thế kỉ 21 đã dám làm, dám phát biểu trong Bộ Chính trị và trong dư luận đòi hỏi phải đổi mới thực sự và toàn diện. Nhưng những người bảo thủ giáo điều cầm đầu Đảng từ Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu tới Nguyễn Phú Trọng đã ngang ngược chống lại và còn kết án cũng như chụp mũ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt như thế nào ! (Xem các phần sau).
Vì thế nếu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống lại, chắc chắn ông sẽ rất buồn và từ chối dứt khoát không để cho Phạm Minh Chính và các cơ quan của Đảng đứng ra khen giả vờ ông, theo kiểu nói vậy mà không phải vậy ! Chẳng những thế ai cũng biết, từ khi làm Thủ tướng ông Chính đã được dư luận đặt cho biệt danh là Thủ tướng luôn luôn ướt đẫm mồ hôi trong các cuộc đi kinh lí để tỏ rằng ông rất tận tụy lo cho dân !!!
Vậy thử hỏi, khi sinh thời Võ Văn Kiệt đã bị nhiều người cầm đầu chế độ trước đây cũng như hiện nay kết án và chụp mũ gay gắt như thế, nay lại vội vã đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên mây như vậy. Tại sao ?
Từ trước tới nay những người cầm đầu chế độ độc tài cộng sản Việt Nam đã học tập và thực hành những mánh khỏe và thủ đoạn tàn bạo cả với đồng chí cũng như với thù qua câu thần chú "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" ; nếu lợi cho mình thì không từ dã tâm nào ! Vì thế biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn được sự kính nể của nhiều giới từ trí thức, người cầm bút, cả đảng viên tiến bộ, đặc biệt là nhân dân Miền Nam. Nhưng trong các năm qua, đặc biệt là từ đại địch Covid-19 phát sinh vào đầu năm 2020, do tinh thần vô trách nhiệm nên từ Nguyễn Phú Trọng tới Phạm Minh Chính đã không có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nên bệnh dịch đã bùng nổ ra ở các thanh phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp ở miền Nam. Vì thế bệnh dịch đã vượt tới cao điểm vào mùa hè 2021, mỗi ngày có tới 300-400 người bị chết. Khi đó những người cầm đầu toàn trị Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính đã hốt hoảng ban hành những biện pháp độc tài "ba tại chỗ" (làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ) vừa tàn bạo với nhân dân, vừa phản khoa học, nhất là với hàng triệu người lao động trong các thành phố và các khu công nghiệp lớn. Lúc đầu Phạm Minh Chính còn ngớ ngẩn khuyên dùng thuốc Đông y trị bệnh truyền nhiễm. Trong nhiều tháng mấy triệu dân ở Thành phố Hồ Chí Minh phải sống trọng tình trạng như thiết quân luật ; quân đội, công an, xe tăng ngăn chặn kiểm soát ngày đêm. Nhân dân vô cùng. bất mãn, trong nhóm cầm đầu thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Khi ấy ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã lên phải tiếng cánh báo : "Hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao nên không thể để kéo dài thêm nữa" (6).
Giữa khi ấy nhiều cơ quan Đảng, bộ, bộ trưởng và cán bộ cao cấp như Tuyên giáo, Quốc phòng, Y tế, Khoa học- công nghệ, Giáo dục… lợi dụng sự thiếu thốn các phương tiện kiểm tra bệnh dịch đã vô lương tâm cùng cực, thỏa hiệp với nhau một cách có hệ thống giữa các các cơ quan Đảng và Chính phủ để cho công ti Việt -Á thao túng toàn bộ độc quyền hệ thống y tế trên toàn quốc trong việc bán "Kít xét nghiệm nhanh Covid-19" trong hai năm qua. Ban Tuyên giáo đồng lõa dựng lên những tin dối trá để lừa đảo cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và dư luận nhân dân là, Bộ Kít của Việt Á đã được WHO công nhận ! Thậm chí chính Nguyễn Phú Trọng – khi đó còn là Chủ tịch nước- đã kí "Quyết định 264/QĐ-Chủ tịch nước (10/3/2021) "tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho công ti Việt-Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19" !
Hàng triệu nhân dân, nhất là ở Miền Nam, phải sống trong kinh hoàng do những sai lầm, vô trách nhiệm từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho tới các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương tới địa phương đã gây ra bất mãn trong nhân dân, đảng viên mất niềm tin vào nhóm cầm đầu. Vì vậy mới đây Nguyễn Phú Trọng sau mấy năm vắng mặt đã phải thân hành tới Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9/2022 và hơn hai tháng sau lại bắt lãnh đạo đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội gặp Nguyễn Phú Trọng. Trong những dịp này các vấn đề thảo luận chính là tình hình an ninh, kinh tế và nội bộ đảng bộ Thành phố. Thái độ của Nguyễn Phú Trọng trong các hội nghị này là vừa xoa đầu vừa đe dọa ! (7).
Vì thế ngay 11 ngày trước khi Lễ kỉ niệm chính thức, Bộ Công an đã phải ra lệnh cho Công an tỉnh Vĩnh Long "tổ chức Hội nghị triển khai các Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt", vạch rõ mục tiêu là :
"Các lực lượng được phân công sẽ có kế hoạch cụ thể để quản lý chặt địa bàn, đối tượng, không để xảy ra đột xuất bất ngờ ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa cháy nổ, với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đến tham dự các hoạt động kỷ niệm" (8).
Phải sử dụng các biện pháp dùng các lực lượng Công an như thế vào dịp kỉ niệm 100 năm sinh nhật một nhân vật chính trị rất được kính nể, cho thấy họ không còn tin vào dân. Lòng dân cả nước , nhất là mấy chục triệu đồng bào Miền Nam, đang bất ổn, mất tin vào cái gọi là "đổi mới", không còn tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin và bất tín nhiệm với Nguyễn Phú Trọng. Chính vì thế họ phải dựng lên một hình ảnh nào đó được coi là biểu tượng tốt trong nhân dân, nhất là ở Miền Nam, để mong dựng lại niềm tin. Nghĩa là nhóm cầm đầu cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ tìm cách khai thác uy tín của ông Kiệt để vỗ về dân, mong cứu chế độ ngày càng tham nhũng thối nát ! Đây mới chính là động cơ đích thực họ cố tình làm đình đám trong nhiều ngày cho tổ chức Lễ kỉ niệm cấp Quốc gia nhân 100 năm Sinh nhật cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt !
***
Ai theo dõi sát thời cuộc chính trị Việt Nam một cách trung thực và nghiêm túc đều biết, từ cuối thập niên 80 chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam đang rơi vào thế sợi chỉ treo ngàn cân cả trong kinh tế, nội trị lẫn ngoại giao. Sau khi cướp được Miền Nam 1975 phe chiến thắng đã kiêu ngạo đưa ra các chủ trương kinh tế cực đoan theo mô hình Lenin-Mao như thủ tiêu kinh tế tư nhân, thiếp lập Doanh nghiệp Nhà nước và và bắt nông dân phải vào các hợp tác xã nông nghiệp để đưa Việt Nam "tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa". Nhưng chỉ vài năm sau đã dẫn tới kết quả là nạn đói khủng khiếp tương tự như 1945, nạn lạm phát phi mã lên tới 800%. Không những thế cộng sản Việt Nam còn bị sa lầy trong chiến tranh ở Campuchia, Đặng Tiểu Bình cho nổ ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc đề "dậy cho các đồng chí" bài học, Mĩ và Tây phương phong tỏa kinh tế và ngoại giao. Nhân dân bất mãn, lo âu, đảng viên mất niềm tin. Đúng là rơi vào hoàn cảnh tứ bề thụ địch ! Vì thế mới ra đời chủ trương gọi là "Đổi mới" tại Đại hội 6 vào cuối tháng 12/1986, đúng vào dịp cách đây 36 năm. Nhưng chính vào lúc đó Liên Xô rơi vào khủng hoảng và tan rã từ 1991, các nước Đông Âu cũng từ giã chủ nghĩa cộng sản và chuyển sang Dân chủ đa nguyên.
Tình thế khủng hoảng trong kinh tế, nội trị đến ngoại giao đã dẫn tới tranh chấp đối kháng mãnh liệt trong nhóm cầm đầu cộng sản Việt Nam khi ấy, đặc biệt giữa phe cực kì bảo thủ giáo điều đứng đầu là Đỗ Mười và phe cấp tiến đứng đầu là Võ Văn Kiệt. Nhờ những biện pháp kinh tế tương đối cởi mở nên nạn lạm phát đã giảm, giải quyết được nạn đói, không những thế từ một nước phải nhập cảng gạo trở thành nước xuất cảng gạo từ cuối thập niên 80. Việc rút quân khỏi Campuchia đã giúp Việt Nam trở thành hội viên của ASEAN, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù Hoa kì và Tây phương từ giữa thập niên 90.
Nhưng chính vào lúc đó câu hỏi cực kì quan trọng được đặt ra là, Việt Nam cần phải mạnh dạn tiếp tục đổi mới toàn bộ không chỉ trong kinh tế mà cả trong chính trị, để nhân dân được tự do và mở rộng bang giao kinh tế và ngoại giao với Mĩ và Tây phương, đặc biệt phải "thoát Trung" để tránh hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc ; hay vẫn khép kín theo mô hình độc đảng theo ý thức hệ Marx-Lenin sai lầm và đã phá sản và cúi đầu trước sự xâm lấn của Bắc Kinh ? Trong khi phe cấp tiến trong Đảng - nổi bật là Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ... - đòi phải thực hiện dân chủ thực sự ngay trong nội bộ Đảng mà cả "cởi trói" cho văn nghệ sĩ và nhân dân, độc lập với Trung Quốc. Nhưng phe cực kì giáo điều với Đỗ Mười, Đào Duy Tùng, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng lại chủ trương "đổi mới nhưng không đội mầu". Nghĩa là chỉ sửa đổi bề ngoài, nhưng trước sau phải giữ chế độ độc đảng và tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin và ngoan ngoãn tuân lệnh và học thuộc các câu thần chú do Bắc Kinh mớm cho !
Vì thế từ giữa thập niên 90 đã có những cuộc vận động chống đối nhau rất quyết liệt từ trong Bộ Chính trị, Trung ương đảng, Chính phủ và Quốc hội, đến cả nổ tung ra bên ngoài trên các báo của đảng và báo chí nước ngoài cũng như các giới nhân sĩ, trí thức ở trong và ngoài nước. Các cao điểm đối chọi nhau đã diễn ra trước Đại hội 8 (6/1996) khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết thư ngày 9/8/1995 cho Bộ Chính trị công khai đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin đã phá sản, từ bỏ nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ" ở trong Đảng, từ bỏ Doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện Kinh tế thị trường thực sự và mở rộng bang giao mọi mặt với Mĩ và Tây phương để giữ thế độc lập thực sự với Trung Quốc. Phe Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng đã kết án Võ Văn Kiệt là, từ bỏ nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ" là chống lại Đảng từ gốc, chống lại chủ nghĩa Marx-Lenin là phản bội, xét lại… ! (xem các phần sau).
Tiếp đến phe Đỗ Mười tìm cách ngăn cản Võ Văn Kiệt có thể trở thành Tổng bí thư nên đã tìm cách đưa Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan lên làm Tổng bí thư và Thủ tướng trong Đại hội 8. Nhưng Võ Văn Kiệt đã bẽ gẫy kế hoạch này. Nên Đỗ Mười cuối cùng đã phải âm thầm vụng trộm cùng Lê Đức Anh đưa Lê Khả Phiêu lên làm Tổng bí thư trong Hội nghị trung ương 4 (12/1997). Nhưng không lâu sau vì độc đoán và tham quyền Đỗ Mười đã bỏ rơi Lê Khả Phiêu tại trước Đại hội 9 (2001) và đưa Nông Đức Mạnh một người dễ sai bảo lên làm Tổng bí thư để Đỗ Mười trở thành Thái thượng hoàng suốt 10 năm. Chính vì thế trong dịp này Võ Văn Kiệt đã thẳng thắn lên tiếng công khai tố cáo những "kẻ có quyền uy, chỉ nhuy những người có quyền lực" ! Cuối cùng trước khi qua đời hơn một năm, trong dịp kỉ niệm 32 năm ngày gọi là "chiến thắng" và "Hòa giải dân tộc" (30/4/1975- 30/4/2007) cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trải tấm lòng với nhân dân và đất nước, nhất là bao nhiêu triệu đồng bào Miền Nam, tại sao đối với kẻ thù Bắc Kinh thì họ "khép lại quá khứ", nhưng đối với chính đồng bào mình thì họ vẫn khoét sâu hận thù ? "Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu !". Ông Kiệt còn nhắc lại một chân lí : "Tôi thường nói rằng, con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường. Hàng trăm con đường chớ không phải chỉ một con đường. Nếu như ông cha mình là phong kiến, là vua chúa đánh ngoại xâm để bảo vệ đất nước của mình là cái gì ? Người ta hoàn toàn có thể không cộng sản, ông cha mình có cộng sản đâu, nhưng yêu nước chứ !"
Để hiểu rõ thêm ý đồ giả dối nói vậy mà không là vậy của Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính khi cho tổ chức Lễ kỉ niệm Cấp Quốc gia 100 năm Sinh nhật cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta nên cùng nhau đọc lại giai đoạn lịch sử cận đại để biết rõ những khác biệt căn bản như thế nào trong những lãnh vực tư tưởng ý thức hệ, tổ chức nội bộ đảng, kinh tế, nội trị và ngoại giao giữa một bên là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bên kia là Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện không chỉ trong đường lối mà cả trên giấy trắng mực đen, khiến đã đưa tới những đối đầu và tranh luận công khai rất gay gắt.
Xin trích lại dưới đây 4 phần chính liên quan trực tiếp tới đề tài quan trọng này :
I. Thư gởi Bộ chính trị của Võ Văn Kiệt 9/8/1995 và sự phản công của phe Đỗ Mười
II. Ba ông "cố vấn" và giải pháp Lê Khả Phiêu
III. Những người có "quyền uy" chỉ huy những người có "quyền lực"
IV. Từ "bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát" và "Việt Nam - Cuba cùng canh thức cho Cách mạng toàn cầu" của Nguyễn Minh Triết đến nhận định của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt "con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường" !
Bốn phần này trích từ tập sách của cùng tác giả : Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! (9).
Âu Dương Thệ
(11/12/2022)
Chú thích :
(1) Văn Vĩnh, "Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt", Công an nhân dân online, 29/08/2022
(2) Phạm Minh Chính, "Diễn văn kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt", VietnamNet, 23/11/2022
(3) Âu Dương Thệ, "Kết quả Hội nghị Trung ương 6 : Nhóm cầm đầu toàn trị muốn dẫn đất nước đi về đâu ?", Đối Thoại, 21/10/2022
(4) Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, Báo điện tử chính phủ, 1/11/2022
(5) Nguyễn Xuân, Thắng, "Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng VIệt Nam", VietnamNet, 22/11/2022
(6) Âu Dương Thệ, "Hội nghị Trung ương 5 : Nguyễn Phú Trọng lại trương cờ mới giả và giữ cờ cũ đã rách nát !", VNTB, 21/2005/2022
(7) a. Nguyễn Phú Trọng, "Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh", Báo điện tử chính phủ, 23/09/2022 ;
b. Tuấn Minh, "Tổng Bí thư chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh", Môi trường và đô thị, 03/12/2022
(8) Thanh Thảo – Ái Bình, "Đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt", Công an nhân dân online, 11/11/2022
(9) Âu Dương Thệ, "Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I", Amazon.de, 3 Dec. 2019
***********************
Phần I
Thư gởi Bộ chính trị của Võ Văn Kiệt 9/8/1995 và sự phản công của phe Đỗ Mười
Nhưng hi vọng giữ được ổn định ở ngay trong cấp cao nhất không kéo dài, mặc dầu phe giáo điều do Đỗ Mười-Lê Đức Anh chỉ huy đã được tăng cường thêm trở thành áp đảo về số lượng trong Bộ Chính trị từ Hội nghị trung ương 6 giữa tháng 1/1994, như đã trình bày. Ngay cả trong tứ trụ khi đó, Võ Văn Kiệt đã phải một mình chống chọi lại Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Nông Đức Mạnh.
Nếu theo dõi hoạt động chính trị của Võ Văn Kiệt từ thời ông còn ở trong bưng tại miền Nam tới khi làm Bí thư thành ủy Sài Gòn và sau này ra Hà Nội giữ các chức vụ quan trọng khác, cho thấy ông là người có cá tính riêng mạnh và phóng khoáng so với nhiều nhà lãnh đạo đồng thời với ông. Trong thời gian làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, nhờ uy tín và ảnh hưởng, nên ông Kiệt đã dám mời một số nhân vật cũ Miền Nam như cựu Phó Thủ tướng Giáo sư Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Xuân Oánh và Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, từng là Phó Thủ tướng phụ trách phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa [1] . Cá tính mạnh của Võ Văn Kiệt còn biểu lộ trong hai quyết định quan trọng trong thời gian làm Thủ tướng, tiến hành thực hiện đường dây tải điện Bắc-Nam mặc dầu nhiều người chống, và vào trại giam thăm cựu bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải để tỏ thái độ trọng nhân tài và đồng thời chống bảo thủ.
Nhưng tư duy độc lập và cá tính mạnh trong thời gian làm Thủ tướng phải nói tới Thư của ông gởi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995. Thời điểm này nằm cận Đại hội 8 chỉ gần một năm sau đó và thành phần nhân sự mới ở các cấp cao nhất từ Tổng bí thư tới Thủ tướng, hầu như đã được cơ cấu xong theo mong muốn của phe bảo thủ. Về Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt có nhiều câu hỏi được nêu ra nhưng vẫn chưa có trả lời, trong đó có hai câu hỏi quan trọng. Tại sao Võ Văn Kiệt gởi Thư này cho Bộ Chính trị vào hè 1995 không lâu trước Đại hội 8 và ông chờ đợi gì ở các đồng liêu trong Bộ Chính trị ? Vì sao Lá thư này lại bị tiết lộ ra bên ngoài ? Ai chủ mưu và có dụng ý gì ? Có lợi hay bất lợi cho Võ Văn Kiệt ?
Thư gởi Bộ Chính trị 9/8/1995 gồm trên 10.000 chữ được soạn thảo sau khi ông Kiệt đã có trong tay bản Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 8 [2] . Vì thế có thể nói Thư này chính là một phản biện lại nội dung Dự Thảo này và một số Nghị quyết của Hội nghị Đại biểu toàn quốc 1994. Nội dung Thư này có thể hiểu như một DỰ ÁN CHÍNH TRỊ cho Đảng cộng sản Việt Nam về mục tiêu và phương thức đổi mới sau khi Liên Xô sụp đổ. Thư này nêu ra những điểm chính :
1. Xu hướng và tương quan lực lượng trên thế giới và chính sách đối ngoại của Việt Nam sau khi Liên Xô sụp đổ.
2. Chính sách kinh tế : Làm thế nào để dân giầu nước mạnh ? Chệch hướng hay không chệch hướng ?
3. Khả năng quản trị Nhà nước (chính phủ, quốc hội và các đoàn thể ngoại vi) của Đảng.
4. Đảng phải thay đổi cách tổ chức và điều hành như thế nào nếu muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước ?
Về bối cảnh thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ ông Kiệt cho rằng, "trong thế giới ngày nay không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc" là chính, mà mâu thuẫn giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế trở thành quan trọng. Nhưng các mâu thuẫn này vừa là thách đố, đồng thời cũng là cơ hội cho các nước. Như vậy Võ Văn Kiệt đã phủ nhận chủ thuyết về "mâu thuẫn đối kháng" -có anh thì không thể có tôi- giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản ; đồng thời còn cho rằng, các mâu thuẫn này không nhất thiết chỉ phải giải quyết bằng bạo lực như Lenin và Đệ tam Quốc tế đã từng khẳng định và cuối cùng cộng sản sẽ tiêu giệt tư bản. Trái lại theo ông, sau khi Liên Xô sụp đổ thế giới có thể giải quyết các mâu thuẫn không nhất thiết phải kinh qua bạo lực. Ông còn nhấn mạnh, từ nay quan hệ giữa 4 nước cộng sản còn sót lại là Việt Nam, Trung Quốc, Bắc hàn và Cuba chứa nội dung là "tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa". Nghĩa là ông Kiệt không còn tin vào thế giới đại đồng giữa các nước cộng sản, quyền lợi quốc gia là quyết định. Riêng với Trung Quốc, ông Kiệt còn nhận định hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang có những tranh chấp mới rất nóng, nhất là ở biển Đông.
Từ các phân tích về tương quan quốc tế mới sau khi Liên Xô tan rã, trái với quan điểm lo ngại và bi quan của cánh bảo thủ về tương lai của chế độ, ông Kiệt lại lạc quan thấy đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam :
"Với đánh giá tình hình theo cách nhìn mới, có thể nói, sau một nửa thế kỷ phấn đấu đầy hy sinh gian khổ kể từ Cách mạng tháng Tám, bây giờ chúng ta mới cùng một lúc có được điều kiện bên trong tốt nhất và bối cảnh quốc tế bên ngoài thuận lợi nhất cho phép đặt ra được và thực hiện được dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đáp ứng được đòi hỏi phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, để lấy lại thời gian đã mất và đuổi kịp các nước chung quanh. Có thể nói, đất nước đang đứng trước cơ hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta !".
Như vậy, ngay trong phần đầu Thư 9/8/1995 gởi Bộ Chính trị, Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại và phủ nhận những định đề căn bản của chủ nghĩa Marx-Lenin về mâu thuẫn đối kháng giữa Cộng sản và Tư bản, cũng như phải dùng bạo lực để thanh toán Tư bản (ý thức hệ và phương pháp đấu tranh). Không những thế Võ Văn Kiệt còn chống lại chủ thuyết của Đỗ Mười-Lê Đức Anh xin cầu hòa với Bắc Kinh (Bắc Kinh) và mong Bắc Kinh bao che cho Hà Nội từ sau Hội nghị bí mật ở Thành đô (9/1990), vì tin rằng những người cầm đầu Bắc Kinh vẫn đặt trọng mục tiêu xã hội chủ nghĩa trên quyền lợi ích kỉ của quốc gia. Cho thấy ông không còn tin vào chủ thuyết "Thế giới đại đồng" và cũng rất nghi ngờ chủ tâm của Bắc Kinh !
"Nói riêng về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thì tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa trong những mối quan hệ giữa những nước này. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tồn tại không ít điểm nóng. Thuần túy nói về chủ nghĩa xã hội thì cả 4 nước Xã hội chủ nghĩa còn lại đều nói, còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi con đường riêng phù hợp của từng nước".
Chủ đề quan trọng thứ hai trong Thư gởi Bộ Chính trị là chính sách phát triển kinh tế. Ở đây Võ Văn Kiệt cũng đi thẳng vào vấn đề trung tâm là nên giữ vững và củng cố Doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) hay nên để kinh tế tư nhân phát triển ? Câu trả lời khá dứt khoát của ông là chống lại chủ trương kể từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1994) tìm cách củng cố trở lại để doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong kinh tế, chứ không thể để kinh tế tư nhân tự do phát triển, có như vậy mới không "chệch hướng" ra khỏi quĩ đạo xã hội chủ nghĩa. Ông đã dẫn chứng tình hình phát triển kinh tế nhanh trong nhiều lãnh vực từ sau Đại hội 6 với việc bãi bỏ lệnh "ngăn sông cấm chợ", giải thể hệ thống hợp tác xã trong nông nghiệp và để cho tư nhân được tự do làm ăn để phản biện lại quan điểm của phe giáo điều bảo thủ đang tìm cách trở lại con đường mòn của mô hình xã hội chủ nghĩa vì họ sợ "chệch hướng" :
"Những năm trước khi thực hiện đổi mới, chúng ta đã có kinh nghiệm, nếu không có sự phát triển này thì kinh tế tiêu điều và ách tắc như thế nào ! Nếu coi sự phát triển này là chệch hướng, có nghĩa là chúng ta phải đem kinh tế quốc doanh ra đối lập lại với sự phát triển này, đối lập với tất cả những người lao động đang bỏ của và công sức để tạo ra sự phát triển như hiện nay".
Ông còn phê bình gay gắt cách làm ăn thua lỗ của hệ thống quốc doanh trở thành gánh nặng cho kinh tế, và chính hệ thống này lại đang là những nơi nuôi dưỡng những tệ trạng xã hội :
"Trong những năm của cơ chế kinh tế cũ, quốc doanh đã hầu như nắm toàn bộ các lãnh vực này và chúng ta đã biết kết quả. Ngày nay không ít xí nghiệp, đơn vị quốc doanh làm ăn trái với pháp luật, số lượng phương tiện giao thông vận tải của quốc doanh – trong đó có xe của đơn vị quân đội – tham gia buôn lậu khá lớn"...
"Song nguy cơ chệch hướng đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế xã hội khác cần được chú ý xử lý thỏa đáng. Đó là tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành "quốc nạn", bao gồm cả những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, tính vô chính phủ, cát cứ, tiêu xài lãng phí và ăn cắp của công"...
Tình trạng làm ăn thua lỗ lớn và sự tham nhũng cùng cực của cán bộ trong toàn bộ hệ thống kinh tế Nhà nước về các năm sau này chứng minh, Võ Văn Kiệt đã dự đoán đúng hậu quả của việc cố ý duy trì doanh nhiệp quốc doanh về mặt kinh tế lẫn chính trị và pháp luật dẫn tới tha hóa đạo đức và kỉ cương xã hội. Theo ông, nếu trở lại với mô hình phát triển theo xã hội chủ nghĩa như trước thời đổi mới thì mới là "Chệch hướng và diễn biến hòa bình sẽ có thêm mảnh đất màu mỡ để bung ra".
Tóm lại, quan điểm về vai trò của doanh nghiệp nhà nước giữa Võ Văn Kiệt và nhóm bảo thủ trong Bộ Chính trị hoàn toàn đối chọi nhau. Có thể nói gọn là, Võ Văn Kiệt muốn những gì tư nhân không làm được thì mới để quốc doanh làm ; còn phe bảo thủ lại chủ trương, những gì quốc doanh không làm được mới để cho tư nhân ! Những phản biện của Võ Văn Kiệt về "chệch hướng" và "diễn biến hòa bình" nêu ra trong Thư gởi Bộ Chính trị cũng hoàn toàn ngược lại quan điểm của phe bảo thủ đã quyết định trong Hội nghị Đại biểu toàn quốc và được giải thích rõ trong sách "Văn hóa và Đổi mới" của Phạm Văn Đồng đang là nền tảng cho đường lối của Đại hội 8 sắp tới, như đã trình bầy.
Chủ đề thứ ba trong Thư gởi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 của Võ Văn Kiệt là sự quản trị và điều hành bộ máy Nhà nước của Đảng cộng sản. Với tư cách là Thủ tướng, trong nhiều năm ông Kiệt đã phải nhìn nhận bộ máy Nhà nước (chính phủ, quốc hội, các tổ chức ngoại vi) do Đảng cộng sản chỉ huy đang bất cập trong luật pháp và bất lực trong việc tuyển chọn cán bộ và điều hành bộ máy nhà nước. Tình hình này dẫn tới những hậu quả vô cùng xấu tới mức báo động trong nhiều lãnh vực của xã hội :
"Tình trạng bất cập của bộ máy nhà nước và những vấn đề nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội đã ở mức báo động".... "Sống và làm việc theo pháp luật trở thành đòi hỏi ngày càng bức thiết của cuộc sống và sự nghiệp phát triển đất nước ta…" "Sự phát triển luật pháp và năng lực thi hành luật pháp chưa theo kịp đà phát triển của đất nước và xã hội ta hiện nay. Mặt khác, tình trạng sống và làm ăn trái phép với pháp luật chưa có xu thế giảm…".
"Hãy thử mổ xẻ tình trạng tham nhũng, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, tình trạng móc ngoặc ở trong nước, hoặc với nước ngoài trong kinh tế, tình trạng chồng chéo ách tắc trong điều hành và quản lý đất nước, rừng núi tài nguyên bị tàn phá trong thời bình, môi trường tự nhiên đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng nhiều nơi không được gìn giữ, tình trạng dân kêu oan khiếu nại..., chúng ta sẽ có được những thước đo khá chính xác về mức độ báo động này. Một trong những nguyên nhân chính là những yếu kém trong nhiệm vụ quản lý nhà nước…".
Sau khi nêu rõ sự bất lực của bộ máy Nhà nước dẫn tới sự bùng nổ của các tệ trạng xã hội, trong thư gởi Bộ Chính trị ông Kiệt đã nói thẳng tới nguyên nhân của nó. Theo ông, đó là vẫn áp dụng phương pháp quản lí đất nước thời chiến vào thời bình, tuyển chọn nhân viên Nhà nước theo nhu cầu của Đảng chứ không căn cứ trên khả năng và đức độ. Nói tóm lại, theo ông nguyên nhân chính của của sự bất lực của bộ máy Nhà nước và sư sa đọa của cán bộ là vì Đảng vẫn đứng trên và làm thay Nhà nước, trong khi đó lại không chịu trách nhiệm :
"Chúng ta cần sớm khắc phục những ảnh hưởng còn lại của phương thức điều hành đất nước trong thời chiến với những đặc điểm như : cơ chế chính uỷ, quyền lực quyết định tại chỗ, tính chất địa phương, cơ cấu bộ máy sắp xếp cán bộ theo yêu cầu chính trị, bộ máy của Đảng song trùng và trên thực tế là có những việc đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng và sự yếu kém về nghiệp vụ do vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách v.v.".
Các phê bình thẳng thắn trên đây của Võ Văn Kiệt cũng được bộ trưởng Kế hoạch & đầu tư Bùi Quang Vinh thời Nguyễn Tấn Dũng 11 năm sau chia xẻ, khi ông phát biểu công khai ngay tại Đại hội 12 (xem Chương tám, IV).
Chủ đề quan trọng cuối cùng trong Thư gởi Bộ Chính trị, ông Kiệt đã tập trung phân tích về tình hình Đảng cộng sản. Cách tổ chức và điều hành hiện nay của Đảng có thích hợp không và cần phải được cải tổ như thế nào ?
Nhận định đầu tiên của ông là, cán bộ đảng viên trong thời bình đang suy thoái về đạo đức và lối sống làm mất tính tiên phong :
"Chúng ta đang đứng trước thực tế là, tính tiên phong chiến đấu của đảng viên và của các tổ chức cơ sở của Đảng có nhiều mặt giảm sút, thậm chí yếu kém. Nhiều đảng viên không còn vai trò gương mẫu, nhiều tổ chức cơ sở Đảng chỉ hoạt động hình thức, hoặc tê liệt, thoái hoá. Quan hệ giữa Đảng và dân ngày càng có nhiều vấn đề. Chỗ nào cũng có đảng viên, song tình trạng bê bối, tiêu cực ở các ngành, các địa phương khá phổ biến".
Vì vậy theo ông, nếu muốn Đảng tiếp tục cầm quyền thì ưu tiên hàng đầu là phải "cần đặc biệt phát huy dân chủ trong Đảng". Để có thể thực hiện được việc này Võ Văn Kiệt không ngại ngùng đề nghị phải từ bỏ nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ" vẫn được áp dụng và được coi là nguyên tắc tổ chức của các Đảng cộng sản, nhưng chính nó đang dẫn tới tinh thần vô trách nhiệm và dân chủ hình thức :
Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc "dân chủ tập trung", hoặc "tập trung dân chủ". Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức như vậy. Nên chăng khẳng định lại một cách không thể hiểu lầm như sau : Để huy động trí tuệ của toàn Đảng và bảo vệ sự trong sáng trong Đảng, cần phải triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của Đảng, mọi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị quyết của Đảng".
***
Tóm lại, trong Thư gởi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại một số vấn đề từ trước tới nay vẫn được coi là cấm kị (tabu), ai cũng phải thừa nhận và không được đụng tới. Đó là nguyên tắc tổ chức nội bộ trong đảng theo "tập trung dân chủ" và "mâu thuẫn đối kháng" giữa chủ nghĩa cộng sản và tư bản với thế tất thắng của Thế giới cộng sản. Ngoài ra, Võ Văn Kiệt còn đòi mổ xẻ lại những nhiều lãnh vực căn bản của chế độ cũng như các chính sách quan trọng. Như vai trò của Đảng trong việc điều hành nhà nước. Trong đó ông chống lại chủ trương từ trước tới nay theo lối lãnh đạo độc quyền của Đảng từ chính sách, tổ chức tới quyết định nhân sự. Ông muốn Chính phủ có quyền rộng rãi hơn. Võ Văn Kiệt cũng yêu cầu xét lại chính sách kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, ông chủ trương các hoạt động kinh tế theo cơ cấu tổ chức kinh tế thị trường, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì kinh tế tư nhân không làm được. Khác biệt quan điểm lớn khác giữa Võ Văn Kiệt với nhóm bảo thủ trong Bộ Chính trị còn nằm cả trong lãnh vực đối ngoại. Ông không tin chính sách cầu hòa với Bắc Kinh của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vừa được bắt đầu từ đầu thập niên 90 và cho rằng, Bắc Kinh chỉ đặt quyền lợi của Trung Quốc trên hết chứ không phải vì lợi ích giữa hai Đảng cộng sản và ông còn cảnh cáo về những nguy cơ xung đột sẽ gia tăng trên biển Đông do chủ trương bành trướng của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên trong tư cách là một đương kim Thủ tướng, nên khi trình bày các quan điểm trên Võ Văn Kiệt đã dùng những ngôn từ thích hợp với các đồng liêu. Nhiều đoạn trong Thư nói về những khác biệt quan trọng với phe bảo thủ, nhưng Võ Văn Kiệt đã tránh dùng ngôn ngữ mạnh, đi thẳng vào sự việc, mà ông lại phải trình bày vòng vèo và tránh phê bình quá đáng… Tuy nhiên, trong Thư gởi các đồng liêu trong Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt đã dám đặt lại những vấn đề căn bản về ý thức hệ cộng sản tới các chủ trương và chính sách quan trọng [3] .
Việc ra đời của Thư này, những tranh cãi và ảnh hưởng của nó đã tạo ra nhiều câu hỏi không chỉ trong nội bộ Đảng cộng sản mà cả bên ngoài. Tại sao Thư này đã được viết vào thời điểm đó, nhắm mục tiêu gì ? Sự tranh cãi trong nội bộ trung ương về thư này như thế nào, cánh nào trong Đảng đã tham dự và đứng về phía nào ? Tại sao Thư này lại lọt ra bên ngoài, Võ Văn Kiệt hay cánh bảo thủ bị bất lợi ? Võ Văn Kiệt có đạt được mục tiêu không ?
Căn cứ vào sự trình bày của Võ Văn Kiệt trong Thư gởi Bộ Chính trị 9/8/1995 thì vào thời điểm đó các Dự thảo Báo cáo Chính trị và Dự thảo Kinh tế cho Đại hội 8 đã xong, những luận cứ phản biện của ông đã căn cứ phần lớn vào các văn kiện dự thảo của Đại hội 8 sẽ diễn ra gần một năm sau [4] . Ngoài ra vào thời điểm đó có lẽ đề án nhân sự ở cấp cao nhất cũng đã được chuẩn bị ít nhất là trong phe bảo thủ. Như vậy rõ ràng mục tiêu của Thư gởi Bộ Chính trị 9/8/1995 là muốn nhắm tới Đại hội 8 về các mặt đường lối, chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao, đồng thời cả trong đề án nhân sự. Gởi cho các đồng liêu trong Bộ Chính trị vào thời điểm gần một năm trước Đại hội 8 Võ Văn Kiệt hi vọng là có thể tạo ra những cuộc tranh luận trong nội bộ Đảng ở những lãnh vực quan trọng theo chiều hướng có thể thay đổi để cởi mở hơn cả trong đường lối, chính sách lẫn nhân sự [5] . Nhưng có lẽ địa chỉ gửi Thư này ông Kiệt không chỉ nhắm riêng Bộ Chính trị mà cả trong Trung ương Đảng. Chỉ có như vậy thì mới có thể tạo ra tranh luận có tầm vóc đủ mạnh và rộng, từ đó có thể dẫn tới tranh luận ngay trong Đảng chống lại phe giáo điều ngay trước Đại hội 8 không còn xa.
Võ Văn Kiệt là người tự tin, ông nghĩ rằng, những thành quả tốt đẹp trong kinh tế, tài chánh và ngoại giao trong gần 4 năm làm Thủ tướng, trong đó phải kể tới : Không những giải quyết tốt được nạn đói mà còn đưa Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo, nạn lạm phát phi mã đã được chấm dứt, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù Mĩ, gia nhập ASEAN, lập quan hệ tốt với EU, khuyến khích đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam (FDI) và tiếp nhận nhiều tỉ Mĩ kim theo chương trình ODA của các cơ quan tài trợ quốc tế lớn như WB, ADB và IMF… Dĩ nhiên đây không phải là công trình riêng của Võ Văn Kiệt, nhưng trong tư cách là Thủ tướng ông là người rất năng động, cởi mở và hoạt bát trong ngoại giao và rất quyết đoán, nên ông đã đóng góp phần không nhỏ trong các thành công trên. Nhờ vậy ông được lòng nhân dân, tạo được uy tín quốc tế lớn, đặc biệt với Mĩ, EU, Nhật và ASEAN. Ông còn tạo một tin cậy cao trong thành phần cấp tiến trong Đảng, nhất là các cán bộ ở phía Nam và được lòng nhiều giới kinh tế và chuyên viên ở trong nước.
Như trên đã trình bày, ông Kiệt gửi Thư cho Bộ Chính trị vào thời điểm bản Dự thảo Báo cáo Chính trị đã hoàn thành dưới ảnh hưởng lấn át của phe bảo thủ, đứng đầu là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình và Nguyễn Hà Phan và đang chuẩn bị đưa ra Hội nghị trung ương 9 (11/1995) để làm thủ tục thông qua cho hợp lệ. Vậy thì mục tiêu muốn đạt tới qua Thư này của Võ Văn Kiệt là gì ? Muốn thay đổi nội dung một số điểm quan trọng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị ? Muốn đặt lại dự án nhân sự cấp cao của Đại hội 8 ? Hay chỉ muốn tạo một tiếng vang trước khi về hưu ?
Khi ấy ông Kiệt cũng đã 73 tuổi, Đỗ Mười 78 và Lê Đức Anh cũng đã 75. Tức là tới tuổi về hưu từ lâu. Có nguồn tin cho biết, sức khỏe của Lê Đức Anh khi ấy đã rất yếu. Riêng Đỗ Mười đã tính sẽ rút lui. Cặp bài trùng đang lên vào thời điểm từ sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1/1994) là Đào Duy Tùng (sinh 1924) và Nguyễn Hà Phan (1933), một người phụ trách công tác đảng, người kia lo lãnh vực kinh tế (xem phần sau). Đây không phải là tình cờ mà là có sự chuẩn bị của phe bảo thủ dưới bàn tay đạo diễn của Đỗ Mười. Trong dự án nhân sự đó không có tên của Võ Văn Kiệt, mặc dù có nguồn tin nói là ông Kiệt vẫn muốn ở lại [6] .
***
Có một điều rất rõ ràng là, sau khi Thư gởi Bộ Chính trị bị lộ ra bên ngoài từ đầu tháng 12/1995 thì một số nhân vật ở cấp 2-3 trong Trung ương và thuộc thành phần cực kì bảo thủ đã mở các cuộc tấn công trực diện Võ Văn Kiệt một cách công khai trên các cơ quan báo chí chính của chế độ là Tạp chí cộng sản, Nhân dân và Quân đội nhan dân. Tân Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy Quân ủy Trung ương kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu đã khai hỏa mở đầu cuộc tấn công này. Trên tạp chí Quốc phòng toàn dân -thuộc Bộ Quốc phòng và dưới quyền trực tiếp của Tổng cục Chính trị- số tháng 12/1995 dù không nêu đích danh ông Kiệt, nhưng tướng Phiêu đã lên án rất gay gắt những đòi hỏi bỏ chủ trương "tập trung dân chủ" và dân chủ hóa nội bộ đảng trong Thư gởi Bộ Chính trị của ông Kiệt là "các thế lực thù địch" và "hữu khuynh" :
"Các thế lực thù địch và các khuynh hướng cơ hội hữu khuynh đang tìm cách thâm độc hòng thay đổi đường lối chính trị, đường lối tổ chức và làm biến chất Đảng theo kiểu một đảng xã hội dân chủ" [7] .
Theo Nguyễn Hộ, từng là bạn chiến đấu thân thiết của Võ Văn Kiệt nhưng sau này hai người thù địch nhau, xác nhận Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt đã như "quả bom". Ít ngày sau, tân Ủy viên trung ương và tân Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã tấn công ông Kiệt mạnh hơn nữa về việc ông Kiệt đề nghị bỏ nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ" trong sinh hoạt đảng trong Thư 9/8/1995. Trong Tạp chí Cộng sản số 2, tháng 1/1996 (khi ấy ra 2 số một tháng) ông Trọng đã hằn học phê phán :
"Trong lúc có khuynh hướng muốn hạ thấp ý nghĩa hoặc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã khẳng định dứt khoát giữ vững và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ… Đảng ta cho rằng, thực hiện tập trung dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc của một đảng mác-xít, là một tiêu chí quan trọng để xem đảng có phải là đảng Mác-Lênin chân chính hay không. Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất ; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc" [8] .
Việc công khai kết án rất gay gắt gián tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt về các đòi hỏi trong Thư 9/8/1995 ngay trên tờ tạp chí lí luận của Trung ương Đảng là "phủ nhận Đảng từ bản chất" và "phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc" như thế, trong tư thế mới được vào Trung ương Đảng, chắc chắn tự bản thân Nguyễn Phú Trọng không dám, phải có sự chỉ thị từ cấp cao hơn trong Bộ Chính trị.
Khi ấy Nguyễn Đức Bình có chân cả trong Bộ Chính trị lẫn Ban bí thư và phụ trách công tác tư tưởng nên có ảnh hưởng rất lớn, thuộc cánh bảo thủ và đã từng đi giám sát Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt thăm Âu châu. Vài năm sau khi phe giáo điều nắm lại thế chủ động trong Bộ Chính trị, ông Bình đã thuật lại khá rõ các giai đoan hai phe bảo thủ và cấp tiến trong Bộ Chính trị chống phá nhau kịch liệt như thế nào :
"Nó rộ lên vào những năm 1987-88 khi mà thế Goóc-ba-chốp còn lên. Nó bị đập mạnh một cú năm 1989 trong Hội nghị trung ương 7 rồi Trung ương 8 (khóa VI) [ám chỉ các cuộc chống đối của Trần Xuân Bách và Trung tướng Trần Độ khi ấy ?]…
Thật ra họ không thay đổi quan điểm cơ bản. Có kẻ còn trở nên "kiên định" hơn. Họ mưu tìm chiến thuật mới, chờ kết quả thay đổi nhân sự qua Đại hội VIII và sau Đại hội. Cách tốt nhất theo họ là êm dịu chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên ; là lùi một bước để tiến hai bước, là thừa nhận để từng bước phủ nhận, là phủ nhận từ từ từng phần đến toàn bộ, đối với Đảng cũng vậy, đối với chủ nghĩa cũng vậy, đối với con đừơng xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Họ chủ trương đề bạt kiến nghị, trao đổi, gặp gỡ, đối thoại, ra vẻ "hành động trong tổ chức", nhưng lại cố ý công khai hóa ra bên ngòai để tạo áp lực, gây thanh thế, tập hợp lực lượng, đòi hỏi Đảng nhân nhượng, tiến tới "hội thảo chính trị lớn" kiểu "bàn tròn", kiểu "Tiểu Diên hồng" [9] [Ám chỉ rằng, Võ Văn Kiệt cố tình để lộ thư ngày 9/8/1995 gởi Bộ Chính trị và cuộc vận động của Hoàng Minh Chính khi ấy ?].
Cuộc phản kích của cánh bảo thủ chung quanh Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Đào Duy Tùng chống Võ Văn Kiệt tiếp tục rộ lên vào thời điểm trước Đại hội 8 không còn xa. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Ủy viên trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị -dưới quyền của Lê Khả Phiêu- đã còn thẳng thừng hơn nữa trong việc kết án Võ Văn Kiệt, khi ấy Thư gởi Bộ Chính trị đã lọt ra bên ngoài không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở nước ngoài. Trong tạp chí Quốc Phòng oàn Dân số 1/1996, dù tướng Khánh không nêu tên ông Kiệt, nhưng các điểm kết án gay gắt lại chính là những điểm trong Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt, gọi đó là "trùng hợp với luận điểm của bọn phản bội và thủ đoạn chống phá ta của đế quốc Mĩ" :
"Xu hướng cơ hội hữu khuynh trước đây chỉ xuất hiện trên từng mặt, từng vấn đề ; nay đã hình thành một hệ thống quan điểm, tư tưởng, được in ấn và tán phát nhiều nơi, có nhiều điểm trùng hợp với luận điểm của bọn phản bội và thủ đoạn chống phá ta của đế quốc Mĩ và các thế lực thù địch.
Sau đây xin vạch ra mấy điểm chủ yếu của những quan điểm đó :
- Phủ nhận các mâu thuẫn vốn có của thời đại, xóa nhòa ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Tư bản, giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc bị áp bức, giữa bóc lột và bị bóc lột.
- Nhận thức mơ hồ về "dân chủ đa nguyên" ; hiểu nhà nước pháp quyền thoát li quan điểm giai cấp, ca ngợi nền "dân chủ đa đảng", "chế độ tự do dân chủ phương Tây".
- Phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng" [10] .
Dường như biết là phe bảo thủ đang tấn công mình vào thời điểm quyết định mô hình nhân sự của Đại hội 8, nhưng Võ Văn Kiệt vẫn không dừng lại với Thư gởi Bộ Chính trị mà còn tìm cách ảnh hưởng lên Quốc hội. Nên ngày 12/03/1996 Võ Văn Kiệt lại nói tại kì họp thứ 9 Quốc hội khóa 9. Trong nhiều đoạn của diễn văn dài ông đã khéo léo nhắc lại một số quan điểm của ông trong Thư gởi Bộ Chính trị liên quan tới khuyến khích kinh tế tư nhân và chống lại kinh tế quốc doanh :
"Tôi xin đề nghị Quốc hội suy nghĩ, góp ý kiến với chính phủ những biện pháp xử lí tích cực nhất ! Tôi nghĩ rằng, một mặt cần tìm cách nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng những nguồn chi ngân sách, đồng thời phải huy động mọi nguồn lực trong dân thực hiện tốt hơn nữa chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm. Chúng ta cho phép người nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT thì lại càng phải khuyến khích nhân dân và những nhà đầu tư trong nước làm việc này…" [11] .
Chỉ hai ngày sau diễn văn trước Quốc hội của Võ Văn Kiệt, tại Đại hội đảng bộ Học viện chính trị-quân sự -nơi huấn luyện chính trị và tư tưởng cho các cấp sĩ quan trung và cao cấp- chuẩn bị cho Đại hội 8, Lê Khả Phiêu đã phản công lần thứ 2 một cách có hệ thống toàn bộ những vấn đề mà Võ Văn Kiệt đã nêu ra trong Thư gởi Bộ Chính trị 9/8/1995. Trong một diễn văn dài nửa trang báo Nhân Dân, sau khi chỉ trích cuộc vận động đang rộ lên trong đảng khi ấy của một số trí thức tiến bộ đã khuyên đảng nên cải tổ theo khuynh hướng các đảng dân chủ xã hội như nhiều nước Bắc và Tây Âu, ông Phiêu kết án đó là "cải lương", "xét lại" và "từ bỏ đấu tranh cách mạng" ; tiếp đó ông đánh thẳng vào nhân vật chính muốn nhắm tới. Tuy không nêu tên Võ Văn Kiệt, nhưng các phần kết án của ông Phiêu đã hầu như đi vào từng điểm chính trong Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt. Ở phần mở đầu Thư ông Kiệt đã đặt lại vấn đề tình hình thế giới và tương quan lực lượng thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ và tới phần cuối Thư ông yêu cầu phải dân chủ hóa nội bộ đảng. Lê Khả Phiêu đã tấn công Võ Văn Kiệt :
"Không phải không có người muốn muốn "giã từ hệ tư tưởng" mà thực chất là giã từ hệ tư tưởng Mác-Lênin để rơi vào hệ tư tưởng khác ; muốn "phi tư tưởng hóa", coi việc phân chia ra ranh giới giữa hai chế độ tư bản và xã hội chủ nghĩa là một cái gì xơ cứng, giáo điều, gây trở ngại cho việc nước ta hòa nhập vào thế giới và giầu lên cùng với thế giới đó… Người ta cho rằng, đất nước ta hiện nay chỉ cần "độc lập và dân chủ", chỉ cần "độc lập và phát triển" chứ chẳng cần định hướng phát triển nào, nhất là định hướng xã hội chủ nghĩa".
Nếu đối chiếu lời kế án trên của Lê Khả Phiêu thì rõ ràng là ám chỉ Võ Văn Kiệt. Như đã trình bày ở phần trên, trong Thư gởi Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt đã cho rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ tình hình thế giới đã thay đổi toàn diện nên ông mạnh bạo chống lại quan điểm bảo thủ vẫn bênh vực về quan điểm giai cấp đấu tranh và tính đối kháng giữa Cộng sản và Tư bản :
"Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi bật nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế giới".
Thế rồi Lê Khả Phiêu còn nêu việc ông Kiệt đòi từ bỏ nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ" vì nó phản dân chủ và kết án rất gay gắt :
"Cần phải chỉ ra rằng, bên cạnh những cuộc tiến công vào hệ tư tưởng, vào đường lối chính trị của Đảng ta, cuộc tiến công vào tổ chức của Đảng ta : Tiến công vào nguyên tắc tổ chức, cơ cấu tổ chức và cơ chế lãnh đạo của Đảng ta là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sinh mệnh của Đảng ta với tính chất là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp và dân tộc trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng, tập trung sẽ dẫn tới quan liêu, độc đoán, chỉ cần dân chủ là được ! " [12] .
Câu hỏi ở đây là, khi nói "có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ" Lê Khả Phiêu đã muốn ám chỉ ai ? Rõ ràng là chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu việc này trong Thư gởi Bộ Chính trị và đúng vào thời điểm này dư luận về thư này đang dội lên rất mạnh cả trong đảng, nhiều giới ở trong nước và cả quốc tế ! Mặc dầu bài diễn văn quan trọng này của Lê Khả Phiêu mãi tới gần hai tuần sau mới được phổ biến trên tờ Nhân Dân. Việc này cho thấy cánh bảo thủ đã cân nhắc và quyết định tung ra vào giữa lúc vấn đề nhân sự ở cao của Đại hội 8 đang vào giai đoạn quyết liệt.
Song song với việc tấn công trực diện Võ văn Kiệt trên các cơ quan ngôn luận chính của Đảng để ngăn ngừa những bất trắc có thể xẩy ra trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội 8, trong thời gian này họ còn dựng lên vụ án "chiếm đoạt bí mật Nhà nước" để giam giữ ba nhà đấu tranh dân chủ có uy tín ở trong và ngoài nước là các ông Hồng Hà, Nguyễn Kiên Giang và Hà Sĩ Phu vào dịp cuối năm 1995 để khủng bố và đe dọa các cuộc vận động dân chủ ở trong đảng và ngoài xã hội. Ba người này đã bị kết án là đã giữ các bản sao Thư gởi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Riêng với Hà Sĩ Phu họ còn để công an dàn dựng ra tai nạn xe ở Hà Nội để cướp giật cái túi của Hà Sĩ Phu với một số tài liệu. Mãi tới sau khi Đại hội 8 ba Nhà Dân chủ mới bị đưa ra Tòa án Nhân dân xử kín với các bản án từ Lê Hồng Hà 2 năm tù giam, Hà Sĩ Phu 12 tháng tù giam và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù cho hưởng án treo với lí do "đã có hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước" [13] .
Âu Dương Thệ
Nguồn : Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !, từ trang 137-149)
Chú thích :
[1] Tác giả đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Văn Hảo tại Paris đầu thập niên 80
[2] Theo cựu Đại sứ Nguyễn Trung, trợ lí của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là một người chính soạn thảo Thư này ; Nguyễn Trung, Tôi làm "chính trị"- Những kỉ niệm và trăn trở, Hồi kí, 2018, tr. 67 & tiếp theo ; Các đoạn trích trên đây trong Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt
[3] Các ý kiến liên quan tới Thư của Võ Văn Kiệt
[4] Thư của Võ Văn Kiệt bị lộ ra ngoài vào cuối năm 1995.
[5] Nguyễn Trung, "Vì sao có thư của ông Võ Văn Kiệt ?", BBC, 10/08/2015
[6] Huy Đức, "Bên thắng cuộc", Chương XIX : Đại hội VIII, mục Vụ án Nguyễn Hà Phan
[7] Quốc phòng Toàn dân, số 12/1995, tr.9
[8] Tạp chí Cộng sản, số 2, tháng 1/1996, tr.26
[9] Nguyễn Đức Bình, "Xây dựng đảng về tư tửơng chính trị", Tạp chí Cộng sản, số 5, 3.99, tr. 9 ; Trần Thế Dương, "Tư duy của lãnh đạo đã đổi mới ?", Dân chủ & Phát triển, số 27, 12/2003, tr.8-13
[10] Quốc phòng Toàn dân, số 1/1996, tr.7
[11] Nhân Dân, 13/3/1996
[12] Lê Khả Phiêu, Nhân Dân, 25/3/1996
[13] Đơn khiếu nại của bà Đặng thị Thanh Biên (vợ Hà Sĩ Phu) ngày 30/09/1996 ; Hoàng Tiến, "Về việc ông Hà sĩ Phu bị bắt", 6/11/1996 http://www.hasiphu.com/
*************************
Phần II
Ba ông "cố vấn" và giải pháp Lê Khả Phiêu
Cuộc tranh chấp quyền lực giữa cánh Đỗ Mười-Lê Đức Anh với Võ Văn Kiệt dẫn tới khủng hoảng trầm trọng về nhân sự trong Đại hội 8 qua việc mô hình nhân sự Đào Duy Tùng-Nguyễn Hà Phan bị tan vỡ ngoài dự tính của Đỗ Mười-Lê Đức Anh. Việc này tạo ra một lỗ hổng chính trị rất lớn ở cấp cao nhất. Vì cả hai người này đều đã quá già không thể đảm nhiệm chức vụ lâu được nữa, đặc biệt sức khỏe của Lê Đức Anh rất sa sút, nhưng mặt khác chưa có những người có thể thay thế họ ngay. Chính lỗ hổng chính trị này cũng gây nên những giành giật quyền hành ngay trong nội bộ cánh bảo thủ.
Liền sau Đại hội 8 kết thúc có những tín hiệu cho thấy chiều hướng này. Mô hình Ban thường vụ Bộ Chính trị và chính phủ mới do Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan dự tính đã tan vỡ nên giải pháp vá víu vào phút chót phải đưa Lê Khả Phiêu làm người chính trong Ban thường vụ Bộ Chính trị chưa thuyết phục được ở trung ương. Trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/1996 tuy Lê Khả Phiêu được xếp ngồi cạnh Đỗ Mười để muốn bắn tin cho dư luận biết là ai sẽ là người kế vị Đỗ Mười [14] . Nhưng chính vào thời điểm đó lại cho thấy, Lê Khả Phiêu cũng còn phải tranh giành với một số nhân vật ngay trong Quân đội. Cuối tháng 9 đầu tháng 10/1996 đoàn cán bộ lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội Lào thăm Việt Nam do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Lào cầm đầu, một nước cộng sản có quan hệ đặc biệt với cộng sản Việt Nam. Theo nguyên tắc ngoại giao vẫn được Hà Nội đặt trọng là, người trưởng phái đoàn phía Việt Nam phải là người có chức vụ tương đương với trưởng phái đoàn ngoại quốc tới thăm. Nhưng khi tường thuật cuộc hội đàm của hai phái đoàn thì tờ Nhân dân chỉ ghi là đã hội đàm với "Tổng cục Chính trị" Quân đội Nhân dân Việt Nam và không nêu tên Lê Khả Phiêu hoặc các phụ tá của ông. Mặc dầu trước đó đoàn này đã được cả Đỗ Mười và Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê tiếp [15] . Lí do nào khiến cho Lê Khả Phiêu vắng mặt, vì đau ốm hay vì vào lúc đó Lê Khả Phiêu không còn nắm chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ?
Sự kiện thứ hai quan trọng hơn : Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng họp "Hội nghị quân chính toàn quân" trong ba ngày từ 9-11/10/1996 cho gần 400 sĩ quan cao cấp lãnh đạo quân khu, quân chủng, binh đoàn, học viện và các cơ quan của Bộ Quốc phòng để truyền đạt các nghị quyết Đại hội 8. Nhưng chỉ một mình Đoàn Khuê, ủy viên Bộ Chính trị và bộ trưởng Quốc phòng, chủ trì hội nghị. Trong khi đó ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu lại vắng mặt. Hội nghị quan trọng như thế nhưng Tổng bí thư Đỗ Mười với tư cách là Bí thư Quân ủy trung ương và Chủ tịch nước Lê Đức Anh kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cũng không dự và cũng không gởi điện chúc mừng. Trong diễn văn Đoàn Khuê đã cho biết "Hội nghị này nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn quân để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của đảng vào cuộc sống" [16] . Gián tiếp Đoàn Khuê đã cho thấy, trước và sau Đại hội 8 đang có rạn nứt trong quân đội, đang có tranh chấp quyền hành giữa một số tướng lãnh. Vào thời điểm đó có những tin cho biết, Đoàn Khuê đang nhòm ngó chức Chủ tịch nước của Lê Đức Anh. Trước Đại hội 8 ít tuần, Thượng tướng Trần Văn Trà -nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phó tư lệnh quân Giải phóng miền Nam và Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn (sau 1975)- mất ngày 20/4/1996, nhưng không thành lập ban tang lễ như thường lệ. Chỉ có Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Linh viếng ông tại Thành phố Hồ Chí Minh [17] .
Sự tranh giành quyền lực giữa hai tướng Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu vẫn tiếp tục tới đầu 1997. Hai ngày trước dịp kỉ niệm "50 năm ngày truyền thống ngành chính sách quân đội" (26/2/1947 - 26/2/1997) Cục Chính sách Bộ Quốc phòng tổ chức lễ long trọng. Đoàn Khuê vắng mặt, nhưng Lê Khả Phiêu tham dự một mình và đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người đỡ đầu Lê Khả Phiêu. Vào chính ngày kỉ niệm Đoàn Khuê cũng cho tổ chức một buổi lễ long trọng và chính Đoàn Khuê trao huân chương Quân công cho ngành này. Đặc biệt đáng lưu ý là nhân dịp đó Đoàn Khuê đã mời các cựu bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và cựu Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Chu Huy Mân tới dự. Ai cũng biết, Lê Đức Anh không thích Võ Nguyên Giáp và vài năm trước chính Lê Đức Anh đã tìm cách loại Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân để chiếm Bộ Quốc phòng và để Lê Khả Phiêu thay Chu Huy Mân làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị [18] .
Mặt trận thứ hai phe Đỗ Mười và Lê Đức Anh phải đối phó tiếp tục trong lúc này là Võ Văn Kiệt. Đặc biệt sau khi Võ Văn Kiệt bẽ gẫy bất ngờ giải pháp nhân sự Đào Duy Tùng-Nguyễn Hà Phan vào phút chót đã làm Đỗ Mười và cánh bảo thủ rất cay cú. Đối với họ, Võ Văn Kiệt vẫn là cái gai nguy hiểm cần phải nhổ đi. Vì thế liền sau Đại hội 8 một số nhân vật đã liên tục tung ra nhiều bài trên cơ quan lí tuận và tư tưởng của Trung ương Đảng, tờ Tạp chí Cộng sản, luân phiên tấn công Võ Văn Kiệt. Liền sau khi Đại hội 8 kết thúc ít ngày Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Tiến Hải (một bút hiệu) đã mở màn hiệp hai tấn công Võ Văn Kiệt. Trong Tạp chí Cộng sản số 14, tháng 7/1996 Tiến Hải lại chĩa mũi chỉ trích với những ngôn ngữ kết án mạnh việc ông Kiệt trong Thư gởi Bộ Chính trị 9/8/1995 đề nghị từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ :
"Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức sinh hoạt đảng, nằm ngay trong bản chất của đảng, là một tiêu chí để phân biệt đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng khác. Phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận đảng từ bản chất. Xóa bỏ nguyên tắc này là phá hoại sức mạnh của đảng từ gốc. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu và lúc nào đảng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì đảng không còn sức mạnh (hoặc rơi vào độc đoán chuyên quyền, hoặc trở thành câu lạc bộ mở đường cho chủ nghĩa cơ hội, bè phái vô chính phủ đủ loại hoạt động, cuối cùng làm tan rã đảng về tổ chức, cũng tức là thủ tiêu bản thân đảng). Kẻ địch đang rất muốn và thường xuyên kích động chúng ta làm điều đó. Thực tế đã có không ít Đảng cộng sản bị rối loạn hoặc tan rã chỉ vì hạ thấp nguyên tắc tập trung dân chủ, sa vào cái bẫy "đa nguyên, đa đảng" [19] .
Trong Tạp chí Cộng sản số 20 (10/1996) Tiến Hải còn kết án rõ hơn nữa, nêu ra câu hỏi ai là người tung luận điệu chống tập trung dân chủ và phá hoại đoàn kết trong đảng ? Theo ông, đó là "những cán bộ lãnh đạo chủ chốt". Vì thế Phó Tổng biên tập Tạp chí tư tưởng và lí luận của Trung ương Đảng đã đòi "phải xử lí kịp thời, nghiêm khắc" nghĩa là "phải thay đổi ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu".[20] Dùng ngôn ngữ chỉ trích gay gắt và lối lí luận kết tội Võ Văn Kiệt như thế có khác nào khuyến cáo ông Kiệt nên ra khỏi đảng bằng cách này hay cách khác, đồng thời ủng hộ cho giải pháp để Võ Văn Kiệt thôi làm Thủ tướng.
Cũng trên Tạp chí Cộng sản số 19 (10/1996) Trung tướng Giáo sư Trần Xuân Trường, Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, cơ quan đào tạo sĩ quan cấp cao về chính trị của Quân đội Nhân dân và trực tiếp dưới quyền Tổng cục Chính trị của Lê Khả Phiêu, cho biết có những khác biệt lập trường trong nhiều vấn đề cơ bản :
"Những sự khác nhau đó không chỉ trên những vấn đề cụ thể, mà trên cả một số vấn đề cơ bản có ảnh hưởng đến việc hiểu và thực hiện đường lối của đảng, liên quan tới định hướng phát triển của đất nước" (tr.21).
Tiếp theo tướng Trường nói rõ hơn, khác biệt nằm ở lãnh vực nào :
"Trong khi quan điểm của đảng là phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng phải coi trọng xây dựng kinh tế quốc doanh và hợp tác xã để quốc doanh đóng vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế hợp tác xã là nền tảng nền kinh tế quốc dân, thì không thể truyền bá quan điểm cho rằng, chỉ có mở rộng tối đa kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, thu hẹp kinh tế quốc doanh đến mức tối thiểu thì mới hòa nhập được vào kinh tế thế giới, khắc phục được sự tụt hậu của mình" (tr. 22).
Rõ ràng những chỉ trích trên đây là nhắm vào nội dung Thư gởi Bộ Chính trị của Võ Văn Kiệt. Vì vậy Trần Xuân Trường đòi :
"Về những vấn đề lí luận có liên quan trực tiếp đến sự thống nhất ý chí và hành động thực hiện đường lối của đảng thì cần phải có cách xử sự khác. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa vô nguyên tắc. Cơ quan lãnh đạo của đảng cần chỉ ra những vấn đề gì được tiếp tục thảo luận rộng rãi, những vấn đề gì phải nói và làm thống nhất theo một định hướng tư tưởng chính trị đã được xác định (tr.21).
Cuối cùng Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội đã đi đến kết luận đanh thép :
"Thực tiễn chứng tỏ, trên vấn đề hệ tư tưởng, không thể có bất cứ sự thỏa hiệp nào. Chúng ta cần và có thể tiếp thu một cách có phê phán những yếu tố tiến bộ đúng đắn của những trào lưu ngoài Ma-xit để làm giầu cho mình, nhưng không thể có nhượng bộ thỏa hiệp về quan điểm và lập trường tư tưởng, không thể dung hòa quan điểm đúng với quan điểm sai trái. Sự dung hòa và thỏa hiệp đó chỉ có hại, làm hỗn loạn chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng" (tr.22) [21] .
Trên tạp chí Quốc Phòng oàn Dân số 11/1996 Thượng tướng Đặng Vũ hiệp, phụ tá của Lê Khả Phiêu, tuy không nêu đích danh cũng kết án Võ Văn Kiệt có "quan điểm thù địch phủ nhận và hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng".[22] Cả Vũ ngọc Lân, bút hiệu của một cán bộ cấp cao, đã viết bài "Nguyên tắc tập trung dân chủ-một biểu hiện sức sống của đảng" trên Tạp chí Cộng sản số cuối năm 1996, còn kết án Võ Văn Kiệt thẳng hơn nữa về việc ông Kiệt trong Thư gởi Bộ Chính trị đòi bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ :
"Lâu nay các thế lực thù địch luôn luôn tập trung sức tấn công nhằm phủ nhận, phê phán, xuyên tác nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc rất cơ bản của Đảng cộng sản. Bọn chúng thường cho rằng : Nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay đã lỗi thời ; cái gọi là "dân chủ" chỉ là "hình thức và lí thuyết", còn thực tế là "độc đoán", "chuyên quyền" của một trung tâm ; trong nguyên tắc này, không thể có sự tồn tại, "chung sống" giữa tập trung với dân chủ, "nhốt" chung vào một "rọ" chúng sẽ "giết chết" lẫn nhau, mà cụ thể là cái tập trung sẽ "giết chết" cái dân chủ" [23] .
Việc để một số tướng và một số nhà lí luận cấp cao viết nhiều bài liên tiếp trong nhiều tháng liền sau Đại hội 8 trên hai tạp chí hàng đầu của đảng là Tạp chí Cộng sản và Quốc Phòng oàn Dân đã chứng tỏ Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu đã có chủ ý rất rõ ràng là hạ uy thế của Võ Văn Kiệt và cô lập vây cánh của ông trong đảng với mục tiêu là cưỡng bức ông phải rời vai trò làm Thủ tướng.
Việc đánh thành phần cấp tiến chung quanh Võ Văn Kiệt và tranh giành quyền lực ngay trong cánh bảo thủ giữa Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu diễn ra đúng vào lúc Lê Đức Anh đau nặng và cuộc nổi dậy của nông dân cũng như cán bộ về hưu ở Thái bình cùng nạn đói lại xuất hiện ít nhất trên 15 tỉnh vào đầu năm 1997, do hậu quả của nạn lũ lụt ở đồng bằng Cửu long và cả miền Bắc vào hè-thu năm trước. Từ sau Đại hội 8 hầu như Lê Đức Anh đã không xuất hiện. Trong dịp đón tiếp Tổng thống Nam Hàn Đỗ Mười đã phải đóng vai Chủ tịch nước vì Lê Đức Anh đau [24] . Nhiều dịp quan trọng khác cũng không thấy Lê Đức Anh xuất hiện, như lễ Kỉ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (12/1946-12/1996) và dịp Nguyễn Hữu Thọ mất cuối 12/1996 [25] . Mãi tới đầu tháng 2/1997 vào dịp sinh nhật bát tuần của Đỗ Mười mới đưa tin và ảnh là "Lê Đức Anh đang bình phục" và Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu thăm [26] . Cũng vào dịp này Đào Duy Tùng được trao tặng Huy hiệu 50 tuổi đảng, nhưng không đưa hình và cũng không phát biểu, có lẽ ốm nặng [27] . Mãi tới kì họp thứ 11 của Quốc hội vào đầu tháng 4/1997 mới thấy Lê Đức Anh xuất hiện bên cạnh Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Nông Đức Mạnh [28] .
Đáng chú ý là, trong dịp này Võ Văn Kiệt đã không đọc báo cáo trước Quốc hội với tư cách là Thủ tướng như thường lệ, Phan Văn Khải đã đọc thay. Tiếp theo đó trong cuộc họp nội các vào 28-29/5 Võ Văn Kiệt vừa từ Hung trở về sáng 29/5 nhưng không dự, trong khi đó Trần Xuân Giá trong phái đoàn của Võ Văn Kiệt trở về đã tham dự ngày chót họp nội các [29] . Giữa tháng 6 Hội nghị trung ương 3 đã họp trong 10 ngày để bàn về "công tác cán bộ" [30] . Vài ngày sau công bố danh sách 664 ứng cử viên Quốc hội khóa 10, nhưng cả ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt không có tên trong danh sách. Như vậy có nghĩa là, theo Hiến pháp Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt sẽ không ra tái tranh cử Chủ tịch nước và Thủ tướng trong nhiệm kì tới [31] . Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước và Thủ tướng được bầu từ các đại biểu của Quốc hội.
Cùng với việc thoái lui của ba nhân vật trên, người ta thấy cũng trong thời gian này vị thế và vai trò của Lê Khả Phiêu lên cao rất mạnh. Rõ rệt nhất tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc về công tác chính trị nội bộ và nghiên cứu Nghị quyết 8 họp ngày 26-29/12/1996 cho 330 bí thư, phó bí thư tỉnh-thành, ban cán sự, đảng ủy khối, trưởng và phó các ban trung ương đã do một mình Lê Khả Phiêu chủ trì, Đỗ Mười tới phát biểu ý kiến, trong đó ghi thêm chức vụ mới của Lê Khả Phiêu là Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ [32] . Đặc biệt tờ Nhân dân xếp phần nói của Lê Khả Phiêu trước Đỗ Mười và dùng các từ ngữ "phân tích sâu sắc" cho Lê Khả Phiêu, trong khi ấy chỉ dùng từ "biểu dương" khi nói tới phát biểu của Đỗ Mười. Tiếp đó, sau Tết Đinh Sửu Lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội 8 được các ban Tư tưởng Văn hóa, Tổ chức và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cho gần 700 cán bộ lãnh đạo các ban, ngành ở trung ương, các tỉnh-thành trên toàn quốc. Nguyễn Đức Bình, phụ trách "công tác tư tưởng văn hóa và khoa giáo trung ương" và tân Trưởng ban Tổ chức trung ương Nguyễn Văn An đồng chủ trì hội nghị, nhưng Lê Khả Phiêu là người phát biểu chính.
Đây có lẽ là việc chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 3 sắp tới về công tác cán bộ ở cấp cao, đồng thời để cho dư luận trong và ngoài đảng hiểu là, Lê Khả Phiêu đã nắm chủ động. Điều này cho thấy, sau một số tháng tranh giành quyền lực thì vào thời điểm đó Lê Khả Phiêu đã thắng các đối thủ chính trị trong đảng, không chỉ với phe cấp tiến mà ngay trong nội bộ phe bảo thủ, do sự ủng hộ của Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Để chứng tỏ là người có uy quyền nên trong diễn văn quan trọng này Lê Khả Phiêu đã dùng cả ngôn ngữ kẻ cả, ra lệnh chấm dứt các tranh cãi trong nội bộ và phải thi hành các Nghị quyết của Đại hội 8 :
"Đối với cán bộ lãnh đạo của đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao, yêu cầu đó đặt ra càng cao [ý ở đây là "thống nhất tư tưởng và hành động"]. Vì vậy Bộ Chính trị quyết định bồi dưỡng cho các đồng chí tại lớp học này một số vấn đề mấu chốt nhất, về tri thức lí luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc… để giúp hiểu sâu thêm cơ sở lí luận của đường lối, đồng thời với việc nghiên cứu có hệ thống đường lối, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra. Qua đó nâng cao bản chất chính trị, sự vững vàng về quan điểm lập trường, nâng cao niềm tin có cơ sở khoa học, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của đảng" [33] .
Nếu theo dõi quan lộ của Lê Khả Phiêu thì thấy, chỉ trong một vài năm từ một tiểu tướng vô danh ông đã trở thành một người có quyền lực lớn nhất từ đầu 1997. Cho tới giữa thập niên 80 Lê Khả Phiêu mới chỉ có quân hàm Thiếu tướng và phụ tá của tướng Lê Đức Anh trong chiến trường Campuchia. Nhưng từ khi Lê Đức Anh có quyền lực mạnh thì Lê Khả Phiêu cũng được giao cho những vai trò quan trọng. Đáng để ý là trong thời gian quyền hành của cặp Lê Đức Anh-Lê Khả Phiêu vươn lên thì cũng xẩy ra những cái chết bí hiểm và nhiều biến động trong quân đội. Sau cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của hai đại tướng có uy tín cao trong quân đội lúc đó là Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, tới việc hai đại tướng Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân, đương kim bộ trưởng Quốc phòng và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, không được cử làm đại biểu dự Đại hội 6 (12/1986). Sau nhờ sự vận động của một số ủy viên Bộ Chính trị nên ông Dũng được cử làm đại biểu dự khuyết. Lê Đức Anh đã được bầu vào Bộ Chính trị và thay Văn Tiến Dũng làm bộ trưởng Quốc phòng. Lê Khả Phiêu được chỉ định làm Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, rồi được bầu làm Ủy viên Trung ương tại Đại hội 7 (1991) và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, một chức vụ rất quan trọng trong quân đội. Chỉ một năm sau Lê Khả Phiêu được cử vào Ban bí thư và phụ trách lãnh vực an ninh nội chính. Đây là lãnh vực rất quan trọng, nó kiểm soát an ninh ở cấp cao nhất (Bộ Chính trị, Ban bí thư, Trung ương Đảng). Cũng vào thời gian này Lê Đức Anh nắm chức Chủ tịch nước. Tại Hội nghị trung ương 6 chuẩn bị cho Hội nghị Đại biểu toàn quốc (1/1994) Lê Khả Phiêu được bầu bổ túc vào Bộ Chính trị. Như vậy chỉ nội ba năm Lê Khả Phiêu đã từ một tiểu tướng trở thành một người có quyền lực rất lớn cùng với quyền bính lên cao của Lê Đức Anh, người phù trợ Lê Khả Phiêu [34] .
Vào thời điểm đầu 1997 một mình Lê Khả Phiêu nắm rất nhiều chức vụ : Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự trung ương –cơ quan tối cao của Quân đội Nhân dân, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương (các ngành nội chính, nội vụ, thanh tra, kiểm sát, tư pháp, tòa án và hải quan). Có thể nói từ trước tới nay trong Đảng cộng sản Việt Nam chưa có một nhân vật nào –kể cả Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ- cùng một lúc lại nắm nhiều chức vụ quan trọng như Lê Khả Phiêu. Điều này phản ảnh sự tham quyền và tính đa nghi của Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh.
Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội Khóa 10 vào cuối tháng 9/1997 đã bầu lại các cơ quan nhà nước. Trần Đức Lương thay Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, Nông Đức Mạnh thân tín của Đỗ Mười vẫn tiếp tục làm Chủ tịch Quốc hội, Phan Văn Khải thay Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng và thành lập chính phủ mới, trong đó số PThủ tướng từ 3 tăng lên 5. Đây là cách giảm quyền hành của Phan Văn Khải [35] . Cũng vào thời điểm này một số nguồn tin cho biết, có thể Nguyễn Văn An hoặc Nông Đức Mạnh sẽ thay Đỗ Mười làm Tổng bí thư [36] . Nhưng tại Hội nghị trung ương 4 vào cuối tháng 12/1997 (22-29/12/ 1997) thì Lê Khả Phiêu đã chính thức trở thành Tổng bí thư. Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công thôi "cố vấn Ban chấp hành trung ương" và Đỗ Mười, Lê Đức Anh,Võ Văn Kiệt thay. Nhân dịp này ba cựu Cố vấn được trao huy chương Sao vàng ! Đồng thời bầu bổ túc 4 người vào Bộ Chính trị là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Trưởng ban Dân vận Nguyễn Minh Triết, Chánh Văn phòng trung ương đảng Phan Diễn và Phó Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng.
Đáng để ý là, trong diễn văn khai mạc khá dài ngày 22.12 –mãi khi Hội nghị kết thúc mới được công bố- Đỗ Mười không giành một chữ nào cho thấy là Hội nghị trung ương 4 sẽ đưa ra quyết định nhân sự cao nhất, chỉ nói về kinh tế, đặc biệt cả việc nông dân tỉnh Thái bình nổi dậy chống chính quyền địa phương [37] . Vì thế cho tới những ngày đầu của Hội nghị trung ương 4 ngay cả đại đa số các Ủy viên trung ương cũng không biết Đỗ Mười sẽ rút lui và Lê Khả Phiêu sẽ thay thế. Việc này cho thấy tác phong gia trưởng đối với ngay cả các ủy viên trung ương của một số người có quyền lực cao nhất. Còn nhân dân thì càng bị mù tịt. Điều này chứng minh một số người cầm đầu chế độ toàn trị đã coi công việc của đảng và đất nước như chuyện riêng của họ, không cần bàn bạc trước trong nội bộ đảng và cũng không thèm thông tin cho nhân dân ! Đây chính là cách thể hiện trong thực tế về "dân chủ xã hội chủ nghĩa" và "nguyên tắc lãnh đạo tập thể" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Âu Dương Thệ
Nguồn : Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !,Từ trang 166-173)
Chú thích :
[14] Nhân Dân, 1/9/1996
[15] Nhân Dân, 1-2/10/1996
[16] Nhân Dân, 12/10/1996
[17] Nhân Dân, 23-24/4/1996. Sau khi sách của Trần Văn Trà "Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" xuất bản liền bị nhiều ủy viên Bộ Chính trị chỉ trích, đặc biệt là Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng. Sau đó sách của ông bị tịch thu.
[18] Nhân Dân, 25-27/2/1996
[19] Tiến Hải, "Xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt", Tạp chí Cộng sản, số 14, 7/1996, tr.12
[20] Tạp chí Cộng sản, số 20, 10/1996, tr 15-18
[21] Tạp chí Cộng sản, số 19, 10/1996
[22] Quốc phòng Toàn dân, số 11/1996, tr-20-23
[23] Tạp chí Cộng sản, số 24/1996, tr.9
[24] Nhân Dân, 21/11/1996
[25] Nhân Dân, 18/12/1996 ; 30-31/12/1996
[26] Nhân Dân, 1/2/1997
[27] Nhân Dân, 1/2/1997. Đào Duy Tùng mất giữa tháng 6/1998, Nhân Dân, 14/6/1998
[28] Nhân Dân, 3/4/1997
[29] Nhân Dân, 30/5/1997
[30] Nhân Dân, 11-19/6/1997
[31] Nhân Dân, 23/6/1997
[32] Nhân Dân, 2/1/1997.
[33] Nhân Dân, 18/2/1997
[34] Nguyễn Nam, Phe Lê Khả Phiêu tấn công Võ Văn Kiệt ; Lê Thanh Duy, nội tình phe bảo thủ : Đồng sàng dị mộng ; Nguyễn Thế An, "Thế của Võ Văn Kiệt, Dân chủ & Phát triển, số 9, 5/1997
[35] Nhân Dân, 21, 25, 26, 30/1997
[36] FEER, 29/9/1997, tr.16
[37] Nhân Dân, 23, 30/12/1997
**************************
Phần III
Những người có "quyền uy" chỉ huy những người có "quyền lực"
Cũng như trước Đại hội 8 không lâu đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết thư cho Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 để góp ý. Ông đã nêu ra nhiều đề nghị sửa đổi căn bản về tổ chức nội bộ của Đảng cộng sản, như từ bỏ nguyên tắc "tập trung dân chủ", giới hạn tối đa doanh nghiệp nhà nước tới chính sách ngoại giao độc lập. Đối lại khi ấy Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng và Lê Khả Phiêu đã lên tiếng bài bác và chỉ trích quan điểm của Võ Văn Kiệt, (như đã trinh bầy trong Chương ba, XII).
Trong dịp kỉ niệm 30 năm sau 30/4/1975 và nhất là không lâu trước Đại hội 10, nhiều nhân vật đương quyền hay đã về hưu cũng lại công khai trình bày lập trường và quan điểm đối chọi nhau. Mặc dầu cũng như lần trước, họ không nêu đích danh nhau để tố và phản kích. Ngoài Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, lần này còn có sự tham gia của Lê Đức Anh và Nguyễn Phú Trọng, một ngôi sao chính trị đang lên đã tích cực nhập cuộc tranh luận, nhất là sau khi hai tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Nam Khánh tố cáo những việc tìm cách lộng hành quyền lực và ếm nhẹm các hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng tới Điều lệ đảng.
Trong dịp kỉ niệm 60 năm Cách Mạng Tháng 8 (8/1945-8/2005) trên trang nhất tờ Nhân Dân ngày 29/8/2005 đã phổ biến bài "Đại đoàn kết dân tộc -cội nguồn sức mạnh của chúng ta" của Võ Văn Kiệt. Ngay phần mở đầu ông Kiệt đã ca tụng Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết thời trước 1954. Nhưng liệu Võ Văn Kiệt có thực tình tin thực tâm của người sáng lập Đảng cộng sản hay không, hay chỉ mượn tiếng, mượn danh nghĩa để chống các đồng liêu ? Vì liền đó cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ trích thẳng thắn ngay từ khi Hồ Chí Minh còn đang cầm quyền : "Tiếc rằng một số năm sau tư tưởng Đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc một chiều". Tiếp đó ông liệt kê những chính sách sai lầm trong vấn đề này từ sau khi nắm quyền ở miền Bắc và đặc biệt ở miền nam từ 1975. "Trong các chiến dịch Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã bị đối xử không còn như bạn bè, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế".
Ông Kiệt kể lại thời hoạt động bí mật ở Sài Gòn-Chợ Lớn tiếp xúc với nhiều giới của Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 nhiều giới, kể cả cựu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, muốn sống hòa bình và sinh sống trên quê hương, Mĩ cũng muốn sớm "bình thường hóa". Nhưng theo ông, "rất tiếc là ý thức Đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng-thua, bởi những kì thị ta-ngụy". Tiếp đó cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt liệt kê những sai lầm nghiêm trọng khác của phe chiến thắng :
"Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc tập hợp hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho Cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng. Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lí xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kì thị thành phần… đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.
Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan tới nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải "liều mình nhắm mắt đưa chân". Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó".
Đây chính là thời kì Đỗ Mười thực hiện quyết định của Bộ Chính trị do Lê Duẩn cầm đầu, phát động phong trào đánh "tư sản mại bản" ở miền Nam. Trong khi ở trong nước chủ trương đàn áp và đày ải nhân dân đồng thời phá hủy các động lực phát triển của đất nước ; còn trên bình diện đối ngoại những người có trách nhiệm của chế độ toàn trị -theo Võ Văn Kiệt- vì mù quáng ý thức hệ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội : "Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho Việt Nam lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn, mà thực ra không phải là hoàn toàn không tránh được. Kết quả là Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử".
Rút kinh nghiệm đau thương của Việt Nam và nhiều nước Võ Văn Kiệt đã đưa ra bài học : "Thời bình cũng không khác trong thời chiến về một chân lí muôn thuở : Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối dịch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng…
Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ?...
Ngày nay nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta. Muốn thế cần phải ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở…"[38].
***
Cũng chính vào thời gian không lâu trước Đại hội 10, có lẽ nhằm phê bình thái độ "thái thượng hoàng" của Đỗ Mười đối với Nông Đức Mạnh và Bộ Chính trị, nên Võ Văn Kiệt đã gửi thư dài 19 trang "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn 20 năm đổi mới" tới Bộ Chính trị và Trung ương Đảng vào tháng 2/2005 [39] . Trong thư ông Kiệt đã đi thẳng vào vấn đề rất nổi cộm trong dư luận cả trong đảng lẫn ngoài xã hội, nhưng ít người dám hé miệng phản đối, ngoại trừ Tướng Võ Nguyên Giáp và cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm vài năm trước đã dám đặt thẳng với Bộ Chính trị, đặc biệt là đối với Đỗ Mười và Lê Đức Anh, về thái độ lộng quyền khi ấy của hai người này trong việc ép Lê Khả Phiêu không được tiếp tục làm Tổng bí thư.
Võ Văn Kiệt lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ bất thành văn đang trở thành tệ trạng khiến cho đảng ngày càng bị tê liệt, khiến cho những người lãnh đạo không dám đổi mới thực sự. Vì họ không có thực quyền. Họ chỉ là cánh tay dài của một vài nhân vật tuy không còn quyền lực, không còn giữ một chức vụ gì, nhưng lại vẫn có quyền uy rất cao, rất mạnh. Về hình thức, những người từng giữ các chức vụ cao như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội hay một vài ủy viên Bộ Chính trị quan trọng, khi về hưu sẽ không còn giữ chức vụ gì trong Đảng và Nhà nước và vì thế theo nguyên tắc, họ không còn ảnh hưởng tới những quan chức đương nhiệm. Nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn khác. Dưới chế độ toàn trị ở Việt Nam đầy bưng bít lại kèm theo hủ tục Á Đông đề cao truyền thống đóng cửa bảo nhau, nên những nhân vật này trước sau vẫn có quyền uy lớn và họ thường sử dụng quyền uy này để ảnh hưởng lên các quyết định quan trọng cả trong chính sách lẫn nhân sự. Dưới chế độ khép kín nên qui luật bất thành văn này được người có chức công nhận tự nhiên, hoặc phải thừa nhận nếu muốn tồn tại.
Trong một xã hội toàn trị con người đã được đào tạo theo tâm lí đe dọa và khủng bố "còn đảng còn mình", chỉ vào (đảng) chứ không thể ra (an toàn) được. Nhiều giới trong đảng và xã hội thấy được lối tổ chức bán chính thức này đã thành hình từ nhiều thập kỉ qua nhiều thời đại Tổng bí thư hay Chủ tịch đảng, từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn tới Đỗ Mười… Nhưng mãi tới cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới nói rõ sự hiện diện và cách vận hành của qui luật bất thành văn của cách tổ chức không chính thức đi song hành với cách tổ chức chính thức trong chế độ toàn trị ở Việt Nam.
Trong Thư 19 trang gởi cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ông Kiệt đã có công định nghĩa và phân biệt khá rõ về hai từ "quyền lực" và "quyền uy" ở Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa : "Quyền lực khác với quyền uy. Về nguyên tắc thì những đồng chí chính thức được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành". Như vậy theo Võ Văn Kiệt, những người đang nắm các chức vụ then chốt trong Đảng và Nhà nước là những người có quyền lực, còn những người có quyền uy tuy đã về hưu, nhưng vẫn còn uy thế rất lớn theo kiểu hét ra lửa. Qua kinh nghiệm cá nhân gần như cả cuộc đời hoạt động, trong đó nhiều năm giữ những chức vụ cao trong đảng và chính phủ, nên Võ Văn Kiệt nhìn thấy rất rõ "những quan hệ khắng khít và chằng chịt giữa quyền lực và quyền uy". Theo ông, sở dĩ đi đến tình trạng quyền uy chỉ huy quyền lực "vì những hệ lụy của quyền lực mà họ đang có được, nên đành phải để cho quyền uy chỉ huy". Vì những người có quyền uy chính là người đã nâng đỡ, cất nhắc và bảo hộ họ ; có thể nói là người đỡ đầu đường quan lộ của họ.
Ông Kiệt nhìn nhận tình hình ở Trung ương đồng thời cảnh báo nghiêm khắc, nhất là trong Bộ Chính trị là, "quyền uy tác động không nhỏ đến quyền lực. Đó chính là nguy cơ". Ông giải thích tình trạng này là, nhiều khi những người có quyền lực tuy khác chính kiến ở lãnh vực này hay lãnh vực khác, nhưng vì thiểu bản lãnh, e sợ những người có quyền uy, nên không dám đưa ra quyết định theo hướng của mình mà lại tìm thỏa hiệp. Ông nêu lên thắc mắc, đồng thời cũng là đòi hỏi : "Nhưng tuyệt đối không vì sự nể nang, không để cho bất cứ một quyền uy nào ngăn chặn sự lựa chọn của các đồng chí. Đó chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thỏa mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội". Rồi ông nêu ra giải pháp : "Theo tôi điều quyết định là phải có một cơ chế đảm bảo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có tính chất độc lập cao hơn nữa trong việc lựa chọn, phân tích và quyết định các vấn đề". Tình trạng chỉ đứng làm hư danh, bù nhìn để một vài "thái thượng hoàng" đứng sau giật dây, rõ ràng ở đây Võ Văn Kiệt ám chỉ việc thao túng của Đỗ Mười khi đặt Nông Đức Mạnh vào chức Tổng bí thư tại Đại hội 9 năm 2001.
Tình hình diễn ra rất xấu mang tính bất chính của những người có quyền uy tìm cách ảnh hưởng lên người có quyền lực như tường thuật của Võ Văn Kiệt có thể hiểu theo nhiều mặt, nhờ những sự chiếu cố và cất nhắc của người có quyền lực đương thời, nên từng bước họ nhẩy lên được các địa vị quan trọng để trở thành những người có quyền lực. Vì thế họ chịu ơn, tự nguyện làm vây cánh của người có quyền lực, nên phải tuân phục các mệnh lệnh của "thầy", "chủ", mặc dù những người này đã về hưu.
Quan sát sinh hoạt chính trị ở Việt Nam trong các thập kỉ vừa qua hiện tượng "quyền uy chỉ huy quyền lực" thể hiện ngày càng rõ từ sau khi những người sáng lập của chế độ và có thành tích lớn lần lượt qua đời từ giữa thập niên 80-90. Thế hệ thứ hai thay thế họ như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh… trở thành những người nắm quyền lực mới. Tuy họ gặp hai trở ngại khách quan là khi đó họ cũng đã cao tuổi cuối 60 đầu 70, mặt khác họ không tạo được những thành tích cao như các người tiền bối, phần lớn những nhân vật này trước đó chỉ là "tướng vùng". Tuy nhiên vài người trong số này nuôi tham vọng cao, nên đã tìm cách tạo vây cánh để kéo dài quyền lực và dùng quyền uy để tiếp tục ảnh hưởng cả sau khi họ đã về hưu. Nhờ chế độ toàn trị đã giữ bộ máy độc quyền trên nửa thế kỉ, trong đó vắng bóng toàn bộ các cơ chế nền tảng để kiểm soát quyền lực, nên những người này có thể thực hiện tham vọng của họ.
Yếu tố quan trọng khác đóng góp cho sự hình thành dễ dàng một dạng tổ chức bán chính thức, đó là yếu tố kinh tế - dạ dầy. Trong các chế độ dân chủ, trước khi nhập cuộc vào hoạt động chính trị để trở thành các chính trị gia, hầu hết họ đã có nghề nghiệp hoặc có tài sản. Tức là họ có một cuộc sống độc lập, ổn định về nghề nghiệp và lương bổng, nếu không thành công trong sinh hoạt chính trị thì họ vẫn có thể rút về với nghề cũ hoặc cơ sở kinh doanh của mình hay cha mẹ để lại. Thành thử họ tương đối được tự chủ và độc lập trong các hoạt động chính trị. Tham chính hay trở về đời tư không mang ý nghĩa sống hay chết như ở các xã hội toàn trị, như tại Việt Nam hiện nay. Nhờ độc lập trong sinh kế nên họ có thể bảo toàn được tư cách, đạo đức trong hoạt động chính trị.
Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, chỉ nói tới thành phần cán bộ trung cấp cấp cao trở lên, cho tới gần đây tuyệt đại đa số đều là bộ đội hoặc công an, hay trước đây là thành phần vô sản, bần cố nông. Suốt đời làm nghề lính hàng mấy chục năm, không có nghề chuyên môn, cuộc sống đạm bạc, cái gì cũng phải tùy thuộc vào đảng, còn đảng còn mình. Trong xã hội độc đảng toàn trị thì vào đảng là con đường tiến thân duy nhất để có thể có cuộc sống tốt hơn kể cả vật chất lẫn tinh thần. Vì thế họ chỉ muốn lên chứ không muốn xuống. Mất chức trong đảng là mất hết, tay trắng, trở về thường dân với cuộc sống cơ hàn, bị chung quanh khinh thường, bị công an theo dõi, khó kiếm được một việc làm thích hợp ! Cơ chế chính trị và hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời độc đảng đã nhào nặn ra tầng lớp cán bộ có thái độ và tâm lí như thế. Điều này đã được Đặng Quốc Bảo, cựu Trưởng ban Khoa giáo trung ương, đã nói rõ (xem Chương năm, X).
Trong hoàn cảnh đó, phẩm chất, tư cách và đạo đức không phải là tiêu chuẩn giá trị cao ; nhưng trung thành với lãnh đạo và vâng dạ cấp trên trực tiếp là đường tiến thân và cách bảo vệ nồi cơm an toàn nhất. Làm khác là tự sát và còn gây liên lụy nguy hiểm cho gia đình, bạn hữu. Câu ví von "hi sinh đời bố, củng cố đời con" có thể hiểu nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung lại đều là cách thu vén cho gia đình. Nếu vì tuổi tác hay một lí do nào khác không thể đảm nhận cái ghế đang ngồi thì cũng phải tìm cách cho con cái của mình giữ những chức vụ hái ra tiền, hay ít nhất bảo đảm được cuộc sống. Tình trạng CCCCC (Con cháu các cụ cả) từ thời Lê Duẩn tới Nguyễn Văn Linh và nay biến dạng thành "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ". Đây là tình trạng nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên trung ương kể từ khi Nông Đức Mạnh đứng đầu đảng, Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu chính phủ… đưa các con vào nắm các chức ở các cơ quan đảng, chính quyền ở trung ương và địa phương.
Thế hệ quyền lực thứ 2 này biết trước là vì tuổi tác, họ không thể nắm quyền lực lâu dài được, cho nên họ đã chọn một vài người kế nghiệp theo những cách tính toán riêng của họ. Như Đỗ Mười và Lê Đức Anh lúc đầu đã chọn Lê Khả Phiêu, nhưng giữa chừng phải để Nông Đức Mạnh thế. Còn Võ Văn Kiệt chọn Phan Văn Khải làm người kế vị. Những người có quyền uy này thể hiện ảnh hưởng của họ bằng nhiều cách khác nhau, từ trực tiếp tới gián tiếp. Trực tiếp như Đỗ Mười thường xuyên đi cạnh Lê Khả Phiêu, rồi sau ngồi cạnh Nông Đức Mạnh trong những dịp lễ quan trọng. Như thế để dư luận hiểu là trước sau họ vẫn là người có quyền uy, cầm trịch… Gián tiếp như viết bài trên báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Quân đội Nhân dân… về những vấn đề hoặc chính sách quan trọng để tạo áp lực cần thiết trong các Hội nghị trung ương và Đại hội. Nhưng không phải ảnh hưởng của những người quyền uy đều cao như nhau. Điều này tùy thuộc vào quan hệ và ảnh hưởng cá nhân của họ đối với các người đang có quyền lực.
Trước Đại hội 10 không lâu cả Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã tìm cách dùng quyền uy của mình để gây ảnh hưởng vá áp lực lên Đại hội 10. Nội dung hai Thư của Võ Văn Kiệt tháng 2 và tháng 7/2005 và bài báo của Đỗ Mười trên Nhân Dân 4/11/2005 đã đưa ra những quan điểm đối nghịch nhau trong nhiều lãnh vực, mặc dầu không một lần nào hai người nêu đích danh đối thủ.
Trong khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt xác nhận, trong Đảng cộng sản phe bảo thủ "tả khuynh" từ trước tới nay vẫn khuynh đảo đảng. Mặc dù phe này trong nhiều giai đoạn đã gây ra nhiều sai lầm và tội ác đối với nhân dân : "Có một nghịch lý tai hại thường diễn ra : nếu bị quy là tả thì cùng lắm cũng chỉ bị phê bình, thậm chí không hề bị phê bình, chỉ cần lẳng lặng sữa chữa là xong. Rất nhiều đồng chí trong Đảng ta đã mắc những sai lầm "tả khuynh" nghiêm trọng, nhưng không bị kỷ luật, vẫn giữ được quyền uy bởi được đánh giá "kiên định lập trường cách mạng". Ngược lại, những việc gì mạnh dạn đổi mới, không bằng lòng với cải cách đã đạt được, thì lại rất dễ bị chụp mũ là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản. Ai bị quy kết như vậy thường khó chống đỡ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính trị. Do đó, xu hướng chung của đại đa số hiện nay là : Một mặt thì tuy đã nhận thức được con đường phải đi, mặt khác lại lo ngại những quy kết chệch hướng. Đó là lý do làm cho khuynh hướng bảo thủ tuy không nhiều, nhưng sức hù doạ còn có ảnh hưởng. Bộ phận đổi mới, cải cách tuy chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng đông hơn, nhưng không đủ sức thu hút được đại đa số trước những sự hù doạ chệch hướng, mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội" [Thư 2/2005].
***
Võ Văn Kiệt [Thư tháng 2/2005] đã nêu ra ít nhất 7 giai đoạn "tả khuynh" đã diễn trong Đảng cộng sản từ khi thành lập năm 1930 tới cuối thế kỉ 20. Ông còn dẫn chứng những thiệt hại cho đảng và đất nước rất khủng khiếp trong 7 lần "tả khuynh" :
1. Đó là thời kì "Xô viết Nghệ tĩnh" [1930-31] "dẫn tới thất bại, lực lượng Đảng bị tổn thất nghiêm trọng".
2. Thời kì "Nam kì khởi nghĩa" cũng thế.
3. "Từ 1951 trở đi, xu hướng "tả khuynh" lại có chiều phát triển mạnh do sự tác động của các chuyên gia Trung Quốc. Kết quả là chỉnh đốn tổ chức và cải cách ruộng đất đã làm cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề".
4. "Với Đại hội IV, xu hướng "tả khuynh", chủ quan duy ý chí lại thắng thế để đưa ra những quyết định về đường lối và chủ trương sai. Cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, cải tạo sỹ quan của chính quyền cũ kéo dài quá lâu, đưa dân đi kinh tế mới bằng biện pháp cưỡng bức... Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng và ách tắc, gây những thiệt hại rất lớn cho kinh tế kể từ 1977 trở đi. Thật là đau đớn khi nghĩ lại, sự nghiệp giải phóng dân tộc được hoàn thành trọn vẹn, thành phố Sài Gòn và nhiều thành phố khác ở miền Nam vẫn còn nguyên kết cấu hạ tầng và tiềm năng về kinh tế hàng hoá, thế nhưng hàng vạn người phải bỏ nước ra đi. Hiện tượng "di tản", "thuyền nhân" cần được nhìn nhận như là những vết thương trên cơ thể đất nước, để lại những di chứng trong tâm hồn của không ít đồng bào ta".
5. "Từ 1983, sau khi chỉ mới "hé" cửa, bung ra được một chút, xu hướng giáo điều "tả khuynh" lại muốn gò lại nền kinh tế, với nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương khóa V, lập lại kỷ cương trong phân phối lưu thông, hàng loạt cửa hàng tư nhân đã bị dẹp bỏ, tình trạng ngăn sông cấm chợ lại xuất hiện, cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp lại có xu hướng phục hồi".
6. "Từ sau 1989, sau khi thu được những thắng lợi rất lớn về kinh tế, từ sự sụp đổ của Đông Âu và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô thì xu hướng giáo điều "tả khuynh" lại phục hồi"… "Dưới cái vỏ bọc của lập trường, quan điểm đó, khuynh hướng "tả" đã dẫn đến sự co lại, kìm hãm tiến trình Đổi Mới mà Đại Hội VI đã khởi động".
7. Thời giữa thập niên 90 "đã xuất hiện quan điểm lo ngại Việt Nam tham gia vào ASEAN, bảo lưu ý kiến không tham gia năm 1995. Không ít những người tự coi là lập trường, quan điểm vững gây không ít cản trở cho sự phát triển bằng những lời phát biểu như : "coi chừng chệch hướng", "đổi mới nhưng không đổi màu", "hòa nhập mà không hòa tan"... Hậu quả vô hình, không đo lường được đó còn kéo dài, chỉ phối cho đến nay khiến cho lợi thế cạnh tranh bị sút giảm, nhịp độ tăng trưởng chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển của đất nước ; khoảng cách tụt hậu ngay trong khu vực ASEAN rộng thêm".
Từ đó cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận, coi những giai đoạn "tả khuynh" mới chính là "chệch hướng" rất nghiêm trọng. Kết án này của ông là để phản bác lại những kết án của phe bảo thủ giáo điều trong các thập kỉ gần đây chụp mũ cho tư tưởng đòi đổi mới toàn diện và triệt để trong đảng ; trong đó Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Trần Xuân Bách… đã bị phe bảo thủ kết án là "chệch hướng" và "hữu khuynh", như phản ứng mãnh liệt của phe này sau Thư gởi Bộ Chính trị ngày 7/8/1995 của Võ Văn Kiệt (xem Chương ba, XII).
Đáng chú ý ở đây là, những phê phán trong Thư này của ông Kiệt liên quan tới bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội 10 ; nghĩa là đã chỉ trích trực tiếp Đỗ Mười, một người đang có quyền uy rất lớn và đỡ đầu Nông Đức Mạnh vào lúc đó, tuy không nhắc tới tên. Vì các liệt kê về các trường hợp "tả khuynh" từ Đại hội 4 trở đi tới thập kỉ đầu tiên cùa Thế kỉ 21 có liên quan mật thiết tới vai trò của Đỗ Mười. Trong suốt thời gian 35 năm này, với vai trò ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng, Đỗ Mười đã chỉ huy việc xóa bỏ "tư sản mại bản", phá tan kinh tế tư nhân ở miền Nam từ cuối thập niên 70. Ngăn cản không cho Nguyễn Văn Linh tiếp tục chính sách "đổi mới" sau khi Liên Xô sụp đổ và quay đầu sang Bắc Kinh, Đỗ Mười trong các vai trò Thường trực Ban bí thư, Thủ tướng, Tổng bí thư, Cố vấn và suốt cả chục năm không còn giữ chức vụ trực tiếp trong Đảng và Nhà nước. Qua đó lại càng hiểu thêm, trong thời gian từ Đại hội 6 (1986) tới cuối 1997 đã có nhiều cuộc xung đột mạnh liên quan tới đường lối và chính sách giữa Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, khi ấy cả hai người đều có quyền lực rất mạnh trong đảng và chính phủ. Nhân vật thứ hai cũng bị Võ Văn Kiệt phê phán gián tiếp ở đây là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Vì ông Trọng là người chấp bút chính trong bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội 10 và là ngôi sao chính trị đang lên của phe bảo thủ.
Trong Thư này Võ Văn Kiệt còn nêu hai điểm mấu chốt liên quan tới ý thức hệ Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi dẫn chứng là, ngay các nhóm lãnh đạo Liên Xô trước đây tuy đều nói là theo chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng lại kình chống nhau. Giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng vậy, tuy là hai Đảng cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng lại trở thành đối thủ nguy hiểm với nhau. Từ đó Võ Văn Kiệt khẳng định, chưa có Đảng cộng sản nào, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam, hiểu đúng thế nào là chủ nghĩa Marx-Lenin và theo ông, đây chính là điều rất tai hại…
Ngay cả cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" Võ Văn Kiệt cũng đặt thẳng với các đồng liêu :
"Đã có nhiều công trình nghiên cứu rất tốn kém về chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng hình như cũng chưa công trình nào nhìn nhận một cách thẳng thắn xem chúng ta đã từng vận dụng đúng đắn tư tưởng gì của Bác Hồ và đã vi phạm những gì trong tư tưởng của Người. Nếu không làm rõ việc đó thì khó xác định được những tư tưởng nào làm chỗ dựa cho chúng ta trong chặng đường đi tiếp, mà rất có thể sẽ tiếp tục tình trạng lúc nào cũng nói rất hùng hồn là trung thành, là đi theo, là nắm vững, thậm chí còn tổ chức cả cuộc thi viết báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng có gì đảm bảo được rằng, chúng ta không tiếp tục phạm sai lầm, làm trái với tư tưởng đó ? Đã có công trình nghiên cứu nào tiến hành nghiên cứu một cách trung thực, khách quan và với phương pháp khoa học để đánh giá được thực chất những hoạt động và cách tuyên truyền, cổ động nói trên chưa ?".
Qua đó Võ Văn Kiệt muốn ám chỉ nhiều người lãnh đạo trong đảng chỉ muốn núp sau hình nộm Hồ Chí Minh để bảo vệ quyền lợi riêng và phe nhóm ! Nhưng còn có thể hiểu cách khác là, thực ra Hồ Chí Minh đâu có tư tưởng riêng nào, mà chỉ lập lại một cách máy móc hết quan điểm của Marx-Lenin rồi sau này thần tượng cả lí thuyết Mao Trạch Đông. Cho nên không lấy làm lạ, ngay cả Hà Đăng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã nhìn nhận, sau khi Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa Marx-Lenin vì thế cũng mất linh, nên từ cuối thập niên 80 những người cầm đầu thuộc cánh bảo thủ giáo điều đã vội vàng dựng lại ngọn cờ "Tư tưởng Hồ Chí Minh" để tìm cách trụ lại đảng sau cuộc động đất chính trị kinh hoàng ở Liên Xô và Đông Âu. Nhưng sau nhiều năm bỏ hàng tỉ bạc cho các nhà "khoa học xã hội chủ nghĩa" nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng cuối cùng trên 60 nghiên cứu này không ai định nghĩa nổi thế nào là "tư tưởng Hồ Chí Minh" (như trong Chương ba, IV đã trình bày).
Những người cộng sản Việt Nam đều biết, Đỗ Mười luôn luôn vỗ ngực là người "nhiệt tình cách mạng" và thường nhân danh "nhiệt tình cách mạng" để đàn áp nhân dân, bịt miệng trí thức, chụp mũ các đảng viên đòi đổi mới thực sự cả trong kinh tế lẫn chính trị là "chệch hướng" và làm cản trở bước đi lên của đất nước. Cho nên trong Thư này Võ Văn Kiệt đã khéo léo nhưng cũng rất thâm thúy và mỉa mai phê phán ám chỉ Đỗ Mười và cho rằng, "trong thực tế ở rất nhiều nơi và rất nhiều lúc chúng ta vi phạm nghiêm trọng tư tưởng của Bác Hồ… Ngay cả khi nhiệt tính cách mạng là có thật, thì chúng ta vẫn cần nhớ rằng, Lênin đã từng nhắc đến một kiểu người đang đứng trong đội ngũ cách mạng, song đang làm hại cách mạng bởi "nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát bằng sự phá hoại". Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta, đã có không ít trường hợp sự nghiệp phát triển kinh tế bị "phá hoại" bởi những loại nhiệt tình như vậy".
Võ Văn Kiệt còn mỉa mai nói là, "các cơ quan nghiên cứu của chúng ta lâm vào tình trạng những "mĩ viện", vì các nhà nghiên cứu không được tôn trọng. Những người có quyền lực "đặt hàng" và các nhà khoa bảng phải "viết theo những ý kiến chỉ đạo trước". Ở đây Võ Văn Kiệt cũng đá khéo Đỗ Mười từng nhiều lần đòi các nhà khoa bảng xã hội chủ nghĩa phải kết luận trước khi nghiên cứu ! Ông Kiệt còn nêu ra hai trường hợp làm thí dụ điển hình cho thái độ chuyên quyền độc đoán của người có quyền lực. Đó là việc "không kí Hiệp ước thương mại với Mĩ ở New Zeeland 1999, không vào WTO trước Trung Quốc một bước" [40] .
Không lâu sau, trong Thư ngày 2/7/2005 Võ Văn Kiệt còn góp ý vào "Dự thảo báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ đảng trình Đại hội 10 của đảng". Trong đó ông lần lượt nêu ra những khuyết điểm và những sai lầm ngày càng phổ biến và kéo dài trong lãnh vực tổ chức của đảng. Ông nhấn mạnh tới các nguyên tắc triệu tập, cử đại biểu và bầu cử các ban liên hệ từ các đại hội đảng bộ các cấp tới Đại hội đảng toàn quốc. Cách tổ chức độc tài, gia trưởng trong đảng trong nhiều thập niên qua đã dẫn tới tình trạng các Đại hội toàn quốc chỉ còn là hình thức, thay vì là cơ quan lãnh đạo tối cao theo Điều lệ đảng ; Ban chấp hành trung ương cũng biến thành cấp dưới của Bộ Chính trị thay vì ngược lại và Ủy ban kiểm tra trung ương cũng trở thành cấp thi hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị. Như vậy có nghĩa là không có cơ quan nào có thực quyền và độc lập thực hiện công tác kiểm tra nghiêm minh Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương… Từ đó ông đi đến kết luận :
"Sự không minh bạch đã dẫn tới tình trạng công việc của Ban chấp hành trung ương, vô hình chung, gần như do Bộ Chính trị đảm nhiệm. Vì vậy, trên thực tế Bộ Chính trị gần như trở thành cấp trên của Ban chấp hành trung ương, như vậy là không phù hợp với Điệu lệ đảng. Hậu quả là Ban chấp hành trung ương không phát huy được hết khả năng và trách nhiệm là cơ quan cao nhất của đảng điều hành công việc giữa hai nhiệm kì Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng".
Kết luận của Võ Văn Kiệt là, từ khi trở thành đảng cầm quyền Đảng cộng sản đang xa rời dân và đang đứng trước nguy cơ : "Khi đã là đảng cầm quyền trong hòa bình xây dựng thì xa rời dân, đứng trên dân là nguy cơ lớn nhất của đảng. Xa dân, đứng trên dân dẫn đến độc tài, độc đoán, mất lòng dân. Đã mất lòng dân là mất chỗ dựa của đảng, đó là nguy cơ mất đảng".
Có lẽ trong nhiều năm ngồi trong Bộ Chính trị, nên Võ Văn Kiệt thấy rõ sự thoán đoạt quyền lực của Bộ Chính trị, nhất là vài người bảo thủ cùng vây cánh trong Bộ Chính trị, mà chính Võ Văn Kiệt trong nhiều trường hợp đã là nạn nhân vì thuộc phe thiểu số. Nên nay ông đề nghị cắt bớt quyền lực của Bộ Chính trị để bớt lạm quyền, bằng cách trả lại quyền cho Ban chấp hành trung ương. Trong Thư 2/7/2005 ông Kiệt còn đề nghị UB Kiểm tra Trung ương nên do Đại hội bầu thay vì Ban chấp hành trung ương bầu như hiện nay. Theo ông, nếu làm như thế thì UBắc KinhThủ tướngU là cấp dưới của Ban chấp hành trung ương. Do đó Ban này không thể thực hiện chức năng kiểm tra Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư như Điều lệ đảng qui định. Từ đó Võ Văn Kiệt nêu câu hỏi, trong tình trạng như thế thì "ai kiểm tra Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khi mà Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng chỉ họp theo định kì ?" [41] . Liệu những đề nghị tâm huyết này của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lọt vào tai phe bảo thủ giáo điều trong đảng ?
***
Trong khi Võ Văn Kiệt, người có quyền uy và có khuynh hướng cởi mở, trước Đại hội 10 gửi hai thư tới Trung ương Đảng yêu cầu cần phải đổi mới toàn diện cả trong kinh tế lẫn chính trị cũng như cải tổ bộ máy trong đảng theo chiều hướng dân chủ, thì Đỗ Mười -người có uy quyền lớn và thuộc thành phần cực kì giáo điều- lại vận động ngược chiều, phản bác kịch liệt lại những phê bình của Võ Văn Kiệt. Ông không làm theo cách gởi thư tới Bộ Chính trị và Trung ương Đảng như Võ Văn Kiệt, mà lại dùng dư luận áp lực công khai và trực tiếp lên các cơ quan đầu não của chế độ. Vì những bài của ông được các người có quyền lực coi là những chỉ thị nên phải đăng tải nguyên văn trên các cơ quan báo chí lớn của đảng.
Trong bài "Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đất nước hiện nay" đăng ngay trên trang đầu của tờ Nhân Dân ngày 4/11/2005 Đỗ Mười đã cho biết, sau biến cố ở Ba lan Hội nghị trung ương 6 đã được tổ chức ngay vào tháng 3/1989 -khi ấy ông là Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng)- với trọng tâm là, "đổi mới phải quán triệt những nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc được nêu lên hàng đầu là giữ vững mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội". Tiếp đó tại Đại hội 7 (6/1991) khi Đỗ Mười là Tổng bí thư thì đảng "khẳng định con đường chúng ta đang đi là đúng", tức là nguyên tắc "đổi mới mà không đổi mầu" là đúng. Và từ đó, vẫn theo Đỗ Mười, đảng đã sớm đưa ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" 1992 đứng trên nguyên tắc này. Họ mất nhiều năm loay hoay suy nghĩ, xây nhà (đổi mới) trên cái nền nào, nền cũ hay nền mới ?! Từ "nhiệt tình cách mạng này", Đỗ Mười quay lại tố cáo khuynh hướng tiến bộ trong đảng, tức là gián tiếp tấn công những phê bình và khuyến cáo của Võ Văn Kiệt trong hai Thư tháng 2 và 7/2005, như trình bày ở trên.
Đỗ Mười kết án gay gắt họ là "dao động", "phủ nhận con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ… đã lựa chọn". Đó là những người "phản bội, đầu hàng" và họ "bị lịch sử gạt lại phía sau".
"Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, từ ngày Liên Xô tan vỡ, chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó sụp đổ, có một bộ phận trong Ðảng và trong xã hội ta đã dao động, thiếu kiên định cách mạng, thậm chí phủ nhận con đường cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và dày công vun đắp trên 70 năm qua. Cũng phải thừa nhận rằng, trong mỗi thời kỳ cách mạng trước đều lác đác có cán bộ, đảng viên dao động, thậm chí có cả sự phản bội, đầu hàng, song bao giờ họ cũng bị lịch sử gạt lại phía sau, lịch sử vĩ đại của Ðảng và dân tộc vẫn luôn luôn tiến lên phía trước. Tuy nhiên, ngày nay tình hình nghiêm trọng hơn, không thể xem thường, những người dao động, phai nhạt lý tưởng cách mạng không phải là ít"...
Trong khi Võ Văn Kiệt dùng lời của Lenin "Nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát bằng sự phá hoại" (Thư 2/2005) để chỉ trích những phần tử bảo thủ giáo điều thiếu trình độ kiến thức như Đỗ Mười…, thì trong bài nói trên Đỗ Mười lại tố ngược lại, coi những đảng viên bị dao động vì họ "nhận thức quá nông cạn về thời đại, nhận thức quá sơ sài về chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội, nhận thức mơ hồ về sự kiện Liên Xô tan vỡ và chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời thoái trào". Đỗ Mười vẫn khẳng định sự tan rã của Liên Xô thời Gorbachow là do tác động bên ngoài "của các thế lực quốc tế thù địch" chứ "không mảy may xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội" : "Sau 15 năm kể từ khi Liên Xô tan vỡ, càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc thực thi một đường lối cải tổ sai lầm không tách rời sự tác động vô cùng nham hiểm của các thế lực quốc tế thù địch chủ nghĩa xã hội, thù địch Liên Xô". Từ đó Đỗ Mười phủ nhận sự phá sản của Chủ nghĩa xã hội, "việc Liên Xô tan vỡ không mảy may xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội, do đó không mảy may biện minh cho việc từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cho việc chuyển hướng, đổi mầu chế độ, cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản".
Tiếp tục tấn công vào thành phần tiến bộ trong đảng, đứng đầu là Võ Văn Kiệt, đòi đổi mới triệt để và toàn diện, nên Đỗ Mười đả kích lập luận của Võ Văn Kiệt trong Thư tháng 2/2007 nói trên, khi ông nói là "có nhiều cách hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin" và cần nghiêm chỉnh xét lại những cái đúng, sai hay mơ hồ của chủ nghĩa này. Đỗ Mười phản công lại trực tiếp : "Gần đây lại có cách nói mơ hồ rằng, "chủ nghĩa xã hội là cái gì chưa rõ" và "mọi điều về chủ nghĩa xã hội đều chưa sáng tỏ"... Ðó là cách nói, cách nghĩ không đúng, thể hiện động cơ và lập trường chính trị muốn phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta hiện nay, trước hết trong đường lối và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…". Từ đấy Đỗ Mười vẫn đòi duy trì tiếp tục "chế độ công hữu đất đai" và nhấn mạnh đặc biệt tới việc phải duy trì tiếp kinh tế nhà nước phải "đóng vai trò chủ đạo", một đề tài trở thành nền tảng tư duy của Đỗ Mười trong các thập kỉ qua :
"Từ trước đến nay, tất cả các nghị quyết của các Ðại hội Ðảng đều khẳng định mạnh mẽ rằng kinh tế nhà nước phải giữ những vị trí then chốt, phải đóng vai trò chủ đạo, coi đó là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng bậc nhất của sự phát triển nền kinh tế nước ta. Dưới chế độ ta, làm yếu kinh tế nhà nước là làm yếu Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi sử dụng sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước phải luôn luôn là đội quân chủ lực trên mặt trận kinh tế, nhờ đó mà Nhà nước có lực lượng vật chất quan trọng và quyết định nhất để luôn luôn đảm bảo ổn định xã hội, bảo vệ Tổ quốc, độc lập tự chủ tiến lên. Nói vai trò kinh tế nhà nước thì trước hết nói bộ phận sống động của nó là các doanh nghiệp nhà nước…" [42] .
Đỗ Mười bênh vực mạnh mẽ cho việc duy trì chế độ độc đảng với hệ thống kinh tế nhà nước làm chủ đạo và chế độ công hữu đất đai, coi đó là cái túi tiền, là điều kiện cần và đủ để duy trì sự tồn tại của chế độ toàn trị ! Ba cột trụ đảng độc quyền, kinh tế nhà nước làm chủ đạo và công hữu đất đai là ba chân của cái kiềng để chế độ toàn trị đứng vững !
Để tiếp sức cho Đỗ Mười, một người có quyền lực đang lên là Nguyễn Phú Trọng cũng nhập cuộc tấn công phe cấp tiến trong đảng. Chỉ vài ngày sau bài của Đỗ Mười trên tờ Nhân dân, ngày 9/11/2005 Nguyễn Phú Trọng đã cho phổ biến bài "Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay" trên tờ Cộng sản điện tử. Tuy là bài quan trọng, nhưng không hiểu vì sao những người phụ trách biên tập của Tạp chí Cộng sản đã để nhiều lỗi chính tả. Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương và Trưởng Tiểu ban soạn thảo các dự thảo văn kiện Đại hội 10 của Đảng cộng sản Việt Nam, được coi là lí thuyết gia của phe bảo thủ giáo điều cầm đầu toàn bộ lãnh vực tư tưởng và lí luận của chế độ. Đặc điểm khác của Nguyễn Phú Trọng là người thân Bắc Kinh. Trong nhiều năm xuyên qua các cuộc "Hội thảo khoa học" giữa hai Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, trong đó ông là người chủ trì và tổ chức để trao đổi với Bắc Kinh về các lãnh vực tư tưởng, chiến lược, kinh tế, văn hóa…
Đáng chú ý là, loạt bài tấn công khuynh hướng cấp tiến trong đảng của hai người thủ lãnh phe bảo thủ giáo điều, một người có quyền uy rất cao và người kia có quyền lực đang lên, lại chọn vào đúng thời điểm liền sau khi sau chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Trung Quốc. Đây chỉ là một sự tình cờ hay là một tính toán nhằm khai thác thuận lợi tâm lí, coi chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào có nghĩa là phe bảo thủ đang có hậu thuẫn của đồng minh hùng mạnh phương Bắc ? Trong dịp này hai bên đã đi tới một số thỏa hiệp, Hồ Cẩm Đào đã đồng ý để Việt Nam gia nhập WTO, đổi lại Hà Nội phải để hải quân Trung Quốc cùng tuần tra "trong vùng biển Vịnh Bắc bộ" và PThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho biết, phía Hà Nội đã đồng ý để Tổng công ti nhôm Trung Quốc khai thác Bauxit tại Tây nguyên [43] . Cần lưu ý, trong khi Hà Nội coi việc Việt Nam gia nhập WTO là nhiệm vụ kinh tế-thương mại quan trọng nhất trong những năm này và đang vận động Hoa Kỳ -đối tác quan trọng và cũng gai góc nhất trong vấn đề này- (như đã trình bày trong Chương năm, IX) thì Bắc Kinh lại coi việc mở rộng kiểm soát và khai thác tài nguyên trên biển Đông và khai thác Bauxit ở Tây nguyên là chiến lược quan trọng.
Trong bài "Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay" bằng giọng hằn học Nguyễn Phú Trọng tấn công không chỉ thành phần bảo thủ trong đảng, mà cả các tôn giáo, các người dân chủ trong nước và kiều bào. Đặc biệt, theo ông Trọng, chính Mĩ là đầu mối đang reo rắc các cuộc "Cách mạng nhung", "Cách mạng mầu" trên thế giới và Mĩ cũng đang chủ động thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" ở Việt Nam. Cũng như Đỗ Mười, bài của Nguyễn Phú Trọng trên tờ Tạp chí Cộng sản nhằm phản công lại những chỉ trích của nhiều tướng lãnh -Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Nam Khánh-, nhiều cán bộ cấp cao đã về hưu và đặc biệt cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tệ trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực gia tăng, đồng thời đòi phải phải dân chủ hóa nội bộ trong đảng.
Trong bài Nguyễn Phú Trọng tỏ ý e ngại là, sự bất mãn và chống đối trong nhân dân đang dội vào trong đảng và được sự hậu thuẫn cả trong lẫn ngoài : "Không phải không có những cơ sở xã hội nhất định để làm nảy sinh hoặc tiếp nhận những quan điểm, tư tưởng sai trái đó. Điều đáng chú ý là, dường như có sự phối hợp trong ngoài, tung hứng lấn [lẫn] nhau, khá nhịp nhàng, bài bản, rất quyết liệt và thâm độc. "Nguyễn Phú Trọng không coi những đóng góp của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lão thành cách mạng trong việc đòi xét xử nghiêm minh một số vụ án Năm Châu Sáu Sứ , T4 và Tổng cục 2… là đóng góp thiện chí để làm đảng trong sạch. Ngược lại ông Trọng kết án gay gắt cho là : "Kích động, chia rẽ nội bợ [bộ], tung ra luận điệu trung [trong] Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia, nơi bợ [nội bộ] mất dân chủ, mất đoàn kết. Bịa đặt xuyên tạc lịch sử, đói [đòi] "lật án", vu cáo, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, kể cả Bác Hồ, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh... Những luận điểm của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, bất mãn nới [nói] trên, tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lục [lúc] này là hết sức độc hại, nguy hiểm ; chí ít nó cũng gieo lắc [rắc] hoài nghi, phá rã [?] niềm tin của nhân dân, gây phân tâm, nghi ngờ nội bộ" [44] .
Nguyễn Phú Trọng nói rằng, sau khi "thua trong chiến tranh", nên nay Mĩ đang "làm mọi cách thắng trong hòa bình". Mĩ tìm cách "xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đại [đạo] của Đảng cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Rồi ông vừa kết án vừa chụp mũ :
"Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, bền bỉ, trong đó "diễn biến hòa bình" là một chiến lược rất lợi hại. Đây chính là "thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi", là phương pháp "chuyển hóa hòa bình", "biến đổi hòa bình", "cách mạng hòa bình", và gần đây là "cách mạng nhung", "cách mạng đường phố"... Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng - văn hóa được họ coi là "mũi đột phá", là "cây cầu dẫn vào trận địa". Có người đã nói rằng, chiến lược của chủ nghĩa đế quốc được tiến hành chủ yếu trên hai phương diện : một là xâm lược bằng quân sự và hai là làm tan rã bằng tư tưởng. Nếu phương diện thứ nhất dựa vào sức mạnh của kẻ cướp thì phương diện thứ hai dựa và [vào] thủ đoạn làm tan rã nội bộ, hết sức thâm độc. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết : "Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lai [lại] có thể hoàn thành" ; "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong mặt [một ?] đất nước" ; ngày nay "lán [làn] sóng điện đang thay thế thanh gươm ; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người" ; "một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng" [45] .
Vào giai đoạn này một người ham quyền như Nguyễn Phú Trọng nên đã tung hứng với người quyền uy Đỗ Mười để được cất nhắc vào vị trí quan trọng hơn, nên đã tố cáo HK thẳng thừng, làm như muốn cắt đứt mọi quan hệ với Tư bản. Nhưng 10 năm sau ông Trọng đã phải cầu cạnh và thân chinh sang gặp các chính khách và tư bản Mĩ để quyết giữ ghế Tổng bí thư thêm một nhiệm kì nữa. Hai động thái tưởng như khác nhau vào hai giai đoạn khác nhau trong tham vọng chính trị của Nguyễn Phú Trọng, nhưng nhìn kĩ lại nó có chung một chủ đích, thời 2005 là xây dựng quyền lực, còn 2015 là bảo vệ quyền lực cho cá nhân mình !
Âu Dương Thệ
Nguồn : Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !, từ trang 297-312)
Chú thích :
[38] Những đoạn trích trên từ bài "Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta", Nhân Dân, 29/8/2005
[39] Võ Văn Kiệt, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới, Dân chủ & Phát triển, số 31, 12/2005, tr. 58-62
[40] Các đoạn trích trong phần này từ Thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn 20 năm đổi mới" tới Bộ Chính trị và Trung ương Đảng vào tháng 2/2005, Dân chủ & Phát triển, số 31, 12/2005, tr. 58-62
[41] Các đoạn trích trong phần này từ Thư ngày 2/7/2005 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý vào "Dự thảo báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng trình Đại hội 10 của Đảng". Xem Dân chủ & Phát triển, số 31, 12/2005, tr. 62-65
[42] Các đoạn trích trong phần này từ bài "Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đất nước ta hiện nay" của Đỗ Mười trên Nhân Dân, ngày 4/11/2005
[43] Nhân Dân, 1/11/2005 ; Thông cáo chung, Nhân Dân, 3/11/2005
[44] Nguyễn Phú Trọng, "Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay" Cộng sản điện tử 9/11/2005. Những chữ trong [ ] do tác giả hiệu đính lại cho chính xác tiếng Việt.
[45] Sđd.
************************
Phần IV
Từ "bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát" và "Việt Nam – Cuba cùng canh thức cho Cách mạng toàn cầu" của Nguyễn Minh Triết đến nhận định của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt "con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường" !
Chỉ sau chuyến thăm Mĩ hai tháng, vào giữa lúc kỉ niệm 62 năm "Cách mạng Tháng 8" ngày 27/8/2007 trong tư cách là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Nguyễn Minh Triết đã chọn Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân làm nơi đọc một diễn văn quan trọng. Nhân dịp này ông nhắc lại những hi sinh của các lực lượng vũ trang trong những năm chiến tranh, nhưng phần chính để nhắc nhở quân đội trong giai đoạn hòa bình. Ông nhấn mạnh, "cuộc chiến đấu tuy thầm lặng nhưng sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng phức tạp. Nếu không nâng cao nhận thức sẽ dễ hiểu lầm, lơ là, mất cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ địch" và nhắc nhở "thời gian tới Lực lượng vũ trang phải luôn túc trực tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, lơ là trước các thế lực luôn tìm cách phá hoại, lật đổ xã hội chủ nghĩa". Tờ Nhân Dân ngày 28/7 đã trích lại nhiều đoạn trong diễn văn của Nguyễn Minh Triết. Từ đó ông Triết đưa ra kết luận nổi tiếng, nhưng tờ Nhân Dân và các báo khác không đăng lại, chỉ đài truyền hình VTV 3 tường thuật nguyên văn [46] :
"Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng".
Tuy câu nói trên rất ngắn của người đứng đầu nhà nước, nhưng có lẽ chưa có một người lãnh đạo cộng sản Việt Nam nào đã nói thẳng một cách bộc trực như ông Triết. "Bỏ Điều 4 Hiến pháp" là "chúng ta tự sát". Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi rõ : "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" [47] . Có nghĩa là Đảng cộng sản độc quyền toàn bộ trên mọi lãnh vực. Nếu thừa nhận là, những điều tứ trụ nói ra đều có hậu ý chứ không phải tình cờ, vậy tuyên bố trên của Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng giải thích những lo âu nào của họ vào thời gian đó ?
Trước khi cướp được chính quyền ông Hồ luôn luôn tuyến bố đuổi thực dân, giành độc lập và xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và người dân được tự do. Nhưng từ khi cướp được chính quyền, Đảng cộng sản Việt Nam đã cướp luôn cả các quyền căn bản của nhân dân Việt Nam và đàn áp những người khác chính kiến.[48] Đó là chủ nghĩa độc quyền yêu nước của nhóm ông Hồ ! Tuy vậy, cho tới nay thông thường khi bênh vực vai trò độc tôn của đảng, những người lãnh đạo thường đề cao những thành tích đã giành được trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh "giải phóng " chống Mĩ. Từ đó họ tự lí giải việc tiếp tục cầm quyền một cách độc tôn là chính đáng và tự nhiên, chứ không tuyên bố thẳng thừng và sỗ sàng như ông Triết là, "chúng ta tự sát" nếu "bỏ Điều 4 Hiến pháp", tức "còn đảng thì còn mình" !
Từ Hiến pháp thứ ba (1980) trở đi luôn luôn ghi rõ Điều 4 với cùng nội dung. Họ cố tình quên đi những lời hứa của người sáng lập chế độ và không ngại ngùng dùng ngay lập luận cầm quyền theo thiên mệnh của các triều đại phong kiến, mặc dầu họ vỗ ngực là chống phong kiến ! Mãi cho tới Nguyễn Minh Triết mới nói thẳng và nói thực lí do tại sao họ phải giữ nguyên Điều 4 với vai trò độc tôn và toàn trị của Đảng cộng sản. Ông Triết thừa biết rõ dư luận trong xã hội và cả trong đảng ngày càng bất bình với Điều 4, nó tự chứng minh tính phản động mất dân chủ của chế độ. Như trong các phần trước đã dẫn chứng, ngay cả nhiều nhân vật cao cấp như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách, cựu Phó Chủ tịch quốc hội và Trưởng ban Tư tưởng và văn hóa trung ương Trung tướng Trần Độ đã công khai đòi phải đổi mới chính trị toàn diện và triệt để. Vì tiếp tục duy trì chế độ độc đảng là mở đường, tiếp tay cho tham nhũng và quan liêu, là thủ tiêu dân chủ và phản bội những lời hứa long trọng với nhân dân. Trước tình trạng đạo đức ngày càng tồi tệ của cán bộ có quyền và sự vô kỉ cương trong xã hội càng gia tăng, nhiều lão thành cách mạng và chuyên viên đã lên tiếng chỉ trích "cơ chế tạo ra con người" và "tham nhũng là sản phẩm của hệ thống". Trước khi lên làm Chủ tịch nước, Nguyễn Minh Triết đã nhiều năm làm Trưởng ban Dân vận trung ương và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nên ông phải thừa biết dư luận rất xấu về đảng. Vì thế ngay phần mở đầu ông đã rào trước đón sau với cụm từ "Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp" để nói lên tâm trạng trong nhân dân nhiều giới ngày càng bất mãn với chế độ toàn trị và khinh thường thành phần lãnh đạo. Từ chủ trương vì dân trừ bạo trong giai đoạn đầu tiên, nhưng khi có quyền trong tay cũng chính những người này lại dùng quyền đàn áp người khác chính kiến, thậm chí cả nhiều đảng viên có công lớn, tước đoạt các quyền tự do dân chủ và hành hạ nhân dân. Từ giương ngọn cờ vì dân trừ bạo, nay khi có quyền thì quay lại vì quyền, vì tiền đàn áp dân ! Không những thế nay còn đòi độc quyền muôn đời cho đảng để họ bảo vệ quyền lợi riêng. Nếu mất đảng thì họ cũng mất quyền, hết tiền. Đối với họ có khác nào người tự sát !
Tuyên bố ngày 27/8/2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước các tướng lãnh và cán bộ cao cấp quân đội thuộc Tổng cục Chính trị nói lên sự thật tâm trạng vừa lo lắng, nhưng đồng thời cũng nói toạc bản chất tham quyền vô hạn của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị không khác gì các vua chúa thời phong kiến. Nói một cách khác, từ phong kiến của một giòng họ chuyển sang phong kiến của một nhóm, một đảng, chứ chẳng vì quyền lợi của đất nước và tự do dân chủ của nhân dân. Tư duy lỗi thời chứa đựng bản chất phong kiến, tham quyền của thành phần cầm đầu chế độ toàn trị đã được nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An gọi đó là "những ông vua tập thể". Có hiểu tâm trạng lo lắng này của họ thì mới hiểu được tại sao, Nguyễn Minh Triết lại đem đề tài sống còn của họ nói trực tiếp trước Tổng cục chính trị, bộ chỉ huy đầu não của quân đội có nhiệm vụ bảo vệ chế độ toàn trị !
Một "danh ngôn" khác cũng từ cửa miệng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là lời tâm sự của ông khi sang thăm Cuba với tư cách quốc khách. Trong một buổi gặp mặt thân hữu Cuba-Việt Nam (28/09/2009) ở La Havana, thủ đô Cuba, trong lúc tiệc vui ông đã trút bầu tâm sự :
"Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới ! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ"... [49] .
Tại sao người đứng đầu Nhà nước lại có tư duy điên khùng như vậy ? Có phải chính cách suy nghĩ ngây thơ như đứa trẻ, ngớ ngẩn điên rồ như một người mắc chứng bệnh hoang tưởng lấy mộng làm thực đã là tư duy căn bản của những người cầm đầu chế độ toàn trị, để khai thác lòng yêu nước của nhân dân trong suốt từ 1945 tới nay ?
Thế giới đại đồng trong chủ nghĩa Marx mới chỉ là một ý kiến, một ước mộng, nhưng chưa từng được chứng minh trong thực tế. Tuy nhiên từ ông Hồ, người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, tới Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười lại coi nó như chân lí, là lý tưởng đấu tranh. Nên đã đẩy bao nhiêu triệu thanh niên Việt Nam hi sinh suốt 30 năm chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc để thực hiện sứ mạng làm lính canh gìn giữ "hòa bình cho thế giới", như ông Triết đã hãnh diện tuyên bố ? Hãy nghiêm khắc làm cuộc đối chiếu thái độ ngây thơ như con nít, lấy mơ làm thực và tâm thần điên rồ muốn hi sinh tới người Việt cuối cùng, "đốt cháy dãy Trường sơn" trong nhiệm vụ làm tiền đồn bảo vệ thành trì Thế giới cộng sản của những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam, so với âm mưu quỉ quyệt và thái độ tính toán mở rộng đế quốc Nga thành Liên bang sô-viết (Liên Xô) qua các thủ đoạn của Lenin, Stalin, Breschnev tại Liên Xô cũ và ý đồ khôi phục chủ nghĩa Đại Hán của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu bình tới Tập Cận Bình quyết thực hiện "Giấc mộng vĩ đại của Trung Quốc" hiện nay. Những sự kiện này chứng minh, một bên thì hô lớn khẩu hiệu thế giới đại đồng để phục vụ chủ nghĩa dân tộc bành trướng, còn bên kia lại ngây thơ đến nỗi ngớ ngẩn hãnh diện làm người lính canh cho đế quốc mà tuyệt nhiên không biết mình đang bị đánh lừa ! Đấy là "lòng yêu nước" và sự "thông minh" của những người cầm đầuchế độ cộng sản Việt Nam gần một thế kỉ qua là như thế !!!
***
Nhưng cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào những năm cuối cuộc đời đã biết bắt tay lên trán để tâm hồn lắng đọng lại và nhìn lại cả cuộc đời đấu tranh suốt trên nửa thế kỉ đã từng tin những lời của ông Hồ về "Thế giới đại đồng", "làm tiền đồn" cho Thế giới cộng sản nên đã nhẫn tâm đẩy cả đất nước vào cuộc chiến tàn khốc không ngại ngùng "đốt cháy cả dãy Trường Sơn" !! Vì thế vào dịp kỉ niệm 32 sau "Giải phóng" 30/4/2007 ông Kiệt đã trải lòng tâm sự trong loạt bài phỏng vấn của nhà báo Xuân Hồng, BBC.
Trái với Nguyễn Minh Triết ca tụng rất vô lương tâm về vai trò bắt bao triệu người Việt phải hi sinh làm lính canh gìn giữ "Hòa bình thế giới" và "Bỏ Điều 4 Hiến pháp là chúng ta tự sát" ; với tấm lòng vô cùng đau xót về sự hi sinh của bao triệu người Việt hai miền trong cuộc chiến tàn bạo, Võ Văn Kiệt đã tâm sự thực thà một điều mà hai năm trước đó ông đã đau buồn nhắc nhở, trong những ngày kỉ niệm 30/4 "có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu" [50] . Dịp 30/4/2007 ông trình bày rất rõ ràng và thẳng thắn hơn về thảm họa của cuộc nội chiến với sự tiếp tay của bên ngoài gây cho toàn dân tộc ta :
"Có những gia đình, một người mẹ có con đi chiến đấu chết ở bên này và một đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở bên kia. Trên bàn thờ hai người con. Thế thì người mẹ họ suy nghĩ gì. Không lẽ họ chia ra ? Con nào cũng là núm ruột cả. Điều đó ngay cả trong một gia đình cũng là một gắn bó. Hay trong giòng họ, nhất là ở miền Nam thì mối quan hệ đó rất bình thường. Như vậy là đối với cả dân tộc của mình thì chuyện bên này hay bên kia thì nguồn gốc nó là gì ? Từ đâu nó sinh ra cái này. …cái đó chúng tôi đánh giá là… Bây giờ chúng tôi khẳng định cũng là từ bên ngoài. Chuyện mà nếu không có từ bên ngoài xen vào…".
Từ đó nhìn lại chính sách đàn áp và kì thị đối với nhân dân miền Nam của phe chiến thắng suốt từ sau 1975, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu câu hỏi rất chính đáng đối với nhóm cầm đầu toàn trị hiện tại, là tại sao đối với các kẻ thù thì họ "khép lại quá khứ" nhưng đối với chính đồng bào mình thì họ vẫn khoét sâu hận thù ?
"Vì kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mĩ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung Quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc. Chúng ta cũng khép lại quá khứ được thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đố kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối nhau ? Tôi cho rằng bây giờ thì càng có điều kiện để chúng ta làm điều đó".
Ông Kiệt còn nghiêm khắc kết án thói độc quyền yêu nước của phe chiến thắng : "Có sự méo mó của phía những người cộng sản. Tức là coi như cộng sản là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng những người yêu nước khác không phải là cộng sản, không phải là chủ nghĩa xã hội thì gần như coi người ta không yêu nước đủ như mình". Và "Người cộng sản chưa thể nói cái yêu nước của mình cao hơn, hoặc nói người ta không chịu chủ nghĩa xã hội thì không phải người ta giảm lòng yêu nước của người ta".
Ông còn khẳng định một chân lí không ai có thể phủ nhận được :
"Tôi thường nói rằng, con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường. Hàng trăm con đường chớ không phải chỉ một con đường. Nếu như ông cha mình là phong kiến, là vua chúa đánh ngoại xâm để bảo vệ đất nước của mình là cái gì ? Người ta hoàn toàn có thể không cộng sản, ông cha mình có cộng sản đâu, nhưng yêu nước chứ !" [51] .
Nói tóm lại, vào những năm cuối cuộc đời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ngộ ra những sai lầm và dám cam đảm đưa ra các quan điểm công khai và trung thực trên để đạp đổ những thần tượng cầm đầu chế độ toàn trị và phủ nhận tận gốc tính cầm quyền chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam ! Chính vì thế nên Nguyễn Minh Triết đã rất lo sợ nên đã phải hô hoán cảnh báo nhóm cầm đầu chế độ toàn trị là "bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát" và vẫn nhắm mắt muốn tiếp tục đưa nhân dân làm lính canh cho đế quốc !!!
Âu Dương Thệ
Nguồn : Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !, từ trang 380-385)
(11/12/2022)
Chú thích :
[46] Nhà báo Việt Hùng, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Âu Dương Thệ 6/9/2007
[47] http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=11243
[48] Thư của Giáo sư Hoàng Minh Chính gởi Tổng thống G.Bush trước khi ông Bush tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữa tháng 6/2007
[49] https://www.youtube.com/watch?v=o5kS-xFvN7A
[50] Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt : "Chúng ta đừng ru ngủ mình", VnExpress, 15/4/2005
[51] BBC phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (phát thanh ngày 30/4/2007), Dân chủ & Phát triển, số 34, 10/2007, tr. 86-90
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Gốc gác nông dân, chưa tròn 16 tuổi đã thoát ly gia đình, suốt mấy mươi năm đi làm cách mạng. Với tư chất thông minh hiếm có, nhãn quan chính trị sắc sảo, phong cách dám làm, dám chịu trách nhiệm… ông đã tạo nên tầm nhìn, bản lĩnh, nhân cách Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn ở Hà Nội trước đây khi ông 74 tuổi - Reuters
______________
Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, tên tuổi Võ Văn Kiệt đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới. Sáng 23/11, tại Vĩnh Long (quê hương của ông Kiệt), Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn tại buổi lễ (1).
Ngày 22/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan ở địa phương đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về ông Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam (2).
Trước đó, sáng 17/11, tại Hà Nội, cũng nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh ông Võ Văn Kiệt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Lễ giới thiệu sách "Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới" (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ). Viết lời tựa cho cuốn sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh : "Với tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tác phong sâu sát, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn tìm tòi, trăn trở, bám sát thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước" (3).
Sự tách biệt giữa ông Linh và ông Kiệt
Mặc dầu tổ chức rầm rộ các lễ lạt như đã kể trên, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố ý bỏ qua một số khúc quanh rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà lãnh đạo cộng sản nổi tiếng với cái tên "Thủ tướng Xé rào". Ở đây, không kể những lần ông Kiệt đã "xé rào" trong những quyết sách lớn, trong các chủ trương về một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ sau "Giải phóng" và "Mở cửa". Lịch sử sẽ còn nhắc nhiều về việc ông Võ Văn Kiệt "bảo lãnh" cho một tổ thu mua gạo do bà Ba Thi phụ trách. Tổ hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân Sài Gòn ổn định mới dừng. Lúc đầu bà Ba Thi lo lắng : "Cách này chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết sẽ bị đi tù". Ông Kiệt đáp lời : "Đừng tham ô là được. Còn nếu vì việc này mà anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi" (4). Tiếc rằng, cái bản lĩnh kiên cường này đã không được phát huy tiếp tục, vì một số lý do, sau thời gian, ông Kiệt được điều ra Hà Nội. Thử thách đầu tiên vào thời kỳ đó là việc ông Kiệt "trượt" cái ghế Thủ tướng. Chuyện này nằm trong sự quyết đoán của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cấp trên của ông Kiệt từ những ngày hai người còn ở Trung ương Cục miền Nam.
Trong một thời điểm quyết định, việc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn Đỗ Mười thay vì Võ Văn Kiệt đứng đầu chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đổi mới và cải cách của Việt Nam. Mối quan hệ giữa ông Kiệt và ông Linh đáng ra phải rất gần gũi, rất gắn bó, nhưng trên thực tế, tính cách cá nhân và nhãn quan chính trị của mỗi người đã khiến cho sự khác biệt giữa họ với nhau ngày càng doãng ra, thậm chí suýt nữa thì xẩy ra một nghi án lớn mang tình chính trị qua vụ Dương Văn Ba (5). Sau khi ông Phạm Hùng chết bất đắc kỳ tử, ông Linh bàn với dàn Cố vấn để Đỗ Mười thay Phạm Hùng. Theo "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức (tr.100), chính Nguyễn Văn Linh thừa nhận, Trung ương giao cho ông Linh vào miền Nam, Võ Chí Công vào miền Trung, Nguyễn Đức Tâm đi các tỉnh phía Bắc làm công tác tư tưởng. Ông Linh đi tới đâu cũng gặp phản ứng, tại sao Trung ương không chọn ông Võ Văn Kiệt ? Ông Linh đành phải nói : "Đây là quyết định của Bộ Chính trị". Về phần mình, ông Kiệt không mấy lăn tăn, mình chỉ làm cấp phó cho ông Đỗ Mười.
Đầu thập niên 1990, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang có những nỗ lực vận động quốc tế để bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa, thì ông Võ Văn Kiệt đi dự Hội nghị quốc tế ở Davos (Thụy Sỹ) và bắt đầu nhận thấy khoảng cách giữa chủ nghĩa xã hội mà ông chứng kiến ở Đông Âu và "tư bản giãy chết" mà Marx nói là một chặng đường xa xôi. Ông Kiệt cũng nhận thấy, chế độ đang có những bế tắc mà "xé rào" cuối thập niên 1970 hay "đổi mới" của thập niên 1980 là không thể nào tháo gỡ được. Tháng 8/1991, Võ Văn Kiệt được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Kiệt đã hình thành bộ máy "Hội đồng Bộ trưởng" theo phương án chính phủ mà Thủ tướng có vai trò như người đứng đầu, trong khi Ban soạn thảo Hiến pháp vẫn thiết kế mô hình nhà nước với nhiều phương án. Các cơ quan chính phủ thời ông Kiệt đều được chuyển dần từ vai trò cơ quan chủ quan, trông coi sản xuất kinh doanh của khối quốc doanh, sang vai trò quản lý nhà nước với tất cả các loại hình doanh nghiệp (6).
Tổng bí thư Đỗ Mười (giữa) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) cùng Chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh (phải) và Phó thủ tướng Phan Văn Khải tại lăng Hồ Chí Minh trước đây. Hình : AFP
Những kiến nghị không được lắng nghe
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ Việt Nam suốt 31 năm trong cả thời chiến lẫn thời bình, thừa nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm kỳ ngắn hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ của ông.
Năm 1993, trên cương vị Thủ tướng, ông Kiệt đã có một quyết định chưa có tiền lệ là thành lập Tổ Tư vấn kinh tế bao gồm những chuyên gia ở miền Bắc như Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung…, đang ở Nhật Bản như Giáo sư Trần Văn Thọ ; ở Mỹ như Tiến sĩ Vũ Quang Việt ; lẫn đã hoạt động ở Sài Gòn từ trước 1975 như nguyên Phó thủ tướng của chính quyền Sài Gòn Nguyễn Xuân Oánh, luật sư Trương Thị Hòa… Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nằm trong Tổ Tư vấn kinh tế. Đáng tiếc, việc đầu tiên khi "đồng chí Ba X" ngồi vào ghế Thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng đã cho "dẹp tiệm" Tổ tư vấn này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhớ lại, Tổ tư vấn đã hợp tác, thảo luận thẳng thắn các vấn đề của nền kinh tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành thời gian lắng nghe ý kiến của các thành viên, nêu vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ cũng như đặt hàng về những vấn đề cần góp ý kiến.
Bức thư ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị là một đóng góp tầm chiến lược cho quá trình hình thành những quyết sách quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ VIII. Ngày nay, nhìn lại có thể thấy thực tế cuộc sống đã xác nhận những nhận định và quan điểm được trình bày trong bức thư đó như xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát các hoạt động trên thị trường,... là đúng đắn và sáng suốt, được thực tế xác nhận. Sau khi nghỉ công tác, ông Võ Văn Kiệt vẫn tâm huyết viết hàng trăm bức thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập đến các vấn đề kinh tế - xã hội nóng được dư luận quan tâm, đóng góp tâm huyết vào công cuộc phát triển của đất nước (7).
Có một chi tiết liên quan đến bức thư "vô tiền hoáng hậu" ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thật ra hai thầy trò ông Kiệt và ông Nguyễn Trung không lạ gì suy nghĩ của nhau. Tuy vậy, chính Trợ lý Nguyễn Trung cũng ngỡ ngàng khi được ông Kiệt giao cho việc… mà lúc đầu ông nghĩ là "hơi quá sức mình". Nguyễn Trung đã vận hết nội lực, dốc hết lý trí và tình cảm, chắt lọc từ một đời hoạt động đoàn thể và ngoại giao để hoàn thành nhiệm vụ. Sau bản thảo đầu tiên, những điều thể hiện trên giấy trắng mực đen được ông Sáu Dân chấp nhận. Ông Kiệt còn "chua thêm" ngoài lề : "Nội dung thế này là tạm ổn. Anh cố gắng o bế như thế nào để nó nghe được lọt tai..".. Hai chữ "o bế" ông Kiệt dùng thật là thần tình và vi diệu. Chứng tỏ ông Kiệt rất hiểu thời thế cũng như hiểu cái nội tình của Đảng ông. Lúc nầy chưa chắc "nói phải" mà các "củ cải" đã chịu nghe. Nguyễn Trung mất cả tuần lễ đi "o bế" bằng cách đã đem bức thư "tham khảo" ý kiến một số đồng chí (8).
Tâm thư 9/8/1995 vẫn không được nhắc đến
Vậy, tại sao bức thư 9/8/1995 cho đến hôm nay vẫn không được phép nhắc đến ? Câu hỏi này luôn luôn thời sự, không chỉ kể từ thời điểm nó được ra đời cách đây suýt soát 30 năm.
Một năm khi bức thư "khai sinh", 22/8/1996 một số chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị xử án tù vì đã sở hữu một số bản fotocopy bức thư ấy (9). 15 năm sau, lần đầu tiên vào năm 2010, bức tâm thư ấy được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhắc đến trong một bài viết về vai trò tiên phong của ông Kiệt trong đối ngoại (10). 20 năm sau nữa, truyền thông "lề phải" mới "rón rén" cho lên trang "Thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị 20 năm trước". Đấy là vào năm 2015 (11) ! Và giờ đây, bài viết của ông Cầm về ông Kiệt mới được đăng rộng rãi trên Nhân Dân online (Trang mạng báo Nhân Dân).
Hãy hình dung quá trình "công khai hóa" bức thư nói trên, "con đường đau khổ" đã diễn tiến như thế nào qua các mốc 1995, 1996, 2010, 2015 và cho đến nay, cuối 2022. Thế hệ trẻ nếu ngẫu nhiên, có bạn nào đọc bức tâm thư ấy, với đầu óc bình thường, chắc chắn sẽ không hiểu nổi tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại khiếp sợ những điều ông Kiệt trình bày cách đây gần 30 năm. Bạn sẽ phải tự đặt câu hỏi : Tại sao những giá trị đích thực ấy của ông Võ Văn Kiệt, mãi cho đến giờ đây, vẫn chưa được phép nói hết ? Nghe tin kịch bản 30 tập phim về Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được viết xong. 30 tập nhưng không rõ liệu có trả lời được câu hỏi đơn giản ấy không (12) ?
Nguyễn Việt Hưng
Nguồn : RFA, 28/11/2022
Tham khảo :
1. https://nhandan.vn/to-chuc-trong-the-le-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-thu-tuong-vo-van-kiet-post726380.html
2. https://ttbc-hcm.gov.vn/hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-nhan-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dong-chi-vo-van-kiet-31238.html
3. https://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/gioi-thieu-sach-dau-an-vo-van-kiet-thoi-ky-doi-moi-18004
4. https://vnexpress.net/nhung-lan-xe-rao-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-4539279.html
5. https://dcvonline.net/2018/07/02/nhung-ke-bi-khai-tru-ket/
6. https://thanhnien.vn/vo-van-kiet-nguoi-tien-phong-lanh-dao-dat-nuoc-cai-cach-va-hoi-nhap-post1520998.html
7. https://vietnamnet.vn/thu-tuong-vo-van-kiet-nha-lanh-dao-cai-cach-tam-huyet-2083918.html
8. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150810_nguyen_trung_vo_van_kiet_letter_part1
9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38001053
10. https://nhandan.vn/nguoi-di-tien-phong-va-di-san-de-lai-post726034.html
11. https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-thu-tuong-vo-van-kiet-gui-bo-chinh-tri-20-nam-truoc-20150810100333362.htm
12. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/mot-lan-nghe-nha-van-nguyen-quang-sang-ke-chuyen-viet-kich-ban-phim-khoanh-khac-vo-van-kiet-1491901563
Có những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác, được Nhà nước đánh giá "vĩ đại" hơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều, nhưng những mảng tối tương tự trong di sản của họ còn tệ hơn nữa.
Cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hóa bằng cách viết hoa.
Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông trẻ nhỏ. Cùng lứa với tôi, có cả tá nhi đồng mà tên gọi đều bắt đầu bằng chữ út : Út lé, Út lác, Út lồi, Út lùn, Út hô, Út còi, Út ghẻ, Út mập, Út sún, Út sứt, Út méo, Út hô, Út đen, Út ruồi, Út xẹo, Út trọc…
Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu (lôi thôi) kiểu cách, theo kiểu Âu Tây :
- Còn đây là thằng út, Út rỗ. Vừa lọt lòng mẹ thì cháu chả may rơi ngay vào một cái… thùng đinh !
Riêng trường hợp của tôi thì hơi khác. Tôi tên Út khùng. Lý do : khi mới chập chững biết đi, tôi té giếng. Lúc tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ mặt mày tím ngắt, chân tay xụi lơ, bụng chương xình, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng "rồi" và lăn ra bất tỉnh.
Thực ra thì "chưa" đâu. Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, cũng kể như… "rồi" – theo như chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi hồi đó :
- Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đong một mớ. Mà loại tế bào này thì không tái tạo. Bởi vậy, cháu sẽ hơi bị… tửng và khó nuôi chút xíu nhưng ông bà ráng nuôi chắc cũng sống được chớ không đến nỗi nào đâu.
Dù đã được trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không an tâm gì cho lắm. Hai người cũng khổ tâm không ít vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con… cầu tự !
Họ quyết định di chuyển đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời.
Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc dài, giữa trung tâm của thành phố Đà Lạt. Khoảng đầu đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa.
Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là leo lên xe vào lúc tối khuya (đường vắng) thả cho chạy xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được cho ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.
Một hôm, bỗng dưng, có thằng nổi quạu :
- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.
Tôi vênh váo :
- Đ… má, bộ tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi bay đẩy được lên tuốt tới tận đây !
Tôi có cái tên mới, Tiến khùng (thay cho Út khùng) kể từ bữa đó.
Khùng, kể ra, cũng khoẻ. Điều đáng tiếc là tuy tôi khùng thiệt nhưng không (được) khùng lâu. Ngày ba muơi tháng tư năm 1975, cách mạng về giải phóng miền Nam. Từ đây, vùng đất này có vài chuyện đổi thay nhỏ : nhạc sĩ Văn Vĩ đang mù bỗng sáng, không ít nguời dân miền Nam cũng vậy, còn (riêng) tui thì đang khùng bỗng… tỉnh ! Sống với cách mạng mà không tỉnh (chắc) không xong.
Tui tỉnh rụi và tỉnh lâu rồi. Sở dĩ tôi nhớ (và nhắc lại) chuyện xưa vì cách đây chưa lâu, nhân ngày giỗ của ông Võ Văn Kiệt, báo Tuần VietnamNet, có "giới thiệu một loạt bài viết của những nhân sĩ trí thức" về nhân vật này – với lời dẫn nhập như sau :
"Vậy là đã tròn một năm ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi về chốn vĩnh hằng. Thời gian trôi đi càng nhận ra sự trống vắng này, cuộc đời càng nhớ Ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cũng chính vì thế, tư tưởng của Ông, hình bóng của Ông sống mãi trong trái tim của nhân dân".
Tui đang rảnh nên cũng muốn thử rà lại coi "tư tưởng của Ông" ra sao mà thiên hạ cứ nằng nặc là "sẽ sống mãi trong trái tim của nhân dân" như vậy ?
Trong một cuộc phỏng vấn (Việt Weekly – VOL. IV, NO.50 – phát hành từ Garden Grove, California, số ra ngày 7 tháng 12 năm 2006) Võ Văn Kiệt tuyên bố :
"Cả quá trình đấu tranh của người cộng sản là vì đất nước, vì dân tộc là trên hết. Vì thế họ mới chịu hy sinh. Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng cộng sản, do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn ? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng".
Sao tui nghi là hồi nhỏ ông Kiệt dám (cũng) bị té giếng quá hà. Ổng làm tôi nhớ đến cái lúc mình khi ngồi rà thắng, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi hì hục đẩy xe ba gác thấy mẹ luôn. Đã vậy mà còn vênh váo :
- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây !
Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa… nuớc mắt !
Cũng cứ theo như lời của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại (ở Việt Nam) có hàng trăm đảng phái đang tham chính – chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không được phép hoạt động gì ráo trọi, nên ông ấy phải năn nỉ xin cho họ "một chỗ… đứng" chơi – kẻo tội.
Sự thực, ai mà không biết là hơn nửa thế kỷ qua cái đảng (thổ tả) của ông Kiệt có lúc nào mà không ngồi trên đầu trên cổ toàn dân. Và rõ ràng là họ "định" ngồi luôn, nếu không có gì trở ngại, như ông Kiệt đã khẳng định - trong phỏng vấn dẫn thượng :
"Việt Weekly : Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không ?
Ông Võ Văn Kiệt : Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này cũng đòi hỏi tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như Đảng cộng sản Việt Nam là tin cậy được…".
So với cái kiểu sỗ sàng của ông Nguyễn Minh Triết ("bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát") thì cách nói của ông Võ Văn Kiệt nghe có vẻ… tế nhị hơn nhiều. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy quên nêu danh những quốc gia đã "xẩy ra nhiều rối rắm" vì không được đảng cộng sản lãnh đạo. Còn ban biên tập Việt Weekly (cũng) quên hỏi coi băng đảng của ông Kiệt "được sự đồng thuận" và "tin cậy" của dân tộc Việt Nam" để tiếp tục vai trò (lãnh đạo) hồi nào vậy ?
Tui chưa gặp ông Kiệt lần nào, điện thoại, email (qua lại) hay kết bạn tâm tình trên fb cũng không luôn. Sau khi cái nghị định 31 C/P nổi tiếng (do ông Kiệt ký) ra đời, tư thất của tôi cũng không (bỗng) trở thành lao thất như trường hợp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… Nói tóm lại là tui không có "vấn đề" hay "mâu thuẫn" gì ráo (trọi) với cá nhân ông Kiệt.
Đã vậy, ông ấy cũng không phải là loại người bị than phiền là đã gây ra "nỗi ngán ngẩm thường ngày" cho thiên hạ. Nói nào ngay, hình ảnh quen thuộc, cùng với cử chỉ thân thiện và bình dị của ông Kiệt cũng để lại trong tôi ít nhiều thiện cảm. Dù khó tính tới đâu người ta vẫn phải nhìn nhận rằng : ông Võ Văn Kiệt là người đàng hoàng nhứt trong đám… lộn xộn !
Giới báo chí ở Việt Nam hay mô tả ông Kiệt như "kiến trúc sư của công trình đổi mới". Tuơng tự, họ cũng thường đề cập đến cái gọi là "sự quyết tâm và dũng cảm của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước" – vào cuối thập niên 1980.
Theo như cách nói của blogger Đinh Tấn Lực thì đây chỉ là hiện tượng "đảng hóa các ý niệm đổi mới của nhân dân". Ông Lực quả là người khéo ví von và… khéo nói. Chứ nói trắng (phớ) ra là nếu không chạy theo những bước chân (phá rào) của toàn dân thì toàn Đảng đã thoát chết (đói) tự lâu rồi.
Trong vụ "bỏ của (và bỏ cộng) chạy lấy người" này, ông Võ Văn Kiệt chính là kẻ tiên phong. Không có ông thì đám dân mù ở làng Ba Đình chắc chết, chết chắc. Rõ ràng, ông Kiệt đã nổi bật lên như là kẻ chột giữa một đám mù.
Và có lẽ vì thế nên cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hóa bằng cách viết hoa. Làm lãnh tụ ở xứ sở này (vốn) dễ. Trở thành vĩ nhân (ngó bộ) cũng không khó khăn gì.
Ngoài cả đống (đủ kiểu và đủ cỡ) anh hùng và liệt sĩ ra, nửa thế kỷ qua "cách mạng" Việt Nam đã sản xuất được một ông Thánh và một ông Á Thánh :
Bác Hồ cùng với Bác Tôn
Cả hai cùng thích ôm hôn nhi đồng…
Nhiêu đó cũng đủ (mệt) ứ hơi rồi. Ráng thêm một Bác Sáu Dân nữa thì e sẽ quá tải và… quá mệt !
Dân tộc này chưa xét đến công/tội của Đảng cộng sản Việt Nam. Chuyện đâu còn có đó. Không nên cứ lật đật phong thánh cho nhau, và cầm đèn chạy trước ô tô, như thế. Nó cán cho chết mẹ.
Chúng ta sẽ có gì để lại cho những thế hệ mai sau ngoài một di sản đạo đức băng hoại, một đất nước hao hụt về diện tích, tan hoang về môi trường, và cạn kiệt về tài nguyên. Như vậy bộ chưa đủ (và chưa "đã") sao mà qúi vị còn muốn tung thêm một mớ rác ruởi hay hỏa mù vào lịch sử nữa ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 10/06/2018 (tuongnangtien's blog)
Vừa qua Bauxitvn và Báo Tiếng Dân đăng bài "Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân " của Giáo sư Tương Lai, nhân kỷ niệm lần 95 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm và làm việc tại Cà Mau. Ảnh : internet
Sau khi đọc kỹ bài viết, tôi tìm nghiên cứu lại bức thư nổi tiếng của ông Kiệt gửi Bộ Chính trị năm 1995. Tôi không có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với ông, chỉ biết cố Thủ tướng qua những việc làm, bài viết của ông, và qua các bài viết về ông. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây, một phần dựa vào các thông tin có hạn, phần khác dựa vào cảm nhận. Nếu nó đúng được chút nào mong được chia sẻ, nếu có chỗ nào chưa chính xác, mong được các vị hiểu rõ hơn, giúp cải chính.
Tôi thấy trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, ông Võ Văn Kiệt là một trong những người xuất sắc, có nhân cách và phẩm giá rất tốt. Sẽ là phúc lớn cho đất nước, dân tộc khi có được nhiều người như ông và những người như thế liên kết được lại với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của trí tuệ và lòng nhân ái. Tiếc thay, đó chỉ mới là mơ ước.
Trí tuệ, sự dũng cảm, lòng nhân ái, sự bao dung của ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt đã được viết nhiều, đặc biệt là những bài của các anh Tương Lai, Nguyễn Trung, Việt Phương, tôi xin không nhắc lại, tôi tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính. Tôi chỉ muốn nêu một ý có tính cách phản biện để cùng nhau suy nghĩ.
Ông Kiệt là người yêu nước thương dân, có trí tuệ, tính trung thực và lòng dũng cảm. Ông đem theo những đức tính tốt đẹp ấy khi vào đảng. Là đảng viên, ông trung thành với Đảng, với chủ nghĩa Mác Lênin, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông nghĩ rằng sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là một trong những điều kiện tiên quyết để giữ vững độc lập, để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ông hơi khác với những người như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang v.v… Những người đó đã thấy rõ cái sai từ gốc của chủ nghĩa Mác Lênin. Còn ông chỉ mới thấy rất rõ những sai lầm của Đảng trong đường lối kinh tế, trong tổ chức và làm việc của hệ thống chính quyền, trong nhận định về tình hình thế giới v.v… Những sai lầm, những bất cập của Đảng do ông nêu ra đều rất đúng, nhưng ông mới chỉ dừng lại ở nguyên nhân gần, rõ ràng. Ông chưa truy nguyên đến tận gốc là sự độc tài toàn trị của Đảng theo đường lối vô sản chuyên chính của chủ nghĩa Mác Lênin. Vì vậy những ý kiến đề xuất của ông về hình thức là hay, là đúng, nhưng chưa chạm đến cái gốc, cái cốt lõi, vì thế nghe thì hay mà Bộ Chính trị không thể làm theo, và nếu có làm theo được thì cũng chỉ như mới chữa bệnh ngoài da.
Trong thời gian làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như ở cương vị cao tại Chính phủ, ông Kiệt đã làm được nhiều việc tốt, ích quốc lợi dân, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh cao cường. Tầm nhìn ấy, bản lĩnh ấy được đánh giá cao so với nhiều lãnh đạo khác của Đảng. Tuy vậy nó vẫn bị hạn chế bởi ý thức hệ, bởi nhận thức nhầm về chủ nghĩa Mác Lênin. Bài viết của Giáo sư Tương Lai cho rằng, trong giai đoạn "Thế nước chông chênh… Trĩu nặng nỗi lo đất nước trước nanh vuốt của kẻ thù… thế nước chưa bao giờ lâm vào tình cảnh ngặt nghèo như hiện nay…".
Giáo sư viết tiếp : "Và rồi, hôm nay ….những người yêu mến và thương nhớ ông lại nhắc đến cái điệp khúc ‘Giá như lúc này có ông Sáu Dân’, một điệp khúc như cứa vào gan ruột chúng ta khi cùng ngồi lại tưởng nhớ đến một người thuộc về loại người xưa nay hiếm".
Vì quá thương tiếc và cảm phục mà những người yêu mến thốt ra "Giá như lúc này có ông Sáu Dân". Đó là tình cảm chân thành, rất đáng trân quý, nhưng nhận định có lẽ hơi ảo tưởng. Phải chăng có ông Sáu Dân thì tình hình sẽ sáng sủa hơn. Tôi nghĩ, nếu có ông Sáu Dân thì có thêm một ngọn nến hoặc một ngọn đuốc thắp lên trong đêm để cùng hàng vạn, hàng triệu ngọn nến khác xua tan từng mảng bóng tối chứ cũng chưa đủ sức xoay chuyển tình thế.
Tôi không biết vào cuối đời có lúc nào ông Kiệt nhận thức được cái gốc gác của mọi sai lầm nằm ở chủ nghĩa Mác Lênin hay không. Có lần đọc bài của Giáo sư Tương Lai thấy ông Kiệt có nghĩ đến việc lập một đảng mới. Nhưng nếu vẫn lập đảng theo đường lối chủ nghĩa Mác Lênin thì cũng không giải quyết được chuyện gì. Có lập đảng mới thì phải là một đảng chính trị không theo chủ nghĩa Mác Lênin.
Càng ngày Đảng cộng sản Việt Nam càng lộ rõ bản chất dối trá và tàn bạo. Để cứu nước, cần phải có đổi mới về chính trị, phải thay đổi độc tài toàn trị bằng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập. Ông Võ Văn Kiệt hình như chưa nghĩ đến chuyện này. Khi viết thư gửi Bộ Chính trị vào tháng 8/1995 ông đang là Thủ tướng chính phủ, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười. Nhận xét rằng, lúc đương quyền cao chức trọng như thế mà ông buộc phải viết thư thì mới thấy tình thế éo le như thế nào. Ngoài việc ông Kiệt trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, tôi còn cảm nhận ông là người cán bộ rất giỏi trong phạm vi quyền hạn và tổ chức có sẵn. Ông chưa có cái nhìn vượt ra xa ngoài phạm vi đó. Nhưng hiện nay đất nước đang cần người thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin và hoạt động để tạo ra tổ chức.
Thương tiếc Võ Văn Kiệt như một người con ưu tú của dân tộc, nhưng cũng nên thấy mặt hạn chế của ông vì khó thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử.