Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 21 mars 2020 10:15

3. Vùng cấm túc California

Lá thư từ Hoa Kỳ

Chiều thứ Năm 19/3 Thống đốc California Gavin Newsom ra lệnh cấm túc với 40 triệu cư dân tiểu bang. Bắt đầu ngay lập tức và ông không đưa ra thời hạn khi nào sẽ chấm dứt lệnh này.

bvp1

Thống đốc California Gavin Newsom ra lệnh cấm túc lúc 6 giờ chiều 19/3 (Ảnh minh họa)

Cấm túc là "shelter-in-place", có nghĩa là ở trong nhà. Tuy nhiên đây không phải là "thiết quân luật" – martial law – hay cấm cửa như ở Vũ Hán bên Trung Quốc khi cấm dân ra đường hay người nơi khác vào vùng dịch Covid-19 (Cô-Vi) bùng phát.

Theo lệnh này, mọi người không ra đường, trừ những ai làm việc trong các ngành nghề y tế như bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện hay trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm gồm tiệm thuốc tây, siêu thị, cây xăng, ngân hàng và công nhân sở vệ sinh lo đổ rác.

Cấm túc không có nghĩa hoàn toàn bị nhốt trong nhà, không được ra đường di chuyển. Dân vẫn có thể đi chợ, đổ xăng hay ra đường đi bộ tập thể dục, với điều kiện giữ khoảng 2 mét cách xa nhau.

Không đợi có quyết định của thống đốc, từ ba ngày qua cư dân vùng Vịnh San Francisco đã bị cấm túc và sẽ còn kéo dài ít nhất đến ngày 7/4. Các trường học toàn vùng đãđóng cửa. Đại học chuyển tất cả các lớp sang học qua mạng cho đến hết niên học.

Mấy ngày qua Quận Cam rồi Los Angeles đã theo chân San Francisco với lệnh cấm túc. Nếu không có lệnh của thống đốc, chỉ với ba khu vực trên cũng đã có hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng.

bvp2

Downtown Berkeley vắng lặng lúc 4 giờ chiều 19/3 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên cấm túc dân, theo đề nghị của các giới chức y tế địa phương lo phòng chống lây lan Cô-Vi vì nơi đây có số người lây nhiễm và số tử vong cao nhất trong tiểu bang. California chỉ đứng sau tiểu bang Washington và New York hiện là ba nơi có tâm điểm bùng phát bệnh.

Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo tuy chưa ban hành lệnh cấm túc nhưng ông đã yêu cầu các công ti, cơ sở thương mại cắt giảm 75% số người phải vào làm việc.

Các địa phương tùy theo tình hình phải tự lo liệu lấy và đưa ra những quyết định phòng chống. Lo nhất là nếu số bệnh nhân Cô-Vi tăng sẽ không đủ nơi điều trị vì thiếu giường bệnh, thiếu trang thiết bị y khoa cần thiết.

Theo một mô hình do Thống đốc Gavin Newsom đưa ra thì số dân California bị nhiễm vi-rút có thể lên đến 56% trong vòng hai tháng tới và cần đến 20 nghìn giường bệnh. Ông đề nghị Tổng thống Donald Trump cho tầu bệnh viện đỗ bến ở Los Angeles và chính quyền tiểu bang dự trù sẽ biến khách sạn, ký túc xá đại học thành nơi chữa bệnh khi cần.

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh Cô-Vi. Thông tin mới nhất cho biết thuốc chloroquine, tức ký ninh chữa bệnh sốt rét, có thể chữa được và chính quyền liên bang đã cho phép dùng thử ngay với bệnh nhân, thay vì phải qua các thủ tục thử nghiệm kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm như trước đây.

Nếu số người lây bệnh và số người được chữa khỏi ở Trung Quốc là đúng, với 81 nghìn ca nhiễm và 71 nghìn được chữa khỏi, là 88% thì có thể giới chức y tế ở Wuhan đã dùng một loại như thuốc ký ninh để trị bịnh. Năm 2015 bác sĩ Tu Youyou của Trung Quốc là người khám phá ra loại thuốc chữa sốt rét đã được giải Nobel Y khoa.

So với những số liệu từ Hàn Quốc, Ý hay Pháp, Tây Ban Nha thì cách chữa bệnh ở Trung Quốc hiệu nghiệm hơn rất nhiều. Cũng cần nhắc là nếu các con số do nhà nước đưa ra là khả tín.

Mới tháng trước Vùng Vịnh San Francisco còn chưa lo sợ dịch Covid-19 lây lan. Dân biểu Nancy Pelosi, đại diện khu vực và là Chủ tịch Hạ viện, ngày 24/2 đã đi thăm Chinatown San Francisco và mời gọi du khách ghé thăm, vì thương mại ở đây đã xuống thê thảm từ sau Tết, khi nạn dịch được biết đã lây lan nhiều ở Trung Quốc.

Các thị trưởng London Breed của San Francisco và Libby Schaaf của Oakland cũng đã trấn an cư dân và mời gọi khách ủng hộ các nhà hàng Tầu, không có gì phải lo sợ bệnh dịch.

Đến nay thì ai cũng lo sợ bệnh dịch. Vùng Vịnh San Francisco với gần 7 triệu dân là khu vực rộng lớn đầu tiên ở Mỹ có lệnh cấm túc từ thứ Ba 17/3.

Các giới chức trách nhiệm đã nhận ra việc phòng lây bệnh hữu hiệu là tự cách ly nhau, mà lệnh cấm túc sẽ mang lại kết quả tốt nhất, vì có người nhiễm Cô-Vi mà không có triệu chứng nên dễ lây sang người khác qua các tiếp xúc thường ngày trong xã hội. Đó là lây nhiễm cộng đồng mà giới chức y tế lo ngại nhất.

Trong quận hạt Santa Clara, vùng Vịnh San Francisco, nơi có nhiều người bị nhiễm và tử vong nhất California, với 189 ca và 6 tử vong, trong đó gần phân nửa là lây nhiễm cộng đồng, nghĩa là người bị bệnh không du hành đến các nước có dịch bệnh hay có tiếp xúc với người bệnh.

Tổng thống Donald Trump từ lâu cũng không tin Covid-19 dịch, cho đến thứ Sáu tuần trước mới bắt đầu có những là đại biện pháp cấp thiết để phòng chống.

Với lệnh cấm túc ở California, nhưng dân không hỗn loạn. Trên xa lộ vẫn thấy xe chạy, vắng hơn trước. Trong thành phố nhiều chỗ không còn lưu thông hay người qua lại.

Trong một siêu thị Lucky gần nhà, giấy vệ sinh và các loại thuốc lau chùi vi khuẩn không còn. Trên các kệ thực phẩm rau, cây trái còn nhiều nhưng đồ hộp như súp hết sạch. Bánh mì vào giấc trưa cũng không còn.

BuiVanPhu_20200319_ThuTuVungCamTucCalifornia_H03

Kệ hàng đồ hộp trong một siêu thị ở Bắc California không còn hàng vào giữa trưa (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Các siêu thị Safeway và Lucky cắt giảm giờ mở cửa, dành giờ sáng sớm cho người có tuổi từ 60 trở lên được vào mua hàng trước.

Không có cảnh chen lấn. Tuy nhiên việc giữ khoảng cách xa nhau 2 mét không được dân chú ý lắm khi ra đường.

Khi có việc phải ra ngoài đường, tôi quan sát thấy siêu thị Berkeley Bowl thực hiện các biện pháp tránh giao tiếp xã hội đúng nhất với giới hạn người vào mua và khách xếp hàng bên ngoài hay bên trong cũng tự đứng cách xa nhau 2 mét, không mấy người đeo khẩu trang.

Trong khi tại một siêu thị Costco ở thành phố gần đó, đông khách ra vào và người người xếp hàng san sát bên nhau chờ tính tiền, vì thói quen. Nhiều người cũng chưa nhận thức được là phải giữ khoảng cách xa nhau trong lúc này.

Xa lộ, đường phố vắng hẳn xe. Bình thường lái xe từ Berkeley xuống San Jose trong giờ cao điểm mất ít nhất 90 phút. Sáng thứ Năm bảng chỉ đường ghi còn 47 phút.

Từ sáng thứ Hai tuần trước, bảng chỉ đường ghi từ Berkeley xuống đến phi trường San Jose là 55 phút. Đài phát thanh đưa tin xa lộ 280, 101, 87 lượng lưu thông ít hẳn đi và không có kẹt xe vì từ hôm đó nhiều công ti đã cho nhân viên làm việc ở nhà. Khi đó trường học chưa đóng cửa.

Khách đi xe điện BART ngày hôm đó cũng giảm 25% rồi hôm sau giảm 30%. Thứ Tư nhiều trường bắt đầu đóng cửa và một tuần sau coi như vùng Vịnh rơi vào tình trạng hoang vắng.

Với lệnh cấm túc, số khách đã giảm 90% nên trong những ngày tới tầu điện chỉ còn chạy từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, thay vì từ 5 giờ sáng đến 12 giờ khuya như trước đây.

Tôi đã ở nhà một tuần từ khi trường đóng cửa vào thứ Tư tuần trước. Không ra ngoài nhưng vẫn làm việc vì các lớp đã chuyển sang online.

Nhiều du sinh từ Việt Nam kéo nhau về nước vì tình hình bất ổn và lo ngại đến an nguy sức khoẻ khi biết rằng người dân Mỹ còn chưa được chữa trị thì làm gì đến lượt các em, nếu chẳng may lâm bệnh.

Trước những lo lắng không tiên liệu được tình hình, nhiều trường đã đồng ý nếu sinh viên trở về nguyên quán và vẫn được gia hạn (visa) I-20 để trở lại Mỹ khi nạn dịch qua đi.

Nếp sống ở đây trong những ngày qua không còn bình thường, nhưng không lo thiếu thực phẩm, xăng dầu. Lo nhất là bị bệnh, dù bất cứ bệnh gì vì có mấy ai muốn nhập viện lúc này.

Tôi đã trải qua động đất tháng 10/1989, biến cố 11/9, khủng hoảng kinh tế tài chánh 2008, nhưng lần này có o lắng hơn vì không biết bệnh dịch sẽ hoành hành đến đâu và kéo dài bao lâu.

Tình hình lây bệnh Cô-Vi với số người nhiễm tăng lên mỗi ngày theo cấp số lũy thừa và thiếu thuốc thử nghiệm cũng như cách chữa trị là điều làm mọi người lo sợ. Đúng là chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình.

Như thế còn biết làm gì hơn ngoài việc thường xuyên rửa tay, giới hạn ra ngoài, ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần lạc quan, vui với những gì có thể làm được để qua cơn đại dịch này.

Chẳng cần phải tranh cãi về tên gọi kẻ thù vô hình làm gì. Tôi gọi đó là Cô-Vi cho thân thương, rút ngắn từ Corona Virus thường được truyền thông dùng ở Mỹ. May ra cô bớt khắc nghiệt với con người.

Bùi Văn Phú

(21/03/2020)

Additional Info

  • Author Bùi Văn Phú
Published in Diễn đàn