Tây Nguyên, vùng đất đầy tiềm năng, phải nói rất nhiều nước trên thế giới mơ cũng không tìm ra vùng đất đầy tiềm năng như vậy ?
Hình minh họa. Huyện Chư Pưh - Hình do tác giả cung cấp
Tây Nguyên hay trước đây còn có tên gọi Cao Nguyên Trung phần của Việt Nam, là dải Cao nguyên trải dài phía Tây vùng Nam trung bộ bao gồm 5 Tỉnh ngày nay là : Kontum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng.
Nơi đây có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, bởi nơi đây trước năm 1975 ngoài một diện tích rừng nguyên sinh khá lớn thì đây là một dải đất Bazan màu mỡ phù hợp cho nhiều loại cây công nghiệp có giá trị như : cafe, hồ tiều, cao su, cacao..., về văn hóa thì rất đa dạng từ bản sắc văn hóa đặc trưng của nhiều dân tộc bản xứ, mà từ thời Pháp người ta đã thấy được tiềm năng và sự quan trọng của vùng đất này ninh thì người ta thường nói "mất Tây nguyên là mất nước".
Sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, người dân các tỉnh miền Bắc và duyên hải Trung Bộ lần lượt kéo nhau lên đây lập nghiệp, tìm kiếm sự thịnh vượng ở vùng đất màu mỡ này và xem đây như một "vùng đất hứa". Sự thật là trong những thập niên cuối của thế kỷ trước nhiều người đã trở nên giàu có và nhiều đô thị được mọc lên, ngày càng sầm uất hơn.
Mọi sự phát triển phải dựa vào người dân, kinh tế cũng vậy ? Nói đến nông nghiệp phải nghĩ đến đầu ra sản phẩm, phương thức sản xuất... ; và đương nhiên muốn có được điều này thì không ai khác phải cần có một nhà nước có năng lực, thực sự "của dân và vì dân", có đường lối và quan hệ ngoại giao đúng đắn và trong sáng để có những thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm. Ngoài ra, nhà nước còn phải có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn và hỗ trợ cho nông dân về mô hình, kỹ thuật, cây giống, vật nuôi để phù hợp từng vùng đất, nhu cầu thị trường nội địa và thế giới trong hiện tại và tương lai.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 12/3/2013 : người nông dân thu hoạch hạt tiêu ở huyện Chư Pưh, Gia Lai. AFP
Nhưng rất tiếc Việt nam ta thì hầu hết làm theo hình thức tự phát, hay nói cách khác là người dân "tự bơi". Thị trường đầu ra dường như ta hầu hết lệ thuộc Trung Quốc, và có thể nói nó có quyền "sanh sát" cả nền kinh tế của ta.
Chính vì vậy lẽ ra vùng Tây nguyên phải là bàn đạp để vực dậy kinh tế cả nước thì ngày nay nền kinh tế nơi đây đang khủng hoảng một cách trầm trọng, người dân chìm đắm trong nợ nần, nhiều vùng người dân phải tìm đến cái chết để hết nợ, nhiều nhà trở thành trắng tay vì ngân hàng siết nợ, bỏ đi về các thành phố làm thuê, gia đình ly tán...để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Một hôm tôi có dịp về một địa phương nọ, lâu ngày gặp nên được vài người bạn cũng đang làm nhà nước mời ăn tối trong một quán ăn sang. Sau đó có một vị Lãnh đạo sở Nông nghiệp bước vào thì người bạn tôi chào "sếp siêu Sở"!
Tôi thì lâu nay cứ nghĩ trong các ban ngành thì chắc ngành Nông nghiệp là "bèo" hơn vì họ chỉ toàn tiếp cận nông nghiệp, nông dân thì có gì là ngon, Sở Tài chính, Sở kế hoạch đầu tư... chắc " thơm" hơn.
Nhưng sau khi vị lãnh đạo này đi bàn khác thì tôi hỏi nhỏ, được các bạn tôi mách không có sở nào " béo bở" bằng, vì hàng năm có quá nhiều dự án hỗ trợ nông nghiêp, lâm nghiệp và nông dân, nông thôn được rót về từ ngân sách, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, trong khi đối tượng được hưởng là nông dân là chính, các dự án thì hầu hết vùng nông thôn, vùng sâu nên không có mấy ai giám sát.
Ah ! Thì ra là vậy, nước ta không phải không có các cơ quan ngành nông nghiệp để hỗ trợ phát triển một ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thậm chí họ còn là "siêu Sở, siêu Bộ". Nhưng rất tiếc các Cơ quan này và cả bộ máy cồng kềnh của nó cũng chẳng giúp ích gì được cho người dân, và nó chỉ dừng lại ở cái "siêu sở, siêu bộ" nên nền Nông nghiệp của ta sớm "chết yểu" và người nông dân điêu đứng.
Vũ Ngọc Lục
Nguồn : RFA, 21/02/2020