Rốt cuộc sau nhiều đồn đoán, số phận của ‘đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục IV (Tổng cục Tình báo)’ đã được kết quả bởi kỳ họp 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào những ngày cuối tháng Bảy năm 2018.
Thứ trưởng Bùi Văn Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Jong Kook và các đại biểu tại buổi tiếp ngày 27/08/2014. Ảnh CAND
Theo đó, Tướng công an Bùi Văn Thành ‘đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục IV. Qua kiểm tra, đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành còn vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an ; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật ; ký một số văn bản không đúng thẩm quyền được phân công phụ trách’, và ‘vi phạm của đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành là rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Công an, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật’.
Với mức độ ‘rất nghiêm trọng’, hầu như chắc chắn Bùi Văn Thành sẽ bị cách chức thứ trưởng Bộ Công an. Trường hợp này là tương đương với trường hợp của Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn – cũng là ‘rất nghiêm trọng’.
Tuy nhiên, thân phận của Đinh La Thăng khác hẳn với Trương Minh Tuấn : trong khi Thăng bị tống vào nhà giam và phải ra tòa với mức án tổng cộng lên đến 31 năm tù giam cùng lời tán thán mang tính triết lý sâu sắc hiếm có của một quan chức cộng sản ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’, thì Tuấn mới đây lại nhận được quyết định của Bộ Chính trị điều về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương như một cách ‘tránh bão’ để từ đó có thể ‘hạ cánh an toàn’.
Còn Bùi Văn Thành liệu có được như Trương Minh Tuấn ?
Có một sự khác biệt lớn giữa Trương Minh Tuấn và Bùi Văn Thành : trong khi Tuấn từ lâu được nhiều dư luận đánh giá là ‘phe ta’, tức được Tổng bí thư Trọng ưu ái và cách nào đó được xem là ‘củi nhà’, thì Thành chỉ là ‘củi rừng’ khi chưa có bất cứ mối quan hệ gần gũi cận thần nào với Nguyễn Phú Trọng. Do vậy, tương lai của Bùi Văn Thành có thể sẽ không mấy êm ái, mà sau khi bị cách chức còn có thể dẫn đến hình thức khai trừ đảng – một tiền đề mà khó có thể hiểu khác hơn là sẽ đương nhiên bị tống vào ‘lò’ và có thể sẽ bị khởi tố bắt giam bởi chính những đồng chí đồng sự của ông ta trong Bộ Công an.
Và cũng có thêm một bất lợi lớn đối với tướng Bùi Văn Thành : trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nội dung ‘Qua kiểm tra, đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành còn vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an’. Phải chăng đây chính là đường dây mối nhợ liên quan đến vụ án Vũ ‘Nhôm’ bị khởi tố vì tội danh ‘làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’ vào tháng Mười Hai năm 2017 ?
Nếu nhìn lại, có thể nhận ra là chỉ 3 tháng sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt, Tổng cục V (tình báo) Bộ Công an đã có một mùa gặt hái thắng lợi chưa từng có : một tướng tình báo cùng họ Phan với Phan Văn Anh Vũ – ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ vào ngày 17/4/2018.
Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt đó là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai cái tên đầu tiên trong danh sách 7 người bị bắt và câu lưu của Bộ Công an.
Cho đến nay và liên quan đến tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, đã xuất hiện ít nhất một tam giác với 3 đỉnh : Phan Hữu Tuấn – Nguyễn Hữu Bách – Phan Văn Anh Vũ.
Nếu quả thực Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi tướng Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Nhưng cái tam giác trên rất có thể chỉ là hình dung ban đầu. Dư luận cho rằng còn một cấp cao hơn tướng Phan Hữu Tuấn, có thể ở cấp thứ trưởng Bộ Công an, đã dính dáng đến việc tuồn ra và tiết lộ tài liệu bí mật nào đó của ‘ngành’.
Giờ đây, tam giác đang biến thành tứ giác, với cái đỉnh thứ tư thuộc về tướng Bùi Văn Thành.
Vậy ‘tài liệu bí mật’ nào đã bị tiết lộ ?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một chấn động không chỉ đối nội mà còn đối ngoại và mang tầm cỡ quốc tế, khiến không chỉ Tổng cục Tình báo mà cả Bộ Công an cũng “đi đứt”.
Trong khi chưa biết ‘tài liệu bí mật’ bị tiết lộ là gì, một dấu hỏi khác và quan yếu không kém cũng đang phát ra : động cơ và mục đích của việc ‘làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’ là gì ?
Chỉ thuần túy là lợi dụng tài liệu nội bộ để làm ăn theo lối mafia, hay sử dụng tài liệu này để đấu đá và triệt hạ phe phái ? Nếu rơi vào trường hợp sau, số phận của tướng công an Bùi Văn Thành hầu như chắc chắn sẽ phải ra tòa như Đinh La Thăng.
Người dân có thể ít quan tâm và cũng chẳng màng tới công danh địa vị lợi ích, nhưng đối với giới "chính khách tinh hoa" ở Việt Nam, cái kết cục của Vũ "Nhôm" là một bài học phải trả bằng máu cho giới "tình báo kim tiền" và "phe cánh chính trị" ở Việt Nam.
Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm. (Hình : Báo Giao Thông)
Nhìn lại T4 của 15 năm trước
Đã từ rất lâu, trong giới tình báo công an lẫn quân đội chuyên dùng hoạt động "xã hội hóa" làm bình phong, "quyền lực bóng tối" hay "quyền lực hậu trường" là những khái niệm nằm lòng và rất được ưa thích. Học tập kinh nghiệm từ giới tình báo KGB ở Liên Xô, STASI của Cộng Hòa Dân Chủ Đức và cả CIA của Mỹ, một trong những mục đích không bao giờ công bố của nhiều tình báo viên vừa chính quy vừa "xã hội hóa" ở Việt Nam là sử dụng và phát huy tối đa "quyền lực bóng tối" để chi phối, can thiệp và cả thao túng hoặc chính trường, hoặc thương trường, hoặc cả hai.
Cả hai thứ trên không chỉ là mục đích mà còn là một đặc trưng tâm lý kiêu binh và "tự sướng" của một số tình báo viên : dưới một ít người nhưng trên vạn người.
15 năm trước khi xảy đến vụ Phan Văn Anh Vũ, trong chính trường Việt đã xảy ra một vụ đại án an ninh quốc gia : T4.
Dù chưa bao giờ được đảng hay chính phủ công bố chính thức, nhưng vụ việc này đã được giới cán bộ lão thành đặc biệt quan tâm và đòi hỏi phải bạch hóa. Người ta cũng biết T4 là một bí số cho một nhân viên tình báo tưởng tượng của một cơ quan tình báo Việt Nam cài cắm "trong một cơ quan đặc biệt ở Mỹ," để từ đó cung cấp các tài liệu tối mật, tuyệt mật về mối quan hệ của một số quan chức cao cấp Việt Nam với "kẻ thù số một," cụ thể là với CIA. Cũng từ đó, một số nhân viên tình báo "xã hội hóa" dùng tài liệu tình báo giả, kể cả tài liệu chính trị nội bộ giả của "Phủ đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng Hòa" để khống chế một số quan chức.
T4 có tác dụng là vừa được thành tích vừa được tiền ngân sách cấp. Cho đến khi vụ này vỡ lở và hàng loạt sĩ quan tình báo phải ra tòa…
Nhưng 15 năm sau vụ T4, chắc chắn Vũ "Nhôm" đã vượt mặt anh chị tình báo đi trước, khi nhân vật này là trường hợp "cả hai" – thao túng cả thương trường lẫn chính trường.
Quả báo chính trị
Hình ảnh viên thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ chỉ tay vào mặt Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch thành phố Đà Nẵng – mà hỏi "Có muốn làm nữa hay là nghỉ ?" là một biểu trưng chói lọi nhất từ trước đến nay cho vai trò của một tình báo viên "xã hội hóa," điều mà trước đó hiếm có nhân vật nào trong giới tình báo hay an ninh dám làm hay làm được. Hình ảnh thật tiêu biểu về "chiến tích" ấy khiến Vũ "Nhôm" đã qua mặt nhiều đồng nghiệp và cấp trên của mình để trở thành một thứ tài phiệt chính trị, trở thành nhân vật được đồng nghiệp và giới quan chức cùng kinh doanh xa gần e sợ gọi là "bố già," tạo được tác động không chỉ mang tính can thiệp mà cả khống chế và thao túng giới quan chức chính trị và giới doanh nhân.
Xét trên phương diện cá nhân, một cách nào đó có thể xem biểu trưng trên là thành công lớn của Vũ "Nhôm" – trên con đường hoàn tất chu kỳ "chủ nghĩa tư bản dã man trong ý thức hệ độc đảng" ở Việt Nam trong vài thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Nhưng điều "đáng tiếc" cho Phan Văn Anh Vũ là viên sĩ quan tình báo "xã hội hóa" này đã không biết điểm dừng trong cái vòng xoáy tiền – quyền – tiền hoặc quyền – tiền – quyền vô độ.
Một thứ bệnh đặc trưng của giới sĩ quan tình báo "xã hội hóa" là say sưa với chuỗi hiệu ứng mà mình tạo ra được nơi "con mồi," để từ đó dấn sâu vào thế giới ảo tưởng và sau đó là thế giới hoang tưởng về thứ quyền lực mà mình có được, bất chấp những bài học nhãn tiền của một thế giới ngầm mà nguy cơ bị "hy sinh" hay bị thủ tiêu không hề nhỏ.
Nhưng có một điều mà ngay cả những sĩ quan tình báo lão luyện nhất cũng không thể an tâm tuyệt đối về số phận của mình là những biến động khôn lường – xảy ra theo quy luật hoặc chẳng theo quy luật nào – trong chính trường Việt Nam. Đặc biệt là vào những khoảng thời gian mà nội bộ dậy sóng về chuyện "phe cánh chính trị," tức nói thẳng theo cách dân gian là các phe phái trong nội bộ đảng đấu đá, xung đột lẫn nhau.
Nếu trước khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng vào năm 2008, xung đột nội bộ chủ yếu mang đặc trưng quyền lực, thì sau đó có cả hai đặc trưng : vừa quyền lực vừa lợi ích. Chính Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành nhân vật tiên phong mở đường cho cuộc chạy đua thôn tính và sát phạt giữa các nhóm lợi ích với nhau, kéo theo cả một bộ phận "sĩ quan tình báo" và "sĩ quan an ninh" tham gia – theo cách gọi rất sính là "cả hệ thống chính trị vào cuộc."
Cuộc chiến quyền lực Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Phú Trọng với những đối thủ đương thời là những tiêu biểu của "phe cánh chính trị," chỉ thỏa hiệp nhưng không thỏa mãn và kết cục phải có thắng – thua.
Có vẻ như Vũ "Nhôm" đã lao vào cái hệ thống chính trị ấy một cách quá nhiệt tình và sâu đậm, nhưng lại không thể ngờ được một lúc nào đó chính Vũ sẽ bị "hy sinh."
Hết dư địa thời gian
Vào quý 4 năm 2016 và song trùng với Hội Nghị Trung Ương 4 về "chống tự diễn biến, tự chuyển hóa," Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề "cải tổ" Bộ Công An. Đến khoảng đầu năm 2017, có những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu triển khai chủ trương "tinh gọn bộ máy ngành công an." Nhiều tổng cục sẽ bị thu hẹp, nhiều nhân sự cao cấp trong Bộ Công An sẽ phải "về vườn" hoặc "ngồi chung ghế" với nhau.
Còn sau vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào đầu Tháng Mười Hai, 2017, chủ trương "cải tổ" Bộ Công An đã được chính thức công bố.
Hầu như chắc chắn, Tổng Cục Tình Báo thuộc Bộ Công An – "cái nôi" của cựu Thượng Tá Phan Văn Anh Vũ – sẽ nằm trong số những trọng điểm "thay máu" của ông Trọng. Sẽ có những quan chức công an phải "hy sinh"…
Thế nhưng bất chấp những cố gắng "còn nước còn tát" của ông Nguyễn Phú Trọng, vụ Vũ "Nhôm" là một biểu hiện quá rõ của nạn kiêu binh thời "Vua Lê, Chúa Trịnh" trong lịch sử Việt Nam, đương nhiên trở thành tiền đề không thể rõ hơn dẫn đến tương lai từ phân rã đến ra đi của một chế độ không còn dư địa thời gian trong quy luật lịch sử.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 25/02/2018