AFP
Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc mới kết thúc hôm 23/10/2022 là một sự kiện chính trị được cả thế giới quan tâm, trong đó có công tác nhân sự chủ chốt. Ông Vương Hỗ Ninh (tiếng Trung giản thể : 王沪宁 và tiếng Anh Wang Huning) là một trong bảy Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông được xếp thứ 4 về "vai vế" quyền lực sau Tập Cận Bình - Tổng bí thư, Lý Cường - dự kiến là Thủ tướng và Triệu Lạc Tế - dự kiến là Chủ tịch Quốc hội. Việc ông Vương được tái đắc cử trong nhiệm kỳ tổng bí thứ thứ 3 của Tập được giới quan sát chính trị phương Tây chú ý vì ông ta có vai trò quan trọng không chỉ đối với công tác lý luận của Đảng cộng sản mà còn đối với sự cai trị của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ Đại hội 20 trong bối cảnh cạnh tranh đối đầu ý thức hệ căng thẳng.
Ông Vương Hỗ Ninh từ lâu được ví như "nhà lý luận cung đình", "túi khôn cao cấp nhất của Trung Nam Hải". Một trong những cơ sở mà quan điểm chính trị của Vương dựa vào là lý thuyết chủ quyền quốc gia, coi Trung Quốc là nước lớn, sánh với các cường quốc khác trên thế giới, có bản sắc chế độ riêng, khác biệt với các chế độ tư bản. Ông ta nhấn mạnh nhu cầu "tập trung cần thiết" quyền lực trung ương để cải tổ chính trị, đưa ra lý thuyết "giày vừa chân" nghĩa là thể chế chính trị nhất định cần phải thích ứng với điều kiện văn hoá - xã hội - lịch sử nhất định, trong đó vai trò Đảng cộng sản lãnh đạo chính trị "thống nhất và ổn định". Ngoài ra, ông ta cho rằng nếu chính quyền trung ương suy yếu, xã hội sẽ bị động loạn và, rằng cải tổ chính trị là tất yếu vì tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa sẽ tạo ra xung đột và dẫn tới đòi hỏi dân chủ hóa, cho nên luật pháp phải được tuân thủ nghiêm ngặt…
Trong bối cảnh mô hình Xô - Viết sụp đổ luận thuyết trên được Đảng cộng sản Trung Quốc đón nhận như một "chủ thuyết" cho vận hành chính sách "cải cách và mở cửa", được đề xuất bởi Đặng Tiểu Bình với tư tưởng thực dụng, mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư bản nước ngoài nhưng vẫn duy trì chế độ toàn trị của Đảng cộng sản. Ông được coi là người đứng sau cả ba thuyết và là "đại quốc sư" đắc lực cho ba đời lãnh đạo tối cao Trung Quốc : Giang Trạch Dân với Thuyết ba đại diện, Hồ Cẩm Đào với Quan điểm phát triển khoa học và Tập Cận Bình với "Giấc mộng Trung Hoa". Luận thuyết này có thể coi là cấu phần của mô hình tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong suốt một phần ba thế kỷ qua, từng được coi là lý tưởng để nhiều nước đang phát triển noi theo.
Điểm nhấn xuyên suốt trong luận thuyết của Vương và, là lý do được coi như chủ thuyết, vì nó phát triển lý luận chính trị của Đảng cộng sản cầm quyền dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê-nin, "hiện thực hoá" ý thức hệ cộng sản trong việc xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc đối nghịch với chế độ dân chủ ở Mỹ và phương Tây. Quan điểm chính trị này của Vương sớm được bộc lộ vào những năm 1980, trong tác phẩm Nước Mỹ chống lại nước Mỹ (tiếng Trung 美国反对美国, tiếng Anh America Against America), trong đó Vương đã chỉ ra những nhược điểm của chế độ dân chủ Mỹ.
Dưới góc nhìn của các học giả phương Tây, việc ông Vương không bị "bỏ rơi" là vì đông đảo giới trí thức hiện nay ở Trung Quốc vốn ‘‘không tâm phục khẩu phục’’ tư tưởng Tập Cận Bình, nhưng lại được nâng lên không chỉ với Đảng cộng sản mà còn của toàn xã hội. Nhưng đây có lẽ sự suy luận thay vì lý do chính ông Vương Hỗ Ninh tiếp tục được "tin dùng", hơn cả "nhà lý luận cung đình" còn là người quân sư đắc lực trong việc vận hành chính sách của Đảng cộng sản. Ở cương vị Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, tương tự như Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Vương được đánh giá cao về vai trò "trợ thủ" cho ông Tập khi đã thâu tóm mọi quyền hành, kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo để thực hiện tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc, định hướng chính sách thể hiện rõ sự thù địch với đa nguyên chính trị và các lực lượng của thị trường tự do. Mỹ và phương Tây đang phải đối phó với Trung Quốc đang thay đổi, ưu tiên an ninh thay vì tăng trưởng trong trật tự thế giới lưỡng cực đang định hình phức tạp.
Hàm ý
Mặc dù mô hình "nhà lý luận cung đình" Trung Quốc không có chỗ đứng trong chế độ Đảng cộng sản toàn trị mang nặng tính đức trị ở Việt Nam nhưng sự tương đồng về chế độ chính trị giữa hai nhà nước khiến sự ảnh hưởng của Trung Quốc nói chung, cũng như chỗ dựa về ý thức hệ nói riêng là không tránh khỏi trong bối cảnh cải cách chính trị ở Việt Nam, trong đó kinh nghiệm vận hành tư tưởng Mác - Lênin chắc chắn có hàm ý quan trọng cho Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 01/11/2022
Chuyến công du Bắc Kinh của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngay tức thì sau khi Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc dù mang tính biểu tượng nhưng phần nào cho thấy mối quan hệ "ý thức hệ" sẽ được nâng tầm. Tuy nhiên, liệu sự căng thẳng tranh chấp lãnh hải có được giải toả hay sự lệ thuộc kinh tế có được giảm bớt thay vì được sử dụng như một sức ép chọn phe hay không ?
Cả hai nước dường như đang thực hiện chính sách tương đồng về củng cố và phát triển "Đảng – Nhà nước mạnh", cùng với mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng với những đặc thù riêng và trình độ phát triển khác biệt cách thức vận hành sẽ khác nhau. Như đã phân tích ở trên, Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục dựa vào "luận thuyết cung đình" để đạt mục tiêu của mình trong khi Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác lý luận, nhấn mạnh "vận dụng sáng tạo" chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế đất nước, nhưng với chủ thuyết, luận thuyết hay mô hình nào vẫn đang là vấn đề lớn ? Chính sách thực dụng có thể sẽ chấm dứt ở Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam thì không thể ? Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc thế nào ?
Thay cho lời kết xin dẫn sự kiện có liên quan đến chủ đề bài viết. Mới đây, giữa tháng 10/2022 ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản kỷ luật với mức độ cảnh cáo vì những sai phạm trong vai trò Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2019. Như đã biết, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là hai đơn vị thành viên chủ chốt của Hội đồng này với chức năng "là cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội". Sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống diễn ra nghiêm trọng tại đây khiến vấn đề cải tổ được đặt ra đối với Hội đồng này nói riêng và công tác lý luận chính trị nói chung.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 01/11/2022
Kiến trúc sư của "tư tưởng Tập Cận Bình" bước ra sân khấu (RFI, 26/10/2017)
Tại Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc vừa diễn ra, công chúng dường như đang chứng kiến một "thời đại mới" của nước Trung Hoa đang mở ra, với sự lên ngôi của "tư tưởng" Tập Cận Bình, người từ giờ thâu tóm mọi quyền lực trong tay, chấm dứt thời kỳ quyền lực được chia năm sẻ bảy. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh "thời đại mới" mà ông Tập Cận Bình chủ trương trên thực tế chỉ là một giai đoạn tiếp nối của chế độ "chuyên quyền/độc tài" của Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Kiến trúc sư của ý thức hệ chính trị này, người được mệnh danh là "Kissinger Trung Quốc", vừa trở thành một trong 7 thành viên thường vụ Bộ Chính Trị đảng cộng sản, cơ quan quyền lực tối cao tại Trung Quốc, cũng là một "quốc sư" của hai đời lãnh đạo tiền nhiệm.
Nhà lý luận của đảng cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh (Wang Huning). Ảnh chụp tại kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, ngày 08/03/2017. Reuters/Jason Lee
Trang quốc tế, báo Le Monde hôm nay, 26/10/2017, có bài "Vương Hộ Ninh, quân sư của chế độ, bước ra sân khấu". Nội dung chính của bài viết được chắt lọc từ một bài nghiên cứu mới đây của nhà Trung Quốc học Jude Blanchette, mang tựa đề "Giấc mơ chuyên quyền mới của Vương Hộ Ninh".
Đến với Giang Trạch Dân từ năm 1995
Giáo sư Vương Hộ Ninh (Wang Huning) đã được lãnh đạo Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đưa lên Bắc Kinh từ năm 1995, khi ông còn là trưởng khoa luật Đại học Phục Đán (Fudan), ở Thượng Hải. Vào thời điểm đó, ông Vương đã là một học giả trẻ, thành đạt, tác giả của cả chục cuốn sách. Học giả tứ tuần này cũng là người quyết liệt chống lại "nạn tham nhũng trên thượng tầng chế độ", được coi là mối đe dọa đối với sự tồn vong của đảng cộng sản Trung Quốc (sau hai biến cố chấn động Thiên An Môn 1989 và Liên Xô sụp đổ 1991).
Vương Hộ Ninh được bổ nhiệm phụ trách ban nghiên cứu chính trị của Trung tâm nghiên cứu chính sách trung ương, cơ quan tư vấn của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Năm 2002, giáo sư Vương Hộ Ninh trở thành ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng cộng sản. Tên tuổi của giáo sư Vương gắn liền với các quan điểm mới trong cương lĩnh của đảng cộng sản Trung Quốc, như thuyết "Ba Đại Diện" (2002) thời Giang Trạch Dân, quan điểm "Phát Triển Khoa Học" (2007) thời Hồ Cẩm Đào, và giờ đây là "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình.
Ông Vương Hộ Ninh từng theo học tiếng Pháp, ngôn ngữ mà ông thành thạo, trước khi được đào tạo về chính trị quốc tế và luật. Sau khi trở thành giáo sư, ông đã có nhiều chuyến công du Hoa Kỳ, với tư cách nhà nghiên cứu, trong những năm 1980. Chính trong các chuyến đi này, Vương Hộ Ninh rút ra một nhận xét : Washington là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc. Năm 1991, ông Vương xuất bản cuốn sách "Nước Mỹ chống lại nước Mỹ", nhằm lý giải sức mạnh cùng các nhược điểm của siêu cường số một thế giới.
Kinh nghiệm Mỹ và "con đường phục hưng"
Vào thời điểm đó, giáo sư Vương khẳng định nghĩa vụ của một trí thức Trung Quốc là hiểu được vì sao một nền văn minh Trung Hoa hơn 2000 năm tuổi có thể suy tàn, trong lúc một quốc gia trẻ như Hoa Kỳ, với lịch sử 200 năm, lại có thể vươn mình thành cường quốc đứng đầu thế giới. Vương Hộ Ninh nhấn mạnh là mọi trí thức Trung Quốc "phải làm điều này", vì "đây là một phương tiện để hiểu rõ hơn thế giới và chính mình, để tìm kiếm con đường làm Trung Quốc trở nên hùng mạnh và thịnh vượng". Đây chính là những cơ sở đầu tiên cho chủ trương "phục hưng Trung Quốc" của "tổng bí thư Tập".
Những năm 1980 cũng là thời gian mà Vương Hộ Ninh quan tâm đến hệ thống pháp luật. Trong một bài viết năm 1986, giáo sư chính trị Đại học Thượng Hải giải thích sở dĩ Cách Mạng Văn Hóa gây ra nhiều hậu quả, là do "không có sự phân chia quyền lực, giữa công an, công tố và tòa án". Một quan điểm như vậy rất được chia sẻ trong giai đoạn mở cửa chính trị ngắn ngủi này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giáo sư Vương Hộ Ninh đã trở thành một trong những trí thức tiêu biểu ủng hộ cho một "quyền lực tập trung mạnh", "phân phối hiệu quả các nguồn lực", đồng thời "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng". Các tư tưởng nói trên được thể hiện trong một bài viết trên tạp chí của Đại học Phục Đán, tháng 3/1988, mang tựa đề "Phân tích về các hình thức cầm quyền trong quá trình hiện đại hóa". Vương Hộ Ninh trở thành một đại diện cho trường phái tư tưởng chính trị "chuyên quyền mới" (néo-autoritarisme).
Nàng "tự do" và chàng "chuyên chế"
Nhà Trung Quốc học Jude Blanchette, trong bài viết "Giấc mơ chuyên quyền mới của Vương Hộ Ninh", nhấn mạnh là cần phải nắm được lý thuyết chính trị nói trên để hiểu được "giai đoạn siêu bảo thủ hiện nay tại Trung Quốc".
Theo Jude Blanchette, học thuyết chuyên quyền mới có điểm chung là chủ trương "ổn định chính trị" là điều kiện trước hết cho sự phát triển kinh tế, và những vấn đề khác, như dân chủ và tự do cá nhân sẽ đến sau, khi các điều kiện được hội đủ. Một trong những cộng sự nỗ lực củng cố tư tưởng "chuyên quyền mới", cùng với Vương Hộ Ninh, là kinh tế gia Ngô Giá Tường (Wu Jiaxiang).
Nhà nghiên cứu của Trung Ương đảng cộng sản Trung Quốc biện minh cho giai đoạn chuyên quyền mới trong thời kỳ kinh tế mở cửa, với hình ảnh ví von như sau. Trước khi chàng "dân chủ" và nàng "tự do" "kết hôn" được với nhau, có một thời kỳ gần gũi giữa nàng "tự do" và chàng "chuyên chế". Nếu như "dân chủ" và "tự do" sẽ có suốt cả một đời chung sống, thì có thể coi anh chàng "chuyên chế" là tình nhân của nàng "tự do" trước cuộc hôn thú chính thức.
Quan điểm của một bộ phận nhóm chuyên quyền mới nhìn chung tóm lại là : nếu không có «trật tự xã hội", thì không thể có được "tự do và dân chủ". Trường phái "chuyên quyền mới" Trung Quốc coi các con hổ Châu Á thành công trong cuộc hiện đại hóa mới đây, như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, là các kinh nghiệm sống, cho thấy hiện đại hóa kinh tế "đòi hỏi (hoặc ít nhất cùng tồn tại với) một hệ thống chính trị quyết đoán". Theo họ, một giai đoạn chuyên quyền như vậy "không phải là quay lui về quá khứ", mà đây chỉ là "một giai đoạn chuyển tiếp", trong đó giới tinh hoa có nghĩa vụ dẫn dắt dân chúng tiến lên.
Một lý thuyết từng bị gạt sang lề
Nhà Trung Quốc học Jude Blanchette điểm lại là quan điểm "chuyên quyền mới" đã từng được hưởng ứng sôi nổi tại Trung Quốc vào cuối những năm 1980, đặc biệt vào thời điểm trước cuộc thảm sát Thiên An Môn, tháng 6/1989, trong bối cảnh cải cách kinh tế diễn ra quá nhanh chóng khiến đảng cộng sản mất khả năng kiểm soát. Xử lý thế nào mâu thuẫn giữa xu hướng phân quyền không thể tránh khỏi và đòi hỏi duy trì ổn định trên quy mô toàn quốc là một thách thức không có lời giải vào thời điểm đó.
Vào tháng 3 năm đó, Triệu Tử Dương, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó hỏi ý Đặng Tiểu Bình : "Hiện nay tại các nước ngoài, có một lý thuyết về chuyên quyền mới, một số nhóm lý luận trong nước cũng đang thảo luận về vấn đề này". Lãnh đạo họ Đặng, người nắm quyền thực sự lúc đó, đáp : "Đây cũng là ý tôi".
Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị thanh trừng, học thuyết "chuyên quyền mới" bị dẹp, mọi nhắc gợi đến một hệ thống chính trị dân chủ hơn sau thời "chuyển tiếp được cai trị với bàn tay sắt" đều bị gạt bỏ, Trung Quốc bước vào thời kỳ "tân bảo thủ" trong những năm 1990, đổ xô về với những gì được coi là cội rễ dân tộc.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Jude Blanchette, cả hai quan điểm chính trị "chuyên quyền mới" và "tân bảo thủ" đều tiếp tục phát triển song hành trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập Cận Bình (2012-2017).
Giáo sư Vương làm gì khi "ổn định" đã có ?
Bài phân tích khép lại với nhận xét : Từ hơn 20 năm nay, kể từ khi về trung ương, giáo sư Vương Hộ Ninh không còn viết thêm gì về "thuyết chuyên quyền mới", tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có cần viết gì nữa không, khi giờ đây "trật tự và ổn định đã khải hoàn" và tuy "bầu trời vẫn ở trên cao, nhưng Hoàng đế đã gần hơn bao giờ hết (*)" ?
Điều đó có thể được hiểu là giờ đây khi các điều kiện ổn định đã hội đủ, liệu ông Vương có tiếp tục giấc mơ chuyển tiếp từ chuyên chế sang dân chủ, chưa hoàn thiện năm nào ? Hay "thuyết chuyên quyền mới" mà ông từng chủ trương rút cục cũng chỉ là một phương thức hiện đại và hấp dẫn, để biện minh cho truyền thống cai trị độc đoán ngàn năm của đế chế Trung Hoa ?
Trọng Thành
(*) Theo nhà Trung Quốc học Jude Blanchette, một cảm nhận phổ biến của người Trung Hoa, tương truyền có từ thời nhà Nguyên (thế kỷ 13-14), "Hoàng đế xa như Trời cao" (Thiên cao, Hoàng đế viễn). Sau giai đoạn "hỗn loạn" Cách Mạng Văn Hóa, do Mao khởi xướng (kéo dài từ năm 1966 đến giữa những năm 1970), nhiều người Trung Quốc, trong đó có giáo sư Vương Hộ Ninh, càng thấm thía điều này, càng "kiên quyết tìm cách kéo Hoàng đế (tức lãnh đạo tối cao) về thật gần". Một ám ảnh khác xuyên suốt thời kỳ dạy học và nghiên cứu của giáo sư Vương là tình trạng chính quyền trung ương phó thác hoàn toàn quyền lực cho nhiều thủ lĩnh địa phương, trong giai đoạn mở cửa kinh tế "hậu Mao", được coi là một nguồn hỗn loạn khác.
*****************
Thầy Vương lập thuyết cho ba tổng bí thư Trung Quốc (BBC, 26/10/2017)
Quê Sơn Đông và từng dạy học tại Thượng Hải, nhà lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Hộ Ninh, vừa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Vương Hộ Ninh sinh năm 1955 ở tỉnh Sơn Đông
Biết tiếng Pháp, Anh và từng dự học ở các Đại học Iowa, Michigan và UC Berkeley, Hoa Kỳ nhưng ông Vương, 62 tuổi, hoàn toàn không mến mộ mô hình chính trị Âu Mỹ.
Một tác phẩm của ông được báo chí quốc tế nói đến nhiều là cuốn "Nước Mỹ chống lại nước Mỹ" (Meiguo fandui Meiguo - America Against Amercia), phê phán hệ thống chính trị xã hội Hoa Kỳ.
Nhưng một số bạn cũ tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải cũng nhận xét ông Vương, người từng ký thư phản đối phong trào sinh viên 1989, không bao giờ bày tỏ quan điểm riêng, và ứng xử "như kỳ nhông", đổi màu khi cần.
Đây cũng là lý do ông lên cao trong bộ máy Đảng và được lòng cả ba đời lãnh đạo Đảng từ đầu thập niên 2000 đến nay.
Đi lên từ lý luận
Học Đại học Sư phạm Thượng Hải, ông Vương Hộ Ninh (sinh năm 1955), đã vào Đảng Cộng sản và làm việc tại các cơ quan ở thành phố duyên hải có tiếp xúc nhiều nhất với Phương Tây, từ thời Dân quốc cho đến thời Khai phóng.
Đại học Phục Đán ngày nay
Học ngành Pháp văn, có ngoại ngữ nên ông làm cán bộ Sở Ngoại vụ của thành phố, và tiếp tục làm bằng cấp lên cao.
Năm 1981, ông làm phó Giáo sư, rồi sau lên Giáo sư Đại học Phục Đán và hoạt động mạnh trong khối lý luận, ủng hộ cách cầm quyền tập trung nhưng đồng ý để cấp dưới mở rộng dần dân chủ có kiểm soát.
Các bài lý luận Marxist và chuyên đề về lãnh đạo Đảng thời Khai phóng của ông đã đến được tai Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Ngô Bang Quốc ở Thượng Hải.
Không chỉ tập trung vào các vấn đề của Đảng, ông còn viết về chính sách đối ngoại.
Năm 1993, ông xuất bản trên báo trường Phục Đán bài viết về quyền lực mềm (ruan quanli) cho rằng nó phải trở thành một phần văn hóa củng cố "sức mạnh quốc gia" của Trung Quốc đối với bên ngoài.
Sang năm 1995, ông được Giang Trạch Dân chọn làm phụ tá và cũng chính ông Giang cử ông vào làm việc ở Văn phòng Nghiên cứu Chính sách thuộc Trung ương Đảng.
Dù biết ngoại ngữ và từng du học ở Phương Tây, ông không phải là nhân vật ủng hộ tự do chính trị.
Điều này khiến ông bị một số bạn học cũ, nay định cư tại Hoa Kỳ, cho là người "sẵn sàng uốn nắn lập trường để phục vụ cho ai đang nắm quyền".
Năm 2002, ông Vương vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đánh dấu thời kỳ Ban lãnh đạo Trung Quốc cần hệ thống lý luận cải thiện nhanh để quản lý trên 80 triệu đảng viên và đặt ra đường hướng cho quốc gia.
Quả vậy, ông Vương Hộ Ninh là người soạn ra thuyết Ba Đại diện cho Tổng bí thư Giang Trạch Dân, chủ yếu nhằm mở đường về lý luận để Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng tốt hơn giới doanh nghiệp trong sự nghiệp Mở cửa và Hiện đại hóa.
Sau đó, ông cũng là người chấp bút để Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào nêu ra lý luận Phát triển Khoa học, Hài hòa.
Về cơ bản, dù vẫn dùng ngôn từ Marxist truyền thống, ông Vương đặt các vấn đề của Trung Quốc vào bối cảnh "đặc thù Trung Hoa" và vì thế, cần các giải pháp cũng đặc thù như "chính trị tập trung" trong hoàn cảnh "kinh tế tăng trưởng nhanh chóng".
Ông cũng phân tích mô hình Anh Quốc thời David Cameron, Singapore thời Lý Quang Diệu và các ví dụ Đông Á để đi đến kết luận rằng "tập trung quyền lực" sẽ tốt hơn cho việc tái phân bổ lợi tức xã hội.
Tuy thế, sang thời Tập Cận Bình, khi nhu cầu chính trị về việc nhất thể hóa càng lên cao, ông Vương không gọi đó là mô hình "tập trung quyền lực" (centralised power), mà đổi thấy "thống nhất quyền lực' (unified power), đưa mọi nhánh về một mối.
Kissinger của Trung Quốc
Nhưng không chỉ lo về lý luận, ông Vương còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo chí nước ngoài gọi ông là "cố vấn chính về đối ngoại" (chief foreign policy adviser) cho Tập Cận Bình và xuất hiện trong các chuyến đi nước ngoài cùng ông Tập mà lần gần nhất đây là Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức.
Báo Mỹ còn gọi ông Vương là "Kissinger của Trung Quốc", hàm ý không chỉ giúp ông Tập về lý luận, ông còn lập ra chiến lược đối ngoại cho Trung Quốc.
Nhưng khác với Henry Kissinger là người ham vui, ông Vương bị chê là "lạnh lùng", kín tiếng và không bày tỏ thái độ thân thiện với báo chí khi công du nước ngoài.
Trên thực tế, từ năm năm qua, ông Vương đã điều hành các công việc của Bộ Chính trị trong vai trò ở Ban Bí thư và giúp ông Tập lập ra các nét chính của công cuộc cải cách.
Báo Hàn Quốc viết rằng ông Vương là người đề xuất việc lập ra "vùng lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Đông Á, nhằm dùng ảnh hưởng của Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ.
Bên cạnh hai nhân vật khác là Vương Nghị và Dương Khiết Trì, ông Vương Hộ Ninh là nhà chiến lược trong đối phó với Bắc Hàn, theo báo Hàn Quốc.
Nay, cùng sự rời ghế Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Lưu Vân Sơn, người từng phụ trách mảng Đông Bắc Á và là lãnh đạo cao nhất cuối cùng của Trung Quốc gặp Kim Jong-un năm 2015, ông Vương Hộ Ninh có thể sẽ điều phối cả đối ngoại trong những hồ sơ chiến lược như vấn đề nguyên tử của Bình Nhưỡng.
***************
Uy lực độc tôn của Tập Cận Bình ở Trung Quốc và tác động đến thế giới (RFI, 26/10/2017)
Sau khi Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 bế mạc, giới quan sát hầu như đều nhất trí cho rằng ông Tập Cận Bình đã trở thành một lãnh đạo có uy lực độc tôn tại Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là sự kiện đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến phần còn lại của thế giới ? Nhìn chung, các nhà phân tích đều tỏ ý quan ngại, khi điểm lại quá trình thâu tóm quyền lực của nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc hiện nay.
Ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) sau bài diễn văn bế mạc Đại Hội 19, ngày 25/10/2017. Reuters/Jason Lee
Với những quyết định vừa qua tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền trong cả chục năm nữa mà không có người giám sát hay cạnh tranh, lại nắm trong tay một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với một quân đội được cho là mạnh nhất từ trước đến nay.
Quyền lực của ông lại được xem là rất ổn định, trong khi lãnh đạo các nước được cho là có thể là đối thủ của ông như tổng thống Mỹ Donald Trump hay thủ tướng Đức Angela Merkel thì vẫn vấp phải đối lập trong nước. Ngay cả tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không có được một căn bản ổn định cả về chính trị lẫn kinh tế như lãnh đạo Trung Quốc.
Đối với thế giới, vấn đề tuy nhiên lại là những lập luận mà ông Tập Cận Bình đã khai thác để vươn lên đỉnh cao quyền lực trong thời gian qua. Phát biểu với đài truyền hình Mỹ CNN, ông James McGregor, tác giả một tập biên khảo về chủ nghĩa chuyên chế tại Trung Quốc, đã tóm tắt lập luận của ông Tập Cận Bình trong công thức "Trung Quốc vốn vĩ đại, đã bị ngoại bang hủy hoại, và được Đảng khôi phục".
Nền tảng lập luận của ông Tập Cận Bình được gói trong khái niệm "Giấc Mơ Trung Hoa". Thế nhưng, trong một nghiên cứu mới đây, Viện Lowy Institute của Úc đã nhận ra rằng : "Dưới một vỏ bọc vô hại là khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Hoa", việc ông Tập Cận Bình củng cố đảng cộng sản ở trong nước và kiên quyết thúc đẩy các yêu sách của Bắc Kinh ở ngoài nước, đang tác động sâu sắc đến Trung Quốc, các láng giềng của Trung Quốc, và đến phần còn lại của thế giới".
Theo ghi nhận của CNN, ở ngoài nước, dấu ấn của Tập Cận Bình được thấy rõ rệt nhất trong lãnh vực ngoại giao và quân sự, như tại Biển Đông nơi Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các thực thể địa lý, bất chấp phán quyết bất đồng tình của một tòa án quốc tế. Bị nhiều nước phản đối, Trung Quốc vẫn thản nhiên và coi như đã thắng thế vì không một nước tranh chấp nào dám thách thức Bắc Kinh về quân sự, trong lúc đối với chính quyền Trump, Biển Đông không còn là một vấn đề lớn nữa.
Báo cáo của Viện Lowy nhận định : "Hơn cả những người tiền nhiệm của ông, Tập Cận Bình đã tìm cách dùng sức mạnh ngoại giao và quân sự của Trung Quốc để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…".
Về quân sự, mới đây, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trên quyền lãnh đạo của Đảng và nhu cầu cải cách để "sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của đất nước".
Tuy nhiên, theo CNN, cách hành xử của Bắc Kinh trong thời gian qua, đặc biệt là các động thái quân sự và kinh tế hung hăng có thể quật ngược trở lại Trung Quốc, điều mà nhiều cường quốc trước đây đã vấp phải, khi cố xuất khẩu ảnh hưởng ra nước ngoài.
Đối với ông McGregor, dù được hưởng lợi từ chính sách Nước Mỹ Trên Hết của ông Donald Trump, và những khủng hoảng tại Châu Âu, nhưng Trung Quốc "hiện không có nhiều bạn bè". Đối với chuyên gia này, "khi thúc đẩy cho đất nước mạnh lên, Trung Quốc có thể là đã không nghĩ đến tác động của điều đó đối với thế giới, và đối với cách thế giới nhìn nhận Trung Quốc".
Trọng Nghĩa