Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lịch sử đương đại đã rất nhiều lần chứng minh rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đối phó với nhân quyền bằng một thứ trí tuệ ‘cái khó ló cái ngu’.

evfta1

Bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký FIDH, người bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh : RFA

Chỉ một tuần sau vụ việc chính quyền Việt Nam cấm không cho hai đại diện cao cấp của Hai tổ chức bảo vệ nhân quyền có tiếng trên thế giới là Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH và Ân Xá Quốc Tế Amnesty International nhập cảnh để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13 tháng 9 năm 2018, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) đã gửi một bức thư chung nêu một loạt quan ngại nặng nề về nhân quyền, bao gồm việc giam giữ những người bất đồng chính kiến, cản trở tự do ngôn luận và tự do lập hội, thiếu tự do báo chí và truyền thông, và kiểm duyệt mạng internet. Các Nghị viên Châu Âu cảnh báo rằng nếu tình hình không được cải thiện, họ "sẽ khó lòng" phê duyệt chung cuộc thỏa thuận thương mại EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu).

Bức thư trên được gửi tới Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström và Đại diện Cấp cao Federica Mogherini – kêu gọi EU đưa ra một loạt các mốc đánh giá về nhân quyền mà quốc gia Châu Á này cần đạt được trước khi các thỏa thuận được trình lên để Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, cụ thể là trong các lĩnh vực tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.

Đây có thể là lần đầu tiên một số đông trên mười nghị sĩ Châu Âu cùng ký thư tập thể để phản đối các vụ vi phạm nhâm quyền ngày càng trầm trọng của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Nếu so sánh với thái độ khá mềm mại và còn có vẻ nhu nhược của các nghị sĩ Châu Âu, đặc biệt là của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam trong thời gian trước đây, động thái thư ‘tố cáo’ tập thể mới xảy ra đã cho thấy cái nhìn và nhận thức của Quốc hội Châu Âu đối với nhà nước cộng sản Việt Nam đã chuyển biến nhiều và trở nên khác hẳn kể từ 2017 - năm mà Việt Nam bắt gần ba chục người bất đồng chính kiến, cũng là năm xảy ra vụ mật vụ Việt Nam ngang nhiên bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Đức.

Cùng lúc, hai tổ chức bảo vệ nhân quyền có tiếng trên thế giới là Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH và Ân Xá Quốc Tế Amnesty International đã tố cáo chính quyền Việt Nam cấm không cho hai đại diện cao cấp của họ nhập cảnh để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN. 

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0 : Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.

Diễn đàn trên là một cơ hội hiếm hoi để chính thể độc đảng ở Việt Nam hy vọng ‘lấy lại những gì đã mất’ từ sau khi ‘uy tín đối ngoại’ của nhà nước này đã bị sụt giảm thê thảm do cuộc khủng hoảng phát sinh từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 là sự kiện quốc tế thứ hai được tổ chức ở Việt Nam. Trước đó vào tháng Mười Một năm 2017 là Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu cơn suy thoái năm thứ 10 liên tiếp và gặp vô số khốn khó về ba ‘bình chủng hợp thành’ là nợ công - nợ xấu - ngân sách, chính thể Việt Nam rất cần đăng cai những sự kiện quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và viện trợ cùng kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ để cứu vãn nền kinh tế và ngân sách.

Tuy nhiên điều mà chính thể Việt Nam luôn sợ hãi là tiếng nói phản biện và tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng đến từ giới đấu tranh nhân quyền trong nước và quốc tế.

Lời tố cáo của giới nhân quyền quốc tế đã có tác dụng như một kích thích tố trực tiếp khiến giọt nước tràn ly và làm xuất hiện bức thư của 32 nghị sĩ Châu Âu.

Có thể cho rằng bức thư trên gần giống như một tối hậu thư của giới nghị sĩ Châu Âu về số phận phải gắn với nhân quyền của EVFTA.

Một số thư cá nhân của các nghị sĩ Châu Âu gửi trước đây về Việt Nam đã chỉ nêu vấn đề vi phạm nhân quyền nhưng ít gắn với điều kiện EVFTA.

Còn nay, trong bối cảnh EVFTA đang trở nên quá mong manh sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã vừa ‘cái khó ló cái ngu’ khi tiếp tục hành xử theo não trạng chuyên quyền độc tài bằng cách cấm các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế vào Việt Nam.

Không khó để hình dung rằng bức thư của 32 nghị sĩ Châu Âu sẽ tác động không nhỏ đến cuộc họp về ký hay không ký EVFTA được tổ chức tại Bruxelles vào tháng Mười năm 2018 giữa Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu với phía Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/09/2018

Published in Diễn đàn