Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) bị phát hiện chỉ mới đây đã phát ra một dấu hiệu về triển vọng bục rách ghê gớm của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam – bao gồm nhiều ngân hàng thương mại 100% vốn tư nhân và cả những ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước.

eximbank1

Ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình không những không bị hề hấn gì trong vụ xử đại án OceanBank, mà còn đang được một số dư luận đồn đoán sẽ được Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang chỗ khác "ngon hơn" sau Hội nghị trung ương 7. Ảnh : Zing News

Nhưng cho đến nay và sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở nhiều ngân hàng thương mại, vẫn chẳng có một cuộc "đại phẫu" hay "thay máu" nào đặc cách dành cho khối ngân hàng và cơ quan quản lý của nó là Ngân hàng nhà nước. Vẫn chỉ là lý do mang đậm đặc ngụy biện như "do lỗ hổng quản trị rủi ro".

Vậy có thể giải thích thế nào về hiện tượng 5 năm trước khi xảy ra hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng, Eximbank đã từng "vinh dự nhận giải thưởng "Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013"’ ?

Nhưng lại có một bằng chứng không thể chối cãi về "thành tích điều hành" của Ngân hàng nhà nước : vào tháng Ba năm 2018, một cựu phó thống đốc của Ngân hàng nhà nước là Đặng Thanh Bình đã chính thức bị truy tố. Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Đặng Thanh Bình phụ trách công tác giảm sát kiểm tra. Đó cũng là thời của vô số khuất tất về chính công tác này mà đã khiến 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng và một số ngân hàng thương mại khác, chẳng hạn như DongABank, được "chui qua lỗ kim", để đến giờ này Đặng Thanh Bình bị truy tố với ít nhất một vụ việc đã "giúp" Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây Dựng làm thất thoát đến 9.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, một phó thống đốc khác của Ngân hàng nhà nước là bà Nguyễn Thị Hồng đã khiến dư luận xã hội phẫn nộ khi bà nêu ra "giải pháp chấn chỉnh" sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng : "người dân phải kiểm tra thường xuyên khi gửi tiền ngân hàng", mà không có một sự thừa nhận nào về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Ngân hàng nhà nước.

Những năm gần đây, mật độ vụ việc chiếm đoạt tiền gửi khách hàng đã lan từ khối ngân hàng thương mại nhỏ 100% vốn tư nhân sang cả những ngân hàng thương mại lớn có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước. Agribank, Vietcombank, Eximbank, BIDV đều là những ngân hàng nằm trong "top 5" của hệ thống ngân hàng Việt Nam và từng được chính thống đốc Ngân hàng nhà nước thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình hứa hẹn như đinh đóng cột "không để ngân hàng nào bị phá sản".

Cho tới nay và khi đã trở thành ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được lời hứa trên : vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.

Nhưng thay cho cảnh phá sản đáng lẽ đã phải xảy ra vào cuối năm 2014, có ít nhất 3 ngân hàng là Đại Dương, Xây Dựng và Dầu Khí Toàn Cầu đã được Ngân hàng nhà nước thời Nguyễn Văn Bình giang tay ôm vào lòng với giá 0 đồng, bất chấp tình trạng nợ xấu và rất xấu của 3 ngân hàng này lên đến 20.000 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ tổng cộng của cả 3 ngân hàng chỉ có 10.000 tỷ đồng.

Và cho đến nay, vẫn không ai biết Ngân hàng nhà nước đã làm cách nào để đạo diễn mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng. Tất cả vẫn là một tấm màn bí ẩn và dường như được cả cấp trên của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình tìm cách che khuất, bất chấp rất nhiều dư luận đã nghi ngờ về việc vào thời còn là thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo lấy tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để "cứu" 3 ngân hàng trên.

"Cái sảy nảy cái ung" – lối quản lý của người bị Tạp chí quốc tế Global Finance liệt vào "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới" vào năm 2012, tức Nguyễn Văn Bình – đã kéo theo vô số hậu quả coi thường pháp luật ở nhiều ngân hàng, trong đó phải kể đến "ngân hàng quốc doanh lớn nhất" Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng.

Trong bối cảnh nhập nhoạng và đầy rẫy tham nhũng như thế, hội chứng "hốt cú chót" cũng hình thành trong não trạng tội phạm – quan chức ngân hàng – như thế. Hình thành vào lúc hiện ra ngày càng nhiều thông tin về tương lai phá sản không thể tránh khỏi của một số ngân hàng đang cõng trên mình số nợ xấu rất lớn mà không cách gì xử lý được.

Nếu vào những năm trước cũng đã có một số vụ việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ – từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, thì quy mô chiếm đoạt gần đây đã lên tới từ 50 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng trong thời gian gần đây cho thấy tâm lý kẻ phạm tội là nhân viên và quan chức ngân hàng đã gần giống với tâm lý của những tên cướp và trộm "đã làm thì làm cho đáng, đằng nào cũng một lần đi tù"…

Nhưng cho tới nay, trừ trường hợp cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình bị truy tố theo vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây Dựng, vẫn còn nhiều quan chức ngân hàng khác bình yên vô sự.

Ngay cả Ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình không những không bị hề hấn gì trong vụ xử đại án OceanBank, mà còn đang được một số dư luận đồn đoán sẽ được Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang chỗ khác "ngon hơn" sau Hội nghị trung ương 7.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 14/04/2018

Published in Diễn đàn