Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ 'bắt cóc ở Berlin' được truyền thông Đức loan tải từ rất sớm, chỉ ít hôm sau thời điểm được cho là ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt ở công viên Berlin hồi cuối tháng 7/2017, trước khi giới chức Đức chính thức họp báo ra tuyên bố.

txt1

Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia hôm 2/5/2018 có chuyến công du một ngày tới Đức, với vụ 'bắt cóc ở Berlin' nằm cao trong nghị trình thảo luận giữa ông với Thủ tướng Đức, Angela Merkel

Không chỉ đưa tin, truyền thông Đức dường như còn đóng vai trò nhất định trong việc gây áp lực khiến chính phủ Slovakia phải lên tiếng trong những ngày cuối tháng Tư vừa qua, sau khi bị đặt câu hỏi về việc 'là nước trung gian'.

Với việc Tòa Thượng thẩm Berlin mở phiên tòa xét xử bị cáo Long N. H., một trong các nghi phạm bị cơ quan công tố Đức cáo buộc đã tham gia 'bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh', ngày càng nhiều tình tiết được công bố nhằm làm sáng tỏ vụ việc.

Phiên tòa theo kế hoạch diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.

Phóng viên Sebastian Erb là một trong những cây bút của nhật báo Đức Taz đã theo đuổi và tường thuật về vụ 'bắt cóc ở Berlin' từ những ngày đầu tiên và cũng theo dõi sát phiên tòa xử nghi phạm Long N. H đang diễn ra.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 8/5, ông nói rằng có rất nhiều điều đáng chú ý trong phiên xử thứ ba, diễn ra hôm thứ Hai, 7/5/2018.

Sebastian Erb : Đó là một phiên xử rất thú vị, bởi có sự xuất hiện của vợ nạn nhân vụ bắt cóc vào buổi sáng, và một nhân chứng khác trong buổi chiều, ông Vũ Đình Duy.

Công tác an ninh bảo vệ tại tòa là vô cùng khắt khe, không ai được mang thứ gì vào, kể cả bút viết. Những người vào dự được nhân viên tòa án phát cho bút chì mang vào thôi.

Vợ nạn nhân xuất hiện với vai trò nhân chứng, được ba nhân viên an ninh đi kèm theo chương trình bảo vệ nhân chứng.

Không chỉ có vậy, phiên xử còn thú vị ở chỗ luật sư bảo vệ cho bị cáo đã tìm cách áp dụng một số chiến thuật để cản trở tiến trình tố tụng. Tòa đã phải tạm dừng vài lần để ông ấy nghiên cứu hồ sơ.

BBC : Có điểm gì bất ngờ, ngoài dự kiến, ngoài phán đoán của giới phóng viên hay của mọi người nói chung trong phiên xử đó không ?

Sebastian Erb : Trước tiên là chi tiết về một bữa ăn sáng ở Prague, diễn ra trước khi xảy ra vụ bắt cóc ít hôm.

Bữa ăn này có mặt bốn người, gồm nhân chứng Vũ [Đình Duy] và ba người khác, trong đó có một nghi phạm tham gia vụ bắt cóc, và một người mà cơ quan công tố nghi ngờ rằng có thể là một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam. Nhân chứng Vũ khai trước tòa rằng ông ta không nhớ rõ người mà tòa hỏi đến là ai, và chúng ta không biết là ông ấy có nói thật hay không.

Một chi tiết đáng chú ý nữa là tiến trình điều tra việc liệu Slovakia có tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh [Xuân Thanh], hay ít nhất cũng là giúp đỡ Việt Nam trong việc đưa ông Trịnh ra khỏi khối EU hay không.

Với những thông tin mà chúng ta biết thì điều rất rõ ràng là ông ấy đã bị người của phía Việt Nam bắt. Cho nên câu hỏi ở đây là ông ấy đã được đưa về như thế nào.

Bên công tố nói hiện vẫn chưa rõ ông Trịnh đã được đưa trở về Việt Nam như thế nào.

Chính phủ Slovakia đã nói dối về thời gian diễn ra cuộc họp với phái đoàn Việt Nam ở khách sạn Borik. Ban đầu, họ nói là họp trong ba tiếng, rồi nói là trong hai tiếng.

Nhưng báo Taz chúng tôi điều tra thấy theo các dữ liệu hành trình bay được ghi lại thì chiếc phi cơ chỉ đỗ tại Bratislava trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Mà họ đi từ sân bay tới khách sạn nơi diễn ra cuộc họp, rồi quay trở lại sân bay là phải mất ít nhất 15 phút di chuyển mỗi chiều, cho nên cuộc họp chỉ có thể diễn ra trong thời gian chưa tới một giờ đồng hồ.

Vậy nên từ đó chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu đó có phải là một cuộc họp rất quan trọng giữa các quan chức cao cấp của hai bên hay không, hay có lẽ là đã chẳng hề có cuộc họp thật sự nào mà đó chỉ là để thu xếp một chuyến bay ra khỏi EU, đến Moscow, rồi từ đó là một chuyến bay khác về Việt Nam.

BBC : Nói tới nhân chứng ra tòa chiều hôm thứ Hai 7/5, ông có biết tình trạng pháp lý của nhân chứng đó tại Việt Nam không ?

Sebastian Erb : Nhân chứng đó khai trước tòa rằng ông ta buộc phải rời khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, và rằng ông ta là người có địa vị trong hệ thống chính quyền Việt Nam nhưng đã có những bất đồng với những người khác nên phải ra đi. Nhìn chung là ông ta ở trong tình thế khá giống với tình thế của nạn nhân vụ bắt cóc, ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông ta nói ông ta có mối quan hệ mật thiết với ông Trịnh Xuân Thanh, đồng thời cũng có mối quan hệ mật thiết với một trong những người bị cho là có tham gia vào vụ bắt cóc, đó là người chú của bị cáo đang hầu tòa tại Berlin. Đây là chi tiết rất đáng chú ý.

BBC : Trở lại với thời điểm đầu tiên, khi câu chuyện 'bắt cóc ở Berlin' được công bố. Tờ báo của ông, Taz, là một trong những tờ báo đầu tiên của Đức đăng tải tin này, ngay cả trước khi giới chức Đức chính thức xác nhận. Các ông đã biết tin như thế nào, và tòa soạn đã cân nhắc ra sao để quyết định chạy tin trước cả cơ quan công tố hay Bộ Ngoại giao Đức ?

Sebastian Erb : Chúng tôi biết từ rất sớm, bởi may mắn là chúng tôi có một đồng nghiệp, một nhà báo tự do cộng tác với chúng tôi, là người có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng người Việt tại Đức. Cho nên chúng tôi biết về vụ việc có lẽ là trước những báo khác.

Đầu tiên, sau khi biết tin, chúng tôi phải kiểm tra xem thật sự là chuyện gì đã xảy ra trước khi đăng bài. Chúng tôi không dựa vào một nguồn duy nhất mà kiểm tra chéo với các nguồn khác nữa để đảm bảo tính chính xác.

Ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Đức tổ chức họp báo chính thức công bố việc đã xảy ra vụ bắt cóc. Một ngày tiếp sau đó thì ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình quốc gia Việt Nam.

BBC : Chúng ta biết rằng đã có hai 'phiên bản' hoàn toàn khác nhau về cùng một người, một là từ phía Việt Nam, và một từ phía Đức. Đức thì nói rằng đã xảy ra vụ bắt cóc, trong lúc Việt Nam khẳng định là ông Trịnh Xuân Thanh đã tự về đầu thú. Ông nhận xét thế nào về sự khác biệt này ?

Sebastian Erb : Chúng ta chưa hề thấy bất kỳ bằng chứng nào từ phía chính quyền Việt Nam để chính thức chứng minh rằng ông ấy đã tự nguyện về nước.

Tôi không biết là họ có bằng chứng nào không, mà theo tôi nghĩ là họ không.

Tất cả những gì chúng tôi có được cũng như những thông tin mà cơ quan công tố thu được cho thấy khá rõ vụ bắt cóc đã xảy ra như thế nào. Các bằng chứng cho thấy vụ bắt cóc đã được người có vị trí cao trong ngành an ninh Việt Nam tổ chức thực hiện.

Điều khiến tôi thấy không thể hiểu được là tại sao các quan chức Việt Nam và những người có liên quan, chẳng hạn như Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin, lại tỏ ra bất cẩn trong vụ này đến vậy.

Họ nói chuyện qua điện thoại di động, thậm chí dùng tên thật để đăng ký khách sạn [cho những đối tượng tham gia bắt cóc]. Có vẻ như họ thấy việc tiến hành vụ bắt cóc là sẽ rất an toàn.

Các điều tra viên của cơ quan công tố đã rất may mắn, bởi vụ bắt cóc đã xảy ra ở ngay giữa trung tâm Berlin, tại một công viên lớn, vào ngay sáng Chủ Nhật.

Đã có những nhân chứng. Chúng ta đã được nghe các nhân chứng trình bày trước tòa, những người đã tận mắt chứng kiến mọi việc ngay tại hiện trường.

Họ nhớ được chính xác cả biển số chiếc xe hơi được dùng để bắt người. Nếu không có những thông tin đó thì việc điều tra sẽ khó khăn hơn nhiều. Các điều tra viên cũng đã thu được các dữ liệu trong thiết bị định vị vệ tinh cài trong chiếc xe.

BBC : Trước khi đăng các bài tường thuật, tờ báo của ông có liên hệ gì với giới chức Việt Nam, như Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin, hay các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, để kiểm chứng nguồn tin, hay để lấy phản hồi của họ không ?

Sebastian Erb : Chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với họ nhiều lần để hỏi thông tin, nhưng họ không trả lời. Có lẽ trong vụ này, họ không muốn trả lời. Khi chúng tôi đã đăng bài lên, nếu họ quan tâm thì họ đã có thể liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin, nhưng dường như họ không quan tâm tới việc đó, không buồn nêu quan điểm.

BBC : Chỉ vài ngày trước phiên xử thứ ba mà chúng ta đang nói tới, đã xuất hiện rất nhiều thông tin, tường thuật theo đó đưa ra cáo buộc rằng Slovakia có liên quan tới vụ bắt cóc. Đức đòi Slovakia phải giải trình với Đức, phải hỗ trợ Đức trong quá trình điều tra, và Slovakia thì đòi Việt Nam phải giải thích. Theo ông nghĩ thì liệu Slovakia có thể đòi hỏi Việt Nam cung cấp thông tin nhiều hơn so với những gì họ đã trao cho phía Đức hay không ?

Sebastian Erb : Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini rằng mọi thứ cần phải được đặt lên bàn để làm rõ chuyện gì đã xảy ra trong vụ bắt cóc này.

Bratislava đã trả lời được một số trong các câu hỏi, nhưng họ đã không đưa ra thông tin về chuyến bay mà chính phủ Slovakia cho đoàn Việt Nam mượn, như danh sách những người trên khoang, danh sách phi hành đoàn... Slovakia đang trong tình thế khá là kẹt.

Có một nhân vật rất đáng quan tâm, đó là một cố vấn của cựu thủ tướng Slovakia, một người gốc Việt, nay có quốc tịch Slovakia.

Ông ấy có mối quan hệ rất tốt với cả hai nước, và ông ấy đã có mặt trong cuộc họp tại khách sạn Borik. Hiện thì chúng ta không biết là ông ấy có tham gia hay đóng vai trò gì vào vụ việc hay không. Chúng ta cần chờ kết quả điều tra tiếp theo mới biết được.

BBC : Slovakia nói rằng họ đã nhận được yêu cầu cũng như hồ sơ về vụ việc từ phía Đức từ cách đây 9 tháng. Vậy nhưng như chúng ta thấy, đã chẳng có chuyện gì xảy ra tại Slovakia trong suốt chín tháng đó, cho tới tận gần đây. Vậy mà sau khi truyền thông Đức loan tải rộng rãi các tình tiết, các nghi vấn, thì Slovakia đã có phản ứng nhanh chóng. Có phải điều này cho thấy truyền thông Đức có sức mạnh to lớn hơn so với giới chức Đức, và đã gây được áp lực mạnh hơn lên Slovakia so với yêu cầu của chính phủ Đức không ?

Sebastian Erb : Đúng là sau khi báo Đức đăng tin, đưa ra những câu hỏi về cuộc họp ở Bratislava, thì truyền thông Bratislava đã dựa vào đó để đặt câu hỏi với chính phủ Slovakia về điều gì đã xảy ra, từ đó buộc chính phủ phải thừa nhận là họ đã cho phái đoàn Việt Nam mượn chiếc phi cơ chính phủ.

Nếu không có áp lực từ truyền thông, thì có lẽ chính phủ Slovakia sẽ không nói gì. Lẽ ra họ đã có thể lên tiếng từ trước khi báo chí đăng tin, nhưng họ đã không nói. Truyền thông đã thể hiện sức mạnh nhất định trong vụ này.

BBC : Là một phóng viên đã theo dõi vụ việc từ đầu tới giờ, ông đánh giá thế nào về quan điểm của nước Đức trong vụ này, và theo ông thì Việt Nam nên làm gì ?

Sebastian Erb : Với chính quyền Đức thì vụ này vô cùng quan trọng. Như bà Merkel đã nói sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Slovakia hồi tuần trước, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam. Có rất nhiều dự án với Việt Nam và các hoạt động hợp tác của Đức với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nay đã bị dừng lại. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia cũng đã bị đình chỉ.

Đức muốn Việt Nam phải làm rõ những gì đã xảy ra và phải có phiên tòa công bằng tại Hà Nội [đối với ông Trịnh Xuân Thanh]. Ông Trịnh Xuân Thanh đã được cấp quy chế tị nạn tại Đức nên Đức trông đợi là ông ấy sẽ được quay trở lại Đức. Áp lực mà Đức đưa ra trong vụ này là rất lớn.

Tôi không biết diễn biến tiếp theo sẽ là như thế nào, nhưng rõ ràng là chính phủ Đức có quan điểm đây hoàn toàn không phải là một vụ nhỏ mà là rất nghiêm trọng. Chính phủ Đức đã khẳng định như vậy nhiều lần.

Tôi không thể bình luận về việc Việt Nam nên làm gì, bởi công việc của phóng viên là tường thuật những gì diễn ra, và xác minh để đưa tin chính xác đến với công chúng.

Published in Quốc tế

Trịnh Xuân Thanh trong vòng vây những vụ án (CaliToday, 07/05/2018)

Trong nước thì Trịnh Xuân Thanh chấp nhận hai bản án tù chung thân vì liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế, ngoài nước mà cụ thể ở đây là nước Đức vụ án cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin đang bị đẩy lên ở mức căng thẳng cao độ và lan rộng thêm nước thứ ba là Slovakia. Tuy vậy, đổi lại là sự im lặng đến từ Chính phủ Việt Nam khiến dư luận ít nhiều có sự boăn khoăn, khó hiểu…

txt1

Ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử đầu tiên hồi đầu tháng 01/2018 tại Hà Nội

Báo đài Việt Nam cho biết ngày 7/5/2018, Tòa án cấp cao Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn bị cáo buộc có hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và ‘tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC).

Phiên xử phúc thẩm còn chưa khai mạc thì bất ngờ viên Thư ký tòa thông báo hai cha con ông Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Hùng Cường xin rút tòan bộ kháng cáo.

Sau bản án sơ thẩm được Tòa án Hà Nội tuyên vào tháng 1/2018, ông Thanh nhận bản 14 năm tù giam về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tù chung thân về tội "tham ô tài sản", hình phạt chung của hai tội danh ông Thanh nhận bản án chung thân. Ông Thanh kháng cáo bản án sơ thẩm. Còn ông Trịnh Hùng Cường, tức là con trai của ông Thanh tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án Hà Nội tuyên thu hồi biệt thự AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside ; căn hộ 15F05 The Costa 32-34 Trần Phú (Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) ; ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển số 30A-970.97… Ông Cường kháng cáo vì cho rằng đây là các tài sản do ông bà cho mình, không thuộc tài sản phải thi hành án nên đề nghị được trả lại.

Xin được nói thêm, ông Thanh ngoài nhận bản án tù chung thân tại vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và ‘tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC thì ông Thanh còn nhận thêm bản án sơ thẩm tù chung thân ở vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại công ty PVPLand. Tuy nhiên, báo đài Việt Nam dẫn lời của Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho hay vào ngày 2/5/2018 vừa qua, ông Thanh xin rút đơn kháng cáo của toàn bộ hai bản án sơ thẩm như vậy hai bản án sơ thẩm mà Tòa án Hà Nội tuyên cho ông Thanh đã hiệu lực, ông Thanh phải đi thi hành án.

Cùng thời gian này cũng liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh là tại Berlin, thủ đô của nước Đức, Tòa thượng thẩm Berlin đang đưa mật vụ Nguyễn Hải Long (47 tuổi. Quốc tịch : Việt Nam và Cộng hòa Séc) ra xét xử với các cáo buộc về tội "hoạt động gián điệp" và "hỗ trợ việc cưỡng đoạt tự do" vì có liên quan đến vụ án cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức vào ngày 23/07/2017. Mặc dù đến nay vụ bắt cóc này chỉ mới cáo buộc từ phía Đức nhưng hiện đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Đức và Việt Nam.

Từ trang Thoibao.de thông tin, vào tháng 8/2017 các nhà điều tra Đức đã thông báo cho Bộ nội vụ Slovakia được biết là họ đang đặt nghi vấn Trịnh Xuân Thanh sau khi bị bắt cóc tại Berlin đã bị những kẻ bắt cóc đưa lên chuyên cơ của Chính phủ Slovakia để tới Moscow và về Việt Nam. Bộ nội vụ và Chính phủ Slovakia đã bác bỏ việc có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và nói sẽ phối hợp cùng với Đức để điều tra làm rõ vụ bắt cóc này.

Cũng từ trang Thoibao.de, Hiếu Bá Linh dịch từ Thông báo đăng trên trang nhất Cổng thông tin điện tử của Bộ ngoại giao Slovakia cho biết vào ngày 3/5/2018, Bộ ngoại giao Slovakia đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là ông Dương Trọng Minh tới để truyền đạt sự quan ngại và chất vấn về nghi vấn Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam đưa về nước bằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia. Bản dịch Thông báo đăng trên trang nhất Cổng thông tin điện tử của Bộ ngoại giao Slovakia có đoạn phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ chính trị của Bộ ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy rằng : "Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được".

Theo lời ông Vụ trưởng ông M. Jakubócy, nếu Cộng hòa Slovakia thấy lời giải thích của Việt Nam là không thỏa đáng thì Cộng hòa Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo phù hợp quy tắc ngoại giao.

Việc Đức mở rộng điều tra hoặc đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin ra xét xử điều này dư luận Việt Nam hoàn toàn không khó hiểu bởi các nhà điều tra Đức đang tuân thủ theo luật pháp nước Đức. Nhưng về phía Việt Nam, dư luận Việt Nam không ít ý kiến bày tỏ sự boăn khoăn, thật khó hiểu vụ án đang gây phương hại từ ngoại giao đến kinh tế Việt Nam với các nước ở Châu Âu như vậy nhưng đến nay, ngoại trừ vào ngày 3/8/2018, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng nói lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức ngày 02/08/2017 thì hầu như im bật. Tại sao ?

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang có cùng mối quan tâm chia sẻ :

"Đúng là những người quan tâm đến vụ án thì thấy boăn khoăn, ngạc nhiên là vì sao vụ này nó ồn ào ở bên Đức, bên Châu Âu như thế mà Việt Nam thì yên ắng, ít nghe thấy đề cập gì. Tôi thấy có hai nghi vấn : Nghi vấn thứ nhất động thái của Bộ ngoại giao Việt Nam hoặc Chính phủ Việt Nam không muốn đề cập đến vụ này nữa, coi như là lờ đi. Nghi vấn thứ hai là báo đài của nhà nước Việt Nam cũng không ai dám có một dòng, một câu về vụ này. Với hai nghi vấn này thì nghi vấn thứ hai dễ hiểu bởi báo đài Việt Nam nếu ở nghi vấn thứ nhất thì không ai dám viết, không ai dám đưa tin hết. Còn nghi vấn thứ nhất tôi nghĩ Việt Nam rơi vào cái thế rất là khó xử, bây giờ lên tiếng cũng không xong mà không lên tiếng cũng gay go do xử lý ban đầu không được tốt".

Phản ứng trước cáo buộc là sự im lặng đến từ phía Việt Nam nhưng với nước Đức vì sự tôn nghiêm của quốc gia, dân tộc thì sự im lặng hoặc bỏ qua là điều không thể dù cho mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam bấy lâu được xem là thân thiết cũng phải tuân thủ theo pháp luật, không thể vượt qua pháp luật.

Nước Đức hiện tại được xem là đầu tàu kinh tế ở Châu Âu, tiếng nói rất có trọng lượng ở Châu Âu. Nếu vụ án Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Đức đúng như cáo buộc thì chắc chắn con đường ngoại giao và hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nước Châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn trước các tác động đến từ nước Đức.

"Tôi nghĩ rằng, việc Việt Nam im lặng có lẽ bây giờ nói ra cũng khó vỉ nó đã lỡ rồi, chắc không có giải pháp nào cho Việt Nam hay hơn trong lúc này… Có lẽ giờ đánh bài im lặng, tới đâu thì tới. Tất nhiên, việc này bất lợi cho Việt Nam bởi không gỡ được hình ảnh ngoại giao như thế này thậm chí nó còn ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế ở phương diện song phương và đa phương".- Chia sẻ của nhà báo Võ Văn Tạo.

Cũng cần phải thừa nhận, ngay sau vụ bắt xóc xảy ra ban đầu phía Đức đặt yêu cầu Việt Nam phải đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, sau đó là yêu cầu phía Việt Nam đáp ứng việc luật sư của Trịnh Xuân Thanh thuê ở Đức phải có mặt trong các phiên xử của Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã không đáp ứng những yêu cầu đến từ Đức. Trịnh Xuân Thanh, vị thế trong vòng vây của những vụ án.

Quê Hương

*********************

Ông Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo (RFA, 07/05/2018)

Sáng 7/5/2018, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và những cộng sự khác, thư ký Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho biết một trong những người thuộc vụ án này là ông Trịnh Xuân thanh rút đơn kháng cáo nên không có mặt tại tòa.

txt2

Ông Trịnh Xuân Thanh tại phiên xử thứ hai ngày 22/1/2018. AFP

Điều này được nói là gây bất ngờ với tất cả mọi người có mặt tham dự phiên phúc thẩm bao gồm cả các cơ quan ngoại giao quốc tế cùng các phóng viên từng có mặt theo dõi phiên sơ thẩm.

Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân Thành Phố Hà Nội tuyên ông Trịnh Xuân Thanh án chung thân về tội Tham ô tài sản, 14 năm tù về tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trong đơn kháng cáo trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh kêu oan toàn bộ kết luận của tòa sơ thẩm và kiến nghị Tòa án nhân dân Cấp cao xem xét lại tội danh, mức án và khoản bồi thường trách nhiệm dân sự.

Với việc rút đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm sẽ chính thức có hiệu lực đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài ra, con trai ông Trịnh Xuân Thanh là ông Trịnh Hùng Cường cũng đã rút đơn kháng cáo. Trước đó ông Cường kháng cáo đề nghị được trả lại biệt thự và xe hơi.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh đang gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức vì Berlin cáo buộc Hà Nội tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức.

Căng thẳng ngoại giao không chỉ xảy ra giữa Đức và Việt Nam mà còn liên quan đến Slovakia khi có cáo giác phái đoàn của Bộ công an Việt Nam dùng máy bay mượn của nước này để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Hà Nội.

********************

Nội dung lời khai của vợ Trịnh Xuân Thanh tại tòa Đức (BBC, 07/05/2018)

Sáng ngày thứ Hai ngày 7/5, phiên xử tiếp theo đối với bị cáo Long N. H, nghi phạm tham gia vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', diễn ra tại Tòa thượng thẩm ở Berlin.

txt3

Quang cảnh bên ngoài tòa Thượng thẩm Berlin

Sau phần mở đầu chóng vánh, toà tuyên bố tạm dừng hai lần, lần đầu khoảng 15 phút, và sau đó lại dừng tiếp trong 50 phút theo yêu cầu của luật sư bào chữa cho bị cáo Long N. H. để nghiên cứu hồ sơ.

Vào lúc 10g50, vợ ông Trịnh Xuân Thanh và luật sư xuất hiện trong vai trò nhân chứng.

"Tôi tên là Trần Dương Nga, năm nay 49 tuổi. Tôi là nhân viên tư vấn tại một công ty cổ phần quản lý đầu tư truyền thông", vợ ông Trinh Xuân Thanh mở đầu phần khai trước tòa.

Sau đó tòa thẩm vấn và kiểm tra chéo xem bà Nga có quan hệ họ hàng gì với người tên là Hải Long (bị cáo), một người tên là Oai (một trong các nghi phạm trong vụ bắt cóc) và ông Đường Minh Hưng (cũng là một trong những người bị nghi là có tham gia vào vụ bắt cóc này).

Dưới đây là nội dung phần lời khai trước tòa của bà Nga :

Trần Dương Nga : Tôi sang Đức khám bệnh vào cuối tháng 7/2016. Tôi hiện sinh sống ở Berlin. Tôi nhập cảnh vào Đức cùng ba người con. Sau đó, một người con đã quay trở về Việt Nam, rồi người đó lại trở lại Đức. Đó là người con trai. Lúc mới sang tôi ở tại các khách sạn. Chúng tôi có địa chỉ đăng ký nhưng không ở chỗ đó.

Gia đình tôi sang Đức vì chồng tôi khi đó (hồi 2016) đang có chuyện ở Việt Nam. Chúng tôi bàn với nhau tôi đi trước cùng các con, chồng tôi sẽ đi sau. Chúng tôi không muốn ai biết là chúng tôi ra đi.

Chúng tôi đến Đức vào khoảng ngày 20/8/2016. Chúng tôi không sống tại địa chỉ đăng ký chính thức. Tôi không có đồ đạc cá nhân nào tại địa chỉ đăng ký đó. Chúng tôi thỉnh thoảng có qua lại nhưng không sống tại đó.

Đến đây tòa hỏi lại và bà Nga xin dừng để trao đổi với luật sư. Sau đó bà đổi câu trả lời và nói rằng cũng có lúc bà ở địa chỉ đó.

Tòa : Thời gian từ ngày 18 đến 23/7/2017, bà ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với ông chồng của bà ?

Trần Dương Nga : Hôm 19/7/2017, chồng tôi nói tôi chở anh ấy vào trại tỵ nạn bởi vì anh phải vào đó vài ngày để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hôm 24/7. Tôi đưa chồng tôi vào đó vào lúc đầu giờ chiều hôm 19/7 rồi tôi quay về.

Đến sáng 21/7 chồng tôi nói tôi đến đón anh ấy tại trại tỵ nạn vào buổi sáng. Tôi chở chồng về, chồng tôi ăn cơm trưa ở nhà. Bốn giờ chiều, tôi lại chở chồng tôi vào trại tỵ nạn. Sáng ngày 23/7/2017, khoảng 9.30 phút sáng, chồng tôi gọi điện nói chuyện với tôi vài phút. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau. (Bà Nga nghẹn ngào khi nói đến đoạn này).

Sau đó vài phút, chồng tôi gọi điện cho con gái nói chuyện một chút. Con gái tôi khi đó 5 tuổi. Tôi đứng ở gần đó nhưng không nghe chồng tôi nói chuyện gì với con tôi cả.

Đó là tất cả những gì xảy ra trong những ngày đó.

*******************

Đức vẫn nghi ngờ Slovakia tiếp tay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ? (Người Việt, 07/05/2018)

Với những nghi vấn không được trả lời thỏa đáng, có vẻ chính phủ Đức vẫn không hài lòng về sự giải thích của Slovakia về vai trò của nước này trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

txt4

Phiên tòa xử Nguyễn Hải Long, một trong những thủ phạm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức bắt đầu từ ngày 24 tháng Tư, 2018. (Hình : Getty Images)

Cho đến nay, chính phủ Slovakia vẫn phủ nhận có biết gì hay liên quan đến chuyện Việt Nam bắt cóc cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí PVC Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Berlin qua ngả Bratislava, thủ đô Slovakia, về Việt Nam.

Chính phủ của ông Thủ tướng Peter Pellegrini nhìn nhận có cho phái đoàn của Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm mượn chiếc máy bay công vụ của chính phủ để bay tờ Bratisla tới Moscow và không biết trên chuyến bay này có Trịnh Xuân Thanh hay không.

Người ta cũng thấy tin Bộ ngoại giao Slovakia mời đại sứ cộng sản Việt Nam tới để chất vấn về vụ việc với những lời lẽ đe dọa nếu có vụ bắt cóc xảy ra, sẽ có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối bang giao giữa Bratislava và Hà Nội.

Thủ tướng Pellegrini đã bay tới Berlin gặp bà Thủ tướng Đức Angela Markel đầu tuần trước và ông đã cam kết hợp tác với Đức để điều tra vụ việc, giải tỏa nghi ngờ của Đức.

Thứ Sáu tuần trước, báo Đức TAZ dựng lại một số dấu mốc với các chứng cớ, chi tiết liên quan đến hành trình phái đoàn của tướng Tô Lâm và một số nhân vật chính trong vụ bắt cóc, chiếc máy bay chính phủ Slovakia bay từ đâu tới đâu, ngày giờ nào, để cho thấy còn những nghi ngờ vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Những ai ngồi trên chuyến bay SSG004 ?

Theo báo TAZ kể, lúc 11 giờ 26 phút ngày 26 tháng Bảy, 2017, có 4 người Việt Nam xuống máy bay tại phi trường Prague (thủ đô Czech) trên chuyến bay của hãng Czech Airlines đến từ Paris. Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng công an Việt Nam, tướng Đường Minh Hưng, phó tổng cục trưởng Tổng Cục an ninh, một viên chức cao cấp của Bộ công an và một người nữa hộ tống. Họ đến Bratislava để họp với Bộ trưởng nội vụ Slovakia, ít nhất trên danh nghĩa chính thức.

txt5

Lộ trình chuyến bay đưa phái đoàn tướng Công an Tô Lâm từ Bratislava đi Moscow mang theo Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam. (Hình : Tài liệu của TAZ)

Thật ra, cả 4 người vừa nói muốn đến thủ đô Vienna (nước Áo) rồi từ đó tới Bratislava. Chính phủ Slovakia đã chuẩn bị xe limousine để đón. Một ngày trước khi cuộc họp diễn ra, phía phái đoàn Việt Nam nói họ muốn được đón từ Prague (tới Bratislava) rồi từ đây bay tới Moscow sau cuộc họp với bộ trưởng Nội Vụ Slovakia.

Cho nên Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ để đưa đón. Thỉnh thoảng cũng từng xảy ra những chuyện như vậy khi chính phủ Slovakia cho thượng khách nước ngoài mượn máy bay, chẳng hạn như Giáo hoàng, Hoàng đế Nhật Bản. Rất có thể mật vụ cộng sản Việt Nam đã đưa lậu nạn nhân của họ bị bắt cóc ra khỏi Châu Âu.

Tướng tình báo Đường Minh Hưng được cho là xếp đặt vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cùng với "cô đào" của ông này, từ công viên Tiergarten tại Berlin, lôi lên chiếc xe VW ngày 23 tháng Bảy, 2017.

Nghi ngờ lớn : Slovakia tiếp tay cho vụ bắt cóc ?

Ba ngày sau, chỉ một lúc sau nửa đêm của ngày thứ Tư hôm đó, cả 4 nhân vật lãnh đạo của công an Việt Nam đã bay tới Bratislava trên chiếc máy bay Airbus A319 của chính phủ Slovakia. Đến 1 giờ 15 phút trưa họ đến nơi và ở đây khoảng một giờ rưỡi. Vì khi đồng hồ chỉ 14 giờ 52 phút thì cũng chiếc máy bay này đang ở trên không, hướng về Moscow. Báo TAZ nói họ có thể tái lập chuỗi sự kiện dựa trên dữ liệu phi hành được ghi lại.

Chuyến bay mang số SSG004 mang những nghi vấn mà chính phủ Slovakia cần phải làm rõ. Làm sao nạn nhân vụ bắt cóc được đưa về Việt Nam mà cơ quan tư pháp Đức vẫn chưa rõ. Với chiếc máy bay của một đối tác Âu Châu của Đức ? Một sự nghi ngờ lớn.

Như tin mấy ngày gần đây, chính phủ Slovakia đã phủ nhận sự dính dáng vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả có vụ việc có thật xảy ra, chỉ là lòng tốt của họ bị Hà Nội lợi dụng. Trong mọi trường hợp, không thấy tên Trịnh Xuân Thanh trong danh sách hành khách.

txt6

Bản tin của báo Đức TAZ kể chi tiết chuyến bay SSG004 với phi cơ của chính phủ Slovakia bị sử dụng đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. (Hình : NV crop từ trang mạng TAZ)

Dù sao, theo báo TAZ, sự nghi ngờ hợp với hoàn cảnh này : Một nước (Slovakia) đầy tham nhũng từng có một ký giả bị sát hại hồi tháng Hai vừa qua khi điều tra về những mưu đồ của những kẻ có quyền lực. Và một nước duy trì những quan hệ đầy nghi vấn với Việt Nam.

Báo TAZ thuật lại tin của báo Aktuality.sk (của Slovakia) nói các nhà điều tra Đức muốn phỏng vấn phi hành đoàn và cả các nhân viên khách sạn Borik.

Slovakia chỉ chịu công nhận có cho phía Việt Nam mượn máy bay khi bị báo chí chất vấn gắt gao, nhưng giờ giấc, thời điểm cho mượn không trùng khớp lắm với các dữ liệu hàng không. Cho nên, chuyện phái đoàn tướng Tô Lâm gặp Bộ trưởng Nội Vụ Slovakia chỉ là bình phong cho vụ bắt cóc ?

TAZ kể rằng cùng với tướng hai sao Đường Minh Hưng, cũng có mặt tại khác sạn Borik có mật vụ Vũ Quang Dũng được coi như thành phần chính của tổ chức bắt cóc. Đậu trước khách sạn Borik là chiếc xe Mercedes Vito từ 12 giờ 35 đến 14 giờ 17 phút với hai người tham gia vụ bắt cóc. Các nhà điều tra đã tái hiện được chi tiết nhờ dữ liệu của hệ thống định vị GPS gắn trên xe. Vậy nạn nhân bị bắt cóc được đưa tới Bratislava bằng chiếc xe này.

Nguyễn Hải Long, kẻ thuê xe tại thủ đô Prague đang bị tòa án Berlin xét xử về tội làm gián điệp và tham gia bắt cóc.

Bản tin của tờ TAZ có đoạn cuối cùng viết về Lê Hồng Quang, một người Việt Nam có quốc tịch Slovakia. Ông ta du học thời thập niên 80 khi nước này cón là Cộng Sản Czechoslovakia, đỗ kỹ sư, từng làm một thời gian cho chính phủ Slovakia và cũng từng là xử lý thường vụ đại sứ Slovakia tại Hà Nội. Có vẻ ông này cũng đóng một vai trò trong vụ bắt cóc.

Sau bữa ăn trưa, cả 4 người Việt Nam (Tô Lâm, Đường Minh Hưng, viên chức cao cấp của Bộ công an và một người nữa hộ tống) cùng với người Slovakia và 8 người Việt Nam khác mà người ta không rõ có vai trò chính thức gì trong cuộc họp, đi xe hơi tới phi trường và đi qua cổng kiểm soát dành cho VIP với thông hành ngoại giao. Ít phút sau lúc 3 giờ chiều, chiếc máy bay Airbus khởi hành và đến phi trường Vnukovo tại Moscow lúc 17 giờ 10 phút giờ Âu Châu.

Nếu Trịnh Xuân Thanh có mặt trên chuyến bay, chính phủ Bratislava phải biết. Hoặc họ đã quá sơ sểnh mà không biết. Chiếc máy bay của chính phủ Slovakia quay về Bratislava từ Moscow cùng buổi chiều hôm đó. Làm thế nào phái đoàn thầy trò tướng Tô Lâm về Việt Nam hiện không rõ.

Không thấy có chi tiết nào cho thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm có cuộc họp nào ở Moscow. Người ta lúc đầu thấy ông Tô Lâm chối không biết gì về tin Trịnh Xuân Thanh "đằng vân" hay "độn thổ" về Việt Nam. Chỉ thấy một tuần sau, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) loan báo ngày 3 tháng Tám, 2017, là Trịnh Xuân Thanh đã tới cơ quan công an "đầu thú". (TN)

******************

Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Vì cá nhân mà hy sinh lợi ích quốc gia… ? (CaliToday, 05/05/2018)

Việc Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 07/2017 tại Berlin đã khiến mối quan hệ ngoại giao gữa Đức và Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mở rộng điều tra, mới đây Chính phủ Đức lại đặt nghi vấn Chính phủ Slovakia có liên can nhất định đến vụ bắt cóc này khiến ngoại giao giữa Việt Nam và một số nước ở Châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng lan rộng…

txt7

Ảnh ông Trịnh Xuân Thanh chụp ở Đức

Theo thông tin của trang Thoibao.de, hôm thứ Tư ngày 02/05/2018, Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini và Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã có cuộc hội đàm tại dinh Thủ tướng Đức. Tại cuộc họp báo ngay sau đó, bà Merkel đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà trong một mức độ nào có thể có những mối liên quan đến Slovakia.

Liên quan đến việc Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một doanh nhân Việt Nam đang xin tị nạn ở Đức vào ngày 23/07/2017, một số báo đài ở Đức cũng như báo đài ở Slovakia thông tin (do Thoibao.de lược dịch) cho biết quá trình mở rộng điều tra phía Đức thông báo cho phía Chính phủ Slovakia được biết là họ đang đặt nghi vấn những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đưa ông Thanh rời khỏi Châu Âu để về Việt Nam bằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia.

Sau hơn 8 tháng giữ kín thông tin để phối hợp điều tra, vào tháng 04/2018 Bộ nội vụ Slovakia đã cho báo đài Slovakia biết một chi tiết quan trọng là vào ngày 26/07/2017, Bộ nội vụ Slovakia đã cung cấp một chuyên cơ Airbus A319 của Chính phủ để chở phái đoàn công an cấp cao của Việt Nam về nước. Bộ nội Slovakia cho biết, chuyến viếng thăm của phái đoàn công an cấp cao Việt Nam đến Slovakia là chuyến viếng thăm thường niên liên quan đến việc hợp tác an ninh giữa hai nước.

Theo trình bày của Bộ nội vụ Slovakia, vào ngày 26/07/2017 phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam do Bộ trưởng công an Tô Lâm dẫn đầu đã hạ cánh xuống Praha, thủ đô Cộng hòa Séc. Và điểm đến tiếp theo của phái đoàn công an cấp cao Việt Nam theo lịch trình là bay đến Vienna, thủ đô nước Áo chứ không bay đến Slovakia.

Nhưng trong một thời gian ngắn cũng vào ngày 26/07/2017, kế hoạch đã được thay đổi và để cho Bộ trưởng Tô Lâm không bỏ lỡ cuộc hẹn ngay sau đó tại Moscow (Nga) nên Slovakia đã cung cấp cho Bộ trưởng Tô Lâm một chuyên cơ của chính phủ Slovakia là chiếc Airbus A319, được gửi đến Praha – Cộng hòa Séc. Chiều ngày 26/07/2017, chiếc chuyên cơ này lại cất cánh chở Bộ trưởng Tô Lâm cùng với những người tháp tùng đã hạ cánh xuống phi trường Bratislava của Slovakia. Chỉ hơn một tiếng rưỡi sau, chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia lại cất cánh một lần nữa và bay đến Moscow.

Nghi vấn đặt ra là, có hay không Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc rồi sau đó bị đưa lên chiếc chuyên cơ này để rời khỏi Châu Âu về lại Việt Nam ?

Bộ nội vụ Slovakia đã phủ nhận khi cho rằng không hề hay biết gì về điều đó và nói rằng tên của nạn nhân bị bắt cóc đã không có ghi trong danh sách hành khách chuyến bay này. Bộ nội vụ Slovakia còn bày tỏ sự giận dữ về việc mình có thể đã bị Việt Nam lợi dụng lòng hiếu khách, phủ nhận việc bản thân tham gia vào vụ bắt cóc. Báo đài Slovakia đã chỉ trích, gây áp lực lên Chính phủ Slovakia khá nhiều.

Theo Thoibao.de tại cuộc họp báo vào ngày 02/05/2018 ở dinh Thủ tướng Đức, mặc dù thủ tướng Đức và giới báo đài có đặt vấn đề liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini nói ông chỉ biết rõ những thông tin cách đây vài ngày khi hồ sơ đến bàn giấy của ông và ông đã hành xử ngay lập tức, cam kết với nhà chức trách Đức là hợp tác tối đa và sẽ cung cấp cho phía Đức tất cả thông tin mà phía Đức yêu cầu. Ngoài ra, Thủ tướng Slovakia ông Pellegrini cũng nói với giới báo đài rằng buổi nói chuyện giữa ông và Thủ tướng Merkel không chỉ quan tâm đến vụ doanh nhân Việt Nam bị bắt cóc mà là một loạt các vấn đề có ảnh hưởng đến Slovakia và Liên Hiệp Châu Âu.

Với cáo buộc Việt Nam đã cho mật vụ đột nhập phi pháp vào nước Đức để thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đây chỉ là mới cáo buộc một chiều từ phía Đức nhưng cũng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

Hiện tại, Tòa thượng thẩm Berlin đã mở những phiên xét xử mật vụ Nguyễn Hải Long (47 tuổi, quốc tịch : Việt Nam và Cộng hòa Séc) với cáo buộc đưa ra là đã "hoạt động gián điệp" và "hỗ trợ việc cưỡng đoạt tự do" vì tham gia vào vụ bắt cóc ông Thanh.

Nếu những cáo buộc mà phía Chính phủ Đức đưa ra là chính xác thì rõ là một chấn động lớn, không chỉ dừng ở cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức mà còn ảnh hưởng đến ngoại giao giữa Đức và Slovakia, Slovakia và Việt Nam chỉ vì một nhân tố Trịnh Xuân Thanh, cũng không lường khả năng cuộc khủng hoảng ngoại giao này nó còn lan rộng thêm ở Châu Âu.

Hiện tại, Bộ ngoại giao Slovakia đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Slovakia để yêu cầu giải trình về các khả năng liên quan tới việc bắt cóc đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam.

Trong khi đó, trước những động thái đầy cứng rắn đến từ Chính phủ Đức liên quan đến cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, phía Việt Nam hầu như không có động thái gì đáng kể ngoại trừ ngày 03/08/2017, trả lời trước báo đài trong và ngoài nước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng nói lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức ngày 02/08/2017.

"Theo thông báo ngày 31/07/2017 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra".

Bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.

Vào ngày 21/9/2017, thông qua nội dung bức thư hồi đáp của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam gửi cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, Chính phủ Đức thấy phía Việt Nam không thừa nhận hành vi sai trái của mình nên đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới trụ sở Bộ ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược và lệnh trục xuất cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Berlin.

Giới quan sát Việt Nam theo dõi vụ việc thông qua những thông tin từ phía Đức đưa ra, một số ý kiến đặt câu hỏi rằng nếu những cáo buộc từ Đức đưa ra đúng, vụ bắt cóc là sự thật thì không hiểu Trịnh Xuân Thanh có giá trị như thế nào trên bàn cờ chính sự Việt Nam đến nổi Việt Nam phải thực hiện một động thái không được quốc tế công nhận, gây thiệt hại cho bản thân là rất lớn ?

Thiệt hại của Việt Nam dễ thấy trước mắt là ảnh hưởng xấu đến mối hệ giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, tiến trình ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là EVFTA) đang trở nên chông gai hơn bao giờ hết, thậm chí là đóng cửa vô thời hạn đối với Việt Nam. Về mặt quốc tế nói chung, thật khó có nhà nước nào chấp nhận làm ăn với một nhà nước từng bị cáo buộc thực hiện vụ bắt cóc, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong trường hợp này, giới quan sát chỉ đưa ra ý kiến số nhiều là chung quy Việt Nam bắt Trịnh Xuân Thanh vì mục đích đấu đá, lợi ích phe nhóm. Nhưng giải pháp để có lợi ích cá nhân mà đem hy sinh lợi ích quốc gia, dân tộc e hạ cấp quá.

Chưa hết, những cáo buộc từ phía Đức đưa ra có sự phối hợp từ phía Slovakia còn có nhắc đến Bộ trưởng Bộ công an Việt Nam là ông Tô Lâm bị nghi vấn đã tham gia phi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu Trịnh Xuân Thanh vì những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam rồi sau đó bỏ trốn và bị Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế thì giờ đây, với vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu được làm sáng tỏ thì liệu Chính phủ Đức và Slovakia có dùng đến giải pháp yêu cầu Interpol làm việc với ông Tô Lâm ? Và cũng thật khó cho Việt Nam nếu đứng ra nhận trách nhiệm.

Quê Hương

Published in Việt Nam

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Liên bang Đức liệt vào hạng nguy hiểm như khủng bố ?

– Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

– Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.

batcoc1

batcoc2

Ảnh chụp trang nhất tờ Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 – 07/01/2018

Tờ nhật báo Đức Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 – 07/01/2018 đã đăng nguyên trang báo bài tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt trong đó có đăng những hình ảnh nghi can Nguyễn Hải Long bị dẫn độ về Đức dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.

Sau đây là những chi tiết trong bài báo mà đề cập đến nghi can Nguyễn Hải Long.

Hồi 12/08/2017 nghi can Nguyễn Hải Long, chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa Cộng hòa Séc, đã bị cảnh sát Cộng hòa Séc bắt ở thủ đô Prag. Theo điều tra của cảnh sát, Nguyễn Hải Long là người đứng ra thuê mướn ở Prag chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Multivan VW (Volkswagen) của Đức, trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 24/07/2017 và đã đích thân lái chiếc xe đến Berlin trong ngày đầu tiên thuê mướn. Vào ngày 23/07/2017 chiếc xe này được đội mật vụ đến từ Việt Nam sử dụng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Mười một ngày sau khi bị cảnh sát Cộng hòa Séc bắt, nghi can Nguyễn Hải Long, 46 tuổi, đã bị dẫn độ từ Prag về nước Đức vào ngày 23/08/2017.

Trong bài báo cũng có mô tả việc dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag về Đức.

Phía Đức và Cộng hòa Séc thỏa thuận với nhau địa điểm bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long là ngôi làng Waidhaus của Đức, nằm sát biên giới Đức- Cộng hòa Séc.

batcoc3

Làng Waidhaus, nơi cảnh sát Cộng hòa Séc bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long cho cảnh sát Đức

Việc dẫn độ được thực hiện theo các biện pháp bảo vệ an ninh cao nhất và với sự hỗ trợ của đơn vị đặc nhiệm "BFE +" (tên gọi của lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, chuyên bắt giữ và bảo vệ nhân chứng của Cảnh sát

Đầu tiên chiếc trực thăng chuyên dụng "Super-Pumas" của Cảnh sát Liên bang Đức đáp xuống một bãi cỏ gần đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở làng Weidhaus. Từ phía Cộng hòa Séc, những chiếc ô tô của cảnh sát Cộng hòa Séc áp tải nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag tiến đến. Nghi can này đã được bàn giao tại đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở đường Vohenstrauss.

batcoc4

Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" đưa nghi can Nguyễn Hải Long vào đồn Cảnh sát Đức

Sau khi làm xong thủ tục bàn giao, các thành viên của đội đặc nhiệm "BFE +" đã đưa nghi can ra chiếc trực thăng chuyên dụng „Super Puma" trên một bãi cỏ gần đó để chở về giam trong nhà tù Berlin. Những nhân viên chống khủng bố này được trang bị súng ống hạng nặng và mặc áo giáp chống đạn. Nghi can Nguyễn Hải Long cũng được cho mặc áo giáp để đề phòng bị ám sát diệt khẩu.

batcoc5

Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" áp tải nghi can Nguyễn Hải Long lên trực thăng

Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức. Điểm đáng lưu ý, tất cả những ảnh chụp trên đều được chú thích rõ là của Cảnh sát Liên bang Đức.

Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Đặc biệt bài báo kể rõ, nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan do nghi can Nguyễn Hải Long thuê mướn (trong ngày xảy ra vụ bắt cóc, nghi can Nguyễn Hải Long không có mặt ở Berlin, mà ở Prag) nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định được hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh và cô tình nhân Đỗ Minh Phương (26 tuổi, trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cô bị dùng để "chim mồi") từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.

Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy vụ bắt cóc này là do mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức từ đầu đến cuối. Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong số đó 2 người đã bị Bộ Ngoại giao Đức trục xuất về Việt Nam.

Người thứ nhất bị trục xuất là Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa. Qua hình ảnh thu được từ những máy quay phim giám sát của khách sạn "Sylter Hof" thì thấy Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức đã đến khách sạn gặp nhóm đặc vụ bắt cóc. Ngoài ra chính Đại tá Nguyễn Đức Thoa là người đứng ra đặt phòng khách sạn này. Với những bằng chứng đó, sau này phía Đức đã trục xuất đại tá Nguyễn Đức Thoa về Việt Nam.

batcoc6

Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Đức Thoa, đại tá tình báo, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức

Trong thời gian nhốt Trịnh Xuân Thanh ở Đại sứ quán, lúc đó một cô nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua 3 vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23/07/2017. Đây là hãng máy bay Trung Quốc, máy bay cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin lúc 19 giờ 40 bay về Hà Nội ngang qua Bắc Kinh và Soul (thủ đô Nam Hàn).

Hai tiếng đồng hồ trước khi máy bay cất cánh, Đại sứ quán đã cử người đến dọn phòng khách sạn Sheraton, nơi Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương trú ngụ. Người được cử đi dọn phòng là một nam nhân viên cấp cao, Bí thứ thứ nhất, phụ trách về bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Berlin.

Bí thứ thứ nhất này đã dùng xe công vụ của Đại sứ quán đến đón một người phụ việc (một người đàn ông) để cùng đi dọn phòng. Người này nhận được một tờ giấy Ủy nhiệm được ký bởi một nữ nhân viên cấp cao, phụ trách về bộ phận chính trị của Đại sứ quán Đức tại Berlin.

Sau đó lúc 19 giờ 40, trên máy bay ngoài cô Đỗ Minh Phương còn có 2 người đi kèm theo, áp tải cô về Việt Nam. Một trong 2 người là nam nhân viên phụ trách về công việc hành chính cho Đại sứ quán. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhân viên này đã trở lại Berlin làm việc như cũ. Có lẽ đó là người thứ hai của Đại sứ quán đã bị phía Đức trục xuất về Việt Nam.

Cho đến nay 2 người trong số ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã bị trục xuất về nước. Không biết trong thời gian tới số phận của 3 nhân viên Đại sứ quán còn lại sẽ ra sao ? Và phía Đức còn tiếp tục phát hiện ra những nhân viên nào khác nữa hay không ?

Linh Quang

Nguồn : Tiếng Dân, 07/01/2018

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2