Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ án đất "vàng" liên quan đại gia Bạch Diệp : Điều tra bổ sung vì có chứng cứ mới

RFA, 26/03/2021

Tòa án Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ vụ án vi phạm sử dụng đất "vàng" 185 Hai Bà Trưng liên quan cựu Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài và nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp để điều tra bổ sung vì có chứng cứ mới. Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 26/3 cho biết Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định như vừa nêu trong cùng ngày.

datvang1

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa sơ thẩm. Courtesy of congan.com.vn

Cụ thể, sau sáu ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng do xuất hiện chứng cứ được cho là "bất thường".

Theo đó, Hội đồng xét xử xác định cần xác minh làm rõ quy trình thực hiện tờ trình cập nhật quyền sở hữu nhà 57 Cao Thắng và nguyên nhân của việc không thống nhất về mặt thời gian ký tờ trình.

Hội đồng xét xử đồng thời yêu cầu cần điều tra làm rõ việc Ngân hàng Agribank đồng ý cho công ty của bà Dương Thị Bạch Diệp ký hợp đồng cho thuê 185 Hai Bà Trưng, là tài sản đang được thế chấp tại Agribank để hoán đổi với căn nhà 57 Cao Thắng.

Cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài cùng các thuộc cấp bị cáo buộc đã giúp đỡ cho bà Dương Thị Bạch Diệp hoán đổi hai tài sản nêu trên.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, trong quá trình xét hỏi và tự bào chữa, đã khai báo rằng bà không lừa đảo và quy trách nhiệm cho phía Ngân hàng Agribank đã tạo lập hợp đồng thế chấp tài sản giả mạo đối với mặt bằng 57 Cao Thắng.

Báo chí nhà nước Việt Nam cho biết, sai phạm trong vụ việc hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng của bà Bạch Diệp và tài sản công 185 Hai Bà Trưng đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỷ đồng.

Vụ án này có tổng cộng 10 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong phiên xử ngày 22/3, bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài lần lượt bị đề nghị mức án chung thân và 5-6 năm tù.

Nguồn : RFA, 26/03/2021

********************

Tăng Minh Phụng và tham vọng làm giàu tử tế

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 25/03/2021

 Tình tiết vụ án nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, xét về chuyện "tài sản thi hành án", có vẻ là phiên bản 2021 của vụ án Tăng Minh Phụng hồi nào…

 Thế nhưng có lẽ không cùng đại lượng về chuyện tiêu xài tiền giữa hai doanh nhân.

tangminhphung1

Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu tử tế của mình.

Nếu còn sống, năm nay ông Tăng Minh Phụng chỉ mới có 64 tuổi thôi. Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, nghĩa là lớn hơn ông Phụng 9 tuổi. Bà Diệp là một trong những người Việt Nam đầu tiên sở hữu xe ô tô siêu sang Rolls-Royce Phantom, biển số 77L7777. Bà Diệp là con em cán bộ cách mạng ở miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1954, bà Diệp được cho ra Bắc học tập tại trường Học sinh miền nam số 13.

Về lại miền Nam trong tư thế của "bên thắng cuộc", trong chuyện kinh doanh đất đai sau này, bà Dương Thị Bạch Diệp từng công bố cho truyền thông biết vào năm 2014, Công ty Diệp Bạch Dương sở hữu 6 khu đất đắt đỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 khu ở trung tâm quận 1 và 2 khu ở trung tâm quận 3 như Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique, Dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại 179 Bis, Hai Bà Trưng, quận 3 với tổng diện tích 3.100 m2, vốn đầu tư hơn 2600 tỉ đồng, cùng 7 mặt bằng tại tại số 31 Lê Duẩn, quận 1. Bà Dương Thị Bạch Diệp từng nói với báo chí bà có số tài sản trên giấy tờ vào năm 2014 khoảng gần 10 ngàn tỉ đồng…

Còn ông Tăng Minh Phụng là một Hoa kiều Chợ Lớn, nghĩa là người sinh ra và lớn lên trong xã hội từng bị phê phán là "Ngụy".

Đồng tiền có thể hủy hoại mọi thứ và làm mờ mắt những kẻ tham lam, ấu trĩ nhưng bản chất con người đã từng nhọc nhằn kiếm sống từng đồng hiểu hơn hết giá trị đồng tiền, nên Tăng Minh Phụng không bao giờ dùng tiền lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, bài bạc như một số "đại gia" tiêu tiền chùa.

Tất cả mọi tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Tăng Minh Phụng đều "ném" vào việc đầu tư kinh doanh bất động sản với những kế hoạch lớn lao…

Có lẽ khó ai có thể hiểu chính xác nỗi lòng hay suy nghĩ của Tăng Minh Phụng khi đứng trước vành móng ngựa nghe kết án cho chính hoài bão, mộng tưởng của mình. Nhiều người đã phân tích, mổ xẻ và nói tham vọng của Tăng Minh Phụng là sự hoang tưởng.

Thực tế, trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất ở Việt Nam thế kỷ trước, mô hình công ty mẹ – công ty con của Tăng Minh Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay, tất nhiên là với nghĩa tập đoàn đầy đủ nhất cùng hệ thống pháp lý vững vàng. Dẫu sao thì Tăng Minh Phụng cũng không còn có mặt trên đời để chứng kiến sự thay đổi đó.

Ngày về đã không bao giờ trở thành sự thật khi đơn xin tha tội chết của Tăng Minh Phụng bị bác bỏ. Nỗi đau của người đàn ông cùng một lúc sự nghiệp tan vỡ, vợ theo chồng vào tù, con cái chông chênh giữa cuộc đời. Bữa ăn cuối cùng trước giờ ra pháp trường, Tăng Minh Phụng không hề đụng đũa mà ông chỉ xin giấy bút để lại bức thư cho con cái…

Tay trắng tạo dựng sự nghiệp. Khi chạm đỉnh vinh quang thì mọi thứ sụp đổ và tan thành mây khói. Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu tử tế của mình.

Dẫu biết thất bại luôn song hành trên suốt chặng đường kinh doanh của mỗi người, nhưng nếu được hai chữ "giá như" liệu mọi chuyện về Tăng Minh Phụng có khác, khi người ta vẫn cho rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không hẳn là định hướng xã hội chủ nghĩa, mà đó là định hướng chính trị từ tầm nhìn mang tính nhiệm kỳ của người đứng đầu Đảng.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 25/03/2021

***************************

Vụ án Dương Thị Bạch Diệp : phiên bản Tăng Minh Phụng 2021

Triệu Tử Long, VNTB, 24/03/2021

Tự bào chữa tại phiên tòa ngày 23/3/2021, bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng mình có nhiều tài sản có giá trị nên không lừa đảo, và chưa từng có ý định lừa đảo ai để chiếm đoạt tiền.

diep1

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra hồi tháng 1/2019. Ảnh: Bộ Công an.

Hình sự hóa giao dịch dân sự về tài chính

Trong phần tự bào chữa sáng 23/3, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định trong suốt quá trình điều tra đến nay, bà chưa bao giờ thừa nhận thế chấp căn nhà số 57 Cao Thắng (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Bà nói vụ án này có nhiều uẩn khúc và bản thân không lừa đảo ai.

Theo bà Diệp, trước đó, ngày 28/10/2008, Agribank và bà ký hợp đồng vay 9.000 lượng vàng. Cùng ngày, Agribank tiếp tục ký tiếp hợp đồng cho bà Diệp vay 14.000 lượng, tài sản thế chấp là nhà số 57 Cao Thắng và số 181 Hai Bà Trưng (đều ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, bà đã thanh toán đủ gốc và lãi.

Bà Diệp cho rằng Agribank đã làm giả hồ sơ bà vay 8.700 lượng vàng, tài sản thế chấp là nhà 57 Cao Thắng. Bà Diệp đưa ra dẫn chứng là hợp đồng công chứng thế chấp này không có trong hệ thống công chứng, hệ thống của Sở Tư pháp và vào thời điểm công chứng bà đang đi Quy Nhơn.

Bà Diệp cho rằng vào tháng 5, tháng 6 và tháng 9 năm 2010, Agribank đã giải chấp rất nhiều tài sản có giá trị của bà, trong đó có căn nhà 64 Lê Thánh Tôn (phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó bán được hơn 1.000 tỉ). Bà Diệp nghi ngờ vào năm 2011 Agribank thiếu tài sản nên đã làm giả hồ sơ nhà 57 Cao Thắng.

"Tôi là nạn nhân mà bị án chung thân. Tôi không nghĩ dành cả đời mình để đánh đổi số tiền đó. Tôi từng cho vay 100 ký vàng mà chỉ bằng một tờ giấy tay. Tôi là người dễ dãi, tin người, và Agribank đã lừa tôi" – bà Diệp nói.

Bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp nhà đất số 181 Hai Bà Trưng vay 14.000 lượng vàng của Agribank để mua nhà đất 57 Cao Thắng.

Luật sư cho rằng giá trị nhà đất số 181 Hai Bà Trưng đã đủ đảm bảo cho khoản vay trên, tuy nhiên Agribank vẫn yêu cầu Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng (lúc này chưa có sổ đỏ) để đảm bảo mức vay 8.700 lượng vàng. Ngoài ra, nhà đất 57 Cao Thắng không đảm bảo cho khoản vay nào khác.

Đến ngày 28/10/2008, bà Diệp đã tất toán khoản vay này, nhưng Agribank vẫn không giải chấp tài sản 57 Cao Thắng vì vẫn ràng buộc tài sản này để đảm bảo cho 3 hợp đồng tín dụng của khoản vay 67.000 lượng vàng, trong khi khoản vay 67.000 lượng vàng này đã có 6 tài sản thế chấp là 6 bất động sản giá trị 95.000 lượng vàng, tức là dư để đảm bảo cho khoản vay trên.

"Vậy thửa đất số 57 Cao Thắng thế chấp để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng nào ?" – luật sư Hoài đặt câu hỏi.

Theo luật sư Hoài, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bà Diệp luôn cho rằng việc Agribank ràng buộc toàn bộ tài sản thế chấp của công ty này cho toàn bộ các khoản vay mà không minh bạch, không phân định rõ ràng tài sản nào cho khoản vay nào, gom thành một khối tài sản để bảo lãnh chung cho các hợp đồng tín dụng của khoản vay 67.000 lượng vàng là việc làm không hợp lý, có dụng ý gây khó khăn, rắc rối trong việc giải chấp tài sản và trả nợ của Công ty Diệp Bạch Dương.

Phiên bản Tăng Minh Phụng 2021 ?

Diễn biến vụ án liên quan Công ty Diệp Bạch Dương làm nhớ lại vụ án Công ty Tăng Minh Phụng.

Vụ án đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 ngân hàng : Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank, nay là Vietinbank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng(Saigonbank) ; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam (PVcombank) ; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định (Giadinhbank), tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án gồm trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự… khối tài sản này Toà án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.

Thực tế khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỷ đồng. Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá Tòa án định khi xét xử.

Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc thành phố Thủ Đức), theo quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn.

Do vậy, có ngân hàng được Tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD.

Có nhiều rắc rối liên quan tới việc thi hành án. Nhiều tài sản bị định giá quá thấp gây thiệt hại cho bản thân các bị cáo. Kết quả định giá khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì "mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem Tràng Tiền".

Vụ xử án cũng bị thiên lệch do ý chí chính trị của Đảng cộng sản Việt nam vào thời gian này, theo đó muốn triệt hạ những trùm tư bản có khả năng phát triển mạnh và lũng đoạn kinh tế như Tăng Minh Phụng.

Quyết định không cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước được nhận vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Singapore và Đài Loan cũng góp phần khai tử cho Tăng Minh Phụng.

Cũng từ vụ án EPCO – Minh Phụng có thể thấy, chỉ cần Nhà nước có sự điều chỉnh về quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu, thì không chỉ các dự án của Minh Phụng – Epco mà hàng loạt các nhà đầu tư khác tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu rơi ngay vào tình trạng tê liệt, phá sản.

Dư luận cũng cho rằng toàn bộ tài sản to lớn của Minh Phụng bao gồm hệ thống các xưởng sản xuất may mặc, nhiều nhà cửa, khách sạn và đất đai bị nhà nước tịch biên, nếu được bán theo giá thị trường, Minh Phụng có khả năng hoàn trả nợ dễ dàng và chỉ phải chịu hình phạt về gian lận tài chính, nhưng không đến mức bị tử hình.

Bi kịch của nền kinh tế thị trường ‘co dãn’ theo định hướng chính trị

Đại gia Dương Thị Bạch Diệp còn có vẻ ‘đua đòi’ khi sở hữu xe hơi ‘hàng khủng’ Rolls-Royce Phantom, chứ Tăng Minh Phụng thì…

Nhiều giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi xuống khi nghe thông tin ấy không chỉ bởi tương lai mờ mịt của chính họ mà còn bởi cái tình họ dành cho ông chủ Tăng Minh Phụng.

diep2

Tăng Minh Phụng bị tuyên án tử hình trong một phiên tòa hồi tháng 5/2003

Tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết Tăng Minh Phụng đều dồn vào công việc. Nếu nói Tăng Minh Phục tử vì đạo kinh doanh của mình không hề sai. Vợ Tăng Minh Phụng đã từng chia sẻ : Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái – những thú tiêu khiển của đại gia lắm tiền nhiều của luôn đứng bên lề cuộc sống của Tăng Minh Phụng.

Ngay cả Liên Khui Thìn cũng phải thừa nhận đôi khi bản thân còn có lúc uống bia rượu nhưng Tăng Minh Phụng thì tuyệt đối không. Nếu có bắt buộc thì cũng chỉ là cầm lên cho có lệ. Lắm khi, chỉ một ổ bánh mì thịt hoặc tạt ngay quán ăn bên đường gọi một tô bánh canh thêm một ly trà đá vậy là đã xong một bữa ăn.

Thật khó tin nếu nói tất cả những điều này đều thuộc về ông giám đốc cầm tiền tỷ trong tay. Và chắc chắn sẽ có người cho rằng Tăng Minh Phụng đang đóng một vở kịch lòe thiên hạ. Nhưng tất cả điều đó là thật. Thật đến cay đắng. Phụng là nô lệ của chính tham vọng làm giàu của mình, và bi kịch của cái gọi là kinh tế thị trường ‘co dãn’ theo định hướng chính trị của người đứng đầu bộ máy cầm quyền khi ấy, đã giết chết doanh nhân Tăng Minh Phụng.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 24/03/2021

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt, Trần Dzạ Dzũng, Triệu Tử Long
Published in Diễn đàn