Đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố về án phúc thẩm đối với Mẹ Nấm (VOA, 30/11/2017)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí với tuyên bố của Đại biện lâm thời Caryn McClelland, nói rằng bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) là "cáo buộc mơ hồ" trong lúc bà Quỳnh chỉ thực hiện các quyền tự do cơ bản. Bà McClelland kêu gọi Việt Nam hãy thả bà Quỳnh và các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về bản án phúc thẩm blogger Mẹ Nấm ngày 30/11/2017.
Hôm 30/11, Tòa án nhân dân cấp cao Đà Nẵng tại Nha Trang ra phán quyết giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bản án đã vấp phải nhiều chỉ trích trong nước và quốc tế. Các luật sư bào chữa cho bà Quỳnh nói các lập luận của họ không được xem xét thỏa đáng và bản án tuyên cho bà Quỳnh là "bất công".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói "Phiên tòa được cho là ‘công khai’ xử phúc thẩm Mẹ Nấm ngay từ đầu đã là một ‘trò hề’, khi một trong các luật sư của Mẹ Nấm bị tước thẻ hành nghề và mẹ của bà, thân nhân và những người ủng hộ không được vào dự phiên tòa mà phải đứng ngoài vỉa hè".
Trong khi đó, ngay chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội ra tuyên bố của Đại biện lâm thời Caryn McClelland nói bà "quan ngại sâu sắc về việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được Mỹ trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ ‘tuyên truyền chống nhà nước’".
Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói "Tất cả mọi người phải có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa" và "Bà Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, bị kết án trong năm nay chỉ vì đã thực hiện các quyền này".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho các nhà hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay là "rất đáng lo ngại".
Mẹ Nấm cùng hai con (bé Nấm, bé Gấu) phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 23/6, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù giam theo Điều 88. Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói bà Quỳnh đã thu thập thông tin về các trường hợp người dân bị chết trong khi làm việc với công an và làm thành tài liệu "Stop police killing civilians" ("Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường"), đã tham gia với các cá nhân khác kêu gọi người dân tham gia chiến dịch "Vận động nhân quyền", "công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản", "xuyên tạc tình hình trong nước" trên báo đài quốc tế, tàng trữ tập thơ "Bài thơ một vần" của tác giả Bùi Chát, CD nhạc có bài hát "Viết về ngư dân Việt Nam" của nhạc sĩ Tuấn Khanh".
Sau phiên xử phúc thẩm ngày 30/11, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với VOA rằng mặc dù không hy vọng phiên xử phúc thẩm sẽ thay đổi bản án sơ thẩm, nhưng bà và gia đình vẫn yêu cầu phúc thẩm để các luật sư có thể đưa ra các luận cứ cho thấy bản án vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Bà Lan nói phần khó khăn nhất bây giờ là thông tin cho bé Nấm về bản án của mẹ Như Quỳnh. Bà nói :
"Tôi chưa giải thích với Nấm điều gì cả. Nhưng cách đây 2, 3 ngày, tâm lý của Nấm đã không làm bài được rồi. Nấm về nói với tôi rằng ‘Con đã đọc 3 lần đề toán, nhưng không hiểu sao con vẫn làm sai, con đọc sai đề ngoại ạ’, thì tôi biết cháu tôi bị sang chấn tâm lý nên nói ‘Thôi, lỡ rồi, con ạ. Con cứ học đi'. Tối nay, hai bà cháu sẽ nằm ngủ với nhau. Tôi đang nghĩ cách làm sao nói với cháu tôi đây. Tôi không biết nữa".
Tháng 3 vừa qua, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải "Phụ nữ can đảm" vì "sự can trường của bà trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận", trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump tới Việt Nam tham dự APEC hồi đầu tháng này, bé Nấm đã viết thư gửi cho Đệ nhất phu nhân Melania nhờ bà giúp để "mang mẹ về". Nhưng sau đó, bà Melania đã không ghé sang Việt Nam trong chuyến đi này.
"Cháu tôi hy vọng rất nhiều vào thư gửi cho bà phu nhân Tổng thống Melania Trump. Khi cháu biết như vậy cháu cũng buồn, nhưng tôi nói với cháu ‘Họ giúp như vậy là được rồi. Họ không có bổn phận gì với mình hết. Họ đã giúp cho mình cách này cách khác, như vậy là quá tốt rồi. Tốt hơn những người mà mình nghĩ là đồng bào của mình, nhưng sự thực họ coi mình là kẻ thù cháu ạ’", bà Tuyết Lan kể.
Trước phản ứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế đối với bản án phúc thẩm của con gái, bà Tuyết Lan nói bà "rất tri ân" và "lỗi là ở phía bên Việt Nam".
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam lập tức trả tự do các tù nhân chính trị và cho phép họ bày tỏ quan điểm một cách tự do mà không sợ bị trả thù.
Khánh An
******************
HRW và Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về bản án của Blogger Mẹ Nấm (RFA, 30/11/2017)
Ngay sau khi Toà án Nhân dân Tối cao tỉnh Khánh Hoà kết thúc phiên xử, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra ngay thông cáo báo chí nói rằng ‘phiên toà công khai này thực chất là một trò cười ngay từ lúc bắt đầu’.
Phiên xử phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Ảnh Pháp luật
Thông cáo cũng viết rằng "thủ tục tố tụng càng là một trò hề, với việc thẩm phán phiên toà chỉ đơn giản lướt nhanh qua các thủ tục trước khi quyết định y án bản án 10 năm khắc nghiệt vốn đã được định sẵn bởi Đảng Cộng sản cầm quyền.
Vẫn theo ông Phil Robertson, tuy gọi là phiên toà công khai nhưng một trong những luật sư của Mẹ Nấm đã bị tước thẻ hành nghề 1 tuần trước đó và mẹ của bà cùng những người thân không được vào tham dự.
Trong nội dung bản thông cáo của HRW, ông Robertson đưa ra nhận định về các cuộc đàn áp ở Việt Nam đã tăng lên rõ rệt sau chuyến viếng thăm ở cấp nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2017.
Sau đó là sự thất bại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Châu Á khác tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng trong việc đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Theo ông Robertson, việc không quan tâm đến nhân quyền với Việt Nam thì không khác gì ‘bật đèn xanh’ cho chính phủ Hà Nội và họ đã không do dự một giây nào để tiếp tục trấn áp người lên tiếng.
Ông Robertson nhấn mạnh trong bản thông cáo, nếu các lãnh đạo Việt Nam quan tâm đến nhân dân của họ, muốn thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế, họ sẽ cảm ơn mẹ Nấm vì việc làm của bà, vì các nỗ lực hỗ trợ công lý cho nạn nhân của thảm họa môi trường như Formosa, thay vì ‘cướp’ đi 1 người mẹ của hai đứa trẻ bằng bản án 10 năm tù giam khắc nghiệt.
Một bản tuyên bố khác về bản án phúc thẩm cũng được đưa ra bởi Đại diện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland, cho biết Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức.
Tuyên bố của Đại Sứ Quán Mỹ nêu lên quan ngại sâu sắc trước việc Toà án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hoà, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ "tuyên truyền chống nhà nước", nhắc lại tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hoà.
Bản tuyên bố của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ kết thúc bằng câu nguyên văn như sau : "Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo những hành động và luật pháp của mình nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình".
Những nguồn tin khác nhau từ Việt Nam cho chúng tôi biết những người bị công an bắt giữ bao gồm Trịnh Kim Tiến, Trần Thu Nguyệt, Nguyễn Công Thanh và Nguyễn Minh Hùng là cậu của Blogger Mẹ Nấm, Tất cả những người này lần lượt được thả, người cuối cùng là Trịnh Kim Tiến rời đồn công an vào khoảng 6 :30 chiều cùng ngày.
*******************
Đại biện lâm thời Mỹ nói bản án đối với blogger Mẹ Nấm là ‘cáo buộc mơ hồ’ (Người Việt, 30/11/2017)
"Cáo buộc mơ hồ" là tuyên bố của bà Caryn McClelland, đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, về bản án 10 năm tù mà tòa án cộng sản Việt Nam phán quyết đối với blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hôm 30 Tháng Mười Một.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm sáng 30 Tháng Mười Một. (Hình : AFP/Getty Images)
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao Đà Nẵng ở Nha Trang, bà Quỳnh vẫn bị giữ nguyên mức án 10 năm về tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam.
Trước đó, ngày 29 Tháng Sáu, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bà Quỳnh 10 năm tù về tội danh nêu trên. Sau đó, bà Quỳnh đã kháng cáo. Và nay, phiên xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngay lập tức, Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí với tuyên bố của đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland về bản án phúc thẩm đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
"Tôi quan ngại sâu sắc trước việc tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Quốc Tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ ‘tuyên truyền chống nhà nước,’" bản tuyên bố cho biết.
"Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa. Bà Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này", bản tuyên bố khẳng định.
Thông cáo báo chí của Đại Sứ Quán Mỹ nhấn mạnh : "Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.
Thông cáo cũng dẫn tuyên bố của bà Caryn McClelland với yêu cầu : "Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù".
"Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam bảo đảm những hành động và luật pháp của mình nhất quán với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình", bản tuyên bố cho hay.
Như nhật báo Người Việt đã thông tin trong số ra hôm qua, cũng khá giống với phiên tòa đầu tiên khoảng nửa năm trước, tức hôm 29 Tháng Sáu, theo tường thuật của Facebooker Trịnh Kim Tiến, người cùng đi với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, đến phiên tòa : "Tòa ‘công khai’ 30 Tháng Mười Một, 2017, tại Nha Trang, hai đầu tòa bị chặn bằng hàng rào barie, công an sắc phục và an ninh thường phục".
Lúc 7 giờ 19 phút, Facebooker Trịnh Kim Tiến chụp hình bà Tuyết Lan bên ngoài phiên tòa với một hàng rào barie dài ghi rõ "Khu vực cấm phương tiện giao thông đường bộ". Bà Lan không được vào tham dự phiên tòa "xử" con mình.
Dù không còn là luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm, dù đã bị Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này, nhưng Luật Sư Võ An Đôn vẫn đến dự phiên tòa.
Khi trả lời Facebooker Trịnh Kim Tiến, ông cho biết : "Việc làm của Quỳnh rất có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Quỳnh đã thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận của mình theo quy định của pháp luật nhưng bị tòa tuyên án 10 năm tù. Nếu mà giữ nguyên bản án này thì quá là man rợ".
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật : "Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội Đồng Xét Xử Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm". (TS)
******************
EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm (BBC, 30/11/2017)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhắc lại mong muốn Việt Nam thả bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh "ngay lập tức và vô điều kiện" sau phiên phúc thẩm giữ y án 10 năm tù.
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử bà Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hôm 30/11, một ngày trước khi có Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội.
Chiều 30/11, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ra thông cáo.
"Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia".
"Gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra".
Đại sứ Bruno Angelet cũng nói : "Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các ĐSQ thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá tình xử án".
Ông nói EU sẽ nêu lại trường hợp Mẹ Nấm và một số người khác tại phiên họp ở Hà Nội.
Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" trong phiên sơ thẩm.
Tuy "vụ án được xét xử công khai" nhưng có ghi nhận bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Như Quỳnh, không được ngồi trong phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua TV.
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên nên không thể tham gia bào chữa cho bà Như Quỳnh, được ghi nhận ngồi gần khu vực tòa án.
'Không tranh luận lại'
Hôm 30/11, trả lời BBC từ Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Khánh Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong phiên phúc thẩm (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), nói : "Tòa y án sơ thẩm 10 năm tù giam".
"Bản án này không nằm ngoài dự đoán của luật sư. Chúng tôi đã cố gắng bảo vệ thân chủ nhưng bản án tuyên thế nào là do Hội đồng Xét xử quyết".
"Trong phiên tòa, các luật sư đưa ra một số chứng cứ cho thấy bà Như Quỳnh vô tội nhưng có cái thì Viện Kiểm sát tranh luận yếu ớt, cái thì không tranh luận lại".
Luật sư Thành cho biết thêm : "Trước tòa, bà Như Quỳnh nói rất rạch ròi, nhận một số hành vi và nói bà chỉ thể hiện quyền công dân chứ không có ý chống lại nhà nước".
"Bà cũng nói rằng nếu xử những người nêu ý kiến bất đồng thì quê hương sẽ không được phát triển".
Hôm 30/11, thông cáo của bà Caryn McClelland, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi đến BBC viết : "Tôi quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa, được trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) với cáo buộc mơ hồ "Tuyên truyền chống nhà nước".
"Tất cả mọi người đều có các quyền tự do cơ bản như bày tỏ chính kiến, hội họp và lập hội một cách ôn hòa".
"Bà Như Quỳnh là một trong sáu cá nhân, trong đó có bà Trần Thị Nga, đã bị kết án trong năm nay vì thực hiện các quyền này. Xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử với những bản án nặng dành cho những nhà hoạt động ôn hòa và sinh viên từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại".
"Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Như Quỳnh cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức, và cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ và hội họp một cách tự do mà không lo sợ bị trả thù".
Báo Thanh Niên cùng ngày tường thuật : "Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm".
Blogger Mẹ Nấm tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa bị Tòa án nhân dân Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam, chiếu theo điều luật 88 Bộ luật hình sự về tội "Tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Ngày 29/06/2017, Blogger Mẹ Nấm, tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vừa bị Tòa án nhân dân Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam
Theo cáo trạng 7 trang của Viện kiểm sát nhân dân Khánh Hòa thì Mẹ Nấm bị kết tội vì những việc như :
- Dùng Facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
- Năm 2014 Mẹ Nấm đã thu thập thông tin về 31 trường hợp người dân bị chết trong và sau khi làm việc với cơ quan công an...
- Năm 2015 Mẹ Nấm đã nhận tiền từ một thế lực thù địch là tổ chức xã hội dân sự Thụy Điển : Civil Rights Defenders với số tiền 50.000 Euro.
- Năm 2015 Mẹ Nấm đã cùng 162 cá nhân và 27 tổ chức phát động và kêu gọi một chiến dịch mang tên "Chiến dịch tranh đấu cho tự do-dân chủ-nhân quyền 2015"…
Theo như bản cáo trạng này thì Mẹ Nấm hoạt động hoàn toàn ôn hòa và không hề có ý định dùng bạo lực lật đổ chế độ hiện nay. Những gì Mẹ Nấm làm là thuộc về xã hội dân sự, thuộc về tự do ngôn luận đã được hiến pháp Việt Nam qui định. Bản thân điều luật 88 của Bộ luật hình sự là hoàn toàn vi hiến vì nó kết tội công dân một cách mơ hồ, chủ quan và cảm tính. Việc một người dùng lời nói hay viết bài để phê phán và chỉ trích chính quyền là quyền của công dân được qui định trong hiến pháp. Người ta chỉ bị buộc tội chống phá nhà nước khi người đó có vũ trang hay dùng bạo lực để chống lại chính quyền.
Mọi công dân đều có quyền phê bình và chỉ trích chính phủ dù đúng hay sai. Không thể tùy tiện buộc tội công dân vì người đó nói xấu hay xuyên tạc đường lối chính sách của nhà nước.
Làm sao một người phụ nữ như Mẹ Nấm có thể làm được những việc tày trời như bản cáo trạng đưa ra là : "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của đảng, bôi xấu cán bộ lãnh đạo đảng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, kích động nhân dân chống lại chính quyền, phương hại nền an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây xâm hại đến mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an…" ?
Rõ ràng đây là một sự vu khống và chụp mũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nếu sự thật là Mẹ Nấm làm được việc đó thì hóa ra 700 cơ quan báo chí tuyên truyền của đảng chưa kể Ban tuyên giáo trung ương phải chịu thua một người phụ nữ ? Nếu việc làm của Mẹ Nấm ảnh hưởng đến nhân dân thì hãy để đối tượng bị thiệt hại là nhân dân đứng ra khởi kiện và tòa án phải xét xử một cách đàng hoàng.
Nói để mà nói vậy thôi chứ Việt Nam làm gì có luật pháp. Những gì luật pháp viết ra là để cai trị đám dân đen, còn các quan chức cộng sản đều sống ngoài vòng pháp luật. Ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng, chánh văn phòng chính phủ từng nói về vụ Đồng Tâm rằng "nếu chính quyền sai chúng ta sẽ xin lỗi người dân còn nếu người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Một người phụ nữ trẻ, mẹ của hai đứa con thơ có đáng bị đối xử như vậy không ?
Dã man, mất nhân tính, hoảng loạn… là những ý kiến chính của cư dân mạng khi nói về vụ án này. Một người phụ nữ trẻ, mẹ của hai đứa con thơ có đáng bị đối xử như vậy không ? Mẹ Nấm có đòi hỏi gì cho riêng mình không ? Rõ ràng là không ! Mẹ Nấm chỉ nói lên tiếng nói, sự mong muốn rất đời thường, chính đáng và giản dị mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn chỉ có điều họ không đủ can đảm để nói ra mà thôi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chính quyền Việt Nam lại kết án Mẹ Nấm một bản án kinh khủng đến như vậy ?
Đầu tiên và dễ thấy nhất đó là chính quyền càng ngày càng bị chống đối nhiều hơn, khi thuyết phục bất lực thì đàn áp sẽ lên ngôi. Càng bất lực và lo sợ thì càng tăng cường trấn áp. Càng trấn áp thì càng gia tăng bất mãn và sự đối đầu bằng bạo lực sẽ ngày càng dâng cao. Vòng luẩn quẩn này sẽ không có hồi kết cho đến khi tất cả đều đổ vỡ. Tình hình tại một quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em Venezuela là một ví dụ, ngay cả lực lượng cảnh sát cũng đã quay sang chống đối chế độ bằng cách ném lựu đạn từ trực thăng vào tòa án tối cao.
Vụ án này một lần nữa nhắc cho chúng ta biết rằng vai trò và trọng lượng của lực lượng bảo vệ an ninh cho chế độ ngày càng gia tăng và lấn áp cả chính phủ lẫn bộ ngoại giao Việt Nam. Chúng ta không quên là chỉ cách đây mới một tháng, từ ngày 29 đến 31 tháng 5, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Mỹ. Để có chuyến thăm này bộ ngoại giao Việt Nam đã phải mất rất nhiều tiền và công sức để vận động hành lang (lobby) giới chính khách Mỹ để ông Phúc được tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp trong 30 phút. Thái độ cầu cạnh của ông Phúc đã được thể hiện một cách rõ ràng và xuất sắc (tất nhiên là ông Phúc hoàn toàn đúng khi làm như vậy, ngay cả thủ tướng Nhật cũng đã hai lần chủ động đề nghị gặp Trump, rồi thủ tướng Anh, Đức, Trung Quốc… cũng phải xếp hàng gặp tổng thống Mỹ, vì Mỹ vẫn là cường quốc số một trên thế giới, tiếng nói của Mỹ đã và đang có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay). Nói như vậy để thấy sự cố gắng và công lao vất vả của ông Phúc và chính phủ Việt Nam có thể bị đổ hết xuống sông xuống biển vì hành động bỏ tù Mẹ Nấm.
Chúng ta cũng không quên rằng Mẹ Nấm mới vừa được Bộ ngoại giao Mỹ trao giải "phụ nữ can đảm quốc tế" hôm 29/3. Đích thân Đệ nhất phu nhân Melania Trump và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị Thomas A. Shannon đã tuyên bố và trao giải thưởng này cho 12 người phụ nữ hoạt động nhân quyền xuất sắc trên toàn thế giới tại trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ. Hành động thù địch này của chính quyền Việt Nam chắc chắn sẽ làm cho chính quyền Mỹ có phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ và đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã nhanh chóng lên án vụ xét xử và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm.
Chúng ta cũng đừng quên rằng Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ thặng dư mậu dịch với Mỹ. Xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ là hơn 30 tỉ USD mỗi năm. Đây là một khoản thặng dư mậu dịch có ý nghĩa vô quan trọng với Việt Nam. Chính quyền Mỹ đang gây áp lực lên Việt Nam về chuyện này. Hành động bỏ tù Mẹ Nấm sẽ giáng một đòn đau cho nỗ lực của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc trong việc duy trì cán cân thương mại có lợi như hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam.
Việc Viện kiểm sát Khánh Hòa nhắc đi nhắc tại cái tội của Mẹ Nấm là làm "xấu đi hình ảnh giữa nhân dân và lực lượng công an" như là một thông điệp gửi đến dư luận rằng Bộ công an Việt Nam đứng sau và chỉ đạo toàn bộ vụ việc. Tất nhiên là như vậy vì chỉ có Bộ công an mới có đủ thẩm quyền và lý do để làm việc này. Câu hỏi ai đứng sau giật dây Bộ công an ? Có lẽ nên dành cho nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Dù gì thì chúng ta cũng có thể thấy được sự rạn nứt, chia rẽ không thể hàn gắn và thống nhất trong nội bộ đảng cộng sản. Ông nói gà bà nói vịt, quân hồi vô phèng là thực trạng của chế độ hiện nay.
Vấn đề cơ bản và có ý nghĩa nhất mà chúng tôi muốn nói đến trong vụ án Mẹ Nấm và cũng là tiêu đề của bài viết đó là "đảng cộng sản định thách thức lương tri người Việt đến bao giờ ?". Rõ ràng là càng ngày chính quyền càng ngạo nghễ và thách thức dư luận Việt Nam một cách trắng trợn. Mọi vụ việc kinh thiên động địa xảy ra liên tục gần đây tại Việt Nam gây bức xúc cho dư luận đều được các cơ quan đảng giải thích rằng mọi chuyện đều đúng qui trình. Thật ra đây chỉ là một cách nói khác rằng "chúng tao là thế đó, chúng mày làm gì được chúng tao ?".
Sự thật là không ai làm gì được họ. Họ có nói ngang nói ngược hay phá hoại đến đâu đi nữa thì cũng đâu có sao vì có ai làm được gì họ đâu ? Dư luận ư ? Các nhà bất đồng chính kiến ư ? Các tiếng nói lương tâm ư ? Tất cả đều không là gì và sẽ không làm gì được họ. Vì sao ư ? Câu trả lời rất giản dị đến nỗi không ai nghĩ đó là giải pháp, câu trả lời đó chính là "tương quan lực lượng". 90 triệu người dân Việt Nam chỉ là một đám đông cô đơn, không có tổ chức, không có người lãnh đạo, không có người hướng dẫn nên hoàn toàn bất lực trước một nhóm người nhỏ có tổ chức và quyết tâm giữ quyền lực đến cùng là đảng cộng sản.
Chúng ta chỉ có thể thay đổi được hiện trạng ngày hôm nay bằng cách tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn và có viễn kiến. Nếu vẫn cho rằng chính trị là nhơ bẩn vì thế phải tránh xa nó, phải độc lập bằng cách im lặng và không lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập non trẻ thì tương lai phải sống chung với những điều bất công và vô lý do chế độ cộng sản gây ra là tất yếu.
Nếu bạn thật sự bức xúc và phẫn nộ với bản án mà chế độ cộng sản dành cho Mẹ Nấm thì việc cần thiết nhất mà bạn nên làm là hãy lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ. Nếu bạn không thể tự mình thay đổi được thời cuộc thì hãy ủng hộ cho các tổ chức chính trị để họ làm việc đó. Chửi bới và lên án không đủ để làm chế độ cộng sản bớt dã man và ác độc. Dù muốn hay không thì bạn cũng phải đặt niềm tin vào một tổ chức nào đó. Không có tổ chức thì không thể làm gì được chế độ cộng sản. Đã đến lúc bạn phải lựa chọn, hoặc là đảng cộng sản hoặc là một tổ chức chính trị đối lập nào đó. Nếu bạn không thích đảng cộng sản thì bạn phải ủng hộ cho một chính đảng khác. Nếu không làm thế thì các bản án thô bạo dành cho những người đồng chính kiến sẽ còn tiếp tục và có thể nặng nề và dã man hơn.
Không có gì là không thể thay đổi được, vấn đề là chúng ta có thực sự muốn thay đổi hay không và có biết cách đấu tranh để áp đặt sự thay đổi phải có hay không ?
Việt Hoàng
(03/07/2017)