Vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 23/09/2020
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc phiên xét xử sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong đường dây khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tài trợ khủng bố, mua bán chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức "Triều Đại Việt" thành lập với mục đích lôi kéo, tập hợp người Việt ở trong và ngoài nước tham gia sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Ngày 20/6/2018, các bị cáo đã gây ra vụ nổ lớn tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ nổ khiến 3 người bị thương, trụ sở công an phường bị hư hỏng nặng, nhiều tài sản là xe máy bị hư hại.
Sau khi bắt được một nghi can tên Nguyễn Khanh (sinh năm 1964), cơ quan điều tra đã thu giữ được tại nhà ông Khanh nhiều vật liệu chế tạo trái nổ, đạn AR-15, thuốc súng, dao tự chế, tài khoản ngân hàng, sim điện thoại, hộ chiếu, ống nhòm, máy ảnh… Đặc biệt có khoảng 10kg thuốc nổ TNT, trong đó một số trái nổ đã chế tạo thành công, chỉ cần bấm nút kích hoạt là nổ tung…
Bị cáo đầu vụ Nguyễn Khanh, có nguyên nhân gây án là tích tụ thời gian dài bất mãn về chính sách đất đai trong vấn đề quy hoạch đã khiến gia đình ông bị thiệt hại.
Theo hồ sơ vụ án, ông Ngô Hoàng Văn Hùng – một người Việt sống tại Canada, tự xưng mình là "tổng tư lệnh" của tổ chức Triều Đại Việt. Ông Hùng đã chuyển về nước hơn 300 triệu đồng ; 1.600 đôla Canada và 100 USD Mỹ để chuẩn bị phương tiện, công cụ khủng bố.
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Nguyễn Khanh cho biết quen biết Ngô Hoàng Văn Hùng (Ngô Hùng – sống ở nước ngoài) qua mạng xã hội. Khi được Hùng rủ tham gia tổ chức "Triều Đại Việt" với mục đích tổ chức các cuộc khủng bố, bạo động nhằm lật đổ chính quyền, Khanh biết đó là ý định "hão huyền" nhưng vẫn đồng ý tham gia, vì Hùng hứa sẽ cho tiền.
Bị cáo Nguyễn Khanh
Trên thực tế, Hùng đã chuyển cho Khanh hơn 140 triệu đồng để bị cáo mua thuốc nổ, mìn… Khanh sử dụng khoảng 20 triệu để mua nguyên vật liệu. Số tiền còn lại để tiêu xài.
"Do gia đình khó khăn, tiền nhận được lo đem trả nợ nần, trả tiền lãi mượn của anh em… chứ cũng không xài riêng được gì" – bị cáo Khanh khai trước tòa.
Bị cáo Điểu A Nam khai khi lên mạng xem các video về chương trình khủng bố, phản động của Hùng, bị cáo rất "tò mò" liền nhắn tin cho Hùng hỏi "có cần người không". Bị cáo Hùng nhận A Nam vào tổ chức và dặn "cứ nói với mọi người về tổ chức càng nhiều càng tốt".
Từ đó, Nam rủ rê được 14 người tham gia tổ chức "Triều Đại Việt". Nam được cho 2,5 triệu đồng, cho một xe máy 1,7 triệu đồng. Số tiền được cho, Nam khai đã dùng hết để "mua gạo nấu ăn sống qua ngày".
"Khi bị bắt công an có thu giữ gì của bị cáo không" – Tòa nhắc đi nhắc lại câu hỏi này đến 3 lần thì Điểu A Nam mới hiểu và trả lời.
Tại tòa, tất cả 20 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
Vấn đề đặt ra là nếu mang so sánh cùng hành vi khủng bố với lực lượng có tên gọi là "Biệt động Thành" ở Sài Gòn trước tháng 4-1975, thì 20 bị cáo kể tên ở trên, có thật động cơ gây án là mong muốn "sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" hay không ? Bởi như khai nhận của bị cáo Điểu A Nam là sở dĩ tham gia đường dây khủng bố, ném bom xăng để nhằm "kiếm tiền mua gạo nấu ăn sống qua ngày"…
Từ phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án "Triều Đại Việt", cho thấy xét về mặt xã hội học, cần giải quyết vấn nạn có thể còn chưa mấy phổ biến, "vì nghèo nên chấp nhận làm khủng bố để kiếm miếng ăn" – điều này tương tự trước đây người Việt sẳn sàng cưa bom (theo đúng nghĩa đen) để lấy phế liệu trong cuộc mưu sinh.
***
Bản án "khủng" cho các bị cáo trong vụ án "Triều Đại Việt"
Chủ tọa tuyên án từ 10g00 đến 11g15 ngày 22/9/2020 như sau : (trong ngoặc là đề nghị của Viện kiểm sát)
1. Nguyễn Khanh, SN 1964, Đồng Nai (cha của Nguyễn Tấn Thành trong cùng vụ án) : (22 – 24 năm tù + Quản chế 5 năm + nộp phạt 10 triệu đồng) 24 năm tù + 5 năm quản chế + phạt 10 triệu đồng + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng + nộp lại 121.450.000 đồng.
2. Dương Bá Giang, SN 1971, Đồng Nai : (17 – 18 năm tù + Quản chế 5 năm) 18 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.
3. Vũ Hoàng Nam, SN 1996, Thành phố Hồ Chí Minh : (16 -17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.
4. Dương Khắc Minh, SN 1993, Thanh Hóa : (16 – 17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế + bồi thường cho công an phường 12 quận Tân Bình là 87.386.625 đồng + bà My, công an 2.668.250 đồng + ông Việt, công an 1.125.000 đồng.
5. Nguyễn Tấn Thành, SN 1993, Đồng Nai (con của Nguyễn Khanh trong cùng vụ án) : (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.
6. Nguyễn Thị Bích Vân, SN 1954, Thành phố Hồ Chí Minh : (12 – 14 năm tù + 5 năm quản chế) 12 năm tù + 5 năm quản chế.
7. Phạm Trần Phong Vũ, SN 1982, Kiên Giang (chồng không hôn thú với Trần Thị Thu Hạnh trong cùng vụ án) : (16 – 17 năm tù + 5 năm quản chế) 17 năm tù + 5 năm quản chế.
8. Hồ Anh Tuấn, SN 1973, Tiền Giang (anh cùng cha khác mẹ với Hồ Nguyễn Quốc Hưng trong cùng vụ án) : (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.
9. Hồ Nguyễn Quốc Hưng, SN 1981, Tiền Giang (em cùng cha khác mẹ với Hồ Anh Tuấn trong cùng vụ án) : (10 – 11 năm tù + 3 năm quản chế) 10 năm tù + 3 năm 6 tháng bản án cũ = 13 năm 6 tháng.
10. Trần Thị Thu Hạnh, SN 1981, Vĩnh Long (vợ không hôn thú với Phạm Trần Phong Vũ trong cùng vụ án) : (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.
11. Nguyễn Minh Tấn, SN 1978, Hậu Giang (chồng của Trương Thị Trang trong cùng vụ án) : (17 – 18 năm tù + 5 năm quản chế) 18 năm tù + 5 năm quản chế + nộp lại 119.250.000 đồng.
12. Võ Công Hải, SN 1965, Kiên Giang : (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.
13. Nguyễn Thanh Bình, SN 1957, An Giang : (8 – 9 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.
14. Trương Thị Trang, SN 1983, Hậu Giang (vợ của Nguyễn Minh Tấn trong cùng vụ án) : (3 – 4 năm tù + 2 năm quản chế) 3 năm tù + 2 năm quản chế.
15. Trần Văn Đoan, SN 1988, Kiên Giang : (9 – 10 năm tù + 3 năm quản chế) 9 năm tù + 3 năm quản chế.
16. Điểu Lé, SN 1952, dân tộc S’Tiêng, Bình Phước (bà con xa với Điểu A Nam) : (7 – 8 năm tù + 3 năm quản chế) 7 năm tù + 3 năm quản chế.
17. Điểu A Nam, SN 1986, dân tộc S’Tiêng, Bình Phước (bà con xa với Điểu Lé) : (7 – 8 năm tù + 3 năm quản chế) 7 năm tù + 3 năm quản chế.
18. Nguyễn Trung Trực, SN 1982, Đắk Nông : (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm tù + 10 triệu đồng.
19. Nguyễn Khắc Sinh Nhật, SN 1981, Đắk Nông : (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm tù + 10 triệu đồng.
20. Nguyễn Minh Nhật, SN 1991, Đắk Nông : (2 – 3 năm tù + 10 triệu đồng) 2 năm 6 tháng tù + 10 triệu đồng.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 23/09/2020
**********************
Vụ nổ bom trụ sở công an : Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt
Mỹ Hằng, 22/09/2020
Phiên xử sơ thẩm kéo dài 2 ngày nhóm Triều Đại Việt kết thúc trưa 22/9 với tổng số năm tù lên tới gần 200 năm cho 20 bị cáo.
Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt trong phiên sơ thẩm ngày 22/9/2020
Người chịu án nặng nhất là ông Nguyễn Khanh (sinh năm 1964 tại Bình Dương), 24 năm tù, 5 năm quản chế, và phải bồi thường tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Ông Khanh bị tuyên hai tội danh là "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" và "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ".
Các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm đến 18 năm tù.
Trẻ nhất trong số 20 bị cáo sinh năm 1993, lớn tuổi nhất sinh năm 1952. Hai người trong số này là dân tộc thiểu số S'Tiêng. Bị cáo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An, Đắk Nông, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bình Dương, chủ yếu làm lao động tự do.
Theo cáo trạng, 20 bị cáo có liên hệ với tổ chức Triều Đại Việt ở Canada. Ngày 20/6/2018, họ đã làm bom tự chế và cho nổ ở ba địa điểm khác nhau tại Việt Nam, gồm trụ sở công an tỉnh Hậu Giang ; trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ; tại một cột điện ở Kiên Giang.
Các vụ nổ không gây thương vong, nhưng vụ ở trụ sở công an phường 12 khiến hai người bị thương nhẹ, thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.
Cáo trạng cũng cho hay "đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức "Triều đại Việt" thực hiện với mục đích, chủ trương lôi kéo, tập hợp người Việt ở trong và ngoài nước tham gia nhằm lật đổ chế độ nhà nước Việt Nam".
Tại tòa, Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo là "đặc biệt nghiệm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội ; trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia".
'Mức án quá nặng'
Ngay sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa miễn phí cho 2 trong số 20 bị cáo, nói với BBC News tiếng Việt rằng 'tòa đã đi vô trọng tâm vấn đề, chỉ ra cái sai của các bị cáo', nhưng 'mức án quá nặng'.
Luật sư Miếng nói :
"Khi tòa chỉ ra cái sai, phần lớn các bị cáo đều chấp nhận. Đúng là các bị cáo đã có một số hành động không thể chấp nhận được, như mua thuốc nổ, chế tạo, đặt bom. Trong này có một số người bản thân họ không có ý niệm rõ ràng về bạo lực khi theo nhóm Triều Đại Việt... Nhưng mức án tòa đưa ra quá cao, nhất là với bị cáo đầu vụ (24 năm tù), cộng với khoản tiền bồi thường, khiến cho mức độ răn đe quá kinh khủng".
Có gia đình như ông Nguyễn Khanh, cả bố và con đều chịu án tù nặng, từ 17 - 24 năm.
"Tất nhiên về mặt luật pháp, tòa đã thực thi quyền mà pháp luật cho phép. Nhưng để kêu gọi người ta hối cải thì mức án quá cao như vậy gần như đã tước bỏ cơ hội hối cải của các bị cáo. Chẳng hạn như với gia đình ông Nguyễn Khanh, cả hai bố con đều chịu mức án rất nặng. Do đó tình trạng có thể nói rất bi thảm".
"Những vụ án chính trị khác, những người đầu vụ, đứng đầu một tổ chức chính trị cũng chỉ 15 năm tù thôi. Những người có vị trí chính trị, chức vụ thì cũng chỉ 12 năm thôi.'' Luật sư Miến nhận xét.
Cũng theo luật sư Miếng, các bị cáo hành động như vậy vì mục đích cá nhân, do họ nhận được tiền gửi về, chứ không vì mục đích chống phá hay khủng bố. Họ cũng làm theo yêu cầu một cách miễn cưỡng. Cụ thể là khi chế tạo và đặt bom, nhóm này đã cố gắng làm giảm thiểu rủi ro tối đa mức độ nguy hiểm. Không có thiệt hại về người. Vụ nổ khủng khiếp nhất là vào 20//2018 ở trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thì thiệt hại khoảng 400 triệu, chỉ có 2 người bị thương rất nhẹ. Và các vật liệu dùng làm bom cũng không có độ sát thương lớn.
Luật sư Miếng xác định rằng ông không ủng hộ sử dụng bạo lực, nhất là bom đạn hay khủng bố, trong đấu tranh nhân quyền, dân chủ.
Báo Việt Nam nói gì ?
Theo báo VOV, tại tòa, các bị cáo đã "thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai trái của bản thân".
Theo báo Công an Nhân Dân, các bị cáo nhận chỉ đạo từ Ngô Hùng (đang bị truy nã quốc tế) của tổ chức 'Triều đại Việt' để khủng bố nhằm lật đổ chính quyền.
Báo này viết rằng tổ chức "Triều đại Việt" thường xuyên đăng tải các video livestream trên mạng xã hội "nhằm tuyên truyền, nói xấu Đảng, nhà nước, đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo và chỉ đạo mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ, gây nổ tại trụ sở cơ quan nhà nước, công an…"
Từ tháng 11/2017 đến khi bị phát hiện, Ngô Hùng đã "lôi kéo và chuyển tiền tài trợ cho Nguyễn Khanh, Nguyễn Tấn Thành và 15 người khác" để thực hiện hành vi "khủng bố" tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Kiên Giang…
Từ khi tham gia tổ chức "Triều đại Việt", ông Khanh đã nhận của Ngô Hùng 144 triệu đồng và 600 CAD, vẫn theo báo Công an Nhân Dân.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Khanh khai tại tòa rằng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ mới "nghe theo lời dụ dỗ của tổ chức phản động nhằm mục đích lấy tiền lo cho gia đình chứ không hề có ý định chống phá nhà nước".
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 22/09/2020
*********************
Việt Nam kết án chủ mưu vụ ‘khủng bố chống chính quyền nhân dân’ 24 năm tù
VOA, 22/09/2020
Việt Nam hôm 22/9 tuyên án 24 năm tù đối với người bị cáo buộc đứng đầu tổ chức các vụ "khủng bố chống chính quyền", trong đó có vụ nổ bom tấn công một trụ sở công an phường cách đây hai năm.
Nguyễn Khanh, người bị kết án đứng đầu tổ chức các vụ "khủng bố chống chính quyền nhân dân" bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 24 năm tù hôm 22/9.
Theo truyền thông trong nước, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử 20 bị cáo liên quan đến các vụ mà công an Việt Nam nói là "khủng bố", trong đó 17 người bị tuyên phạt với tội danh "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ", được cho là dưới sự tài trợ của nhóm Triều Đại Việt có trụ sở ở Canada, để tấn công một trụ sở công an.
Nguyễn Khanh, người bị cáo buộc chỉ đạo nhóm "khủng bố" trụ sở Công an phường 12 quận Tân Bình, nhận mức án cao nhất, 24 năm tù, cho hành vi mà TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho là "đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia", theo VnExpress. Bị cáo 56 tuổi bị kết án 20 năm tù cho tội danh "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" và 4 năm tù cho tội danh "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ".
Hai bị cáo được cho là nhận nhiệm vụ "phát triển tổ chức ở miền Tây", Dương Bá Giang và Nguyễn Minh Tấn, bị phạt mỗi người 18 năm tù, trong khi ba người khác – gồm Vũ Hoàng Nam, Dương Khắc Minh và Phạm Trần Phong Vũ – mỗi người lĩnh 17 năm tù vì trực tiếp gây nổ trụ sở công an, theo cáo trạng được các trang mạng trong nước trích dẫn.
Những người còn lại bị tuyên phạt từ 2 đến 12 năm tù về một trong hai tội danh trên.
Phiên tòa kéo dài hai ngày là vụ xét xử mới nhất trong một loạt những vụ án lớn gần đây được đưa ra xét xử trong giai đoạn Việt Nam đang thắt chặt an ninh trước thềm Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản.
Vụ xét xử ngay trước đó diễn ra vào tuần trước tại Hà Nội đối với 29 người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, trong đó hai người bị kết án tử hình về tội "giết" ba công an khi đang làm nhiệm vụ giữa lúc bố ráp khu làng hồi tháng 1 vừa qua. Trước đó vào tháng 4, một người đàn ông bị kết án 11 năm tù với các buộc "đặt bom khủng bố" tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho các bị cáo trong vụ xét xử hôm 22/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng các bản án giành cho các bị cáo trong vụ án "Triều đại Việt" là "khủng".
Nói với Reuters, LS Miếng cho rằng các bản án được tuyên tại tòa là "quá nặng nề".
Bộ Công an trước đây cho biết rằng những bị cáo này đã nhận tiền của nhóm lưu vong Triều Đại Việt, mà công an Việt Nam coi là chống chính quyền, để mua chất nổ và kíp nổ cho "hoạt động khủng bố nhằm lật đổ nhà nước Việt Nam".
Vẫn theo Bộ Công an, những người này đã cho nổ hai quả bom tại đồn cảnh sát phường 12 ở quận Tân Bình, làm 3 người bị thương.
Thông tin trên trang web chính thức của Bộ Công an nói rằng nhóm Triều Đại Việt do Ngô Văn Hoàng Hùng làm "Tổng tư lệnh", mà theo công an Việt Nam, là người đã "vượt ngục" bỏ trốn sang Canada vào năm 1982. Bộ này cho rằng nhóm Triều Đại Việt cũng tiến hành các cuộc đánh bom ở các địa điểm khác, và với phương châm "đốt sạch", "giết sạch", và "phá sạch". VOA không thể liên lạc với nhóm Triều Đại Việt để xin bình luận về những nhận định trên của Bộ Công an.