Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến thuật "độc chiếm Biển Đông" được Trung Quốc áp dụng tại vùng tranh chấp với Ấn Độ ở Himalaya

Thu Hằng, RFI, 12/03/2021

Lầm lũi chiếm từng hòn đảo để dần dần độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược tương tự để gặm nhấm từng mét đất trên dãy Himalaya, tại những khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và vương quốc Bhutan. Bắc Kinh thực hiện kế hoạch này thông qua dự án xây dựng 624 ngôi làng biên giới, theo một tài liệu năm 2017 được trang South China Morning Post nêu ngày 24/01/2021.

pangda1

Làng Pangda được Trung Quốc xây thần tốc ở khu vực mà Bhutan đòi chủ quyền. Ảnh chụp màn hình bài viết ngày 23/11/2020 của Global Times, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc.  © RFI / Tiếng Việt / Global Times

Một ngôi làng mới với khoảng 101 ngôi nhà được Trung Quốc xây ở vùng Arunachal Pradesh, lấn 4,5 km sang lãnh thổ Ấn Độ theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control, LAC), làm dấy lên căng thẳng chủ quyền. New Delhi khẳng định Arunachal Pradesh là một bang của Ấn Độ trong khi Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền với 90.000 km2 và gọi là Nam Tây Tạng. Ngôi làng được xây bên bờ sông Tsari Chu, bắt đầu khởi công từ năm 2019 và hoàn thiện vào tháng 10/2020.

Một ngôi làng khác, làng Pangda, được "nhập trạch" vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 01/10/2020. Theo chính quyền huyện Á Đông (Yadong), vùng Tây Tạng, 27 hộ gia đình với 124 khẩu tình nguyện chuyển từ làng Shangdui, huyện Á Đông, đến khu định cư mới nằm bên sông Torsa, trên cao nguyên Doklam. Đây là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Ấn Độ và vương quốc Bhutan. Đối với New Delhi, cao nguyên Doklam có vai trò chiến lược vì nằm sát hành lang Siliguri nhạy cảm, như nút cổ chai và là cầu nối duy nhất giữa 8 bang phía đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.

Trang Global Times ngày 23/11/2020 đăng mọi chứng cứ khẳng định làng Pangda thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng theo báo New York Times ngày 27/11/2020, làng Pangda lấn sâu hơn 1 km bên trong khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (Sakteng Wildlife Sanctuary) của Bhutan. Vào mùa hè 2020, Bắc Kinh đòi gần chủ quyền gần 777 km2 và biến khu bảo tồn thành vùng lãnh thổ tranh chấp.

Lập làng trên dãy Himalaya giống như bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trên giấy tờ, những ngôi làng này nằm trong khuôn khổ chương trình xóa đói nghèo và bảo đảm ổn định chính trị ở Tây Tạng. Hơn 30 tỉ nhân dân tệ (4,6 tỉ đô la) đã được chi ra để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng cho những khu vực đó. Còn trên thực tế, những dự án xây dựng tại những vùng đất có tranh chấp một lần nữa khẳng định chính sách bành trướng xâm lược của Trung Quốc.

Song song với các khu định cư mới, Trung Quốc dường như xây dựng thêm nhiều tuyến đường và các hầm công sự - kho tích trữ, theo một người phát ngôn của Maxar Technologies, công ty đã chụp lại hình ảnh làng Pangda từ vệ tinh vào tháng 10/2020. Báo New York Times nhận định : "Công việc xây dựng, được vệ tinh chụp lại, nằm trong loạt kế hoạch được Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm. Đó là gạt tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng sang một bên để củng cố vị thế của mình trong các tranh chấp lãnh thổ bằng cách đơn phương thay đổi thực tế".

Chiến lược này đã và đang được Bắc Kinh áp dụng triệt để tại Biển Đông, theo nhận định của giáo sư Brahma Chellaney, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại New Delhi. Trong bài viết ngày 10/03/2021 trên trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), ông so sánh "những ngôi làng mới ở biên giới được Trung Quốc xây trên dãy Himalaya giống như những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Chế độ của ông Tập Cận Bình vẽ lại bản đồ mà không cần bắn một phát súng nào".

"Gặm nhấm" từng tấc đất nhờ dân du mục

Xây làng trên đất liền hay bồi đắp đảo nhân tạo rồi đưa dân đến ở và xây dựng công trình hạ tầng phản ánh rõ ý đồ Trung Quốc củng cố kiểm soát những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền.

Kế hoạch làng biên giới được Bắc Kinh triển khai từ năm 2017 khi ông Tập Cận Bình kêu gọi những người du mục vùng Tây Tạng đến định cư ở các vùng biên. Họ "trở thành những người canh gác biên cương" vì theo ông Tập, "nếu không có hòa bình trên lãnh thổ, sẽ không có cuộc sống bình yên cho hàng triệu gia đình". Kế hoạch được tăng tốc và mở rộng kể từ năm 2019. Với danh nghĩa "xóa đói giảm nghèo", chính sách định cư của Trung Quốc nhắm đến hai mục đích : triệt tận gốc văn hóa du mục, buộc người dân nghèo sống cố định trong những ngôi làng vùng biên ở những nơi khỉ ho cò gáy ; lấn chiếm và giữ đất.

Theo phân tích của giáo sư Chellaney, bước đầu tiên của Bắc Kinh là tạo ra một tranh chấp mà trước đây không hề có (như trường hợp khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng của Bhutan được nêu ở trên). Sau đó, chế độ của ông Tập Cận Bình thường sử dụng dân quân đi tiên phong. Dĩ nhiên là đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ cử đội giám thị thường trú là đảng viên gốc Hán đến những ngôi làng mới xây.

Việc này giống với trường hợp Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc huy động đội tầu cá dân sự hùng hậu, được lực lượng tuần duyên hậu thuẫn để phục vụ cho công cuộc bành trướng. Còn ở vùng Himalaya, Bắc Kinh đưa những người du mục vào những khu vực hoang vắng để gây tranh chấp và sau đó khẳng định chủ quyền. Giáo sư Chellaney cho rằng với cách tiếp cận như vậy, Trung Quốc sẽ có thể gặm nhấm từng đồng cỏ một trên vùng núi Himalaya.

Ngay cả trong trường hợp phản đối, rất khó để lấy lại được những vùng đất đã bị Trung Quốc chiếm mà không sử dụng đến vũ lực. Đây là thừa nhận của chính quyền Ấn Độ, được báo New York Times trích dẫn. Thực tế cho thấy từ khi tranh chấp biên giới giữa hai nước căng thẳng trở lại, các toán quân Trung Quốc vẫn đóng chốt trên những khu vực ngày trước do Ấn Độ kiểm soát.

Chiến lược "mưa dầm thấm lâu"

Giáo sư Brahma Chellaney nhắc lại là theo luật pháp quốc tế, đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phải dựa trên việc quốc gia đó kiểm soát một cách liên tục và hòa bình ở vùng đất liên quan. Trung Quốc đang theo chiến lược "mưa dầm thấm lâu" để biến không thành có nhằm mở rộng phía nam Tây Tạng.

Trước tiên là nghiễm nhiên đòi chủ quyền ở một khu vực, tiếp theo là đưa dân đến định cư, xây dựng những công trình hạ tầng kiên cố để phục vụ dân. Từ đó, Trung Quốc có thể viện dẫn luật pháp quốc tế để củng cố các yêu sách chủ quyền của họ, trong đó "kiểm soát có hiệu quả" là điều kiện thiết yếu. Các cuộc tuần tra có vũ trang không chứng minh được khả năng kiểm soát hiệu quả, nhưng các khu định cư thì có.

Ngoài việc xây làng, cắm dân để chiếm đất, Bắc Kinh còn có nhiều dụng ý khác đằng sau kế hoạch này. Một mặt, những khu dân cư sẽ buộc quân đội đối phương hạn chế sử dụng vũ lực, mặt khác, người dân sẽ đóng vai trò thu thập thông tin, cũng như những chiến dịch xuyên biên giới cho Trung Quốc.

Phá hoại môi trường là một điểm chung khác, được giáo sư Brahma Chellaney nêu lên khi so sánh với tình hình ở Biển Đông. Một tòa án trọng tài quốc tế từng lên án hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như những công trình hạ tầng trên đó "đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các rạn san hô". Tương tự, việc Trung Quốc phá rừng xây làng và căn cứ quân sự cũng đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở Himalaya. Một trong những ví dụ dễ nhận thấy đó là Trung Quốc đã biến một khu vực hoang sơ chiếm từ Bhutan năm 2017 trên cao nguyên Doklam thành một căn cứ quân sự kiên cố.

Chiến lược chiếm đất mà không mất một viên đạn của Trung Quốc khiến việc bảo vệ lãnh thổ của các nước láng giềng càng trở nên khó khăn. Ấn Độ tạm đủ sức để khống chế đà tiến của Trung Quốc, nhưng những nước nhỏ như Bhutan, Nepal - nước được cho là thân hữu với Bắc Kinh - thì chỉ như "châu chấu đá voi". Cho đến nay, chiến lược lầm lì xâm chiếm của Trung Quốc tỏ ra hiệu quả cả trên biển cũng như trên bộ, theo kết luận của giáo sư Brahma Chellaney.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 12/03/2021

***********************

Núi Himalaya – Biển Đông và bài học của Việt Nam

Vũ Kim Hạnh, VNTB, 12/03/2021

Những tài liệu nóng hổi sau đây được trích từ các tờ báo "con cưng" của Thời báo Hoàn Cầu và Bưu Điện Hoa Nam.

Chiến lược xây dựng chớp nhoáng để khẳng định chủ quyền

antrung11

Một ngôi làng mới với khoảng 101 ngôi nhà được Trung Quốc xây ở vùng Arunachal Pradesh, lấn 4,5 km sang lãnh thổ Ấn Độ theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control, LAC), làm dấy lên vấn đề chủ quyền. Ấn Độ khẳng định Arunachal Pradesh là một bang của Ấn Độ trong khi Trung Quốc nói đó là vùng Nam Tây Tạng của họ. Làng mới này được xây bên bờ sông Tsari Chu, chỉ khởi công từ 2019 và tháng 10/2020 mới hoàn thiện.

Một ngôi làng khác, làng Pangda, được nhập vào Trung Quốc đúng ngày 1/10/2020. Theo chính quyền huyện Á Đông (Yadong), vùng Tây Tạng, có 27 hộ gia đình vừa tình nguyện chuyển từ làng Shangdui, huyện Á Đông, đến khu định cư mới nằm bên sông Torsa, trên cao nguyên Doklam. Đây là vùng đang tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Ấn Độ và vương quốc Bhutan. Đối với Ấn Độ, cao nguyên Doklam rất quan trọng vì là cầu nối duy nhất giữa 8 bang phía đông bắc Ấn với phần còn lại của đất nước.

antrung01

antrung1

Vậy mà mới đây Global Times ngày 23/11/2020 đăng mọi chứng cứ khẳng định làng Pangda thuộc lãnh thổ Trung Quốc, trong khi theo báo New York Times ngày 27/11/2020, làng Pangda lấn sâu hơn 1 km bên trong khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (Sakteng Wildlife Sanctuary) của Bhutan. Vào mùa hè 2020, Bắc Kinh đòi chủ quyền gần 777 km2 và biến khu bảo tồn đang là của Bhutan thành vùng lãnh thổ tranh chấp.

Trên giấy tờ, những ngôi làng này nằm trong khuôn khổ chương trình xóa đói nghèo và bảo đảm ổn định chính trị ở Tây Tạng. Trung Quốc đã chi 4,6 tỉ đô la để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng cho những khu vực đó. Việc XÂY DỰNG CHỚP NHOÁNG tại những vùng đất có tranh chấp một lần nữa khẳng định chính sách XÂM LƯỢC-BÀNH TRƯỚNG của Trung Quốc.

antrung2

Báo New York Times nhận định : "Công việc xây dựng các khu định cư đã được vệ tinh chụp lại là nằm trong loạt kế hoạch được Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm. Đó là đơn phương thay đổi thực tế, gạt phắt tuyên bố chủ quyền của nước láng giềng"

Chiến lược này cũng đang được thực hiện trên Biển Đông

Giáo sư Brahma Chellaney, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại New Delhi, trong bài viết ngày 10/03/2021 trên trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), ông so sánh "những ngôi làng mới ở biên giới được Trung Quốc xây trên dãy Himalaya rất giống như những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trung Quốc phình to bản đồ mà không cần bắn một phát súng nào".

Xây làng để bành trướng, Trung Quốc đưa những người du mục vùng Tây Tạng đến. Thực tế cho thấy : Kế hoạch này được tăng tốc và mở rộng kể từ năm 2019. Với danh nghĩa "xóa đói giảm nghèo", chính sách định cư dân du mục của Trung Quốc nhắm đến hai mục đích : triệt tận gốc văn hóa du mục, buộc người dân nghèo sống cố định ở vùng biên để lấn chiếm và giữ đất.

antrung3

Việc này giống với trường hợp Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc huy động đội tầu cá dân sự hùng hậu, được lực lượng tuần duyên hậu thuẫn để phục vụ cho công cuộc "gặm nhấm" cả biển lẫn núi tất cả các nước láng giềng, lân cận.

Chính quyền Ấn Độ công khai ghi nhận, vô phương lấy lại đất tranh chấp nếu không dùng vũ lực, báo New York Times trích dẫn.

Giáo sư Brahma Chellaney nhắc lại là theo luật pháp quốc tế, đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phải dựa trên việc quốc gia đó kiểm soát một cách liên tục và hòa bình ở vùng đất liên quan. Trung Quốc cứ ngang nhiên đòi chủ quyền, đưa dân đến, xây những công trình kiên cố để biến không thành có nhằm mở rộng các vùng đất biên giới. Ngoài chiếm đất, chiếm biển, Trung Quốc còn phá hoại môi trường : hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các rạn san hô. Cay đắng nhất là những láng giềng rất thân thiết như Bhutan, Nepal cũng không được ông láng giền tham lam vô độ thương tình. Và rồi, trường hợp của Việt Nam…

Tháng 3/2021 và hiện tượng những đoàn người Trung Quốc liên tiếp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Gần nhất là thông tin dồn dập về những đoàn người Trung Quốc nhập cư lậu vào khắp các vùng đất nước. Theo tin từ các báo, chỉ trong 2 ngày, 5/3 và 7/3/2021, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 40 người Trung Quốc từ Phúc Kiến nhập cảnh trái phép, lưu trú tại 2 khách sạn ở quận 1 và quận Gò Vấp.

Cùng ngày, khoảng 3 giờ ngày 7/3, Công an Thành phố Châu Đốc phát hiện ô tô 16 chỗ do Nguyễn Phương Hùng (35 tuổi, ngụ Thành phố Châu Đốc) điều khiển, chở 13 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Chỉ 2 hôm sau, trưa ngày 09/3/2021 thì tại Nghệ An cơ quan chức năng lại bắt giữ một xe khách chở tới 57 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (xe chỉ được chợ tối đa 34 người).

antrung4

Ngày 17/07/2020 Thành Phố Đà Nẵng phát hiện 24 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cư trú bất hợp pháp tại đây

Câu chuyện núi Himalaya, Biển Đông nhắc nhở và khoét sâu trong tâm trí người Việt bài học về tham vọng bành trướng vô độ của Trung Quốc. Cách họ sử dụng những đoàn người du mục chiếm đất ở Himalaya phải chăng không xa lạ ? Đã có lúc nhiều người Việt Nam nêu tình trạng những khu nhà mà về danh nghĩa là xây cho công nhân Trung Quốc như ở khu khai thác bâu xit các tỉnh Tây Nguyên hay khu nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh, mà chính quyền sở tại không thể vào kiểm tra.

Nay với hàng loạt, từng đoàn người Trung Quốc nối tiếp nhau nhập cư trái phép vào từ nhiều phía, nếu chúng ta không phản ứng kịp nhanh, đủ kiên định, quyêt liệt đến cùng thì hậu quả khó lường.

Muốn chiếm cả đất, trời, biển, núi (theo nghĩa đen), còn nơi nào trên trái đất này mà họ không muốn chiếm đoạt ?

Vũ Kim Hạnh

Nguồn : VNTB, 12/03/2021

Published in Diễn đàn

Xung đột Ấn-Trung bùng nổ : Bắc Kinh hiếu chiến hơn trong khủng hoảng ?

Lần đầu tiên từ 45 năm qua đã nổ ra cuộc xung đột đẫm máu khiến 20 lính Ấn thiệt mạng tại vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đó là sự kiện được các báo Pháp quan tâm nhất hôm 18/06/2020. Một trong những bức ảnh ấn tượng trên Le Monde là hình Tập Cận Bình bị người biểu tình Ấn phẫn nộ đốt cháy.

antrung1

Người biểu tình tại Kolkata (Ấn Độ) ngày 18/06/2020 đốt cờ Trung Quốc và hình ông Tập Cận Bình. © Reuters/Rupak De Chowdhuri

"Cách đây 60 năm, tướng De Gaulle từ Luân Đôn đã đưa ra lời kêu gọi nhân dân Pháp kháng chiến", sự kiện lịch sử này được Le Figaro đưa lên trang nhất hôm 18/06/2020. Cũng với ảnh bìa tướng De Gaulle, La Croix chạy tựa "Một ngày 18 tháng Sáu năm xưa".

Le Mondequan tâm đến vấn đề "Thương mại : Châu Âu tự vệ trước Trung Quốc". Les Echos phấn khởi trước "Kinh tế Pháp rốt cuộc đã ra khỏi giấc ngủ" : GDP giảm ít hơn quý I, tiêu dùng tiếp tục tăng. Hồ sơ của Libération dành cho cuộc điều tra đặc biệt về chất perfluore (PFAS) hiện diện trong nhiều sản phẩm như chất chống dính, mỹ phẩm… tồn tại rât lâu trong môi trường và cơ thể người, với ảnh bìa là một cái chảo và hàng tựa hàm ý"đầu độc trong im lặng".

Ở các trang trong, xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, lần đầu tiên từ 45 năm qua, là sự kiện được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay. Một trong những bức ảnh ấn tượng trên Le Monde là hình Tập Cận Bình bị người biểu tình Ấn phẫn nộ đốt cháy.

Bắc Kinh miệng nói hòa bình nhưng lấn dần lãnh thổ ở biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền Ladakh và Aksai Chin từ thập niên 50, và theo thỏa thuận năm 1993 thì hai bên cam kết không dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.

Cho đến nay, quân lính của đôi bên chỉ thóa mạ, đấm đá, phang nhau bằng gậy gộc vì các toán lính tuần tiễu không mang theo vũ khí để tránh nổ súng. Nhưng đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 16/06/2020, có đến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng khi đụng độ với quân Trung Quốc tại đường biên giới ở Ladakh, trong đó có một đại tá. Theo báo chí địa phương, khi lính Ấn Độ muốn dỡ các căn lều của quân Trung Quốc dựng lên dọc theo sông Galwan lấn sâu vào lãnh thổ Ấn, những người lính Ấn tay không đã bị tấn công dã man bằng gạch đá và gậy sắt. Một số chết rét khi rơi xuống sông, số khác bị bắt làm tù binh.

Le Figarogiải thích "Trung Quốc đã gặm nhấm dần Himalaya từng bước một như thế nào". Trong lúc báo chí Ấn Độ phẫn nộ vì cuộc tấn công của Trung Quốc, truyền thông Hoa lục lại ít nói đến, thậm chí kênh truyền hình nhà nước CCTV còn làm ngơ, và tất nhiên không có thiệt hại nhân mạng nào ở phía Trung Quốc được đưa ra. Những tin nhắn hung hăng trên WeChat bị kiểm duyệt, được cho là Bắc Kinh muốn "giải quyết êm thắm".

Nhưng dưới cái vỏ khiêm tốn về ngoại giao, ẩn giấu tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực chiến lược nằm giữa Nam Á và Trung Á, nơi Trung Quốc dấn lên một cách có phương pháp. Bắc Kinh liên tục gặm nhấm lãnh thổ để mở rộng kiểm soát sang vùng Kashmir đang do Pakistan quản lý, khiến Ấn Độ mất đi cửa sổ ngó sang Tân Cương.

Chính quyền Modi lâm vào thế khó xử

Quân Trung Quốc tăng cường các vị trí trên những rặng núi nhìn xuống thung lũng Galwan. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng mấy chục xe quân sự Trung Quốc chen chúc dọc theo sông Galwan, hơn một chục chiếc lều và nơi trú ẩn kiên cố được dựng lên. Global Times còn khoe đã đưa nhiều xe tăng type 15 lên bình nguyên Tây Tạng ở độ cao 4.700 mét để tập trận. Bắc Kinh lần lừa không muốn đàm phán về biên giới, lợi dụng các khó khăn kinh tế và dịch tễ mà New Delhi đang gặp phải.

Theo Le Figaro, tình hình khiến chính quyền của đảng BJP khó xử trong đối nội, vì thủ tướng Narendra Modi để tại vị nhiệm kỳ thứ hai đã hứa hẹn duy trì toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh. Les Echos nói thêm, ông Modi hôm qua 17/06 trước khi dành hai phút mặc niệm những quân nhân đã hy sinh, tuyên bố "Ấn Độ muốn hòa bình nhưng có khả năng trả đũa thích đáng khi bị khiêu khích".

Nhà nghiên cứu Rana Chhina ở New Delhi cho biết có nguy cơ xung đột nếu từ đây đến mùa thu các bên không rút quân. Đó là vì kể từ tháng 10, tuyết sẽ phong tỏa các ngõ vào cho đến tháng 2, tháng 3, và mưa có thể làm đất lở, cắt đứt những tuyến đường ; lực lượng hai bên ở gần sát nhau trong nhiều tháng.

Vì sao Trung Quốc hung hăng hơn với Ấn Độ ?

Les Echostrong bài " Đối đầu quân sự : Ấn Độ và Trung Quốc đổ trách nhiệm cho nhau", dẫn lời trung tướng về hưu S.L.Narasimhan của Ấn Độ cho biết : "Các sự cố vẫn thường xảy ra tại vùng này, nhưng lần đầu tiên xung đột ở nhiều địa điểm lại diễn ra cùng lúc, và quân Trung Quốc tỏ ra đặc biệt hung hăng, nhất là do các cơ sở hạ tầng đang xây của Ấn Độ".

Phản đối "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc, New Delhi lập chương trình xây dựng cầu đường dọc theo biên giới Ấn-Trung. Trung Quốc bực tức vì Ấn Độ công khai chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong đại dịch corona, và thu hút các công ty muốn rời bỏ Trung Quốc. Ấn Độ cũng hợp tác chặt chẽ hơn với các nước Châu Á-Thái Bình Dương (trong đó có Hoa Kỳ) đang lo ngại trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo Le Monde, có một điều chắc chắn là Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến trong bối cảnh chịu sức ép nặng nề từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng Covid-19. Bắc Kinh muốn bảo vệ cái gọi là "lợi ích căn bản", từ "an ninh quốc gia đang bị các thế lực thù địch nước ngoài đe dọa" ở Hồng Kông, đến "toàn vẹn lãnh thổ" dù là với Đài Loan, trên Biển Đông hay ở biên giới Ấn-Trung.

Dịch virus corona tái phát, Tập Cận Bình phô trương quyền lực

Về tình hình dịch virus corona tại Trung Quốc, Libération nhận định "Bắc Kinh ra tay trước". Dù mới phát hiện trên 100 ca dương tính xuất phát từ chợ bán sỉ Tân Phát Địa (Xinfadi), nhưng hàng ngàn chuyến bay nội địa đã bị hủy, trường học lại đóng cửa, nhiều khu phố bị phong tỏa… Cơn ác mộng cho người dân Bắc Kinh vừa mới làm quen với cuộc sống bình thường sau sáu tháng bị cách ly !

Những ngôn từ đao to búa lớn lại xuất hiện. Chuyên gia Valérie Niquet giải thích : "Những tuần lễ gần đây chúng ta lại thấy Trung Quốc tỏ ra hết sức hiếu chiến, phô trương sức mạnh của mình với Đài Loan, Hồng Kông hay tại biên giới Ấn Độ, và đấu tranh với nạn dịch tái phát cũng nằm trong chiến lược này".

Báo chí nhà nước luôn nói rằng các trường hợp dương tính đều từ bên ngoài vào - cho dù hầu hết là dân Trung Quốc trở về nước vì người ngoại quốc bị hạn chế nhập cảnh. Nhưng nay ổ dịch phát ra từ ngôi chợ khổng lồ ở Bắc Kinh, cung ứng thực phẩm tươi sống cho 21 triệu người, chứng tỏ chưa thể kiểm soát hẳn dịch virus corona.

Trong lúc gần đây có những dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, giữa Tập Cận Bình và các phe ôn hòa hơn, những biện pháp độc đoán trên giúp nhắc nhở rằng ai đang nắm quyền. Nhiều cán bộ đã bị cách chức sau khi phát hiện virus tại chợ Tân Phát Địa, trong đó có phó chủ tịch quận.

Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường : Chiến thắng quan trọng của EU

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết về "Chiến thắng âm thầm nhưng mang tính quyết định của Bruxelles trước Bắc Kinh". Do Liên Hiệp Châu Âu (EU) không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, Trung Quốc đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng nay đã lặng lẽ từ bỏ vụ kiện. Đây còn là biểu tượng cho sự thay đổi quan điểm về "Made in China".

Bắc Kinh có thời hạn đến 15/06 để tái thúc đẩy vụ kiện, sau phán quyết đầu tiên bất lợi cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng đã rút lui. Tiếp tục coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường, EU có thể áp thuế cao cho một số mặt hàng xuất khẩu của nước này.

Hồi năm 2016 Bruxelles đã tỏ ra ngần ngại, vì Bắc Kinh đưa ra lý lẽ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc được hứa sau 15 năm sẽ có quy chế kinh tế thị trường. Tất nhiên với điều kiện tiếp tục mở cửa kinh tế - một điều mà trên thực tế Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện, và nhiều mặt hàng được nhà nước trợ giá đã cạnh tranh bất chính với hàng hóa Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu lúc đó vì cứng nhắc tôn trọng cam kết đã định quy hàng, nhưng chính chủ tịch Ủy Ban, ông Jean-Claude Juncker kịch liệt phản đối.

Chiến thắng lớn lao này diễn ra trong lúc EU đang có chiến lược tự chủ sản xuất, muốn tự vệ trước các tập đoàn nước ngoài được trợ giá. Ủy Ban Châu Âu vào đầu tuần này vừa có một quyết định chưa từng thấy, khi loan báo sẽ áp thuế hải quan lên vải dệt bằng sợi thủy tinh, một vật liệu công nghệ từ Ai Cập nhưng sản xuất bởi các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp. Do Bắc Kinh thường né thuế bằng cách dịch chuyển sản xuất sang các nước phát triển, quyết định này của Bruxelles đã bước sang một ngưỡng mới, với tư duy mới trước cung cách làm ăn thiếu sòng phẳng của Trung Quốc.

Trong bài phân tích trên Le Monde, cây bút Sylvie Kauffmann nhận định, trước và sau đại dịch corona, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã đổi khác. Trước đây, Châu Âu nghĩ rằng Bắc Kinh là đồng minh trong việc bảo vệ đa phương, nhưng rốt cuộc đã hiểu ra, chủ nghĩa đa phương "theo kiểu Trung Quốc" chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích Trung Quốc.

Lời kêu gọi kháng chiến của tướng De Gaulle, bài học lịch sử

Quay lại với sự kiện lịch sử của nước Pháp, bắt đầu từ một lời kêu gọi trên đài phát thanh. Trong lúc thống chế Pétain - vừa được bổ nhiệm thủ tướng Pháp - yêu cầu ngưng chiến đấu chống quân Đức, thì tướng De Gaulle từ Luân Đôn đọc bài diễn văn nay đã đi vào huyền thoại.

Vị tướng ít được công chúng biết đến đã bất chấp bối cảnh quân sự thất bại, chính giới muốn buông xuôi và cả tương quan lực lượng địa chính trị. De Gaulle kêu gọi người dân Pháp kháng chiến và khẳng định chiến thắng - sẽ trở thành hiện thực năm năm sau đó. Một vị tướng không có quân, được phát biểu trên đài BBC nhờ sự ưu ái của thủ tướng Anh Churchill, thông điệp dài chỉ bốn phút đã thổi bùng được niềm tin cho cả một dân tộc.

Trong bài xã luận, Le Figaro đặt vấn đề : 80 năm sau, Đệ nhị Thế chiến đã lùi xa, nhưng nước Pháp đang phải đối phó với khủng hoảng dịch tễ và kinh tế, quyền lực nhà nước bị thách thức, tầm nhìn nào cho Pháp quốc hôm nay ?

Thụy My

Published in Châu Á