Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giới Phật tử thế giới đang xôn xao hướng về Thái Lan, với sự kiện Trung Quốc đồng ý cho Thái Lan mượn xá lợi của Đức Phật để triển lãm tại nước này. Tin tức được loan ở nhiều nơi, và chi tiết của sự kiện này, lại nhắc cho người Việt Nam nhớ đến "sợi tóc Phật" ở chùa Ba Vàng, với nhiều điều nhận biết mới mẻ.

xaloi1

Phật tử tham gia cung thỉnh xá lợi Phật đi đoàn tiếp nhận cấp quốc gia của Thái, cẩn trọng với chiếc hộp đựng bằng vàng được trang trí công phu, đặt trên một chiếc xe hoa

Ở Thái Lan ngày hôm qua, đã có hơn 2.000 người tham gia lễ rước, hộ tống xá lợi của Đức Phật từ Trung Quốc đến đặt tại một ngôi đền ở thủ đô Bangkok của Thái Lan để tôn vinh ngày sinh nhật của Vua Maha Vajiralongkorn, và cũng là kỷ niệm nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Trung Quốc.

Xá lợi Phật mà Trung Quốc đưa đi, với sự hộ tống của một phái đoàn đặc biệt, gồm phía thần quyền và thế quyền trong sự bảo vệ nghiêm ngặt, được nói là xá lợi răng, một trong những di vật quý giá của lịch sử Phật giáo thế giới. Trung Quốc tuyên bố đây là báu vật quốc gia, được gìn giữ tại chùa cổ Lingguang ở Bắc Kinh, cũng được bảo mật, chỉ đem ra trước công chúng vào những dịp quan trọng. Việc cho mượn xá lợi Phật, được Trung Quốc chọn đem qua Thái Lan lần này, được nói là thể hiện tình hữu nghị quan trọng đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ cẩn mật cũng do Trung Quốc phải đối mặt với các tuyên bố cạnh tranh về quyền sở hữu từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là về nguồn gốc có được nó.

Những Phật tử tham gia cung thỉnh xá lợi Phật đi đoàn tiếp nhận cấp quốc gia của Thái, cẩn trọng với chiếc hộp đựng bằng vàng được trang trí công phu, đặt trên một chiếc xe hoa, khi nó được diễu hành qua một trong những khu phố cổ nhất của thành phố, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và các thành viên nội các cũng đã có mặt chờ, đón nhận Phật tích trong tiếng tụng kinh của hàng trăm nhà sư.

xaloi2

Những Phật tử tham gia cung thỉnh xá lợi Phật đi đoàn tiếp nhận cấp quốc gia của Thái (Surapol Promsaka na Sakolnakorn

Truyền thông địa phương đưa tin đại diện Trung Quốc, trong đó có đại sứ Bắc Kinh tại Thái Lan, cũng có mặt. Xá lợi Phật sẽ chỉ được trưng bày cho công chúng cho đến giữa tháng 2, và lễ tiễn cũng sẽ long trọng không kém với sự tham gia của hai quốc gia.

Tin tức trên lan rộng, và lập tức nhắc cho nhiều người Việt Nam nhớ đến sự kiện "sợi tóc Phật" được trưng bày đơn giản ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, theo sự giới thiệu của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh.

Tóm tắt sự kiện, theo quảng bá từ chùa Ba Vàng, từ ngày 23 đến ngày 27/12/2023, nơi này tổ chức rước, trưng bày vật gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" cho người dân chiêm bái và cúng dường. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày trưng bày, đã nhiều người chỉ ra rằng đó chỉ là một cọng cỏ pili trò chơi, bán trên các sàn thương mại điện tử. Và ngay cả cách thức trưng bày và đón tiếp Phật tử đến chiêm bái, cũng cho thấy mọi sự bất tín dần lộ ra từ chuyện bảo quản về một cái gọi là "xá lợi tóc phật" ở chùa Ba Vàng, cũng như nguồn gốc chuyển giao đến cho nơi này trưng bày.

Thực tế, xá lợi Phật, hay thánh tích Công giáo, mỗi khi có sự di chuyển để phục vụ cho đám đông hâm mộ, đều là sự kiện mang tầm quốc tế.

Nhanh chóng, dân chúng đã nhận ra đây là một trò thao túng và lừa gạt đám đông không khác gì như là vụ test kit Việt Á, hay chuyến bay giải cứu, đơn giản đó chỉ là một trò lừa, thao túng đám đông, coi thường trí tuệ của người mộ tín, trong đó có những biểu hiện dựa lưng và được bảo vệ bởi chính quyền địa phương.

Được biết theo quy định, bảo vật từ Trung Quốc khi đem đến Thái Lan, được để trong lồng kính và người ta chỉ có thể đứng xem cách một thước, và cũng không dừng lại quá lâu. Trong khi đó "sợi tóc phật" được Thích Trúc Thái Minh nói là đã có hơn 2500 năm, lại nằm chơ vơ trên một chiếc đĩa sứ, lộ thiên với hàng người đi qua, dí mặt sát vào "bảo vật", thở vào đó, và chụp hình selfie. Thật khó biết chùa Ba Vàng đã sử dụng một phương thức tâm linh đặc biệt, hay thủ thuật khoa học tối tân nào để bảo vệ được "sợi tóc Phật" qua những điều kiện trần tục như vậy.

Trò lừa bịp này nhanh chóng được hạ xuống sau một thời gian ngắn gây sốc trên mạng và làm cho tất cả những người hướng về đạo Phật ở Việt Nam qua một thoáng hâm mộ, cảm thấy mình bị xúc phạm. Và còn xúc phạm hơn nữa, sau khi sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh cười nhẹ – sau khi dẹp bỏ trò trưng bày, đã trả về Miến Điện không kèn không trống – đã nói như một thương gia tâm linh trên truyền hình, rằng "dù không phải là của Phật, nhưng nhìn thấy mình cũng có lòng hướng đến Phật".

xaloi3

Hình ảnh về 'xá lợi tóc Đức Phật' đăng tải trên trang web của chùa Ba Vàng - Ảnh : Chùa Ba Vàng

Đáng nói, sau khi trò bịp này đã trở thành sự phẫn nộ lan rộng cả nước, và ê chề cho Giáo hội Phật giáo nhà nước, thì ngày 4/01/2024, trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Miến Điện để xác định nguồn gốc hiện vật được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" trưng bày tại chùa Ba Vàng.

Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Miến Điện sẽ xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là do trụ trì tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) cuối tháng 12/2023. Công tác quản lý nhà nước và Phật giáo Miến Điện với "xá lợi tóc Đức Phật" cũng được Đại sứ quán làm rõ.

Đã gần một năm, câu hỏi đơn giản ở tầm vóc ngoại giao ngang hàng, nhưng vẫn chưa thấy đại sứ quán Việt Nam ở Miến Điện trả lời. Nếu dựa vào lý do là ở Miến Điện đang có nội chiến thì mọi thứ chỉ bùng phát từ Tháng Tám 2024 mà thôi. Trên thực tế là câu hỏi này dễ dàng được trả lời trong một tuần, hoặc trễ nhất là một tháng.

Có cần phải xét lại khả năng làm việc của tòa đại sứ Việt Nam ở Miến Điện về chuyện không đủ sức để hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản như vậy hay không ? Hay Đại sứ Việt Nam ở Miến Điện có coi thường lệnh của cấp trên không ? Và Miến Điện, vốn là một quốc gia Phật giáo, lại mang quốc bảo của nước mình đem đi đến một nơi khác để trưng bày đơn giản – tầm thường như vậy, mà họ lại không có tiếng nói nào ?

Theo ước tính, Phật quốc Miến Điện có hơn 50.000 chùa và hơn 450.000 sư sãi, chẳng lẽ từng ấy người và nơi tu tập, lại không biết gì về báu vật của quốc gia mình, và cũng không ai buồn đi kèm đến Việt Nam trong chuyện cho mượn báu vật cực quý và mỏng manh như vậy để trưng bày ?

Miệng của người đời vẫn còn vướng lại câu hỏi, hay là Thích Trúc Thái Minh đã có khả năng can dự gì, với ai khác đặc biệt, để sự minh bạch không thể đến được với người dân Việt Nam ? Đơn giản nhìn thấy là sau sự kiện bịp cả quốc gia – với những trường hợp khác thì bị tù và bồi thường – thì Thích Trúc Thái Minh chỉ bị Giáo hội nhà nước kỷ luật, và phạt không cho tổ chức tầm quốc tế trong vòng một năm.

Lâu nay trong nước vẫn có một thói thường, là chuyện gì khó nói thì cứ để như vậy, rồi từ từ sẽ qua trong bề mặt im lặng, chìm trong quên lãng. Nhưng dù không có câu trả lời, thì tự khắc dân chúng cũng đã biết rõ mọi chuyện là như thế nào, chỉ là sự ô uế của cái gọi là của Phật giáo nhà nước hôm nay, sẽ đọng mãi trong trí nhớ của người Việt Nam đến nhiều đời sau.

Tuấn Khanh

(05/12/2024)

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn