Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã đến Nga để tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), một diễn đàn kinh tế của Nga, nơi đón tiếp những quốc gia mà nền kinh tế của họ có tầm quan trọng toàn cầu, để thảo luận về "các vấn đề kinh tế quan trọng mà Nga đang phải đối mặt, về những thị trường mới nổi và về thế giới nói chung". Ông Tập cũng có mặt để kỷ niệm lần thứ bảy mươi hai mối quan hệ song phương giữa hai nước bằng một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

ngatrung1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hồi tháng 6/2019

Mặc dù đây là chuyến đi đầu tiên của ông Tập đến Nga trong năm 2019, nhưng chuyến thăm Nga diễn ra vào đúng thời điểm các căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên nhiều mặt trận. Chúng bao gồm các căng thẳng về thương mại, công nghệ và tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và, do các căng thẳng với Nga về một số vấn đề ổn định chiến lược và khu vực, chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã gọi cả hai cường quốc Trung Quốc và Nga là "các cường quốc xét lại" mà hiện đang tìm cách thách thức ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ. Điều này diễn ra vào thời điểm khi mà Trung Quốc và Nga gần gũi, gắn bó với nhau "hơn bất kỳ một thời điểm nào trong lịch sử mối quan hệ của họ". Mặc dù đó không phải là yếu tố quyết định, nhưng vị thế hiện tại của Mỹ đối với cả Trung Quốc và Nga có thể góp phần vào việc (tạo dựng) mối quan hệ đối tác đang phát triển nhanh chóng của họ.

Kể từ năm 2014, khi Nga thôn tính Crimea và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã không công khai bày tỏ bất kỳ một mối quan ngại nào về việc thôn tính Crimea. Thay vào đó, Trung Quốc đã cải thiện mối quan hệ với Moscow trên nhiều phương diện. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với khối lượng thương mại vượt quá 100 tỷ USD vào năm 2018. Những quan ngại về mối quan hệ nở rộ của hai nước đã khiến một số chuyên gia đưa ra viễn cảnh cả hai nước sẽ là "những lực lượng liên hợp". Cả hai nước đều mô tả những mối quan hệ của họ là "Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện", trong khi mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước luôn luôn ở mức độ cao, với các thương vụ bán vũ khí mới và các cuộc tập trận quân sự chung.

Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie Moscow đã mô tả mối quan hệ đối tác Trung-Nga mới là "mô hình mới đối với ‘mối quan hệ quốc gia lớn’". Mối quan hệ đang phát triển này đặt ra mối lo ngại ở Washington rằng hai quốc gia này cuối cùng có thể trở thành một "thách thức chiến lược" chủ yếu mà sẽ có "những hậu quả cực kỳ tiêu cực" đối với Hoa Kỳ. Các học giả và các nhà bình luận đã duy danh định nghĩa cho cái tiềm năng đối với mối quan hệ đối tác đang phát triển này là "cơn ác mộng của người Mỹ". Zbigniew Brezinski, một trong những nhà tư tưởng chiến lược vĩ đại nhất của Mỹ trong thế kỷ XX và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã cảnh báo rằng một liên minh Trung-Nga là "kịch bản nguy hiểm nhất" đối với các tính toán chiến lược của Washington.

Trong khi Hoa Kỳ khắc họa hai quốc gia Trung – Nga trên đây là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" mới của họ, thì bản báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu của tình báo Mỹ năm 2019 đã dự báo mối quan hệ Trung-Nga có thể "sẽ được củng cố" trong những năm tới đây khi "những lợi ích và nhận thức về các mối đe dọa" của hai nước trùng hợp với nhau. Ngày nay, hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau trong các vấn đề từ Trung Đông đến Bắc Triều Tiên và hai nhà lãnh đạo (Putin và Tập Cận Bình) đã cá nhân hóa mối quan hệ đó.

Bất chấp một thực tế rằng mối quan hệ Trung-Nga đang được cải thiện đáng kể trên nhiều lĩnh vực chiến lược, điều này không có nghĩa là những khác biệt không tồn tại. Những khác biệt nghiêm trọng trong thế giới quan và lợi ích của họ vẫn tồn tại, điều này cho thấy rằng mối quan hệ đối tác hiện tại của họ sẽ không nhất thiết dẫn đến một liên minh Trung-Nga mới hoặc một trật tự thế giới mà Trung-Nga là trung tâm.

Trước hết, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc có tác động đến cốt lõi của những gì mà Nga nhìn nhận là phạm vi ảnh hưởng của chính nước Nga. Nga đã nỗ lực tham gia ngoại giao vào không gian hậu Xô Viết trong cả hai lĩnh vực kinh tế và an ninh thông qua Liên minh kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Tuy nhiên, thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, việc Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực có thể làm giảm thiểu ảnh hưởng lâu dài của Moscow. Tuy nhiên, để tránh né việc chọc giận Nga trong các tính toán của Nga tại Trung Á, Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc phối hợp Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á-Âu, và tuyên bố sẽ không đóng vai trò an ninh trong khu vực (ít nhất là cho đến nay). Nhưng những cam kết này hiện vẫn chưa được xác định, và điều này sẽ gây lo ngại cho Moscow.

Một lĩnh vực khác có tiềm năng đối với sự hợp tác và cạnh tranh Trung-Nga trong tương lai là Bắc Cực. Nga là một quốc gia Bắc Cực, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và Trung Quốc hiện đang tự coi mình là một "quốc gia gần Bắc Cực". Trung Quốc cũng đang hợp tác với các quốc gia liên quan đến khu vực này để "tham gia vào việc quản trị Bắc Cực", bảo đảm quyền tiếp cận các tuyến hàng hải Bắc cực và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Nhưng các tàu phá băng Trung Quốc trên tuyến đường biển phía Bắc có thể gây lo ngại cho Nga. Trong quá khứ, ít nhất hai lần, Moscow đã từ chối cho các tàu nghiên cứu của Trung Quốc tiếp cận khu vực kinh tế độc quyền gần Bắc Cực, và có một sự nghi ngờ của Moscow đối với thế cờ của Trung Quốc tại Bắc Cực vì cả hai quốc gia này đều cảm thấy nhạy cảm khi nói về các vấn đề chủ quyền.

Một vấn đề thứ hai là Thái Bình Dương, vì cả hai nước đều tiếp giáp đại dương này, đây có thể là một vấn đề phức tạp đối với cả hai cường quốc khu vực mới nổi. Trong nỗ lực muốn đóng một vai trò tích cực ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Moscow đã chuyển trục sang Châu Á bằng cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác của Nga trong khu vực trong khi các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã gặp nhiều vướng mắc. Moscow bình thường hóa quan hệ với các đồng chí cũ thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Việt Nam, và nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác mới với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù vai trò của Nga trong khu vực vẫn còn bị hạn chế về thực bản chất, vì phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, một số quốc gia Châu Á này có những mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc (ví dụ như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam). Ngoài ra, Nga sẽ không tạo được lợi ích gì khi nói đến các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc tại Eo biển Đài Loan, đặc biệt nếu Bắc Kinh quyết định đưa ra lựa chọn quân sự. Mặt khác, Nga chiếm chưa đến hai phần trăm trong thương mại toàn cầu của Trung Quốc và chỉ là đối tác thương mại lớn thứ mười hai của nó (Trung Quốc), trong khi đó sự chuyển trục sang Châu Á của Nga vẫn chưa được hiện thực hóa đến mức như Moscow vẫn kỳ vọng.

Thứ ba, Zbigniew Brzezinski, trong cuốn sách "Bàn cờ lớn" của mình, đã đề cập đến khả năng một liên minh Nga - Trung do Nga lãnh đạo, liên minh này sẽ hợp nhất với nhau "bởi những bất bình bổ sung". Ông so sánh quan hệ đối tác này với Xô-Trung trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, nhưng lưu ý rằng, khoảng thời gian này, "Trung Quốc có thể sẽ là nhà lãnh đạo và Nga là kẻ theo đuôi". Hai quốc gia có chung một viễn kiến về trật tự thế giới đa cực, ngoại trừ một điều là các định nghĩa về đa cực của họ là khác nhau. Đối với Nga, cái trật tự mà nó đang tìm kiếm đòi hỏi một thế giới đa cực, với sức mạnh được cân bằng giữa các cường quốc chính. Nhưng đối với Trung Quốc, một ảnh hưởng lớn của cường quốc chính trong hệ thống quốc tế sẽ phải tương quan với sức mạnh kinh tế của cường quốc ấy. 

Mặc dù quan hệ đối tác Trung-Nga đang phát triển từng ngày và sẽ tiếp tục phát triển, và mặc dù cả hai nước đều có được một cái gì đó từ mối quan hệ "hợp tác -cạnh tranh" của các đối tác này, nhưng, xét đến cùng, nó mang lại lợi ích cho Trung Quốc bằng cái giá phí tổn của Nga. Nhưng việc tạo ra một liên minh chiến lược giữa hai quốc gia có thể thách thức trật tự thế giới hiện tại (hoặc là như Bobo Lo đã mô tả nó, "gây rối trật tự") xem ra có vẻ không khả thi. 

Hiện tại, Trung Quốc cam kết duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga để tránh thất bại trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Nga cũng cảm nhận được điều tương tự. Bắc Kinh biết rõ những hạn chế của những gì mà Moscow có thể đề xuất với Trung Quốc trên bình diện kinh tế, và vì lý do đó, một liên minh lâu dài là không khả thi. 

Yacqub Ismail

Nguồn : The Limits of the Alliance Between China and Russia, The National Interest, 10/07/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 29/08/2019

Published in Diễn đàn