Ngày 22 tháng 6 năm 2017, nhà báo Lê Duy Phong, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam bị công an tỉnh Yên Bái bắt giữ tại một nhà hàng với cáo buộc ông Phong tống tiền một doanh nghiệp. Ông Phong là người đã phanh phui vụ biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, ông này là em ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Việc ông Phong bị bắt đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau và mối hoài nghi ông Phong bị gài thế đang là luồng dư luận mạnh nhất hiện nay.
Công an ngăn cản nhà báo chụp hình bên ngoài Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên xử Giáo sư Phạm Minh Hoàng hôm 10/8/2011. AFP photo
Nhà báo nói gì ?
Nhà báo Trương Duy Nhất là nhà báo độc lập, chủ trang blog Một Góc Nhìn Khác, chia sẻ : "Ông Lê Duy Phong đó, sao mình biết được vì tình trạng nhà báo tống tiền hàng loạt, quá phổ biến ấy mà. Mà về chính quyền thì ai rõ ràng ai cũng phải đặt dấu hỏi vì ông này đang điều tra hai vụ án lớn dính đến quan chức. Mà sao nếu nhận hối lộ thì bên kia đưa seri tiền lên rồi khởi tố thì sao không khởi tố tội nhận hối lộ mà khởi tố vụ lạm dụng quyền hạn. Vì nếu khởi tố tội nhận hối lộ sẽ phải khởi tố người đi hối lộ, vậy nó lòi ra hết thì sao. Chứ ông Phong làm gì mà lạm dụng quyền hạn, vậy nên người ta đặt ra dấu hỏi, chứ thực sự làm sao mình dám khẳng định thế nào đâu."
Nhà báo này chia sẻ thêm rằng khả năng ông Phong bị gài thế là rất cao, bởi có những tín hiệu cho thấy điều đó, từ việc loan khống số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu đồng trong khi thực tế chỉ có 50 triệu đồng trên bàn nhậu, lúc này ông Phong đã ở trạng thái say rượu là một vấn đề mờ ám.
Và một khi số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu động thì mức độ hình phạt sẽ khác nhau hoàn toàn, sự vụ đang bị bóp méo từ chỗ đút lót, hối lộ nhà báo sang chỗ nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Và nếu thực sự ông Phong tống tiền doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã đưa tiền cho ông Phong phải trưng ra đầy đủ các bằng chứng họ bị tống tiền. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống cũng như việc đã gài thế nhà báo như thế nào. Nhưng một khi công an không điều tra một cách nghiêm túc thì cũng khó mà minh oan cho ông Phong được.
Hiện tại, Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để "cưỡng đoạt tài sản" và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để điều tra thêm. Bởi ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động. Loạt bài đầu tiên đề đề cập đến tư dinh của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước, sân chơi thể thao...
Ngoài những nghi vấn về khả năng tài chính khổng lồ của một giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường có thể có để xây dựng biệt phủ, một vấn đề khác đáng chú ý hơn là loạt bài của ông Phong đã đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng trong khi các thủ tục này phải đòi hỏi thời gian rất lâu và đất ruộng, đất rừng theo qui định của luật nhà đất Việt Nam hiện hành là không được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đất xây dựng nếu đó không phải là công trình mang tính phúc lợi xã hội.
Đương nhiên là nhà của ông Quý, giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường là công trình tư nhân, không có bất kì chút lợi lộc nào cho cộng đồng, nếu không muốn nói nó đã lấy mất đi nhiều phần rừng và ruộng của toàn dân.
Loạt bài thứ hai của ông Phong đề cập đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Trong đó, quy mô và giá trị của dinh ông Chiêu còn lớn hơn dinh ông Quý. Tầm vóc thuộc hàng lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn rất bề thế ở tỉnh này.
Nhà báo chân chính ở đâu ?
Một nhà báo không muốn nêu tên, chia sẻ : "Cái này khó nói lắm vì người họ phục vụ đâu phải là độc giả. Bởi vì người nuôi sống họ là nhà nước và doanh nghiệp mà họ hù dọa được. Nói tóm lại là họ tồn tại dựa vào nhà nước và quảng cáo. Thành ra họ coi độc giả đâu được gram nào. Một nhà báo chân chính phải coi quyền lợi độc giả là trên hết, sự thật là trên hết vì độc giả là người nuôi mình. Như luật sư coi thân chủ là thượng đế thì nhà báo phải coi độc giả là thượng đế, phải phục vụ cho độc giả, đơn giản vậy thôi."
Câu chuyện về nhà báo Lê Duy Phong gặp nạn khi nhậu cũng là một câu chuyện đáng bàn. Mà ở đây, có hai khía cạnh cần nhắc đến, đó là nguồn sống của nhà báo và vấn đề nhà báo quan tâm nằm ở đâu ?
Ở khía cạnh nguồn sống của nhà báo phục vụ nhà nước, vị này nói rằng sẽ rất khó để tìm ra một nhà báo thực sự quan tâm đến độc giả và đối tượng viết, hay nói cách khác là quan tâm đến sự thật. Bởi nguồn sống của phóng viên nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước, họ phải phục vụ nhà nước. Bên cạnh đó, họ phải phục vụ các doanh nghiệp để lấy nguồn tiền từ quảng cáo và từ một số yếu tố mang tính chất quà cáp, biếu xén, bánh ít trao đi bánh qui trả lại.
Và ngay cả vấn đề nổi cộm mà một nhà báo lớn đề cập cũng có vấn đề nốt. Bởi hầu hết các bài viết phanh phui tài sản của các quan chức đều nằm trên lộ trình đánh đấm của các phe phái. Một nhà báo không có chỗ tựa lưng về mặt quyền lực nhà nước sẽ không bao giờ dám viết bài đụng đến quan chức nhà nước, và một tờ báo không có sự ủng hộ của phe phái chính trị thì sẽ không bao giờ dám cả gan đăng tải những bài viết đụng chạm đến giới quan chức.
Nếu có chăng, thì việc này thuộc về các tờ báo quốc tế và hải ngoại, họ không có quyền lợi liên đới trong việc phanh phui. Nhưng rất tiếc là không dễ gì có cơ hội cho một phóng viên hải ngoại hay quốc tế tham gia điều tra thông tin để viết bài dưới cơ chế nhà nước hiện tại.
việc nhà báo Lê Duy Phong đã mạnh dạn phanh phui vụ hai biệt phủ của Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường và Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái là một sự dũng cảm. Tờ Giáo Dục Việt Nam đăng tải loạt bài của anh Phong cũng là một sự dũng cảm.
Nhưng sự dũng cảm này chỉ có giá trị một khi anh Phong không nhận hối lộ từ doanh nghiệp và anh Phong bị vu khống. Cũng như sự dũng cảm của báo Giáo Dục Việt Nam chỉ có giá trị khi sau lưng nó không có thế lực chính trị hay phe phái nào ủng hộ nhằm đánh úp đối phương. Suy cho cùng, vị thế của một nhà báo trong hệ thống hơn 18000 người viết báo trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam nghe ra có nhiều vấn đề đáng buồn hơn là đáng tự hào.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Nguồn : RFA, 28/06/2017
Bị phanh phui tài sản, công an Yên Bái lập mưu bắt nhà báo (Người Việt, 25/06/2017)
Ông Nguyễn Tiến Bình, tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam, vừa khẳng định việc công an tỉnh Yên Bái bắt ông Lê Duy Phong, trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo này, là bất thường.
Tư dinh 10.000 mét vuông của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái, tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. (Hình : Báo Giáo Dục Việt Nam)
Ngày 23 Tháng Sáu, công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp thông tin và hình ảnh liên quan đến việc bắt giữ ông Phong một ngày trước đó.
Theo đó, trưa 22 Tháng Sáu, ông Phong bị bắt quả tang đang nhận 250 triệu đồng của một doanh nghiệp, tại một nhà hàng, tọa lạc ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, để im lặng, không đả động gì đến các sai phạm của doanh nghiệp này.
Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để "cưỡng đoạt tài sản" và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để điều tra thêm.
Sau khi tin vừa kể được loan báo rộng rãi, nhiều người tin rằng, ông Phong bị công an gài bẫy.
Ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động.
Loạt bài thứ nhất liên quan tới tư dinh của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước…
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, ông Phong còn chỉ ra nhiều điểm bất thường khác đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy ?
Loạt bài thứ hai liên quan đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Xét về quy mô và giá trị tư dinh của ông Chiêu còn lớn hơn tư dinh của ông Quý. Tầm vóc thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn đã rất xa hoa, bề thế ở tỉnh này.
Toàn cảnh biệt phủ hơn 13.000 mét vuông của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh này, thuộc phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. (Hình : Báo điện tử Zing)
Ngay sau khi ông Phong bị bắt, tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam nói với báo giới rằng, tờ báo này chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ công an tỉnh Yên Bái về việc bắt giữ ông Phong. Sở dĩ ông Bình biết tin ông Phong bị bắt là nhờ đọc các tờ báo khác và được thân nhân của ông Phong báo tin.
Ông Bình nói với báo Người Lao Động rằng, ông đã liên lạc với bí thư tỉnh Yên Bái, đề nghị hỗ trợ tổ chức một buổi làm việc chính thức giữa báo Giáo Dục Việt Nam và công an tỉnh để làm rõ tại sao ông Phong bị bắt.
Ông kể thêm, qua một số người biết chuyện thì ông Phong được một doanh nghiệp mời đến Yên Bái tư vấn và ông Phong không có bất kỳ thỏa thuận nào với doanh nghiệp về tiền bạc. Tại nhà hàng, doanh nghiệp chủ động bày tiền ra bàn và ngay sau đó công an ập vào. Số tiền được bày ra bàn chỉ có 50 triệu chứ không phải 250 triệu đồng như công an tỉnh cung cấp cho báo chí. Ông nhấn mạnh, việc nhận tiền như thế là trái với tính cách của ông Phong.
Ông nhận định, ông Phong đang điều tra nhiều chuyện bất thường liên quan tới một số viên chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có cả bí thư và giám đốc công an tỉnh này. Vừa qua, sau khi đăng các loạt bài điều tra về những chuyện bất thường ở Yên Bái, báo Giáo Dục Việt Nam liên tục phải tiếp khách, nhận điện thoại, đề nghị gỡ bỏ các bài đã đăng và dừng các cuộc điều tra. Tuy nhiên tờ báo này không chấp nhận.
Theo ông Bình, ông rất muốn biết tên doanh nghiệp đã đưa tiền cho ông Phong và tại sao lại đưa tiền khi báo Giáo Dục Việt Nam không nhắm vào doanh nghiệp nào tại Yên Bái. Bởi vì giám đốc công an tỉnh từng là đối tượng trong một loạt bài điều tra mà báo Giáo Dục Việt Nam mới đăng, ông Bình đề nghị Bộ Công An rút hồ sơ vụ cáo buộc ông Phong "cưỡng đoạt tài sản" về để điều tra.
Ông nhấn mạnh : "Nếu để công an tỉnh Yên Bái điều tra thì tôi e rằng sẽ không khách quan". (G.Đ)
**********************
Nhà báo bị gài bẫy sau loạt bài biệt phủ của sếp sở Yên Bái ? (VOA, 26/06/2017)
Công an tỉnh Yên Bái vừa khởi tố và bắt tạm giam một nhà báo của báo Giáo dục Việt Nam về tội danh "chiếm đoạt tài sản". Nhiều người tin rằng nhà báo đã bị gài bẫy sau khi tung ra loạt bài về biệt phủ của các giám đốc sở Yên Bái và các vấn đề đất đai trong tỉnh.
Nhà báo Lê Duy Phong (phải) khi bị công an bắt ở Yên Bái trưa ngày 22/6/2017
Tin trên báo chí Việt Nam cho hay ngày 26/6, công an thành phố Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ông Phong bị cáo buộc đã "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Báo chí nhà nước dẫn thông tin của công an thành phố Yên Bái nói ông Phong bị bắt trưa ngày 22/6 khi "đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một nhà hàng".
Phía công an cho rằng việc làm của ông Phong là "hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản" của doanh nghiệp.
Thông tin ban đầu của công an nói ông Phong đã "chiếm đoạt" 250 triệu đồng của một số doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái.
Công an thành phố Yên Bái nói trước vụ bắt giữ, họ đã nhận tin báo của một số doanh nghiệp về việc một số người tự xưng là nhà báo yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp tiền, nếu không sẽ xuất hiện các tin, bài ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt chỉ ít ngày sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài của ông phản ánh những tiêu cực đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó có nói đến các tư dinh hoành tráng của hai giám đốc Sở Công an và Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh.
Trong hai vị giám đốc, ông Phạm Sỹ Quý, đứng đầu Sở Tài nguyên-Môi trường, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Loạt bài của ông Phong đã gây rúng động dư luận, mở màn cho nhiều báo khác cũng đăng các bài về cùng đề tài, tạo sức ép dẫn đến một cuộc thanh tra về đất đai, tài sản của các quan chức tỉnh.
Liên kết những diễn biến này lại với nhau, nhiều người kể cả nhà báo và luật sư, viết trên mạng xã hội rằng họ tin có nhiều khả năng ông Phong bị gài bẫy.
Vợ ông Phong, bà Nguyễn Quỳnh Nga, khẳng định với VOA chồng bà không phạm tội :
"Tôi tin chồng tôi vô tội vì tôi tin vào thói quen và tính cách lâu nay của chồng tôi, và sự cẩn thận, cẩn trọng trong lúc làm việc của chồng tôi. Cho nên tôi tin chồng tôi vô tội".
Trang 4 bản tường trình của nữ nhân chứng về vụ bắt ông Lê Duy Phong
Ngoài lòng tin của người vợ rất hiểu chồng sau 12 năm chung sống, bà Nga đưa ra bằng chứng trên trang Facebook cá nhân là lời tường trình bằng văn bản của một nữ nhân chứng có mặt trong suốt quá trình ông Phong đi đến và bị bắt ở Yên Bái.
Theo lời bà Nga, nữ nhân chứng đề nghị chưa nêu tên là một sinh viên thực tập. Cô viết bản tường trình một cách hoàn toàn tự nguyện để bà Nga biết những gì đã xảy ra với chồng mình.
Bản tường trình dài 5 trang nói ông Phong đi ăn trưa với hai người đàn ông khác hôm 22/6, trong đó một ông tên là Hoàng Trung Thực, 57 tuổi, từng làm ở công an tỉnh Yên Bái, nay là một doanh nhân.
Đến cuối bữa ăn, theo lời kể của nữ nhân chứng, khi ông Phong "gần say rượu", ông Thực đã đến ngồi bên cạnh và cố "dúi tiền" vào túi quần ông Phong dù ông bảo "không nhận".
Bản tường trình không nói ông Thực dúi tiền vì lý do gì, nhưng nhân chứng khẳng định cô "không hề nghe hai anh bàn chuyện công việc mà chỉ nghe họ đùa vui, nói chuyện tếu táo với nhau".
Nhân chứng nói sau khi cố vài lần, ông Thực đã dúi được tiền vào túi ông Phong và ít phút sau công an "ập vào bắt".
Sau hơn 2 tiếng, công an đưa ra một biên bản về vụ bắt giữ trong đó có chi tiết doanh nhân tên Thực cáo buộc rằng trong bữa ăn, ông Phong "đe dọa nếu không đưa tiền sẽ tiếp tục viết bài". Nữ nhân chứng khẳng định "điều này là không đúng sự thật" vì cô "không hề nghe thấy anh Phong đe dọa phải đưa tiền".
Ở thời điểm này, nhân chứng đề nghị được bảo vệ thông tin nhân thân song cô sẵn sàng tham gia đối chất tại tòa.
Trong một buổi thảo luận về vụ bắt giữ này được truyền trực tiếp hôm 26/6 trên trang Facebook có tên GTV của diễn đàn Góc nhìn Báo chí-Công dân, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói lời kể của nhân chứng cho thấy ông Phong vô tội :
"Trước mắt chúng ta cứ giả định là sự thật vụ án cứ căn cứ đúng bản tường trình của nhân chứng ở đây thì rõ ràng nhà báo Duy Phong đã không phạm tội và đang có dấu hiệu bị nghi ngờ và đang bị tạm giữ một cách oan sai".
Luật sư Thu lưu ý nếu như trước cuộc gặp hôm 22/6, ông Phong đã từng nhắn tin hay nói chuyện để đe dọa, ép buộc ông Thực rồi nhận tiền, điều đó tạo ra đủ lý do để buộc tội ông. Nhưng bà Nga khẳng định trong buổi thảo luận là bà chưa bao giờ thấy chồng nhắc đến người nào tên là Thực, càng không có việc liên lạc, gọi điện, nhắn tin qua lại với người tên Thực.
Không phủ nhận thực trạng có một số ít nhà báo dọa dẫm doanh nghiệp để vòi tiền, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa nói với VOA ông thiên về hướng ông Phong bị "trả đũa" :
"Tôi nhận định có cái gì đó bất bình thường trong chuyện này. Cho nên tôi nghiêng về khả năng đây là sự gài bẫy là nhiều hơn. Tôi lại ít nghĩ đến khả năng là phóng viên Phong này có vấn đề tiêu cực, đi tống tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp".
Sau khi ông Phong bị bắt, trao đổi với báo chí trong nước hôm 26/6, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam, nói ông sẽ "chính thức đề nghị" Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin–Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam gửi văn bản đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận vụ này "để đảm bảo tính khách quan".
Nhiều luật sư đồng ý với quan điểm này. Họ viết trên mạng xã hội rằng việc công an ở Yên Bái bắt và khởi tố một nhà báo từng phanh phui các tiêu cực trong tỉnh có thể là sự xung đột lợi ích.
Vị Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam cho hay báo đã thuê các luật sư để bào chữa cho ông Phong. Ngoài ra, có nhiều luật sư cũng tình nguyện tham gia bảo vệ ông.
Với kinh nghiệm hai nhiệm kỳ là thành viên Hội thẩm Nhân dân, ông Võ Văn Tạo nhận định :
"Cần phải có những luật sư giỏi, tâm huyết vào cãi cho vụ này, bảo vệ quyền lợi cho anh phóng viên này. Bởi vì người ta vẫn nói ‘cái dù nó che cái cán’. Bộ Công an với công an tỉnh cũng là cấp trên cấp dưới thôi. Tôi biết qua những năm tôi làm bên tòa án, trong hội thẩm nhân dân, thì chuyện quen biết, gửi gắm nhau bao che lẫn nhau là có. Nó khá phổ biến đấy".
Một số nhà báo không lạc quan về khả năng ông Lê Duy Phong sẽ thoát tội. Dẫn ra một số vụ bắt bớ nhà báo hay công an đánh nhà báo trong những năm gần đây, họ viết trên mạng xã hội rằng lại xảy ra "cuộc chiến" trong đó các nhà báo cầm chắc phần thua.
****************
Ông Lê Duy Phong hiện đang giữ chức Trưởng ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam.
Ông bị truy tố theo Điều 280 Bộ luật Hình sự và bị tạm giam bốn tháng.
Hôm 22/6, tại nhà hàng Oanh Hiện, Thành phố Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Yên Bái "bắt quả tang ông Lê Duy Phong đang có hành vi nhận tiền của một doanh nghiệp trên địa bàn", theo truyền thông Việt Nam.
"Theo Công an tỉnh Yên Bái, ngoài vụ lấy 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, ông Lê Duy Phong còn lấy tiền của nhiều cá nhân khác", báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/6 tường thuật.
"Theo lời khai ban đầu, ông Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn".
"Về một số thông tin cho rằng Công an thành phố Yên Bái "gài bẫy" để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, Cơ quan điều tra làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng", báo này tường thuật.
Hôm 26/6, BBC gọi điện cho ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử Giáo Dục Việt Nam nhưng ông nói "Tôi đang bận" rồi cúp máy.
Trước đó, ông Bình được báo Người Lao Động dẫn lời : "Ông Lê Duy Phong là người trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Những việc này đều có căn cứ và báo sẽ không gỡ bài".
Cùng ngày, một cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đề nghị ẩn danh nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh : "Tôi tin rằng trong vụ của nhà báo Lê Duy Phong còn nhiều vấn đề liên quan khác chứ không đơn thuần là vụ việc đang được Công an tỉnh Yên Bái trả lời chung chung là "đang điều tra" như trên báo chí".
"Theo tôi, ông Phong nên giữ quyền im lặng trong khi chờ luật sư".
"Lẽ ra phải đưa vụ án về Bộ Công an vì để Công an Yên Bái xét hỏi Duy Phong sau khi ông viết bài về dinh thự của giám đốc Công an tỉnh là không ổn".
"Theo kinh nghiệm tác nghiệp của tôi, phóng viên khi đi viết bài chống tiêu cực ở các địa phương thì có chứng cứ trong tay mới đi hỏi chính quyền".
"Khi hỏi xong thì phóng viên phải rời khỏi tỉnh đó ngay để tránh những hệ lụy".
Ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam được báo Người Lao Động hôm 26/6 dẫn lời : "Hội Nhà báo đang tiếp nhận thông tin, yêu cầu báo cáo. Trên cơ sở đó Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những động thái phù hợp".
Nhà báo Huy Đức viết trên mạng xã hội : "Tôi ít đọc báo Giáo Dục Việt Nam và không biết ông Duy Phong là ai nhưng khi ông ấy bị bắt tôi có đề nghị "Duy Phong vẫn nên được các đồng nghiệp suy đoán vô tội".
"Nếu chúng ta nghĩ cứ ông Duy Phong bị bắt là có tội thì rất định kiến".
"Hãy tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn, đặc biệt với nhân chứng trực tiếp này, để thấy ông bị bẫy, bị "bạn học cũ phản" hay ông tống tiền người khác".
*********************
Công an Lai Châu phủ nhận tin trên Facebook (RFA, 26/06/2017)
Tin tức về 7 công an tỉnh Lai Châu bị bắn chết trong lúc làm nhiệm vụ được đăng tải trên mạng xã hội Facebook là bịa đặt, sai sự thật.
Hình chụp trang web Công an Tỉnh Lai Châu. Screen capture
Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Thiếu tướng Lê Văn Bảy khẳng định với báo giới trong nước như vừa nêu vào hôm thứ Hai, ngày 26/6/2017.
Thiếu tướng Lê Văn Bảy còn lên tiếng bác bỏ những đăng tải trên Facebook rằng "Lai Châu có biến lớn" và vụ việc 7 công an bị bắn chết vào dịp có kế hoạch giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ tư dự kiến diễn ra ở Lai Châu - Việt Nam và Vân Nam - Trung Quốc từ ngày 20 đến 22 tháng 6 nhưng sau đó bị hủy.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam không loan tin gì về việc tướng Phạm Trường Long, phó Quân ủy Trung ương, Trung Quốc rút ngắn chuyến thăm Việt Nam và đồng chủ trì giao lưu quốc phòng biên giới Việt- Trung lần thứ tư.
Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu vào ngày 16 tháng 6 nói Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung bị tạm hoãn vì Trưởng phái đoàn Trung Quốc có việc đột xuất nên không thể tham gia với tư cách đồng chủ trì.
Tân Hoa Xã vào tuần qua loan tin cho biết ông Phạm Trường Long khi gặp các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 nói rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại.
Sau đó cơ quan truyền thông này cũng nói chuyến thăm của ông Phạm Trường Long sang Hà Nội bị rút ngắn do lịch làm việc.