Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao Tập Cận Bình bỗng lo lắng về an ninh lương thực của Trung Quốc ?

Bắc Kinh hiện đang đảo ngược chính sách để có nhiều trang trại hơn rừng cây.

tap1

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm gián đoạn thị trường ngô toàn cầu buộc Tập Cận Bình phải nghĩ tới khả năng tự cung tự cấp lương thực, cũng quan trọng như khả năng tự cung tự cấp về công nghệ. (Nikkei / Getty và Yusuke Hinata)

"Thối lâm hoàn canh" (Trả lại đất rừng để canh tác) là một khẩu hiệu thịnh hành trên mạng internet Trung Quốc dạo gần đây. Các video clip về công viên và rừng bị biến thành đất nông nghiệp đang lan truyền một cách chóng mặt.

Đối với những người biết đến quá khứ gần đây của Trung Quốc, đó là một thực tế bị đảo ngược. Chính sách cơ bản của chính phủ trong hai thập niên qua là hoàn toàn ngược lại : "Thối canh hoàn lâm" (Biến đất canh tác thành rừng).

Vào thập niên 1990, học giả người Mỹ Lester Brown đã đăng một bài trên tạp chí World Watch với tiêu đề Who Will Feed China ? (Ai sẽ nuôi Trung Quốc ?) bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu lương thực ở nước này.

Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng, cố gắng nâng cao tỷ lệ tự túc lương thực của đất nước. Một chiến dịch nhằm tăng mạnh sản lượng lương thực đã được triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng lúc bấy giờ là Lý Bằng.

Tuy nhiên, đến năm 1998, khi nhà cải cách Chu Dung Cơ lên làm thủ tướng, tình hình đã thay đổi.

Do những phản ứng thái quá trước lời cảnh báo của Brown, Trung Quốc đã tăng sản lượng nông nghiệp hơn mức cần thiết và dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Vì thế, chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển sang chính sách mới là "Thối canh hoàn lâm".

Vấn đề môi trường cũng liên quan, bởi khi đó Trung Quốc cần ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa.

Chính sách này cũng là một phần trong loạt chính sách công nghiệp và xã hội nhằm di chuyển người dân từ các làng nông nghiệp quá tải dân cư trong nội địa đến các khu công nghiệp rộng lớn nằm gần các thành phố ven biển.

tap2

Một chiến dịch biến đất canh tác kém hiệu quả thành rừng đã bắt đầu vào khoảng năm 2000 ở các vùng đất phía tây Trung Quốc : Những người lính đào hố trồng cây trên sườn núi, ngoại ô Lan Châu, tỉnh Cam Túc, vào năm 2000.

"Thối canh hoàn lâm" sau đó được đẩy mạnh dưới thời Tập Cận Bình, người chủ trương biến chiến dịch phát triển xanh này thành một dấu hiệu tiêu biểu cho thời đại của ông. Việc nhấn mạnh vào môi trường cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Nhưng tất cả đã thay đổi trong những tháng gần đây. Như chính lời Tập, thế giới đang chứng kiến "những thay đổi lớn chưa từng có trong một thế kỷ".

Các học giả và trí thức Trung Quốc đã viết trên mạng xã hội rằng việc chuyển hướng sang tự sản xuất lương thực đã được kích hoạt bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine và liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo nhằm chống lại Trung Quốc. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một nỗ lực của 14 quốc gia thành viên nhằm xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng đang khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải bận tâm.

Vấn đề lớn nhất là chiến tranh Ukraine. Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào lượng bắp ngô nhập khẩu từ cường quốc nông nghiệp Ukraine. Cùng với gạo và lúa mì, ngô là một trong ba loại ngũ cốc chính, và nó không chỉ là lương thực cho người, mà còn là thức ăn cho chăn nuôi. Ở Trung Quốc, ngô nhập khẩu được sử dụng rộng rãi để chăn nuôi lợn.

Ukraine từng chiếm hơn 80% tổng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng lượng nhập khẩu từ Mỹ cũng đã tăng mạnh, theo một thỏa thuận đạt được với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 70% lượng ngô từ Mỹ và 30% từ Ukraine. Năm đó, nhập khẩu đã đáp ứng hơn 10% nhu cầu ngô của Trung Quốc, nhưng con số này đang tăng lên.

tap3

Một người bán thịt đang xẻ thịt lợn tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ngô nhập khẩu được sử dụng rộng rãi để làm thức ăn chăn nuôi lợn ở Trung Quốc. © Reuters

Ngoài ra, người Trung Quốc cũng thích ăn hạt hướng dương. Một lượng đáng kể hạt hướng dương đã được nhập khẩu vào Trung Quốc từ Ukraine, được dùng cả để chiết xuất dầu. Cánh đồng hướng dương của Ukraine đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc nhờ bộ phim Sunflower (Hoa hướng dương), công chiếu năm 1970, do Sophia Loren đóng vai chính, và là bộ phim phương Tây đầu tiên được quay ở Liên Xô.

Theo truyền thông địa phương, tổng lượng nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 27%.

Đó là một đòn đánh gấp ba vào các nhà nhập khẩu. Một số hợp đồng của Mỹ hết hạn vào năm 2022. Nhập khẩu từ Ukraine giảm mạnh do cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Tệ hơn, giá ngũ cốc quốc tế đã tăng hơn gấp đôi.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.

Đồng thời, họ cũng từ bỏ việc trồng đậu nành, loại nông sản mà họ không còn có thể sản xuất với mức giá cạnh tranh. Trung Quốc hiện dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 85% tổng nhu cầu đậu nành của mình, và Mỹ cũng là nhà cung cấp hàng đầu.

Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tự túc lương thực của họ đủ cao. Nhưng lại có một vấn đề khác nảy sinh : Khi người dân Trung Quốc kiếm được nhiều tiền hơn, chế độ ăn uống của họ dần bị Tây hóa và lượng thịt nhập khẩu đã tăng vọt.

tap4

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima vào ngày 21/5.

Quay trở lại với ngô. Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, ba nguồn nhập khẩu ngô lớn nhất của nước này trong quý đầu tiên của năm nay lần lượt là Mỹ, Brazil, và Ukraine.

Gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đến Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7, nhưng họ không gặp nhau.

Ngoài quan điểm khác biệt về cuộc chiến Ukraine, hai nước còn là đối thủ trên cương vị những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới.

Quyết định tăng sản lượng lương thực của Trung Quốc bắt đầu hiện rõ vào tháng 3, khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường trình bày báo cáo công tác của chính phủ tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc. Lý tuyên bố rằng nếu có thể đảm bảo diện tích đất canh tác, Trung Quốc sẽ tăng năng lực sản xuất ngũ cốc lên 50 triệu tấn.

Để làm được điều đó, nhiều khu rừng mới sẽ phải được khai hoang làm đất canh tác.

Tìm kiếm nông dân lại là một vấn đề khác, và nó đã dẫn đến chính sách đưa những người trẻ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến các làng nông nghiệp, một sự đảo ngược của cuộc di cư diễn ra vào đầu thế kỷ 21.

Những nỗ lực này đang được tiến hành và diện tích đất nông nghiệp đang tăng nhanh trên khắp Trung Quốc.

tap5

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Thái Kỳ (trái) tham quan cánh đồng lúa mì ở tỉnh Hà Bắc vào ngày 11/05. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV)

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Tập Cận Bình từng trải qua bảy năm thời thiếu niên ở tỉnh Thiểm Tây, miền tây Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông trở thành quan chức hàng đầu của huyện Chính Định, một vùng nông thôn ở tỉnh Hà Bắc.

Tập hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa mì và ngô. Khi là quan chức hàng đầu của Chính Định vào năm 1985, ông đã chọn tiểu bang Iowa, vựa lúa mì của Mỹ, làm điểm đến cho chuyến thị sát nước ngoài đầu tiên của mình.

Ngày 11/05 vừa qua, Tập đã thị sát một cánh đồng lúa mì ở Hà Bắc, gần Bắc Kinh. Ông được tháp tùng bởi Thái Kỳ, một trong bảy thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng.

Thái hiện giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia. Chuyến thị sát cánh đồng lúa mì Hà Bắc của Tập và Thái đã phản ánh ưu tiên mà Tập dành cho an ninh lương thực.

Xét cho cùng, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về lương thực – và tình trạng này không thể thay đổi trong một sớm một chiều, ngay cả khi Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa việc khai hoang rừng làm đất nông nghiệp và tăng sản lượng ngũ cốc.

Tập thường nói về sự sẵn sàng chiến đấu. Nhưng nếu căng thẳng bùng phát ở Eo biển Đài Loan, liệu Trung Quốc có sẵn sàng chiến đấu ? Liệu họ có thể đảm bảo đủ lương thực để duy trì lực lượng suốt cuộc chiến trường kỳ hay không ? Nguyên nhân lớn nhất khiến Tập Cận Bình lo ngại có thể sẽ còn kéo dài.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "For Xi, China’s diet is too dependent on U.S., Ukraine", Nikkei Asia, 01/06/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/06/2023

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Additional Info

  • Author Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Mạng xã hội : Dân tin, đảng lo ! (RFA, 15/06/2017)

Ngày nay tình trạng bất công, nhất là về đất đai, được phơi bày cho công luận thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube.

mang1

Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 12/4/2016.  AFP photo

Vì sao mạng xã hội lại trở thành công cụ chính giúp truyền tải thông tin các vụ dân oan đất đai, bất công xã hội, và rồi tương lai của mạng xã hội sẽ ra sao khi chính phủ Hà Nội ngày càng thắt chặt quyền tự do Internet của người dân ?

Niềm hy vọng của dân oan

Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, hàng loạt các vụ cưỡng chế đất được nhanh chóng đăng tải trên các trang mạng xã hôi. Điển hình như những vụ việc tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và vụ gây chấn động dư luận là việc người dân bắt giữ 38 cán bộ huyện, và cảnh sát cơ động vào giữa tháng 4 vừa qua sau khi người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội cho rằng bị lừa bởi chính quyền địa phương bắt dân khi mời đến làm rõ ranh giới đất tranh chấp.

Nhà hoạt động Lê Dũng Vova, một người thường xuyên đăng tải các vụ người dân kêu oan về đất đai trên trang cá nhân, nói với chúng tôi rằng sở dĩ mạng xã hội hiện nay được người dân quan tâm hơn là do nó phản ảnh đúng sự thật, trong khi đài báo của Nhà nước không đưa tin khách quan hoặc né tránh về những vụ việc liên quan đến đất đai hay khiếu nại của người dân :

Vai trò của mạng xã hội rất quan trọng là vì trên đó người ta truyền tải tất cả các thông tin khách quan, đầy đủ để người xem nắm được sự việc và những bất cập trong vấn đề đất đai. Chẳng hạn như vụ việc hàng trăm bà con ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đi khiếu nại quanh năm ở khu Trụ sở Tiếp dân Trung ương. Có người đi cả chục lần, có người đi cả chục năm. Trong khi đó báo chí nhà nước không hề đăng tải tin tức về các sự việc đó. Các vụ cưỡng chế đất đai họ cũng không đưa tin, thậm chí họ còn cấm cả nhà báo.

Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động vì đất đai cho dân oan hiện đang bị bắt giam, chia sẻ với chúng tôi về vai trò của mạng xã hội trong những vụ liên quan đến đất đai ngay tại địa phương nơi anh sống :

Tại Dương Nội, trong vòng khoảng 3 năm qua người dân Dương Nội cũng đang tận dụng tính năng ưu việt của Facebook để đưa các thông tin và tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội lên công luận và đã được dư luận thấu hiểu những tội ác đang diễn ra tại nơi đây. Từ đó tạo được sư quan tâm rất lớn từ công luận cả trong nước và quốc tế.

Trong khi đó một khảo sát năm 2015 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho thấy ¼ số người được hỏi nói rằng họ lo lắng về các vụ tranh chấp đất đai và phân nửa nói rằng họ không được ai giúp đỡ giải quyết những tranh chấp này.

Còn theo báo cáo năm 2016 của Bộ Tài nguyên Môi trường, Việt Nam có tỷ lệ khiếu kiện đất đai 70% trong tổng số đơn từ khiếu nại nói chung.

Từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng vai trò lớn nhất của mạng xã hội trong các vụ bê bối đất đai là tạo áp lực cho nhà cầm quyền. Ông nói :

Truyền thông mạng nêu lên nhiều việc tạo áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải lắng nghe, thay đổi. Ngay trong câu chuyện Đồng Tâm, tác động của mạng xã hội với chính quyền là rất lớn.

Vụ việc ở Đồng Tâm cũng thu được những phản ứng nhất định của nhà cầm quyền. Theo đó sau khi người dân giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát, đến ngày 21/4, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung phải về tận thôn Hoành xã Đồng Tâm để đối thoại theo yêu cầu của người dân. Đây được cho là kết quả sau nhiều ngày công luận xôn xao trên các trang mạng xã hội về vụ việc này.

Lo sợ tương lai bị đàn áp

Social Media Icons

Biểu tượng mạng xã hội trên iPhone. AFP photo

Không chỉ riêng các vụ cưỡng chế đất đai mà hầu hết những sự việc truyền thông trong nước né tránh chẳng hạn như các nhà hoạt động bị hành hung, biểu tình phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh,…đều được phơi bày trên các trang mạng xã hội.

Chính vì vậy mà nửa đầu năm nay, chính phủ Hà Nội liên tục có các hành động thắt chặt thông tin trên mạng xã hội.

Một số người quan tâm đến các vụ đất đai lo ngại rằng một ngày các thông tin về cưỡng chế đất đai, dân khiếu nại, kêu oan cũng bị Nhà nước xếp vào hàng độc hại, gây mất trật tự công cộng và sẽ bị Facebook cấm cản.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Lê Dũng Vova nói rằng đó là điều bất khả thi :

Việt Nam không thể yêu cầu các nhà mạng như Facebook những yêu cầu không đúng với chuẩn mực luật pháp của các quốc gia đang sở hữu và quản lý các trang mạng đó. Đối với Việt Nam nó là độc hại, nhưng các nhà mạng họ yêu cầu phải đưa ra chuẩn mực thế nào là độc hại, là sai. Cho nên tôi nghĩ là không phải yêu cầu nào của Việt Nam cũng được các nhà mạng đáp ứng hết đâu.

Đầu năm nay Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu các công ty lớn gây áp lực các hãng như Facebook, Google, Youtube, phải xóa bỏ các thông tin mà Việt Nam cho là "độc hại". Người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông của Việt Nam hồi tháng 4 đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc về vấn đề này.

Vấn đề ngăn chặn thông tin xấu, gây mất trật tự công cộng cũng được Chính phủ Hà Nội liên tục nhắc đến trong các cuộc họp gần đây, điển hình như tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, diễn ra hôm7/6.

Anh Trịnh Bá Phương cho rằng đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhà cầm quyền đang chuẩn bị một chiến dịch đàn áp tiếng nói của người dân trên mạng xã hội về các thông tin họ cho là xấu, trong đó có cả các vụ đất đai. Anh cho biết chính bản thân anh cũng là nạn nhân của sự đàn áp này khi đăng tải những thông tin liên quan đến tranh chấp đất đai :

Tôi thấy có thể trong tương lai họ sẽ ban hành những chính sách để đàn áp người sử dụng mạng xã hội. Ngay bản thân tôi đầu năm 2016 cũng bị công an Hà Nội gửi giấy triệu tập đến 3 lần về việc liên quan đến tài khoản Facebook của tôi. Đến nay họ đã tổ chức các nhóm hacker để hack Facebook của tôi nhiều lần.

Không chỉ riêng anh Phương mà còn nhiều nhân vật khác cũng từng bị công an triệu tập liên quan đến tài khoản Facebook của họ như nhà hoạt động Lê Dũng Vova, luật sư Võ An Đôn,…

Tháng sáu, năm 2017, chính phủ Việt Nam ra một dự thảo nghị định, dự trù có hiệu lực từ năm 2018, về việc phạt hành chính đối với những hành vi bôi bác cá nhân, cung cấp thông tin không chính xác trên mạng xã hội.

Cũng trong tháng sáu, trang mạng của Chính phủ Việt Nam đưa tin Bộ công an Việt Nam đang soạn thảo một dự luật an ninh mạng. Nhiều ý kiến lo ngại dự luật này sẽ tăng cường đàn áp các tiếng nói trên mạng xã hội và có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.

Thống kê cho thấy năm 2015, Việt Nam có 45,5 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 trên thế giới về số người sử dụng và đứng 4 trên thế giới về thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.

*******************

An ninh lương thực tại Việt Nam được đảm bảo ? (RFA, 15/06/2017)

mang3

Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa).  AFP

Dư luận lo ngại về tình hình an ninh lương thực tại Việt Nam có được đảm bảo khi các ngành nông lâm thủy hải sản của quốc gia này đang đối mặt với những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và thảm họa môi trường biển bởi Formosa gây nên.

Hậu quả bởi thiên tai lẫn nhân tai

Đợt hạn hán xảy ra ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hồi năm 2016, được xem là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ước tính có khoảng 160 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại và xấp xỉ 800 ngàn tấn lúa bị mất trắng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử.

Tại Tây Nguyên, lượng nước của các ao hồ, công trình thủy lợi bị khô cạn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngành nông nghiệp ở khu vực này trong năm vừa qua.

Bên cạnh đó, hai đợt lũ cuối tháng 11 và trung tuần tháng 12 năm 2016 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây ra thiệt hại khoảng 2.600 tỷ đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước tính hơn 18 ngàn tỷ đồng.

Mới đây nhất, báo cáo của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho thấy giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm 2016 giảm gần 2% so với mức trung bình của giai đoạn 2013 đến 2016. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại buổi chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV rằng trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 so với giai đoạn 2000-2005 giảm khoảng 14%, trong đó nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và thảm họa môi trường biển ở bốn tỉnh Bắc miền Trung bởi Formosa gây nên.

Trong bối cảnh các ngành nông lâm thủy hải sản của Việt Nam đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai lẫn nhân tai, chúng tôi nêu vấn đề về an ninh lương thực tại Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, và được ông cho biết :

"Việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam. Riêng về an ninh lương thực thì tôi nghĩ trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ còn có thể được duy trì. Nhưng trong tương lai lâu dài với mức độ gia tăng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tính toán các biện pháp thích hợp để bảo đảm an ninh lương thực".

Làm gì để an toàn lương thực ?

Các biện pháp thích hợp mà Chính phủ Hà Nội cần cân nhắc để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia là chú trọng đến nông nghiệp, một lợi thế mạnh của Việt Nam, trong đó lúa gạo là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, theo như nhận định của Tiến sĩ Dương Văn Ni, một nhà khoa học thuộc Đại học Cần Thơ :

mang4

Các nông dân đang phơi lúa tại khu vực ngoại thành Hà Nội, hôm 26/5/2017 (Ảnh minh họa). AFP

"Đối với nhà nước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được xem là quan trọng số một. Do đó, khi bàn về kế hoạch sử dụng đất bao giờ an ninh lương thực cũng được đưa lên tiêu chí hàng đầu. Đó là lý do để Nhà nước phải giữ một diện tích trồng lúa nhất định. Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan tới cây lúa thì Nhà nước luôn luôn có những chính sách can thiệp".

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phương thức canh tác truyền thống của Việt Nam là một thách thức không nhỏ đối với chính sách cải tạo nông nghiệp trong thời gian tới. Bà Phạm Chi Lan phân tích :

"Bây giờ với điều kiện biến đổi khí hậu cộng với việc tác động của con sông Mekong chảy từ Trung Quốc, qua Trung Quốc qua Lào, họ làm quá nhiều đập thủy điện, các nước đầu nguồn sử dụng nguồn nước và làm ảnh hưởng tới phía dưới, cũng như là các vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ. Lúc này tôi cho là phải xem xét lại toàn diện cách thức làm nông nghiệp ở Việt Nam nhất và vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Là người người trực tiếp tham gia biên soạn Báo cáo Việt Nam 2035, công trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và chính phủ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho biết trong báo cáo nêu rõ Việt Nam cần phát triển nông nghiệp theo cách hiện đại hóa và thương mại hóa tổ chức sản xuất nông nghiệp. Điều này hàm ý  Chính phủ cần thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống và thương mại hóa phải dựa trên yêu cầu và các tiêu chí thị trường để quyết định hướng sản xuất. Bà Phạm Chi Lan khẳng định quá trình chuyển đổi cần có thời gian nghiên cứu.

Riêng trong lãnh vực nuôi trồng thủy hải sản, sau khi Công ty Hưng nghiệp Formosa xả thải có độc tố ra khu vực biển Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 năm 2016 cho đến nay, hiện tượng cá nuôi lồng bè bị chết xảy ra ở các tỉnh địa phương, nơi bị tác hại bởi thảm họa Formosa. Những nhà khoa học lên tiếng hậu quả của thảm họa môi trường biển miền Trung sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đã khẳng định với RFA nguồn tài nguyên biển phải mất hàng chục năm mới hồi phục :

"Những sự cố sinh thái này thông thường giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, không lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi, nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tỏ ra lạc quan khi ông cho rằng Việt Nam có thể biến nguy thành cơ một cách sáng tạo trong điều kiện bất lợi hiện tại để vẫn duy trì sản lượng thủy sản và an ninh lương thực không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề phải thực thi rốt ráo những phương kế mà giới khoa học, chuyên gia đề ra cũng như tiến hành cải cách sâu rộng từ thể chế đến quản trị.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Published in Việt Nam