Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có tín hiệu từ Việt Nam cho thấy dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay 3 Đặc khu Vân Đồn (tỉnh Qủang Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã âm thầm tự chết.

amtham1

Khu Kinh tế Vân Phong - Ảnh minh họa

Sau đây là những chỉ dấu :

Thứ nhất, dự Luật này không có trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 26 của Ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 8/8 đến ngày 13/08/2018. Thường vụ Quốc hội cũng không có kế hoạch tái xét trong hai kỳ họp tháng 9 và tháng 10 (Sài Gòn Giải phóng, ngày 04/08/2018).

Theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp này các luật : Luật Giáo dục (sửa đổi) ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ; Luật Chăn nuôi ; Luật Trồng trọt ; Luật Công an nhân dân (sửa đổi) ; Luật Đặc xá (sửa đổi) ; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ; Luật Kiến trúc.

Báo SGGP viết :

"Được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt "đang được cân nhắc lại". Việc tiếp tục xem xét dự án luật này, theo Tổng thư ký Quốc hội, còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri một cách rất thận trọng".

Khi quyết định hoãn bỏ phiếu, Quốc hội nói là :

"Để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng".

Nhưng từ khi Quốc hội chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin lùi thảo luận và bỏ phiếu Luật Đặc khu, dự trù ngày 15/06/2018 tại kỳ họp 5 đến kỳ họp 6 tháng 10/2018, thì chưa thấy Chính phủ hay Quốc hội tổ chức bất kỳ cuộc Hội thảo hay thăm dò ý dân nào về Luật Đặc khu. Nếu có cũng chỉ trao đổi lẻ tẻ giữa cử tri và Đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc hạn chế ở địa phương.

Do đó, thật khó biết điều mà ông Nguyễn Hạnh Phúc nói phải chờ có "kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân" rồi mới có quyết định là căn cứ vào cách tiếp thu nào, hoặc đến bao giờ thì có quyết định mới về Luật Đặc khu ?

Đáng chú ý là quyêt định không thảo luận Luật Đặc khu tại Ban Thường vụ Quốc hội kỳ này (26) xẩy ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phút đã quy định vào ngày 2/8/2018, chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư "phối hợp chuẩn bị Báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" (Đặc khu).

Như vậy, nếu trong liên tiếp 3 tháng (8, 9 và 10) mà Thường vụ Quốc hội vẫn không có nghị trình thảo luận thì xem như Luật Đặc khu đã bị ngâm tôm đến hết năm 2018 để tự chết.

Thứ hai, dư luận trong dân, báo chí và cả Quốc hội đã nguội dần về chuyện Đặc khu. Thảng hoặc đó đây cũng có những lời của giới chuyên gia khuyên Chính phủ nên bỏ Dự luật đặc khu vì lỗi thời, tốn phí và và không bảo đảm thành công. Tuy nhiên, ai cũng quan ngại đến tham vọng chính trị của láng giềng khó tin Trung Quốc luôn luôn muốn nhảy vào chiếm ưu thế tại 3 Đặc khu.

Thứ ba, tuy bây giờ nhà nước tạmđược hưởng những giây phút gió lặng, biển êm để xử phạt, hay trừng phạt những người dân biểu tình chống Đặc khu mà nghĩ mình sẽ mãi mãi ở thế thượng phong. Ảnh hưởng của các cuộc biểu tình bất bạo động và bạo động ở Bình Thuận vẫn còn âm ỷ trong nhân dân. Một làn sóng bất mãn ngầm đã xuất hiện trong quần chúng, nhưng đám Giặc Cờ Đỏ Có tên chính thức là "Liên Minh Cờ Đỏ", do Công an tổ chức chống phá và khủng bố dân chống đảng đàn áp, đã tàn lụi.

Chúng đã bị nhân dân nhận diện từ sau buổi ra mắt ngày 29/10/2017 ở xã Sơn Hải, gần Giáo Họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc, thuộc huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Với chiêu bài "Bảo vệ an ninh Tổ quốc", cuộc phô trương lực lượng của lối 700 người, đa phần là thanh niên, thanh nữ là nhằm chống lại các cuộc tuần hành đòi bồi thường và đòi tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam của người dân, đa phần là giáo dân Công giáo ở Nghệ An. Họ là một bộ phận nạn nhân của thảm họa cá chết và làm biển ô nhiễm do Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra cho 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị và Thừa Thiên-Huế hồi tháng 4/2016.

Do đó, bất cứ động thái nào mới của đảng nhằm làm sống lại Luật Đặc khu có lợi cho Trung Quốc cũng chỉ làm cháy bùng lên ngọn lửa tranh đấu của nhân dân.

Những quan tâm

Vì vậy mà chuyên gia Kinh tế bà Phạm Chi Lan đã nói với BBC tiếng Việt ngày 03/08/2018 : "Tốt nhất là nên bỏ Luật Đặc khu". Bà cũng "hy vọng vẫn còn có những tiếng nói thuyết phục nhà nước về việc không cần thiết phải có đặc khu kinh tế".

Trong khi đó Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng :

"Xét từ góc độ thí điểm thể chế thì việc thiết kế trong dự luật đã không thành công. Xét từ góc độ kinh tế, luật đặc khu là một lựa chọn chính sách sai lầm. Vậy thì chúng ta vội thông qua dự luật về các đặc khu để làm gì ?".

Ông Dũng đặt câu hỏi :

"Luật về đặc khu để làm gì ? Nếu để thúc đẩy kinh tế phát triển thì các nguồn lực khan hiếm của đất nước cần phải đầu tư vào đâu để thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất ? Câu trả lời không thể tranh cãi là phải đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chắc chắn không phải là vào những nơi nằm xa các trung tâm kinh tế, cơ sở hạ tầng vật chất, nơi kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội chưa phát triển như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Xét từ góc độ kinh tế, luật đặc khu là một lựa chọn chính sách sai lầm" (Một Thế Giới, ngày 08/06/2018).

Vốn đâu ra ?

Ngoài quan tâm về chính trị-kinh tế và quốc phòng trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc, nhiều bài báo trong nước còn đặt vấn đề tìm đâu ra vốn đầu tư. Theo một bài viết trên VOV (Voice of Vietnam, Tiếng nói Việt Nam, ngày 11/05/2018) thì :

"Theo Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, cơ cấu của 1.570.000 tỷ đồng để làm đặc khu như sau : 270.000 tỷ dành cho đặc khu Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030, trong đó tỷ lệ vốn trong nước và nước ngoài là 50 - 50 ; 400.000 tỷ dành cho đặc khu Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019 - 2025 ; 900.000 tỷ trong giai đoạn 2016 - 2030 để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu sầm uất, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, vốn nước ngoài khoảng 41%".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, con số hơn 1 triệu tỷ đồng nói trên là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu và ngân sách chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Hiện tại, Vân Đồn đề xuất ngân sách hỗ trợ 10%, Phú Quốc 19%, Bắc Vân Phong hơn 30% và các đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét, chứ chưa "chốt".

"Trước con số này", VOV viết tiếp, "Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn : Vốn đầu tư công trung hạn 5 năm chỉ đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Vậy ngân sách lấy ở đâu ra số tiền lớn để làm 3 đặc khu ? Thành lập 3 đặc khu kinh tế là để thu hút nguồn lực, tạo động lực hình thành 3 đầu tàu, lôi kéo nền kinh tế đất nước chứ không phải để tiêu tiền".

Cần ba Đặc khu để làm gì ?

Nhưng tại sao Bộ Chính trị lại ráo riết thúc đẩy thành lập 3 Đặc khu làm gì trong khi Việt Nam đã có tới 362 khu kinh tế ? Thắc mắc này chưa ai trả lời được, nhưng khi 3 vị trí chiến lược quốc phòng xuất hiện trong đề nghị gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì nhiều chuyên gia, trí thức và cựu tướng lãnh trong quân đội bắt đầu quan ngại cho an ninh quôc gia.

Tiêu biểu như Thượng tướng Nguyễn Văn Được — Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã nói tại Quốc hội :

"Làm kinh tế dứt khoát phải làm nhưng không phải bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện của ta thì cả ba khu này đều nhạy cảm. Vân Đồn giáp với phía Bắc ; Bắc Vân Phong giáp biển Đông và Phú Quốc là sát với Campuchia nhưng hiện vùng này Trung Quốc đã nhảy vào rồi".

Do đó, tướng Được nghi vấn :

"70 năm, 99 năm họ vào đó làm gì ? Ta đâu thể biết hết vì đã lọt vào rồi. Đà Nẵng, Ninh Thuận chưa có đặc khu kinh tế nhưng Trung Quốc đã đưa tiền cho người dân để dân mua đất cho họ. Nếu biển Đông có phức tạp và phía Tây cũng phức tạp thì tình hình rất nguy" (Một Thế Giới, 08/06/2018).

Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam, do Tổng bí thư thân Tầu, ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, đã hối thúc thành lập 3 Đặc khu tại phiên họp ngày 17/03/2017. Sau đó Kết luận số 21-TB/TW gồm 6 điểm được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký tên ban hành ngày 22/03/2017, quy định "về các đề án xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệtVân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)".

Nguyên văn 3 điểm quan trọng gồm :

1. Đề án xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể, rõ ràng, Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị đề án. Đây là chủ trướng lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

2. Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt : Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhắm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đầy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính – kinnh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định.

3. Đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ; giao Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên là đại diện các bộ, ngành, các địa phương có đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và các chuyên gia tham gia.

Nhưng Việt Nam đã từng thất bại khi làm Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là "đặc khu" đầu tiên ra đời năm 1979 nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.

Sau đó, trong giai đoạn Đổi Mới thì Việt Nam lại ra đời các khu gọi là "kinh tế mở" ở các tỉnh miền Trung như Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng nhưng cũng vẫn không tạo được sức đột phá cần thiết.

Cho đến nay, theo tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Việt Nam :

"Có 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập. Các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động ; đồng thời, khi triển khai các dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng tạo điều kiện để quản lý tốt hơn về môi trường và công nghệ".

Tuy nhiên, theo tài liệu phổ biến trên Internet thì :

"Việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn một số hạn chế như ít có sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, thể chế đặt ra cho các khu khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối".

Văn kiện này kết luận :

"Việt Nam hiện đã có nhiều khu kinh tế nhưng các đặc khu kinh tế vẫn chưa thực sự được triển khai áp dụng đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư.

Để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá".

Lý do chống

Nhưng người dân và các chuyên gia kinh tế không nhìn cùng hướng với Bộ Chính trị. Họ yêu cầu nhà nước phải rà soát lại các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất xem làm ăn ra sao, xấu, tốt chỗ nào để trả lời cho người dân biết tại sao phải có thêm 3 Đặc khu, mà lại ở 3 vị trí sống còn của đất nước ?

Dân cũng muốn Bộ Chính trị trả lời tại sao :

"Báo cáo giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy trong giai đoạn 2011-2016, nợ của doanh nghiệp đã gia tăng lên tới 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD) ?" (Zing.vn, ngày 28/05/2018).

Zing.Việt Nam viết tiếp :

"Theo báo cáo, tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương".

Các doanh nghiệp nhà nước do các Bộ quản lý điều hành gồm : Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nộng nghiệp và Bộ Thông tin&Truyền thông (TTTT).

Ngoài ra dân cũng thắc mắc tại sao Bộ Quốc phòng lại có riêng một Cục Kinh tế để "thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội nhân dân Việt Nam " ?

Theo tài liệu chính thức thì Cục này được " thành lập ngày 24 tháng 12 năm 1998"nhiệm vụ :

- Chỉ đạo các loại hình sản xuất kinh tế của Quân đội gồm : Các khu kinh tế quốc phòng, các chương trình, mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo do Quân đội đảm nhiệm, chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp và các đơn vị thường trực tham gia hoạt động sản xuất kinh tế.

Nghiên cứu, vận dụng các chính sách, chế độ, quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế với các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh tế trong Quân đội ; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và Bộ Quốc phòng liên quan đến công tác quản lý, chế độ chính sách, quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh tế của Quân đội.

Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định và trực tiếp quản lý các dự án đầu tư của Nhà nước, của các nguồn tài chính khác trong và ngoài nước cho các khu kinh tế quốc phòng, các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, các hoạt động sản xuất kinh tế của các doanh nghệp trong Quân đội thuộc lĩnh vực kinh tế.

Quản lý, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh tế dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và hàng năm của các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp kinh tế, phần nhiệm vụ làm kinh tế của các doanh nghiệp quốc phòng. Các chương trình kinh tế xã hội tại các khu kinh tế quốc phòng, các kế hoạch xoá đói giảm nghèo và tổng hợp kết quả làm kinh tế trong Quân đội hàng năm.

Quản lý và chỉ đạo hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại của Quân đội, hỗ trợ các doanh nghiệp quân đội hội nhập kinh tế quốc tế.

Tham gia quản lý vốn và tài sản của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy Quốc hội hay Cơ quan thanh tra của đảng hoặc nhà nước công bố việc thanh tra, hoặc giám sát việc làm ăn của Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng.

Công ty lớn nhất của Quân đội Cộng sản Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, tên tiếng Anh là Viettel Group, thành lập năm 2004. Tính đến năm 2017, tổng cộng có 70.000 nhân viên trong và ngoài nước. Trị giá tài sản là 11 tỷ USD vào năm 2015, lợi tức hàng năm khoảng 2 tỷ USD.

Luật đặc khu

Cần nhắc lại rằng, dự luật Đặc khu gồm 6 Chương, 85 Điều, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Nội dung Luật đã gây bất bình tại Quốc hội và trong người dân trong và ngoài nước, nhất là giới trí thức và chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, cựu Đại biều Quốc hội và các cựu đảng viên cao cấp, vì Luật đã dành qúa nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Rất nhiều người đã quan ngại và quyết liệt chống nếu những ưu đãi về đất đai, đầu tư du lịch, nhà ở, cửa biển, hải cảng, sân bay và kinh tế như quy hoạch trong dự luật, lọt vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, những người lúc nào cũng nuôi tham vọng chiếm cứ lãnh thổ Việt Nam như họ đã làm tại Bauxite Tây Nguyên và gang thép Formosa Hà Tĩnh.

Riêng về thuế và các dịch vụ tài chính, các ưu đãi đó bao gồm :

"Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư được thuê đất tối đa 99 năm so với mức tối đa 70 năm hiện tại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan, được lưu hành tự do ngoại tệ và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt" (VoV.vn, Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 22/04/2018).

Điểm quan trọng nhất gây bất bình trong nhân dân là, trong dự luật Đặc khu nguyên thủy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã viết nguyên văn tại Khoản 1, Điều 32 nói về "Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu :

"Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm ; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định".

Đó là lý do tại sao đã có hàng chục ngàn người dân đủ mọi thành phần đã bất ngờ tự phát biểu tình chống Đặc khu và Luật an ninh mạng (Quốc hội chấp thuận ngày 12/06/2018) từ Nam ra Bắc. Họ đã giương cao các các biểu ngữ cầm tay và băng rôn (band-role) chống Đặc khu, chống Trung Quốc và thề không cho Trung Quốc thuê đất, dù chỉ 1 ngày.

Các biểu ngữ khác còn có nội dung :

- "Get out, China !", "KHÔNG đặc khu, KHÔNG an ninh mạng !", "Cho thuê đất là bán nước !"…

- "Đả đảo cộng sản bán nước", "Đả đảo Việt gian".

- " Đả đảo Luật An Ninh Mạng, Luật Bịt Miệng dân".

- "Bài học từ Formosa : Một ngày cũng không cho thuê đất".

"Thà đất nước nghèo mà bình yên-Ham giàu mà mất nước".

- "Vì độc lập, phản đối đặc khu" !

- "Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng" !

Đây là lần đầu tiên trong 43 năm, hàng ngàn người dân đã tràn ngập nhiều ngả đường phố suốt ngày và đêm 10/06/2018 tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều thành phố khác để chống Luật thành lập 3 Đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Trước ngày dân biểu tình và trước sức ép của dư luận, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp đến 3 giờ sáng ngày 09/6/2018 để quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu đến kỳ họp 6 của Quốc hội vào tháng 10/2018.

Sau đó, Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

Lý do dân chống vì ai cũng lo ngại Luật này sẽ mở đường cho Trung Quốc vào cướp đất di dân để chiếm đóng 3 vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng của Việt Nam :

- Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) , cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tầu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các Vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tầu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).

- Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), nhìn thẳng ra Trường Sa, trực diện với các vị trí đóng quân của Trung Hoa trên các bãi đá, nay đã biến thành đảo mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ 1988 gồm Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Ngoài ra Bắc Vân Phong cũng chỉ cách vịnh chiến lược nổi tiếng Cam Ranh trên 60 cây số. Khánh Hòa cũng là nơi phát xuất các tầu Hải quân Việt Nam tiếp vận lương thực và luân chuyển quân lính ra vào 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa.

- Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), nằm trong vịnh Thái Lan là vị trí phòng thủ chiến lược cực nam của Việt Nam. Từ Phú Quốc, tầu bè và máy bay có thể đi khắp Châu Á-Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương để đi qua Trung Đông.

Theo tài liệu của nhà nước cộng sản Việt Nam thì :

"Chủ trương phát triển đặc khu kinh tế xuất hiện ngay từ sau Đổi mới ra đời, và được văn bản hoá ở Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII (1997), Văn kiện Đại hội X năm 2006. Đến năm 2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10-11/2017)".

Như vậy, sau khi bị nhân dân phản đối để phải lùi thêm từ kỳ họp 5 tháng 6/2018 đến kỳ họp 6 tháng 10/2018 rồi bây giờ Thường vụ Quốc hội lại bỏ lửng cho đến cuối năm thì Luật Đặc khu không chết cũng ngấp ngoái.

Phạm Trần

(09/08/2018)

Published in Diễn đàn

Ba đặc khu ở Việt Nam 'có vị trí' trong một 'Trật tự mới' về chính trị và địa chính trị mà Trung Quốc đang thiết lập trong khu vực và ở Biển Đông mà Trung Quốc biết rõ giá trị nên đang 'tạo áp lực mạnh' với Việt Nam, theo một nhà sử học và Trung Quốc học.

dackhu1

Trung Quốc ngày càng khẳng định sức mạnh quân sự của mình ở khu vực đặc biệt trong mười năm trở lại đây

Nếu áp lực này dẫn đến thành công, thì Trung Quốc giành 'thắng lợi', còn nếu Việt Nam 'không chịu khuất phục', thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro là 'mắt xích đầu tiên' của Con đường Tơ lụa trên Biển do Trung Quốc vạch ra và đang thi triển sẽ bị 'đứt đoạn', Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa Hè này ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.

"Ba đặc khu ở Việt Nam là một cách mà Trung Quốc làm áp lực với Việt Nam từ đất liền ra biển. Ngoài biển, họ làm áp lực từ Hoàng Sa và Trường Sa, tất nhiên là họ qua cái đó, họ làm cho Việt Nam sợ", nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.

"Nếu Việt Nam sợ mà không dám có ý kiến khác với Trung Quốc, thì những nước khác mà không bị thiệt hại bằng Việt Nam, họ nói anh Việt Nam bị thiệt hại như vậy mà không làm gì, thì tại sao chúng tôi phải đưa cổ ra để chống lại chiến lược của Trung Quốc là bao vây Biển Đông và bao vây Việt Nam".

dackhu2

Giáo sư Ngô Vĩnh Long (phải) phân tích về thế đứng của Việt Nam trong ứng phó trước các chiến lược và trật tự mới của Trung Quốc ở khu vực và Biển Đông

Bình luận về điểm đáng bàn về mặt địa chính trị của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn trong liên hệ với điều được cho là Trật tự mới Trung Quốc (Pax Sinica), Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

"Duyên hải của Việt Nam gần như chạy dọc hết vùng Biển Đông, mà Trung Quốc muốn đi qua Ấn Độ Dương và từ Ấn Độ Dương đi sang Phi Châu, sang Âu Châu, thì phải đi qua Biển Đông.

"Bây giờ Trung Quốc muốn bắt nạt Việt Nam, và nếu Việt Nam sợ, mà Trung Quốc có thể chiếm Biển Đông hay là cưỡng bức một phần nào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ có thể từ đó bành trướng ra các nước khác, mà quan trọng nhất là Việt Nam.

"Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của 'Con đường Tơ lụa' trên biển có thể bị đứt".

Hạt nhân Trật tự Trung Quốc và thế đứng Việt Nam

Bình luận về hạt nhân chính trong Trật tự mới của Trung Quốc (Pax Sinica) ở khu vực, đặc biệt liên quan tới Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

"Ngày xưa Pax Sinica bắt buộc các nước khác là chư hầu theo Trung Quốc, rồi sau này, Trung Quốc là một nước lớn, thì từ Hải Nam đi xuống dưới thì phải qua cửa ngõ của Biển Đông. Mà cửa ngõ ở Biển Đông, cửa ngõ ngoài biển và cửa ngõ trên đất liền là do Việt Nam thủ giữ.

"Thành ra phải làm sao cho Việt Nam chịu mở cửa thì Trung Quốc mới thành công để bành trướng ra các nước khác, đó là lý do tại sao mà Trung Quốc đã rất 'hùng hổ' trong hơn mười năm qua ở vùng Biển Đông".

Trước câu hỏi, nếu trong toàn bộ Trật tự mới đó của Trung Quốc, có một nhân tố nào đó có thể gây ảnh hưởng, rủi ro tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có thế ứng xử và thế đứng ra sao, nhà sử học từ Đại học Maine nói :

"Trước hết Việt Nam không phải là nước độc nhất chống đối Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng trong vấn đề di chuyển của thế giới. Chúng ta đã biết là khoảng 60% hàng hóa di chuyển trên biển là qua vùng Biển Đông.

"90% của tất cả các hàng hóa đó đi dọc theo bờ biển Việt Nam, cho nên thế đứng của Việt Nam là nếu Việt Nam vận động thế giới, hay Việt Nam cho biết rằng thế giới cần Việt Nam để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ Việt Nam.

"Nhưng Việt Nam phải vận động tích cực, chứ không phải là cứ 'thò ra, thụt vào', nếu làm như vậy, mấy nước khác sẽ nói là họ không phải là những nước bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, mà Việt Nam bị đe dọa trực tiếp mà không làm gì, bây giờ họ không có cách gì để làm khác nếu như Việt Nam không ủng hộ họ", Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC tiếng Việt, 06/08/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 09 juin 2018 19:29

Thế trận quyết liệt

Cả tuần lễ qua, những người có tâm huyết thiết tha với Tổ quốc và Đồng bào, dù ở trong nước hay hải ngoại đều ưu tư trước âm mưu của Việt Nam muốn dâng hiến 3 nơi trọng yếu của Tổ quốc làm nhượng địa cho giặc Tàu, thay vì gọi nhượng địa, Việt Nam lại gọi một từ êm ái "Đặc khu kinh tế", đấy là : Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh ở Miền Bắc ; Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, ở miền Trung ; và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang ở miền Nam. Quân Tàu làm chủ 3 vùng đất trọng yếu này sẽ khống chế cả nước Việt Nam và toàn Biển Đông dễ dàng.

thetran1

Vị trí ba đặc khu kinh tế trên toàn lãnh thổ Việt Nam - Ảnh minh họa

Vì sao quân Tàu cần dùng 3 nơi nhượng địa chiến lược này ? Vân Đồn gần nước Tàu sẽ đưa người Tàu qua ở đấy dễ dàng và đông đảo, Vân Đồn là một ấn tích lịch sử, vào ngày 11 tháng Giêng Mậu Tý (1288) Trần Khánh Dư phục quân tại bến Vân Đồn, chờ quân Ô Mã Nhi mở đường qua khỏi, ông xua quân tấn công vào quân lương của Trương Văn Hổ đi sau, quân nhà Trần đại thắng thu hết khí giới và lương thực giặc Nguyên (Tàu), quân Nguyên bị hoảng hốt. Từ đó, quân ta đại thắng quân Nguyên lần thứ ba, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi.

Thứ đến tại Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có quốc lộ 26 từ Khánh Hòa đi Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên ; đường 723 từ Nha Trang đi Đà Lạt, cả hai nơi này nối liền với Đăk Nông tại Tây Nguyên mà quân Tàu đã ở đấy dưới dạng khai thác Bô xít, khi xảy ra chiến tranh thì quân Tàu ở hai nơi Vân Phong và Đăk Nông sẽ hiệp đồng tác chiến làm chủ tình hình dễ dàng, ngoài ra Vân Phong và hải cảng Cam Ranh đều thuộc tỉnh Khánh Hòa, mà Cam Ranh là một trong 3 hải cảng lớn và tốt nhất thế giới :

Cam Ranh ở Việt Nam, San Francisco ở Mỹ và Rio de Janeiro ở Brasil, ai làm chủ vịnh Cam Ranh có thể khống chế toàn Biển Đông. Sau cùng, giặc Tàu đóng quân ở Phú Quốc là cứ địa cuối cùng của nước Việt Nam, nơi đây là địa bàn để củng cố phục quốc khi ở thế yếu, năm 1782, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) bị thua quân Tây Sơn, phải chạy ra đảo Phú Quốc để củng cố lực lượng, năm 1783, Nguyễn Huệ đem quân đánh tan tác quân Nguyễn Ánh, Nguyễn Ánh mang tàn quân chạy ra đảo Phú Quốc lần nữa, dùng nơi này để chuẩn bị phục quốc.

Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành 3 "Đặc khu kinh tế" : Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc là 3 nhượng địa cho Tàu cộng, rõ ràng Bộ chính trị dưới sự điều khiển của đảng đã ra lệnh cho Quốc hội thông qua để mị dân ! Thế nên, bà Ngân là Chủ tịch Quốc hội đã thú thật là Quốc hội chỉ có quyền bấm nút theo ý đảng mà thôi !

Sư thật, 3 nơi nhượng địa này, Việt Nam đã nhận lệnh từ thiên triều Bắc Kinh đã bảo Đinh Thế Huynh ký "Thông báo" từ ngày 22-3-2017.

Phải chăng 3 vùng nhượng địa này là làm theo "Mật ước Thành Đô" họp tại tỉnh Tứ Xuyên, ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, giữa nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, đã có lời đồn rằng hai bên thỏa thuận vào năm 2020, nước Việt Nam sẽ là tỉnh Quảng Nam của Trung Quốc ?!

Đây có phải "Thành Đô" giao phó ?

"Nhập Trung" buồn cờ đỏ sáu sao

Than ôi, nước mất nghẹn ngào !

Sao đành nô lệ, Đồng bào tóc tang ?

1. Thế trận quyết liệt hiện nay tại Việt Nam

Giặc Tàu chiếm đóng trái phép nhiều nơi trên cương thổ Việt Nam :

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bô Xít Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận, lập phố Tàu ở Bình Dương, World Shine Hải Vân…

Hiện nay, giặc Tàu tiến đến làm chủ 3 nhượng địa : Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc thì rõ ràng nước nhà đang nguy ngập, toàn dân phải đấu tranh quyết liệt mới cứu nguy được Tổ quốc.

Lịch sử đã ghi rằng vào năm 1286, quân Nguyên đóng ở Đông Bộ Đầu, Hưng Đạo Vương thủ quân ở bờ Nam, vua Trần Nhân Tông muốn tạm hoà để củng cố quân ngũ nên tìm người gan dạ và nói năng khôn khéo làm sứ giả đến trại giặc, Trần Khắc Chung (1) xin đi.

Ô Mã Nhi nói : "Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ ‘Sát Thát’ (giết giặc Mông Cổ), khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm. Đại quân ta từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao ?".

Khắc Chung đáp : "Người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".

Hiện nay, nước nhà đang nguy ngập. liệu rằng toàn dân Việt có đồng lòng cứu quốc hay không ?

Thế trận đang quyết liệt, chế độ cộng sản Việt Nam bán nước thì nước mất, cộng sản Việt Nam cũng tiêu tan, vậy sau đó ai sẽ làm chủ vận mệnh đất nước Việt Nam ?

Câu trả lời là toàn dân Việt Nam nếu toàn dân kiên cường chống cả thù trong lẫn giặc ngoài.

Nếu người Việt lơ là trước vận nước gian nguy này thì giặc Tàu sẽ làm chủ đất nước Việt từ nam chí bắc trong nay mai như "Mật ước Thành Đô" mà cộng sản Việt/Tàu đã ngấm ngầm hứa hẹn ?!

2. Thế trận quyết liệt hiện nay tại Biển Đông

Bản tin tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore của RFI (2) và BBC (3) vào ngày 2/6/2018 : Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã cảnh cáo hành động của Trung Quốc :

"Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước, trong khu vực năng động này. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào năm 2015. Vì những lý do đó, tuần trước Hoa Kỳ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Ngoài ra, vào ngày 4/6/2018, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom hạng nặng B-52, bay sát trên quần đảo Trường Sa cách khoảng 20 hải lý. Tướng Mattis còn thẳng thắn : "Quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều hậu quả lớn hơn."

Người viết nghĩ rằng 4 cường quốc : Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, đã/đang liên minh để trừ khử Trung Quốc hung hăng độc chiếm Biển Đông và Trung Quốc đã va chạm đến quyền lợi các quốc gia này. Thế nhưng, không chỉ có tứ cường : Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ mà hôm Chủ Nhật ngày 3/6/2018, tại "Đối thoại Shangri-La", Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định : "Chúng tôi thực hiện quyền tự do hàng hải của chúng tôi, chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí một bên phản đối trường kỳ trước việc tạo ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền thực tế nào trên các đảo ở Biển Đông." Bộ trưởng Quốc phòng Anh là Gavin Williamson thì xác định : "Chúng tôi phải làm rõ là các quốc gia cần hành xử theo luật, và không làm như vậy sẽ gặp hậu quả xấu."

Từ đấy, rõ ràng thế trận quyết liệt tại Biển Đông đã đến lúc cần khai hỏa mới đem lại sự hòa bình, ổn định và phân định lãnh hải cho mỗi quốc gia trong vùng đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển "United Nations Convention on Law of the Sea : UNCLOS", gồm có 119 quốc gia đã ký kết vào ngày 10-12-1982. Trong thế trận tại Biển Đông, chỉ riêng quân đội Hoa kỳ về hải quân, đã có 10 chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động, còn hải quân của Trung Quốc chỉ có hàng không mẫu hạm mua lại tân trang và một chiếc hàng không mẫu hạm tự đóng, kỹ thuật còn kém cỏi.

Thế nên, trận quyết liệt trên Biển Đông như Trận Xích Bích trên Đại Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Tào Tháo đem 80 vạn tinh binh hùng hổ trên Đại Giang, Khổng Minh của Thục (Lưu Bị) đã liên hiệp với Chu Du của Đông Ngô, dùng hỏa công đốt sạch tất cả chiến thuyền của quân Tào, lửa cháy sém cả hai bên bờ sông thành sắc đỏ nên gọi là trận Xích Bích.

Cũng vậy, Tập Cận Bình của Trung Quốc đang dùng mưu mô gian giảo như Tào Tháo, khi xảy ra chiến tranh sẽ chuốc thảm mà thôi.

Ngày 8/6/2018

Nguyễn Lộc Yên

Nguồn : CaliToday, 09/06/2018

______________

Cước chú :

(1) https://vietbao.com/a223875/trang-su-viet-tran-khac-chung 

(2) https://www.youtube.com/watch?v=JGY4uWvROQI 

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-44354970

Published in Diễn đàn

Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc là phản ánh chính sách phát triển công nghiệp không chiến lược của  Việt Nam.

duluat1

Dự án xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc - Ảnh minh họa

Hiện nay Quốc hội đang bàn về Dự án Luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc, còn tôi lại đang viết bài đánh giá về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam mà tôi tạm gọi là chính sách phát triển không chiến lược. Vì thấy Quốc hội hiện nay có vẻ muốn thông qua nên tôi thấy cần đưa ra vài kết quả có liên quan trong bài đang viết, hy vọng Quốc hội tạm dừng việc thông qua để nghiên cứu và trao đổi thêm về mặt lợi hại, ít nhất là về mặt kinh tế. Đơn giản là để đưa đến quyết định nghiêm chỉnh, bất cứ một dự án luật nào về kinh tế, cơ quan đề xuất mà ở đây là Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng phải trình bày cho dân đánh giá định lượng lợi và hại về mặt kinh tế. Điều này không thấy có.

Dự luật trên không chỉ là cho phép nước ngoài thuê đất 99 năm, với quyền bán lại và giao thừa kế, có thể được giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập rất nhiều năm, lại cho phép người Việt chơi bạc và trao quyền quá lớn cho chủ tịch đặc khu như vua con, và lại giao đặc khu quyền quyết đinh chi vượt thu 70%, có thể đưa đến tình trạng mất khả năng trả nợ. Đây là một số điều tóm tắt từ dự luật trên :

1. Điều 33. Chủ tịch đặc khu được cho người nước ngoài thuê đất 70 năm và đặc biệt 99 năm nếu được Thủ tướng đồng ý. Vậy luật này vượt luật đất đai (50 năm) và cũng cho phép thủ tướng vượt luật đất đai. Điều 126 của luật đất đai hiện nay cho phép trường hợp đặc biệt tăng lên 70 năm : "Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm". 

2. Điều 43. Thuế được ưu đãi. Vừa thấp (10%), lại được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp.  Chỉ có đầu tư bất động sản là chịu thuế 17%. Cũng không có thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư. Điều 40 miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó.   Vậy thì chính quyền đào đâu ra tiền ?

3. Điều 39. Đặc khu được quyền bội chi không vượt quá 70% ngân sách thu. Như vậy phải đi vay để chi. Nếu vỡ nợ, ai trách nhiệm ? 

4.  Điều 45. Chủ tịch đặc khu được quyền cho miễn thuế thuê đất 30 năm. 

5. Điều 46. Người nước ngoài được làm việc dưới 90 ngày và cộng dồn 180 ngày một năm không cần giấy phép lao động.

6. Điều 47. Chủ tịch đặc khu được giao rất nhiều quyền : Được ký hợp đồng lao động, tuyển công chức, được  quyết định hệ số tiền lương tăng thêm; ban hành quy chế tiền thưởng thực hiện tại đặc khu và quyền cho miễn thuế nói ở trên. Và theo điều 36 chủ tịch đặc khu được quyền chọn thầu.

7. Điều 53.   Người Việt Nam được phép vào chơi casino tại điểm kinh doanh casino tại đặc khu theo quy định của pháp luật về casino.

8. Điều 56. Chỉ cần bỏ ra 110 tỷ đồng đầu tư (tức là 5 triệu USD) thì được cấp thẻ tạm trú 10 năm.

Ba cái gọi là đặc khu trên khó mà thu hút được bất cứ hình thức công nghệ cao không bẩn nào (vì bẩn có ảnh hưởng tới du lịch) bởi vì nó không nằm trong khu vực có khả năng phát triển tri thức.

Bỏ qua vấn đề chính trị và an ninh, dự luật trên về mặt kinh tế chủ yếu là nhằm phát triển lợi ích của lợi ích địa ốc và đánh bạc trong và ngoài nước. Điều này không khác gì chiến lược thu hút đầu tư có vốn nước ngoài nói chung hiện nay, rất cần được đánh giá lại. 

Tình trạng chung là vì đặt lợi ích nhóm lên đầu, việc chọn lựa đầu tư nước ngoài và quyết định vay nợ nước ngoài đã không dựa trên khả năng ảnh hưởng lan toản, bỏ qua ngay cả  khả năng sinh lợi, thậm chí bất kể khả năng sinh lợi như trường hợp đầu tư vào Bôxit ở Tây Nguyên và nhiều dự án điện than hiệnnay. Cho nên, dù dựa vào đầu tư và vốn nước ngoài như thế, năng suất lao động tính theo GDP trên một lao động tăng thấp, tăng bình quân năm trong thời gian 2000 đén nay chỉ đạt 4,0%.

Tính toán chi tiết hơn cho thấy một hiện tượng kỳ lạ là năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tăng bình quân năm những năm qua (2011-2016) ở Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 2,9%, thấp hơn cả tốc độ tăng của nông nghiệp và dịch vụ (coi biểu 1) [1] .

Biểu 1. Tốc độ tăng năng suất lao động theo năm tính kép

Năng suất ngành (tính theo tăng kép giữ hai năm 2016 và 2010)

  • Nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá trị tăng thêm trên 1 lao động)
4,3
  • Công nghiệp và xây dựng (giá trị tăng thêm trên 1 lao động)
2,9
  • Dịch vụ (giá trị tăng thêm trên 1 lao động)
3,1
  • Năng suất lao động của nền kinh tế (GDP trên 1 lao động) bình quân 2005-2016
4,0
Nguồn : Tổng cục Thống kê: GDP, số liệu giá trị tăng thêm theo ngành và lao động.

Chú thích : Năng suất lao động cả nên kinh tế có thể tính bình quân năm từ 2005-2016. Tuy nhiên, không thể tính cho từng hoạt động vì lý do là Tổng cục Thống kê chỉ tính giá trị tăng thêm theo giá cơ bản kể từ năm 2010 đến 2016 (đúng theo khuyến nghị quốc tế nhằm tách thuế và bù lỗ sản phẩm, nhằm loại trừ ảnh hưởng của chính sách đến giá trị sản xuất). Tuy nhiên vì số liệu trước 2010 không được điều chỉnh nên không thể so sánh với số liệu trước đó. Chính vì thế nếu so sánh, mà không có hiểu biết về ý niệm dùng trong thống kê kinh tế, ta thấy điều vô lý xảy là năng xuất công nghiệp giảm 16% năm 2010 và dịch vụ giảm 13% cùng năm, chỉ vì thuế sản phẩm năm 2010 bị loại.  Để nghiên cứu năng suất lao động theo chuỗi thời gian dài hơn, Tổng cục Thống kê cần tính lại số liệu từ trước năm 2010 theo giá cơ bản.

Với tình trạng trên, do dân số và lực lượng lao động tăng không hơn 1,0% một năm cho đến 2025 [2]  và sau đó giảm xuống khoảng 0,7%, khả năng tăng GDP bình quân năm sẽ không hơn 5,0% năm nếu như năng suất lao động không tăng cao hơn 4,0% một năm.

Với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động công nghiệp hiện nay ở mức 2,9% một năm, thấp hơn mức tăng trong nông nghiệp thì việc chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp thì năng suất lao động tính theo số tuyệt đối sẽ cao hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp đi.

Việt Nam cần tính lại chiến lược phát triển công nghiệp trong đó cần đặc biêt xem lại chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, mà câu hỏi cần được trả lời khi quyết định: liệu đầu tư đó có sức lan tỏa tạo thêm công nghiệp phù trợ không, có thu hút lao động trí thức và có tay nghề không và cuối cùng có  làm tăng năng suất lao động nói chung không?


Vũ Quang Việt

Nguồn : viet-studies, 30/05/2018


[1]Trong một bài viết trên Kinh tế Sài Gòn (2018), tác giả cho rằng mức tăng của GDP và dịch vụ công là cao hơn thực chất ít nhất 0.36% nên năng suất thực con thấp hơn số liệu trong biểu 2 (coi Tăng trưởng GDP : Thống kê cao hơn thực tế ). Tuy nhiên ở đây tác giả vẫn dùng thông tin của Tổng cục Thống kê.

[2] Dự báo dân số của Liên Hợp Quốc .

Published in Diễn đàn