Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Cuối năm rồi, có hôm (đột nhiên) dân chúng Zimbabwee mừng vui, sung sướng, đổ xô ra đường reo hò, nhẩy muá, và ca hát thâu đêm. Tuổi Trẻ Online cho biết thêm :
"Khi thông tin vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe chấp thuận từ chức và có hiệu lực ngay lập tức được loan ra, khắp đất nước Zimbabwe như vỡ òa trong niềm vui bất tận. Nhiều năm qua họ đã chờ đợi điều này và may mắn thay nó đã đến không quá phức tạp và không có cảnh nồi da xáo thịt".
Phim tài liệu ngắn (1945 : The Savage Peace) phát hành vào năm 2015, do Peter Molloy làm đạo diễn.
Nếu ngày mai, hay tuần sau, mà những người Cộng Sản Việt Nam buộc phải từ bỏ quyền lực thì chắc chắn dân Việt cũng sẽ hân hoan không kém nhưng "điều may mắn không có cảnh nồi da xáo thịt" thì không có gì bảo đảm.
Với cách cai trị bạo ngược của chế độ hiện hành, và với xu hướng sử dụng bạo lực của người dân ở Việt Nam hiện nay, viễn ảnh về một cuộc cách mạng êm thắm (chắc) không dễ xẩy ra tại đất nước này – nơi mà lực lượng "công an bị đánh giá là bọn kiêu binh tệ hại nhất, dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược, bị nhân dân xa lánh, khinh bỉ nhất" (Bùi Tín-VOA).
Sau hai phần ba thế kỷ "dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược" thì "bọn kiêu binh tệ hại nhất" rất khó mà được để yên thân. Trên trang báo Tiếng Dân, đọc được vào hôm 31 tháng 12 năm 2017, blogger Thạch Đạt Lang – qua lời của một vị thầy dậy cũ của ông – cũng vừa bầy tỏ sự quan ngại về vấn đề này :
"Chẳng cần phải suy nghĩ sâu xa. Dễ dàng nhận thấy hận thù chồng chất gần 43 năm qua ở Việt Nam, gây ra bởi mâu thuẫn của giai cấp thống trị và kẻ bị trị. Nếu chỉ nói mâu thuẫn giữa chế độ cộng sản và người dân thì không nêu bật được vấn đề, bởi chế độ cộng sản giờ đây đã biến tướng, trở thành chế độ độc tài, mafia đỏ... hi vọng một cuộc cách mạng nhung sẽ xẩy ra ở Việt Nam là điều hoang tưởng. Vậy vấn đề còn lại là làm thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại của cuộc tắm máu giữa những hận thù Quốc-Cộng, Nam-Bắc, Tôn giáo, phe nhóm trong đảng cộng sản Việt Nam…"
Chuyện "hận thù" cũng như "mâu thuẫn của giai cấp thống trị và kẻ bị trị" tại Việt Nam – thực ra – không chỉ "chồng chất gần 43 năm qua" mà đã chất chồng từ lâu hơn nữa, ngay khi người cộng sản vừa nắm được quyền bính ở nửa phần đất nước. Bởi thế, nỗi âu lo "làm thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại của cuộc tắm máu" trong những ngày tháng tới chả phải là chuyện xa xôi (hay viển vông) gì.
Tôi vốn tin ở bản tính thiện của loài người, và tấm lòng bao dung của con dân Việt. Niềm tin này – tiếc thay – đã bị "lung lay" không ít, sau khi xem một cuốn phim tài liệu ngắn (1945 : The Savage Peace) phát hành vào năm 2015, do Peter Molloy làm đạo diễn.
Sau Thế Chiến Thứ II, hình ảnh mà chúng ta thường thấy trên mọi phương tiện truyền thông là những đám đông (dân với lính) tràn ngập phố phường, vui mừng chào đón hòa bình, với những nụ cười rạng rỡ trên môi và những đóa hoa tươi thắm trên tay. Rất ít ai biết đến cái mặt tối của hòa bình, cùng máu (và nước mắt) của hàng triệu lương dân, thuộc phe bại cuộc.
Về The Savage Peace (Hòa Bình Man Rợ) bỉnh bút Gerard O'Donovan của tờ The Telegraph có nhận xét như sau :
Bộ phim của Molloy hiệu quả nhất trong việc làm nổi bật quy mô và sự tàn bạo của những cuộc trả đũa, giết người, cưỡng hiếp của hai triệu phụ nữ và trẻ em Đức, sự sỉ nhục của công chúng, tra tấn và hành quyết của vô số người gốc Đức, đặc biệt ở Sec-Slovak và Ba Lan.
(Molloy’s film was most effective in highlighting the scale and savagery of the reprisals – shootings, forced death marches, the rape of two million German women and children, the public humiliation, torture and execution of countless ethnic Germans, particularly in Czechoslovakia and Poland. Translated by Vũ Quốc Ngữ).
Tác giả Antony Beevor tổng kết :
"Con số người chết được cho là cao hơn nhiều khoảng 1 triệu tư là nạn nhân ở vùng East Prussia, Pomerania and Silesia. Tổng cộng có ít nhất là hai triệu phụ nữa Đức bị hãm hiếp, không ít người bị hiếp nhiều lần". (The death rate was thought to have been much higher among the 1.4 million estimated victims in East Prussia, Pomerania and Silesia. Altogether at least two million German women are thought to have been raped, and a substantial minority, if not a majority, appear to have suffered multiple rape).
Phải đợi đến bẩy mươi năm sau, sau khi Thế Chiến Thứ II chấm dứt, những hình ảnh của một nền Hòa Bình Man Rợ (1945 : The Savage Peace) mới được công chúng biết đến. Tuy muộn màng nhưng tập phim tài liệu này vẫn là sự nhắc nhở cần thiết về bản tính (không mấy thiện lành) của loài người. Người Việt, tất nhiên, cũng không khác mấy. Cứ nhìn cái cách mà họ "trừng trị" những kẻ trộm chó cũng đủ thấy rằng khoan dung là đức tính không mấy dễ tìm ở đất nước này.
Kết cục bi thảm của những kẻ trộm chó ở Việt Nam - Ảnh : Sohanews
Điều may mắn là nước Việt vẫn còn có nhiều người cầm viết với cái tâm, và tầm, khá rộng. Nhà văn Dương Thu Hương đã có lần ân cần nhắc nhở mọi người đừng quên rằng giữa "bầy chó berger của chế độ" không thiếu những người trung thực và tử tế :
"Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng toàn thể các sĩ quan công an đều là bọn mafia, đều là quân cướp. Bởi, nói như vậy là vu khống, là hàm hồ... Trong đám công an, không thiếu những người trung thực, theo ngôn ngữ bình dân, người tử tế. Chỉ có điều họ đã trở thành thiểu số và họ gần như vô năng".
Những kẻ "thiểu số vô năng" này, tất nhiên, đều vô tội. Còn cái đám đa số còn lại (cũng) chỉ là nạn nhân của một thể chế bạo ngược, và bất nhân thôi – như cách nhìn bao dung của nhà văn Uyên Thao : "Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và đang còn đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân".
Nghĩ cho cùng họ vẫn đáng tha thứ hơn là trừng phạt. Hơn nữa, gần hai phần ba thế kỷ qua, có người dân Việt nào dám tự hào nói rằng mình hoàn toàn (và tuyệt đối) không bị ảnh hưởng, hay lây nhiễm tính vô cảm và thói bạc ác của chế độ hiện hành ?
Nói thế (e) độ lượng quá chăng ? Biết thế nhưng với hiện cảnh, với lịch sử của một dân tộc đã triền miên sống giữa cảnh bom đạn máu lửa, giữa oán hận chất chồng, và nghi kỵ và phân hoá – kéo dài hết từ đời này sang đời khác – liệu có lựa chọn nào khác (thế) không ?
Luật sư Trịnh Hữu Long quan niệm rằng "xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một ‘bên thắng cuộc’ nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương". Cuộc chiến Quốc/Cộng ở Việt Nam sẽ, và sắp chấm dứt. Điều cần thiết kế tiếp cho đất nước này là sự khoan dung, chứ không phải là lòng thù hận.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 17/01/2018 (tuongnangtien's blog)
Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Tạp Chí Luật Khoa mời gọi độc giả tham gia chủ đề "Thế nào là một quốc gia đáng sống", và đã nhận được nhiều bài viết thú vị.
Yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng khoan dung
Lê Quang Dũng : "Nơi quốc gia có đạo đức".
Châu Tiểu Lan : "Nơi mọi nghề nghiệp đều có chỗ đứng đúng đắn trong xã hội".
Đức Việt : "Nơi người dân có thể tự bảo vệ mình".
Hân Bụi : "...nơi mà những người dân sống ở đó không ai muốn ra đi, từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình".
Lê Nguyễn Duy Hậu : "Cần có nhiều yếu tố để một quốc gia trở nên đáng sống, nhưng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng khoan dung".
Quan niệm thượng dẫn về "lòng khoan dung" khiến tôi nhớ đến một bài viết ngắn ngủi nhưng rất cảm động của tác giả Xuân Thọ về tình nghĩa thầy trò, và đức bao dung :
Tôi có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành... Năm 2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói : "Các học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi".
Nhờ chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề : mất đoàn kết, thù hận nhau, do chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp nhau.
Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc :
1- Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo, dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già nua thanh đạm. Bà bảo : Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan năm Tây Đức nên khá lắm ! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).
Bà M. than phiền với tôi là : So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.
Tôi không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà : Ngày trước ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu, họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết mất cả xác.
Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.
2- Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.
Từ khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kịch "cá chìm" mà hàng triệu người Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với tôi tình cảm con người là trên hết.
Nhờ có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Câu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.
Điều làm ông bà ân hận nhất là cái "sổ hưu". Vì là nhân viên mật vụ STASI nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.
Xuân Thọ (20/12/2012, Cologne)
Đông và Tây Đức thống nhất năm 1990. Mối liên hệ tình cảm cá nhân của dân chúng hai miền đất nước (có thể) vẫn còn năm điều/ba chuyện bất bình hay "lấn cấn" nhưng ở khía cạnh luật pháp, và trên bình diện quốc gia thì mọi người đều bình đẳng – bất kể họ thuộc bên nào.
Việt Nam thì không thế. Tuy "Nam/Bắc hoà lời ca" sớm hơn nước Đức đến mười lăm năm nhưng chính cách xuyên suốt của chính phủ hiện hành vẫn hoàn toàn nhất quán trong việc phân biệt đối xử giữa kẻ thắng và người thua.
The winner takes all. Kẻ thua thì thua trắng và mất hết, kể cả cái tên gọi như Sài Gòn hay Chính Quyền Miền Nam. Hơn bốn mươi năm sau, dư luận mới thoáng chút "râm ran" khi nghe những nhà sử học của bên thắng cuộc "thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền" cho bên thua cuộc – theo tường trình của phóng viên Lan Hương (RFA ) vào hôm 21 tháng 8 năm 2017 :
Chúng tôi cũng có dịp trao đổi với PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam này. PGS.TS Trần Đức Cường cho chúng tôi biết lý do các nhà sử học thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa :
"Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".
"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây".
"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn".
Liên quan đến sự kiện này, bản tin (hôm 28 tháng 8 năm 2017) của trang Tiếng Dân có đoạn như sau :
Bộ sách Lịch Sử Việt Nam : Vũ Như Cẩn !
Bài trên báo Tiền Phong : Bộ sách ‘Lịch sử Việt Nam’ có gì ồn ào ? Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết : "Chỉ là cuốn sách của Viện Sử thôi, có gì mà ồn ào, giời ạ !" Nhưng ông cũng nói về bộ sách mới tái bản : "Có gì mới đâu".
Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông, Viện Sử học, cho biết, đây là bộ sử tái bản, không có gì mới.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xác nhận :"Bộ sử được viết lâu rồi. Nhiều người chưa đọc tưởng cuốn này trình bày kỹ lắm, không có gì đâu, thoáng tí thôi. Do cách diễn đạt khi họp báo thôi…".
Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, bộ sử này có tiếng vang là do thủ thuật tuyên truyền.
Trức đó hai ngày trang Dân Luận có bài viết của tác giả Nguyễn Thị Bích Ngà, với tựa là "Về bộ sách lịch sử Việt Nam : Vẫn là sử đểu !" Sử đểu cũng như sự bao dung đểu cáng (hay đều giả) chả lừa gạt được ai, đã đành ; nó còn đẩy xa thêm tiến trình hoà giải của cả một dân tộc mà nhân tâm vốn đã ly tán từ lâu !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 05/09/2017 (tuongnangtien's blog)