Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong các tuần qua, nhiều địa phương ở Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ các băng nhóm đưa người Việt và Trung Quốc vào Việt Nam trái phép vào khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh. Nhiều người Việt đã từng đi qua biên giới Trung Quốc, Campuchia vào Việt Nam nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do rằng việc "đi lậu qua biên giới dễ như đi chợ".

biengioi1

. Một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, đeo khẩu trang phòng dịch khi đi qua biên giới giữa hai nước ở tỉnh Quảng Ninh hôm 14/8/2020 -Reuters

Chị T, một người từng qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhiều lần, nói với RFA rằng chuyện nhập cảnh không cần giấy tờ từ Trung Quốc vào Việt Nam, hay ngược lại, trước dịch dễ như "đi chợ". Có rất nhiều con đường để "vượt biên" như đường rừng hoặc chèo ghe qua một khúc sông nhỏ.

Từ 5, 6 năm trước, chị T. vẫn thường qua Trung Quốc làm việc cho các xưởng sản xuất của người Việt ở bên đó. Mỗi lần đi là vài tháng rồi lại về. Cho đến năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các đường mòn ở biên giới mới bị kiểm soát gắt gao hơn trước, nên chị cũng tạm ngưng qua Trung Quốc làm việc.

"Ngày xưa tôi cũng từng đi qua Trung Quốc bằng đường bộ. Bình thường đi bằng giấy tờ chỉ được có mấy ngày thôi.

Nó có nhiều đường đi lắm ! Có thể lúc đi đường này lúc về đường khác. Tôi đi cửa khẩu Móng Cái, ai cũng đi được. Có người chèo ghe qua sông, như đi chợ vậy đó.

Ra tới biên giới có đầy người hỏi em đi không. Mấy người xe ôm quen biên phòng nhiều lắm, họ móc nối rồi chở em đi qua Trung Quốc thôi.

Có đi đường bộ trong rừng, qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Tam Thanh, Hà Giang, Bắc Giang. Qua biên giới cũng có cái trạm, hồi đó đi dễ lắm. Ở đâu cũng có đường đi hết.

Mỗi người có hơn 100 tệ (hơn 300 ngàn đồng) thôi. Ra tới biên giới là nhiều người mời chào chở qua biên giới, nhưng giờ dịch bệnh đâu ai dám nữa đâu".

Ngày 29/8 vừa qua, Toà án Nhân dân Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng tuyên án tổng cộng 19 năm tù giam dành cho 3 bị can người Việt Nam và Trung Quốc với các buộc "tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".

Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc. Hậu quả của các hành vi trên ảnh hưởng đến an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự xã hội. Đặc biệt đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng. Người dân lên án, dư luận rất phẫn nộ…

biengioi2

Các tài xế mặc đồ bảo hộ phòng dịch ở một địa điểm kiểm tra tại cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, ở tỉnh Lạng Sơn hôm 20/2/2020 Reuters

Một nhóm người Trung Quốc khác bị bắt ở quận Tân Bình, TP.HCM vì nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ hồi cuối tháng Bảy. Đáng nói, trong số này có một người bị nhiễm Covid-19, được công bố là bệnh nhân thứ 912.

Biên phòng "mắt nhắm mắt mở" cho qua

Chị T. giải thích thêm, những người dân sinh sống khu vực biên giới hai nước có thể qua lại biên giới mà không cần thị thực, nhưng mỗi lần sang Trung Quốc như vậy chỉ ở được 3 ngày. Lợi dụng chính sách đó, có nhiều người dân địa phương dọc biên giới "ăn chia" với biên phòng để làm công việc đưa bất kì ai qua biên giới mà không cần giấy tờ chứng minh gì cả :

"Người ta cho phép người dân sống ở cửa khẩu không cần giấy tờ. Nó cấp cho cái thẻ đi qua thoải mái.

Mình không có giấy tờ visa thì mình đi đường đò, quá giang mấy người chèo đò, bán trái cây. Mình lên đò người ta đi rồi trả tiền cho người ta. Người Việt qua, người Trung lại bình thường. Người ta đi ầm ầm.

Còn đa số những người xe ôm chở mình qua biên giới là người địa phương, họ biết tiếng Việt, tiếng Trung, rành đường xá nên nó ăn chia với biên phòng, rồi biên phòng mắt nhắm mắt mở cho qua.

Người Trung Quốc qua đi làm cũng có, mà đi chơi cũng có. Ngày trước, người Trung Quốc qua cửa khẩu chủ yếu là đi chơi gần biên giới. Còn bây giờ qua Việt Nam thì nó đi sâu vào nước mình, chẳng hạn như Đà Nẵng, Sài Gòn.

Phải có người cho thì tụi nó mới qua được. Nhưng người thường làm sao cho hay không được. Thì còn ai nữa, chỉ có biên phòng ! Cái này hầu như ai cũng biết hết.

Chuyện này từ thời mấy năm về trước rồi. Tại vì do dịch bệnh nên mới rầm rộ vậy thôi chứ chuyện này có lâu rồi".

Thiếu tướng Lê Đức Thái, phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết tính đến ngày 30/7, qua tổng hợp báo cáo cho thấy 100% cán bộ, chiến sĩ, đơn vị biên phòng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu liên quan đến hoạt động dẫn người xuất nhập cảnh trái phép.

Cửa ngõ vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới

Theo thông tin từ Thiếu tướng Lê Văn Phúc, phó tư lệnh bộ đội biên phòng thông tin với báo giới trong nước ngày 31/7 cho hay tính từ đầu năm đến nay, bộ đội biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ án với 70 người liên quan. Riêng trong tháng 7 đã có trên 2.400 người bị bắt giữ khi cố tình xâm nhập qua đường mòn, lối mở đọc biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Ông T. là người Việt nhưng có một xưởng làm mộc gần biên giới với Thái Lan trả lời RFA qua email rằng ông thường xuyên phải qua lại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) mà không cần giấy tờ.

"Tôi có quán lí một xưởng mộc ở gần biên giới Campuchia và Thái Lan nhưng không có giấy tờ. Tôi không muốn nói lí do vì sao tôi không có giấy tờ mà vẫn mở được xưởng mộc bên đó. Hồi trước khi có dịch tôi cũng hay về Việt Nam.

Tôi mướn xe ô tô của một người đàn ông gốc Việt chở tôi đi từ thành phố Pnompenh về đến cửa khẩu Bavet của Campuchia.

Đến chiều thì tôi đến biên giới của Việt Nam với Campuchia. Người chạy xe ôm đã chờ sẵn, giá chở người qua biên giới không có giấy tờ là từ 200 đến 250 ngàn.

Xe ôm chở tôi qua đường ruộng. Đường này người dân trồng lúa ở đó đi bộ nên rất khó đi, trơn và dằn. Đi vòng vèo một hồi thì chạy qua một chốt biên phòng của Campuchia. Anh xe ôm đưa cho mấy người lính đó mấy chục ngàn.

Chạy vòng vòng trong nhiều con đường nhỏ khác cỡ 10 phút nữa thì đến chốt biên phòng của Việt Nam là một cái chòi lợp lá, xe ôm vào tận bên trong để đưa tiền. Tôi đứng đợi ở ngoài một lúc là xe ôm ra chở tôi về Việt Nam.

Chạy thêm hơn 10 phút nữa thì chúng tôi đến ngã ba đường lớn cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 1 cây số, sau đó tôi đón xe về Thành phố Hồ Chí Minh.

Đã nhiều lần tôi đi qua biên giới vào ban đêm. Tưởng ban đêm không ai đi lại, nhưng thật ra có rất nhiều người qua lại, còn hơn cả ban ngày. Người ta chở nhiều thùng hàng, chủ yếu là những người vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

Có lần ông xe ôm kể có người mang cả ma tuý hay hàng cấm trót lọt qua biên giới vào Việt Nam bằng con đường này".

Vượt biên đi đánh bài

Ông M., cũng từng đi "chui" qua biên giới Việt Nam - Campuchia từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) kể lại hành trình dễ dàng của mình. Đồng thời ông cho hay có rất nhiều người Việt và Trung Quốc qua Campuchia đánh bài bằng con đường này :

"Hồi đó, mình đi bên Mộc Bài. Bên đó có một con đường dành cho những người chuyên đi đánh bài và đó không phải là con đường chính thức.

Nó chỉ dành cho những người dân ở hai bên đi qua đi lại mà không cần phải có những thủ tục rườm rà. Sau này, những người đánh bài thường đi theo con đường đó để qua lại cho dễ.

Vừa tới nơi thì sẽ có xe ôm chạy tới hỏi ngay là đi đường "chui" không. Hồi đó mình đi là khoảng 250 ngàn đồng/lượt thôi.

Đi qua cái đồng ruộng, giữa cánh đồng ruộng có một cái đường chút xíu, ông xe ôm chở qua. Đi khoảng 3, 4 cây là có 1 trạm, dân phòng nó nhìn mình 1 tí xong rồi cho qua.

Lúc đi như thế nào thì về như thế ấy. Người ta không kiểm tra Passport nhưng có bộ đội biên phòng đứng trên đường thôi chứ người ta không kiểm tra chứng minh thư hay hộ chiếu gì cả.

Khi về thì có thằng dân phòng nó nhìn mình tí thôi rồi ông xe ôm sẽ đưa cho dân phòng mấy chục ngàn "lộ phí".

Bây giờ tình hình dịch bệnh nên hình như đường đó cũng bị cấm đi rồi".

Ở bên kia của khẩu Mộc Bài của Việt Nam là cửa khẩu Bavet của Campuchia. Ngay gần biên giới là hàng chục Casino, nhà hàng khách sạn phục vụ chủ yếu cho người Trung Quốc và Việt Nam sang đánh bạc, ông M. chia sẻ thêm.

Cho dù tới thời điểm này, Chính phủ chưa công bố về nguồn gốc đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng sau gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng y tế, ông Nguyễn Thanh Long phát biểu hồi tháng 7 rằng các ca nhiễm vừa xuất hiện là chủng mới, chủng xâm nhập từ bên ngoài, tốc độ lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam. Ông Long cho rằng, đợt dịch lần này sẽ diễn biến phức tạp, có thể lan ra khắp cả nước.

Tính đến chiều ngày 31/8, Việt Nam đã ghi nhận 1.040 ca nhiễm Covid-19. Trong số này có hơn 400 ca là từ nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quy định việc kiểm tra y tế và cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trong mùa dịch.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 31/08/2020

Ghi chú :

* Các nhân vật mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn trong bài viết yêu cầu được bảo mật danh tính và thông tin cá nhân. Vì lý do an toàn nên những người được phỏng vấn yêu cầu không phát thanh giọng nói.

Published in Diễn đàn