Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cứ mỗi lần diễn ra một sự kiện đối ngoại trọng đại của "đảng và nhà nước ta", với Pháp vào thời Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng, và với Mỹ khi Nguyễn Xuân Phúc thay Dũng (Trump - Phúc tháng 5 năm 2017, Washington), rồi mới nhất là cuộc gặp Trọng - Trump vào tháng 2 năm 2019 ở Hà Nội, những bản hợp đồng khủng Việt Nam mua máy bay của Mỹ lại hiện ra.

maybay1

Vietjet Air gây tiếng vang lớn khi chi 11,3 tỷ USD mua 100 máy bay Boeing. Ảnh VJA

Đã có ước tính rằng nếu số máy bay Mỹ mà doanh nghiệp Việt mua trong những năm gần đây là có thật, hẳn toàn bộ giao thông trên trời trong không phận Việt Nam đều... kẹt cứng.

Doanh nghiệp Việt, đặc biệt là FLC của Trịnh Văn Quyết - doanh nghiệp luôn bị đặt dấu hỏi về nguồn vốn tự có - lấy đâu ra tiền để mua hàng trăm máy bay ? Và tại sao trong nhiều năm qua, trong khi ra sức khoe khoang thành tích ký kết các hợp đồng khủng với quốc tế thì chính quyền Việt Nam và các doanh nghiệp có liên quan lại không có bất cứ một thông báo nào nhằm minh bạch về việc những hợp đồng đó đã được triển khai đến đâu hay bế tắc ? Thực chất của những bản hợp đồng khủng và những vụ mua bán Việt - Mỹ trên là thế nào ? 

VNTB tổng hợp một số bài phân tích có chiều sâu và đáng chú ý - xuất hiện một cách đồng loạt, theo cách chưa từng có tiền lệ về tính đồng loạt như thế, ngay sau cuộc gặp Trọng - Trump để bạn đọc mở rộng kiến thức kinh tế và chính trị - liên quan đến chính trường mà nỗi bát nháo, xáo xào và tiểu xảo luôn là đặc trưng vốn dĩ không thể thay thế được của nó. 

VNTB

-----------------------------------

Xảo thuật để lấy lòng Hoa Kỳ : hợp đồng cũ biến thành hợp đồng mới

Người Đà Lạt Xưa, 27/02/2019

Trong chương trình Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gở Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump sáng hôm nay 27/02/2019 đã có màn trình diễn ký kết hợp đồng thương mãi ; trong đó 3 công ty hàng không Việt Nam đặt mua hàng của Hoa Kỳ trị giá trên 16 tỷ Mỹ kim.

Trump Kim Summit US Vietnam Trade

Vietjet ký kết với Boeing trị giá 12,7 tỷ USD, nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển liên minh hàng không của hãng trong khu vực và trên thế giới - Ảnh thoibaonganhang, 21/07/2018

Đại diện kẻ bán và người mua đã ký kết trước mặt Tổng thống Trump sáng nay, giống như một dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẵn sàng đặt mua vài chục tỷ Mỹ kim sản phẩm của Hoa Kỳ. Dường như mục tiêu muốn lấy lòng chính phủ Trump. Dường như nhà nước Việt Nam muốn chứng tỏ sẽ không để thâm thủng mậu dịch giống như Trung Quốc đã từng làm đối với Hoa Kỳ.

Hợp đồng giá trị lớn nhất sáng nay, VietJet đặt mua 100 chiếc Boeing B737 MAX trị giá 12,7 tỷ Mỹ kim, được ký kết giữa Tổng giám đốc VietJet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, và Tổng giám đốc Boeing Commercial Airplanes, ông Kevin McAllister. Trên thực tế, bà Thảo và ông McAllister đã từng ký kết với nhau về lô hàng 100 chiếc B737 MAX này cách đây hơn 7 tháng, vào sáng ngày 18/07/2018 trong cuộc triển lãm phi cơ Farnborough International Airshow 2018 tại Anh Quốc.

Hợp đồng kế tiếp, công ty hàng không Bamboo Airways đặt mua 10 chiếc Boeing 787-9 Dreamliners trị giá 3 tỷ Mỹ kim. Bamboo Airways được bỏ vốn bởi tập đoàn xây dựng FLC Group của Việt Nam. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, thì Bamboo Airlines muốn mở thị trường về hướng Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ bằng với khả năng của những chiếc Dreamliners 787 với hiệu quả kinh tế rất cao.

Trên thực tế, cách đây 8 tháng, vào ngày 25/06/2018, tập đoàn FLC đã thỏa thuận mua mới 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner trị giá 5,6 tỉ đô la Mỹ, tại Washington D.C. dưới sự chứng kiến của Vương Đình Huệ. Mãi cho đến 08/01/2019, Bamboo Airways mới thật sự chính thức nhận được chứng chỉ nhà khai thác bay, Air Operator Certificate (AOC), của Cục Hàng không Việt Nam. Con số 20 máy bay Dreamliners này sẽ được bàn giao lần lượt từ giữa tháng Tư 2020 cho đến 2021. Hiện nay Bamboo bắt đầu bay với khoảng 6 chiếc máy bay Airbus 320 của thành phần thứ ba (third-party aircraft). Vì thế, chuyện Bamboo Airways đặt mua máy bay Dreamliners sáng nay... chẳng có gì mới mẻ cả.

Hợp đồng thứ ba giữa Vietnam Airlines và Sabre Corporation trị giá 300 triệu Mỹ kim cũng được ký kết sáng nay giữa Dave Shirk, Chủ tịch của tập đoàn Sabre Travel Solutions, và Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Trên thực tế, hàng không Vietnam Airlines đã ký kết 2 hợp đồng với Sabre hơn 10 năm trước đây, vào ngày 13/08/2008 tại Texas ; thứ nhất là đặt mua hệ thống giữ chỗ và ra vé máy bay của SabreSonic và thứ nhì là hệ thống mua hàng hóa bán trên mạng được thiết kế bởi Sabre và IBM.

Cách đây 9 tháng, Vietnam Airlines đã ký kết lại (renewal) hợp đồng với Sabre vào tháng Năm 2018. Vì thế, ký kết hợp đồng sáng nay chỉ để cho Vietnam Airlines được thêm vào chương trình phục vụ hành khách trên máy bay (Sabre In-Flight solution) nhằm tiết kiệm được 10% ngân sách cung cấp thức ăn và giải trí (catering budget) trong các chuyến bay về sau.

Sự ký kết 3 hợp đồng này dường như xào nấu lại một số hợp đồng sẵn có để làm đẹp lòng ông Trump.

Người Đà Lạt Xưa  (27/02/2019)

Người VNTB, 02/03/2019

*********************

Vietjet có thật sự ‘mua 100 máy bay’ của Boeing ?

T.K., Người Việt, 01/03/2019

Việt Nam – Hôm 1 tháng Ba, một số blogger tiếp tục đặt dấu hỏi về việc liệu Hãng Hàng Không Vietjet có thật sự ký hợp đồng đặt mua 100 phi cơ Boeing trị giá 18 tỉ USD như báo chí nhà nước loan tải.

Trước đó, trưa 27 tháng Hai, Vietjet và Tập Đoàn Boeing đã chính thức ký kết hợp đồng mua 100 phi cơ 737 MAX trị giá 12,7 tỉ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất, theo báo Zing. Lễ ký kết được ghi nhận diễn ra long trọng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Hồi năm 2016, Vietjet cũng đã ký đơn đặt hàng 100 phi cơ B737 MAX, đánh dấu thỏa thuận mua bán máy bay thương mại lớn nhất trong ngành hàng không Việt Nam. Báo Zing cũng cho hay Vietjet "là hãng hàng không có đơn hàng B737 MAX lớn nhất Châu Á".

Trong khi đó, bản tin hồi tháng Bảy, 2018 của báo The Leader cho biết ở thời điểm đó, Hãng Vietjet Air tuyên bố vừa một ‘văn bản ghi nhớ’ (MOU) đặt hàng 80 phi cơ 737 MAX 10 và 20 phi cơ 737 MAX 8 cũng của Boeing, với giá trị hợp đồng 12,7 tỉ USD, chưa gồm các khoản thỏa thuận giảm giá.

Như vậy, sau ba lần, Vietjet được cho là đã "đặt mua" tổng cộng 300 phi cơ của Boeing. Đó là chưa kể trong vòng ba năm, tính từ tháng Năm, 2016, Vietjet đã hai lần ký các hợp đồng 170 phi cơ của Airbus.

Sở dĩ công luận bàn tán là vì theo trang web dữ liệu hàng không dân dụng quốc tế Planespotter, đội hình bay của Hãng Vietjet đến nay chỉ ghi nhận gồm 64 phi cơ, gồm 23 chiếc A320 và 43 chiếc dòng 321, đều của Airbus. Đáng lưu ý, cũng theo trang này, Vietjet chỉ sở hữu chưa đến 1/3 trong số 64 phi cơ, 2/3 còn lại đều là thuê.

Việc số lượng phi cơ "đặt mua" và trên thực tế của Vietjet khá chênh lệch được hiểu là còn hàng trăm chiếc phi cơ chưa được giao. Theo Reuters, trong giai đoạn 2022-2025, Boeing dự trù giao cho Vietjet 100 chiếc 737.

Cũng có ý kiến cho rằng các thương vụ đặt mua cả trăm phi cơ của Vietjet thực chất là hoạt động tô điểm cho các sự kiện lãnh đạo Việt, Mỹ gặp nhau vì các lễ ký kết đều diễn ra trong khuôn khổ các chuyến công du của hai nước.

Báo The Leader giải thích, nguồn vốn cho những bản hợp đồng trị giá hàng chục tỉ đô la "không phải là khúc mắc lớn nhất" của Vietjet vì hãng này "giảm tải rất nhiều gánh nặng chi phí mua máy bay thông qua hoạt động bán và cho thuê lại (sell and leashing back) các phi cơ mà họ đặt mua.

Facebooker Nguyen Son, phóng viên ảnh của hãng AP ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân : "Tôi muốn nhắc anh em báo chí trong nước đấy là văn bản ghi nhớ về việc mua phi cơ, chứ không phải hợp đồng mua nhé! Ghi nhận mong muốn thế thôi cho đẹp lòng lãnh tụ đôi bên, khi nào mua, mua như thế nào thì còn phải chờ. [Viết báo thì] câu chữ phải chuẩn, không lại hố bây giờ !".

Trong một diễn biến khác, mạng xã hội hôm 1 tháng Ba lan truyền một clip cho thấy một nhóm hành khách ở phi trường bực tức vì chuyến bay của Hãng Vietjet nhiều lần bị hoãn mà không rõ lý do. Trong clip này, một nữ đại diện Vietjet được thấy nói lớn tiếng với hành khách: "Em nhắc lại là ai không hài lòng với dịch vụ thì an ninh sân bay sẽ mời ra [khỏi phi trường] !" (T.K.)

Nguồn : Người Việt, 01/03/2019

**********

Bàn về lý do VietJet và BamBoo mua nhiều máy bay

Cảnh Nguyễn, 02/03/2019

Có nhiều bạn cho rằng VJA và BBA không thể xoay sở, kiếm được số tiền lớn như thế, kể cả trong 10 năm tới, để thực hiện hợp đồng. Từ đó cho rằng việc ký kết này chỉ là làm màu, PR mà thôi, dạng 1 kiểu "bản ghi nhớ" (Memorandum of Understanding) hay "hợp đồng tạm" (Provisional contract).

maybay3

Bamboo mua mỗi lần hàng tỉ, hàng chục tỉ USD

Thông tin từ CNCB, Reuters, Blomberg cho biết các đơn hàng lần này của Bamboo và Vietjet đều là "firm order". Reuters thậm chí còn trích dẫn nguồn tin riêng cho biết 100 máy bay 737MAX đã được lên lịch trình sản xuất cho khách hàng không nêu tên.

Có một số bạn cho là điều này là không thể, đơn giản vì cả Quyết và Thảo đều không thể có chừng ấy tiền để mua đống máy bay đó.

Việc Quyết và Thảo không có tiền là đúng, nhưng sự thật chính bởi không có tiền nên mới phải mua máy bay. Mình xin giải thích rõ.

Trong hàng không có 1 nghiệp vụ được dùng khá phổ biến, đó là nghiệp vụ "sale and leaseback". Hãng hàng không mua máy bay của hãng sản xuất (Boeing và Airbus) xong rồi bán lại cho các hãng cho thuê máy bay với cam kết thuê lại chính các máy bay đó. Các hãng hàng không khi mua đạt số lượng thì sẽ luôn được Boeing, Airbus chiết khấu. Nếu số lượng đủ lớn và đúng dòng máy bay đang bán chậm thì mức chiết khấu khá cao. Giống như mua điện thoại Samsung giá niêm yết sẽ được tặng quà hoặc thối lại tiền vậy đó.

Tuy nhiên các hãng hàng không không thể kiếm được 1 số tiền lớn để mua máy bay, như Vietjet hay Bamboo mua mỗi lần hàng tỉ, hàng chục tỉ USD, trong khi 2 hãng này có mà bán sạch sành sanh cũng không moi ra được tỉ USD. Thế nên các hãng này mới phải làm thêm nghiệp vụ "bán đi rồi thuê lại". Bán toàn bộ số máy bay vừa đặt mua cho 1 hãng chuyên cho thuê máy bay với giá niêm yết, xong ký hợp đồng thuê lại. Khi đó hãng hàng không "lời" ngay 1 số tiền hoa hồng đáng kể. Nếu mua nhiều thì "tiền lời" có thể lên đến cả tỉ USD.

Sẽ có bạn thắc mắc vậy thì mua càng nhiều, càng lời. Mấy hãng hàng không sao không mua luôn 1000 chiếc cho lời nhiều? Thực tế cái lời đó là lời giả. Bản chất chính là lấy lợi nhuận của tương lai ra mà ăn trong hiện tại. Điều này đặc biệt cần thiết với những ai đang khát vốn đầu tư, thiếu hụt dòng tiền hiện tại, như anh Quyết FLC chẳng hạn. :D Ví dụ như nếu mua máy bay giá 50 triệu, được hoa hồng 20%, còn 40 triệu, dự kiến khai thác trong 20 năm thì mỗi năm khấu hao 2 triệu. Giờ cũng mua máy bay 50 triệu, trả 40 triệu xong bán lại 50 triệu lấy lãi 10 triệu nhưng phải ký thuê lại cái máy bay đó với thời hạn 20 năm, giá thuê 3 triệu/năm. Hoạt động bình thường thì máy bay khấu hao 2 triệu, khai thác được 3 triệu, lãi 1 triệu. Bây giờ khai thác 3 triệu vừa đủ trả tiền thuê, không có lãi trong 20 năm vì lãi đã ăn hết ngay từ đầu. Nếu trong tương lai chi phí tăng, thu giảm thì hãng sẽ ngay lập tức bị lỗ.

Điều này lý giải tại sao VJA, BBA liên tục mua máy bay với số lượng khủng, VJA đã đặt tổng cộng 250 máy bay trong khi hiện tại chỉ đang vận hành tổng cộng 64 máy bay. BBA ký mua 44 chiếc trong khi chỉ đang vận hành 6 chiếc. Đặc biệt BBA mua khá nhiều Boeing 787 là loại máy bay to bay đường dài, thường chỉ có hãng lớn, bay tuyến xa, nhu cầu lớn mới khai thác, trong khi BBA thậm chí còn chưa được phép bay quốc tế. Lý do là vì dòng máy bay này tỉ lệ chiết khấu hoa hồng cao hơn mấy dòng máy bay kia. Và FLC có lẽ đang trong giai đoạn thiếu hụt vốn trầm trọng nên phải dùng BBA để giải quyết nhu cầu vốn trước mắt.

Có bạn thắc mắc tại sao mấy bọn chuyên cho thuê máy bay nó ngu thế, không mua trực tiếp Boeing, Airbus với giá 40 triệu mà lại đi mua của bọn hàng không giá 50 triệu làm chi. :D Nói thật là bọn nó chả ngu tẹo nào, quá khôn nữa là khác. Tụi nó mua trực tiếp từ hãng giá rẻ rồi cho ai thuê? Lâu lâu có khách có nhu cầu thuê ngắn hạn thì khách đầu cần phải máy bay mới, cái nào chả được miễn hiệu quả thì thôi. Còn mua để đó thì lỗ chổng vó ngay. Mua của hãng hàng không thì nó ăn ở cái hợp đồng cho thuê lại đó. Về bản chất là nó cho hãng vay tiền thế chấp bằng máy bay, nhưng về mặt hồ sơ thì nó là chủ sở hữu, hãng hàng không là người đi thuê để lỡ hãng phá sản thì không ai được siết tài sản đó của nó.

Và những giải thích phía trên cũng đồng thời giải thích lý do tại sao VNA ít có những hợp đồng mua máy bay khủng như Vietjet hoặc Bamboo. Nguyên nhân là vì VNA là hãng quốc doanh, không có nhu cầu bóc lợi nhuận ngay từ bây giờ, không sale and leaseback để rồi tương lai rập rình nguy cơ bị lỗ. Dính đến hoa hồng hoa tỏi, kinh doanh lời 10 năm lỗ 1 năm là có nguy cơ bóc lịch thiên thu.

Mình có vài ý thế. Bạn nào biết chi tiết hơn thì chia sẻ với nhé.

Cảnh Nguyễn

Nguồn : VNTB, 02/03/2019

(via FB Nguyễn Giang Nam & Cảnh Nguyễn)

Published in Diễn đàn