Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biến động nhân khẩu nhưng chính quyền địa phương không biết ?

Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 31/10/2019

Nhiều người hoạt động trong các hội đoàn dân sự, chỉ cần rời khỏi nhà là gần như nhân viên công lực biết ngay. Thế nhưng lại có rất nhiều thanh niên phải tha hương mưu sinh tận xứ người, lúc có chuyện xảy ra như vụ thảm cảnh container Anh quốc hôm 23/10, thì phía quản lý Việt Nam lại… ngơ ngác (!?)

hokhau0

Phải chăng các biến động nhân khẩu đã không được cập nhật trong cái gọi là ‘sổ hộ khẩu’ ? Hay đây là sự tắc trách của chính quyền địa phương ?

Sổ hộ khẩu đã 'hoàn thành sứ mệnh lịch sử' ?

Hình mẫu gốc của chế độ hộ khẩu ở Việt Nam là hệ thống hộ khẩu (âm Hán ngữ là hùkǒu) của Trung Quốc. Giống như ở Trung Quốc, hộ khẩu ở Việt Nam được sử dụng để quản lý kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội. 

Tại miền Bắc trước năm 1975, sự hiện diện đầu tiên của hệ thống hộ khẩu trong một văn bản pháp lý vào năm 1957 với Thông tư 495-TTg, ban hành nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân từ các vùng nông thôn tới các thành phố Hà Nội và Hải Phòng thời chiến tranh.

Sau đó, hệ thống hộ khẩu được áp dụng chính thức toàn miền Bắc từ năm 1964 theo Nghị định 104-CP, trong đó đưa ra những tiêu chí cơ bản của hệ thống. Nghị định này được ban hành theo đề nghị của Bộ Công an, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành, phản ánh tầm quan trọng của hệ thống này như một biện pháp đảm bảo an ninh của một quốc gia trong tình trạng chiến tranh.

Từ tháng 4/1975, chính sách quản lý dân cư bằng hộ khẩu được mở rộng trên toàn quốc, với lý do chính là thực thi chế độ kiểm soát từng hộ gia đình, bên trong có những ai và người này phải chịu trách nhiệm về người kia nên canh chừng lẫn nhau.

Hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc sống mà không có các quyền và các dịch vụ mà Nhà nước cung cấp cho công dân. Hầu như tất cả các quyền dân sự của một cá nhân chỉ có thể được đảm bảo với sự có mặt của hộ khẩu.

Sau khi nền kinh tế bao cấp bị bãi bỏ, đời sống của người dân vẫn bị đóng khung trong chế độ kiểm soát hộ khẩu, đưa tới sự hình thành của hai thành phần xã hội là người có hộ khẩu ở tại chỗ, và di dân không có hộ khẩu, hay còn được gọi là lao động nhập cư nếu may mắn thì được xét cấp loại hộ khẩu tạm, có ký hiệu từ KT1, KT2, KT3.

Qua vụ việc nghi vấn có người Việt Nam bị tử vong trong thảm nạn di dân trái phép tại Anh Quốc hôm 23/10, thì khi chính quyền các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An đã lúng túng xác định danh sách những người dân có hộ khẩu ở địa phương, nhưng thực tế lại không có mặt tại nơi cư trú, cho thấy ngoài việc cần xem xét lại cung cách quản lý được chia theo ô khu phố lâu nay trên bản đồ hành chính địa phương của lực lượng cảnh sát khu vực, thì cái gốc ở đây là chuyện quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu dường như không còn thích hợp về quyền tự do cư trú được quy định ở Luật Cư trú.

Sao không áp dụng Luật Hộ tịch ?

"Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh. Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân" – Trích Điều 5. Bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, Luật Cư trú.

Như vậy về nguyên tắc thì tất cả người Việt Nam được quyền cư trú bất kỳ nơi nào trên đất nước của mình ; và nếu xuất cảnh hợp pháp, thì quyền cư trú đó của công dân Việt Nam tiếp tục nhận sự bảo hộ của luật pháp Việt Nam : "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý cư trú phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế ; thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến quản lý cư trú mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" (Điều 7, Luật Cư trú).

Thực tế hiện nay từ vụ nghi vấn có nhiều người lao động Việt Nam bị thiệt mạng trong container tại Anh Quốc hôm 23-10, cho thấy cần đẩy nhanh việc thay đổi quản lý hành chính từ sổ hộ khẩu của Luật Cư trú, sang dữ liệu cá nhân được quy định tại Luật Hộ tịch.

Theo như quy định của Luật Hộ tịch, có hiệu lực vào đầu năm 2016, Chính phủ chịu trách nhiệm thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân, với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này. 

Dữ liệu quốc gia với những thông tin cơ bản về mỗi cá nhân, bao gồm giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân. Dữ liệu này cũng cung cấp thông tin nơi thường trú, cũng như nơi cư trú hiện tại.

Tuy nhiên ở đây cần có sự dung hòa của hai lập luận thường gặp, thứ nhất, khi các hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân quá rộng, thường bị  những nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do dân sự lo ngại, rằng thông tin này sẽ bị chính phủ hoặc các nhóm tội phạm lợi dụng. 

Thứ hai, chiều ngược lại, nhiều người ủng hộ cho rằng việc lưu trữ thông tin hộ gia đình, nơi cư trú... sẽ đơn giản hóa quá trình tiếp cận các thông tin cần thiết, phục vụ cho việc hoạch định chính sách.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 31/10/2019

*********************

Chế độ hộ khẩu vi phạm nhân quyền

Quang Nguyên, VNTB, 31/10/2019

Báo Tuổi Trẻ online ngày 26/10/2019 viết : "Sở Xây dựng đề xuất cần ít nhất 20m2 sàn nhà ở/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ...". Đề xuất này được nhiều quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình. Tiêu chuẩn 20m2 sàn nhà ở/người là chỉ tiêu về nhà ở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú vào Thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chỗ ở trên. Nếu được chấp nhận, nó sẽ là một ‘bước tiến’ nữa của Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với nhà nước Việt Nam, vi phạm thêm quyền sống của công dân Việt Nam.

hokhau2

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền mà Việt Nam ký nhận tuân thủ viết :

Điều 13 : Mọi người có quyền tự do di trú bất cứ nơi đâu trong, ngoài nước.

Hiến Pháp Việt Nam viết :

Điều 22  Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Điều 23  Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Cái gọi là ‘ Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định’, ngoài những ràng buộc về phía công an, từ cấp bộ, thành phố, tỉnh, quận, huyện cho đến xã có quyền nêu đủ lý do cấm người dân đến hay đi ra khỏi nước, khỏi địa phương, các thành phố có những quy định riêng kiểm soát, giới hạn tự do đi lại và cư trú của người dân. Cuốn sổ hộ khẩu ảnh hưởng tiêu cực đời sống người dân một cách toàn diện.

Hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Người dân không có hộ khẩu không được huởng bất cứ dịch vụ và phúc lợi từ nhà nước như xin việc làm, chữa bệnh, học hành, mua nhu yếu phẩm gạo, thịt cá, dầu ăn, xăm lốp xe đạp, thậm chí việc thăm gia đình ở nơi khác cũng phụ thuộc vào hộ khẩu. Đi đâu phải xin phép tạm vắng, đến đâu cũng phải ra đồn công an xin phép tạm trú. Muốn làm gì cũng phải xin phép chính quyền, việc đầu tiên để được cho phép là phải có hộ khẩu. Toàn dân không khác gì những người bị quản chế sau khi ra tù, hay nói cách khác, qua chính sách hộ khẩu, cả nước là một nhà tù.

Tình trạng nhập hộ khẩu càng ngày càng bị thắt chặt hơn.

Lịch sử quản lý con người  qua chính sách hộ khẩu của chính quyền Việt Nam  tóm tắt như sau.

Kể từ khi kiểm soát được một phần lãnh thổ, chính quyền kháng chiến Việt Minh đã có chính sách kiểm soát sự đi lại và cư trú của người dân. Sau 1954, khi kiểm soát được miền Bắc, những nghị định, thông tư của thủ tướng chính phủ lần lượt bắt người dân vào ‘nề nếp’ bằng hộ khẩu, rập khuôn theo Trung quốc.

Thông tư 495TTg ngày 23/10/1957 : Chính phủ hướng dẫn dùng mọi cách hạn chế người nông thôn nhập cư, sống, tìm việc làm ở các thành phố Hà Nội và Hải Phòng sau khi Uỷ ban hành chính Hà Nội và Hải Phòng báo cáo "trong năm 1956, hai thành phố đã ‘vận động’ được một số đông đồng bào có quê quán ở nông thôn về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp".

Hệ thống hộ khẩu được áp dụng chặt chẽ từ năm 1964. Nghị định 104-CP của Hội Đồng Chính Phủ ngày 27 tháng 6, 1964 theo đề nghị của bộ công an, ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu. Hộ khẩu được áp dụng như một biện pháp "Để tăng cường việc giữ gìn trật tự trị an xã hội". Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu qua nghị định này cho thấy sự di chuyển, cư trú của từng người dân , kể cả người chết, bị nhà nước quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Mỗi người dân được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại một và chỉ một hộ gia đình, một địa chỉ và việc di chuyển chỉ được phép khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cả nước trở thành một trại tù, cái xiềng nối mọi người là tờ hộ khẩu. 

Nghị định 31/2014/ND-CP ngày 04/18/2014 quy định về việc thực hiện Luật Cư trú. Để đăng ký hộ khẩu thường trú, một người phải có thời gian sống tạm trú trong một năm (khi đăng ký mới ở các huyện), và hai năm (khi đăng ký mới vào các quận nội thành).

Chính sách hộ khẩu vi phạm nhân quyền, ảnh huởng vào đời sống của mỗi cá nhân, tồi tệ nhất là người dân nông thôn và các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Thông tư 495TTg ngày 23/10/1957 viết rõ ràng "VỀ VIỆC HẠN CHẾ ĐỒNG BÀO Ở NÔNG THÔN RA THÀNH PHỐ" ; người nông dân bị phân biệt đối xử một cách công khai. Các nghị định, thông tư quy định di trú, tạm trú, tạm vắng , nhập khẩu sau này không ghi những cấm cản đối với người dân nông thôn , nhưng thủ tục nhập khẩu thành phố là những trở ngại cho người dân quê, đương nhiên gồm cả dân tộc thiểu số muốn vào thành phố. Báo cáo của World Bank về Việt Nam năm 2017 cho biết chỉ 1% người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thành phố.

Bị lên án nhiều về vi phạm nhân quyền xuyên qua chế độ hộ khẩu, đồng thời nhận ra được tình trạng này ngăn cản phát triển kinh tế, ngày 30/10/2017, Việt Nam loan báo bỏ thủ tục cấp sổ hộ khẩu. Các quan chức chính phủ nói trong khi chờ giải quyết dứt điểm sổ hộ khẩu bằng các bước thay thế, chế độ hộ khẩu được nới lỏng dần dần. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vây. Bài viết của báo Tuổi Trẻ là bằng chức rõ nhất cho thấy chính quyền, từ trung ương đến địa phương vẫn muốn can thiệp vào quyền cư trú của người dân. Hà Nội quy định chỗ ở của người tạm trú phải là 15m2/người và phải có hộ khẩu tạm trú 3 năm. Thành phố Hồ Chí Minh ra điều kiện người muốn xin thường trú phải có hộ khẩu tạm trú ít nhất 2 năm và có một chỗ ở hợp pháp đủ 20m2 cho mỗi người trong hộ. Báo Tuổi Trẻ viết :".. người muốn nhập hộ khẩu vào Thành phố Hồ Chí Minh phải có diện tích nhà, căn hộ (của mình hoặc người thân, hoặc thuê, ở nhờ…) ít nhất 20m2 sàn nhà ở/người trở lên". Chính quyền quàng ách hộ khẩu lên cổ người dân, xiết chặt việc nhập cư thành phố hơn nữa. Một gia đình 4 người, vợ chồng và hai con nhỏ, muốn nhập hộ khẩu phải có một nơi cư trú rộng đến 80m2, phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng hơn chục triệu. Chuyện hoang đường đối với các gia đình lao động. Trong thành phố hơn chục triệu dân, ít gia đình khá giả ở Sàigon hiện nay có chỗ ở khoảng 80m2 cho 4 người, và cũng hiếm gia đình 4 người kiếm được vài chục triệu một tháng để đủ tiền trả tiền nhà và sinh hoạt.

Ngoài những thủ tục gây khó khăn về nhập cư, thường trú, chính quyền dành cho họ quyền xâm phạm nơi cư trú của người dân bất cứ lúc nào. Ngày 08/04/2019 trang web. luatleVN viết 8 điểm cần lưu ý năm 2019, "cảnh sát khu vực được quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào".

Các quy định về hộ khẩu của chính quyền Việt Nam xâm phạm quyền tự do cư trú, tự do đi lại, quyền an sinh xã hội, quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa của công dân.

Chính sách hộ khẩu được thiết lập từ những chế độ cai trị khắc nghiệt Trung Hoa thời Chu hàng 3 ngàn năm trước để bắt lính, đánh thuế, quản lý dân. Các nước cộng sản Trung Hoa, Liên Xô, Bắc Hàn, Mông cổ, Việt Nam học lại, thêm vào những quy định ngặt nghèo, tinh vi hơn. Sau khi Liên Xô tan rã, tòa án Nga phán quyết bãi bỏ chính sách hộ khẩu vi hiến, vi phạm nhân quyền. Các nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn vẫn giữ.

Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ bỏ sổ hộ khẩu từ 2017, nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định chỉ bỏ tờ giấy gọi là sổ hộ khẩu, không bỏ quản lý. Đến nay sau hai năm tuyên bố bãi bỏ, thủ tục cho phép nhập hộ khẩu thành phố còn khó khăn hơn.

Chính phủ Việt Nam quản lý người dân qua sổ hộ khẩu từ hơn nửa thế kỷ, nhiều người sinh ra tên nằm trong hộ khẩu, đến chết cũng chưa được giải thoát khỏi cuốn sổ cực kỳ quan trọng trói buộc cuộc sống và chỗ chôn họ. Chế độ kiểm soát người dân qua sổ hộ khẩu vi phạm trầm trọng nhân quyền, nhưng nhiều người dân Việt Nam sinh ra đã thấy tên mình trong sổ hộ khẩu, cảm thấy an tâm, thậm chí hãnh diện có tên trong một hộ khẩu thành phố nào đó, được chính phủ cho sống như thế nào ‘vui vẻ’ chấp nhận như thế, chịu khuất phục trong cái ách hộ khẩu một cách tự nhiên, thấy nó như một phần cơ thể bẩm sinh của mình mà không biết mình đã bị tước bỏ quyền sống của một con người với đầy đủ nhân phẩm.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 31/10/2019

Tham khảo :

http://documents.worldbank.org/curated/en/644471467996650491/pdf/106381-VIETNAMESE-P132640-PUBLIC.pdf

https://tuoitre.vn/dieu-kien-nhap-ho-khau-tp-hcm-can-20m2-nha-nguoi-20191026082550413.htm

Published in Diễn đàn