Ngày 7 tháng Bảy, 2016, hàng ngàn ngư dân tại giáo xứ Cồn Sẻ, vùng Ba Đồn, Quảng Bình đã biểu tình đòi đuổi công ty Formosa về nước đồng thời yêu cầu bộ trưởng tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà phải từ chức. Cuộc biểu tình bị đàn áp mạnh tay và xảy ra bạo động, ngư dân xô xát với lực lượng công an, hai ngư dân bị thương tích, người dân nổi giận ném gạch đá về phía lực lượng công an ngăn chận biểu tình.
Đây là phản ứng mạnh mẽ đầu tiên và chắc chắn không phải là cuối cùng của người dân sau khi nhà cầm quyền công bố kết quả thảm họa ô nhiễm môi trường khiến các loại hải sản và môi trường biển nhiễm độc chết, dọc những tỉnh duyên hải miền Trung. Sau gần ba tháng "điều tra, tìm kiếm nguyên nhân", thủ phạm được xác định là công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đây là một dự án có vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đô la, có thời hạn hoạt động kéo dài 70 năm. Nhà cầm quyền cũng công bố số tiền mà Formosa hứa sẽ "đền bù thiệt hại" là 500 triệu Mỹ kim.
Vụ biểu tình của ngư dân Cồn Sẻ cùng những bài báo, bài phân tích đầy giận dữ của nhiều người viết trên mạng xã hội đã nói lên thái độ căm phẫn của người dân. Tại sao dân chúng vẫn nổi giận khi thủ phạm bị chỉ đích danh và đã cam kết bồi thường ? Có lẽ không khó nhận ra rằng, cách thức và thái độ của nhà cầm quyền khi giải quyết vấn đề chưa thể làm an lòng người, ngay cả đối với những người ít hiểu biết hoặc ít quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Điểm lại sự kiện
Ngày 4 tháng Tư, 2016 ngư dân phát hiện hiện tượng cá biển, cá nuôi lồng phơi bụng chết dạt thành đống trắng bờ, khởi sự từ Vũng Áng, Hà Tĩnh rồi lan dọc theo bờ biển đến Quảng Bình, Quảng Trị, Huế đã khiến dân chúng hoang mang mất ngủ. Nỗi lo lắng càng ngày càng gia tăng khi cá chết tiếp tục lan xuống phía Nam tấp vào bờ Đà Nẵng. Hiện tượng đó tiếp tục trải rộng đến Nha Trang, Phan Thiết. Những làng chài rộn rịp thường ngày nay trở nên vắng ngắt như có đám tang. Ngư dân gác mũi tàu, phơi lưới lên bờ chạy gạo nuôi con. Hàng ngàn hecta đầm hồ nuôi trồng thủy hải sản và làm muối lâm vào cảnh cùng quẫn. Các bãi biển nồng nặc mùi hôi thối vì không chỉ cá tôm mà các loài giáp xác, nhuyễn thể, san hô và rong rêu bắt đầu phân hủy. Ngư dân Hà Tĩnh ngay lúc ấy lên tiếng tố cáo nhà máy luyện thép Formosa xả chất thải độc xuống lòng biển, vài thợ lặn đã phát giác những đường ống ngầm khổng lồ từ nhà máy chui dưới mặt nước, vươn ra cách bờ gần 2km. Dòng chất độc hôi thối màu vàng sậm ấy vẫn tiếp tục xả, người thợ lặn đầu tiên phát hiện đường ống xả đã tử vong. Nhiều người bị ngộ độc phải vào bệnh viện điều trị khi ăn thủy hải sản trong vùng. Bầu không khí lo âu lan truyền khắp đất nước vì rõ ràng bữa cơm của mỗi người dân Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi thảm nạn này. Nó cũng đồng thời bộc lộ nhiều vấn nạn từ trách nhiệm và cách hành xử của những người điều hành đất nước, trách nhiệm của những đại công ty đang làm ăn tại Việt Nam, thái độ sống của mọi tầng lớp nhân dân và trên hết là tương lai của tổ quốc, của dân tộc Việt.
Điều đáng ngạc nhiên là từ các giới chức địa phương cho đến những người lãnh đạo cao nhất đất nước đã thể hiện sự lúng túng, né tránh trách nhiệm, thậm chí mâu thuẫn nhau khi đối diện với thảm họa. Mới hôm trước ông thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường nói ống xả thải của Formosa là hợp lê, thì hôm sau ông bộ trưởng cũng của bộ đó phát biểu ống xả đó sai và không được phép (!). Một ông lãnh đạo phát biểu hùng hồn rằng cá chết "không liên quan gì đến Formosa mà do tảo nở hoa", do "thủy triều đỏ"… Suốt nhiều ngày, khi lòng dân đang hoang mang sôi sục thì nhà cầm quyền lại hành xử như vô can, hơn hai tuần sau khi phát hiện cá chết, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư của đảng vẫn tươi cười xuất hiện tại chính cái nhà máy Formosa ấy để "kiểm tra tiến độ thi công", tất nhiên ông ta không hề có lời nào về cá chết hoặc môi trường (!). Các quan chức cao cấp không biết nhận lệnh từ ai để liên tục và đua nhau trấn an dư luận khi tuyên bố và "trình diễn" những trò ăn hải sản, tắm biển. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đại diện của Formosa đã huỵch toẹt lên tiếng rằng họ luôn tuân thủ các quy định về xả thải, việc xả chất thải của họ đã được các cơ quan chức năng cấp phép (!) Khi bị các phóng viên chất vấn, ông Chu Xuân Phàm, một người Đài Loan giữ chức phó giám đốc đối ngoại của Formosa trả lời "giữa sắt thép và môi trường phải chọn một trong hai" câu phát ngôn này như đổ thêm dầu vào đám cháy. Ngày hôm sau chính ông và toàn ban lãnh đạo Formosa phải cúi đầu xin lỗi, ông Phàm cũng bị sa thải ngay sau đó. Tuy nhiên, chính câu nói (có lẽ do lỡ lời) của ông Chu Xuân Phàm đã bộc lộ một sự thật là nếu Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế qua việc phát triển kỹ nghệ nặng thì buộc phải chấp nhận môi trường bị hủy hoại.
Báo chí truyền thông sau ít ngày lên tiếng bỗng như bị sa vào lớp bùng nhùng rối loạn của thông tin liền bị cấm không được đề cập đến thảm họa. Cách hành xử đầy vẻ đối phó và dối trá của nhà cầm quyền đã khiến dân chúng phẫn nộ. Một số tổ chức xã hội dân sự đồng loạt lên tiếng đòi hỏi họ phải điều tra thấu đáo và có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Ủy ban Công lý & Hòa bình Giáo phận Vinh (nơi thảm họa xảy ra) cũng đã ra thông cáo gửi các tín hữu về thảm họa đồng thời "yêu cầu nhà cầm quyền thành lập một Ủy ban điều tra độc lập cấp Chính phủ để truy tìm nguyên nhân, đồng thời đưa ra những giải pháp thích đáng nhằm ngăn chặn thảm họa trong hiện tại và cả tương lai", "mau chóng khắc phục thảm họa. Tạm thời ngưng hoạt động của các khu công nghiệp, các nhà máy đang thải chất thải ra biển. Hỗ trợ ngư dân, hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản, làm muối và các doanh nghiệp", "Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan", "Trong khi chính quyền chưa bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thích đáng, chúng tôi kêu gọi mọi người dân hãy biết tự bảo vệ chính mình, cầu nguyện và liên đới chia sẻ những khó khăn với các nạn nhân trong thảm họa này". Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang đã nổ ra các cuộc biểu tình với thông điệp"cá cần nước sạch, dân cần minh bạch" đòi nhà cầm quyền phải minh bạch thông tin và trả lời về nguyên nhân cá chết, ngư dân miền Trung đối diện trực tiếp với đói kém đã biểu tình nhiều ngày liên tiếp, họ còn phong tỏa dòng lưu thông Bắc - Nam trên Quốc lộ một để bày tỏ sự không đồng tình. Những cuộc biểu tình ấy bị nhà cầm quyền đàn áp dã man và dập tắt một cách thô bạo. Bộ máy công an trùm lên khắp nơi một bầu không khí đe dọa để ngăn cản nỗ lực của dân chúng muốn tìm hiểu sự thật. Nhiều người dân đã tham gia ký bản kiến nghị nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ, chính phủ Hoa Kỳ đã mau mắn đáp lại đề nghị ấy nhưng vấp phải sự thờ ơ khiếm nhã của nhà cầm quyền nên không thể vào cuộc.
Trước áp lực quá lớn từ người dân, nhà cầm quyền Hà Nội buộc phải hứa hẹn sẽ mở một cuộc điều tra và trả lời trong tháng Sáu. Không thể trì hoãn thêm, vào ngày cuối cùng của tháng Sáu, Hà Nội đã công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường vừa nêu. Điều khó hiểu là phía công ty Hưng Nghiệp Formosa đã không trực tiếp ra mặt, họ gửi một video clip dài năm phút cảnh các lãnh đạo công ty xin lỗi, cam kết bồi thường và để truyền thông Việt Nam truyền tải lại. Formosa cũng đưa ra lời phân bua rằng lỗi xảy ra do một nhà thầu phụ bị cúp điện nên không thể kiểm soát được việc xả thải. Điều khó hiểu là nhà cầm quyền Việt Nam, thay vì đứng về phía "bị hại" là nhân dân mình thì lại ra sức bao che cho Formosa. Trong cuộc họp báo đó, để trả lời câu hỏi của có khởi tố vụ án hình sự với Formosa hay không, ông bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói truyền thống khoan dung, độ lượng của Việt Nam và cần cân nhắc, xem xét lại. Một lãnh đạo cao cấp mà phát biểu hết sức cảm tính để viện dẫn cách ngôn "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" cho một sai phạm trầm trọng mang tầm cỡ quốc gia, ông cựu thứ trưởng môi trường Đặng Hùng Võ thì cho rằng đây là một "thắng lợi lớn của chính phủ", rồi vụ Formosa đã kết thúc "có hậu" ; xứng đáng "10 điểm"…
Với động thái đó, dường như nhà cầm quyền chỉ lo trấn an dư luận và tưởng rằng mọi chuyện đã có thể khép lại. Họ không hề quan tâm đến nguyện vọng của dân chúng, đặc biệt là đời sống của những ngư dân bị thiệt hại rồi sẽ ra sao ; môi trường biển, nơi nuôi sống hàng chục triệu người Việt sẽ ra thế nào ? Số tiền 500 triệu Mỹ kim do Formosa cam kết sẽ bồi thường thoạt nghe có vẻ nhiều, nhưng chỉ cần một phân tích tài chính đơn giản nó đã trở nên quá ít. Đơn cử, kinh phí để nạo vét và làm sạch kênh Nhiêu Lộc dài hơn 10km giữa Sài Gòn đã gần bằng con số 500 triệu đó. Nhiều người cũng dẫn chứng về mức bồi thường trên thế giới về những vụ hủy hoại môi trường trầm trọng tương tự bốn tỉnh miền Trung :
- Tháng Tư, 2016, tòa án thành phố New Orleans, Mỹ, tuyên mức phạt lên đến 20 tỷ Mỹ kim cho Tập đoàn dầu khí BP của Anh, sau sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico.
- Tháng Hai, 2011, tòa án ở Lago Agrio, Ecuador đưa ra mức phạt 18 tỷ Mỹ kim, sau đó giảm xuống còn 9,5 tỷ đối với Tập đoàn dầu khí Chevron, sau cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực Amazon tại Ecuador.
Dĩ nhiên, tuy có cùng tội danh là "hủy hoại môi trường" nhưng nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục, quy định của luật pháp của mỗi nước đều khác nhau nên khó có thể so sánh một cách chung chung được. Song, lẽ ra nhà cầm quyền phải có một cuộc đánh giá quy mô và thấu đáo về mức độ thiệt hại do Formosa gây ra trên mọi phương diện, từ đó mới cho ra số liệu là kết quả khoa học của việc lượng giá. Kết quả đó sẽ chính là cơ sở để buộc thủ phạm Formosa phải bồi thường một cách tương xứng. Để làm được việc này, nhất thiết cần có một cơ quan giám định độc lập, một tòa án quốc tế khách quan làm trọng tài. Nhưng rõ ràng nhà nước Việt Nam đã mau chóng thỏa thuận với Formosa con số 500 triệu Mỹ kim bồi thường (không biết dựa trên cơ sở nào). Dân chúng - những người thiệt hại chính - không hề được tham khảo ý kiến, không hề được biết chi tiết việc bồi thường tiến hành ra sao, rồi chuyện phân bổ tiền bồi thường liệu có còn nguyên vẹn khi đến tay người dân hay sẽ thất thoát phần lớn vào túi quan chức.
Ngư dân vùng biển chết miền Trung hiện đang lãnh nhỏ giọt mỗi người mười mấy ký gạo một tháng để cầm hơi ; nhà cầm quyền hứa sẽ "ưu tiên" cho học sinh được miễn học phí vào năm tới, trai tráng được đi xuất khẩu lao động coi như để đền bù thiệt hại. Trả lời báo chí, nhiều ngư dân cho biết họ quen vật lộn với sóng gió kiếm tôm cá ngoài khơi, nay nói họ học nghề mới để qua xứ người làm công, bỏ lại gia đình nheo nhóc, biết bao giờ mới có thể đi đánh cá trở lại (!) Nhưng ngay tại địa phương họ, cũng đang bị trùm dưới bầu không khí ngột ngạt đầy hăm dọa của công an chìm nổi, họ không thể cất tiếng nói phẫn uất trước thực tại.
Cuộc biểu tình của ngư dân Cồn Sẻ ngày 7 tháng Bảy vừa qua bị đàn áp dã man là bằng chứng cho thấy, nhà cầm quyền sẵn sàng sử dụng bạo lực để dập tắt nguyện vọng của nạn nhân vụ Formosa. Không những vậy, tất cả những ai dám mạnh miệng đòi hỏi sự minh bạch đều dễ dàng bị đánh đập tàn nhẫn, ngày 09 tháng Bảy, tám thanh niên nam nữ giáo dân đi dự tiệc cưới đã bị một chiếc xe chở đầy côn đồ bắt cóc, mang ra cánh đồng vắng trấn lột rồi hành hung một cách man rợ ; Ngày 10 tháng Bảy, blogger Lã Việt Dũng sau khi đi đá banh về cũng bị 6 kẻ lạ mặt dung hung khí đánh rách đầu… có điểm gì chung giữa hai vụ hành hung vô cớ này ngoài các nạn nhân đều là những người hăng hái đòi hỏi nhà cầm quyền phải minh bạch trong vụ Formosa. Lên tiếng sau khi bị hành hung, blogger Lã Việt Dũng viết : "Dù họ có đánh rất đau nhưng chắc chắn sẽ không khuất phục được mình trong việc lên tiếng phản đối Trung Cộng xâm lược, phản đối sự đớn hèn và bất công của chính quyền cộng sản".
Blogger Lã Việt Dũng
Tại sao blogger Lã Việt Dũng lại nêu việc Trung Cộng xâm lược và sự đớn hèn bất công của nhà cầm quyền cộng sản ? Có nhiều bằng chứng cho thấy rõ ràng dự án Formosa có bàn tay của Trung Quốc can thiệp. Gần đây nhất, báo điện tử Một Thế Giới ngày 09 tháng Bảy đưa bài báo "Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc là "vai chính" xây dựng nhà máy Formosa Hà Tĩnh" bài báo đó đã bị buộc gỡ bỏ sau khi đưa ra những thông tin, hình ảnh từ chính website của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) để chứng minh sự nhúng tay sâu đậm giữa MCC và Formosa.
Một sự kiện cần biết, Formosa là một doanh nghiệp khổng lồ Đài Loan, song cũng chính tập đoàn này là doanh nghiệp Đài Loan đầu tiên có sự gắn bó mật thiết với Trung Quốc, việc bà tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc khiến Bắc Kinh nóng mặt và Formosa cũng là "điểm xấu" mà Đài Loan không muốn xấu lây. Điển hình ngày 17 tháng Sáu, Quốc hội Đài Loan đã thúc giục chính quyền Đài Loan điều tra về trách nhiệm liên đới của Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam. Bên cạnh đó, báo chí truyền thông Đài Loan cũng đăng nhiều bài viết tỏ thái độ với sự tắc trách của Formosa. Đặc biệt trong phóng sự dài 60 phút mang tên "Việt Nam - Cái chết của cá" phát ngày 20 tháng Sáu, 2016, (ngày 25 tháng Sáu phát lại) phóng viên Đài truyền hình PTS của Đài Loan đã đi sâu vào thực tế, trực tiếp phỏng vấn ngư dân miền Trung Việt Nam bị ảnh hưởng.
Phóng sự công phu của đài PTS đã gây rúng động dân chúng Đài Loan, ngay tại Đài Loan cũng có những cuộc biểu tình tại Đài Loan yêu cầu chính quyền sở tại có động thái làm rõ và xử lý trách nhiệm nếu có liên quan đến vụ cá chết. Tham gia biểu tình có cộng đồng Việt tại Đài Loan và cả người bản xứ. Trong đó, nhiều người Đài Loan đòi chính quyền Đài Bắc phải đối diện giải quyết vấn đề ô nhiễm biển cho người dân. Phóng sự truyền hình dẫn lời nghị sĩ Tô Chí Phần của đảng Dân Tiến nhận định, nếu chính quyền mới của Đài Loan không giải quyết một cách thận trọng trước cơn phẫn nộ lan rộng của cộng đồng người Việt thì sẽ không thể khép lại hệ lụy. "Formosa không được xã hội tin tưởng chính vì Formosa không quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phớt lờ những ngờ vực của người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm công nghiệp"... Điều trớ trêu là báo chí Việt Nam đã không thể lẩn tránh sự kiện "rùm beng" này và phải đăng lại những hình ảnh ngư dân nghèo đói, những hình ảnh dân chúng biểu tình của chính xứ mình qua tường thuật của đài truyền hình PTS Đài Loan. Những người thực hiện phóng sự này cũng cho biết họ phải rất khó khăn khi quay phim vì bị nhà chức trách và công an địa phương rình rập, cản trở.
Trở lại chuyện Formosa, người dân Việt Nam có quyền nêu nghi vấn, tại sao một dự án "quan trọng" như vậy lại để xảy ra chuyện cúp điện mà không có nguồn điện dự phòng, để xảy ra tác hại khôn lường như thế ? Lật lại hồ sơ, nhiều chuyên gia phát giác rằng Formosa đã "đánh tráo" công nghệ luyện cốc từ dập khô thành dập ướt. Trong khi đó không thấy trách nhiệm của các cơ quan giám sát thực hiện đầu tư khi để Formosa tha hồ thay đổi phương thức hoạt động bất chấp tác hại môi trường. Đơn giản vì nếu dùng công nghệ ướt thì kinh phí thấp hơn và xả thải độc hại nhiều hơn. Cũng thế, lẽ ra với kỹ nghệ luyện thép như Formosa làm thì kinh phí xử lý ô nhiễm cần đầu tư đến 2 tỷ Mỹ kim, ở Vũng Áng theo như công bố thì họ chỉ đầu tư 45 triệu. Theo một báo cáo của đoàn thanh tra cho biết Formosa sai phạm đến 53 lỗi từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Với cách làm ăn như thế, chỉ có thể nói Formosa đã xem nhà cầm quyền Việt Nam là một lũ ngu đần và đất nước Việt Nam chỉ là bãi rác để họ vừa thu lợi vừa xả thải bừa bãi.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã vượt luật lệ để dành mọi ưu đãi cho Formosa, ví dụ như cho thuê đất với thời hạn lên đến 70 năm và để mau chóng bàn giao đất, nhà cầm quyền địa phương đã di dời hơn 2,200 gia đình, 10.000 nhân khẩu cùng 36 nhà thờ, cùng hơn 16 nghìn ngôi mộ… để giao phó cho Formosa hơn 3.000ha đất và mặt nước ; ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng còn áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho Công ty Formosa được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm với giá quá rẻ mạt tổng cộng 96 tỷ đồng Việt Nam.
Có quá nhiều những khuất tất, cả về phía Formosa lẫn phía nhà cầm quyền Hà Nội trong dự án đại quy mô và đại thảm họa môi trường này và dân chúng chỉ còn biết tự đi tìm câu trả lời, tự đối phó với một tương lai đen tối ngay trước mắt. Những người quan tâm đến môi trường chỉ còn biết lên tiếng qua mạng internet, công an vẫn bố ráp từng nhà người đấu tranh, trung tâm các thành phố vẫn dày đặc công an chìm nổi. Dù thế, ngày Chủ Nhật 10 tháng Bảy vừa qua, vài nhóm nhỏ ở Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Bắc Giang… để tránh bị bắt bớ đã phải chơi trò "du kích", họ giăng những biểu ngữ nhỏ yêu cầu khởi tố và đuổi Formosa "cút đi". Nỗ lực của các anh chị em đó thật đáng biểu dương, nhưng cũng thật tội nghiệp. Họ chỉ ước mong thông điệp của mình sẽ đánh thức lương tri của toàn xã hội.
Nhưng biết đến bao giờ ?
Uyên Vũ
Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 7/2016)
Riêng việc tái tạo cácrạn san hô,sinh vật biểncó thể làm được nhưng thời gian kéo dài, vô cùng tốn kém và đòi hỏi các chuyên gia có trình độ cao".
Theo Tiến sĩ An, việccá chếtchỉ là phần nổi tảng băng, điều nguy hiểm hơn chính là nền tảng sự sống, hệ sinh thái đáy bị hỏng. Điều này để lại di chứng từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Việc phục hồi lại hệ sinh thái sinh vật đáy như : cá biển, san hô, sinh vật nhỏ bé, vi sinh vật sẽ rất mất thời gian, kéo dài có thể vài chục năm. Trong khi đó,ngư dân miền Trungsinh kế chủ yếu vào tài nguyên biển mà cá đáy, sinh vật đáy, nền tảng sinh vật đáy đóng vai trò đến 90%.Kinh tế biểnmiền Trung bị một cú đấm rất mạnh khi người dân có nguy cơ mất sinh kế, du lịch bị ảnh hưởng…".
Thời báo Kinh tế Sài Gòn nêu tên các Doanh nghiệp mất vốn gồm : "Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và dự án Nhà máy đạm Ninh Bình".
Bảy (07) dự án thua lỗ tiền tỷ khác gồm : "Dự án Đạm Hà Bắc ; Đạm DAP 1 Lào Cai ; DAP 2 Hải Phòng ; Ethanol Bình Phước ; Ethanol Phú Thọ ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất (dự án này trước của Tập đoàn Vinashin chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí khi đã thua lỗ nặng nề - chú thích của Thời báo Kinh tế Sài Gòn) ; dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai".
Không thấy ông Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ số tiền nghìn-nghìn tỷ mất toi của các dự án này là bao nhiêu, hay đã chạy vào túi ai ? Cũng không thấy báo cáo chính phủ nói gì đến những người đã gây ra thua lỗ và làm mất tiền của dân.
Chỉ thấy Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế Vương Đình Huệđã báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban xử lý thua lỗ ngày 20/12/2016 rằng : "Việc xử lý các dự án này phải tuân thủ nguyên tắc "kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường" như Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ đạo" (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 22/12/2016).
Điều đáng chú ý, theo Tuyết Nhung, phần đông những nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng này, sau khi chịu phạt hành chính vẫn được nhà nước cộng sản Việt Nam cho tiếp tục hoạt động.
Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lũ lượt tháo chạy khỏi Việt Nam mà đảng và nhà nước Việt Nam không dám cho dân biết.
Chỉ lo giữ Đảng
Tình hình kinh tế bi đát như tiết lộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và của các chuyên gia tại cuộc Hội thảo đầu tư mới đây tại Hà Nội ngày 5/12/2016, hiển nhiên không sáng sủa cho Việt Nam trước hiểm họa ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Trong khi thảm họa Formosa vẫn đang treo trên đầu dân.