Những người biểu tình đang tìm mọi cách ngăn chặn sự bành trướng của quân đội.
Hai tháng sau ngày quân đội đảo chính ở Myanmar, con số dân thường thiệt mạng đã lên đến 550 người. Trong bối cảnh bị quân đội đàn áp ngày một gay gắt, những người biểu tình đang tìm mọi cách để chống trả.
Họ tìm cách vô hiệu hóa tất cả các cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền quân quản, cắt đứt nguồn tài chính nuôi sống quân đội và liên kết các phong trào địa phương và quốc tế để phối hợp hành động. Dưới đây là bốn cách người biểu tình sử dụng để chống lại quyền lực của chính quyền quân quản Myanmar.
Kể từ khi quân đội đảo chính vào ngày 1/2/2021, các phong trào kêu gọi tẩy chay các công ty do quân đội sở hữu hoặc điều hành ngày càng gia tăng. Phong trào với khẩu hiệu "Stop Buying Junta Business" (ngừng mua các sản phẩm và dịch vụ của quân đội) có mục tiêu cắt đứt nguồn tiền nuôi sống tổ chức này.
Sinh viên Đại học Kinh tế ở Yangon kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của quân đội. Ảnh : Hnin Zaw/Twitter.
Chiến thuật của phong trào này đã đi xa hơn cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2007. Vào thời điểm đó, người Myanmar cũng xuống đường, nhưng không có sự phối hợp nào để ngăn chặn chính quyền quân sự bằng các biện pháp kinh tế.
Quân đội Myanmar sở hữu nhiều tập đoàn kinh doanh lớn, bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ thực phẩm, nước giải khát, bán lẻ, viễn thông cho đến ngân hàng và cơ sở hạ tầng.
Hiện một số tập đoàn bán lẻ, chuỗi nhà hàng và các cửa tiệm tạp hóa ở Myanmar đã ngưng dự trữ các sản phẩm bia, thuốc lá, thẻ cào điện thoại do quân đội sản xuất. Các nhà hoạt động chống đảo chính cũng đang liên hệ với các công ty quốc tế có đầu tư vào Myanmar để yêu cầu họ đình chỉ hoặc tạm ngừng kinh doanh với quân đội.
"Chúng tôi sẽ không mua hoặc bán các sản phẩm liên quan đến bất kỳ khoản kinh phí quân sự nào, bởi vì chúng tôi không muốn đồng lõa với một chế độ giết người", Thaw Zin, người điều hành một nhà hàng ở Myanmar cho biết trên tờ Financial Times.
Đáng chú ý, Mytel – một dự án hợp tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lực lượng vũ trang Myanmar, đã trở thành một trong những doanh nghiệp bị kêu gọi tẩy chay nhiều nhất.
Ở Myanmar, các ngân hàng đang phải đóng cửa, hàng hóa tại các bến cảng không được thu gom, và các cơ quan chính phủ ở thủ đô Naypyidaw đang trong tình trạng "vườn không nhà trống", theo tường thuật của The New York Times.
Theo các quan chức, 90% hoạt động của chính phủ đã bị đình trệ.
Các bệnh viện chính phủ không có người điều hành đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới, và một số bệnh viện đã đóng cửa. Tình hình nghiêm trọng tới mức đích thân Thống tướng Min Aung Hlaing đã phải thúc giục những nhân viên y tế quay lại làm việc.
Những người đình công hy vọng chỉ vài tuần hoặc vài tháng, quân đội sẽ cạn kiệt ngân sách.
Hơn 50 nhân viên của Ngân hàng Kinh tế Myanmar tham gia đình công vào ngày 11/2/2021. Đây là ngân hàng lớn nhất trong số bốn ngân hàng quốc doanh của Myanmar. Ảnh : Frontier Myanmar.
Vào đầu tháng 3/2021, 18 tổ chức công đoàn đã kêu gọi các công nhân nghỉ việc. Đây được xem là cuộc tổng đình công lớn nhất trên cả nước.
Liên hiệp công đoàn đại diện cho các ngành nông nghiệp, xây dựng và chế xuất cho biết trên tờ Al Jazeera : "Không ai có thể ép buộc bất kỳ công dân Myanmar nào làm việc. Chúng tôi không phải, và sẽ không bao giờ là nô lệ của quân đội". Họ nói thêm rằng cuộc tổng đình công toàn quốc sẽ tiếp tục cho đến khi họ "lấy lại được nền dân chủ".
Đáp lại việc quân đội gia tăng đàn áp người biểu tình, đặc biệt sau khi một em bé 7 tuổi bị bắn chết tại nhà vào ngày 24/3, các nhà hoạt động đã kêu gọi dân chúng thực hiện một cuộc "đình công im lặng" (silent strike). Người dân được khuyến cáo ở nhà và tránh đến các cửa hàng vào ngày này. Chiến thuật này làm đường phố Yangon và các thành phố khác "vắng như chùa Bà Đanh".
Một cảng hàng hóa không có người bốc dỡ ở Yangon, vì các công nhân đã đình công. Ảnh : New York Times.
Các cuộc đình công đã gây tổn thất lớn cho quân đội. Một mỏ đồng ở miền bắc vùng Sagaing, do quân đội và một công ty Trung Quốc đồng sở hữu, đã ngừng hoạt động sau khi hơn 2.000 công nhân rời đi. Hàng trăm kỹ sư và nhân viên của Mytel đã nghỉ việc.
Hoạt động của chính phủ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do phần lớn công chức đã nghỉ việc, việc thu thuế cũng như cấp giấy phép xuất nhập khẩu cũng như các loại giấy phép khác đều bị đình trệ. Các dòng tiền ra vào đất nước cũng chững lại vì ngân hàng tư nhân đóng cửa. Các ngân hàng quân đội đã phải hạn chế các giao dịch rút tiền của người dân vì lo ngại hết tiền mặt.
Điện thoại di động và Internet được những người biểu tình Myanmar khai thác triệt để trong các phong trào biểu tình chống đảo chính. Các nền tảng như Facebook và Twitter là phương tiện giúp người Myanmar giao tiếp với nhau và với thế giới bên ngoài, và là vũ khí để người biểu tình chống lại quân đội.
Một chiến dịch "trừng phạt xã hội" (social punishment) lan rộng khắp Myanmar. Các cửa hàng từ chối phục vụ cảnh sát và binh lính. Một trang web được lập ra nhằm chỉ mặt điểm tên những người là thân nhân, có liên hệ hoặc ủng hộ quân đội.
Các thông tin có thể bao gồm ảnh chụp, nơi ở, nơi làm việc, tên trường học và cả tài khoản mạng xã hội của họ để những người Myanmar trên thế giới đều có thể truy tìm. Những người phản kháng cho rằng đây là cách để tạo áp lực lên quân đội.
Một cửa hàng ở Myanmar treo tấm biển có nội dung : "Chúng tôi không bán hàng cho cảnh sát và binh lính". Đây là một phần trong chiến dịch "trừng phạt xã hội" ở Myanmar, phản ánh sự căm phẫn sâu sắc đối với quân đội. Ảnh : mpc/ Twitter.
Nói về cách mà những người biểu tình kết nối với nhau, bà Moe Thuzar, đồng điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Myanmar thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) cho biết trên Channel News Asia : "Facebook là nền tảng quan trọng hàng đầu để người dân Myanmar chia sẻ và cập nhật thông tin, đồng thời tập hợp phong trào phản đối việc chiếm quyền lực bất hợp pháp của quân đội ở Myanmar".
Facebook tiếp tục bị chặn ở Myanmar mặc dù lệnh cấm Internet đã được dỡ bỏ. Những người biểu tình đã dùng VPN (mạng riêng ảo) để vượt tường lửa và truy cập vào mạng xã hội để cập nhật và chia sẻ thông tin về kế hoạch tổ chức biểu tình. Trong thời gian Internet bị cắt, họ lập các nhóm liên lạc thông qua tin nhắn điện thoại di động.
Trong cuộc nổi dậy năm 1988, quân đội có thể đàn áp thành công những cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người, vì người biểu tình chỉ có thể dựa vào những quyển sách được in ấn thô sơ và những lời truyền miệng để kết nối với nhau. Nhưng giờ đây, các phong trào biểu tình đã được tổ chức và kết nối chặt chẽ hơn, nhờ vào sự phổ cập smartphone và mạng Internet.
Công nghệ thông tin đã làm thay đổi xã hội Myanmar. Tính đến tháng 1/2020, Myanmar có hơn 22 triệu người dùng Internet và 68 triệu thuê bao di động. Tỷ lệ phổ cập Internet vào năm 2020 là hơn 40%, tăng vọt so với mức 0,2% vào năm 2010.
Các tổ chức xã hội dân sự ở Myanmar như Progressive Voice (Tiếng nói Cấp tiến), Athan, All Burma Federation of Student Unions (Liên đoàn toàn thể các Hội đoàn Sinh viên), Action Committee for Democracy Development (Ủy ban Hành động vì sự Phát triển Dân chủ) và Generation Wave (Làn sóng Thế hệ), v.v… đang nỗ lực phê phán chính quyền quân quản cũng như kêu gọi các nỗ lực quốc tế chống lại các hoạt động chính trị – kinh tế của quân đội.
Theo Diplomat, các liên minh đa sắc tộc và quốc tế của Phong trào Bất tuân Dân sự (Civil Disobedience Movement – CDM) cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ từ các phong trào đấu tranh xuyên quốc gia.
Các liên kết xuyên quốc gia đã hình thành giữa các nhà hoạt động ở Myanmar, Hong Kong và Thái Lan, nơi các phong trào ủng hộ dân chủ diễn ra trong bối cảnh đại dịch và đều bị lực lượng an ninh đàn áp.
Liên minh Trà sữa kết nối thanh niên ở nhiều quốc gia, trở thành một phong trào dân chủ nổi bật tại Châu Á. Ảnh : Cornelia2121/ Twitter.
Trên mạng xã hội, những người biểu tình tụ họp thông qua hashtag #MilkTeaAlliance (Liên minh Trà sữa). Được đặt tên theo món uống được giới trẻ nhiều quốc gia Châu Á ưa thích, Liên minh Trà sữa giúp những người trẻ chia sẻ kinh nghiệm và chiến thuật biểu tình, cũng như lan tỏa thông điệp của nhau.
Người biểu tình Myanmar đã học cách biểu tình chớp nhoáng (flashmobs) của người Hong Kong, sử dụng mũ bảo hiểm và ô vàng để chống lại lực lượng an ninh. Họ cũng sử dụng biểu tượng giơ ba ngón tay để phản kháng mà người Thái Lan khởi xướng.
Người biểu tình Myanmar sử dụng biểu tượng ba ngón tay mà người Thái Lan khởi xướng. Ảnh : AP.
Vào ngày 1/4/2021, 407 tổ chức xã hội dân sự của Myanmar phát thông điệp kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đứt quan hệ với Ủy ban Bầu cử Liên minh (Union Election Commission – UEC). Họ cáo buộc tổ chức này đã bị quân đội thao túng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới theo hướng có lợi cho chính quyền quân sự.
Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn trong ngành may mặc ở Myanmar cũng đang kêu gọi các lệnh trừng phạt quốc tế toàn diện để hạ bệ chính quyền quân quản của Thống tướng Min Aung Hlaing. Các biện pháp trừng phạt toàn diện có thể lấy đi sinh kế của 600.000 công nhân, nhưng một số lãnh đạo công đoàn nói rằng họ sẵn sàng bị sa thải còn hơn là chịu sự áp bức của quân đội.