Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sáng 22/05, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chia sẻ : Bây giờ cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý.

baochi1

Hình ảnh căn biệt thự tại Tây Hồ và chú thích của Tạp chí Môi trường Đô thị điện tử

Quan điểm này nhằm vào các vụ việc báo chí phản ánh các biệt phủ và siêu biệt thự trong thời gian qua, đặc biệt trang tin Môi trường & Đô thị từng phản ánh hai căn biệt thự khủng (trị giá trên dưới 1 USD) ở Tây Hồ (Hà Nội) thuộc sở hữu của 'một Ủy viên Bộ Chính trị ; và một thuộc về Bộ trưởng công thương'.

Cách nhìn của ông Thuận Hữu nối tiếp chỉ đạo trước đó của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, khi nhấn mạnh ‘hiện tượng lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng.’

Thực ra, nếu đứng ở góc nhìn lập pháp về quyền tài sản cá nhân và chức năng chức minh nguồn gốc tài sản thì quan điểm của ông Thuận Hữu không sai. Tuy nhiên, hiện tượng nguồn gốc tài sản không nguồn gốc, có tính bất minh tại nhà quan chức, cán bộ luôn là câu hỏi lớn đối với người dân. Và thực tế đã cho thấy, trong thời gian vừa qua, phát hiện các biệt phủ/biệt thự vượt khả năng 'làm kinh tế' của các cán bộ nhà nước là từ chính tính ‘tò mò’ của báo chí. 

Rõ ràng, báo chí có quyền thực thi quyền giám sát qua việc phản ảnh và đặt câu hỏi, và nếu một căn nhà thực sự minh bạch có nguồn gốc rõ ràng, thì tại sao phải sợ sự ‘nhăm nhăm’ đó của báo chí ? Trong khi đó, khâu phát hiện và đặt dấu hỏi là tiền đề của công cuộc chống tham nhũng hiện nay.

baochi2

Biệt phủ và câu chuyện phản ánh thông tin phòng chống tham nhũng của báo chí. Ảnh : Zing

Cần nhấn mạnh, chức năng ‘nhăm nhăm’ chính là chức năng thông tin, đây là chức năng cơ bản mang tính tiên quyết của báo chí. Nói đến báo chí là nói đến thông tin và một sự kiện, hiện tượng nào đó. Báo chí tồn tại và phát triển chẳng qua là để đáp ứng nhu cầu thông tin không ngừng của con người và xã hội. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, nhu cầu thông tin rõ ràng về chính trị gia (bao gồm tài sản hiện có của họ) mang tính bức thiết. Chẳng phải chính vì vậy mà nhu cầu được 'minh bạch hóa' - 'kê khai hóa' tài sản một cách trung thực của đội ngũ quan chức trong Đảng và nhà nước luôn được nhấn mạnh trong các câu hỏi liên quan đến hiệu quả phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đến đâu đó sao ?

Thứ nữa, ‘nhăm nhăm’ thuộc về bản chất của nguyên tắc dân chủ cơ sở, trong đó dân biết – dân bàn – dân làm và dân kiểm tra. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ bị hạn chế thậm chí vô hiệu hóa nếu như hạn chế quyền lực dân chủ cơ bản này của người dân thông qua báo chí, bởi người dân ủy nhiệm cho cánh báo chí 'kiểm tra - giám sát' việc này. 

Ngoài ra, cần phải nhắc đến một nền báo chí hiện đại là nền báo chí phải đảm nhiệm trong người tính chính xác, nhanh chóng, và có vấn đề của thông tin. Việc khai mở những hình ảnh về biệt phủ và đặt câu hỏi liên quan chính là cách thức để thể hiện tốt vấn đề nêu trên đó.

Như vậy, những vấn đề hiện nay báo chí, đặc biệt mạng xã hội, các trang thông tin đang làm thì nên được khuyến khích, cổ vũ hơn là một sự ‘trách cứ’ hay ‘cảnh cáo’. Tất nhiên, phải đảm bảo thông tin ghi chú là sự thật, chứ không phải là sự cắt dán hay thông tin giả. Và làm như thế, thì nền báo chí Việt Nam mới thực sự chiếm lấy niềm tin của người dân, trở thành một phương tiện chống tham nhũng mạnh mẽ được. Còn nếu ngược lại, muốn báo chí bớt ‘nhăm nhăm’ thì tức là vạch ra một vùng cấm không cho báo chí đụng vào, và điều này sẽ chuyển báo chí trở thành định hướng, đưa cuộc chiến chống tham nhũng và nhu cầu được tiếp cận thông tin của người dân vào bế tắc.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 25/05/2018

Published in Diễn đàn