Nhân việc các công ty xổ số miền Nam lãi 8.800 tỷ đồng, bàn về vấn đề xổ số ở Việt Nam
Trong bài viết "Lãi gần 8.800 tỷ, các công ty xổ số miền Nam xin tăng vé phát hành" đăng trên báo VNExpress online ra ngày 24/7/2023 cho biết :
"21 công ty Xổ số kiến thiết phía Nam báo lợi nhuận gần 8.800 tỷ đồng nửa đầu năm và cho rằng lượng vé phát hành "hiện không đủ nhu cầu".
Nhiều người nghèo kiếm sống qua ngày nhờ bán vé số - Ảnh : Hữu Khoa
Thông tin này được công bố tại Hội nghị Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam ở TP Cần Thơ ngày 24/7. Ông Dương Minh Tú - Phó chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam - cho biết 6 tháng đầu năm doanh số phát hành xổ số truyền thống của 21 công ty thành viên tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Với việc số vé phát ra tiêu thụ gần hết (98%), doanh thu các công ty đạt 68.800 tỷ đồng, tăng 16%. Sau nửa đầu năm, các công ty này báo lãi tổng cộng hơn gần 8.800 tỷ đồng, tăng 10% ; nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng và đạt gần 61% kế hoạch năm".
Nhìn vào số liệu bài báo cho biết, doanh thu của các công ty số xố kiến thiết phía Nam nửa đầu năm nay là 68.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ đô la) trong bối cảnh nền kinh tế vô cùng khó khăn, các công ty phá sản, giảm đơn hàng và sa thải hàng loạt công nhân. Số xố là một hình thức vừa giải trí, vừa đầu tư rủi ro, vừa là một dạng cờ bạc trá hình vậy mà người dân Việt Nam chúng ta tiêu tốn (bằng tiền tươi) gần 3 tỷ đô la, đây mới chỉ là các tỉnh phía Nam, đồng thời chỉ là một dạng cờ bạc. Nếu tính cả nước, tức là thêm các công ty sổ xố kiến thiết của khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc nữa, đồng thời bao gồm tất cả các dạng cờ bạc đang có ở Việt Nam thì con số sẽ khủng khiếp ra sao ? Như vậy, chúng ta thấy, người Việt Nam có một sự đam mê với cờ bạc cực kỳ lớn. Trong các giao tiếp thường xuyên, chúng ta được nghe cô này cô kia bỏ chồng vì chồng ham mê cờ bạc, cá độ bóng đá. Chúng ta cũng nghe, gia đình này vừa bán nhà trả nợ cho con trai vì đánh đề, chơi cá cược bóng đá. Có thể nói, cờ bạc, đỏ đen đã ăn vào máu của người dân Việt Nam. Để trả lời câu hỏi, tại sao người dân Việt Nam chúng ta lại ham mê cờ bạc, đỏ đen đến vậy, cần có một đề tài rất lớn để nghiên cứu. Nhưng có thể nói, người dân có một sự mong ước lớn để thay đổi vận mệnh cuộc đời mình thông qua các hình thức đỏ đen. Như vậy, cuộc sống hiện tại của người dân chính là một bể khổ, mới nuôi dưỡng ước mơ lớn lao để thay đổi cuộc đời mình như vậy. Dần dần, nhưng điều này đã di truyền vào các thế hệ tiếp theo và trở thành tình trạng như hiện nay.
Ở Việt Nam, việc đánh đề (tức là đánh 2 số cuối của sổ xố kiến thiết miền Bắc mở thường hàng ngày) là vi phạm pháp luật (tất nhiên là với mức độ được thua từ 5 triệu đồng trở lên, tức là số tiền đánh đề chỉ được phép là khoảng 70.000 đồng trở xuống, vì thắng đề sẽ là 4.900.000 đồng). Ban đầu, công ty sổ xố kiến thiết miền Bắc không có hình thức đánh lô tô hai số cuối (giống hệt người dân đánh đề), nhưng sau đó thì các công ty sổ xố đều có hình thức đánh lô tô hai số cuối của số độc đắc. Không chỉ có hai số cuối mà cả 3, 4, và 5 số người dân có thể đánh theo hình thức lô tô tự chọn. Tức là người dân không được phép đánh đề với nhau, nhưng được phép đánh đề với nhà nước, bao nhiêu tiền cũng được, mà không vi phạm pháp luật. Đối với người dân, đó là hình thức đánh bạc lô đề, nhưng đối với nhà nước, nó là hình thức xổ số để xây dựng kiến thiết nước nhà, một sự đánh tráo khái niệm thô thiển ngang nhiên tồn tại trong một nhà nước độc tài.
Có một thắc mắc rất lớn từ cách thức hoạt động của các công ty xổ số ở Việt Nam. Thông thường trong các hoạt động xổ số, người ta phải quy định về nguyên tắc hoạt động để bảo đảm việc quay xổ số là vô tư, khách quan và công bằng. Giá trị của giải thưởng sẽ chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng số giá trị vé bán ra, và các yếu tố như thuế, chi phí vận hành và hoạt động bán vé, quay thưởng, trả thưởng… Ví dụ, một đợt xổ số có tổng giá trị vé bán ra là 10 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị giải thưởng là 5 tỷ đồng, chí phí vận hành cho hoạt động là 2 tỷ đồng, thuế phí 2 tỷ đồng, và phần lãi của công ty xổ số là 1 tỷ đồng. Như vậy, điều kiện tiên quyết là số vé bán ra phải bán hết, đạt giá trị 10 tỷ đồng thì phần tổng giá trị giải thưởng mới cố định là 5 tỷ đồng được. Bởi vì để quay vô tư và khách quan, bảo đảm cơ cấu giá trị giải thưởng thì phải bán hết vé, nếu không bán hết vé, quay vô tư giải thưởng trúng vào các vé số đã bán trong khi số vé chưa bán hết, chưa đạt tổng giá trị theo quy định thì công ty xổ số sẽ có nguy cơ bị lỗ ngay lập tức, và không có công ty nào làm như vậy. Đây là nguyên tắc cơ bản của các công ty xổ số, các công ty xổ số của các nước đều hoạt động theo nguyên tắc này. Nhưng ở Việt Nam, các công ty xổ số mở thưởng hàng ngày, với một cơ cấu giải thưởng cố định !?! Đây là điểm rất vô lý, bất hợp lý và không thể giải thích ! Bán vé và mở thưởng xổ số hàng ngày thì chắc chắn số vé không thể bán hết được trong ngày, không thể bán hết vé trong ngày mà cơ cấu giải thưởng là cố định thì chắc chắn không thể có chuyện quay số vô tư, khách quan được. Trong khi đó, người dân mua xổ số thì luôn tin tưởng các công ty, nhà nước quay số một cách khách quan, vô tư.
Như vậy là, với sự độc quyền, nhà nước đã thống trị một hình thức kiếm tiền từ sự đam mê của người dân nhưng bằng một cách thức ám muội. Điều đó giải thích tại sao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn nhưng các công ty xổ số đều có lãi lớn và yêu cầu tăng vé phát hành, mở rộng hoạt động.
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 07/08/2023
Trẻ em bán vé số (RFA, 16/02/2017)
Trẻ em trong độ tuổi đi học bán vé số ở Việt Nam. Ảnh chụp tại Long Xuyên ngày 7/9/2016. AFP photo
Trẻ em cần được chăm sóc, học tập để phát triển đầy đủ về mặt thể chất cũng như trí não. Đó là lý thuyết ; còn trong thực tế nhiều trẻ em ở Việt Nam phải ra đời mưu sinh để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.
Dù còn ở độ tuổi cắp sách tới trường, nhiều trẻ em ngày ngày phải lang thang khắp các hè phố lớn nhỏ, mời chào vé số kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Hình ảnh này rất dễ bắt gặp tại những nơi đông đúc như tại quận 5, vì dường như theo các em chỗ càng đông thì càng có nhiều khách.
Cường 14 tuổi, cha đã mất, mẹ em bệnh nặng. Em phải đi bán vé số để kiếm sống để đỡ đần nuôi những đứa em nhỏ phụ với bà ngoại. Đi cùng với Cường là Trung 12 tuổi, hai em cùng nhau lang thang trên những con phố để bán vé số. Trung hiện đang sống cùng ông bà nội, sau khi ba mẹ đã rời bỏ em, Trung chia sẻ :
"Mẹ con bỏ con rồi, ba con ở tù, giờ con sống với ông bà nội".
"Mẹ con về quê chữa bệnh rồi, còn cha con chết, con sống với ông bà ngoại".
Chúng tôi hỏi về cuộc sống hằng ngày của các em thì được chia sẻ :
"Con bán xong con về con nghỉ, ăn cơm, tới chiều đi bán tiếp".
"Còn con đi bán từ sáng đến giờ xong về tắm rửa, 4-5 giờ chiều con đi bán nữa".
Chúng tôi tiếp tục dạo quanh các phố và bắt gặp được một bé gái rất hồn nhiên , chúng tôi tiếp xúc bé và được biết :bé tên Ngọc sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, anh trai của em cũng bán vé số . Em chia sẻ : "Con nghỉ học từ năm lớp 2, đi bán vé số đã 4 năm rồi".
Gặp ba mẹ em đang bán bánh tiêu, mẹ của Ngọc tâm sự rằng cuộc sống gia đình vô cùng vất vả. Vì trước đây làm ăn thất bại nên anh nhà phải đi bán bánh tiêu. Chị còn hai đứa con nhỏ nên phải ở nhà chăm sóc. Đành lòng phải để Ngọc và anh trai đi bán vé số phụ giúp cho anh chị kiếm sống.
Chị chua xót khi kể lại rằng : "Chị còn 2 cháu nữa, anh nó cũng đi bán, trung bình tháng kiếm được mấy trăm à, bán bị gạt hoài, bị giựt. Hiện còn đang nợ tiền đại lý vé số".
Nhìn Ngọc – Trung – Cường đang ở tuổi ăn tuổi học, lẽ ra các em phải được tung tăng trên hè phố cùng bạn bè trang lứa cắp sách đến trường, vui chơi cùng sau những giờ học.
Ước mơ của các em là gì, Ngọc cho biết :
"Được về quê đi học, đi bán bánh tiêu với Ba, không muốn đi học nữa vì giờ cũng quá muộn rồi".
Việt Nam có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em từ năm 2004. The Điều 5 của luật này việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu".
Thực tế cuộc sống của nhiều cháu nhỏ tại Việt Nam cho thấy luật này vẫn chưa được thi hành đúng đắn.
***************
Việt Nam trao kỷ vật thời chiến cho Mỹ (RFA, 16/02/2017)
Bức tường tưởng niệm tại Washington, DC ghi tên những quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam chụp hôm 11 tháng 11 năm 2010. AFP photo
Việt Nam vừa trao hiện vật chiến tranh cho phía Hoa Kỳ như là một cử chỉ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia từng đứng bên hai chiến tuyến trong cuộc chiến trước đây.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi hôm nay cho biết việc trao cho phía Mỹ hiện vật trưng bày trong bảo tàng Việt Nam liên quan đến tù nhân chiến tranh người mất tích trong khi làm nhiệm vụ trước đây được diễn ra sau cuộc gặp hôm thứ hai giữa phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người Mất tích, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, trung tướng Mark Spindler, với giám đốc Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam, đại sứ Lê Thanh Tùng ở Hà Nội hôm thứ hai 13 tháng 2 vừa qua.
Trung tướng Mark Spindler cho hay Cơ quan mà ông hiện phụ trách trông cậy nhiều vào sự hợp tác với phía Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam để có thể tiến hành nhiệm vụ nhân đạo được giao phó.