Trên bàn tiệc cưới không biết anh nào trong mâm nói đến nhà báo, một anh hăng hái kể :
Ở công ty tôi vừa rồi có nhà báo của Tạp chí Cộng sản đến đặt vấn đề với doanh nghiệp muốn viết bài ca ngợi, quảng cáo gì để tạp chí đáp ứng chỉ cần quý doanh nghiệp ủng hộ x triệu. Do trước mặt nhà báo nên lãnh đạo doanh nghiệp nể mặt ậm ừ chưa hứa gì cụ thể có ý lờ đi "chạy làng" nhưng lãnh đạo, phóng viên tờ báo này vẫn không buông tha, liên tục đến thăm, điện thoại.
Những bao bố đầy ắp báo nhân dân, quân đội còn mới tinh chưa đọc đang tạp kết đưa vào kho đồng nát.
Cuối cùng doanh nghiệp "còm" cũng phải "nôn" ra mấy triệu cho tòa báo mặc dù từ chối mọi quảng cáo, bài viết ca ngợi vì doanh nghiệp đang âm thầm thực hiện một dự án vận tải chưa muốn tiết lộ. Sau khi nhận được mấy triệu đồng, tổng biên tập, tạp chí gọi điện cảm ơn rối rít...
Đúng rồi, đã sắp đến tết, cả xã hội đang hối hả làm nốt mọi việc của năm cũng để kiếm tiền trang trải tết. Với các toàn soạn báo quốc doanh cũng thế. Cả năm làm báo, "săn" quảng cáo kiếm tiền nhưng dịp cuối năm càng "tăng tốc". Ngoài làm tờ báo xuân tăng trang gấp ba, gấp năm số thường một cơ quan báo thường phải có thêm hai việc ngoài nghiệp vụ :
- Chuẩn bị mọi cách kiếm khoản tiền để cán bộ, phóng viên, công nhân viên có thêm thu nhập trang trải tết.
- Chuẩn bị khoản tiền để "chào cuối năm" lãnh đạo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý báo chí cấp trên.
"Cúng biếu" cấp trên gần như là những khoản đóng "bảo hiểm nghề nghiệp" mà tôi biết và tin là không mấy tòa soạn dám lơ là. Bởi vì, nghề báo quốc doanh cũng hay có yêu cầu đột xuất, có rủi ro, sai phạm như nông dân làm ruộng có mưa, bão, nắng hạn... Ví dụ, anh đăng bài phạm vào sếp quyền lực lớn hoặc vi phạm luật nào đó, muốn tăng trang báo, ra phụ trương quảng cáo cho doanh nghiệp nào đó, cán bộ, phóng viên bị "phốt" trong hoạt động nghề nghiệp vi phạm đạo đức... đều do lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí cấp trên phán xét. Vì vậy, nếu anh không có quan hệ tốt với người phán xét mình để họ nể nang từ trước đến khi có yêu cầu đột xuất, sự việc xảy ra mới cuống quýt xưng tên, xin xỏ nọ, kia là hạ sách, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"mà. Hồi tôi còn làm việc ở tờ tạp chí HKVN, dù tờ báo nhỏ, tự nuôi không nhận một đồng ngân sách nào, hầu như không phải nhờ vả gì lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí cấp trên nhưng trước tết năm nào lãnh đạo cũng lên danh sách biếu cấp trên cho "chắc ăn". Cũng vài lần tôi theo xe của nhân viên tạp chí đi "chúc tết sớm" lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí cấp trên thì cũng gặp rất nhiều đồng nghiệp các báo khác vào, ra "chúc tết" ở đây. Những khoản tiền chi này kế toán cơ quan báo phải nghĩ ra những khoản chi "ma" hợp thức để sau đó được tài chính cấp trên quyết toán. Nhiều đồng nghiệp cho biết những năm gần đây "phong trào" "chúc tết sớm" các cơ quan cấp trên còn "rầm rộ" hơn trước rất nhiều, nhất là trong thời buổi "quy hoạch lại báo chí" mối họa bị thu giấy phép luôn thường trực.
Với các doanh nghiệp nhất là loại "có máu mặt" thì "thôi rồi". Ngày thường quanh năm dãy ghế bên hành lang lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, các sân bay, doanh nghiệp... thường xuyên gặp các nhà báo, nhà văn, nhà thơ chầu chực xin làm việc đăng bài, quảng cáo. Những tháng cận tết thì cả dãy ghế dài ở hành lang chờ làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp thường kín chỗ phần lớn là các nhà báo nhà văn trong đó có nhiều phóng viên nữ xinh đẹp mặc váy ngắn chờ gặp lãnh đạo doanh nghiệp tiếp... Đây là "chiến lược" làm kinh tế của nhiều tờ báo quốc doanh. Họ tuyển những nhân viên nữ xinh đẹp, tửu lượng khá không phải để làm báo mà chủ yếu đi "ngoại giao" xin tài trợ, quảng cáo. Nhiều lãnh đạo báo rất vô lương tâm. Lợi dụng 2/3 số sinh viên báo chí ra trường không có việc họ nhận vào cơ quan gọi là "thử việc" không lương chủ yếu để sai vặt và đi xin quảng cáo. Cháu nào có duyên, "mặt dày" kiếm được nhiều quảng cáo thì tồn tại lâu, ngược lại sẽ sớm phải ra đi. Do doanh nghiệp ngày càng khó khăn nên việc săn quảng cáo cũng khó, nhiều tờ báo đặt ra mức hoa hồng rất cao từ 30% đến 50%. Vì vậy những nhà báo có thương hiệu, uy quyền giới doanh nghiệp nể, sợ thường kiếm được nhiều quảng cáo có thể mua nhà.
Nghệ thuật "moi tiền" doanh nghiệp của các TV, báo, rất đa dạng. Đó là xin viết bài, làm, phát tin, phóng sự... ca ngợi doanh nghiệp để họ trả tiền như trường hợp tạp chí cộng sản nói trên. Một người có kinh nghiệm chỉ thoáng qua cũng "ngửi" thấy "mùi tiền" trong các tin, bài báo, phóng sự trên các tờ báo, TV. Vừa qua trên nhiều tờ báo lớn xuất hiện các tuyên bố khẳng định phẩm chất đạo đức, sự tài giỏi, nhân văn, tinh thần tự cường, khí phách người Việt Nam của tỷ phú đất này, nọ bị dư luận nghi ngờ là "quảng cáo gián tiếp" kiểu trên.
Trường hợp phổ biến nhất là xin quảng cáo trả tiền giá cao, tức quảng cáo trực tiếp, có hợp đồng hẳn hoi. Đây là cách phổ biến, hợp lý nhất để doanh nghiệp nhà nước thực sự có nhu cầu quảng cáo hoặc tài trợ cho cơ quan báo. Bằng cách này doanh nghiệp không phải bịa ra các khoản chi "ma" để hợp thức chi phí. Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp cần quảng cáo phục vụ kinh doanh nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp vì sợ, nể nang, ưu ái tờ báo "sân sau" mà tài trợ cho khoản tiền lớn dưới hình thức quảng cáo. Tôi chứng kiến nhiều giám đốc tức tối phải ký những hợp đồng quảng cáo không cần thiết bị nhà báo mang sẵn chìa ra mà không nỡ từ chối.
Những tháng giáp tết nhiều doanh nghiệp khốn khổ bị báo chí nhắc nhở, đến xin viết bài trả tiền, xin quảng cáo, tài trợ. Nhà báo này chưa ra nhà báo khác lại vào. Có lần anh Nguyễn Xuân Hiển Tổng Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã mời tôi làm trợ lý báo chí cho anh, hứa "lương cao" chỉ với nhiệm vụ tham mưu cách ứng xử với giới báo chí giúp sân bay. Theo anh, trong đám báo chí có người tốt, xấu, người đáng giúp, người không mà ta cần biết rõ để giúp sân bay đối xử cho hợp lý, đỡ tốn kém vô ích. Tuy nhiên, tôi không nhận vì tính tôi không đủ kiên nhẫn, khôn ngoan để làm "ngoại giao".
Những năm gần đây nhà cầm quyền tăng cường quản lý, kiểm duyệt báo chí nên nội dung báo quốc doanh ngày càng nghèo nàn, "bảo hoàng". Nhiều tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Đại đoàn kết, Người cao tuổi... trước kia đăng nhiều sự thật "nhạy cảm", các vụ tham nhũng lớn... nhiều độc giả quan tâm phát hành số lượng lớn, thu hút nhiều quảng cáo, tăng thu nhập cho tờ báo thì nay nội dung nghèo nàn ít người đọc, quảng cáo sút giảm thu nhập của tờ báo thấp. Hiện nay nội dung các tờ báo trên đang "tiến sát đến báo quân đội, nhân dân.".. và thu nhập của nhà báo cũng "tiến" theo. Thế nhưng, những TV, tờ như Nhân Dân, Quân đội, các tờ báo của đảng bộ các tỉnh, thành thì "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta" (Lời reo mừng "lịch sử" của Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - Nguyễn Hữu Thỉnh") nhưng hàng mấy trăm tờ báo đoàn thể, ngành nghề nêu trên phải tự bươn chải cuộc sống thì ngoài xục xạo thông tin giật gân như vụ án, trạng thái cơ thể người đẹp, showbiz nọ, kia không có cách cải thiện nào khác là đi van xin, bức bách doanh nghiệp kiếm ăn.
Đó cũng là một nhân tố làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn, sức cạnh tranh yếu với doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là bi kịch của những lớp người hoài phí cả đời làm ra những sản phẩm mà trừ nhà cầm quyền không ai cần để phải hy sinh phẩm giá, ăn bám nhân gian.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 17/01/2019