Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam : Vỡ đê sông Lô, Trung Quốc thông báo giảm xả lũ đập thủy điện thượng nguồn

Trọng Thành, RFI, 11/09/2024

Lũ tiếp tục đe dọa nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Đêm hôm qua, 10/09/2024, nước sông Lô đã làm vỡ một đoạn đê tại tỉnh Tuyên Quang, giáp ranh với Phú Thọ. Theo báo chí trong nước, Trung Quốc cho biết giảm khối lượng "xả lũ" tại đập trên thượng nguồn sông Lô ở tỉnh Vân Nam.

xalu1

Các nhân viên cứu hộ dọn dẹp sau trận lũ ở thôn Làng Nữ, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 10/09/2024. AP - Pham Hong Ninh

Đoạn đê sông Lô trên địa phận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị vỡ 10 mét. Hàng trăm người đã được huy động trong đêm để hàn lại phần đê vỡ. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay, phía Trung Quốc đã chấp thuận giảm khối lượng xả nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dự kiến từ 250 m3/s xuống còn 200 m3/s và lùi thời gian xả lũ. Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan tại Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích bảo đảm an toàn cho các đập nước.

Theo thông tin từ phía Trung Quốc, do mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Việc xả nước với mức độ phù hợp là bắt buộc, bởi nếu không đập vỡ, gây tổn thất rất lớn cho cả hai nước.

Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam tại địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, với điểm cuối là ngã ba sông Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi con sông này hợp lưu với sông Hồng.

Chiều hôm qua, bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết đã liên lạc với đại biện lâm thời đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để đề nghị phía Trung Quốc phối hợp trong việc điều tiết lũ trên thượng nguồn các sông chảy xuống Việt Nam. Theo phía Việt Nam, sáng hôm qua, Trung Quốc cho biết "hai nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng không có kế hoạch xả lũ".

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do mưa lớn, lũ trên sông Hồng tiếp tục gia tăng, hầu hết các sông lớn đều ở mức báo động 3, tức mức báo động cao nhất. Đến 13 giờ hôm nay 11/9, mực nước sông Hồng dưới báo động 3 0,36m.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin của kênh VTV, theo đó, có ít nhất khoảng 300 người chết và mất tích từ đầu bão Yagi và trận lũ lịch sử tiếp theo. Tổn thất nhân mạng nặng nề nhất là vụ lở đất chôn vùi cả một làng tại tỉnh miền núi Lào Cao, khiến 30 người chết và 65 người khác mất tích.

Tại Thái Lan, có 4 người thiệt mạng do đất lở và nguyên nhân chưa được xác định. Lũ cũng gây nhiều thiệt hại vật chất tại cố đô Luang Prabang ở Lào. Trước khi vào Việt Nam, bão Yagi khiến ít nhất 24 người chết tại Philippines và miền nam Trung Quốc. Cho đến nay, tổn thất về nhân mạng do bão Yagi và đợt mưa lũ sau bão ở Việt Nam là cao hơn hẳn so với các nước láng giềng.

Trọng Thành

******************************

Các nhà máy tại các trung tâm xuất khẩu đối mặt với nhiều tuần gián đoạn sau khi bão Yagi đổ bộ

Reuters, VOA, 11/09/2024

Bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà máy và làm ngập các nhà kho tại các trung tâm công nghiệp hướng đến xuất khẩu ở miền bắc Việt Nam, và một số nhà máy hiện đóng cửa dự kiến sẽ mất nhiều tuần để hoạt động trở lại bình thường, các giám đốc điều hành cho biết.

xalu2

Hình ảnh ngập lụt ở Hà Nội.

Cơn bão mạnh nhất Châu Á trong năm nay vẫn gây ra lũ lụt và lở đất chết chóc hôm 11/9, giết chết hàng chục người và tàn phá cơ sở hạ tầng như lưới điện và đường sá, sau khi đổ bộ vào đất liền vào cuối tuần.

Sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Việt Nam là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, vốn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm của họ sang Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước phát triển khác.

"Nhiều thứ [sản phẩm] đã mất hoàn toàn", ông Calvin Nguyễn, người đứng đầu công ty hậu cần Việt Nam WeDo Forwarding, nói về các sản phẩm dự kiến được giao đến Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không nói rõ là các sản phẩm nào.

Ông cho biết ba nhà kho của công ty tại thành phố ven biển Hải Phòng đã bị thổi bay mái và vẫn bị ngập hôm 11/9.

Bộ Công thương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Tại Hải Phòng, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì cơn bão, 95% doanh nghiệp đã được dự kiến tiếp tục hoạt động hôm 10/9, cơ quan quản lý các khu công nghiệp cho biết.

"Nhiều doanh nghiệp đã bị tốc mái, một số bức tường bị sập, cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà để xe và cửa trượt bằng kim loại bị lật, nước tràn vào các nhà máy", cơ quan này cho biết trên trang web của mình.

Tại các khu công nghiệp có nhà máy ở Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh lân cận, 20 trong số 150 nhà máy của các nhà đầu tư sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất vài tuần, ông Bruno Jaspaert, người đứng đầu các khu công nghiệp cho biết.

Ông dự kiến mức tiêu thụ điện ở đó sẽ duy trì ở mức thấp hơn một phần ba so với mức bình thường trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, vì nhiều công ty đang bận rộn xây dựng lại các nhà máy bị hư hại, ông cho biết, trích dẫn một cuộc khảo sát thiệt hại.

Một quan chức nắm thông tin về cuộc khảo sát cho biết một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Jupiter Logistics, một phần của tập đoàn do Japan Airlines đồng sở hữu. Tuy nhiên, Jupiter Logistics vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.

Tại một khu công nghiệp khác ở Hải Phòng, tập đoàn điện tử LG Electronics của Hàn Quốc cho biết họ đã tiếp tục hoạt động một phần hôm 10/9 sau khi tường của một nhà máy bị đổ sập hôm 7/9 và một nhà kho chứa tủ lạnh và máy giặt bị ngập nước.

Cắt điện

Trong khi tập đoàn điện lực nhà nước EVN đang nỗ lực khôi phục hàng chục đường dây điện bị hư hỏng, tình trạng mất điện vẫn đang làm tê liệt một số khu vực ở phía bắc.

Tại Quảng Ninh, phía bắc Hải Phòng, nhiều nhà máy vẫn thiếu điện hoặc nước, ông Jaspaert cho biết.

Nhà máy của nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc Jinko Solar đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cửa sổ bị vỡ nát và mái bị thổi bay, khiến công việc không thể tiếp tục hôm 10/9, một công nhân cho biết.

Các quan chức của Jinko vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.

Nằm cách xa bờ biển, các trung tâm công nghiệp của Thái Nguyên và Bắc Giang, nơi có các nhà máy lớn của các công ty đa quốc gia, như Samsung Electronics và nhà cung cấp linh kiện cho Apple là Foxconn, cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, một nhân chứng của Reuters cho biết không có dấu hiệu lũ lụt hôm 11/9 tại các cơ sở lớn của Samsung ở Thái Nguyên, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía bắc, vì nước đang rút, mặc dù dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn.

Reuters

Nguồn : VOA, 11/09/2024

******************************

Trung Quốc cho biết đang ‘hợp tác’ với Việt Nam về kiểm soát lũ lụt

VOA, 11/09/2024

Trung Quốc cho biết đang hợp tác với Việt Nam về kiểm soát và phòng ngừa lũ lụt do cơn bão Yagi mà Việt Nam gọi là bão số 3 gây ra, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ.

xalu3

Hình ảnh lũ lụt ở Thái Nguyên do hậu quả của cơn bão Yagi.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại một cuộc họp báo hôm 11/9 rằng hai nước "đang duy trì liên lạc chặt chẽ và hiệu quả để hợp tác về kiểm soát và phòng ngừa lũ lụt".

Theo hãng tin này, bà nói thêm : "Để hỗ trợ kiểm soát lũ lụt của Việt Nam, các nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính của Sông Hồng đang ngăn và tích trữ nước".

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó đã gửi công hàm cho Trung Quốc và trao đổi với đại biện lâm thời nước này tại Hà Nội để đề nghị Bắc Kinh có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại hạ du sông Hồng.

Theo báo chí trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và lãnh sự quán tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, cũng đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam về việc kiểm soát việc xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng ở tỉnh Vân Nam.

Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giảm hoặc đóng cửa xả tại các đập thủy điện ở thượng nguồn, đồng thời nếu có xả lũ thì cần thông báo kịp thời thời điểm, thời gian và lưu lượng xả lũ, theo Tuổi Trẻ.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói rằng từ 2 giờ chiều ngày 11/9, phía Trung Quốc xả lũ thủy điện phía thượng nguồn sông Lô, phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, nhưng lưu lượng xả "nhỏ" nên "không ảnh hưởng quá lớn".

"Phía bạn cũng đã có văn bản thông báo cho chúng ta từ sớm để lên các phương án chuẩn bị. Lưu lượng xả cũng nhỏ, chỉ 250 m3/s nên có tác động nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn tới lũ hạ du Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói, theo VGP News.

Cổng thông tin này dẫn lời lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thông tin rằng lưu lượng xả trung bình một cửa xả của thủy điện Hòa Bình là 1800 m3/s nên "lượng xả của Trung Quốc là thấp".

Trước đó, tin cho hay, sáng ngày 11/9, UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh giáp ranh với Trung Quốc, cũng đã có công điện chủ động ứng phó khi Trung Quốc xả lũ thủy điện.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 11/9 dẫn dữ liệu từ Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết rằng tới chiều ngày 11/9, có ít nhất 155 người chết và ít nhất 141 người mất tích vì cơn bão số 3 cũng như hậu quả của cơn bão này gây ra.

TTXVN đưa tin rằng "bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa", "gây mưa lớn" và "gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều nhà ở bị hư hỏng ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng ; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...".

Nguồn : VOA, 11/09/2024

*****************************

Số người chết và mất tích do ảnh hưởng của bão Yagi tiếp tục tăng

RFA, 11/09/2024

Số người chết và mất tích do bão Yagi (bão số ba) đổ vào miền Bắc Việt Nam hôm 7/9 vừa qua tiếp tục tăng và đã lên đến 292 người tính đến 11 giờ ngày 11/9, theo số liệu của Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

xalu4

Người đàn ông mặc áo mưa đi qua các con phố ngập nước ở Hà Nội hôm 11/9/2024 – Nhac Nguyen / AFP

Cụ thể, số người chết là 152 người và số người mất tích là 140 người.

Những tỉnh có nhiều người chết và mất tích nhất là Lào Cai với 155 người (55 người chết, 102 người mất tích) ; Cao Bằng với 52 người (gồm 29 người chết và 23 người mất tích) ; Yên Bái có 40 người trong đó 37 người chết và ba người mất tích – tất cả đều do sạt lở đất.

Phần lớn những tổn thất về người đều do sạt lở đất và lũ lụt do bão gây nên.

Báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết có hơn 160.000 ha lúa bị ngập úng ở miền Bắc ; hơn 30.000 ha hoa màu bị ngập úng và thiệt hại ; hơn 1.600 lồng bè nuôi trồng huỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi ; hơn 790.000 con gia súc, gia cầm bị chết.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vào sáng ngày 11/9 ra cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá tại 16 địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ.

Nguồn : RFA, 11/09/2024

******************************

Lũ lụt đe dọa nhấn chìm miền Bắc, Việt Nam đề nghị Trung Quốc ngưng xả lũ

VOA, 10/09/2024

Hàng trăm người chết và mất tích khi nước lũ các sông ở miền Bắc Việt Nam dâng cao, có nguy cơ nhấn chìm các tỉnh, trong đó có thủ đô Hà Nội, trong khi Việt Nam vừa cấp tốc đề nghị Trung Quốc ngưng xả lũ trên sông Hồng, theo tìm hiểu của VOA.

xalu5

Mưa lũ sau bão Yagi gây ngập lụt ở tỉnh Bắc Giang.

Hà Nội đã bị ngập lụt ở nhiều nơi và đang đối mặt nguy cơ ngập trên diện rộng sau khi nước sông Hồng dâng cao đến mức báo động 1, đài truyền hình Hà Nội cho biết. Hình ảnh trên đài truyền hình này cho thấy nhiều hộ dân khu vực ven sông Hồng ở huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Sóc Sơn… đã bị ngập lụt với hàng trăm hectare hoa màu bị chìm trong biển nước.

Ba ngày sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam hôm 7/9, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng trên khắp miền bắc, khiến nước các con sông lớn dâng cao, gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy nước các con sông chảy cuồn cuộn ngấp nghé đến mặt cầu.

Đến trưa ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã ban bố lệnh báo động cấp độ 1 sau khi mực nước sông Hồng lên mức 9,5 mét, theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam.

Ngay trong đêm 9/9, chính quyền phường Phúc Xá, quận Tây Hồ, đã phải khẩn cấp di dời 4 hộ dân với 9 nhân khẩu trên bãi giữa sông Hồng trong khi nhiều hộ gia đình ven sông ở các huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã phải chạy lũ trong đêm, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.

Trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin vỡ đê ở huyện Sóc Sơn, tuy nhiên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã bác bỏ thông tin này.

Trong lúc này, các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã công bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ và sạt lở đất, Thanh Niên đưa tin.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết thành phố Yên Bái và nhiều địa phương của tỉnh chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập, giao thông chia cắt với hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập. Còn tại Lào Cai, mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở ở nhiều nơi và khiến nước sông, suối lên nhanh có nguy cơ gây lũ quét, theo VTV.

Tới ngày 10/9, đã có gần 40 người chết và mất tích ở Yên Bái do sạt lở đất, theo Tuổi Trẻ, còn ở Lào Cai, một trận lũ quét vào sáng ngày 10/9 đã vùi lấp gần 130 người ở huyện Bảo Yên làm 56 người chết và mất tích, trang VnExpress đưa tin.

Trước đó, thành phố Thái Nguyên tại tỉnh Thái Nguyên cũng bị ngập lụt khi nước sông Cầu dâng cao. Một người dân ở đây đã nói với VOA rằng nhiều người dân vùng lũ bị mắc kẹt trong điều kiện không có điện, nước và thông tin liên lạc.

Còn tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Giang, nước các con sông cũng lên nhanh gây lũ cuốn khiến có người dân thiệt mạng, theo Tuổi Trẻ.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc và trao đổi với đại biện lâm thời nước này tại Hà Nội để đề nghị Bắc Kinh có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại hạ du sông Hồng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và lãnh sự quán tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, cũng đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam về việc kiểm soát việc xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng ở tỉnh Vân Nam.

Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giảm hoặc đóng cửa xả tại các đập thủy điện ở thượng nguồn, đồng thời nếu có xả lũ thì cần thông báo kịp thời thời điểm, thời gian và lưu lượng xả lũ, Tuổi Trẻ cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào trưa ngày 10/9 đã đi thị sát tình hình ở tỉnh Bắc Giang và chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh bị thiên tai để bàn về công tác ứng phó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin.

Ông đã yêu cầu các lực lượng quân đội, công an huy động tất cả phương tiện và lực lượng, kể cả trực thăng, để cứu trợ người dân.

Nguồn : VOA, 10/09/2024

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Reuters, VOA, RFA
Published in Diễn đàn