Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 2009, một cái tin nhỏ trên báo địa phương Ninh Thuận sau đó đã thu hút rất nhiều tờ báo quay lại theo dõi và đưa tin. Bất ngờ là 11 năm sau, nó tiếp tục trở thành đầu đề cho vô số bài báo khác nữa phân tích về hiệu quả của các dự án nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

bo1

Con bò tót đực (màu đen) ở Vườn quốc gia Phước Bình đã giao phối với bò nhà của người dân Ninh Thuận và sinh ra nhiều con bò tót lai F1 – Vườn quốc gia Phước Bình

Đó là chuyện "yêu" và "cưới" của con bò tót đực tách bầy trong vùng rẫy thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Con bò tốt số

Năm 2009, một con bò tót đực mạnh khỏe bất ngờ bỏ bầy về ăn chung với đàn bò nhà mà người dân xã Bạc Rây 2 đang nuôi thả ở ven chân núi Phước Bình. Câu chuyện này tưởng như không quá kỳ lạ nhưng sau đó, chỉ riêng tít của các tin tức, bài báo viết về nó đã đủ thú vị.

- Năm 2009 : Bò tót hung dữ tấn công người dân (báo Dân Việt).

- Năm 2010 : Bò tót hung dữ tàn phá hoa màu (báo VnExpress).

- Năm 2010 : Tính chuyện "cưới 5 vợ" cho chú bò tót hung hãn quấy dân (báo Dân Trí).

- Năm 2011 : Về sống cùng bò nhà, bò tót cần được bảo vệ (báo Nhân Dân).

- Năm 2012 : Bò tót trở lại Phước Bình (báo Ninh Thuận).

- Năm 2014 : Bò tót Ninh Thuận : Lộc của rừng xanh (Hội bảo vệ môi trường và thiên nhiên).

- Năm 2015 :  Nuôi bò tót lai ở Ninh Thuận (báo Nghệ An).

- Nguồn gen quý hiếm của bò tót lai ở Ninh Thuận (báo Đại Đoàn kết).

- Năm 2016 : Bò tót lạc rừng thành "rể thuần" của cả đàn bò nhà (Trang tin điện tử soha).

- Năm 2017 : Lai bò tót thế hệ hai, tin vui ngày đầu năm (báo Lâm Đồng).

- Mừng hơn bắt được vàng, lần đầu tiên lai tạo được bò tót thế hệ F2 (báo Khám Phá, của Sở khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh).

- Năm 2018 : Thu bạc tỷ sau nhiều vụ "cưỡng dâm" của bò tót (báo Thế giới tiếp thị).

- Năm 2020 :  11 'hậu duệ' bò tót rừng ở Ninh Thuận... 'kêu cứu'

- Dự án nghiên cứu kết thúc, đàn bò tót F1 ở Ninh Thuận bỗng suy kiệt gầy trơ xương (báo Tuổi Trẻ).

Câu chuyện tóm tắt như sau : Năm 2009, một con bò tót đực bỗng bỏ rừng xuống la cà với đàn bò nhà của người dân ở thôn Bạc Rây 2, thuộc xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm đó, đây là vùng núi nghèo xơ xác của tỉnh Ninh Thuận vốn đã nghèo xác xơ, thuộc loại nghèo nhất cả nước. Huyện này cách thủ phủ của tỉnh khoảng 70 km. Dân trong thôn hầu hết là người dân tộc thiểu số Raglai, sống bằng làm rẫy và chăn nuôi nhỏ, do vậy một con bò là cả tài sản của họ.

Con bò tót đực đi ăn chung với đàn bò cái và lập tức gây dựng một hậu cung đông đúc gồm nhiều chục con cái. Bò đực nào láng cháng tới gần cũng bị nó đuổi đánh, một con bò đã bị húc thủng ngực. Hậu quả này là tất nhiên vì con bò tót đực cao tới khoảng 1,7m, nặng ước chừng 1 tấn, cơ bắp bóng loáng. Đứng bên bò nhà, nó to cao gấp ba bốn lần.

Xót ruột vì bò cái bị thương sau những lần giao phối với bò tót, lại thêm bò đực tử thương, những người dân nuôi bò ở đây nhiều lần tìm cách bẫy, đuổi, giết con bò tót đực nhưng không thành.

bo2

Bò lai F1 VGQ Phước Bình

Báo chí lúc đó cũng chỉ quan tâm vào khía cạnh này nên giật tít bò tót tàn phá rẫy của người dân, xem con bò tót là đối tượng nguy hiểm cần phải đuổi đi (tiêu diệt thì không dám vì nó là loài được bảo tồn, có tên trong Sách đỏ Việt Nam).

Việc một số báo chí đưa tin con bò đã rượt chém gây bị thương cho một số người, sau này được chính những người dân ở đây thừa nhận nguyên nhân chính là do nạn nhân. Họ đã kéo đến quá gần con bò tót, xâm phạm ranh giới an toàn của nó và liên tục khiêu khích, đe dọa, ném đá đe dọa. Thực chất con bò này rất nhát người đúng như bản năng thú hoang dã, thoáng bóng người là bỏ chạy. Sau này báo Tuổi Trẻ đã có một loạt bài nói về đàn bò tót sợ hãi trong Vườn quốc gia Phước Bình.

Nhưng chỉ ít lâu sau, những người dân có bò cái được con bò tót đực thị tẩm đã nhận ra giá trị của nó. Đầu tiên cũng chính là ông Nguyễn Văn Chuẩn, người có bò đực bị húc chết và từng tìm cách giết con bò tót. Bò cái nhà ông mang thai, sinh con nghé mang đủ dấu hiệu của bò tót : lông đen, 4 chân trắng, sừng cong vút hình vành nguyệt. Mới tròn một tháng, đã to gấp ba bò thường và lanh lợi đặc biệt. Nó không gần người, không cho xỏ mũi và khi thả ra cho ăn, nó tự tách ra để kiếm ăn độc lập chứ không ăn chung với các con bò khác.
Nguồn lợi được xác định. Người dân lập tức nhận ra giá trị của con bò tót đực và thay vì xua đuổi nó như trước, bây giờ họ cố chăn thả đàn bò cái vào khu vực trảng cỏ ven bờ sông Tô Hạp, vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình, nơi con bò tót từ rừng đi xuống, để mong có được nguồn giống bò lai cực tốt này.

Dự án tốt mã

Tổng cộng có đến 20 con nghé lai bò tót to khỏe được sinh ra. Ông Chuẩn lại là người được lợi nhiều nhất : riêng đàn bò của ông đã sinh ra 9 con nghé lai, cả đực lẫn cái. Giá bán chúng cao gấp 4 lần bò thường. Khi bán đi mấy con cho Dự án nghiên cứu gene bò tót lai, ông đã có trong tay ngót nửa tỷ đồng - số tiền quá lớn với một người nuôi bò tỉnh lẻ vào thời điểm cách đây gần chục năm. Một người khác bán 4 con, được 200 triệu.

Biết tin, Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng-những nơi chia sẻ ranh giới hoạt động của con bò tót liền nghĩ tới việc sử dụng nguồn gien của nó để tạo ra đàn bò tót lai.

Báo chí thời điểm đó viết :

"Con bò tót lai đầu tiên chào đời đã gây được sự chú ý, quan tâm đặc biệt của Vườn Quốc Gia Phước Bình cũng như các nhà khoa học. Ngay sau đó, dự án "Nghiên cứu, giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò tót lai F1 và bò nhà" đã được Sở Khoa học và công nghệ 3 tỉnh là Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa phối hợp thực hiện.

Cuối cùng, đàn bò được bàn giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng để bảo tồn và nhân giống. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm chủ nhiệm với kinh phí 5 tỷ đồng".

Họ mua 10 con bò lai, 5 cái, 5 đực để nghiên cứu. Giá trị của chúng được đánh giá rất cao :

"Đây là món quà quí mà thiên nhiên ban tặng. Giá trị kinh tế mỗi con có thể cung cấp 500-600 kg thịt, 400 kg xương, 2-3m2 da và cặp sừng đẹp.

Theo tôi biết, trên thế giới, bò tót lai qua thụ tinh nhân tạo có từ lâu, còn lai tự nhiên như ở đây thì chưa. Và đây có thể là đàn bò tót lai tự nhiên đầu tiên trên thế giới - dẫn lời ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình.

(…) Đàn bò này sẽ để làm giống, cho sinh sản với bò nhà nhằm tạo ra giống bò hướng thịt của Việt Nam có khoảng 12,5% máu bò tót, có khả năng cho năng suất, chất lượng thịt cao, khả năng sử dụng tốt thức ăn thô xanh trong điều kiện chăn nuôi thông thường và có khả năng đề kháng cao. Trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu bò đặc sắc cho vùng Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa" - còn đây là phát ngôn của chính ông Lê Xuân Thám.

Báo chí Việt Nam cũng dẫn lời Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm cho rằng, việc lai tạo giống bò tót với bò nhà sẽ tạo nên nguồn gene rất quý giá, có khả năng chống chịu bệnh tốt.

Đàn bò nghiên cứu được nuôi trên 2 ha đồng cỏ. Tuy các con lai đầu tiên khi phối giống với nhau đã không sinh sản, nhưng bò cái giống địa phương phối với bò tót đực lai thì đều sinh sản bầy bê lai vẫn to cao và khỏe mạnh. Thêm một con bò đực lai khác ngoài đàn này được thả rông ở ngoài đã phối với bò cái và sinh được bò con. Con đực này tiếp tục được mua bổ sung vào đàn bò nghiên cứu.

Đến cuối năm ngoái, dự án này đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu. Mặc dù cho đến nay người ta vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào về kết quả cụ thể từ đàn bò hiếm quý đó cả : chẳng biết giống bò mới đã được tạo ra chưa, kết quả lai tạo thành công đến mức nào, thương hiệu bò đặc sắc đã ra đời hay chưa, v.v

Cán bộ tốt tiền

Ấy nhưng 5 tỷ đồng đã được tiêu sạch. Những "nhà khoa học" cỡ ông Phó giáo sư Thám đã nhận xong tiền, nên dù đàn bò lai vẫn còn nguyên đó, vẫn có thể được thả ra ngoài để tiếp tục phối giống với các con bò khác, thì một năm nay bị nhốt hoàn toàn trong xó chuồng bé tí chỉ vỏn vẹn 200 m2. Chúng được nuôi chỉ bằng rơm khô và nước suối. Chỉ rơm khô, không cỏ, không lá, không cám, không thức ăn dinh dưỡng. Đến nỗi người được thuê nuôi chúng phải thốt lên : "Ăn toàn rơm khô nên bò cũng khô rốc, ỉa không ỉa nổi".

Dù chỉ được có rơm khô thì chúng cũng không đủ rơm để ăn no, mà chỉ ăn cầm chừng để không chết.

Khi được báo chí phát hiện, đàn bò tót lai vốn nặng 600 kg-800 kg/con đã suy kiệt đến mức không đi đứng nổi, xương chòi ra gần đâm thủng cả da.

bo3

"Làm gì có chuyện bò gầy trơ xương ? Mỗi con nặng 400 - 700 kg nên gân nó cuồn cuộn, nhìn vậy đó. Muốn biết ốm hay mập phải có chuyên gia !" - Ảnh minh họa Bò bị bỏ đói Zing

Thế nhưng hình ảnh này được người có trách nhiệm với nó, là ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng) gân cổ cắt nghĩa : "Làm gì có chuyện bò gầy trơ xương ? Mỗi con nặng 400 - 700 kg nên gân nó cuồn cuộn, nhìn vậy đó. Muốn biết ốm hay mập phải có chuyên gia !".

Dũng cảm hơn nữa, khi vụ bò ốm trơ xương bị báo chí đào ra, vào ngày 26/9/2020, ông Thám (mặt dày-đã về hưu) trả lời báo chí rằng : "Chưa thể nói gì kết quả nghiên cứu vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo".

Tiếc đến đứt ruột. Nếu như cứ để người dân nuôi nấng chăm sóc như trước, đàn bò giống chắc chắn đã mạnh khỏe gấp bội lần và sinh sản ra hàng đàn bò tót lai vạm vỡ, trị giá cả đống tiền, chứ không phải bị bỏ đói chờ chết như thế này.

Cho nên, kính thưa ông Thám, so với da bò tót thì chất liệu làm nên da mặt ông đã tỏ rõ ưu thế vượt trội rồi. Khuyên ông nên tự lập một cái dự án nghiên cứu và bảo tồn gene của chính mình, sau này con cháu chúng ta lại có được nguồn da cực tốt còn hơn xe bọc thép. Hoặc, phải bắt giam ngay toàn bộ Hội đồng nghiệm thu dự án, vì chính họ mới năm ngoái còn tay bắt mặt mừng đánh giá dự án của ông là "đạt kết quả" cơ mà. Cớ sao vừa đạt kết quả đấy lại chưa thể nói gì về kết quả ? Hay là do ăn nuốt sạch sẽ cả rơm lẫn cỏ của đàn bò nên não ông và não họ cũng biến thành não bò mất rồi, nên nhổ ra liếm lại cứ trơ (mặt thớt) như không ?

Sau khi bị dư luận vạch trần, đàn bò tội nghiệp đã được giao về (trên giấy tờ) cho Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) tiếp nhận và chăm sóc.

Nhưng ông Phó giáo sư Lê Xuân Thám, người chịu trách nhiệm cao nhất với đàn bò trước kia thì sao ? Ông Chương, đàn em kế nhiệm của ông Thám thì sao ? Những kẻ tự xưng danh nhà khoa học mà câu nọ cắn câu kia, bạc bẽo, vô trách nhiệm, độc ác như vậy chẳng lẽ thoát thân dễ dàng vậy sao ?

Chuyện này chưa thể kết thúc. Để công bằng cho đàn bò và cho 5 tỷ đồng của người dân tỉnh nghèo Lâm Đồng, Ninh Thuận, những kẻ nhân danh khoa học kể trên phải bị lôi ra pháp luật.

Nguyễn Văn Vinh

Nguồn : RFA, 03/10/2020

Tham khảo :

https://thegioitiepthi.vn/thu-bac-ty-sau-nhieu-vu-cuong-dam-cua-bo-tot-138657.html

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giai-cuu-dan-bo-tot-f1-o-ninh-thuan-gay-tro-xuong-suy-kiet-677878.html

https://www.tienphong.vn/cong-nghe/du-an-nghien-cuu-ket-thuc-dan-bo-tot-f1-o-ninh-thuan-bong-suy-kiet-gay-tro-xuong-1728675.tpo

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Vinh
Published in Diễn đàn