Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dư luận viên là ai ?

Khái niệm dư luận viên lần đầu được biết tới tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 tổ chức vào thứ Tư 9/1/2013 ở Hà Nội. Tại đây, Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu kinh nghiệm "tổ chức nhóm chuyên gia" đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

dlv1

Lực lượng 47 được thành lập theo chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị bên quân đội.

Ông Lợi cho biết, Hà Nội, đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.

Cho đến nay, 7 năm đã qua, hẳn lực lượng dư luận viên đã phát triển với con số đông hơn nhiều.

Được thành lập chính thức nên lực lượng này chắc phải có chế độ. Không rõ thù lao của lực lượng này ra sao, nhưng theo nhiều facebooker thì thù lao là 3 triệu đồng/tháng. Vì thế cư dân mạng còn gọi chung dư luận viên là lực lượng "ba củ", có lẽ bây giờ cao hơn do trượt giá.

Ba năm sau thì xuất hiện lực lượng 47, hay trung đoàn 47 được thành lập ngày 1/1/2016. Sở dĩ gọi là lực lượng 47 vì lực lượng này thành lập theo chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị bên quân đội. Nhiệm vụ của lực lượng này cũng là đấu tranh (với "phản động") trên không gian mạng. Cuối năm 2017, lực lượng này đã lên tới 10 nghìn người. Có thể xem lực lượng 47 là phiên bản của dư luận viên, chỉ khác là một bên tuyên giáo quản lý còn một bên do quân đội quản lý.

Nhiệm vụ của lược lượng 47 và dư luận viên là tương tự nhau, tức là cùng đấu tranh với "thế lực thù địch" và bảo vệ chế độ. Hai lực lượng này hợp thành hai mũi tiến công nhằm vào cái gọi là "thế lực thù địch". Đến nay, quân số của hai lực lượng này có thể lên tới vài chục nghìn người.

Theo dõi trên mạng khó có thể phân biệt được đâu là dư luận viên, đâu là lực lượng 47. Tuy nhiên, do tính chất của hai lực lượng này khá giống nhau về trình độ, nhận thức, cách "phản biện" và tư cách nên cư dân mạng gọi chung là dư luận viên. Có lẽ gọi thế nó dễ hiểu hơn : cái tên dư luận viên phản ánh được phần nào tính chất của nó, chứ tên gọi 47 không nói lên được điều gì.

Sau đây gọi chung là dư luận viên.

Đó là những dư luận viên được tổ chức chính thức. Không biết dư luận viên có phải là mô hình nhập từ Trung Cộng không. Chỉ biết bên Trung Quốc (đại lục) có lực lượng gọi là "đội quân 50 cent" chuyên bảo vệ chế độ cộng sản. Song song với đội quân 50 cent còn có đội quân khác là Tiểu hồng, đa phần là nữ ở độ tuổi rất trẻ (18-24) hoạt động rất hăng hái. Tại sao gọi là 50 cent ? Điều này được giải thích là chúng được trả cho mỗi comment là 50 cent. Vừa qua do đại dịch Vũ Hán, giá này nghe nói mới được nâng lên 70 cent để nâng cao chất lượng "phản biện".

Ngoài dư luận viên chính thức còn có những người vô trình trở thành dư luận viên. Đó là thành phần mà quyền lợi của họ gắn chặt với chế độ hoặc bị truyên truyền một chiều, không tiếp xúc với thông tin đa chiều nên hiểu biết chính trị rất đơn giản. Họ phát ngôn tùy hứng tùy lúc chứ không coi đó là nhiệm vụ tuyên truyền. Vì vậy, họ ít có giọng chửi bới, mạt sát, kích động mà chỉ thể hiện nhận thức của mình và cũng thuyết phục hay khiêu khích những ai khác ý kiến với họ. Ta có thể gặp những người này trong gia đình, họ mạc, bạn bè, trong khối cựu chiến binh, cán bộ về hưu....

Dư luận viên "bút chiến" như thế nào ?

Khi giới thiệu lực lượng dư luận viên, ông Hồ Quang Lợi quảng cáo về lực lượng này nghe rất kinh. Ông gọi lực lượng này là những "chuyên gia" đấu tranh trực diện, tham gia "bút chiến" trên Internet. Ông còn khoe có cả lực lượng "phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh". Nghe mà rùng mình. Tuy vậy, các blogger, các "còm sĩ" khi đó rất hào hứng và tuyên bố sẵn sàng "nghênh chiến".

Bảy năm qua, dư luận viên đã bộc lộ hết những nhược điểm của nó. Cái gọi là bút chiến của lực lượng này thực ra chỉ là chửi bới, xuyên tạc. Tạm chia dư luận viên thành 2 bộ phận :

Bộ phận "còm" (comment) dạo : Tuyệt đại đa số tài khoản của dư luận viên là nick ảo. Những tài khoản này do rất ít người đọc nên thường chia nhau ra tràn vào các trang mà chúng cho là phản động để comment. Bộ phận này đa số văn hóa rất thấp, chính tả, câu cú chưa thạo, hành văn lủng củng, tối nghĩa. Chúng có thể xưng hô thằng, con, mày, tao với bất cứ ai.

Khi "bút chiến", chủ yếu chúng dùng những "nghiệp vụ" như chép lại những câu đã được học, như là những câu mẫu. ví dụ :

- Không có bác làm sao có chúng mày.

- Không có đảng làm sao đất nước này được như ngày nay.

- Đất nước đang ổn định, chúng mày cứ làm rối lên.

- Bao nhiêu xương máu của cha ông đổ ra mới được như ngày hôm nay.

- Dân chủ là sản phẩm của nước ngoài không thể áp dụng cho Việt Nam.

- Ở Việt Nam hiện nay không lực lượng nào chính trị nào có thể thay thế được Đảng cộng sản Việt Nam.

- Có dám ra Trường Sa không ?

- Nhượng đất cho Trung Quốc là đổi đất lấy hòa bình.

- Kêu gọi bảo vệ chủ quyền, biển đảo là cổ động chiến tranh.

- v.v...

Nói chung đó là những câu vỡ lòng mà ai cũng dễ dàng bác bỏ. Không có một lý lẽ nào để được coi là phản biện. Bí quá thì đám này "phản biện" bằng cách : "Đồ phản động !", "Đm mày !", "Muốn đi tù hả !"…

Riêng trang facebook của tôi đã có khoảng 1200 dư luận viên vào chửi bới thóa mạ, còn nếu tính lượt thì con số gấp hơn nhiều lần. Do tính chầy cối và tư duy thấp kém của dư luận viên nên trên mạng xuất hiện một số "cẩm nang" dành cho dư luận viên mang tính giễu cợt. Những "cẩm nang" này căn cứ vào những "phản biện" của dư luận viên mà đúc kết thành.

Mời xem một ví dụ vui vui TẠI ĐÂY

Bộ phận viết blog

Một số có chút chữ nghĩa thì lập các trang blog để chửi bới những người đấu tranh. Cũng như số đi "còm" dạo, những trang này cũng không biết ai lập ra. Bài viết thường ký bằng những bút danh vu vơ nào đó và tên chủ blog hay người biên tập cũng không có nốt.

Thủ đoạn của chúng là vào các trang mà chúng cho là phản động lấy hình ảnh hoặc bài viết của họ đem về xuyên tạc, cắt xén câu văn, photoshop hình ảnh với giọng lưỡi qui chụp rất bừa bãi. Vì vậy, những bài "phản biện" như thế này không bao giờ chúng dám dẫn đường link bài viết gốc vì sợ bị lật tẩy.

Tôi là một nhân chứng của sự bịa đặt, xuyên tạc ấy. Chẳng hạn chúng lấy hình ảnh tôi chụp chung với vợ để đem về xuyên tạc rằng tôi quan hệ bất chính với "gái dân chủ", đặt chuyện tôi là giáo viên bị đuổi việc mặc dù tôi về hưu từ quân đội. Thậm chí chúng còn không nhớ được tên Trịnh Bá Khiêm nên gọi anh là Trịnh Bá Khá. Ngay cả trang thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài mà toàn bộ nội dung xuyên tạc về tôi, photoshop hình ảnh để bôi nhọ. Ngay sau khi tôi viết bài "Bài viết xuyên tạc bôi nhọ cá nhân trên trang Nguyễn Xuân Phúc" để phản ứng thì trang này lặng rẽ rút xuống

Người hiểu biết không ai đọc những bài "phản biện" của chúng mà không thấy ghê tởm, khinh bỉ.

Đôi khi có những cây bút "khôn khéo" hơn. Số này cũng chỉ trích những mặt trái của chế độ mà ai cũng biết nhằm tạo vỏ bọc. Tuy vậy, những vấn đề về bản chất chế độ, vấn đề đa nguyên hoặc động đến lãnh đạo cấp cao nhất họ đều lảng tránh. Khi có vẻ tạo được vỏ bọc là người phản biện rồi thì họ thường cài vào những comment hay bài viết khéo léo khen ngợi chế độ hoặc dọa dẫm làm nản chí người đấu tranh, gây chia rẽ giữa những người đấu tranh nhưng rồi cũng bị vạch mặt. Khi bị chỉ mặt, thì họ không còn giấu giếm nữa. Đó là kết cục tất yếu. Cái này gọi là Cao Biền dậy non.

***

Nhiệm vụ quá sức

Hoạt động của dư luận viên trong những năm qua đã bộc lộ tất cả những yếu kém và xấu xa của nó, không đáp ứng được kỳ vọng như lúc nó sinh ra. Điều đo là dễ hiểu. Ngành tuyên giáo đang đau đầu trước việc dư luận viên liên tục bị đẩy lùi trên mặt trận truyền thông Internet bởi lực lượng mà họ gọi là là thế lực thù địch phản động và thất vọng về đám dư luận viên này.

dlv2

Một nhóm người mặc áo đỏ in logo công an và dòng chữ dư luận viên đến Vườn hoa Lý Thái Tổ phá đám buổi tưởng niệm Liệt sĩ Gạc Ma hôm 14/3/2015. Hình : Internet

Tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương hôm 5/7/2019, ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo Trung ương than : "người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ, chính sách" là nói về lực lượng dư luận viên này.

Phía tuyên giáo đã đặt cho dư luận viên những nhiệm vụ quá sức. Quá sức do kém hiểu biết, văn hóa thấp đã đành nhưng điều khó hơn cả cho dư luận viên không có cơ sở lý luận, lý lẽ, thực tiễn để "bút chiến".

Dư luận viên trả lời ra sao về những vấn đề lý luận cơ bản. Ví dụ Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, trong khi một loạt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin đã bị xóa bỏ ở Việt Nam.

- Chẳng hạn cho phát triển kinh tế thị trường (cho dù vẫn giữ lấy cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa), công nhận kinh tế tư nhân, cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, thừa nhận bóc lột giá trị thặng dư ?

- Trả lời ra sao về một nền kinh tế có kế hoạch và cân đối nhưng cán cân cung cầu rất vênh váo, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, liên tục thấy kêu gọi giải cứu ?

- Trả lời ra sao khi nói bản chất chế độ tốt đẹp mà nạn tham nhũng, sống xa hoa trụy lạc ngày càng phổ biến trong bộ phận cán bộ cao cấp của đảng, không chừa cả bộ chính trị ?

- Trả lời ra sao về nạn cướp bóc đất đai khắp nơi dưới chiêu bài "thu hồi đất", đẩy hàng vạn nông dân vào con đường cùng khổ để làm giàu bất chính cho quan chức và doanh nghiệp ?

- Trả lời ra sao về tình trạng công khai vi phạm pháp luật của quan chức và công an ngày càng phổ biến và luật rừng được sử dụng ngày càng ngang nhiên ?

- Trả lời ra sao về chủ nghĩa tư bản bị coi là đang giãy chết nhưng nó lại có những bước phát triển kỳ diệu mà trước đó không tưởng tượng nổi trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và Đông Âu ?

- Trả lời ra sao trước hiện thực đất nước ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới về tất cả các mặt ?

Những vấn đề này, ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương của ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Nguyễn Quang Thuấn cũng còn khó trả lời nói chi đến lực lượng dư luận viên ít học ?

Vì vậy, việc dư luận viên chỉ biết chửi tục, qui chụp mà không thể phản biện cũng là điều dễ hiểu.

Bị chối bỏ

Những gì mà dư luận viên thể hiện trong 7 năm qua không chỉ bị cộng đồng khinh bỉ mà chính những người sinh ra đám này cũng phải xấu hổ. Đôi khi, vì hăng quá nên dư luận viên làm những điều phản cảm, gây bức xúc trong nhân dân đến nỗi người sinh ra và nuôi dưỡng nó không dám thừa nhận.

Còn nhớ vụ một nhóm người mặc áo đỏ in logo công an và dòng chữ dư luận viên đến Vườn hoa Lý Thái Tổ phá đám buổi tưởng niệm Liệt sĩ Gạc Ma hôm 14/3/2015. Sau đó chúng bị chính chính quyền và tuyên giáo chối bỏ. Một loạt tờ báo của nhà nước lên tiếng phản đối, cho đó là hành động không thể chấp nhận được và đòi điều tra về vụ này. Ông Nguyễn Đức Chung khi ấy là giám đốc công an Hà Nội khẳng định, nhóm người này không thuộc quản lý của công an thành phố và Ban tuyên giáo". Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng có tuyên bố tương tự. Xin xem chi tiết ở bài "Ngậm ngùi thân phận bị bỏ rơi"

Đấy là những kỷ niệm buồn và tủi nhục của thân phận dư luận viên. 

Bị cán bộ ngoại giao gọi là bò đỏ

Tuần trước, xảy ra chuyện, một vài nhóm dư luận viên tố một cán bộ ngoại giao tên là Đào Duy Anh, nick facebook là Duy Anh. Theo một trang facebook được gọi là "Cờ đỏ Miền Trung" và một số trang khác, anh này là cán bộ bộ ngoại giao Luật vụ, cháu của một cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng. Facebooker Duy Anh gọi những người này là bò đỏ với những lời rất khinh bỉ như "kiếm công việc lương thiện mà làm", "sao lại đi làm dư luận viên bò đỏ làm gì cho mang nhục vào người" và tỏ ra "thương cho kiếp dư luận viên", gọi đám này là bọn "thất học, mãn kiếp làm dư luận viên". Những nhóm này cũng cho biết "đã báo cáo cho công an, nhưng công an yêu cầu báo cáo cho bên Bộ ngoại giao trước cho đúng quy trình". Có lẽ công an cũng chẳng mặn mà lắm trong việc bênh vực đám thất học này. Có lẽ không chỉ Duy Anh mà trong bộ máy chính trị hiện nay còn có nhiều người cũng có nhận xét về dư luận viên như vậy.

Không chỉ Duy Anh mà trên mạng xã hội hiện nay, người ta ít dùng từ dư luận viên mà thay vào đó là bò đỏ. Bò đỏ là một từ ghép chỉ sự không hiểu biết (bò) và chất phò đảng (đỏ) của lực lượng này. Từ này vừa ấn tượng, vừa sát ý nghĩa hơn là dư luận viên.

Việc sinh ra và nuôi dưỡng lực lượng dư luận viên là lợi bất cập hại. Nó làm xấu thêm bộ mặt của chế độ. Nhìn vào dư luận viên, cách tuyên truyền, định hướng dư luận quá ngô nghê, bẩn thỉu, thô lỗ và khả ố, người ta chỉ biết đấy là người của đảng. Báo chí cũng là một dạng dư luận viên, làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng theo định hướng nhưng ít ra về cơ bản không thô bỉ như dư luận viên. Trong một chừng mực nào đó báo chí còn khéo léo trong việc đưa tin, sử dụng từ ngữ, định hướng dư luận thì đám dư luận viên này phơi bày ra tất cả. Có thể giải thích vấn đề này rằng, báo chí còn có danh tính, địa chỉ, người chịu trách nhiệm còn dư luận viên đại đa số là tên giả. Tuy nhiên, dù thể hiện như thế nào thì cũng đều là bộ mặt của đảng.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 17/04/2020 (nguyentuongthuy's blog)

Additional Info

  • Author Nguyễn Tường Thụy
Published in Diễn đàn