Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong không gian nền báo chí cách mạng, đang phát sinh những nhà báo thuộc một nền báo chí cách mạng rất khác. 

butmau0

Những cây bút máu - Ảnh minh họa

Báo chí cách mạng Việt nam vẫn là một cụm từ đẹp đẽ và đáng trân trọng, ít nhất nó đã có những giai đoạn mà những người kiên cường, dũng cảm tiến thẳng ra chiến trường, viết những bài luận đanh thép phê phán chế độ thực dân ; lên án hành động tàn ác của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc ; và ngày nay là những bài viết phản ánh nạn cơm tù, BOT, nạn tham nhũng, chạy chức quyền,...

Mới đây nhất, hai phóng viên thuộc chuyên trang Phapluatnet.vn và tạp chí điện tử Luật sư đã bị hành hung khi xác minh thông tin về đề xuất mua 300 áo mưa không rõ thương hiệu giá 1 triệu đồng/bộ... cho lãnh đạo phòng chống thiên tai tỉnh Thái Bình.

Nếu có thể đề cập gì đến trong ngày 21.06, thì đó là lời chúc mừng đến những nhà báo thực sự dấn thân như vậy, và mong mỏng tinh thần 'dấn thân' ấy tiếp tục phát huy trong thời gian sắp tới, khi mà những biến động trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực đang ngày càng phức tạp hơn.

Nhưng cũng trong thời gian qua, hệ thống nền báo chí cách mạng đó cũng tồn tại những câu chuyện chưa bao giờ gọi là 'dấn thân' (hay cách mạng) đúng nghĩa. Đó là hiện tượng bẻ cong ngòi bút, điếm bút, bút máu.

Có hiện tượng nhà báo, phóng viên 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ' diễn ra nhiều đến mức, đến mức ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng, Hay câu chuyện 'người cầm bút viết bài không bắt nguồn từ sứ mệnh của những người làm báo mà vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của nhóm này nhóm kia' như cách ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đề cập trong một Hội nghị toàn quốc về báo chí.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy ở báo chí Việt nam ? Có lẽ nó xuất phát từ sự 'kiềm cặp' thái quá từ phía chính quyền nói chung và Ban tuyên giáo T.Ư nói riêng.

Có hiện tượng không phản ánh đúng và sự thật về những nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Nhiều lần mất hút trong các sự kiện mang tính thể hiện quyền dân như trong cuộc biểu tình 10.06 - 11.06, và 17.06 vừa qua ; thậm chí nếu có phản ánh thì bẻ cong câu chữ với cụm từ 'tụ tập đông người'.

Mới đây nhất, báo Tuổi Trẻ vừa đăng bài tường thuật Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri với tiêu đề 'Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình' thì ngay sau đó đổi thành 'Chủ tịch nước : Vụ việc tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là do bị kích động'. 

Không chỉ đổi tiêu đề mà toàn bộ nội dung liên quan đến phần cử tri và Chủ tịch nước nói về Luật Biểu tình (như có đoạn nói không nên để Bộ Công An soạn thảo vì Bộ này là cơ quan có trách nhiệm thực thi) thì bị xóa bỏ hết, theo diễn giả Nguyễn Thiện chía sẻ trên trang Facebook cá nhân. 

Và một lần nữa quyền được thông tin của người dân cũng bị chính 'báo chí cách mạng' xóa bỏ.

Đấy ! Thân phận của Chủ tịch nước còn bị báo chí 'cách mạng' ứng xử một cách tàn tệ ; quyền được phản ánh thông tin đời sống xã hội còn bị bẻ cong như vậy thì hỏi làm sao nhà báo quốc doanh không chán chường, không 'học tập' theo gương lãnh đạo cho được.

Ngoài ra, hiện tượng 'bút máu' tức là sử dụng ngoài bút để vu khống người dân, phản bội lợi quyền nhân dân vẫn đang diễn ra trên nhiều nhà báo có tiếng. Từ nhà báo Hoàng Hải Vân (Thư ký tòa soạn Thanh Niên) - người tấn công vào những ngườu dân Phan Rí, đến nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên) - người tung tin có 2 Cảnh sát cơ động bị người dân Bình Thuận tấn công đến chết.

Mặc dù những nhà báo 'có tiếng' trên khiến cho cái sự phẫn nộ trong dân lên cao, làm hoen ố cái tính chất báo chí và cả cơ quan báo chí mà họ đang công tác. Nhưng dù sao đi chăng nữa, thì 'tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vun vào mà che lấp sự thực. Đừng oán hờn tên danh sĩ. Đáng thương cho nó, đáng thương cho nó !' [trích từ Bút Máu - nhà văn Vũ Hạnh].

Cần nhấn mạnh lại rằng, hiện tượng 'bút máu' nêu trên không phải là đại diện cho hầu hết làng báo, bởi bên cạnh đó là sự can đảm và dũng cảm thoát ra khỏi lối mòn và kiềm kẹp, định hướng của Ban Tuyên giáo là điều mà không phải nhà báo nào cũng làm được. Trong không khí căng thẳng của những đợt biểu tình và bị trấn áp biểu tình, nhà báo Đỗ Cao Cường, phóng viên Báo Pháp Luật đã viết trên trang cá nhân : 'Chúng mày mới là lũ bán nước. Tao ũng rất muốn ôn hòa, nhưng chính chúng mày dồn người khác vào bước đường cùng.'

Câu chuyện của nhà báo Đỗ Cao Cường nhắc lại câu chuyện về nhà báo Nguyễn Đắc Kiên - người đã bị cho nghỉ việc vì phản đối quan điểm của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013 liên quan đến 'Hiến pháp'.

Trong không gian nền báo chí cách mạng, đang phát sinh những nhà báo thuộc một nền báo chí cách mạng rất khác. 

Nền báo chí nhân dân.

Còn chúc gì trong ngày báo chí cách mạng Việt nam, có lẽ là lời chúc đến từ blogger Phuong Mai Nguyen : lời chúc có ý nghĩa nhất với người cầm bút ở VN là chúc họ quyền được viết. Tất nhiên, kèm theo đó là điều kiện đủ : sự dũng cảm khi cầm bút.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 21/06/2018

Published in Diễn đàn