Bởi việc bắt bớ những con cá mập (hay những con lợn béo của chế độ) trong thương trường Việt Nam chỉ giải quyết được các tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm chứ không giải quyết được các tranh chấp quyền lợi giữa người dân thấp cổ bé miệng với những con cá mập này.
Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết thời vinh quang – Ảnh minh họa
Bởi việc bắt bớ những kẻ làm lũng đoạn thị trường, những kẻ đầu nậu, những lẻ thao túng và những kẻ đi đêm, gián điệp cho ngoại bang ngang nhiên làm giàu và đạp lên hàng triệu số phận cùng khổ của nhân dân chỉ mang lại sự ổn định cho an ninh chế độ chứ không mang lại sự ổn định của an ninh tâm lý nhân dân.
Bởi việc bắt bớ chỉ mang lại uy tín và bổ sung quyền lực cho một nhóm này và lấy đi uy tín cũng như quyền lực của một nhóm kia, với nhân dân, mọi thứ vẫn cứ như vậy, không có gì thay đổi.
Bởi giữa lúc này, khi mà Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Phương Hằng hay Đỗ Anh Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Tân Hoàng Minh bị bắt, thì có hàng triệu mét vuông đất vàng qua tay bọn họ, đã hô biến, đã thổi giá và đã bán đi, thu về hàng triệu tỉ đồng, đã có hàng triệu người dân bỗng chốc thành dân oan và đất đai của họ cũng đã thành đất đai của người khác, không phải của những kẻ đã đẩy họ ra đường, họ kêu trời không thấu, và hết kiếp này, họ vẫn là dân oan không phai sắc.
Bởi ngay lúc này, khi các con cá mập bị bắt, thì chuyện gì xảy ra với nền kinh tế, đó là ngân sách chính phủ có cơ mập mạp, đầy đặng trở lại, nhưng dân oan nói riêng và nhân dân nói chung cũng chẳng được gì ngoài cười một cái hay thở hắt một cái để thấy rằng đời là nhân quả, luật nhân quả là có thật, nhưng nó thật với những kẻ khác, còn mình vẫn đang nếm quả đắng mà chẳng biết đâu là nhân.
Bởi bọn tham nhũng trong cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể nói nhiều lúc nhúc, làm sao mà bắt hết, bắt đứa này thì đứa khác mọc ra, nhìn đâu cũng thấy tham nhũng và kẻ trộm, ngoài xã hội một mét vuông có đến vài đứa trộm, trong hệ thống chính quyền một mét vuông có đến vài đứa trộm và cướp, vậy thì bắt vài đứa chẳng giải quyết được gì. Nhưng giả sử bắt hết thì loạn, bởi tỉ lệ tham nhũng chiếm 100%, nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn, đứa nói đạo đức, đứa chống tham nhũng lại là đứa mất đạo đức và tham nhũng nặng nề nhất. Biết tin ai bây giờ !
Bởi, đơn giản chuyện kit test, bắt được con cá mập, bắt được kẻ đầu sỏ, bắt thêm bè lũ ăn tàn của nó, nhưng bắt xong thì giải quyết được gì cho nhân dân ngoài chuyện hạ bệ bọn chúng, nhốt tù bọn chúng, thậm chí tử hình bọn chúng, và đương nhiên, vị trí bọn chúng ngồi, phải chọn những người mới thay thế, chắc gì người mới tử tế ? Và giả sử có hình phạt ở mức cao nhất là tử hình bọn chúng, thì nhân dân được gì ? Hàng chục ngàn người chết, hàng chục ngàn gia đình trở nên mất phương hướng, hàng triệu con người trở nên trơ trọi, đơn độc và mồ côi giữa cuộc đời này, cuối cùng, phải nương nhờ vào từ thiện, vào lòng từ tâm của người khác, còn bọn chúng, khi bị bắt, nói theo ngôn ngữ của nhân dân là chúng đã tẩu táng mọi thứ, thứ còn lại của chúng khi ra pháp đình chỉ là "trên răng dưới …dép", cười mà làm huề chứ làm gì được nhau !
Bởi mọi thứ, nông dân nói riêng, hay người dân nói chung, chỉ có một thứ duy nhất để tiến thân, đó là vốn tự có, vốn tự có của nhân dân có thể là nhan sắc, có thể là mảnh đất bao đời để lại, có thể là sức lao động chân tay, sức chịu đựng trường kỳ, có thể là nước mắt và nỗi đớn hèn nuốt ngược vào tim. Và đâu phải lúc nào vốn tự có cũng được bán với đúng giá của nó, đôi khi phải bán rẻ rúng, phải bị người ta mang đi bán rẻ rúng và đầy tàn nhẫn, đôi khi bị cướp trắng, nhân dân bao giờ cũng là tội lỗi và cam chịu, nhân dân bao giờ cũng là kẻ nghèo hèn yếu thế, nhân dân bao giờ cũng là kẻ cúi mặt mà đi, mà lầm lũi trên đường đời… Để rồi, may mắn lắm thì được xem vở kịch của kẻ có quyền lực, để vỗ tay, để mừng vui cho nỗi đau, cho tiếng thở dài bí bách của mình được giải thoát, và đằng sau sự giải thoát ấy là một bi kịch khác, có gì đâu !
Thế nên câu chuyện trên chính trường, từ tay này bị bắt, tay kia bị tó, tay này bị cách chức, tay kia bị tai nạn xe chết lăn giữa đường, thậm chí tay kia bị mang ra bắn… Nhưng câu chuyện đau lòng giữa con người với con người, giữa nhân dân có tự do với chính phủ, nhà nước có dân chủ lại hóa thành trò cười của xứ sở này, nghe quan chức chết, nghe quan chức bị bắt, nghe quan chức thọ án… nhân dân vỗ tay cười, cười cho thỏa cái chí của kẻ thấp cổ bé miệng bị đè nén, bị đạp sát đất lâu nay. Và cười, và hả hê như một sự trả thù của tâm lý bất lực, của nỗi đau đã lên đến đỉnh điểm trước bất công, tàn nhẫn và tội ác.
Không có bi kịch nào lớn hơn bi kịch của một dân tộc mà ở đó, nhân dân đứng vỗ tay khi chính phủ, nhà nước và đảng cầm quyền thọ nạn. Nhưng tại Việt Nam thì có đó, điều này như một hệ luận, hệ quả của mối quan hệ không mấy mặn mòi, bên ngoài thơn thớt nói cười giữa nhà nước, đảng cầm quyền với nhân dân.
Có xứ sở nào mà khi cán bộ, công chức nhà nước đến một vùng đất nào đó, thị sát một địa điểm nào đó thì nỗi lo lắng của nhân dân ở đó tăng lên vì mối nguy chỗ ở, mối bất an tâm lý, sự lo lắng mất ổn định dấy lên và liền sau đó là một đám cò cuốc, một đám lưu manh giả danh trí thức, đám đói kém, lừa gạt giả danh doanh nghiệp sẽ bước vào tác oai tác quái, làm cho mọi thứ đảo lộn.
Có xứ sở nào mà một cái chỉ tay của một tay ất ơ giỏi mánh lới, giỏi đi đêm với giới quyền lực có thể đánh đổi với hàng ngàn số phận người dân như xứ sở này ?
Và cho dù có bắt, bắt thêm nhiều nữa, thì nhân dân được gì ngoài tiếng thở dài, và có bắt thêm nhiều nữa, thì liệu nạn tham nhũng, những kẻ cướp ngày có giảm bớt trên đất nước này hay không ?
Hay kẻ tham giống như mầm bệnh, cái ác và lòng tham bao giờ cũng sinh sôi nảy nở nhanh hơn sự tử tế và tính lương thiện. Chỉ khi nào có công bằng, chỉ khi nào nhân dân thực sự sống đời sống của con người, thì lòng yêu thương của con người, sự tự tế của con người sẽ quay trở lại.
Làm sao để có sự tử tế, lương thiện, làm sao có thể tiêu diệt cái ác trên xứ sở này khi cái ác, sự bất nhân được trao kiếm báu, được giao quyền lực, còn sự lương thiện và tử ế bị xô dạt về một góc tối đời sống ? Làm sao có được sự tử tế và tính người khi đời sống nhân dân mãi mãi là đời sống chuồng trại, là đời sống của súc vật mất tự do và không có cả cái quyền tối thiểu, quyền được sống như một con người ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/04/2022 (VietTuSaiGon's blog)