Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một tuần 3 vụ giáo viên đánh phạt học sinh

Ngày 22/5, mạng báo VnExpress đưa tin một nam sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Hoằng Thanh, Thanh Hóa bị thầy giáo đánh đá vào mông làm học sinh này ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.

baohanh1

Học sinh trường Đoàn Thị Điểm ở Hà Nội hôm 5/9/2018 - Ảnh minh họa - Reuters

Phó hiệu trưởng trường Hoằng Thanh trả lời báo chí, cho biết sự việc xảy ra từ ngày 15/5, trong tiết thể dục, nam sinh chạy sang lớp khác đùa giỡn, quậy phá. Một cô giáo đã nhắc nhở nhưng em không nghe lời, tỏ thái độ bướng bỉnh nên đã bị thầy thể dục đánh, đá vào mông.

Sau giờ học thể dục, nam sinh bị ngất xỉu ngay trước cổng trường, phải đưa đi cấp cứu.

Trong bản tường trình, thầy giáo thể dục thừa nhận hành vi đánh học sinh và nhận thấy hành vi đó là sai trái.

Sau một tuần thì sức khoẻ nam sinh đã hồi phục. Gia đình em sau đó làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc.

Báo Thanh Niên ngày 25/5 có bài viết phản ánh thông tin từ một phụ huynh cho hay vào ngày 12/5, con gái chị đang học lớp 2 trường tiểu học Thanh Trì (Hà Nội) đi học về với nhiều vết sưng, bầm và tụ máu trên mặt. Chị gặn hỏi thì con nói rằng bị cô giáo đánh vì làm toán sai.

Giáo viên chủ nhiệm phủ nhận hành vi đánh học sinh và giải thích rằng do môi của học sinh có vảy, cháu cạy ra nên mới chảy máu.

Ngày 13/5, phụ huynh này đến trường thì được các bạn cùng lớp xác nhận rằng cô giáo có đánh con gái mình bằng tay và bằng sách.

Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì cử người về trường để làm rõ sự việc. Tuy nhiên phụ huynh không đồng ý và yêu cầu công an vào cuộc làm rõ.

Báo chí trong nước mấy ngày vừa qua đưa tin rất nhiều về vụ việc một học sinh tiểu học ở Hải Phòng bị phơi nắng ngoài cổng trường vì đi học sớm do không đăng ký học bán trú.

Cụ thể vào ngày 21/5, một phụ huynh có con học trường tiểu học Quang Trung, Hải Phòng đăng một bức ảnh con gái mình phải đứng dưới nắng trưa trước cổng trường vì đi học sớm 15 phút. Nhà trường không cho vào lớp chờ đến giờ học.

Theo lời phụ huynh này, vì gia đình không có điều kiện nên không đăng ký cho con ăn ngủ lại trường vào buổi trưa. Thay vào đó, bà đón con về nhà ăn và trở lại trường lúc 1 giờ 30 chiều. Nhưng vì công việc, người mẹ phải đưa con đi học sớm hơn, vào lúc 1 giờ 15 phút.

Có lần, giáo viên chủ nhiệm đã bắt các em học sinh đi sớm lên bục giảng trách phạt và chụp hình gởi hình vào nhóm phụ huynh của lớp.

Nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động được cho là "phi giáo dục" của nhà trường.

Sau đó, trên mạng xuất hiện một đoạn video cho thấy người mẹ này chỉ chở con đến cổng trường chụp hình rồi chở về, chứ không phải con vào trường rồi bị đuổi ra cổng đứng nắng.

Phụ huynh này thừa nhận rằng mình đã tự đưa con đến trường rồi chụp hình đưa lên mạng. Tuy nhiên, bà làm điều này là vì nhà trường thường xuyên có những hành vi coi thường và trách phạt những học sinh không đăng ký bán trú trước lớp.

Thực trạng vấn nạn bạo hành học sinh

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Xã hội (ISDS) trả lời RFA qua tin nhắn cho biết "Hiện chưa có các số liệu thống kê về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh. Trong mấy năm trở lại đây các vụ giáo viên bạo hành học sinh một cách nghiêm trọng thường xuyên được báo chí phản ánh gây bức xúc trong xã hội. Các hình thức bạo hành khá đa dạng, thường được sử dụng như biện pháp trừng phạt những sai sót của học sinh.

Tuy nhiên, nhiều vụ bạo hành vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta, không thể coi là sự răn đe giáo dục mà phải coi là bạo hành, làm nhục và thậm chí đoạ đày con trẻ. Giáo dục trẻ em cần nghiêm khắc nhưng bạo hành thì không thể chấp nhận".

baohanh2

Ảnh chụp màn hình ghi lại hình ảnh giáo viên đánh học sinh trong lớp học ở Việt Nam Photo : RFA

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nói rằng thực trạng bạo hành học sinh bằng nhiều cách khác nhau như đánh, véo tai, chửi mắng, đe doạ… vẫn còn phổ biến, tuỳ từng địa phương cụ thể :

"Dù internet, camera, điện thoại di động và các hệ thống thông tin khá phát triển nhưng tình trạng bạo hành học sinh bằng nhiều cách khác nhau vẫn còn phổ biến ở Việt Nam phụ thuộc theo từng trường. Trường nào mà hiệu trưởng là một người không thân thiện, thậm chí là ác tâm thì học sinh sẽ bị bạo hành theo rất nhiều cách.

Theo tôi, ở những vùng trung tâm thành phố lớn thì tình trạng bạo lực với học sinh ít hơn, nhưng mà ở các vùng sâu vùng xa, không có các phương tiện thông tin thì việc giáo viên đá, bẹo tai học sinh vẫn còn và ít người biết đến".

Ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng khẳng định chắc chắn rằng việc thầy cô trừng phạt học sinh theo kiểu bạo hành dẫn đến những hậu quả nặng nề. "Các em không chỉ bị tổn thương về thân thể mà còn bị tổn thương sâu sắc về tình cảm, tâm lý. Lòng tự tôn của các em bị chà đạp, niềm tin của các em vào giáo viên nói riêng và người lớn nói chung bị mất mát.

Làm sao một đứa trẻ bị bạo hành như vậy có thể lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác mà không phải mang theo một vết thương khó lành trong tâm hồn ? Liệu em bé đó còn muốn đến trường và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra ? Các em có thể còn bị dày vò bởi mặc cảm, tự ti và xấu hổ với bạn bè khi bị thầy cô đánh đập, sỉ nhục trước mặt bạn bè chúng".

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, giám đốc công ty Bạn Của Bé chia sẻ rằng tâm lý của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu ở trong môi trường bị bạo lực, dẫn tới việc trẻ có cái nhìn sai lệnh về trường học, về cuộc sống :

"Đối với con nít từ 7 tuổi trở lên, khi bị người lớn đánh thì nó sẽ rất ghét người đó, và ghét luôn những người tương tự như người đó. Có thể, nó sẽ nghĩ rằng tất cả các giáo viên đều xấu.

Học sinh trung học mà bị đánh thì nó sẽ có những suy nghĩ sai lệch về cuộc sống, có thể nó sẽ nghĩ rằng trường học là nơi không đáng tin, không đáng để đến nữa. Nó sẽ nghĩ xấu về giáo dục và rằng đi học không có ích lợi gì hết".

Giải pháp

Với câu hỏi làm thế nào để không còn xảy ra tình trạng bạo hành học sinh trong nhà trường. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải chú trọng rằng học sinh dù có phạm lỗi thì cũng là trẻ em. Chúng đến trường để được giáo dục chứ không phải bị trừng phạt :

"Theo tôi, đối với các trường học nên có các camera giám sát, phải thường xuyên được kiểm tra, lưu trữ. Nếu có trường hợp phụ huynh hoặc học sinh nào phản ánh về bạo lực học đường thì thì cấp trên phải can thiệp, giải quyết cho có tình có lý, và nhận lỗi trước phụ huynh, học sinh.

Cấp trên quan tâm giải quyết, chấn chỉnh, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật những người sai phạm là cần thiết để giảm bớt bạo lực học đường.

Các phương tiện truyền thông báo chí, mạng xã hội, người dân, cũng như phụ huynh cũng nên tích cực tham gia phản ánh những vụ bạo lực học đường, dũng cảm lên tiếng đấu tranh thì bạo lực sẽ giảm".

Thạc sĩ Ái Liên nói cần phải giáo dục cho cả giáo viên và học sinh về bạo hành học đường, để giáo viên biết cách xử lý không bạo lực khi học sinh mắc lỗi. Còn học sinh thì biết được quyền được tự vệ của mình :

"Trước hết, muốn thay đổi thì luật pháp phải rất nghiêm minh trừng trị những thầy cô giáo hành xử sai trái một cách mạnh mẽ, và phải có những bước đào tạo cho giáo viên cách để tâm sự, cư xử với học trò trong trường hợp nó hư hỏng.

Cách giáo dục của Việt Nam vẫn dạy con nít là phải chấp nhận cúi đầu, chứ không được tự vệ. Đó là cách giáo dục sai.

Cần phải dạy cho con nít biết đúng sai ; phải dạy cho nó quyền có được một môi trường an toàn, và khi môi trường đó không an toàn nữa thì nó có quyền nghĩ tới chuyện chạy trốn và thông báo ; Phải giáo dục cho con nít biết phân biệt đâu là quyền của nó, đâu là trách nhiệm của cô giáo, và giới hạn quyền lực của thầy cô giáo là gì ; phải dạy về cái quyền được bảo vệ quyền được tự vệ.

Hội phụ huynh phải đóng vai trò như là một lực lượng hỗ trợ giáo viên chứ không phải là cùng phe với giáo viên. Nghĩa là, khi giáo viên cần thì giúp, nhưng khi giáo viên sai thì phải lên tiếng".

Cuối cùng, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng cần phải bao gồm nhiều giải pháp cùng một lúc. Ví dụ, tăng cường thực thi một cách nghiêm minh pháp luật về bảo vệ trẻ em và luật giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ; Tăng cường nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo trong các trường sư phạm ; Nhà trường có cơ chế giám sát giáo viên ; Hội cha mẹ học sinh có vai trò giám sát… để đảm bảo không còn chuyện sử dụng bạo lực đối học sinh diễn ra nữa.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 29/05/2020

Additional Info

  • Author Cao Nguyên
Published in Diễn đàn