Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Chiến lược giữ chủ quyền bằng tầu hải cảnh của Việt Nam và các nước láng giềng

Cơn khát tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Trung Quốc liên tiếp gây sức ép với các nước láng giềng cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và hăm dọa đối thủ bằng đội tầu chấp pháp (tầu "vỏ trắng"), lực lượng dân quân biển và ngư dân, được quân đội đào tạo bài bản.

haicanh01

Một tầu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tầu tuần tra Việt Nam ở Biển Đông, ngày 02/05/2019. Reuters/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters

Đây là nhận định của ông Martin A. Sebastian, giám đốc Trung tâm vì An ninh và Ngoại giao Hàng hải, thuộc Viện Hàng hải Malaysia, trong bài tham luận đăng trong Nghiên cứu số 73 "Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á" (Etude n°73 : La Diplomatie des gardes-côtes en Asie du Sud-Est), do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) phát hành tháng 03/2020.

Tầu hải cảnh, cùng với lực lượng dân quân biển và ngư dân đóng vai trò gì, có công dụng như thế nào trong chiến lược bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khu vực ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, một trong hai giám đốc phụ trách tập Nghiên cứu số 73, lần lượt giải thích một số câu hỏi của RFI tiếng Việt.

*****

RFI : Thưa ông Benoît de Tréglodé, Nghiên cứu số 73 - "Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á" - của Viện IRSEM nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các đội tầu hải cảnh, còn được gọi là tầu "vỏ trắng" ở các vùng Biển Đông Nam Á. Xu hướng này được giải thích như thế nào ?

Benoît de Tréglodé Chị có lý khi nhấn mạnh đến "tầu vỏ trắng". Về mặt ngữ nghĩa, người ta xếp tầu "vỏ trắng", có nghĩa là tầu tuần duyên, bên cạnh tầu "vỏ xám", tức là tầu của các lực lượng hải quân các nước trong vùng.

Đúng là từ ba thập niên nay, Biển Đông là một khu vực có nhiều nhập nhằng chiến lược sâu sắc khiến các nước láng giềng phải tính đến những phương tiện khác để xây dựng khả năng phản ứng ngoài khơi của họ và thoát khỏi những phương pháp truyền thống, mà vào lúc đó họ không có biện pháp nào hơn, như kiểu tầu hải quân có nguy cơ dẫn đến xung đột liên quốc gia. Vì thế, cần phải xây dựng những phương tiện khác để có thể khẳng định chủ quyền trong một vùng đặc trưng bởi tính mập mờ chiến lược, bởi những vùng xám và thiếu rõ ràng về chủ quyền.

Vì vậy, phải tìm ra được một công cụ mới, một nhân tố mới để có thể hành động trên thực địa. Và tầu hải cảnh được sử dụng vào mục đích đó. Nhưng cũng cần phải đặt lại hiện tượng này vào bối cảnh lịch sử : Quyết định dùng tầu hải cảnh được Trung Quốc đưa ra vào nửa sau thập niên 1990. Sau đó, toàn bộ các nước trong vùng có tranh chấp theo đuổi ý tưởng này. Việt Nam cũng làm tương tự, tương đối muộn, bằng cách thông qua luật về lực lượng Cảnh sát biển vào cuối những năm 2000.

RFI : Trung Quốc có chiến lược gì khi sử dụng tầu hải cảnh trong vùng ? Đâu là khả năng của Việt Nam, cũng như các nước trong vùng, hiện có tranh chấp với Trung Quốc ?

Benoît de Tréglodé : Phải trở lại sự khác biệt về các loại tầu. Ban đầu, các tầu hải cảnh làm đúng nhiệm vụ cảnh sát biển. Chúng xuất hiện ở đó để buộc tuân thủ trật tự, quy định trong vùng biển của một nước, cũng như làm nhiều nhiệm vụ khác như bảo vệ môi trường, cứu hộ ngoài khơi… Còn các tầu "vỏ xám" của lực lượng hải quân là một công cụ cho chính sách đối ngoại, làm nhiệm vụ hoàn toàn khác.

Có một điều thú vị cần nhắc đến, nếu chú ý đến sự thay đổi hoạt động trong khu vực này từ cuối những năm 2010, đó là, từ giờ, chính đội tầu hải cảnh lại đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tối cao, có nghĩa là bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ này không hề được dự kiến ban đầu. Như vậy, có một sự thay đổi hợp lý, như trông đợi, nhưng quan trọng để hiểu được hành động của tầu hải cảnh trong khu vực. Lực lượng này đang từng bước trở thành công cụ bảo vệ quốc gia và điều này hoàn toàn thay đổi so với nhiệm vụ ban đầu.

Tiếc là có khá ít nghiên cứu về lực lượng hải cảnh ở Biển Đông. Nhưng đội ngũ này lại trở thành lực lượng trung tâm trong việc tái triển khai các hoạt động ở Biển Đông từ 30 năm nay, dù lực lượng này được phát hiện hơi muộn.

Tôi xin nhắc lại một trong những hành động mang tính biểu tượng, đó là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, được ký năm 2000, nhấn mạnh đến hợp tác song phương về an ninh giữa hai nước. Đó chính là một thỏa thuận về cảnh sát biển.

Điều thú vị hiện nay, dường như cả một bộ máy hành chính được triển khai ở Việt Nam, cũng như ở Philippines, Malaysia và dĩ nhiên là cả Trung Quốc, để triển khai và hiện đại hóa lực lượng ngư dân để có thể năng động hơn trên thực địa nhằm giúp Nhà nước truyền thông điệp mà không cần gây xung đột vũ trang, quá trực diện và quá nghiêm trọng. Đây là lực lượng ở cấp thấp hơn nhưng phục vụ cùng mục đích.

Rõ ràng vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 là một bằng chứng cho việc sử dụng những tác nhân mới nhằm phát đi tín hiệu chính trị đối với một Nhà nước. Và hình thức này sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai. Tại vì, cứ thử hình dung rằng nếu xảy ra một sự cố giữa tầu tuần tra thì sẽ gây ra những hậu quả chính trị nặng nề. Còn nếu xảy ra với đội dân quân biển, thì thiệt hại ít hơn, ít tốn kém hơn, trong khi cả hai kiểu đều cùng hướng đến một mục tiêu.

RFI : Tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động ở Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 04/2020. Đi kèm con tầu này là đội tầu hải cảnh và dân quân biển. Lực lượng này có nhiệm vụ gì ?

Benoît de Tréglodé : Một lần nữa, phải nhắc lại là tham vọng hành động của các nước quanh Biển Đông là sử dụng mọi mặt, từ lực lượng hải quân, để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ. Đây là hành động mà tất cả các nước trong vùng đang tiến hành. Đúng là hiện nay, tầu "vỏ xám" được sử dụng ít hơn, trong khi tầu "vỏ trắng" lại hoạt động thường xuyên hơn từ khoảng 20 năm.

Giờ xuất hiện thêm nhiều yếu tố khác, như lực lượng dân quân biển và lực lượng ngư dân. Toàn bộ các lực lượng trên biển chủ chốt này đều được các nước sử dụng để khẳng định sự hiện diện trên thực địa.

Trong một vùng có tranh chấp giữa hai nước, lấy ví dụ Trung Quốc và Việt Nam, song song với những tranh chấp, hai nước lại có chính sách hợp tác kinh tế quan trọng và mạnh mẽ, nên khó sử dụng được những nhân tố công kích như Hải quân Quốc gia. Vì thế họ sử dụng những phương tiện "trung lập" hơn, như lực lượng hải cảnh. Nhưng hiện tại, lực lượng này không đủ, nên họ sử dụng cả những lực lượng còn "trung lập" hơn nữa, đó là đội dân quân biển và ngư dân. Có nghĩa là sử dụng cả ba cấp độ khác nhau để khẳng định chung một điều : Hiện diện trên thực địa đang có tranh chấp.

RFI : Liệu Trung Quốc có tranh thủ thời cơ đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để tăng cường hoạt động ở Biển Đông không ?

Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ rằng sự kiện hôm 02/04/2020 một tầu cá Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa không được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược hàng hải Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19.

Các tầu của lực lượng dân quân biển hoặc ngư dân Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp luôn chơi trò "mèo đuổi chuột". Đây là điều thường xuyên xảy ra, mà sự kiện gần nhất là vào đầu tháng 04/2020. Tiếp theo là việc tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi không biết là có nên xem đó là chính sách tổng thể của Bắc Kinh hay không, trong một năm được cho là rất quan trọng đối với các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tôi xin nhắc lại là Trung Quốc muốn các cuộc đàm phán gay go về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mang lại kết quả. Vì thế, phải hỏi ngược lại : Bắc Kinh có lợi gì khi đổ thêm dầu vào lửa trong khu vực này vào năm 2020 và tranh thủ sự lơ là của nhiều nước đang phải chật vật xử lý khủng hoảng Covid-19 ? Thực sự, tôi không tin đây là món quà trời ban cho chính sách ngoại giao hàng hải của Trung Quốc trong năm nay.

RFI : Đầu năm 2020, Trung Quốc tập trận chống tầu ngầm ở phía bắc Biển Đông. Tầu sân bay Liêu Ninh cũng có kế hoạch tập trận trong khu vực. Phải hiểu những sự kiện này như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Từ đầu năm đến tháng Tư này, hải quân Trung Quốc có hai sự kiện khá quan trọng. Đầu tiên là cuộc tập trận chống tầu ngầm diễn ra ở phía bắc Biển Đông. Thứ hai là các bài tập cất cánh và hạ cánh trên tầu sân bay Liêu Ninh, ở cùng khu vực. Hai sự kiện này cho thấy điều gì ? Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh muốn cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng hải quân trong khu vực. Điều này không cho thấy có một bước ngoặt hoặc ý định khẩn trương chiếm thêm đảo mà chỉ chứng minh Trung Quốc muốn khẳng định chính sách hàng hải xứng tầm một cường quốc.

Việt Nam cũng đang chứng minh tương tự, khi muốn trở thành cường quốc hàng hải từ nay đến năm 2030. Luật Cảnh sát biển, tăng cường trang thiết bị hàng hải, rồi tầu cá của ngư dân, hiện đại hóa chương trình tầu "vỏ xám" của Hải Quân Việt Nam đều nằm trong chiến lược này. Và đây cũng là chiến lược chung của rất nhiều nước trong khu vực.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 20/04/2020

Published in Diễn đàn

Một bài báo trên VietnamNet đăng ngày 24 tháng 7 có tựa đề "Nhịn để được yên ổn" làm giảm sức mạnh của Việt Nam" đăng vài giờ thì bị giật xuống đặt tít lại với ý nghĩa hoàn toàn khác "Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc".

chuquyen0

Người dân từng "bảo vệ chủ quyền" theo cách của họ trong nhiều lần, mỗi khi Trung Quốc xua tàu vào vùng biển Việt Nam.

Trong lần đăng thứ nhất lời giới thiệu của tòa soạn như sau : "Mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, "nhịn để được yên ổn" đều làm giảm sức mạnh lớn nhất của Việt Nam, sẽ gây tai hại cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".

Bài báo phỏng vấn ông Chủ tịch Viện Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Hoa Kỳ ông Michael Dukakis cho rằng, mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, "nhịn để được yên ổn" của chúng ta đều không phù hợp, không hiệu quả. Vậy thì cái tít không phải tờ báo đặt mà dùng lại nguyên văn của ông Michael Dukakis chắc không có gì phù hợp hơn với hoàn cảnh Việt Nam từ nhiều năm nay trước sự hăm dọa của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên do chưa "chín muồi" bài báo bị rút lại cái tựa cũng là điều đáng mừng so với trước đây cả bài sẽ lẳng lặng đi luôn vào sọt rác.

Nhưng cái tựa được đặt lại cho "bớt nhạy cảm" nếu suy nghĩ kỹ hơn sẽ không thiếu nhạy cảm như người ta mong muốn. Cái tựa có hai vế "huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền", "và phẩm giá dân tộc" làm cho người đọc nhớ lại không ít một giai đoạn đáng buồn hơn là vui mặc dù người dân từng "bảo vệ chủ quyền" theo cách của họ trong nhiều lần, mỗi khi Trung Quốc xua tàu vào vùng biển Việt Nam. Đó là những lần biểu tình đầy máu và nhà giam, đầy tiếng hô "đả đảo Trung Quốc" kèm với tiếng la thất thanh của người biểu tình bị đánh, bị bắt lên xe buýt chở về trại giam. Những hình ảnh của các cuộc biểu tình ấy vẫn đầy dẫy trên mạng, trong ký ức, trong mỗi status của người từng biểu tình trong các năm qua trên trang facebook của họ.

Những lúc ấy nhà nước chưa kịp huy động thì nhân dân đã tự động bảo vệ chủ quyền bằng cách của họ mà biểu tình có lẽ là cách duy nhất, không còn cách nào khác, khiến cho kẻ thù bị buộc phải nhìn lại thái độ của chúng mà dè chừng hay thậm chí rút lui vì phản ứng của dư luận quốc tế về hành vi xâm lược.

Vế thứ hai trong câu là "và phẩm giá dân tộc" xem ra có vẻ khiên cưỡng và thậm chí lạc đề. Phẩm giá dân tộc là một khái niệm trừu tượng rất khó định hình trong ngữ cảnh của câu này vì sự xâm lược của Trung Quốc không làm cho phẩm giá của người dân bị xâm lược ảnh hưởng chút nào thì tại sao phải bảo vệ ? Phẩm giá của nhân dân Việt Nam nếu rạch ròi trên chiếc bàn chữ nghĩa có lẽ nên bàn đến từ hai chủ thể "nhà nước" và "người dân". Nhà nước nắm trong tay mọi phương tiện xây dựng phẩm giá từng cá nhân trong cộng đồng một dân tộc. Cụ thể là bài học đầu tiên từ trường học cho học sinh biết thế nào là phẩm giá con người, rồi tiến dần tới lòng tự trọng trước người ngoài, tôn trọng di sản mà văn hóa Việt Nam xây dựng được hàng ngàn năm. Phẩm giá người dân được nhìn nhận khi ra nước ngoài công tác, du lịch. Phẩm giá ấy sang hay hèn, cao hay thấp tùy vào dân trí, vào cách mà một chính phủ muốn cho người dân của mình có được qua giáo dục, qua tư duy chính trị và nhất là lòng tự trọng cần có của một con người.

Phẩm giá không cần ai bảo vệ mà chính nó tỏa sáng trước cộng đồng, kể cả trước quân thù như Trần Bình Trọng khẳng định phẩm giá của một danh tướng "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là làm vương đất Bắc".

Bài báo đặt cái tựa rất bình thường nhằm đăng cho được nội dung mà nó chuyển tải, tuy nhiên cái tựa thứ hai làm cho người dân nhìn lại cộng đồng hiện tại so với trước đây rồi tha thẩn tự hỏi : tại sao người dân bỗng nhiên dửng dưng trước một sự việc nghiêm trọng mà trước đây vài năm họ sẵn sàng đổ máu đề chống đối ?

Cụ thể nhất là cuộc biểu tình vào tháng 5/2014 khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập lãnh hải Việt Nam, 22 tỉnh thành đã xuống đường phản đối. Người dân đã cuồng nộ chống lại bằng các cuộc biểu tình hầu như trên toàn quốc. Hàng chục ngàn công nhân Bình Dương, Hà Tỉnh đã tấn công các công ty Trung quốc như môt thái độ phản đối quyết liệt. Ban đầu nhà nước lặng im nhưng dần dần có dấu hiệu sợ hãi cuộc biểu tình sẽ chuyển hướng cho một mục tiêu khác và cuối cùng khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sang thăm Việt Nam thì sự thể đổi khác một cách khó hiểu.

Theo nhà báo Roger Mitton viết trên tờ Myanmar Times mà BBC trích lại cho biết : sau chuyến "viếng thăm" ấy về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm cuộc biểu tình nào cả, cũng chẳng có chuyện khiếu nại gì lên Liên Hiệp Quốc, không có diễn tập quân sự với Hoa Kỳ và cũng không đi đầu một khối ASEAN thống nhất chống lại Bắc Kinh.

Ngay lập tức người dân nhận ra ngay sự ngây thơ của mình khi biểu lộ lòng yêu nước. Sự ngây thơ ấy đã bị lợi dụng cho mục đích chính trị "không trong sáng" và người chịu thiệt cuối cùng chính là họ, những người thiết tha bảo vệ chú quyền lãnh thổ bằng cách duy nhất là biểu tình chống Trung Quốc. Người dân cũng nhận ra rằng họ bị phản bội từ chính quyền của mình và nỗi đau đớn ấy không hề thua cái nhục mất nước trước kẻ thù truyền kiếp.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 29/07/20149 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn

Kể từ những ngày bắt đầu đón các nguyên thủ quốc gia đến tham dự APEC, dân Việt bàn tán nhiều về các vấn đề liên quan đến việc Tổng thống Mỹ đến Việt Nam với đầy đủ mọi góc cạnh của nó từ những điều nhỏ nhất là cách ăn mặc, phương tiện, hành động và lời nói như thế nào. Những điều đó vẫn luôn mới, lạ và hút khách với những độc giả Việt Nam như chiêm ngưỡng một nhân vật đến từ một hành tinh xa xôi nào đó.

lamthay1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - Ảnh minh họa

Chuyện lạ hút khách ?

Đơn giản chỉ vì nó xa lạ với người dân Việt Nam, vốn luôn luôn "vững bước theo con đường mà bác và đảng đã chọn" mà hình tượng là con lừa bị che mắt cả hai bên để chỉ nhìn thấy bó cỏ treo phía trước mà kéo xe. Còn cái bó cỏ xanh non - thiên đường xã hội chủ nghĩa - thì mãi không thấy. Thậm chí cho đến lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố thẳng thừng là cái bó cỏ "Thiên đường xã hội chủ nghĩa" còn là xa vời lắm, đến cuối thế kỷ vẫn chưa thấy đâu. Vậy nhưng bầy cừu nhiễm độc niềm tin vẫn cứ cắm cúi kéo xe phục vụ đảng ngồi chễm chệ trên lưng.

Họ thấy lạ là phải.

Những tờ báo quốc doanh chăm chú vào chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ ra sao, đoàn tùy tùng bao nhiêu người, họ được đảm bảo an ninh như thế nào, được chiêu đãi món gì... Tất cả được khai thác như để chứng minh một điều : Chuyện quan chức cộng sản Việt Nam ra đường thì còi hụ dẫn đường, công an, cảnh sát đông như ruồi, xe cộ chạy tán loạn từng đoàn dài là chuyện bình thường, chưa nhằm nhò gì với Tổng thống Mỹ. Hoặc quan chức đi chỗ nọ, chỗ kia chỉ chăm chăm việc ăn gì, uống gì và ngủ ở đâu... chứ nội dung làm gì đâu quan trọng như quan chức Việt Nam.

Tuy nhiên, đem điều đó ra so sánh thì chỉ là chuyện so vôi với phấn.

Những hình ảnh mà người dân chứng kiến ở các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam là một thủ tướng Canada trẻ trung, mạnh khỏe và hêt sức bình dân, ngồi trà đá vỉa hè với người dân như thường mà không sợ bị ám sát, không sợ bẩn hoặc sợ bị đánh giá thấp đi như quan chức cộng sản Việt Nam.

Nhưng…

Có lẽ một trong những điều được người dân Việt Nam quan tâm chia sẻ nhiều nhất là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trumph tại Diễn đàn APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Người ta chú ý không chỉ ở phong thái đĩnh đạc phát biểu hết sức tự nhiên một bài dài dằng dặc vậy mà không phải chúi mũi gằm mặt vào tờ giấy nhàu nát đút túi như giấy lau nồi của các lãnh đạo Việt Nam khi gặp các lãnh đạo nước ngoài.

Người ta cũng chú ý không chỉ ở lượng người thả những biểu tượng yêu thích rợp cả màn hình khi được live stream trực tiếp qua mạng xã hội ngược hẳn với những hình ảnh cảm xúc giận dữ, chế nhạo khi Tập Cận Bình phát biểu.

Điều mà người ta chú ý là những nội dung mà Tổng thống Mỹ Donald Trumph đã nói. Qua bài phát biểu chúng ta thấy gì ?

Đó là sự phát biểu hết sức thẳng thắn về tình hình thế giới, tình hình nước Mỹ với những con số, hiện tượng đáng tự hào.

Đó là việc phát biểu ca ngợi những thành công của Singapore với những bước tiến kỳ diệu từ chỗ thu nhập đầu người chỉ 500 đola nay đã trở thành một trong những nước văn minh, hiện đại công dân có thu nhập cao nhất thế giới.

Không chỉ có thế, Tổng thống Trumph còn không quên khen câu này : "Sự biến chuyển này đã thành hiện thực nhờ tầm nhìn của chính phủ Lý Quang Diệu, một chính phủ được quản lý trung thực và tuân theo pháp luật". Không rõ các nhà lãnh đạo Việt Nam ngồi dưới nghe câu này có biết xấu hổ mà giật mình ?

Những bài học lịch sử cần nhắc lại

Điều mà nhiều người nhận thấy trong các chuyến gặp gỡ quan chức cộng sản Việt Nam, các đời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy Kiều luôn dùng để nhắc nhở, nói chuyện là các đề tài về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Báo chí Việt Nam không hoặc giả vờ không hiểu những ẩn ý của họ, ngược lại họ chỉ ôm mối "tự sướng" rằng thì là Truyện Kiều là nhất, là đi khắp thế giới...

Nhưng điều hài hước là các quan chức Việt Nam dù luôn tự hào là trí tuệ của đảng vẫn á khẩu khi được nghe các câu Kiều từ miệng nguyên thủ ngoại quốc, kể cả Nguyễn Phú Trọng vốn tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhưng, lần này, Tổng thống Donald Trumph với tính cách ngang tàng, thẳng thắn đã không thèm "đàn gảy tai trâu" chi cho mệt ông thẳng ruột ngựa nhắc cho lãnh đạo Việt Nam rằng :

"Ở Mỹ - cũng giống như mọi quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ chủ quyền của mình, chúng tôi hiểu rằng không có gì quý giá như quyền lợi đương nhiên của công dân, sự độc lập quý giá và sự tự do.

Lý tưởng đó đã dẫn dắt chúng tôi trong lịch sử nước Mỹ. Lý tưởng đó đã thôi thúc chúng tôi hy sinh và đổi mới. Và đó là lý do tại sao ngày nay, hàng trăm năm sau chiến thắng của chúng tôi trong Cách mạng Mỹ, chúng ta vẫn nhớ đến lời của lời nhà lập quốc và là Tổng thống thứ hai của nước Mỹ John Adams. Trước khi từ giã cõi đời, người yêu nước vĩ đại này được yêu cầu đưa ra suy nghĩ trong dịp kỷ niệm 50 năm tự do của Mỹ. Câu trả lời của ông là "độc lập vĩnh viễn".

Và ông nhắc lại cho nhớ về lịch sử Việt Nam :

"Đó là tinh thần cháy bỏng trong lòng người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm. Vào khoảng năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của người dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn.

Vì vậy, vì gia đình, vì đất nước, tự do, lịch sử và vì Chúa, hãy bảo vệ tổ quốc của các bạn, hiện giờ và mãi mãi về sau".

Tôi không có điều kiện để chứng kiến xem các gương mặt lãnh đạo Việt Nam khi nghe những lời này sẽ đỏ lên, hay tái đi ? Hay làn da vẫn cứ bì bì như da trâu ?

Nhưng, tôi nghĩ rằng nếu là người có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì có lẽ chính họ sẽ chui xuống đất sau những lời đó.

Bởi không ngượng làm sao được, khi mà cả cái đảng cộng sản từ Tổng bí thư cho đến Bộ trưởng Quốc phòng đều cúi rạp mình trước các thế lực phương Bắc, mặc cho Tổ quốc bị xâm lăng, mặc cho đất nước bị chiếm đóng, mặc cho dân mình bị sát hại ngay trên lãnh thổ, lãnh hải của mình.

Mà cũng có thể là không, bởi cha ông có nói rằng "cùi không sợ lở". Nếu họ biết ngượng, thì chính họ đã không ra mặt đàn áp, bắt bớ những người dân vô tội vốn giàu lòng yêu nước. Mà chính lòng yêu nước của họ đã có thời bị lạm dụng và khai thác triệt để cho cuộc chiến tương tàn Nam - Bắc.

Mà cũng rất có thể chưa chắc các lãnh đạo Việt Nam đã biết đến lịch sử dân tộc, đất nước mình. Hầu như họ chỉ biết lịch sử đảng là chính.

Lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trumph trên lãnh thổ Việt Nam, trước mặt quan chức, người dân Việt Nam về việc phải yêu Tổ quốc, đất nước của mình như một cú giáng thẳng thắn vào thói nô lệ và coi nhẹ sự độc lập, quyền lợi của Tổ Quốc mình trước ngoại bang mà đảng đang theo đuổi và thể hiện bấy lâu nay. Không rõ đám An ninh và Dư lợn viên của Đảng có còn gào lên là"âm mưu của Đế quốc Mỹ xâm lược" nữa hay không ?

Nước Mỹ sẽ không làm thay

Cũng những ngày APEC sắp họp, nhiều người hy vọng rằng trong cuộc họp này, những vấn đề về nhân quyền, về sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia ở các nước tiến bộ đến Việt Nam sẽ lên tiếng bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Thậm chí, còn có người hy vọng rằng phu nhân tổng thống Mỹ sẽ can thiệp cho trường hợp nọ, trường hợp kia như họ mong muốn.

Điều này cũng tương tự như những tư tưởng vẫn thường có trong dân chúng rằng Mỹ sẽ làm tất cả cho trật tự thế giới, ngăn chặn việc xâm lấn của Trung Cộng với các nước láng giềng...

Và họ cứ ngồi chờ đợi để rồi thất vọng.

Thế rồi, ngay tại Đà Nẵng, tổng thống Mỹ đã tuyên bố như sau : "Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết…".

Và : "Thay vào đó, chúng tôi sẽ thương thảo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn mạnh mẽ, thịnh vượng và tự tin, giữ vững bản sắc lịch sử và vươn tới tương lai".

Có vẻ như nghe những lời này, Tổng thống Mỹ đang nói về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, quan điểm này không chỉ riêng vấn đề thương mại hoặc kinh tế của Mỹ mà cả các lĩnh vực chính trị, xã hội khác cũng tương tự.

Tất cả đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên hàng đầu, đơn giản vậy thôi.

Tư duy trông chờ và ỉ lại

Trong cuộc sống xã hội Việt Nam, ngày càng chứng minh một điều không thể chối cãi : Đảng cộng sản đang là lực cản lớn nhất, nguy cơ lớn nhất cho dân tộc, cho đất nước trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống từ kinh tế, xã hội, đạo đức cho đến việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ...

lamthay2

Vô cảm lên ngôi khi xã hội mất đạo đức

Trước đây, nhiều người bị hệ thống tuyên truyền làm cho ngộ độc nặng nề đến mức khiếp sợ và không dám mở miệng ngay cả khi chính mình là nạn nhân trực tiếp. Thế rồi thời đại công nghệ thông tin phát triển đến mức mọi ngõ ngách cuộc sống được phơi bày đầy đủ trước mắt họ và họ đã hiểu ra.

Thế nhưng, trong họ vẫn cứ có tư duy ỉ lại, trông chờ vào những người khác đấu tranh thay họ để rồi "đến một lúc nào đó" tự đảng cộng sản sụp đổ hoặc những sự đấu tranh của người khác thành công, họ sẽ được hưởng thành quả của một xã hội mới với trật tự mới. Còn hiện tại, họ chỉ chăm lo nịnh hót, chạy chọt, dựa dẫm vào thế lực tham nhũng, chức quyền để kiếm thật nhiều tiền nhằm vinh thân, phì gia.

Họ say mê với những nhà cửa, xe cộ và mọi thứ thỏa mãn cuộc sống hiện tại cho họ và gia đình mình, còn những sự việc xã hội khác, họ khoán cho tất cả những người dấn thân đấu tranh.

Để kết thúc bài viết này, xin kể một câu chuyện có thật như sau :

Sau phiên tòa xử án Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày 22/9/2016 một người bạn gặp tôi hỏi :

- Sao hôm trước ông không đi phiên tòa xử Ba Sàm ?

- Tôi có đi chứ, nhưng vừa đến nơi chúng nó bắt tôi nhốt vào đồn yên Hòa cả ngày không ra được.

- Hèn gì, bọn tôi ngồi cafe cứ bảo nhau những vụ này thì nhất định ông phải đi nhưng sao không thấy.

Thấy buồn cười, tôi hỏi lại :

- Vậy hôm đó ông đứng ở đâu ?

- À, tôi không đi, tôi bận nhiều thứ làm ăn nên sao đi được.

- Ông không đi được sao tôi lại nhất định phải đi ?

- Thì những người đấu tranh là phải có mặt những vụ như thế chứ, vừa để động viên tinh thần cho người bị xét xử vô luật pháp, vừa biểu thị tinh thần đấu tranh bất khuất chứ. Còn như tôi mà ra đó nó đập chết ngay. cộng sản này nó khốn nạn và tàn bạo lắm ông ạ, không sụp đổ thì dân còn chết, còn làm nô lệ ông ạ, các ông cần cố gắng hơn nữa.

- Ông ra nó đập chết, vậy tôi thì nó đập không chết à ? Tôi có phải làm bằng cao su đâu. Mà tại sao không phải tất cả mọi người cùng cố gắng mà chỉ bọn tôi hay bọn ông ? Đây là trách nhiệm của 90 triệu thằng dân chứ đâu cho bọn nào đâu ông ?

- Trách nhiệm thì chung. Nhưng các ông là những người đấu tranh thì phải thế.

- Vậy có ai khoán việc hay trả tiền cho những người đấu tranh phải thế để những người khác cứ ngồi theo dõi không ? Ông có thuê họ đi đấu tranh phần của ông không ?

- À, tôi còn bận kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình mà ông...

Câu chuyện khá dài, chỉ kết thúc ở đây để hiểu rằng cái tư duy chỉ ngồi nhìn, nghe rồi yêu sách, trông chờ vẫn còn đang phổ biến tại Việt Nam.

Đó cũng chính là tư duy nô lệ, phụ thuộc và thụ động.

Và đã đến lúc, mọi người cần phải hiểu ra rằng làm trong sạch xã hội Việt Nam để đất nước tồn tại và phát triển là trách nhiệm của mọi công dân phải tự gắng sức mình nếu không muốn làm nô lệ.

Không thể trông chờ vào bất cứ một ai ra tay cứu giúp dân tộc, đất nước mình, kể cả Tổng thống Mỹ.

11/11/2017, Kỷ niệm 6 năm ngày bị bắt vào Sở Công an Hà Nội, 6 Quang Trung, Hà Đông

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 10/11/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn