Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đủ ban bệ về trẻ em nhưng không nơi nào chịu trách nhiệm khi có vấn đề

Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Đặng Hoa Nam, tuyên bố rằng việc trẻ em đang hàng ngày đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng là điều đáng lo hiện nay.

baove1

Em nhỏ chuẩn bị bếp than tổ ong để nấu bên ngoài nhà ở Hà Nội hôm 9/11/2021 AFP / Hình minh họa

Vẫn theo lời ông, khi có vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em thì mọi người đều bảo có tới 17 cơ quan hay tổ chức bảo vệ trẻ, nhưng mỗi cơ quan, tổ chức đều có trách nhiệm của mình nên mới có cảnh ‘công tranh, còn tội thì tránh’.

Ông Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu như vậy tại cuộc Hội thảo về Bảo vệ Trẻ em sáng 25/5. Thực tế về hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông nói rõ, phụ thuộc nguồn thu ngân sách từng địa phương. Nếu ngân sách địa phương mà có dư ra thì mới chi vào việc chăm sóc trẻ em một cách thỏa đáng, còn ngược lại khoản chi này là khoản đầu tiên sẽ bị cắt.

‘Những mười bảy tổ chức bảo vệ trẻ em mà không nơi nào phải chịu trách nhiệm khi có chuyện thì đúng là chẳng được tích sự gì, đúng là phải nói thật chứ thành tích đâu mà khoe mẽ’, là lời một nguyên cán bộ giấu tên ở Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời RFA qua điện thoại.

Hiến Pháp Việt Nam 2013, Điều 37, chương II, quy định ‘Trẻ em có quyền được Nhà Nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục ; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em ; nghiêm cấm việc xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm Quyền Trẻ Em’

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với RFA :

"Mấy cái đó Việt Nam có hết. Ở Việt Nam hỏi về tổ chức gì cũng có cả, hỏi guồng máy gì cũng có người cả, nhưng người làm và làm cho có hiệu quả thì tác dụng rất thấp. Thậm chí Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đang là đại biểu quốc hội đó, nói rằng người ta nói ở Việt Nam là luật rừng nhưng bây giờ ở Việt Nam là một rừng luật".

"Pháp luật Việt Nam mà tôi nghiên cứu được nó khác pháp luật nước ngoài. Ở nước ngoài khi ban hành luật gì ra phải đảm bảo ngân sách dự trù và bộ máy dự trù, có tiền mới triển khai luật đó được".

"Còn Việt Nam ra luật nhưng đảm bảo thi hành thì không có điều kiện. Ngay cả khi ban hành thì Quốc hội phải kèm theo quy định kinh phí bao nhiều, số tiền bao nhiêu đề làm luật này. Cái đó Việt Nam hầu như rất yếu, thậm chí là không có".

Có nhiều lý do dẫn đến tử vong trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam giải thích, trong đó chết đuối là nguyên nhân hàng đầu với bình quân 2.000 em/năm. Kế đó là tai nạn giao thông cũng ở mức tương tự. Rồi gần đây lại nổi lên các vụ việc trẻ rơi ngã do tự tử hoặc môi trường sống không an toàn, điển hình như chung cư hoặc cao tầng.

Tuy Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn, nhiều địa phương đã không quan tâm, trong lúc lãnh đạo chừng như quá bận nên không ‘nóng lòng’ trước cảnh nhiều trẻ bị chết đuối.

Một nguyên nhân hệ trọng nữa được nêu bật trong buổi hội thảo hôm 25/5 là nạn trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại. Cục Trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đặt vấn đề là : ‘Chúng ta đã quá quen với thực tế là có tới 17 cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em mà sao các vụ việc xâm hại trẻ nghiêm trọng vẫn xảy ra’.

Đó là sự thật, ông nhấn mạnh ‘Mỗi cơ quan có trách nhiệm đã được pháp luật định rõ, nhưng vấn đề là các cơ quan, đơn vị ấy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa hay chỉ tranh công còn tội tránh ?’

Ông khẳng định thêm rằng trước khi đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thì cũng phải minh định luôn rằng trách nhiệm của gia đình, cha mẹ là chuyện không thể thay thế.

Bạo hành trẻ, xâm hại tình dục trẻ, bắt cóc, bỏ rơi là chuyện xảy ra nhan nhản trong xạ hội Việt Nam xưa giờ, từ thành đến tỉnh, và con số được báo cáo chỉ là ngọn của cả một tảng băng lớn chìm trong nước. Vị cựu cán bộ Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA như thế :

"Chừng nào chưa có quy định nghiêm ngặt, nghĩa là buộc những ai biết hoặc nhìn thấy trẻ bị hành hạ,bị đánh đâp, bị lạm dụng thì phải báo ngay lên cơ quan công lực, chừng đó những tình huống thương tâm, thảm khốc vẫn xảy ra dài dài, hoài hoài, bất kể mười lăm hai mươi cơ sở bảo vệ ngồi đó".

Dân đã góp ý rất nhiều về chuyện này, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :

"Trên mạng người ta cũng than phiền rất nhiều. Câu chuyện bây giờ là điều kiện đảm bảo gồm có nhiều thứ, nhiều lắm, trong đó dĩ nhiên phải có một bộ máy đảm bảo. Xã hội đó là khi cha mẹ, người thân gặp trẻ em bị nạn mà nếu không chịu trách nhiệm cứu chữa, cứu người là phạm tội hình sự. Rồi khi triển khai thì như tôi đã nói cái đảm bảo trách nhiệm phải rách ròi. Chứ còn kinh phí đã không đủ mà mỗi bên còn cắt bớt thì sao mà hiệu quả được".

"Đâm ra tính khả thi nó cũng nằm trong tổng thể của một xã hội, một nền hành chánh, một thể chế thích hợp mà mỗi người dân đều phải hiểu. Việt Nam hiện đang cố cải tiền nhưng mà đều rất chậm, rất yếu".

Đấy là vấn đề của tất cả mọi lãnh vực chứ không riêng Quyền Trẻ em hay các cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em, là nhận định của nhà Xã Hội học Tăng Duyên Hồng, Giám đốc tổ chức Coins For Change hiện đang làm việc tại Đà Nẵng :

"Ở đây người ta hay đùa là ‘thợ điện thì đến đào đường lên để đặt dây điện xuống, xong rồi thợ làm đường mới đến lấp đường lại vân vân. Trong tất cả mọi lãnh vực ở Việt Nam đều không có sự hợp tác giữa các cơ quan chứ không riêng gì chuyện bảo vệ trẻ em. Đó là câu chuyện không thể thay đổi được".

"Tình hình bạo lực trong gia đình, trong học đường, nhất là gần đây vụ mẹ kế tra tấn con chồng rồi cha dượng tra tấn con vợ".

"Lãnh đạo lúc nào cũng nói rằng nước ta còn nghèo, cho nên g mọi ngành nghề đều là thiếu kinh phí. Người ta nói đấy là một kiểu excuse, một lý lẽ bao biện cho việc không làm được".

 "Thế thì bất kỳ sự góp ý nào cũng sẽ không được triển khai bởi vì cán bộ sẽ nói là không có ngân sách để làm việc đó. Nói chung thì cũng có sự khó khăn cho họ".

Hoàn toàn tán đồng với ý kiến sau rốt của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam rằng bảo vệ con trẻ cũng là trách nhiệm tất yếu từ gia đình. Đây là sự phối hợp cần thiết và hiệu quả, nhà Xã Hội học Tăng Duyên Hồng trình bày tiếp :

 "Làm thế nào để con biết tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dực, khỏi bị tai nạn khi đi trên đường hoặc những tai nạn trong trường. Ở đây thì vai trò của mẹ sẽ đúng hơn là vai trò của cô giáo. Tuy nhiên tại sao người mẹ không dậy được cho con thì nó lại liên quan đến chuyện có khi người mẹ cũng không có những kỷ năng đó để dạy con mình. Những trường hợp thầy cô giáo bắt nạt trẻ hoặc thầy cưỡng hiếp nữ sinh thì nhiều cha mẹ cũng sợ không dám bảo con là thầy không có quyền làm việc đó chẳng hạn".

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, năm 2021 gần 2.000 trẻ bị xâm hại, bạo hành được phát hiệnvà xử lý, giảm 1,6% so với năm 2020.

Tin nói Cục Trẻ em đang phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an để xây dựng quy trình xử lý việc xâm hại thiếu nhi qua Internet, dự kiến ban hành Quí III năm nay.

 RFA đã gởi điện thư về Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB- XH để hỏi thêm tin tức nhưng hoàn toàn không được phúc đáp.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 02/06/2022

Published in Diễn đàn

Những vụ xâm hại tình dục xôn xao suốt thời gian qua tại Việt Nam khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ đến biện pháp gíup con cái họ có thể phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

baove1

Luật sư Lê Luân (giữa) đang trình bày trong hội thảo về vấn đề trẻ em bị lạm dụng. Ảnh chụp hôm 14/3/2017 tại Hà Nội. AFP photo

Gần gũi con

Khái niệm "ấu dâm" thường thì ai cũng hiểu đó là những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Theo Hiệp hội chống xâm hại tình dục trẻ em, có nhiều nguyên nhân để một người thực hiện hành vi tình dục với trẻ em. Nhưng có 3 tiêu chí để xác định một người có biểu hiện ấu dâm. Một là sự tái diễn tưởng tượng, ham muốn, hành vi có liên quan đến trẻ em chưa dậy thì. Hai là thực hiện hành động trong ham muốn hoặc cảm thấy đau khổ, lo âu do ham muốn với trẻ em. Ba là người đó phải trên 16 tuổi và lớn hơn đứa trẻ ít nhất 5 tuổi.

Lục lại những trang báo cũ về các vụ con trẻ bị xâm hại tình dục, chẳng mấy vụ mà được các con nói ngay với bố mẹ. Thậm chí đa phần các con đều không biết đó là hành vi sai trái, chỉ biết là không thích người đó vì người ta làm mình đau, làm mình sợ. Một thời gian dài sau, khi cha mẹ phát hiện ra những dấu hiệu suy sụp, bất ổn định trong tâm lý con, mới dò hỏi thì mọi chuyện cũng đã muộn. Hay nhiều trường hợp khác là nhờ người dân nhìn thấy báo lại thì gia đình mới biết.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ ở Sài Gòn, để nghe những chia sẻ về cách tiếp cận với các con khi có những dấu hiệu bất thường :

Điều này cũng đòi hỏi một quá trình vì nếu mình chơi với con từ rất sớm , khi mình trò chuyện với bé thì có thể con sẽ chia sẻ về nhiều chuyện. Như vậy đến khi gặp vấn đề thì trẻ mới tâm sự với mình. Bình thường những câu chuyện nho nhỏ chẳng hạn như cái mụn thôi cũng làm cho trẻ băn khoăn, nói chuyện với mình.

Đặc biệt hơn nữa là sự quan sát, gần gũi với trẻ như một người bạn, và luôn cho con biết bất cứ lúc nào con cần sự bảo vệ, che chở và giúp đỡ thì đều có thể thông báo với mẹ.

Kể cả con trai hay con gái nếu mình gần gũi với con từ rất sớm thì có thể con sẽ trao đổi với mình. Điều quan trọng là sự chuẩn bị tâm thế, cũng như cho con ý thức về chính cơ thể của con cần phải được bảo vệ, quý trọng đến mức nào. Gia đình, người thân, bạn bè của bố mẹ hay một cộng đồng là những nhân tố rất cần thiết cho con để con biết khi con cần sự giúp đỡ con có thể tâm sự với mọi người.

Ngoài cách gần gũi, thường xuyên tâm sự, trò chuyện với các con, bà Thúy còn gợi ý một cách khác để ba mẹ chuẩn bị sự đề phòng cho các con :

Ngay từ bé cho các con được đọc sách, được nghe những câu chuyện, những đồng thoại, những câu thơ, câu đồng giao để con có thể nhận biết được người lạ.

Chính quyền cần làm gì ?

INDONESIA-CRIME-PROSTITUTION

Ba kẻ phạm tội ấu dâm bị xét xử ở Indonesia hôm 2/9/2016. AFP photo

Theo Bác sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), ấu dâm thực chất cũng chỉ là một khuynh hướng tình dục, tuy nhiên lại bị xã hội lên án gay gắt, bị pháp luật can thiệp và bị mang tiếng là biến thái vì đối tượng bị xâm hại là những em tuổi đời còn rất nhỏ, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Hiện tại ở nhiều quốc gia người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với những đối tượng có khuynh hướng ham muốn tình dục với trẻ em. Người ta cũng đưa ra những giải pháp giàu tính nhân văn để giúp đỡ những người này chẳng hạn như ở Đức, Hà Lan, nhiều câu lạc bộ, những nhóm đồng đẳng được thành lập để những người có khuynh hướng tình dục khác thường có cơ hội được nói ra nhu cầu của mình, và có thể giải quyết nhu cầu đó bằng cách sử dụng tranh ảnh, hay búp bê tình dục trẻ em.

Ở nhiều quốc gia khác mà Mỹ là ví dụ điển hình, người ta còn tạo điều kiện cho những người mắc chứng ấu dâm đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, điều trị.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện sợ hãi, thường xuyên gặp ác mộng, mặc cảm khi lớn lên, bị bạn bè xa lánh, có thể bị rối loạn chức năng tình dục, muốn bỏ nhà, bỏ học hoặc thậm chí không muốn tiếp tục sống. Vụ ấu dâm mới đây xảy ra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, mẹ nạn nhân cũng chia sẻ một clip ghi lại cảnh con chị gặp ác mộng, khóc trong mơ sau khi bị xâm hại.

Giúp con đề phòng và nhận biết nguy hiểm

Qua hàng loạt vụ xâm hại được loan tải gần đây, chị Tuyết, hiện là giáo viên ở Hà Nội, cũng là một bà mẹ có hai con tuổi còn nhỏ, cho biết suy nghĩ của bản thân :

Quan điểm cá nhân của một người mẹ có con gái thì hiện giờ ở Việt Nam không phải một mình chị mà mọi người đều hoang mang, hoảng sợ, mất an toàn khi gửi con vào các trường. Xu hướng bây giờ các mẹ đều chọn các trường có thể là đắt đỏ nhưng đảm bảo được an toàn cho con cái nói chung và đặc biệt là con gái.

Nạn nhân ấu dâm thường là những đứa rất bé, chưa có nhận thức, 2 tuổi 3 tuổi cũng có thể trở thành nạn nhân của những người có sở thích kỳ quặc ấy. Theo mình thì nên gần gũi với con và tập cho con cái thói quen kể chuyện với mình. Mỗi hôm con đi học về thì đều gần gũi hỏi han con, gợi cho con kể những câu chuyện xảy ra trên lớp, hoặc kiểm tra thân thể, quần của con để xem có gì khả nghi không. Nếu có dấu vết gì thì mình cần đặt ra câu hỏi chứ không thể cứ hồn nhiên như trước.

Sự âu lo như bản năng của người mẹ, thúc giục chị tìm hiểu các phương cách để giáo dục con, giúp con đề phòng và nhận biết nếu con có những biểu hiện bất thường :

Chị bắt đầu dạy cho con những khu vực nào thì ai có thể tiếp cận được. Chẳng hạn khu vực nhạy cảm của con thì mẹ và bà có thể tiếp cận được, còn đàn ông thì thường tránh không cho tiếp cận. Chỗ này của con để đi vệ sinh thì mẹ, bà hay cô giáo có thể đụng vào để giữ vệ sinh cho con, còn những người khác không có nhiệm vụ thì không được đụng vào.

Ở Việt Nam người thân trong gia đình hay có thói quen đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ con như một hình thức trêu đùa. Chị bắt đầu khuyên nhủ họ cần cẩn trọng khi làm những việc đó. Kể cả con chị, trước đây còn cả nể, nghĩ thôi thế cũng được nhưng bắt đầu từ bây giờ cần nghiêm túc hơn nhìn nhận những việc đó để con nhận thức được bộ phận nào ai đụng chạm được còn ai thì không.

Trách nhiệm của cha mẹ

baove3

Mẹ và con gái. AFP photo

Trước đó Bộ lao động, Thương binh & Xã hội công bố tại hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội năm 2016, mỗi năm ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trước con số đáng lo ngại như vậy, một tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh đã tuyên truyền một bộ quy tắc có tên là PANTS Rules, tạm hiểu là quy tắc đồ lót để các bậc phụ huynh giáo dục con em mình. Bộ quy tắc này đưa ra 5 tiêu chí mà các con luôn luôn cần phải nhớ, đó là : cái gì của riêng con là của riêng con, luôn nhớ cơ thể con thuộc về con, nói không với những gì con không thích, nói ra những điều bí mật khiến con buồn, và lên tiếng với người con tin tưởng.

Chị Quỳnh, một bà mẹ khác ở Sài Gòn, hiện cũng có con gái nhỏ, chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của chị :

Cũng cảm thấy lo lắng. Thấy báo đài đăng như vậy về cũng cố gắng dạy con mình để cho con đề phòng. Cũng hướng dẫn cho bé rằng không cho người lạ tiếp cận với con, không cho đụng vào những vùng nhạy cảm.

Sau hàng loạt những vụ xâm hại tình dục xảy ra gần đây, chị có để ý thấy một đặc điểm chung của đa phần các vụ việc này :

Thực ra những việc báo chí đăng chủ yếu ở các vùng quê, ba mẹ không quan tâm nhiều đến con cái. Chứ ở những khu như Sài Gòn hay những vùng phát triển thì ba mẹ kèm cặp con hàng ngày. Cho nên nếu con có gì bất thường thì cha mẹ cũng dễ dàng phát hiện ra hơn.

Chuyện này xảy ra mà để qua hết ngày này qua ngày nọ cũng là do ba mẹ không quan tâm đến con cái nhiều. Ở những vùng quê người ta cũng không thấy những chuyện đó là những chuyện cần đề phòng, cần phải dạy con cái.

Ở nhiều quốc gia, ấu dâm có thể bị coi là trọng tôi và được pháp luật quan tâm, xử lý nghiêm khắc. Tại Indonesia, thủ phạm hiếp dâm trẻ em có thể bị tử hình, bị hoạn bằng hóa chất để "tiêu diệt dục tính". Ngoài ra, những kẻ này có thể chịu mức án tối thiểu 10 năm tù giam và phải đeo thiết bị điện tử để theo dõi 24/24h sau khi được ra tù. Tại Hàn Quốc cũng đã áp dụng những phương pháp này.

Ngoài ra, một số quốc gia như Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga và một số bang của Mỹ từ lâu đã áp dụng hình phạt thiến bằng cách tiêm chất hóa học với tội phạm ấu dâm.

Hiện tại pháp luật Việt Nam cũng đã can thiệp vào tội danh xâm hại tình dục trẻ em, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ hạn chế và tiến độ xử lý chưa được đảm bảo, mà vụ Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu là một điển hình. Vì vậy các bậc làm cha mẹ càng cần phải cố gắng hơn nữa trong việc giáo dục con cái, trò chuyện, tâm sự với con hàng ngày để các con cảm nhận được sự quan tâm và tin tưởng nói ra nếu bị kẻ xấu xâm hại. Đồng thời việc hướng dẫn để các con biết hành động nào là sai trái mà các con cần nói không với, và tự bảo vệ thân thể của mình cũng hết sức quan trọng.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 23/03/2017

Published in Văn hóa

Trong tháng 12/2016, sau gần 9 tháng ngồi tù ở Mỹ vì tội ấu dâm (bằng một nửa thời gian tuyên án là 18 tháng), M.B, một diễn viên hài thuộc loại có tiếng của sân khấu kịch phía Nam đã về nước. Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu như trong những hình ảnh, status đăng trên facebook hay những phát biểu đầu tiên, diễn viên này không hề có biểu hiện gì của sự xấu hổ hay có một lời xin lỗi đồng nghiệp, khán giả, cũng như gia đình, người thân, bạn bè về những việc làm của mình. Và nếu như không có một số bài viết, ý kiến của người này người kia, của cả một số bạn bè trong giới showbiz chào đón sự trở về của M.B, kêu gọi dư luận khoan dung với M.B, cho M.B một cơ hội làm lại, vì rằng ai cũng có lúc lỡ lầm (?), người ta đã trả giá rồi.

Ngược lại, một số ý kiến dứt khoát cho rằng M.B làm gì thì làm, ai thì cũng phải sống, nhưng không thể cứ tiếp tục là diễn viên, là người của công chúng, càng không nên tiếp tục làm việc trong môi trường có nhiều trẻ con như trước.

Trước sức ép của dư luận, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử đã ra quyết định phạt hành chính 3 trang thông tin điện tử vì có bài viết mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp về diễn viên M.B. Nhưng khi báo chí hỏi về việc liệu M.B sẽ bị cấm diễn hay tiếp tục hoạt động như trước thì các cơ quan có thẩm quyền lại chưa có câu trả lời dứt khoát.

audam1

Ở Mỹ và nhiều nước ở phương Tây, tội phạm ấu dâm, hiếp dâm trẻ em không những bị tuyên án rất nặng - Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)

Nhưng qua sự việc này chúng ta thấy gì ? Đó là ở Việt Nam hình như số đông và kể cả pháp luật vẫn chưa thật sự xem ấu dâm là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, bị lên án nặng nề như ở nhiều quốc gia ? Ở Mỹ và nhiều nước ở phương Tây, tội phạm ấu dâm, hiếp dâm trẻ em không những bị tuyên án rất nặng, mà sau khi ra tù, sẽ bị ghi vào danh sách tội phạm tình dục suốt đời, bị cấm mua nhà hay đến gần những khu vực có trẻ em sinh hoạt, đi đâu khỏi khu vực cũng phải báo cáo v.v…

Ngoài lý do là vì tội ác của những kẻ này gây ra cho trẻ em sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề trong thể xác, tâm hồn, tâm lý các em nhiều năm sau, có khi suốt đời ; mà còn vì hành vi ấu dâm nếu lặp đi lặp lại vài lần thì không phải là ngẫu nhiên phạm tội nữa mà là một xu hướng, khuynh hướng tình dục ở người đó và vì vậy sẽ không dễ gì thay đổi, đặc biệt nếu lại vẫn có nhiều cơ hội tiếp xúc với trẻ em.

Có rất nhiều câu chuyện về trẻ em Việt Nam bị lạm dụng tình dục, bị hiếp dâm mà thỉnh thoảng mới có một vụ được báo chí khui ra. Ví dụ như câu chuyện ở huyện Long Thạnh, tỉnh Long An, một bé gái 5 tuổi bị một thiếu niên 14 tuổi xâm hại tình dục nghiêm trọng, gây viêm nhiễm nặng, bài báo viết vào tháng 9/2015 khi chuyện đã xảy ra được vài tháng ("Vùng quê xôn xao vụ bé gái 5 tuổi nghi bị thiếu niên 14 tuổi xâm hại tình dục", Kênh 14).

Vụ một nhân vật 75 tuổi, là đảng viên, cựu Giám đốc ngân hàng nhà nước tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, ông Nguyễn Khắc T., từng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng năm 2001, bị tố cáo đã dâm ô ít nhất là 7 đứa trẻ trong chung cư ("Ông lão 76 tuổi bị tố dâm ô nhiều bé gái ở chung cư", VnExpress, "Thông tin mới nhất vụ ông lão 76 tuổi bị tố dâm ô 7 trẻ em", Người Lao Động).

Không còn môi trường nào là an toàn tuyệt đối nữa. Tại trường Tiểu học Zơ Nông (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang), một thầy giáo bị tố xâm hại nhiều học sinh lớp 3 ("Thầy giáo dạy đạo đức bị điều tra xâm hại nhiều học sinh lớp 3", VnExpress) ; một trường tiểu học tại Lào Cai "Nam bảo vệ bị điều tra lạm dụng tình dục hơn 20 bé tiểu học" (VnExpress) ; tại một nhà trẻ tư thục ở Hà Nội "Bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục ngay tại nhà trẻ" (VnExpress), Hóc Môn "Đi nhà trẻ, bé gái 8 tuổi bị chồng cô bảo mẫu xâm hại tình dục" (SohaNews)…

Và mới đây, ở Hàm Tân, Bình Thuận, một bé gái 10 tuổi bị một thanh niên hàng xóm hiếp dâm 4 lần, gây viêm nhiễm rất nặng ("Một bé gái bị xâm hại tình dục nghiêm trọng", Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)…

Những câu chuyện phần lớn có những điểm giống nhau, đó là các bậc phụ huynh ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn "vô tư", không biết được những mối nguy hiểm rình rập con em mình nên không dạy cho các em sự đề phòng đề tránh bị xâm hại, thậm chí do vô tâm, thiếu hiểu biết, nhiều người đã "gửi trứng cho ác", ví dụ như nhờ hàng xóm, người quen trông giùm con. Theo các nhà chuyên gia, phần lớn những vụ lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em là từ những người quen, do đó mới dễ tiếp cận, dụ dỗ trẻ. Đừng bao giờ nghĩ rằng những ông chú ông bác trong họ hàng, kể cả thầy giáo, bác sĩ là "an toàn" với trẻ, như ở trên đã kể ra hàng loạt vụ.

Có những trường hợp do đời sống khó khăn, cha mẹ phải vật lộn mưu sinh suốt ngày nên không có thời gian chăm nom, bảo vệ trẻ, khiến trẻ dễ bị những kẻ xấu dụ dỗ, tấn công.

Vì vậy các bậc cha mẹ ở Việt Nam hãy cảnh giác đồng thời dạy cho con em mình ngay từ khi còn bé, có những phần thân thể của các em là bất khả xâm phạm, không cho bất cứ người nào đụng chạm, sờ mó, và phải phản ứng, phải mách với cha mẹ ngay lập tức nếu ai đó có những hành vi như vậy. Dạy các em không nói chuyện với người lạ, không lên xe, không nhận quà, không đi theo người lạ v.v…

Khi xảy ra chuyện, những đứa trẻ vì sợ hãi nên giấu giếm gia đình một thời gian dài đã đành, nhưng có những bậc phụ huynh khi biết chuyện cũng giấu giếm, không làm lớn chuyện vì sợ hàng xóm, họ hàng biết, xấu hổ, và con cái sau này lớn lên khó sống với dư luận hàng xóm láng giềng. Đó là một thái độ không đúng. Phải đưa sự việc ra ánh sáng để đòi lại công lý cho con đã đành, nhưng còn vì điều đó sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho chính các em khi kẻ làm điều xấu đã bị trừng phạt.

Chỉ có điều, ở Việt Nam không phải bao giờ việc đi đòi công lý cũng dễ dàng. Từ gia đình kẻ bị tình nghi không hợp tác, gây khó dễ, cho tới công an, các cơ quan có thẩm quyền. Trong những bài báo nói trên chúng ta thấy khi cha mẹ nạn nhân tố cáo ra công an, chính quyền thì các cơ quan này xử lý sự việc rất chậm chạp, quan liêu, đùn qua đẩy lại, có khi còn làm khó cho gia đình nạn nhân ; hoặc cứ điều tra mãi, chuyện xảy ra hàng tháng trời mà kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ.

Chúng ta biết, trong những vụ lạm dụng tình dục, hiếp dâm, thời gian rất quan trọng. Nếu xử lý chậm chạp, bằng chứng, chứng tích sẽ biến mất hoặc khó khăn hơn.

Trong câu chuyện về nhân vật 76 tuổi bị tố dâm ô ít nhất 7 đứa trẻ nói trên, chỉ có một người mẹ của một em bé 6 tuổi là cương quyết theo đuổi công lý cho con đến cùng, đưa lên facebook tố cáo, được sự đồng tình của mọi người. Nhưng trong quá trình đó chị đã gặp rất nhiều khó khăn, gia đình tay Nguyễn Khắc T. này còn dọa nạt, có hành vi khủng bố chị, có lúc công an còn gọi lên bảo chị ký biên bản hòa giải nhưng chị không chịu. Trước đó từ năm 2014 đã có một gia đình người nước ngoài trú ở khu này quay phim được một vụ dâm ô của N.K.T, tố cáo, nhưng lại chìm xuồng.

Chuyện lùm xùm từ giữa năm 2016 cho đến nay vẫn đang điều tra, mới đây báo chí phải đặt câu hỏi "Vụ án ông lão xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu liệu có chìm xuồng ?" (Dân News).

Đó là chưa kể với những đứa trẻ nghèo, làm những công việc ngoài đường phố rất dễ trở thành mồi ngon của những kẻ bệnh hoạn, biến thái, trong đó có nhiều người nước ngoài. Đọc một số vụ sơ sơ báo chí đưa tin mà thấy rùng mình thương cho các nạn nhân bé nhỏ : "Ký ức kinh hoàng của cậu bé 12 tuổi bị ông Tây xâm hại" (Kênh 14), "Đời sống tình dục bí ẩn của gã ẻo lả dâm ô hàng loạt trẻ em ở Hà Nội" (Kênh 14)…

Còn nhớ trước đây có những vụ nổi cộm như vụ một người Pháp Larroque Olivier (SN 1962), sang Việt Nam nhiều năm, thậm chí là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, đã xâm hại hàng trăm trẻ trai với những cách thức rất tàn bạo, một kẻ bạo dâm đồng tính nam tàn ác nhất.

Bị Interpol truy nã. Đến lúc Olivier sa lưới pháp luật ngày 20/7/2013, thì Bệnh viện V. mới ngã ngửa. Họ đã cộng tác với hắn từ năm 2000, hắn trở thành bác sĩ thường trực của bệnh viện đó từ năm 2001.

Hay vụ cựu ca sĩ nhạc rock người Anh Gary Glitter bị bắt ở Việt Nam ngày 19/11/2005 ở tuổi 62, do bị cáo buộc có hành vi dâm ô với trẻ vị thành niên. Năm 2006 Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt ông Gary Glitter mức án 3 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em, trục xuất khỏi Việt Nam ngay sau khi thi hành bản án xong.

Năm 2014 Gary Glitter lại bị buộc tội tại Anh vẫn với tội danh phạm tội tình dục với trẻ em, hiếp dâm trẻ em và vào tháng Hai năm 2015 bị kết án 16 năm tù, hiện vẫn đang ngồi tù.

Cũng như những quốc gia còn nghèo mà luật pháp khá lỏng lẻo khác, Việt Nam đã trở thành vùng "đất hứa" cho những kẻ tội phạm quốc tế trong đó có tội phạm ấu dâm. Những đứa trẻ bị lạm dụng tàn bạo bởi những tay biến thái như vậy sẽ bị sang chấn tâm lý nặng nề, kinh tởm bản thân, coi cuộc đời mình là vứt đi, sẽ sa chân luôn vào vũng lầy bán dâm, bán ma túy hoặc lại có những hành vi tàn ác tương tự đối với những đứa trẻ khác.

Vì vậy, trước hết các bậc cha mẹ phải tự bảo vệ con em mình, ngay từ khi còn rất nhỏ và đừng bao giờ lơ là một phút một giây. Còn những người có trách nhiệm điều tra, thực thi pháp luật phải thay đổi thái độ, hãy đặt trường hợp đó là con em của quý vị thì sao, để mà tích cực xử lý vụ việc, làm dịu một phần nào nỗi đau của nạn nhân và gia đình. 

Song Chi

Nguồn : RFA, 22/01/2017 (songchi's blog)

Published in Diễn đàn