Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng thể chế là năng lực của Nhà nước, vai trò người đứng đầu và niềm tin của xã hội vào chế độ, trong đó yếu tố sau cùng là thách thức lớn nhất đối với Đảng.

baton1

Những người lính quân đội đứng gác trước một tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 26/1/2021 - AFP

Người đứng đầu : chuyển giao quyền lực khó khăn

Người đứng đầu có vai trò quyết định trong chế độ tập quyền. Mỗi khi khủng hoảng thì việc thanh trừng phe phái được đẩy mạnh để tái tập trung quyền lực. Tùy thuộc vào bối cảnh mà cách thức tiến hành có thể khác nhau, song tựu chung lại có ba yếu tố quan trọng để ứng phó với khủng hoảng thể chế : người đứng đầu, nhân sự lãnh đạo của bộ máy cai trị và lòng tin của xã hội, trong đó việc lấy lại niềm tin của xã hội là thách thức lớn nhất.

"Bất ổn" thể chế ở Việt Nam thể hiện trước hết về niềm tin chính trị, và cao điểm diễn ra trong nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng cộng sản (2011/2016) khi kinh tế bị khủng khoảng do những sai lầm về chính sách và điều hành tăng trưởng nóng vội. Ông Nguyễn Phú trọng khi đó giữ cương vị Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ nhất. Đặc trưng nổi bật của "bẩt ổn" là quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Tổng bí thư bị ‘thách thức’. Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ chính trị, là người phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đề xuất kỷ luật đã không được Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận. Nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ bị lung lay.

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo kỳ cựu, có thâm niên Bộ chính trị và ‘tứ trụ’ lâu chỉ sau cố Tổng bí thư Lê Duẩn, đã ứng phó thành công với "bất ổn" bằng cách vận dụng các quy định phức tạp. Bản lĩnh và kinh nghiệm chính trường đã giúp ông tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư Đảng ở nhiệm kỳ thứ hai (2016/2021) dù đã quá giới hạn quy định về tuổi. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 12 ông đã đẩy mạnh chỉnh đốn đảng đồng thời với chiến dịch "đốt lò" nhằm vào các quan chức suy thoái về "tư tưởng và đạo đức". Điều đó giúp ông tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba hiện nay (2021/2026). Ông đã vượt qua cả giới hạn hai nhiệm kỳ được ghi trong Điều lệ Đảng với tư cách "trường hợp đặc biệt của đặc biệt".

Tuy nhiên, ông không thể lãnh đạo mãi vì lý do tuổi tác và sức khoẻ. Bởi vậy, việc chuyển giao cương vị Tổng bí thư sẽ không tránh khỏi, nhưng cho ai vẫn còn là ẩn số. Hiện thời, ông "tự tin" với quyền lực tập trung đủ mạnh để củng cố vị thế lãnh đạo tuyệt đối và tiến hành cải cách, trước mắt là xây dựng và vận hành bộ máy cai trị mới.

Năng lực Nhà nước : lấp khoảng trống quyền lực

Không ai có thể cai trị một mình. Chỉnh đốn đảng và xây dựng bộ máy lãnh đạo là việc tiếp sau phải làm. Đảng nhận định thực trạng suy thoái về "đạo đức và lối sống" của bộ phận không nhỏ quan chức trong bộ máy là nghiêm trọng, "ăn của dân không từ cái gì", đến mức đe dọa sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh "công tác cán bộ" là "then chốt của then chốt" trong suốt nhiệm kỳ 12. Kiểm soát quyền lực là ưu tiên, nhưng năng lực của Nhà nước mới là cần thiết.

Thay mới hoàn toàn là điều không thể, "kỷ luật hết thì lấy ai làm việc". Bởi vậy, việc sàng lọc đã được tiến hành "thận trọng" bởi các quy trình phức tạp kết hợp với chiến dịch "đốt lò" vẫn tiếp tục, cân nhắc từ "dễ đến khó" và cán cân quyền lực. Đồng thời với việc kỷ luật hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, Trung ương đảng đã kiểm soát nhân sự ngay từ khi đại hội đảng các cấp chuẩn bị cho Đại hội 13. Các thủ thuật tổ chức như luân chuyển vị trí, bố trí lại… cũng diễn ra thường xuyên. Việc xây dựng "lồng thể chế" kiểm soát quyền lực cũng được xúc tiến, mặc dù còn nhiều trở ngại….

Hai trăm Uỷ viên Trung ương Đảng – bộ máy quyền lực cao nhất của Đảng được chọn ra tại Đại hội 13 là kết quả của những nỗ lực chỉnh đốn nội bộ dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông đã quyết đoán về "phương án" nhân sự và đã tỏ ra tự tin trước thông tin rò rỉ về "danh sách" trên mạng xã hội. Ông đã chỉ thị "Không để khoảng trống quyền lực" và nhanh chóng giới thiệu các lãnh đạo chủ chốt tham gia bộ máy nhà nước tại kỳ họp cuối cùng để Quốc hội khóa 14 chuẩn thuận.

Ngày 5/3 vừa qua, sự thay thế các vị trí "tứ trụ" đã hoàn tất. Ông Vương Đình Huệ được "bầu" Chủ tịch quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc được "miễn nhiệm" chức Thủ tướng Chính phủ để trở thành Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng chính phủ. Mọi việc được Đảng ‘sắp đặt’ theo lịch trình…

Đảng đã quyết về nhân sự lãnh đạo, bởi vậy quy trình trên tại kỳ họp cuối của Quốc hội 14 cho thấy "bệnh hình thức" còn nặng nề. "Tam trụ" nêu trên đã "tuyên thệ", nhưng rồi thủ tục này sẽ lặp lại lần nữa khi hoàn tất cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 dự kiến tổ chức vào 23 tháng 5 tới. Không có sự lựa chọn dân chủ, bởi vậy Quốc hội chỉ là nơi "hợp pháp hóa" quyền lực của Đảng.

Niềm tin xã hội : thách thức lớn nhất

Khủng hoảng thể chế luôn kéo theo suy giảm niềm tin của xã hội và, hệ quả khó tránh khỏi là gia tăng bất ổn. Ba nội dung cải cách có thể phải tiến hành đồng thời : chống tham nhũng, tăng trưởng kinh tế và dân chủ hóa xã hội. Mặc dù, ưu tiên cấp bách là củng cố đảng, nhưng giải pháp bền vững, lâu dài phải là việc khôi phục niềm tin. Đây sẽ là thách thức lớn đối Đảng cộng sản trong cải cách.

Chiến dịch chống tham nhũng do Đảng tự tiến hành, được ví như "tự lấy đá ghè chân mình", là giải pháp mang tính bạo lực, cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi, ‘răn đe’ quan chức. Phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn mang nặng hình thức vì thực tế cuộc sống thay đổi sâu sắc. Chiến dịch "đốt lò" mang lại kết quả tức thì, nhìn thấy được có thể xoa dịu sự bức xúc của người dân và đem lại chút hy vọng về sự thay đổi, nhưng không thể khôi phục niềm tin của xã hội. Tự kiểm soát tha hóa quyền lực, thiếu thể chế đối trọng chính trị và cơ chế giải trình trách nhiệm công khai minh bạch của chính quyền, người dân đứng ngoài cuộc là những yếu tố ‘bất ổn’ thấy trước của chính sách này.

Có bao nhiêu hiện tượng phản ánh sự giảm sút niềm tin xã hội thì có từng ấy cách để đánh mất nó. Nguyên nhân chủ yếu là sự tha hóa quyền lực công, trong đó sự lạm dụng bạo lực có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. "Sự cố" Đồng Tâm xảy ra vào đầu năm 2020 là minh chứng. Từ những bức xúc với chính quyền về thực thi chính sách đất đai và cách giải quyết xung đột, một số nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, đã tự lập "Tổ đồng thuận chống tham nhũng" với vai trò thủ lĩnh của cụ Lê Đình Kình, đảng viên với gần 60 năm tuổi đảng. Như đã biết, sau sự đàn áp của chính quyền kết cục là những cái chết kinh hoàng và nhiều án tử hình, tù đày nặng nề. Vụ việc này đã gửi đi thông điệp về quyền lực và gieo rắc nỗi sợ hãi đối với ‘sự bất tuân’, nhưng chính quyền đã làm mất niềm tin của xã hội.

Ứng phó với khủng hoảng thể chế luôn phức tạp và khó khăn. Tập trung quyền lực và củng cố bộ máy cai trị là công việc cấp thiết để duy trì chế độ. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị phụ thuộc vào người đứng đầu dễ tạo nguy cơ độc đoán. Duy trì bộ máy trung thành buộc phải ban phát đặc quyền, đặc lợi, xây dựng nhà nước tập trung mạnh có thể làm cho các công dân ‘nhỏ đi’.

Đại biểu Quốc hội khóa 14 Dương Trung Quốc sau 20 năm hoạt động nghị trường đã phát biểu "lần cuối cùng" tại nghị trường của kỳ họp thứ 11 rằng : Hoạt động Quốc hội đã ‘thụt lùi’ về dân chủ so với Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây. Một trong những ‘món nợ dân chủ’ mà Quốc hội phải trả đó là việc hiện thực hóa những quyền tự do cơ bản của công dân, đã được hiến định năm 2013, nhưng đã luôn bị trì hoãn. Chỉ khi người dân được tham gia thực chất vào hoạt động của chính quyền, thì niềm tin của xã hội mới có hy vọng trở lại.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 06/04/2021

Published in Diễn đàn

Trong vòng chưa đầy hai năm, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản tháng 1 năm 2016, người dân Việt Nam đã phải chứng kiến sự gia tăng của bất ổn thể chế.

baton1

Việt Nam đang phải tìm cách thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn thể chế, theo tác giả, một nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển tại Hà Nội.

Một mặt, đây là hiện tượng xảy ra do chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên đến cao điểm, hướng tới cải cách chính trị theo triết lý của đảng.

Mặt khác, nó bắt nguồn từ hậu quả nặng nề gây nên bởi sự yếu kém trong điều hành của chính phủ tiền nhiệm.

Khi mô hình tăng trưởng nóng theo chiều rộng bị gián đoạn, các điều kiện kinh tế và chính trị cũng đi xuống nhanh chóng.

Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đang lựa chọn thúc đẩy kinh doanh với phương châm : 'Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ người dân và doanh nghiệp'.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào cải thiện tăng trưởng nhờ thúc đẩy tự do kinh doanh trở thành chính sách có hiệu quả khi rào cản lớn từ chậm cải cách thể chế, nguồn lực hạn hẹp và quan hệ quốc tế không thuận lợi ?

Hậu quả của quản lý kinh tế yếu kém

Hệ thống tài chính - ngân hàng được coi mà huyết mạch của nền kinh tế.

Nợ xấu của nó trước kia được che giấu, nay được 'minh bạch' hơn về số liệu, lên đến 600.000 tỷ, chiếm 10% tổng dư nợ, khoảng 70% nằm trong bất động sản, được coi là 'cục máu đông' gây tắc nghẽn.

Hệ thống ngân hàng đang trong quá trình 'sắp xếp' và 12 đại án trong lĩnh vực này đang được Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương thúc đẩy.

Vụ án ngân hàng Xây Dựng - Phạm Công Danh, ngân hàng Đại dương - Hà Văn Thắm đã và đang xét xử, mới đây Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch ngân hàng Sacombank cũng đã bị khởi tố, mở màn cho những điều tra liên quan tới Ngân hàng Nhà nước.

baton2

Nợ xấu chiếm 10% tổng dư nợ, khoảng 70% nằm trong bất động sản được coi là 'cục máu đông' gây nghẽn, theo tác giả.

Dư luận đồn đoán danh sách không chỉ dừng ở 12 vụ án này.

Nợ công dâng cao

Nợ công cao và tăng nhanh là một chỉ báo bất ổn kinh tế. Số nợ báo cáo của chính phủ hiện thời sát mức trần 65% GDP được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ tính riêng nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước năm 2016 khoảng 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, lên đến 210% GDP.

Các tập đoàn kinh tế nhà nước - từng được coi là 'quả đấm thép' đang sản xuất kinh doanh khó khăn, không ít trong số đó đã và đang trên bờ phá sản, trong đó danh sách 12 doanh nghiệp lớn, chủ yếu do bộ Công thương quản lý, được đưa vào nghị sự của Bộ Chính trị, giao cho một ủy viên, phó thủ tướng đặc trách giải quyết, song chưa có phương án khả thi, ngoài việc đưa ra lộ trình 'cổ phần hóa' các doanh nghiệp nhà nước nói chung đến năm 2020.

Trong tình thế khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khối doanh nghiệp nhà nước đang sụt giảm mạnh, chỉ đạt 33,2% kế hoạch năm 2017, khoảng 95.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/7/2017 ước đạt 584.600 tỷ đồng, chỉ bằng 48.2% dự toán năm, thấp hơn mọi năm, làm lo ngại về hụt thu có thể lên tới 11%.

Chi thường xuyên lớn gấp 5 lần chi cho phát triển. Ngân sách eo hẹp làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và cải cách thể chế.

BOT - ví dụ của sự yếu kém

baton3

Có ý kiến nói các dự án phải lấy việc tạo ra lợi ích cho người dân làm đầu chứ không phải là thu lợi nhuận lên trước và trên hết, lĩnh vực giao thông là một ví dụ.

Quản lý kinh tế yếu kém trong hai nhiệm kỳ trước đang để lại những hậu quả nặng nề và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội.

BOT là một minh chứng nổi bật. BOT - là từ viết tắt của tiếng Anh : Build-Operate-Transfer, có nghĩa : Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao.

Về bản chất là một chính sách đầu tư công, khi Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng trước (build), sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.

Trong tháng 8 năm nay, báo chí nhà nước đã 'bung ra' với chủ đề BOT, bắt đầu từ sự cố 'Cai Lậy'.

Các 'tài xế' thể hiện 'bất tuân dân sự', thu gom tiền lẻ, tiền xu để trả tiền vé khi qua trạm thu phí Cai Lậy tỉnh Tiền Giang nhằm phản đối việc đặt sai trạm thu phí và giá phí cao.

Hậu quả là tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, có thời điểm phải ngừng thu phí để giải tỏa. Nhờ báo chí mà chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và thanh tra phải 'vào cuộc'.

Một chủ trương đúng nhưng đã bị lạm dụng. Kết luận của thanh tra Chính phủ cho thấy, 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%.

Chỉ trong đợt kiểm toán đầu tiên 27 dự án BOT, đoàn giám sát của Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu 22 dự án phải giảm thời gian thu phí tổng cộng lên đến… 100 năm. Chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra cũng đã phát hiện ra sai phạm ở 6 dự án BOT lên đến 2.200 tỷ đồng…

Các tít báo khả 'cởi mở' và đang thu hút được công luận rộng rãi : "Cai Lậy : BOT để ngỏ khả năng khởi kiện và thế lưỡng nan của Bộ Giao thông - Vận tải ; Bộ đang bảo vệ lợi ích của ai trong bài toán BOT ? ; BOT - lợi ích nhóm ; ''Ăn chặn' tiền dân ! ; 'BOT chứa rủi ro tham nhũng lớn nhất' ; BOT và áp lực kiến tạo liêm chính…" với yêu cầu điều tra làm rõ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Chống tham nhũng và 'nhốt quyền lực'

baton4

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng (phải) gần đây phát động phong trào chống tham nhũng, với nhiều quan chức, cựu quan chức bị điều tra, nhiều vụ án 'trọng điểm' được tiến hành.

Chống tham nhũng, cải cách bộ máy và bàn giao thế hệ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng là những vấn đề cải cách thể chế trọng tâm, được dư luận hết sức quan tâm.

Tham nhũng là hậu quả tất yếu của tình hình, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân gắn với thể chế là tha hóa quyền lực.

Tham nhũng lớn và lan rộng là do quyền lực tha hóa nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra thực trạng này và đang nỗ lực 'nhốt vào lồng thể chế', bắt đầu bằng chống tham nhũng.

'Chiến dịch này' được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, bắt đầu từ Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch tỉnh, người đã trốn ra nước ngoài vào tháng 4 năm 2016, được ví như 'con voi chui lọt lỗ kim', nay đã 'về nước đầu thú' vào cuối tháng 7 vừa qua.

Trong thời gian này, ngoài các Vụ án Ngân hàng nêu trên, các 'chiến hữu' cùng ông Thanh tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), như Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận… cũng bị bắt giam, kỷ luật nguyên Bí thư và Phó bí thư Hậu Giang, kỷ luật cách chức Bí thư Đảng đoàn và chức nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng, kỷ luật các thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên phó Ban tổ chức trung ương, cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh của ông Đinh La Thăng, miễm nhiệm chức thứ trưởng của bà Hồ Thị Kim Thoa…

Mọi vụ tham nhũng đều do chiếm đoạt tài sản công, mọi hành vi tham nhũng cuối cùng kết thúc bằng việc gia tăng tài sản bất minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một đợt công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc đã cảm thán, rằng các biệt thự xa hoa của quan chức tỉnh tạo hình ảnh phản cảm khi dân còn khó khăn, thiếu đói.

Ngày 23/05/2017, Bộ Chính trị quyết định phổ biến quy định kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị.

Có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng đã quyết định đi tới bước cuối cùng. Nhưng chính công tác cán bộ của đảng đang bộc lộ hạn chế, yếu kém.

baton5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương 'nhốt quyền lực' vào trong 'lồng quy chế lập pháp', sau đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam.

Sau Đại hội 12 Đảng chủ trương 'nhốt quyền lực', Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ : "Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp".

Hội nghị trung ương 4 khóa 12 nêu 27 biểu hiện 'tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống' của đảng viên.

Mới đây ông Trọng lại vừa ký ban hành Quy định số 89-QĐ/TW "Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" và Quy định số 90-QĐ/TW "Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".

Trong thời gian ngắn nhiều cán bộ đảng bị xử lý kỷ luật, ngoài nguyên nhân tham nhũng, liên quan tới buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, bổ nhiệm cán bộ sai quy trình… gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là nguyên bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và một số lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Võ Kim Cự và một số lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa môi trường 'Formosa'…

Các nhà quan sát cho rằng cần bổ sung các căn cứ pháp luật để các án kỷ luật, giống kiểu 'phạt các nhà quý tộc thời Trung cổ' khi Đảng cộng sản và chính phủ xóa bỏ 'hàm, chức' trong quá khứ của các cán bộ cao cấp, sao cho 'đúng người, đúng tội', đủ sức răn đe, mang thuyết phục và bình đẳng cho mọi người dân trước pháp luật.

Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News mong có 'lồng nhốt quyền lực' được thiết lập từ "Đức trị" tới "Pháp trị" và "Dân chủ hóa". Hoàn thiện thể chế cần thực chất hơn theo hướng thị trường với những giá trị và chuẩn mực phổ quát.

Thúc đẩy tự do kinh doanh cần tầm nhìn dài hạn

baton6

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có vấn đề giải bài toán từ bất ổn thể chế, theo tác giả.

Chính phủ thúc đẩy kinh doanh trong điều kiện hết sức khó khăn, mặc dù đảng đã 'nới' cho kinh tế tư nhân, khi coi khu vực này là 'động lực quan trọng' trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12.

Thử thách lớn nhất đối với Thủ tướng Phúc là mục tiêu tăng trưởng GDP, kế hoạch trong nhiệm kỳ là 6,5-7%/năm, năm 2017 là 6,7%, nhưng thực hiện năm 2016 chỉ là 5,48% và 6 tháng đầu năm 2017 ước tính 5,73%. Ông đang chỉ đạo với ý chí và quyết tâm cao.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng mối tương quan giữa gia tăng bất ổn thể chế và hiệu suất kinh tế giảm. Những nỗ lực động viên tinh thần kinh doanh, gặp gỡ các doanh nghiệp lắng nghe để tháo gỡ rào cản của chính phủ được ghi nhận.

Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để thúc đẩy hành động của các cơ quan và các thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, càng ngày càng lộ rõ những bất cập lớn từ cơ chế tập trung quan liêu : Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo ; Lợi ích nhóm nặng nề, cục bộ địa phương ; Cán bộ công chức làm việc kém hiệu quả ; Chủ nghĩa cơ hội chính trị và chủ nghĩa cơ hội của người đại diện lan rộng…

Nhiều năm nay, sự tồn tại các giấy phép và điều kiện kinh doanh là minh chứng rõ nét về rào cản hữu hinh. Hiện còn trên 4000 các loại giấy phép, trong đó trên 2000 đang được kiến nghị bãi bỏ.

Mới đây, chiều 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, đã nhận định rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, còn không ít cán bộ 'thờ ơ' với cải cách, làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp.

baton7

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc đang thúc đẩy một 'chính phủ kiến tạo' và muốn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nhân, doanh nghiệp.

Ông bức xúc phát biểu : 'Loại khỏi bộ máy cán bộ không chịu cải cách'. Trong cơ chế này thực hiện thông điệp này là bài toán khó.

Sức ép đối với chính phủ có thể gia tăng khi vừa phải duy trì các khuyến khich và sự năng động của nền kinh tế, vừa phải tiến hành cải cách thể chế.

Sự dai dẳng chống đối cải cách gây khó về thực thi chính sách, cản trở lớn cho đầu tư, kinh doanh.

Trong tình thế này Chính phủ cần xây dựng sự đồng thuận quanh một tầm nhìn xa về tăng trưởng bền vững cũng như những chính sách hỗ trợ cho mục tiêu này.

Tư duy nhiệm kỳ có thể tác động đến các nhà lãnh đạo hiệu quả trong dài hạn.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 26/08/2017

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi đến từ Hà Nội hôm 25/8/2017.

Published in Diễn đàn

Trên trang BBC Việt Ngữ tuần qua, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ có bài viết nói về mặt nổi của tảng băng "bất ổn thể chế" trong tình hình kinh tế hiện nay.

bot1

Trạm thu phí BOT không nằm ở đường tránh mà nằm ở Quốc lộ 1A

Bài viết có nhắc đến 2 vấn đề đang được dư luận quan tâm : nợ công và BOT Cai Lậy.

Đáng tiếc bài chưa nối kết hai vấn đề nên chưa đưa ra được mặt chìm của tảng băng.

Nợ công và BOT

Theo Giáo sư Phạm Quý Thọ, nợ công cao và đang tăng nhanh, "…cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lấp, tổng số nợ (công) năm 2016 là 431 tỷ Mỹ kim, lên đến 210% GDP."

Con số 431 tỷ Mỹ kim này chưa tính đến các khoản nợ BOT khổng lồ, lên đến 85-90% nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT không phải là vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư mà là vay mượn từ ngân hàng.

BOT là những hợp đồng giữa nhà nước và nhà đầu tư. Vì thế trong trường hợp nhà nước vi phạm hợp đồng như đang xảy ra tại BOT Cai Lậy, nhà đầu tư có quyền giao BOT lại hay kiện nhà nước đòi bồi thường thiệt hại do thay đổi hợp đồng.

Trong trường hợp nhà đầu tư do quản lý kém, do ước tính sai lưu lượng xe cộ giao thông, do phải trả lãi suất quá cao… liên tục bị thua lỗ, thì để có thể tiếp tục vận hành nhà nước cũng sẽ phải bảo hộ.

Trong trường hợp nhà đầu tư phá sản, nhà nước cũng phải can thiệp đứng ra điều hành BOT và gánh những khoản nợ khổng lồ mà nhà đầu tư còn thiếu ngân hàng.

bot2

Phí qua trạm BOT Cai Lậy sẽ giảm nhưng thời gian thu phí lại tăng, theo quyết định từ cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang và chủ đầu tư hôm 16/8

BOT là tảng băng chìm của nợ công.

BOT đang tạo sóng ngầm và BOT Cai Lậy là một thách thức lớn mà giới chức cộng sản Việt Nam đang phải đương đầu.

Có phải BOT là một chủ trương đúng ?

Điều Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng BOT là "một chủ trương đúng nhưng đã bị lạm dụng" cũng cần được xét lại.

Ở các quốc gia khác, mục đích của BOT là nâng cao hiệu quả của các dự án phát triển hạ tầng giao thông.

Nhà nước giao BOT cho tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build), vì trên thực tế tư nhân luôn phục vụ hiệu quả hơn nhà nước.

Sau khi xây dựng hạ tầng, tư nhân thu phí khai thác điều hành một thời gian (operate) và sau cùng tư nhân chuyển giao (transfer) công trình lại cho nhà nước.

Việc nghiên cứu, lên kế hoạch, quyết định tiến hành các dự án BOT đều có sự tham gia đóng góp của cả chính phủ, tư nhân, truyền thông và xã hội dân sự.

Mọi chi tiết dự án đều công bố một cách công khai và minh bạch. Mọi dự án đều được công khai đấu thầu. Mọi tiến trình đều được công luận giám sát chặt chẽ.

bot3

Hiện có hơn 70 dự án BOT từ Bắc tới Nam

Như thế, người bị thiệt hại đều được bồi thường thoả đáng và mọi người đều có quyền chọn lựa sử dụng dự án BOT hay sử dụng đường giao thông khác.

Cuối cùng, người sử dụng phương tiện là người trả phí. Họ chấp nhận trả cho đoạn đường giao thông mang lại nhiều tiện ích cho họ, cho gia đình và cho xã hội.

Chừng một năm về trước chính phủ Campuchia vui mừng loan báo đã chấm dứt thu phí BOT trên toàn đất nước Chùa Tháp.

Thành công của BOT tại Campuchia chứng minh cho thành quả của nền dân chủ đa đảng đang phát triển tại nước này.

Trong khi đó, tại Việt Nam BOT lại đầy rủi ro, bất trắc, thật ra là hệ quả của một thể chế độc đảng, thiếu cạnh tranh lành mạnh, và mang mục đích khai thác thiếu đúng đắn.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, thu phí BOT cũng là một dạng thu thuế.

Thông thường, khi nhà nước làm đường thì thu thuế đưa vào ngân sách và thực hiện. Trong điều kiện ngân sách không đủ nhà nước giao cho doanh nghiệp làm tuyến đường và thu phí BOT.

Do đó, chỉ trong vòng chục năm Việt Nam đã cho xây dựng 71 dự án BOT từ Bắc xuống Nam. Điều đáng quan tâm là mọi tiến trình từ ra quyết định, xây dựng, vận hành các dự án BOT đều không công khai, không minh bạch.

Vì thế nên đến 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%. Họ thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và vận hành BOT.

Nói cách khác, BOT Việt Nam chỉ là một biến thái của hình thức quốc doanh được nhà nước ban độc quyền khai thác và được bao cấp khi thua lỗ.

BOT Cai Lậy và sự phản kháng bất tuân dân sự

Chỉ trong một thập niên, BOT thiết lập cùng khắp Việt Nam. Nhiều nơi thay vì mở ra đường mới nhà nước chỉ cho tráng nhựa lại đường cũ rồi đặt trạm thu phí. Vì thế các trạm BOT thường xuyên bị người dân phản kháng.

BOT Cai Lậy là một trường hợp cụ thể và mới nhất. Nhà nước cho lập đường tránh Cai Lậy và tráng một lớp nhựa trên Quốc Lộ 1A rồi cho đặt trạm thu phí ngay trên Quốc Lộ.

Đường tránh Cai Lậy vừa xong nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều đoạn đường có dấu hiệu trồi, sụt do bị lún và nhiều ổ gà.

Phục vụ và an toàn giao thông đã kém, tất cả các xe cộ lưu thông qua Quốc Lộ 1A đều bị đóng phí.

Vì được độc quyền khai thác, nhà nước cho thu một khoản phí cao ngất trời cho mọi loại xe.

bot4

Tài xế trả tiền lẻ mua vé qua trạm Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang

Vì thế, ngay khi trạm thu phí mở cửa ngày 1-8-2017, BOT Cai Lậy đã gặp phản kháng liên tục, có tổ chức, được sự ủng hộ của dư luận, truyền thông, báo chí và của cả giới chức cầm quyền địa phương.

Sau hai tuần lễ BOT Cai Lậy bị liên tục phản kháng, lưu thông ứ đọng, nhiều lần phải xả cửa và cuối cùng phải đóng cửa không rõ bao giờ mới mở lại.

Yêu cầu của người phản kháng là mang trạm phí vào đường tránh Cai Lậy. Cho đến nay nhà nước chỉ đồng ý giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu.

Trong bài, Giáo sư Phạm Quý Thọ ngầm cho biết phản kháng BOT Cai Lậy cùng lúc với chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên đến cao điểm.

BOT lại là ổ của tham nhũng. Vì thế báo chí trong nước dường như được Đảng Cộng sản cho phép nhanh chóng đưa hầu hết các thông tin về BOT.

Qua các thông tin chính thống dễ dàng cho chúng ta nhận ra một hình ảnh vỡ nợ đang bao trùm mạng lưới BOT. Và các khoản nợ BOT tiềm ẩn này sẽ là nỗi "bất ổn thể chế" trong những ngày sắp tới.

Cũng cần phải nói BOT chỉ là một trong 70 loại phí liên quan đến giao thông vận tải.

Các chi phí này là gánh nặng người dân phải trả cho nhà nước nó làm trì trệ sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Nợ công và sự phản kháng bất tuân dân sự

Thực chất của nợ công là nợ người dân phải trả cho sự yếu kém tham nhũng của guồng máy chính trị.

Số tiền 431 tỷ Mỹ kim đồng nghĩa với người dân từ đứa bé mới sinh ra đến cụ già sắp mất mỗi người mang một khoản nợ ước chừng 4.300 Mỹ kim.

Đó là khoản nợ chính thức. Còn các khoản nợ tiềm ẩn như nợ BOT, nợ nếu thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình… thì con số sẽ nhiều lần cao hơn.

Năm nay, chính quyền cộng sản đã phải trả nợ lời ước tính lên đến 10 tỷ Mỹ kim.

Để có tiền trả nợ nhà cầm quyền sẽ phải tăng phí, tăng thuế nói chung là phải tăng thu từ người dân để trả cho các món nợ công.

Khi người dân nhận thức đang phải trả những khoản nợ ngập đầu vì sự yếu kém đầy tham nhũng của guồng máy độc quyền đảng trị thì phản kháng bất tuân dân sự sẽ liên tục nổ ra.

Khi chính quyền vỡ nợ là lúc nhà nước cần được thay bằng một chính thể dân chủ, công khai và minh bạch.

Chỉ có như thế mới cứu vãn được tình trạng bế tắc của nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc)

Nguồn : BBC, 31/08/2017

Published in Diễn đàn