Vì sao bầu cử Úc trái ngược dự đoán ?
Nguyễn Quang Duy, 21/05/2019
Úc vừa trải qua một cuộc bầu cử với kết quả bất ngờ đến nỗi Thủ tướng Scott Morrison phải thốt lên rằng ông luôn tin tưởng có phép lạ nhiệm mầu ("I have always believed in miracles").
Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng gia đình sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 tại Sydney, Úc, ngày 18 tháng 5 năm 2019. (Hình ảnh của Dean Lewins / AAP / qua Reuters)
Hơn 2 năm qua tất cả các cuộc thăm dò cử tri đều đưa ra cùng một kết quả là đảng Lao động sẽ thắng và thắng lớn.
Lần thăm dò ngay trước ngày bầu cử vẫn cho thấy đảng Lao động sẽ không thể thua được (the unlosable election).
So với bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Năm 2016 ông Trump cũng "bất ngờ" thắng cử Tổng thống làm nhiều người liên tưởng, nghi ngờ sự khách quan và trung thực của giới truyền thông Úc.
Đương nhiên một số cơ quan truyền thông Úc thiên về (đảng) Tự do hay ngả theo (đảng) Lao động, nhưng đa số đều đưa tin một cách rất công bằng. Nhưng vì sao kết quả lại đảo lộn mọi dự đoán ?
Thăm dò nội bộ chính đảng…
Theo Đài ABC thăm dò nội bộ của 2 chính đảng ở từng đơn vị bầu cử cho kết quả trái ngược với thăm dò của báo chí.
Vì thế, chỉ 1 ngày trước ngày bầu cử, Thủ tướng Morrison còn bay sang Tasmania để vận động và đã dành lại được 2 ghế lần bầu cử trước rơi vào tay Lao động.
Thủ tướng Morrison cũng dành khá nhiều nỗ lực vận động ở miền quê Queensland và NSW, với hứa hẹn sẽ bảo vệ công ăn việc làm cho khu vực nên đã dành được một số ghế khác.
Ngược lại Thủ lãnh Lao động Bill Shorten tập trung vận động tại các khu vực ngoại ô thuộc tiểu bang Victoria với mong muốn chiến thắng lớn nhưng kết quả đã không thực sự xảy ra.
Đảng Xanh cũng tập trung vận động các khu vực ngoại ô thuộc tiểu bang Victoria với kỳ vọng thắng thêm 2 ghế nhưng kết quả cũng ngoài ý muốn.
Nhìn chung, Liên đảng Tự do – Quốc Gia đã không thảm bại như thăm dò tiên đoán mà ngược lại còn thắng 6 ghế, chỉ mất 3 ghế và theo ước đoán đã vượt qua số ghế để thành lập chính phủ đa số.
Ngoài 3 ghế bị mất, hầu hết các đơn vị do Liên đảng Tự do – Quốc Gia nắm giữ số phiếu đều tăng thêm chứng tỏ Liên đảng đã gặt được một chiến thắng khá toàn hảo.
Về chính sách…
Chính sách tranh cử của đảng Lao động tập trung vào tăng lương tối thiểu, bảo đảm đời sống cho công nhân, tăng chi tiêu giáo dục, y tế, an sinh, bảo vệ môi trường, bằng cách tăng thuế người giàu và thuế các đại công ty.
Còn Liên minh Tự do và Quốc gia tập trung vào việc việc cắt giảm thuế, xây dựng cầu đường, tạo công ăn việc làm hay ít nhất là bảo vệ công ăn việc làm.
Qua hai lần tranh luận chính sách tổ chức tại Tây Úc và Queensland lãnh tụ Lao động Bill Shorten đều được đánh giá cao hơn.
Trong hoàn cảnh kinh tế Úc đang bắt đầu gặp khó khăn, các chính sách của đảng Lao động mặc dầu được đánh giá cao hơn nhưng có thể là một nguyên nhân cử tri từ chối bỏ phiếu cho đảng này.
Cử tri chán ngán các đảng chính trị…
Ngay khi Thủ tướng Morrison thông báo ngày bầu cử, Cơ quan nghiên cứu Roy Morgan tổ chức thăm dò cử tri công bố kết quả đáng ngạc nhiên.
So với lần bầu cử năm 2016 chỉ 4 phần trăm cử tri chưa quyết định sẽ bầu cho ai thì lần này lên đến 24 phần trăm vẫn chưa quyết định sẽ bầu cho ai.
Tỷ lệ 24 phần trăm là quá lớn cho thấy kết quả sẽ quyết định bởi lá phiếu của thành phần cử tri này.
Trong số này có nhiều cử tri chán ngán các đảng chính trị đến độ không còn muốn theo dõi thời sự. Nhưng đi bầu là bắt buộc, không đi bầu sẽ bị phạt tiền.
Cách bỏ phiếu ưu tiên (Preferential Voting System), còn bảo đảm mọi lá phiếu hợp lệ đều được tính cho một trong hai ứng cử viên cuối cùng.
Cử tri sẽ đánh số thứ tự ưu tiên bầu cho các ứng cử viên trên lá phiếu. Nếu ứng cử viên mà cử tri bỏ phiếu là số một bị thua, thì phiếu bầu sẽ được chuyển cho ứng cử viên cử tri chọn thứ hai và cứ như thế cho đến khi được tính.
Các đảng chính trị đều hướng dẫn cử tri thứ tự ưu tiên bầu.
Đảng Lao động và đảng Xanh thường cho nhau phiếu ưu tiên bằng cách hướng dẫn cử tri bầu để hoặc đảng này hoặc đảng kia được trúng cử.
Một doanh nhân từng là Nghị sĩ ông Clive Palmer đã chi 60 triệu Úc kim cho đảng United Australia tranh cử.
Các quảng cáo của đảng United Australia đều công kích chính sách thuế và khả năng quản lý kinh tế của đảng Lao động, công kích cá nhân thủ lãnh Lao động Bill Shorten và nhấn mạnh đe dọa bành trướng của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Mặc dù đảng United Australia không dành được ghế nào nhưng các quảng cáo này có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Ảnh hưởng Trung Quốc
Theo Chủ bút tờ Hoàn cầu Thời báo kết quả bầu cử Úc sẽ làm tồi tệ hơn quan hệ Úc – Trung còn nếu đảng Lao động thắng cử tình trạng sẽ trở nên tốt hơn. Quan điểm này thiếu chính xác.
Việc nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh công khai tung tiền lũng đoạn chính trị Úc là nỗi lo ngại chung của cả chính phủ, lẫn đối lập.
Các đạo luật chống lại ảnh hưởng ngoại bang được ban hành gần đây đều được tất cả các đảng chính trị đồng thuận thông qua.
Ngược lại vì quyền lợi nước Úc các đảng chính trị đều muốn duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ.
Đơn vị Chisholm có đa số cử tri gốc Hoa nên cả hai đảng Tự do Lao động đều đưa người gốc Hoa ra tranh cử. Như thế chắc chắn sẽ có 1 dân biểu gốc Hoa thắng cử.
Cô Gladys Liu di dân gốc Hoa sinh trưởng tại Hong Kong đại diện cho đảng Tự do đã vượt hơn đối thủ Lao động 1.200 phiếu nên vào tối thứ ba 21/5 được loan báo thắng cử.
Đây là một chiến thắng thật sự bất ngờ của đảng Tự do, vì hầu hết báo chí tiếng Hoa tại Úc bị cho là chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, đều ngả về đảng Lao động.
Ai ban "phép mầu" ?
Trong khi đảng Lao động luôn dẫn trước Liên đảng cầm quyền thì thật thảm thương tất cả các cuộc thăm dò dân Úc đều không chọn Bill Shorten làm Thủ tướng.
Dân Úc vốn không ưa những người gây rối loạn chính trị, vẫn không quên và không tha thứ, vào năm 2010, Bill Shorten đã ngấm ngầm lật đổ Thủ tướng Lao động Kevin Rudd.
Khi tranh cử Thủ lãnh đối lập, Bill Shorten chỉ nhận được 40% phiếu ủng hộ từ đảng viên, chỉ thắng cử nhờ vào 64% phiếu của các dân biểu và nghị sĩ Lao động.
Rõ ràng ông có khả năng thu xếp nội bộ nhưng lại thiếu khả năng thu hút quần chúng đảng viên và thu hút quần chúng cử tri.
Thủ tướng Scott Morrison thì ngược lại "bất đắc dĩ" bị đưa lên thay Thủ tướng Malcolm Turnbull bị các cánh khác trong đảng Tự do lật đổ vào tháng 8/2018.
7 tháng qua ông không ngừng xây dựng để trở thành một hình ảnh quần chúng gần gũi với dân, bảo vệ công ăn việc làm cho dân và lo cho đời sống của dân.
Trong khi Bill Shorten luôn biểu lộ tự tin thắng cử thì Scott Morrison luôn bày tỏ mong muốn và cố gắng để được cử tri ban cho ông một cơ hội được tiếp tục điều hành đất nước.
Trong vai trò Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison đã thành công trả được nợ do các chính quyền Lao động tạo ra và chứng tỏ có khả năng lèo lái kinh tế Úc vượt qua mọi khó khăn.
Scott Morrison khéo léo xây dựng chiến lược tranh cử để cử tri chọn lựa giữa ông và Bill Shorten, thay vì chọn lựa giữa Tự do và Lao động.
Nhờ thế "phép mầu" đã xảy ra, cử tri đã ban cho Scott Morrison lá phiếu để ông thắng một cuộc bầu cử vẫn được nhiều người tin rằng đảng Lao động không thể nào thua (the unlosable election).
Bill Shorten và tôi
Bill Shorten là dân biểu đại diện cho Maribyrnong, nơi tôi đang sống. Khu vực vừa mất đi cơ hội có được Thủ tướng đầu tiên.
Tôi biết Bill gần 20 năm nay. Trước khi ông lập gia đình, ông ở cạnh nhà của bạn thân với gia đình tôi. Nhà họ cũng chỉ cách nhà tôi vài phút đi bộ.
Tôi đã nhiều lần trò chuyện với ông về việc cộng đồng, về nhân quyền, về tự do, dân chủ cho Việt Nam.
Gần đây tôi có nói đùa với bạn bè rằng Bill Shorten không có số làm Thủ tướng ngờ đâu đó là sự thật.
Maribyrnong là một đơn vị bầu cử có rất đông người Việt sinh sống nhưng lại là khu vực thành trì của đảng Lao động, nghĩa là ông Bill Shorten chắc chắn sẽ thắng tại đơn vị này.
Tôi không bầu cho ông mà bầu cho đảng Tự do với lý do riêng.
Tôi muốn Maribyrnong trở thành khu vực tranh chấp giữa các đảng chính trị. Lá phiếu của cử tri Việt khi đó sẽ thực sự có giá trị.
Như trường hợp đơn vị Chisholm nơi có đông người Hoa sinh sống, nói đến bên trên, chỉ cần vài trăm phiếu có thể thay đổi được người đại diện. Vì thế cả hai đảng đều phải đưa người gốc Hoa ra tranh cử và cô Gladys Liu đã trở thành dân biểu di dân gốc Hoa đầu tiên tại Úc.
Khi Maribyrnong trở thành khu tranh chấp giữa các đảng chính trị, họ sẽ đưa người gốc Việt ra tranh cử, tạo cơ hội cho giới trẻ Việt thực sự tham gia vào chính trị Úc.
Công bằng nhận xét, trong các vai trò chính trị, Bill Shorten đã làm rất tốt, làm tất cả những gì ông có thể làm được, nhưng đáng tiếc cơ hội để làm Thủ tướng đã không đến với ông.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 21/05/2019
Nguyễn Quang Duy
******************
Bầu cử Úc : Vẫn như cũ !
Phạm Phú Khải, VOA, 21/05/2019
Bầu cử liên bang Úc vào cuối tuần qua, thứ Bảy 18 tháng Năm, đã đưa đến kết quả khá bất ngờ. Bất ngờ đối với mọi người, bên thắng cũng như bên thua.
Thủ tướng Úc, Scott Morrison, nói chuyện với người ủng hộ sau khi đối thủ thừa nhận thất bại trong bầu cử liên bang Úc, 19 tháng Năm, 2019.
Đương kiêm Thủ tướng Scott Morrison, người lên thay thế cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull tháng Tám năm ngoái, có lẽ tiếp tục được người dân Úc tín nhiệm. Có lẽ, vì để thành lập chính phủ, các đảng hay liên đảng cần phải chiếm đa số ghế ở hạ viện, có tổng cộng 150 ghế. Nghĩa là họ phải có 76 ghế hoặc hơn. Hiện nay Liên đảng Quốc gia và Cấp tiến chiếm 75 ghế, cho nên chỉ cần một dân biểu độc lập đứng về phía Liên đảng là đủ. 4 ghế hiện nay vẫn còn sát nút nên phải cần đếm từng phiếu mới biết được kết quả sau cùng. Trong khi đó đảng Lao động chỉ chiếm được 65 ghế. Lúc viết bài này thì tin tức mới nhất cho hay Liên đảng có thể chiếm được 77 ghế để thành lập chính phủ đa số (majority Government).
Kết quả bầu cử bất ngờ, đối với mọi người, là vì các cuộc thăm dò ý kiến trong nhiều tháng qua, và xa hơn, hai năm qua, hầu như đều có kết luận chung là Lao động sẽ thắng. Thêm vào đó, đương kiêm Thủ tướng Scott Morrison không phải là người sáng giá và lại không có những chính sách thu hút hay xuyên suốt. Trong khi đó, mặc dầu thủ lãnh đối lập Bill Shorten cũng không phải là người sáng giá hơn, nhưng ít ra ông đã đưa ra những chính sách thu hút về cải tổ thuế, chăm sóc trẻ con, sức khỏe và giáo dục, môi trường/thay đổi khí hậu v.v… Ngoài ra, tâm lý chung của người dân Úc trước cuộc bầu cử có vẻ muốn ủng hộ một sự thay đổi. Sáu năm cầm quyền kể từ năm 2013 với ba đời thủ tướng tưởng chừng như đủ lý cớ cho một chính quyền mới. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy vấn đề không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Có ba điều đáng nói qua kết quả bầu cử kỳ này.
Một, cần nhận định lại giá trị của các cuộc thăm dò ý kiến. Câu hỏi mà nhiều người, trong lĩnh vực truyền thông lẫn chính trị và nghiên cứu/học thuật, là liệu có nên tiếp tục tin tưởng vào các kết quả thăm dò ý kiến nữa hay không ? Đây không phải là lần đầu. Kết quả bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 cũng đa số kết luận Hillary Clinton/Dân chủ sẽ thắng Donald Trump/Cộng hòa. Kỳ này cũng vậy, các thăm dò kết luận Lao động sẽ thắng Liên đảng dễ dàng. Nhưng kết quả sau cùng không phải là sát nút mà là chênh lệch đến hơn 10 ghế. Ai cũng ngỡ ngàng!
Tại sao vậy ? Theo các chuyên gia về thăm dò ý kiến thì lý do nằm ở cả hai mặt. Số lượng người tham gia các cuộc thăm dò ý kiến và chất lượng của các dữ liệu đều tụt giảm. Trước đây, các cơ quan thực hiện thăm dò ý kiến được phép sử dụng các số điện thoại, được liệt kê cũng như không liệt kê chính thức, để khảo sát. Nhưng hơn một thập niên qua họ không còn được phép này nữa. Các cơ quan truyền thông cũng không còn đủ tiền để thực hiện thăm dò như trước đây. Và có lẽ vấn đề cũng nằm ở niềm tin. Người dân có đủ sự tin tưởng để cho biết họ thật sự nghĩ gì và dự định bầu cho ai không ? Còn một lý do khác nữa, là khi các cuộc thăm dò ý kiến đều đưa ra kết quả là Lao động sẽ thắng, thì có khả năng cao là một số người không muốn Lao động thắng lớn, muốn có sự cân bằng, vì vai trò của đối lập lẫn chính quyền đều quan trọng. Một chính quyền mạnh với một đối lập yếu thì đối lập không kiềm chế được nguy cơ sử dụng quyền lực quá đà của chính quyền. Tri thức và văn hóa dân chủ cao thường có xu hướng cân bằng để tránh sự quá thái của bất cứ một xu hướng nào.
Đây đều là những yếu tố tác động phức tạp, và cần phải có đủ dữ liệu và nghiên cứu để có thể phân tích khoa học và chính xác trong thời gian tới.
Hai, tâm lý an toàn có lẽ quyết định. Tuy Bill Shorten đưa ra các chính sách hứa hẹn lớn, đa số người Úc hình như vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng ông Shorten. Người ta vẫn chưa quên chính Shorten là người đứng đằng sau cuộc "đảo chánh" Kevin Rudd tháng Sáu năm 2010. Không chỉ là không tin thôi, mà nhiều người cảm thấy khó gần gũi, nếu không phải là xa cách, với ông Shorten. Ngoài ra, mặc dầu các chính sách ông đưa ra đều thể hiện sự công bằng và bình đẳng hơn cho người dân Úc, kết quả sau cùng cho thấy đa số vẫn chọn Liên đảng vì họ vẫn lo lắng trước những thay đổi lớn mà có vẻ, đối với họ, hơi bất định. Đảng United Australia Party/UAP của nhà tỷ phú, cựu Thượng nghị sĩ, Clive Palmer, đã bỏ ra hơn 60 triệu đô la quảng cáo chính trị để tìm mọi cách làm cho Lao động thất bại kỳ này. Tuy không được ghế nào cho mình, ngay cả mất luôn ghế thượng nghị sĩ kỳ này, ông Palmer vẫn thấy số tiền bỏ ra là chính đáng để cho Liên đảng thắng. Các quảng cáo đánh vào Shorten/Lao động chủ yếu nắm vào chính sách gia tăng thuế, đánh vào uy tín của Shorten, và vào các chính sách lớn mà nhiều thành phần trong xã hội sẽ phải hứng chịu. Và có đã có tác động thật sự. Trong khi đó Morrison tuy không đưa ra chính sách lớn hay nhất quán nào cả, nhưng lại đề cao nền kinh tế đang vững tốt và sẽ không có thay đổi lớn về thuế. Kỳ này người Úc đã chọn an toàn hơn là những hứa hẹn lớn nhưng có khả năng rủi ro.
Ba, thay đổi khí hậu sẽ tạo các thay đổi dây chuyền. Cuộc bầu cử dân chủ nào cũng sẽ đưa đến kết quả kẻ mất người còn. Trước đây những ghế an toàn thuộc Lao động, Quốc gia hay Cấp tiến, đều khó bị lung lây. Trong thời gian gần đây, nó không còn chắc chắn như trước nữa. Thủ tướng John Howard không những bị thua Kevin Rudd trong cuộc bầu cử năm 2007, mà ngay cả ghế an toàn Bennelong thuộc đảng Cấp tiến cũng bị mất về tay Maxine McKew. Năm nay ông Howard đi vận động cho Liên đảng, và cũng dồn nỗ lực để vận động cho cựu Thủ tướng thứ 28 của Úc, Tony Abbot, thuộc vùng cử tri Warringah, mà ông Howard từng đỡ đầu. Kết quả: Tony Abbot mất ghế của mình về tay cô Zali Steggall, một luật sư, vận động viên Olympic (từng đoạt huy chương vàng về trượt tuyết) và mới tham gia chính trị với tính cách độc lập, không thuộc đảng nào. Lập trường về thay đổi khí hậu của cô Steggall đã giúp cô thắng ông Abbot, người đã từng có những chính sách cũng như phát biểu phản bác nó trước đây, và, gần đây, thiếu dứt khoát, không rõ ông ủng hộ hay chống đối cụ thể ra sao. Đây là một vấn đề cực lớn mà nếu tránh né trước sau gì cũng sẽ bị tác động ngược.
Sau mọi cuộc bầu cử, kẻ thua người thắng, mỗi ba bốn hoặc năm năm, là điều bình thường. Sẽ có hy vọng và niềm vui, và cũng sẽ có thất vọng và nỗi buồn. Vai trò của những người lãnh đạo chính trị là xây dựng niềm tin và hy vọng cho toàn thể người dân, bất kể thuộc xu hướng nào, sau bầu cử. Họ cần có chính sách thích hợp và không phân biệt để mọi người dân vượt qua khác biệt hầu cùng nhau đóng góp và phát triển cho mục tiêu chung của con người, xã hội, và đất nước.
Úc Châu, 20/05/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 21/05/2019