Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thu phí người nuôi bệnh : Vô cảm và vô lý

Diễm Thi, RFA, 16/04/2019

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 10 tháng 4 buộc phải dừng thu khoản phí 30.000 đồng/ngày cho người nuôi bệnh chỉ sau một ngày thực hiện do phản ứng của người nhà bệnh nhân.

ngheo1

Thân nhân người bệnh tại một bệnh viện ở Hà Hội tháng 5/2017. AFP

Bệnh viện Từ Dũ cũng thu 100.000 đồng từ người nuôi bệnh thứ hai trở đi từ nhiều năm nay ở một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu...

Ông Long, một giáo viên ở Thủ Đức cho RFA biết suy nghĩ của ông về việc bệnh viện thu phí người nuôi bệnh :

"Không hợp lý và vô cảm. Bệnh viện có trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân. Bệnh viện không làm tròn trách nhiệm nên người nhà phải vô chăm sóc. Người nhà đâu có chuyên môn, đâu có nghiệp vụ.

Về mặt nguyên tắc thu tiền khám chữa bệnh thì phải chăm sóc cho người bệnh. Bây giờ thành cái lệ là bác sĩ, y tá chỉ khám qua rồi người nhà bệnh nhân phải lo hết, từ chạy đi mua thuốc, chăm sóc …

Bây giờ ‘đẻ’ thêm chuyện thu phí người nuôi bệnh thì phải nói là tận thu của người nghèo".

Anh Hùng, một chủ dịch vụ giúp việc chuyên cho thuê người chăm sóc người bệnh từ Bắc tới Nam thì cho biết anh có nghe thông tin này và anh nghĩ Bộ Y tế phải bỏ quy định này đi vì có thu cách gì thì cũng là tiền của dân vào túi nhà nước :

"Chủ trương bệnh viện sẽ thu tiền người nuôi bệnh tôi nghe cách đây vài ba hôm. Tôi nghĩ chủ trương này sẽ phải bỏ thôi vì chi phí nằm hết trong viện phí rồi. Với một bệnh nhân nặng thì lương người nuôi bệnh là bảy triệu một tháng, một ngày hơn hai trăm. Bây giờ đóng thêm 30.000 đồng một ngày thì thu nhập của họ lại bị giảm sút. Nếu bắt người bệnh trả thì chi phí của họ lại tăng lên. Đằng nào thì tiền của người dân cũng vô túi nhà nước hết".

Các bệnh viện muốn thu phí người nuôi bệnh và được Bộ Y tế khẳng định việc thu phí này là hợp lý trong khi người dân cho rằng như thế là vô lý, là tận thu người nghèo.

Ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế lên tiếng với báo Thanh Niên trong một video clip hôm 15/04/2019 rằng "những cái gì thu hợp pháp thì vẫn là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích miễn là không sai luật. Ví dụ những người vào ở trong bệnh viện người ta sử dụng điện, nước, vệ sinh… ảnh hưởng đến môi trường thì phải có nhân viên của bệnh viện hoặc phải thuê người đến xử lý thì phải trả lương cho người ta. Trả lương cho người sử dụng dịch vụ thì nguyên tắc phải trả tiền. Nhưng vấn đề là bao nhiêu một ngày cho phù hợp".

Theo phản ánh của người dân trên báo chí cũng như trên mạng xã hội thì giá phòng trong bệnh viện bị coi là quá mắc so với những khách sạn quanh đó đầy đủ tiện nghi. Không thể nói giá phòng trong bệnh viện mắc vì có bác sĩ, y tá chăm sóc được, bởi tiền khám chữa bệnh tính riêng, chi phí phòng riêng. Một phòng có ba, bốn giường lên đến hơn một triệu đồng một ngày. Bây giờ tính thêm tiền chi phí điện nước cho người nuôi bệnh thì quá vô lý.

Cô Tuyết ở quận Bình Thạnh, hiện đang chăm sóc mẹ trong bệnh viện Từ Dũ thì cho rằng thu như vậy là ăn tiền của dân nghèo bởi đa số những người vô bệnh viện nuôi người nhà là người nghèo, là những người từ dưới quê lên phải sống vật vạ trong bệnh viện với đủ thứ chi phí. Cô nói :

"Chuyện thu phí này là hết sức vô lý vì người bệnh phải đóng tiền chữa bệnh, tiền viện phí, tiền phòng, mà phòng thì rất mắc, tiền điện nước cũng rất mắc. Lấy thêm tiền người nuôi bệnh thì phải nói là ăn tiền của người ta".

Theo bảng giá phòng của bệnh viện Từ Dũ thì giá một phòng điều trị dịch vụ là từ 1.200.000 đồng (1 giường) đến 3.500.000 đồng (7 giường).

Trong bài viết về thu phí dịch vụ đối với người nuôi bệnh trên facebook cá nhân của mình, tiến sĩ Chu Mộng Long cho biết ông chỉ đồng tình với điều kiện phải cổ phần hóa 100% các bệnh viện có thu viện phí người bệnh lẫn người nuôi… ; Phải đăng ký các loại dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có cả dịch vụ cho người nuôi bệnh đảm bảo các tiêu chuẩn và giá cả do nhà nước quản lý… ; Các bệnh viện tự chi trả tiền quản lý và tiền lương cho bác sĩ mà không phải ăn lương, phụ cấp của nhà nước.

Ông kết luận dịch vụ là kinh doanh. Kinh doanh thì phải tự bỏ vốn ra. Không bỏ vốn đồng nào hoặc lấy vốn của nhân dân để kinh doanh là ăn đến tận con giun con sán của nhân dân chứ không phải ăn lãi !

Như vậy muốn thu tiền của người nuôi bệnh thì phải tư nhân hóa bệnh viện. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, y tế tư nhân được huy động tham gia cung cấp dịch vụ y tế do y tế nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về khám chữa bệnh.

Thống kê của Hiệp hội bệnh viện Hoa kỳ (American Hospital Association) thì tại Mỹ có 6,210 bệnh viện nhưng chỉ có 208 bệnh viện của nhà nước.

Còn theo số liệu thống kê của Bộ Y tế thì Việt Nam chỉ có 219 bệnh viện tư với 15.781 giường bệnh, tức chỉ chiếm 16% tổng số bệnh viện trong cả nước. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều ‘vật cản’ khiến y tế tư nhân trì trệ.

Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân thì hiện vẫn còn sự bất bình đẳng giữa y tế công và tư khi cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước được đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang bị nhân lực, trả lương, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, máy móc, thiết bị y tế…, thì cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải tự trang trải kinh phí cho tất cả các lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, bệnh viện tư nhân không được thanh toán phí điều trị nội trú bảo hiểm y tế. Những điều này là lực cản kìm hãm sự phát triển của y tế tư nhân.

Một vài bệnh viện công tại Việt Nam thay đổi hình thức thu bằng cách xây những khu nhà nghỉ cho người nhà bệnh nhân rồi cho thuê.

Ví dụ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đầu năm 2019, khu nhà nghỉ cho người nuôi bệnh có quy mô 5 tầng với giá giường tầng là 30.000 và 50.000 đồng, giường đơn giá từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh 2 năm qua cũng xây dựng một khu riêng cho thân nhân nuôi bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu với 70 giường, có nhà vệ sinh, nơi giặt phơi, wifi miễn phí. Bệnh viện thu 10.000 đồng mỗi người, tính vào giá viện phí.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 16/04/2019

********************

Chó cắn áo rách

Cánh Cò, RFA, 15/04/2019

Báo Pháp luật hôm thứ Năm ngày 11/4 có bài viết : "Bộ y tế, thu phí người nuôi bệnh là hợp lý" thật sự làm dư luận trở nên bất an. Không thể gọi là shock hay quan tâm, vì vấn đề thu tiền của dân ngày một tùy tiện, bất kể nơi đâu, lúc nào của nhà nước đã thức sự gây mối bất an trong quần chúng khi ai cũng sẽ là người nuôi bệnh trong một lúc nào đó suốt cuộc đời mình.

ngheo2

Chó cắn áo rách - Ảnh minh họa

Vấn đề không phải ở vài trăm ngàn phải trả cho bệnh viện, nó nằm ở chỗ cách thức nhà nước đối xử với người dân của mình.

Từ nhiều năm qua bệnh viện Việt Nam đã được Bộ y tế cho phép tự cân đối thu chi nên mọi quyết định về tiền nong đối với bệnh nhân điều được Ban giám đốc bệnh viện nghĩ ra và duyệt xét. Tuy nhiên sau bao năm, cách thức đầu voi đuôi chuột này tỏ ra không mấy hiệu quả, bệnh viện ngày một quá tải, bệnh nhân 4 người thậm chí có nơi 6 người một giường là hình ảnh chung rất điển hình của bệnh viện công ngày nay. Bộ Y tế gần như bất lực trước thảm trạng này và các bệnh viện tự chòi đạp trong sự thiếu thốn ngân sách để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi nhân đạo.

ngheo3

Bệnh nhân 4 người thậm chí có nơi 6 người một giường là hình ảnh chung rất điển hình của bệnh viện công ngày nay

Túng quá hóa liều, mặc dù biết rằng đưa ra quyết định thu tiền người nhà của bệnh nhân là một giải pháp thiếu nhân văn nhưng thừa phản cảm vẫn được nhiều bệnh viện bàn đến. Bài báo nêu ý kiến của Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, theo ông thì hiện nay do giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ nên Bệnh viện gặp không ít khó khăn và giải pháp thu tiền người nhà bệnh nhân có thể sẽ được nghĩ tới. Còn Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Tại khu dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ, người nuôi bệnh thứ nhất không phải đóng phí, người thứ hai phải đóng phí 100.000 đồng/ngày.

Bệnh nhân nằm tại các bệnh viện công đại đa số là người lao động nghèo tại thành phố hoặc ngoại tỉnh kéo về. Không ai trong số họ mong muốn "được" nằm lăn lóc dọc lối đi hay chen nhau chui xuống gầm giường để nghỉ mệt trong thoáng chốc. Vệ sinh cơ thể chắc chắn là thiếu thốn vì không được tắm rửa hay giặt giũ, chỉ vài lít nước phông tên giải quyết cái khát hay dùng để nấu mì gói qua ngày không thể gọi là tiện ích công cộng được.

Không chỉ các bệnh viện công có suy nghĩ thu tiền người nhà bệnh nhân mà giới chức y tế cao cấp nhất cũng đồng tình. thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng hiện nay các Bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn trả lương cho nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác. Do đó theo thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì Bệnh viện vẫn được quyền thu.

Dĩ nhiên là pháp luật không cấm những cái được gọi là "quyền" đó nhưng thử hỏi, tiền thuế mà người dân đóng cho nhà nước là gì ? Người dân có "quyền" hưởng lợi ích về an sinh xã hội trong đó có quyền được dùng những phương tiện tối thiểu tại các cơ quan nhà nước hay không ?

Nếu bệnh viện công nào cũng có chính sách thu tiền người nhà của bệnh nhân thì những nơi này có gì để cung cấp cho người dân mà đòi thu tiền như một thứ lệ phí. Nước ư ? Bao nhiêu lít nước cho mỗi người một ngày để phải đóng tới 3 trăm ngàn cho mỗi người ở lại ? Hành lang bệnh viện ư ? Bao nhiêu mét vuông cho một chỗ nằm đáng được gọi là nơi nghỉ ngơi cho một con người ? Nhà cầu, quạt trần, điện đóm nếu tính ra thì mỗi đầu người như vậy tiêu tốn hết bao nhiêu ?

Cứ tính cho chính xác và hạch toán như một công ty tư doanh làm bất cứ điều gì cũng phải có lợi rồi công khai trước dư luận xem người dân ứng phó ra sao rồi hẵng thu tiền của họ. Tuy nhiên cho dù có hợp lý thế nào trong tính toán vẫn không che được cái bất hợp lý lớn nhất trong hệ thống y tế của Việt Nam.

Đó là tính chất nhân đạo đúng nghĩa mà một bệnh viện dù tư nhân hay công lập cũng đều phải thấu hiểu.

Đã hơn 40 năm người dân Miền Nam trải qua cuộc đổi đời lớn nhất của dân tộc. Cái mà họ hy vọng nhất là cuộc sống thoải mái, xã hội bình đẳng và chính phủ biết lo lắng cho người dân. Cả ba ước ao ấy vẫn chưa bao giờ ló dạng mặc dù cây kim chỉ thời gian đã sắp chạm ngưỡng nửa thế kỷ sau ngày giải phóng.

Cuộc sống của người dân có thoải mái theo nghĩa đen lẫn bóng vẫn chưa định dạng, xã hội không hề có khái niệm bình đẳng vì các hố sâu ngăn cách giàu-nghèo, cán bộ-nhân dân vẫn hàng ngày hiển hiện khắp nơi. Chính phủ đẩy nỗi lo cho nhân dân vào cụm từ xã hội hóa nhưng thình thoảng châm vào vài ba ý tưởng nghịch lý đến khó hiều về mọi vấn đề quốc kế dân sinh.

Tất cả đang đẩy người dân vào con đường không những cùng khổ mà còn bị khinh miệt đến đau lòng.

Bệnh viện là nơi cứu người và bệnh nhân có bổn phận phải thanh toán viện phí là điều không ai chối cãi, tuy nhiên nếu vì chân lý này lại rắp tâm leo thêm một bậc nữa thì trở thành trấn lột hợp pháp không khác gì các BOT bẩn tràn ngập trên các quốc lộ hiện nay.

Ngành y từ nhiều năm qua vốn dĩ không được người dân xem trọng vì cả hai mặt : Bác sĩ, nhân viên thi nhau hành hạ bệnh nhân qua các hình thức đòi quà mới nhận được dịch vụ tốt nhất. Cạnh đó là tâm lý con nhà quan, xem bác sĩ như người phục dịch đã khiến cho quan hệ hai bên ngày một cách xa và cả hai nhìn nhau với đôi mắt ngờ vực thay vì thân thiện.

Nay, nếu thu thêm lệ phí của người nuôi bệnh thì khác nào châm thêm xăng vào nhúm lửa đang âm ỉ cháy trong các nơi được gọi là nhà thương. Hình ảnh không mấy đẹp đẽ của các bệnh viện công rồi đây sẽ tăng thêm lời nhiếc móc, sỉ vả mà giới áo trắng là người lãnh đủ hậu quả của vài đồng tiến lẻ từ người dân nghèo khó.

Chính phủ có thể chi vài ngàn tỷ cho một dự án có vấn đề nhưng lại rất "tiết kiệm" vài trăm tỷ cho sự an lòng của người cùng khổ.

Nói theo dân gian, chó chỉ thích cắn người áo rách.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 15/04/2019 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn