Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Bộ Giao thông vận tải hiện không ai dám làm sai ?

RFA, 10/06/2022

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mới đây cho biết, ngành này hiện không ai dám làm sai.

theche1

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại Quốc hội hôm 9/6/2022. Courtesy chinhphu.vn

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu như vừa nêu khi bị các Đại biểu Quốc hội chất vấn về các vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước, hôm 9/6/2022.

Bộ trưởng Thể còn khẳng định rằng, giao thông là ngành quy hoạch hạ tầng, tư duy lâu dài, công trình mang tính liên vùng nên không tồn tại ‘tư duy nhiệm kỳ’.

Thực tế có như lời vị Bộ trưởng ngành Giao thông vận tải ? Ông Đức, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Sài Gòn, nói với RFA hôm 10/6 :

"Nói thì họ cứ nói thôi, cứ khi đăng đàn hội nghị trước công chúng thì họ nói. Chuyện họ nói theo sách vở, nói theo kiểu người quản trị, thì họ cứ nói. Mà không chỉ là giao thông đâu, nhiều thứ khác lắm. Ai đăng đàn mà dám nói làm sai, làm quan chức thì ông nào dám tuyên bố muốn làm sai hay buông lỏng cho cấp dưới làm sai. Còn thực tiễn với lời nói thì chênh nhau nhiều lắm".

Theo ông Đức, nếu mà sai thì nhiều lắm, như trạm BOT đặt sai vị trí, đường một nẻo trạm một nơi. Ông nêu dẫn chứng :

"Tôi ở phía Nam thì biết chắc chắn tuyến tránh Cai Lậy trên trục Quốc lộ 1 về miền Tây sắp hoàn thành và thu phí, họ vẫn đặt hai trạm dù dân phản ứng. Hay tuyến tránh thành phố Biên Hòa cũng vậy. Còn ngoài Bắc thì tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên cách 40km, cái đó sai rành rành mà có sửa đâu ? Không chỉ dân phản ứng, truyền thông báo chí, cơ quan chức năng cũng phản ứng... có thời gian họ thừa nhận trạm đó sai, mà có sửa gì đâu. Còn những dự án chậm tiến độ nữa, cứ hứa hoài, khu vực tôi ở ba bốn cái cầu làm gần một chục năm, bỏ đó sắt thép thì cứ hen rỉ, bê tông thì có biểu hiện mục... cứ bỏ vậy thì không phải sai là gì ?"

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định ngành giao thông không dám làm sai... Nhưng chỉ mới cách nay chưa đầy hai tháng, vào ngày 25/4/2022, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khi trả lời báo nhà nước cho biết đã ký ban hành kết luận thanh tra hai dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng tại Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có sai phạm.

Theo kết luận thanh tra, đó là dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Thành phố Hà Nội và dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cả hai dự án bị phát hiện nhiều sai phạm, dẫn đến làm sai tăng vốn các gói thầu nhiều chục tỉ đồng.

theche2

Trạm thu phí BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang. RFA PHOTO.

Trở lại với phát biểu của ông Nguyễn Văn Thể mới đây, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí khi trả lời RFA hôm 10/6 cho rằng, nếu không làm sai thì không thể chạy việc :

"Theo tôi lời nói như vậy không thể đúng 100 %, theo tin tôi được biết từ những người quen làm trong ngành giao thông thì bây giờ họ rất sợ làm sai. Bởi vì làm thì chắc chắn phải sai, nếu làm đúng như quy định của chế độ nhà nước thì công việc sẽ không chạy, sẽ chẳng ai có ăn cả, nên chẳng tội gì mà làm. Chính vì vậy có thể thấy rằng, trong năm vừa qua ngành giao thông là ngành tỷ lệ giải ngân rất thấp. Cách đây khoảng năm bảy năm, nhiệm kỳ trước chẳng hạn thôi, nếu mà có dự án, có tiền là tiêu bằng hết, thậm chí nếu thiếu còn lấn sang tiền ngân sách của những đợt sau. Nhưng bây giờ là không giải ngân được, không tiêu được, bởi vì nhiều cán bộ sợ sai không dám làm".

Điều đó theo ông Vũ Minh Trí không nói lên rằng 100 % là không làm sai, ông Trí cho biết ông tin chắc rằng những việc người ta đang làm vẫn sai. Ông nêu ví dụ :

"Đầy các trạm BOT vẫn mọc lên, vẫn tiếp tục tồn tại và thu tiền của dân. Rồi các công trình cầu đường đang làm vẫn đang tiếp tục xuống cấp. Câu trả lời thì thực tế thời gian tới đây, sẽ rất nhanh thôi... sẽ có câu trả lời cho câu nói của ông Nguyễn Văn Thể. Nó cũng tương tự như vừa rồi các giám đốc CDC ở các tỉnh, ví dụ như Thừa Thiên Huế... đều hùng hồn khẳng định không tiêu cực gì, không ăn 1 đồng tiền hối lộ nào của công ty Việt Á... Nhưng đến ngày hôm nay, đã bắt tiếp giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội. Tức là đã hai đời giám đốc liền, trước là Nguyễn Nhật Cảm, đến người vừa rồi lên thay lại bị bắt vì liên quan Việt Á".

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải cho rằng Bộ mình trong sạch, không sai phạm, không tham nhũng. Vào những ngày cuối năm 2020, Bộ Giao thông vận tải khi công bố báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 cho biết, chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng nào (!?).

Một người dân miền Trung không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA lúc đó, nhận xét :

"Bộ Giao thông vận tải rất ‘trong sạch’ khi nói rằng tự kiểm tra, trong 5 năm mà không phát hiện tham nhũng ! Đúng là Thanh tra Bộ Giao thông vận tải nói láo một cách trơ trẽn, không hề biết xấu hổ, ngượng mồm !

Chẳng cần dẫn chứng nhiều, chỉ lấy điển hình dự án cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng với chiều dài 139 km, vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng (# 1,5 tỷ USD), mới đưa vào sử dụng 2 tháng đã xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng. Đến nay đã khởi tố 19 người. Không tham nhũng thì đó gọi là gì ? Hay là con số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD ‘nhỏ’ quá, không đáng nói đến ?".

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 7/12/2020 cho biết vừa khởi tố thêm 13 bị can trong vụ án ‘vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng’ tại Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

Trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 20 bị can là lãnh đạo của các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công... Cơ quan điều tra xác định chất lượng công trình xây dựng 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án từ nền, móng, mặt đường đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.

Không chỉ các vụ án lớn liên quan Bộ Giao thông vận tải, các Thanh tra Giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải lâu nay vẫn bị dư luận cho rằng có nhiều vi phạm liên quan xử phạt giao thông. Đơn cử như vụ 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Giao thông nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng để bảo kê logo ‘xe vua’ tại Hà Nội.

Nhiều người cho rằng, cần phải có lực lượng giám sát như người dân, báo chí và các đảng đối lập... thì mới có thể chống tham nhũng tại Việt Nam.

Nguồn : RFA, 10/06/2022

**********************

Vừa đánh trống vừa la làng, Chính phủ phải chịu trách nhiệm !

Viết từ Sài Gòn, RFA, 10/06/2022

Đến thời điểm hiện tại, rất khó để nói rằng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vô can trong vấn đề kit test Việt Á nói riêng và hàng loạt vụ tội ác gây nên cái chết đau đớn cho gần ba vạn người Việt Nam hồi giữa năm 2021 nói chung. Và, càng khó nói hơn khi chính ông Phạm Minh Chính vừa diễn kịch lại vừa làm đạo diễn, thậm chí vừa biên kịch cho vở kịch chống dịch của ông mà càng chống thì càng chết, lại vừa làm khán giả vỗ tay cứ như là rất vô tư xem kịch người khác.

trachnhiem01

Hình ảnh cả một thôn bị giới chức địa phương tới khóa ngang cổng nhà

Có lẽ khó ai quên được ngổn ngang hình ảnh giữa lúc thành phố Sài Gòn và các thành phố lớn chống dịch, giãn cách, giới nghiêm, phong tỏa… Từ người già leo lắt thở bên bình oxy dưới một con hẻm chết chóc nào đó giữa lòng Sài Gòn cho đến người đàn ông bò chui người qua thép gai để lấy cho được bó rau mang về cho gia đình, cảnh những đứa bé và người lớn chen chúc nhau để nhận rau xanh, củ, quả, cảnh người người mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình với cái đói và bệnh tật, dịch giã…

Có vô vàn hình ảnh đau thương, đau thương đến tột độ, cảnh một đứa bé cầm viên phấn vẽ xuống nền xi măng hình ảnh mẹ của bé đang choàng tay ôm con mình rồi bé sà vào lòng mẹ để ngủ. Không biết người mẹ vô tri bằng phấn vẽ có thấu được nỗi lòng của bé ? Nhưng người mục kích thì nước mắt lã chã trước sự đời ! Cảnh những đứa bé mồ côi xúm xít quanh bát nhang, trong căn nhà nhỏ, giữa thành phố Sài Gòn rộng lớn, không biết tương lai của chúng rồi sẽ ra sao ?

Cảnh một shipper chở các hủ tro cốt đi giao ở các khu phố như đang đi giao một thứ đồ vật gì đó chứ chẳng phải hài cốt của con người. Dường như mọi thứ đã tê dại, đớn nghẹn, đóng băng và mọi thứ đau đớn lúc này chẳng thể rung được sợi dây thần kinh. Bởi con người đã chạm vào ngưỡng lớn nhất của đau đớn, và mọi thứ trở nên bình thường một cách lạnh lùng. Bình thường như cảnh người ta đi giao các hủ tro cốt sau giỏ xe !

Đó là vài hình ảnh còn đọng lại giữa muôn vàn hình ảnh Sài Gòn oằn mình đau đớn, rồi hình ảnh người ta tới khóa ngang cổng nhà, cả một thôn bị khóa cổng, nội bất xuất ngoại bất nhập ở Nghệ An, hình ảnh cả một đám đông lực lượng dân phòng, công an, vũ trang xông vào đập vỡ toang cánh cửa gỗ của một gia đình ở Nghệ An để bắt người phụ nữ trong gia đình này đi cách ly tập trung. Cũng với phụ nữ, tại một khu chung cư ở Bình Dương, chủ tịch phường và một đám sai nha đã xông vào phá cửa, bẻ quặt tay một phụ nữ chủ nhà, dắt ra sân chung cư và lại đè đầu để chọt mũi, tìm F0… Hình ảnh con người trở nên nhỏ nhoi, đau đớn cùng tận và bị đẩy xuống hàng con ong, cái kiến ; thậm chí bị đối xử còn tệ hơn cả súc vật là hình ảnh thật, từ người thật việc thật ở khắp nơi trên đất nước này, trong thế kỉ này.

trachnhiem02

Pano tuyên truyền và người dân trong mùa dịch Covid-19. RFA edited

Hình ảnh người sống bị tập trung vào cách ly chật chội, không có chỗ ngủ, không có đủ điều kiện vệ sinh, nóng nực, ngột ngạt và dơ dáy trong bộ áo quần cách ly mà cho dù có ngu cỡ nào đi nữa thì nhìn vào nó, người ta đủ thấy chết chóc, một người bình thường mặc nó quá lâu cũng có thể xuống sức, thậm chí chết ngộp vì mất quá nhiều mồ hôi, vậy mà người mang bệnh dịch, sức khỏe vốn không bình thường lại chui vào nó, trong một môi trường chết chóc. Có thể nói rằng các trại cách ly tập trung ở các thành phố lớn với mật độ chật chội, ngạt thở chính là những khu nhà giết người tập thể trong đợt dịch vừa qua.

Hình ảnh người chết nằm sắp lớp đợi đưa đi thiêu, hình ảnh xe cứu thương nối hành dài chở xác vào lò thiêu… Mọi thứ kẹt cứng và không thể hoạt động, các lò thiêu nâng giá, những đội tình nguyện trợ giúp người chết có thật, có giả xông vào hoạt động. Mọi thứ cứ như sau chiến tranh, mà còn ghê gớm hơn cả sau chiến tranh !

Trong khi đó, Chính phủ đã làm gì ? (Cụ thể là chính phủ dưới thời Phạm Minh Chính, bởi ba đợt dịch chết chóc năm 2021 thuộc về trách nhiệm quản lý của Phạm Minh Chính). Thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chống dịch đã qua, và cũng xin khách quan mà nói, dưới thời Thủ tướng Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mạnh miệng tuyên bố về những thành tựu chống dịch của Việt Nam, và điều ấy là có thật, chí ít cho đến lúc ông Phúc rời ghế Thủ tướng.

Đến khi ông Chính lên ghế Thủ tướng thay ông Phúc, vấn đề dịch giã tại Việt Nam trở lại những đợt bùng phát ngoài sức tưởng tượng, việc thả cửa cho người dân đi chơi vào 30 tháng 4 và 1 tháng 5, sau đó tổ chức bầu cử và sau đó là cái lệnh giới nghiêm gọi là chỉ thị 16/CP của Thủ tướng, phân vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng và thiết chặt quân sự, thít chặt giới nghiêm, thít chặt phong tỏa, ai ở đâu ở yên đấy, mỗi xóm làng là một pháo đài, mỗi gia đình là một pháo đài, thậm chí mỗi người là một pháo đài riêng lẻ trong gia đình, phải tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng bằng xét nghiệm, chống dịch là chống giặc… nhà nhà, xóm làng thành những lô cốt, người ta dựng lô cốt khắp nơi, biến các khu phố thành những lô cốt bịt bùng... để chống dịch, tìm F0.

trachnhiem03

Người dân trong khu vực bị phong tỏa đến nhận rau quả trước cổng vào

Song hành với cái chỉ thị quái ác, kỳ cục và có gì đó không phải dành cho con người mà Thủ tướng Chính đã ban là hàng loạt kit test được sử dụng, người dân bị chọt mũi đồng loạt, bị lùa ra các khoảng sân chung cư, các nơi công cộng để chọt mũi. Lạ chỗ cấm người dân đi lại, cấm cả đi mua thức ăn, thậm chí đi mua ổ bánh mì cũng bị phạt vì "thực phẩm không thiết yếu" mà lại lùa cả một xóm ra chen chúc chọt mũi ? ! Lạ hơn nữa, chọt mũi là chính sách của Bộ y tế và của Thủ tướng Chính phủ ? !

Và tiếp theo những vụ chọt mũi hàng loạt là chính sách bắt buộc người lao động (vốn dĩ đã kiệt quệ, đói khổ vì dịch) tốn thêm một khoảng tiền xét nghiệm để có giấy thông hành sang thành phố khác, tỉnh khác mà làm thuê, kiếm việc… Cả nước nhốn nháo, người chạy khỏi thành phố như vỡ bờ… Trong lúc Thủ tướng Chính vẫn khư khư giữ quan điểm "loại F0 ra khỏi cộng đồng bằng xét nghiệm" và tiếp tục chỉ đạo trực tuyến các địa phương thực hiện kế hoạch của ông ta. Thậm chí ông ta còn nêu đích danh một lãnh đạo miền Nam để mắng và chê trách ông này làm ăn kém hiệu quả, nôm na là dốt…

Bên cạnh việc tổ chức xét nghiệm không chừa một ai, việc tiêm vắc xin không chừa một ai bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" (phương châm của ông Chính). Và, mặc dù việc xét nghiệm dẫn đến tình trạng lây lan không thể quản lý được, nó vẫn cứ tiếp tục làm theo lệnh của Thủ tướng và những người bên dưới ông ta. Mặc dù có nhiều người chết vì sốc phản vệ do vắc xin gây ra nhưng việc tiếp tục tiêm nó vẫn được thực hiện và có người đã tiêm đến mủi thứ tư, thứ năm. Chủ trương "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tiêm của Thủ tướng Chính vẫn đang thực hiện.

trachnhiem04

Tại một khu chung cư ở Bình Dương, chủ tịch phường và là công an và dân phòng xông vào phá cửa, bẻ quặt tay một phụ nữ chủ nhà, dắt ra sân chung cư và lại đè đầu để chọt mũi, tìm F0...

Trớ trêu là cho dù tiêm vắc xin xong, người ta vẫn cứ bị nhiễm, và cách lập luận là bị nhiễm sau khi tiêm vắc xin sẽ ít nguy hiểm hơn bị nhiễm mà không tiêm, hay nói khác đi là bị nhiễm mà không tiêm có thể chết người. Nhưng, nói thì nói vậy chứ đã tiêm vắc xin rồi mà bị nhiễm thì vẫn thực hiện các bước cách ly, chế độ điều trị giống y như chưa tiêm, nếu thực hiện không rốt ráo sẽ dẫn đến tử vong (?!).

Cuối cùng thì công cuộc chống dịch ở giai đoạn 2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với bộ sậu của ông gồm Bộ trưởng Y tế và hàng loạt tai to mặt lớn các bộ khác, hình như chỉ là trò chơi của quyền lực, ở đây, cụ thể là quyền lực của kẻ có thể ra lệnh trên sinh mạng của một dân tộc, tao bắt test thì phải test, chạy đi đâu cho thoát, tao bắt tiêm thì phải tiêm, có chết cũng tiêm ! Và, điều này, dù muốn hay không, dù nói ra hay im lặng, thì có lẽ, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thấy rằng nó đã lấy đi toàn bộ thiện cảm, thiện chí, niềm tin hay bất kì điều gì tốt đẹp mà nhân dân đã dành cho đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ, hơn bao giờ hết và hơn ai hết, nhân dân thấu hiểu, nhìn thấy và cảm nhận được những ông kễnh của đảng đã đối xử với mình ra sao khi hữu sự, khi chết chóc ghé đến.

Hình như cũng chẳng còn lựa chọn nào cho hệ thống đảng Cộng sản, hoặc là phanh phui đến tận gốc sự việc có liên quan đến gần ba vạn nhân mạng con dân Việt để trả sự thật về với chính nó, hoặc là chấp nhận qua loa chiếu lệ, xem như cây củi Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh là củi gộc của rừng, dừng mọi chuyện tại đây. Đương nhiên, chọn theo cách một là một kiểu lựa chọn rất khó, rất gay cấn. Nhưng, chọn theo cách hai tuy dễ nhưng lại là cách dẫn đến cửa tử nhanh nhất cho các đảng viên tử tế còn sót trong hệ thống và cho cả hệ thống.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 10/06/2022

***********************

Bệnh "sợ trách nhiệm" của cán bộ phải được "trị" ở cấp độ thể chế

RFA, 09/06/2022

Bệnh "sợ trách nhiệm", không dám làm, làm gì cũng sợ sai, của cán bộ viên chức Nhà nước đã được nhiều quan chức cấp cao của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đề cập liên tục từ năm 2019 trở lại đây.Thế nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được thực trạng này.

trachnhiem1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Mai Thị Phương Hoa - Thanh Niên/RFA edited

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Mai Thị Phương Hoa, phát biểu trước nghị trường hôm 2/6 về chứng "sợ trách nhiệm" của cán bộ rằng "bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm".

Pháp luật chồng chéo

Bình luận về phát ngôn này của bà đại biểu Quốc hội, một luật sư không muốn nêu tên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là một thực trạng khá "chua chát" của chính trị và pháp luật Việt Nam.

Nguyên do khiến cho nhiều cán bộ "làm gì cũng sợ sai" được luật sư này chỉ ra là vì hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.

Điều này khiến cho những người cán bộ các cơ quan hành pháp họ không biết được là họ thực hiện một nhiệm vụ nào đó là đúng hay sai. Kể cả trong trường hợp họ không làm gì đi chăng nữa thì vẫn có thể bị quy vào hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" :

"Thực ra khi tôi làm luật thì tôi thấy cái quy định về "trách nhiệm" nó cũng khá là mơ hồ, chung chung và khiến người ta không biết phải thực hiện như thế nào, và tội "thiếu trách nhiệm" có thể quàng vào bất kỳ ai, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào của cơ quan nhà nước".

Ngoài ra, theo luật sư giấu tên, chính lối văn hóa làm việc "theo chỉ đạo chứ không theo luật pháp" cũng khiến cán bộ không dám mạnh dạn thực thi pháp luật, mà luôn phải đợi chỉ đạo từ cấp trên :

"Cứ có vụ vi phạm nào nổi cộm thì Chính phủ lại bảo là "đề nghị xử lý nghiêm".

Luật pháp thì nó đã có sẵn như thế rồi, cơ quan hành pháp và tư pháp cứ thế nhìn vào mà áp dụng, tại sao lại phải chỉ đạo xử nghiêm ? Theo tôi thì những chỉ đạo như vậy vô hình chung làm cho việc thực thi pháp luật không được đúng đắn.

Cho nên mới xảy ra trường hợp là luật rất nhiều nhưng cán bộ không dám thực hiện, bởi vì cấp trên chỉ đạo như thế này nhưng luật lại quy định khác. Nếu thực hiện theo luật thì lại trái ý cấp trên, mà thực hiện theo cấp trên thì lại trái luật".

Ví dụ điển hình rằng các Chỉ thị 15, 16, và 19 được Chính phủ ban hành hồi năm 2021. Với lý do là phòng chống dịch Covid-19, các chỉ thị này đã ngăn cấm, hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân.

Luật sư giấu tên cho biết các văn bản nêu trên là không đúng theo quy định pháp luật, không có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, các cấp Chính quyền địa phương đều răm rắp thực hiện theo, không một cán bộ nào dám nêu ý kiến phản biện.

Trước Quốc hội hôm 24/4, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đã nói rằng hệ thống luật pháp Việt Nam chằng chịt, giẫm lên nhau, gây ra nhiều thiệt hại : "Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn".

Đảng đứng trên Pháp luật

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, ngoài các quy định luật pháp không rõ ràng, về mặt thể chế, điều căn nguyên khiến các cán bộ nhà nước "làm gì cũng sợ" là do thực tế "Đảng đứng trên pháp luật" ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dũng, lẽ ra nếu cán bộ có một hành động bị cho là vi phạm pháp luật thì lập tức các cơ quan thi hành pháp luật phải tiến hành điều tra, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng ở Việt Nam, họ phải chờ quyết định của các thang bậc bên Đảng rồi mới dám thi hành. Đảng quyết thế nào thì tòa phải xử thế ấy, chứ không dựa vào luật pháp để ra phán quyết cuối cùng :

"Chẳng hạn như Ủy viên Trung ương đảng Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thanh Long vừa rồi, theo nguyên tắc của Việt Nam là những người thuộc Trung ương đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật, sau đó pháp luật mới nói sau. Như vậy thì rõ ràng rằng là Đảng đứng trên pháp luật.

Khi Bộ chính trị đã kết luận, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thi hành kỷ luật đuổi anh ra khỏi đảng, như Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long thì đố cái tòa án nào dám xử khác. Nên nhớ rằng ở Việt Nam tòa án cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Toà án đâu có độc lập".

Tất cả những cái đó cho thấy rằng không chỉ những người làm sai khuấy, mà ngay cả những người tử tế, trong những trường hợp như vậy họ cũng biết thân biết phận, họ không dám làm quá.

Mặc dù đã hô hào rằng phải khuyến khích những người dũng cảm đi đầu, nói như thế nhưng đến khi mình đi đầu thì lại bị trừng trị, thì chả biết thế nào được".

Bộ Chính trị hồi năm 2021 có ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Phải giải quyết vấn đề từ cấp Thể chế

Hôm 24/5, ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu đoàn Bình Định phát biểu rằng muốn có đột phá tăng trưởng mà vẫn tuân thủ Hiến pháp thì cần có soan thảo và thông qua Luật Bảo vệ người dám nghĩ dám làm.

Cả hai người mà Đài RFA phỏng vấn đều khẳng định rằng chỉ có luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ "dũng cảm, dám nói, dám làm"... cũng không giải quyết được thực trạng cán bộ làm gì cũng sợ.

Tiến sĩ Hoàng Dũng nói nút thắt của toàn bộ vấn đề nằm ở thể chế. Do đó, cần phải giải quyết từ thể chế. Cần phải có tam quyền phân lâp, tòa án phải độc lập để bảo vệ được cán bộ liêm chính theo đúng Hiến pháp và pháp luật :

"Phải giải quyết ở cấp độ thể chế. Nhưng mà Nhà nước đã công khai rằng ở Việt Nam không có tam quyền phân lập thì giải quyết thế nào được. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi Bộ Chính trị đã kết luận thì những người liên quan họ chỉ có thể bó tay đầu hàng thôi.

Tôi không bênh vực ông Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thanh Long ; nhưng mà tôi muốn nói rằng bất kỳ ai oan hay không oan, đến mức đó là hết cãi được.

Bởi vì phải luôn nhớ rằng ở Việt Nam không có một tòa án nào dám kết luận khác đi với kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cả !"

Theo quan điểm của vị luật sư giấu tên thì với hệ thống, thể chế như hiện tại thì không thể sửa chữa được, chỉ có nghiên cứu tìm tòi ra một hệ thống, thể chế mới phù hợp với văn hóa, lối sống của người Việt Nam.

Thể chế đó phải có tam quyền phân lập, có sự phản biện của công dân, của báo chí, của các tổ chức xã hội dân sự thì mới có thể xây dựng một xã hội tốt hơn.

Nguồn : RFA, 09/06/2022

***********************

Bệnh ‘sợ trách nhiệm’ của công chức là do thể chế !

Diễm Thi, RFA, 29/10/2021

Báo Nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nhận định rằng nhiều cán bộ đứng đầu hiện nay lo giữ ghế nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo. Ông Túc đề nghị không nên đặt vấn đề kỷ luật cán bộ thí điểm, vì việc đổi mới thường chưa có tiền lệ, có thể đúng, có thể sai, do đó trước hết cần khuyến khích, tạo điều kiện và xem xét ở động cơ, mục đích của họ.

trachnhiem2

Hình chụp các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 hôm 31/1/2021 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ ba, các ông Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng vỗ tay - AFP

Một số lãnh đạo thừa nhận, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, nỗi lo bị kỷ luật, bị xử lý có thể rơi xuống đầu họ vào bất cứ lúc nào, khi những quy định bình thường được đưa ra để xem xét việc ra quyết định trong những tình huống bất thường, mà chưa có chỉ đạo từ cấp cao.  

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích :

"Cái nền quản trị Nhà nước này nó không minh định rõ cái gì ra cái gì. Nó không nói rõ làm thế nào thì tốt hay không tốt ; làm thế nào thì hợp pháp hay phạm pháp… Người ta không có nền tảng pháp lý cụ thể để người ta yên tâm nên tốt nhất là người ta sẽ không làm. Đấy là do thể chế, do hệ thống. Do đó phải làm lại hệ thống và thể chế. Một người đi làm công trong bộ máy hành chính quốc gia hay bộ máy của Đảng thì phải có quy chế rõ ràng. Nhưng đây người ta không có.

Năm 2006, họ đưa ra được một bộ luật quan trọng là Bộ luật công chức viên chức khá tương đồng với Bộ luật công chức của những nước phát triển. Lúc đó tôi có tham gia soạn thảo một phần cho bộ luật này, tôi đề nghị nên tách luật về công chức ra khỏi luật về viên chức, bởi chỉ có công chức mới là người thay mặt tổ chức hành chính để thực hiện các nhiệm vụ mang tính công quyền. Nên tách ra nhưng mãi sau này người ta vẫn chưa tách".   

Tuy Kết luận số 14 được coi là tấm lá chắn bảo vệ cho những người dám đổi mới, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng, căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’, không dám ‘xé rào’ vẫn tồn tại trong hầu hết các công chức từ địa phương tới trung ương bởi thể chế và cơ chế vẫn không có sự thay đổi nào.

Người ta nhắc lại vụ trung tướng Trần Độ. Vì có những bất đồng với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng cộng sản Việt Nam, có những bài viết đòi đa nguyên đa đảng, đòi loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng mà ông bị khai trừ khỏi đảng vào đầu năm 1999. Hay ông Trần Xuân Bách, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nhưng lại có chủ trương đa đảng, đã bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương nói với RFA quan điểm của ông :

"Họ sợ trách nhiệm vì cái hệ thống độc quyền nó mạnh lắm. Nó theo cơ chế tập trung quyền lực của Bộ chính trị, Ban bí thư và Tổng bí thư, cho nên người ta sợ là trái ý một tí, đi khác một tí, làm khác một tí là bị trừng trị, bị loại bỏ. Mà cái loại bỏ ở Việt Nam còn độc hại hơn thời phong kiến.

Ngoài ra, nó còn một lý do nữa là tranh giành ghế, vì ‘ghế thì ít mà đít thì nhiều’, thấy ai có vẻ ‘trồi’ lên là lập tức bị chặt ngang cho bằng phẳng. Họ đàn hặc (khiển trách, luận tội), phê phán, gây áp lực lẫn nhau chứ không phải tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Tâm lý này cũng do thể chế chính trị nó tạo ra. Nếu biết thay đổi thì mới phát triển được.

Vì thế, Việt Nam là một nước trì trệ kéo dài và bà Phạm Chi Lan từng kết luận, đây là một Nhà nước không muốn phát triển. Có điều kiện phát triển nhưng lại không muốn. Đấy là cái bi kịch lớn của dân tộc phải chú ý".

Ông Nguyễn Khắc Mai nói thêm, hiện nay Nhà nước đang có khuynh hướng muốn làm rõ trách nhiệm của từng vị trí như Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng phải được làm tối đa những điều được ghi trong Hiến pháp. Họ cũng muốn thúc đẩy một nhận thức mới để đưa Bộ chính trị vào khuôn phép, nhốt quyền lực vào lồng để bộ này biết sống phải đạo. Hiện nay cấp dưới họ phải ‘xé rào’, mà những người ‘xé rào’ là những người rất dũng cảm.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, cách chọn người lâu nay cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc có những công chức không dám nghĩ, không dám làm, và không dám chịu trách nhiệm. Việc chọn nhân sự quá phụ thuộc vào lý lịch, bằng cấp mà không lắng nghe ý kiến nhân dân. Việc thi tuyển công chức được cho là thi cho có lệ chứ không nhằm mục đích chọn người tài.

Nhà quan sát Hà Hoàng Hợp phân tích :

"Cái dở nhất trong việc sắp xếp công chức trong hệ thống này là họ bắt buộc công chức phải học những lớp chính trị cao cấp, trung cấp, sơ cấp. Đấy là cơ sở nền tảng để công chức được bổ nhiệm vào cấp nọ cấp kia. Rõ ràng là Luật Công chức của Việt Nam họ có bắt thi, nhưng nội dung thi lại hoàn toàn là nội dung chính trị, chỉ liên quan rất ít đến nội dung hành chính".

Những kẻ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm thì phải nói đấy là loại vô đạo đức, bởi tất cả công chức đều phải dựa trên hai nền tảng quan trọng. Thứ nhất là nền tảng chuyên môn. Tiếng Mỹ gọi là competent. Chuyên môn hành chính, chuyên môn quản lý nhà nước. Nền tảng thứ hai có khi còn quan trọng hơn, đó là nền tảng đạo đức. Nền tảng đạo đức có quy định không được làm trái những quy định trong ứng xử và phải nêu cao chuẩn mực tinh thần và đạo đức. Những quy định các nước người ta nói rất rõ. Ở Việt Nam cũng có nhưng lâu ngày họ ‘quên’ đi".

Ông Hợp kết luận, những công chức sợ trách nhiệm được coi là những công chức không có đạo đức, bởi tất cả công chức đều phải dựa trên hai nền tảng quan trọng như ông vừa nêu.

Theo lẽ thường, khi nói đến lãnh đạo là người ta nói đến quyền lực và trách nhiệm. Trách nhiệm trong cách hành xử quyền lực xuất phát từ ý thức, nhưng cần được giám sát từ người dân. Điều này ở Việt Nam còn thiếu vắng.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 29/10/2021

Published in Diễn đàn