Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở Việt Nam, tình trạng người dân công khai lên tiếng phản biện chính quyền, các nhà hoạt động xã hội và dân chủ bị côn đồ tấn công ngày càng nghiêm trọng. Mới nhất là vụ việc côn đồ vào tận tư gia hành hung 3 phụ nữ vì bị cho là "phản động".

condo1

Phan Sơn Hùng, nghi can có liên quan đến vụ hành hung hội đồng 3 phụ nữ. Ảnh : Facebook

Thế nào là "phản động" ?

Tiếng la hét thất thanh của những phu nữ bị hành hung, tiếng gằn giọng "Phản động hả ? Phản động" của những tay côn đồ cùng hình ảnh đánh đập tàn bạo, được đăng tải trong một video clip dài hơn 30 giây, trên trang Facebook có tên Phan Hùng vào chiều tối ngày 2 tháng Năm gây nên sự phẫn nộ trong dư luận.

Nhiều người lên tiếng yêu cầu chính quyền phải xử lý nghiêm minh vụ việc vừa nêu vì mức độ an toàn của dân chúng không được đảm bảo, như lời khẳng định của cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Công Định, rằng "sự việc này là bước leo thang nghiêm trọng của tình trạng vô pháp đang diễn ra ở xã hội chúng ta".

Đáp lời kêu gọi của người dân, báo giới trong nước nhanh chóng đăng tải thông tin Trưởng Phòng Tham mưu của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang xác nhận Công an quận 2 đang điều tra vụ việc xảy ra trong khu vực của quận. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang phản bác cáo buộc của dư luận có cán bộ công quyền đứng đằng sau vụ việc này và nhấn mạnh vụ việc không mang màu sắc chính trị.

Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân của Phan Hùng, người đăng tải video clip hành hung 3 phụ nữ tại quận 2 kèm theo lời tuyên bố "Đây là màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ" và còn hăm dọa những ai muốn xuyên tạc, kích động, lăng mạ lãnh tụ, bạo loạn, lật đổ thì cứ lên tiếng.

Là một nạn nhân từng bị côn đồ đeo bám và hành hung, nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến nói với RFA vào tối hôm mùng 3 tháng Năm rằng vụ việc vừa mới xảy ra mang tính chất đàn áp phong trào dân chủ trong nước, chứ không còn như từng xảy ra trước đây, chẳng hạn đối với chính anh là hành động lén lút, giấu mặt.

"Nhà cầm quyền không có một lý do gì để đánh dân, đánh người hoạt động nữa. Họ phải mượn tay côn đồ để chuyển việc người dân đứng dậy đối đầu với nhà cầm quyền sang dân với dân. Nhà cầm quyền chuyển như vậy để tránh yếu tố pháp lý, tránh yếu tố công luận cho nên bẻ sự đối đầu của dân với nhà cầm quyền thành dân với dân. Họ tạo ra những mâu thuẫn trong nhân dân, cố tình tạo ra ‘cờ đỏ-cờ vàng’, đại khái như thế, và do lập trường của người dân khác nhau nên người ta đánh nhau".

Mặc dù đại diện của Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vụ việc 3 phụ nữ bị nhóm côn đồ hành hung tàn bạo vì bị cho là "phản động" không mang màu sắc chính trị, nhưng chính người ra tay, tên Phan Hùng từng viết trên trang Facebook cá nhân rằng những người suốt ngày mở miệng nói thương cá, yêu môi trường, đòi tự do dân chủ, nhân quyền… là một lũ "dốt dân", lúc nào cũng xuyên tạc và kích động.

Câu hỏi đặt ra có phải những hành động và phản biện của người dân xoay quanh những gì xảy ra trong đời sống xã hội được đánh đồng với khái niệm "phản động" như của nhóm côn đồ Phan Hùng hay không ? Và nhóm côn đồ này có quyền dùng bạo lực đối với những người công khai bày tỏ quan điểm của họ như vậy ?

Công quyền đứng sau côn đồ ?

Đáp câu hỏi được dư luận đặt ra, anh Đinh Quang Tuyến diễn giải ý nghĩa của "phản động" theo định nghĩa bất thành văn của nhà cầm quyền Việt Nam :

"Thật ra mà nói nếu gom lại hết thì tất cả những người nói lên sự thật đều là ‘phản động’, kể cả người trong Đảng mà nói sự thật thì cũng được quy là’ phản động’. Bất cứ đảng viên ra khỏi Đảng mà tố cáo hoạt động của Đảng, của nhà cầm quyền, nói lên sự thật thì là ‘phản động’. Tức là nhà cầm quyền là phi nghĩa. Người phản lại người phi nghĩa là phản động. Chính nghĩa là phản động, tức là phản lại phi nghĩa".

Đồng quan điểm với nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến, đa số những người dấn thân trong phòng trào dân chủ hóa tại Việt Nam đều đối diện với tình cảnh bị côn đồ, thậm chí những nhân viên an ninh mặc thường phục gây trở ngại trong sinh hoạt thường nhật cũng như bị theo dõi hay bắt cóc. Facebooker Huỳnh Quốc Huy kể lại từ sau ngày 5 tháng Ba, ngày cựu tù nhân lương tâm-Linh mục Nguyễn Văn Lý kêu gọi toàn quốc biểu tình, còn bị nhóm người Trung Quốc đeo bám :

"Có những nhóm côn đồ lạ, nhóm người Trung Quốc đuổi theo Huy từ sau ngày 5 tháng Ba. Thật ra Huy không nghe họ nói nhưng có nhóm 4 người với dáng vẻ, ngoại hình không phải là người Việt. Mình nhìn mình biết. Màu da của họ ở xứ lạnh chứ không phải xứ nhiệt đới như mình. Tướng họ cao, mắt híp, mặt bành, da trắng và đặc biệt là đặc biệt trên người họ có quấn côn. Người Việt không xài côn. Mình có tập võ nên mình biết".

Tác giả quyển sách "Bên thắng cuộc" chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng Công an nên ngay lập tức khởi tố vụ án nhóm côn đồ hành hung 3 phụ nữ ở quận 2, Sài Gòn về hành vi "xâm phạm chỗ ở của người khác" theo Điều 158 Bộ luật Hình sự Việt Nam, chưa kể đến hành vi sử dụng trái phép bình xịt hơi cay và hành hung dã man các phụ nữ tại tư gia của họ. Nhưng thông tin mới nhất Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một trong 3 nạn nhân phụ nữ được Công an quận 2 yêu cầu ký đơn bãi nại, không xử lý hình sự vì lý do thương tích không nặng.

Trước thông tin này, dư luận càng dấy lên thắc mắc thủ phạm có liên quan gì đến công an ? Riêng với các nhà đấu tranh dân chủ ở trong nước cho rằng vụ việc đánh người nghiêm trọng xảy ra tối ngày 2 tháng Năm mà công an quận 2 không khởi tố thì đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cách hành xử của nhà cầm quyền nhằm trấn áp những tiếng nói đối lập.

Vụ việc côn đồ hành hung 3 phụ nữ vì bị cho là "phản động" sẽ được chính quyền địa phương xử lý như thế nào đang được dư luận quan tâm theo dõi. Và số đông những nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam khẳng định rằng cách hành xử không chính danh qua vụ việc côn đồ hành hung mới nhất càng khiến cho quyết tâm của họ mạnh mẽ hơn vì một đất nước có kỹ cương pháp trị, như lời anh Đinh Quang Tuyến rằng họ chỉ góp phần xây dựng quốc gia văn minh, tiến bộ một cách ôn hòa, không bao giờ muốn đối đầu với chính quyền "Nhưng những người hoạt động sẽ chuẩn bị một thế mạnh hơn. Mức độ sai trái của nhà cầm quyền như thế nào thì người ta phải có mức độ đấu tranh tương ứng".

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 04/05/2017

Additional Info

  • Author Hòa Ái
Published in Diễn đàn