Chủ tịch tỉnh Bình Định vừa cho biết, ông ta đang chờ kết quả xử lý của Tỉnh ủy Bình Định để quyết định xử lý về mặt chính quyền đối với ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ của tỉnh này (1).
Các cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với hồ sơ đảng tịch và việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hoàng. Ảnh : TẤN LỘC (PLO)
Chuyện bổ nhiệm ông Hoàng, sinh năm 1986, làm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định cách nay bốn năm giờ mới trở thành lùm xùm.
Năm 2010, lúc 24 tuổi, ông Hoàng được Công ty Chứng khoán Dầu khí tuyển vào làm việc tại Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Về nguyên tắc, đảng viên cộng sản Việt Nam chỉ có thể giới thiệu người khác vào Đảng khi đã làm việc chung, sinh hoạt chung với đương sự tối thiểu một năm, tuy nhiên Bí thư Chi bộ phía Nam của Công ty Chứng khoán Dầu khí lại làm thủ tục giới thiệu ông Hoàng vào Đảng lúc ông Hoàng mới vào công ty làm việc được… 15 ngày. Về nguyên tắc, phải có tối thiểu ba đảng viên chính thức thì mới thành lập chi bộ, thế nhưng chỉ có một đảng viên chính thức, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của Công ty Chứng khoán Dầu khí vẫn được lập chi bộ để hoàn thiện các thủ tục cần thiết cho Đảng ủy Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam kết nạp ông Hoàng.
Ông Hoàng trở thành đảng viên dự bị vào đầu tháng 9 năm 2011 thì cuối… tháng 9 năm 2011, Viện Kiểm sát Bình Định loan báo tiếp nhận ông Hoàng – có văn bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – vào làm việc tại Phòng Tổ chức và vài tháng sau bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó phòng.
Bởi Cao cấp Lý luận chính trị là điều kiện tiên quyết để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cấp tỉnh nên Đảng cộng sản Việt Nam đặt định rất nhiều yêu cầu về việc lựa chọn – cử đảng viên đi học chương trình này. Chẳng hiểu tại sao ông Hoàng lại được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định chọn - cử đi học Cao cấp Lý luận chính trị trong khi còn là đảng viên dự bị.
Ông Hoàng trở thành học viên của lớp Cao cấp Lý luận chính trị tại Học viện Hành chính – Chính trị Khu vực 3 hồi tháng 11 năm 2012 thì tháng sau, Viện Kiểm sát Bình Định cho phép ông Hoàng chuyển ngành sang Sở Ngoại vụ Bình Định. Do ông Hoàng từng là Phó Phòng Tổ chức của Viện Kiểm sát Bình Định nên khi tiếp nhận, Sở Ngoại vụ Bình Định giao cho ông Hoàng làm Phó Phòng Hợp tác quốc tế. 15 tháng sau, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế và tháng sau nữa (tháng 5 năm 2014), ông Hoàng được "phân công" làm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định…
Thời gian từ lúc ông Hoàng đặt chân vào Đảng cho tới khi trở thành Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định tính ra chỉ có hai năm bảy tháng. Trong hai năm bảy tháng ấy, ông Hoàng đi qua ba nơi, nơi nào cũng chỉ làm việc theo kiểu… tạm trú, song hàng chục cơ quan, tổ chức Đảng thuộc nhiều ngành, nhiều cấp - từ doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công thương (Công ty Chứng khoán Dầu khí, Chi bộ Công ty Chứng khoán Dầu khí, Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam, Đảng ủy Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam), tới cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bình Định (Viện Kiểm sát Bình Định, Đảng bộ Viện Kiểm sát Bình Định), chính quyền tỉnh Bình Định (Sở Ngoại vụ Bình Định, Đảng bộ Sở Ngoại vụ Bình Định, Sở Nội vụ Bình Định, Đảng bộ Sở Nội vụ Bình Định, Ban Cán sự UBND tỉnh), Tỉnh ủy Bình Định (Ban Tổ chức Tỉnh ủy),… - đều không thấy đó là bất thường. Kể cả khi hồ sơ của đảng viên Nguyễn Đức Hoàng không có Giấy Chứng nhận đã học lớp dành cho đảng viên mới nên không thể có giấy công nhận đảng viên chính thức.
Mãi đến khi cha ông Hoàng là ông Nguyễn Đức Trí, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Bình Định đã nghỉ hưu, cả hệ thống mới chuyển từ trạng thái đui, què, câm, điếc, đột nhiên nghe thấy, nhìn ra, chợt nghĩ, chợt nghi, động chân, động tay để kiểm tra, rồi chính thức lên tiếng, thừa nhận cả hệ thống đã "sai sót nghiêm trọng" về đảng tịch của ông Hoàng...
***
Ông Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên lâm nạn vì cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đột nhiên chuyển từ trạng trái tứ chi, ngũ quan đột nhiên tê liệt rất lâu rồi trở thành… bình thường ! Trước ông Hoàng đã có ông Lê Phước Hoài Bảo (Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam), bà Trần Vũ Quỳnh Anh (Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, đã được qui hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa), ông Vũ Minh Hoàng (Vụ phó Vụ Kinh tế của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thuộc Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), trước nữa là Trịnh Xuân Thanh (Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đã được qui hoạch làm Thứ trưởng Công Thương)…
Cho đến giờ, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thất thường như thế trong việc lựa chọn – sắp đặt – bổ nhiệm viên chức lãnh đạo. Dân chúng có bất bình, lo âu vì tiến trình vừa kể tước đoạt cơ hội của những thường dân tử tế nhưng thiếu thân thế, không tiền, kém nhan sắc… thì quy hoạch vẫn là nguyên tắc, qui trình luôn luôn đúng cho đến khi đột nhiên cần xác định là sai đối với một số cá nhân nào đó.
Chẳng hạn giữa năm ngoái, Bộ Nội vụ của chính phủ Việt Nam xác định Hà Giang là 1/11 địa phương "nóng" bởi hiện tượng "bổ nhiệm người nhà" và tuyên bố "đã khắc phục những sai sót, đồng thời đã xem xét, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan", song đến giờ, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang (người có vợ là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Ba em trai chia nhau các vị trí Bí thư huyện, Phó Chủ tịch huyện, cán bộ lãnh đạo Sở Bưu chính - Viễn thông Hà Giang. Em gái đang chờ trở thành lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Giang. Em rể chuẩn bị rời vị trí Phó Công an thành phố Hà Giang để bước lên những bậc cao hơn) vẫn yên vị (3) !
Tương tự, ông Nguyễn Nhân Chiến vẫn vững như bàn thạch ở vị trí Bí thư tỉnh Bắc Ninh cho dù tố cáo gia tộc ông Chiến (bao gồm : vợ, hai con trai, hai con dâu, hai em trai, hai em dâu, em gái, em rể, cháu ruột, cháu dâu, anh chị em con chú bác ruột… tổng cộng 24 người, chia nhau ngồi rải rác ở tất cả các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh) như bươm bướm trên mạng xã hội (4).
Rõ ràng nỗ lực "chỉnh đốn Đảng" đã biến một số cá nhân, kể cả ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng thành "củi" nhưng khó có thể tin nỗ lực này sẽ biến "tham quan, ô lại" thành "củi" hết. Tại sao ông Thăng thành củi mà ông Phạm Sỹ Quý thì không ? Tại sao ông Quý từng khuấy động dư luận vì bị bắt quả tang đánh bạc nhưng không những không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn được đề bạt làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái ? Tại sao ông Quý vi phạm hàng loạt qui định về quản lý - sử dụng đất, kê khai tài sản thiếu trung thực nhưng vẫn chấp nhận khối tài sản vài trăm tỉ ấy là do… bện chổi mà có, không những không truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn lưu dụng, điều động sang làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân Yên Bái với các khoản đãi ngộ ngang với Phó Giám đốc một Sở (5) ?
Để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đặt định nhiều tiêu chí nhằm chỉ chọn – sắp đặt – bổ nhiệm những cá nhân là thành viên, đã được giáo dục cẩn thận về "lý luận chính trị", sẵn sàng phục tùng vô điều kiện. Đó là lý do dẫu quy hoạch, quy trình bộc lộ đủ thứ khiếm khuyết nhưng Đảng vẫn duy trì, không gạt bỏ. Tuy tình thế, nhân tâm đẩy Đảng tới chỗ phải nhóm "lò" nhưng thực tế cho thấy, ngay cả "củi" cũng có… quy hoạch.
Đó không phải may rủi, ngẫu nhiên mà được tính toán cẩn thận, thành ra ngày mai, ông Nguyễn Đức Hoàng bị lột sách mọi thứ, ngày mốt, bà nào đó bị bóc trần thì cứ vững tin là còn Đảng thì còn… nhiều những câu chuyện kỳ quái về lựa chọn – sắp đặt – bổ nhiệm. Nhiều ông, bà khác là con ông này, cháu bà kia sẽ được chọn để lấp những chỗ trống cũng theo qui hoạch, đúng qui trình cho tới khi Đảng thấy cần thêm "củi" khôi phục lại "tin, yêu".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/08/2018
Chú thích :
(1) http://plo.vn/thoi-su/cac-ben-noi-ve-vu-pho-giam-doc-so-sieu-toc-787640.html
(4) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1067344836763177