Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông bạn thân của tôi, người có một trang trại trồng thanh long xuất khẩu lớn ở tỉnh, khăng khăng từ chối gần như mọi lời mời phỏng vấn, làm phóng sự, quay phim tài liệu, lên báo lên đài lên ti vi của tất cả các tờ báo hay đài truyền hình lớn nhỏ.

tiepkhach1

Các bữa ăn đều là tiệc tùng đặc sản

- Mệt lắm cha ơi, hổng được cái tích sự gì. Mấy năm trước tui cũng nghe lời mấy ông trên tỉnh dụ làm điển hình nhà nông đồ. Xong mấy ổng dẫn quá trời đoàn tỉnh này tỉnh kia về tham quan học tập kinh nghiệm. Đoàn nào về mấy ổng (tỉnh) cũng kêu tặng mấy thùng thanh long, tặng riết muốn sạt nghiệp luôn. Có được cái gì đâu. Hàng mình bán vẫn khách từ xưa của mình. Thôi dẹp dẹp, khỏi khỏi.

Qua điện thoại tôi vẫn nhìn ra cái tư thế hùng hổ mà chán nản của ông bạn.

Phì cười ! Thì, thực tế nó vậy đó.

Điển hình… khổ chủ

Được chọn làm điển hình, lên tivi báo đài rạng danh, được đeo vòng hoa tuyên dương trên sân khấu, vô hội nọ hội kia của tỉnh, thành, bắt tay chụp hình với bí thư, chủ tịch. Đi họp với các cấp các ngành, được hỏi ý kiến về chủ trương chính sách trong ngành của địa phương, lên phát biểu trước đông đảo doanh nghiệp và lãnh đạo các cơ quan đơn vị, được tặng bằng khen về treo lên tường… Vinh dự lắm chứ, nó là những tưởng thưởng tinh thần có tác dụng khích lệ người ta rất nhiều. 

Thế nhưng nếu nổi tiếng quá, rồi được địa phương chọn để làm điểm sáng, các đoàn của trung ương, các ban ngành, các địa phương khác náo nức đến tham quan học tập, thì chỉ có chết. Như ông bạn tôi !

Đoàn nào đến ông cũng phải đích thân đón tiếp, dẫn họ ra vườn, kể kinh nghiệm nọ kia. Rồi vô nhà tiếp tục nói chuyện. Ít nhất phải có ly nước, dĩa trái cây hay bánh ngọt mời khách. Rồi khi họ về, nhà mình làm vườn sẵn có trái cây nên thế nào cũng phải tặng họ ít nhiều làm quà, cây nhà lá vườn, tình nghĩa.

Trúng vô cao điểm tuyên truyền hay là mô hình có đặc điểm nào thú vị quá, thu hút người khác quá thì thân chủ trở thành khổ chủ đúng nghĩa : có khi một ngày phải tiếp cả đến mấy đoàn, khỏi còn thời gian làm ăn lẫn nghỉ ngơi. Quà tặng trái cây tuy là nhà trồng được, tuy là mỗi đoàn chỉ vài thùng nhưng cứ lia lịa hàng chục, cả trăm đoàn như vậy thì cũng chẳng hề ít. Hiệu quả quảng cáo hay kết nối khách hàng mới thì không hề rõ ràng. Tính lợi tính hại, thôi thà làm mặt dày nói thẳng với các ngành các cấp từ nay tui không làm điển hình gì nữa đâu, mấy ông muốn kêu ai thì kêu.

Nhưng tư nhân làm vậy còn được. Dù sao tiếng của anh, tiền của anh, anh không muốn bỏ ra thì dù địa phương ban ngành có tha thiết muốn cũng đành phải chịu thôi.

Chứ nếu như thay vào vị trí ông bạn của tôi là hẳn một cơ quan, đơn vị nhà nước, mà phổ biến nhất là cấp chính quyền cơ sở như xã và huyện. Thì dù túi tiền có thủng lỗ chỗ như cái sàng đi nữa vẫn phải nghiến răng đón tiếp.

Tiếp khách đến mang nợ

Quy định của Bộ Tài chính nói địa phương được trích từ ngân sách và các khoản thu khác (kêu gọi tài trợ, vận động doanh nghiệp…) để chi tiếp khách, hội thảo, hội nghị… theo các mức A, B, C. Tiền ăn, tiền ở, số bữa ăn, ở… đều được quy định cụ thể, quy định cả việc không được tiếp khách bằng rượu bia ngoại. Nhưng thực tế, mức chi theo quy định khó có thể làm hài lòng các vị khách "quý".

Phải vượt xa hơn rất nhiều.

Nhất là các đoàn cực kỳ oai như từ trung ương, có các vị lãnh đạo to hay nắm giữ những quyền lực thiết thân thực sự thì khỏi phải nói. Địa phương sẽ tiếp đón cực bảnh. Các bữa ăn đều là tiệc tùng đặc sản, và ngoài nội dung chính (nhưng thật ra là phụ) là tham quan mô hình điểm thì chương trình phải có những điểm nhấn là những buổi giải trí thượng hạng. Ví dụ về miền tây mùa nước nổi thì đoàn sẽ đi ăn đặc sản trong vườn, nghe đờn ca vọng cổ sống, hay lênh đênh trên vài chiếc thuyền lớn thả dọc trên sông, trăng trong gió mát, mồi bén, em gái phục vụ xinh đẹp hớp hồn… Đó đã trở thành một thứ luật bất thành văn. Địa phương nào cũng vậy, "chương trình hoạt động của đoàn" các nơi chỉ khác nhau ở chỗ những điểm giải trí và món ăn đặc sản là rừng, đồng hay biển mà thôi.

Không có chuyện "khỏi khỏi, dẹp dẹp". Đón đoàn khách cấp trên về tham quan và học tập kinh nghiệm là vinh dự vô biên của địa phương, chưa kể những cán bộ giỏi tính toán còn mừng rỡ chụp lấy các cơ hội này để làm quen, tiếp xúc, đặt quan hệ, dựng thêm một thanh nan trong bộ gọng của chiếc ô quyền lực sẽ ngày càng mở rộng. Nếu bà thương bà độ, lọt được vào mắt xanh vị lãnh đạo cấp cao nào đó thì vút một phát chiếc ghế xòe cánh biến thành chiếc … phản lực như chơi. Còn ngược lại thì đừng hòng.

Cho nên không vị lãnh đạo địa phương nào dám rén tay hay răm rắp tuân theo quy định trong các cuộc tiếp khách, chiêu đãi kiểu này. Thức ăn phải thừa mứa sang trọng, rượu bia phải đổ tràn cung mây hoặc phải cực kỳ đắt tiền, phải ca hát hoặc bá vai bá cổ kể chuyện tiếu lâm mặn chát, chủ nhà phải uống say cho ói ra tại trận… Càng phàm phu tục tử càng hay, càng thô lỗ, ồn ào, mất kiểm soát… càng được đánh giá là thật tình, nhiệt tình với khách. Cho dù một ngày hôm đó vị lãnh đạo địa phương phải tiếp đến ba bốn đoàn khách, thì đoàn nào cũng mong muốn cụng ly trăm phần trăm với ông ta/bà ta cả. Muốn đẹp lòng khách, các vị chủ nhà phải cố mà uống. Uống xong móc thuốc bao tử ra nuốt tại chỗ, cũng vẫn tình nguyện uống.

Hoặc ngược lại, phải thật yên ắng, riêng biệt, đắt tiền, và các cô gái tiếp khách phải là những người đẹp có danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, hoặc có tiếng trong giới showbiz.  Một người quen của tôi làm việc trong một doanh nghiệp Nhà nước loại chủ đạo kể, mỗi lần tiếp khách trung ương về là cấp dưới đốt tiền. Có lần họ tiếp bốn vị khách chỉ uống mấy chai rượu và gọi tôm hùm. Nhưng rượu là loại rượu ngoại cực đắt. Còn tôm, họ chỉ ăn mỗi phần gạch, còn toàn bộ thịt tôm bỏ hết. Khách nói thịt tôm nhiều cholesterol lắm, có tuổi rồi ăn không tốt cho sức khỏe. Tám con tôm hùm loại thượng hạng còn nguyên thịt chỏng chơ trên bàn. Tiếc quá, tiếp khách xong, chủ nhà lén dặn phục vụ bàn gói hết mớ tôm còn gần như nguyên vẹn, mang về.

Chi phí cho các cuộc tiếp khách như thế lấy từ đâu ?

Ngân sách địa phương không thể cân đối hay hợp thức hóa các bữa tiệc tùng liên tiếp, các khoản chi cho rượu Tây đắt tiền, thức ăn đặc sản hay chi phí dẫn cả đoàn khách đi chơi, ăn nhậu… Cho dù dùng các thủ thuật kế toán để hợp thức hóa các khoản chi thì vẫn phải trả cho các nhà hàng bằng tiền thật, tiền giấy kêu sột soạt. Nên, nếu không thể sẵn tiền bù chi thì chỉ còn hai cách: một là ký nợ nhà hàng, rồi xoay sở kiếm tiền trả sau. Hai là tìm các nguồn tiền khác để trả.

Cái "1" thì chỉ cần gõ một cái trên mạng tìm kiếm sẽ ra hàng chục vụ chính quyền địa phương nợ các chủ nhà hàng, quán nhậu đầm đìa vì "tiếp khách". Thậm chí có nơi còn bắt nhân viên ứng tiền trước cho mượn để trả bớt nợ cho nhà hàng, có người cho chính quyền địa phương mượn đến tiền tỷ.

Còn cái "2" đẻ ra lắm trò tháu cáy.

"Ba bộ đồng tình"

Theo quy định thì địa phương được kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ chi phí tiếp khách. Nên thường các anh lãnh đạo địa phương sẽ vỗ vai hoặc "nhờ" các doanh nghiệp có máu mặt trong địa bàn đứng ra trả giùm. Hầu như không doanh nghiệp nào dám từ chối các lời ngỏ này, vì họ cần cộng sinh với chính quyền địa phương, thậm chí có doanh nghiệp chỉ mong được các anh gọi đến trả tiền. Dĩ nhiên doanh nghiệp không thiệt : đổi lại, họ được lãnh đạo địa phương dễ dãi hơn khi duyệt dự án, hoặc chọn nhà thầu cho các dự án, được mách trước các kế hoạch phát triển cần giải tỏa đất đai, được ưu tiên vay vốn… thôi thì đủ cả. Dễ người dễ ta, mối quan hệ dưới gầm bàn càng sâu sắc thì liên kết lợi ích càng bền chặt.

Nếu không tìm ra các doanh nghiệp nào trả tiền giùm thì chỉ còn cách trên ép xuống dưới, "ba bộ đồng tình" vẽ ra các dự án, công trình xây dựng, sửa chữa bằng ngân sách nhà nước để lấy tiền từ đó. Trò này có cái tiện cho các lãnh đạo cấp trên là không phải mặt dày đi xin tiền doanh nghiệp (dù xin dưới hình thức hất hàm, sai phái) mà chỉ cần ra lệnh cho cấp dưới là được.

Nhưng cấp dưới thì khổ vãi cả ra.

Nên mới có vụ các cựu chủ tịch, phó chủ tịch và lãnh đạo huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) lãnh án tù hôm tháng 7 vừa qua, vì cái tội… lỡ tiếp khách nhiều và lỡ đi thăm hỏi chúc tết một số cơ quan, cá nhân !

Theo báo chí, câu chuyện rất điển hình : Để có tiền trả nợ, các lãnh đạo huyện Chợ Mới đã chỉ đạo một số xã, yêu cầu các xã này thanh toán, quyết toán kinh tế gửi tiền về cho UBND huyện sử dụng. Chủ tịch các xã được chọn đã bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống và giảm thi công một số hạng mục của các công trình đang thi công để quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện.

Họ phải cấu véo nhặt nhạnh khắp nơi, nghe ra cũng rất… tội nghiệp : họ lên dự án sửa chữa cổng, sơn hàng rào, nâng cấp trụ sở hội trường, khối đoàn thể và ban hòa giải xã, trụ sở Ban chỉ huy quân sự, nhà làm việc, nhà xe, rải đá hay bê tông hóa một số đường giao thông trong xã, xây mái che, nâng cấp nhà lồng chợ… Nhưng không làm. Để lấy số tiền đó nộp lên huyện.

Tổng số tiền các xã rút ruột ngân sách khoảng 3,4 tỷ đồng. Còn số tiền UBND huyện tiếp khách và đi tặng quà Tết trong khoảng ba năm 2019-2021 thì khoảng gần hai tỷ đồng.

Bởi, tiếp cũng chết mà không tiếp cũng chết.

Báo chí Việt Nam hăng hái đưa tin các vụ chính quyền địa phương tiếp khách đến nợ như Chúa Chổm nhiều lắm, nhưng chửa thấy ai nói thẳng ra vì đâu đẻ ra khổ nạn ấy.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 19/08/2024

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/ky-luat-ban-thuong-vu-huyen-uy-cho-moi-2-nhiem-ky-hop-suc-rut-ruot-cong-trinh-nha-nuoc-20240525130215965.htm

https://tuoitre.vn/can-canh-duong-o-quang-ngai-bi-nang-du-toan-len-3-8-ti-de-rut-ruot-ngan-sach-hon-1-ti-20240428133457247.htm

Published in Diễn đàn