Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc liên tục giảm từ 5 năm qua. Nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc không muốn sinh con, tuy chính phủ có chính sách khuyến khích và đã huỷ bỏ chính sách một con vào năm 2015. Điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế và thậm chí gây bất ổn chính trị ở nước này.

danso1

Tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, 3/5/2021. Tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc tiếp tục giảm.  AP - Ng Han Guan

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào đầu tháng 3/2022, số trẻ được sinh ra ở Hoa Lục vào năm 2021 là 10,62 triệu, so với 12 triệu vào năm 2020 và 14,65 triệu vào năm 2019. Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh nở bằng cách xóa bỏ chính sách "một con", lần đầu tiên cho phép sinh hai con kể từ năm 2016 và thậm chí là 3 con kể từ năm ngoái. Chính phủ Bắc Kinh đồng thời đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con, hứa hẹn cải thiện điều kiện làm việc và giáo dục cho trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, dường như các nỗ lực trên là chưa đủ. Một bà mẹ 41 tuổi vừa sinh con đầu lòng ở một bệnh viện tại Trung Quốc, trả lời trên đài phát thanh France Culture, cho biết như sau :

Tôi dành thời gian cần thiết để hoàn thành chương trình học của mình. Tôi đã làm xong luận án. Tôi kết hôn hơi muộn. Đám cưới xong, tôi muốn sống cuộc sống của vợ chồng son. Tôi không vội sinh con. Thêm vào đó là công việc và những áp lực của của cuộc sống hàng ngày. Đó là lý do mà nhiều phụ nữ Trung Quốc sinh con muộn. Về phần mình, tôi sẽ không sinh thêm đứa thứ hai, tôi cũng không còn trẻ nữa và tôi không có đủ năng lượng để làm việc đó. Ngay cả khi chúng tôi được hưởng kỳ nghỉ thai sản tương đối tốt, nhưng tôi không muốn phải nuôi dạy thêm một đứa nữa. Xung quanh tôi, hiếm có ai sinh con thứ hai hay thứ ba. Và thực sự rất khó để làm được điều này, nhất là do các áp lực công việc và các vấn đề liên quan đến việc giữ trẻ.

Theo The Diplomat, chính sách 2 con được đánh giá là kém hiệu quả, chính sách 3 con lại kém thành công hơn. Các nhà phê bình chỉ ra việc thiếu các biện pháp hỗ trợ các gia đình nuôi dạy con cái. Thế hệ trẻ hiện nay phải cân nhắc rất nhiều khi tính đến việc kết hôn, hoặc sinh con, do hệ thống an sinh xã hội không bảo đảm cho người về hưu, thêm vào đó là thời gian làm việc kéo dài. Giới trẻ Trung Quốc đang phải chật vật với chi phí sinh hoạt cao, cùng lúc đó phải chăm sóc cha mẹ già – những người đã nghỉ hưu có thu nhập thấp hoặc không có.

Theo báo cáo công bố gần đây của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa  (YuWa Population Research Institute), trụ sở tại Bắc Kinh, trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc tiêu tốn 76.760 đôla, bao gồm tất cả chi phí, từ lúc mang thai đến khi trẻ kết thúc học phổ thông. Nghiên cứu chỉ ra rằng nuôi con ở thành phố có thể cao gấp đôi, khoảng 99.666 đôla đôla so với ở vùng nông thôn là 47.460 đôla . Việc nuôi dạy một đứa trẻ ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải có thể tiêu tốn lên tới một triệu nhân dân tệ (158.413 đôla). Nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc gần như cao nhất thế giới.

Nhà nhân khẩu học Gilles Pison, Viện nghiên cứu nhân khẩu tại Pháp, giải thích thêm về tình hình này :

Những người đàn ông và phụ nữ trẻ ở Trung Quốc hiện đa số đều có trình độ đại học, họ kiếm sống tốt hơn, nhưng các điều kiện sống không dễ dàng. Họ sống trong những căn hộ chật hẹp ở thành phố. Nuôi dạy một đứa trẻ rất đắt đỏ. Dù cho họ muốn có con, điều này cũng khó mà thực hiện. Phụ nữ trẻ Trung Quốc, họ đợi đến một độ tuổi nhất định mới sinh con, bởi họ nhận thức được sự bất bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ. Họ biết rằng nếu sinh con, một số người sẽ phải ngừng đi làm. Đó là những người có học thức, có việc làm, nhiều người không muốn bỏ việc. Trước tình hình này, họ quyết định sinh muộn. Các chính sách Trung Quốc phải tính đến hiện tượng này, nếu muốn tăng tỷ lệ sinh thì cần phải có chính sách hỗ trợ sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, để khuyến khích những người phụ nữ hiện đại có con.

Áp lực của giới trẻ Trung Quốc

Thế hệ thiên niên kỷ (những người có năm sinh từ 1980-2000) ở Trung Quốc ngày càng phải chịu nhiều áp lực trong công việc để có thể chi trả phí sinh hoạt không ngừng gia tăng. Họ cũng phải đối mặt với yêu cầu của chính phủ trong việc kéo dài thời gian làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post cho biết các nhà tuyển dụng Trung Quốc có xu hướng muốn chọn người trẻ, phân biệt đối xử đối với những người xin việc quá 30 tuổi. Sự mất cân bằng giới tính và phân biệt đối xử phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không muốn sinh con.

Một vấn đề khác đó là việc chăm sóc trẻ. Đa số những người trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay của Trung Quốc là kết quả của chính sách "một con", họ không được nhận, hoặc nhận được ít hơn sự giúp đỡ từ gia đình so với các thế hệ trước. Thông thường, tại quốc gia Châu Á này, việc chăm sóc con cái phần lớn do ông bà đảm nhận. Phụ nữ sinh con ngày càng muộn đồng nghĩa với việc các bậc ông bà ngày càng già đi, không còn đủ sức để chăm sóc con cháu nữa. Các trường mẫu giáo thường không đủ chỗ. Rất ít nhà trẻ tiếp nhận trẻ em dưới 3 tuổi. Một bà mẹ Trung Quốc 41 tuổi giãi bày lo lắng trên đài phát thanh Pháp France Culture :

"Tôi hy vọng rằng chính phủ có thể tăng số nhà trẻ, nhất là đối với trẻ từ 0-3 tuổi. Như vậy, các bậc phụ huynh có thể thấy yên tâm hơn. Thêm vào đó, thật không dễ tìm được một người giữ trẻ tốt. Về vấn đề này, tôi mong là chính phủ có thể tăng cường kiểm soát thị trường dịch vụ giữ trẻ. Riêng tôi đã rất lo lắng, căng thẳng bởi vì bố mẹ tôi đã lớn tuổi, họ không còn đủ sức để giữ con tôi và tôi sợ rằng không tìm được một người giữ trẻ phù hợp". 

Giám đốc khoa phụ sản của một bệnh viện của Trung Quốc, Cheng BaoHui, cho biết vấn đề này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng :

"Khi phụ huynh đi làm thì ai giữ trẻ, rất nhiều cặp vợ chồng từ các tỉnh khác đến định cư tại Thượng Hải. Điều kiện nhà ở thường không được đảm bảo. Họ không có khả năng để đón bố mẹ lên ở cùng để trông trẻ giúp. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc đề cập đến vấn đề giữ trẻ. Tại khoa của chúng tôi, chúng tôi đang xem xét việc thiết lập một dịch vụ chăm sóc cho trẻ em từ 0 đến 3 tuổi để giúp các bậc cha mẹ". 

Chính sách dân số nửa vời

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc một mặt nới lỏng các hạn chế về chính sách sinh đẻ, mặt khác lại áp đặt các hạn chế khác, ví dụ như chính sách về đăng ký hộ khẩu. The Diplomat cho biết, đa số các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt chính sách kiểm soát số người tới định cư. Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đối mặt với hai lựa chọn : quay trở về vùng quê nơi họ đã không sống từ nhiều năm và tìm một công việc lương thấp, hơn hoặc là tiếp tục sống xa gia đình và bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, đăng ký cho con đi học, hay các dịch vụ xã hội thiết yếu khác.

Báo cáo của Viện nghiên cứu dấn số YuWa đề xuất giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm thông qua các hành động và chính sách cụ thể, bao gồm trợ cấp tiền mặt và thuế, trợ cấp nhà ở, xây dựng các trung tâm chăm sóc trẻ em, cấp thời gian nghỉ phép bình đẳng cho phụ nữ và nam giới, thúc đẩy các mô hình làm việc linh hoạt, cải cách giáo dục và công nghệ hỗ trợ sinh sản.

Báo cáo cũng đề xuất cho phép tuyển dụng người giữ trẻ từ nước ngoài vào Hoa lục. Điều này cho phép giảm chi phí của việc nuôi dạy một đứa trẻ.Theo báo cáo, việc thuê 3 triệu bảo mẫu nước ngoài có thể giúp tăng thêm 200 000 đứa trẻ ra đời, và tiết kiệm 30 tỷ đôla cho các gia đình.

Tuy nhiên, không giống như các nước phát triển khác, Trung Quốc chưa bao giờ công khai chào đón lao động nước ngoài. Vì vậy, việc thuê bảo mẫu nước ngoài sẽ đòi hỏi những điều chỉnh về cả chính sách và văn hóa.

Gần đây, một nhóm nhà nghiên cứu tại Tô Châu, miền đông Trung Quốc, thông báo đã phát triển thành công một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai chuột bạch cho đến khi chúng phát triển thành bào thai ở trong môi trường tử cung nhân tạo. The South China Morning Post gọi đây là một cuộc "cánh mạng", một giải pháp đối phó với việc tỷ lệ sinh đẻ giảm. Các cuộc thử nghiệm trên người đã được thực hiện, tuy nhiên, sau đó, luật pháp không cho phép phôi thai vượt quá 14 ngày phát triển.

Tại một cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc lần thứ 13, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết giải quyết tỷ lệ sinh thấp và chăm sóc trẻ em, cam kết cải thiện các biện pháp bổ trợ cho chính sách 3 con, trừ thuế đối với phí trông trẻ dưới 3 tuổi.

Tại các cuộc họp nói trên, các đại biểu khắp Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất về tăng tỷ lệ sinh đẻ, như kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho cha mẹ, ưu tiên nhà ở hay thậm chí kêu gọi cộng thêm điểm thi đại học cho đứa con thứ ba. The Diplomat cho rằng các đề xuất trên không có tiến bộ nào, dường như "Trung Quốc" vẫn đi theo hướng truyền thống : đặt tăng trưởng kinh tế và số lượng việc làm tạo ra lên hàng đầu. Mặc dù phải đối mặt với áp lực duy trì lực lượng lao động, Trung Quốc vẫn bỏ bê tài sản quý giá nhất của đất nước : con người".

Chi Phương

Nguồn : RFI, 13/04/2022

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Diễn đàn