Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì nghe theo lời của Hà Nội nên dân chúng Sài Gòn ngắc ngư ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 28/09/2021

Nếu không có sự bày đầu của quan trên về phương pháp chống dịch, theo lối cóp-py của Trung Quốc, Sài Gòn có thể đã nghe lời các chuyên gia và người dân sớm hơn, và thảm họa đã không xảy ra.

test01

 Một trong những đề xuất mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh với Trung ương áp dụng từ ngày 1/10 là không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân.

Vậy thì hóa ra nay mới biết cách ly F1 là xằng bậy à ? Là "lò ấp" F0 vĩ đại hả ? Là phung phí nguồn lực dẫn đến y tế Sài Gòn kiệt sức…

Đề xuất thứ 2 của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, là cho điều trị tại nhà với tất cả F0, chứ không phải chỉ các F0 cỡ các địa phương có cấp độ dịch 3 và 4 như quy định của Bộ Y tế đang tiếp tục đưa ra đầy bảo thủ. Bởi chỉ cần tra ngược tin tức từ năm 2020, từ đầu dịch giới y khoa Sài Gòn đã liên tục yêu cầu mấy ông lãnh đạo tận Hà Nội hãy cho F0 điều trị tại nhà, chỉ ít trường hợp như có triệu chứng, người cao tuổi, có bệnh nền hoặc béo phì mới phải vào bệnh viện.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra dự thảo về 5 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng gồm :

Chỉ số bắt buộc :

1. Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được chích đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

2. Đủ 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng.

3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng trong điều trị F0, bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh dự báo ở cấp độ 4.

Chỉ số phân loại cấp độ dịch :

4. Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần.

5. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được chích ít nhất một liều vắc xin phòng Covid-19.

Từ quy định trên, phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến như sau :

Về chỉ số 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị điều chỉnh thành ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được chích đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Thành phố cũng đề nghị thống kê người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh (có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng) vào số lượng người được chích đủ vắc xin.

Với chỉ số 3, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy định bảo đảm tối thiểu 2% giường hồi sức cấp cứu (có máy thở) và 5% giường có oxy điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế.

Với chỉ số về ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định chỉ số này rất phù hợp với các địa phương dịch chưa bùng phát, nhưng khó đạt với những địa phương mà dịch xâm nhập sâu vào cộng đồng. Do đó, thành phố đề xuất thay thế chỉ tiêu này bằng số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.

Về chỉ số trong tỷ lệ chích vắc xin, dự thảo của Bộ Y tế căn cứ mốc 70% trong tỷ lệ chích một mũi vắc xin cho người trên 18 tuổi cùng với số ca mắc mới/ 100.000 dân/ tuần để chia 4 cấp độ dịch. UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 2 phương án.

Phương án 1 là bổ sung mốc 95% người trên 18 tuổi được chích ít nhất một liều vắc xin. Địa phương đạt tỷ lệ này có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở một cấp thấp hơn. Nếu địa phương không đạt tỷ lệ 80% người trên 50 tuổi chích đủ mũi vắc xin thì phải nâng một cấp độ dịch trong trường hợp Bộ Y tế cấp đủ vắc xin nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ chích.

Phương án 2 là giữ tỷ lệ tiêm chủng như dự thảo của Bộ Y tế (mốc 70%), nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được chích đủ vắc xin, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch khi Bộ Y tế cấp đủ vắc xin nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ.

Về các biện pháp y tế để thích ứng an toàn, linh hoạt, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân. Nhà chức trách thành phố yêu cầu cho phép địa phương chủ động, linh hoạt trong phương án cách ly F1.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị định nghĩa ca mắc mới là ca phát hiện qua xét nghiệm PCR, tính hàng tuần bằng số ca mắc mới tại cộng đồng/ 100.000 dân (không tính trong cơ sở cách ly tập trung). Lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/ 100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.

Về các biện pháp thích ứng ở 4 cấp độ dịch, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung yêu cầu số lượng người tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn hoạt động trong nhà, và cả 2 môi trường đều cần nhấn mạnh chích đủ liều vắc xin và tuân thủ 5K. Hiện, trong dự thảo, cả 2 nhóm hoạt động này đều cho phép số lượng người tham gia giống nhau ở cả 4 cấp độ dịch.

Trong dự thảo, Bộ Y tế đề nghị chỉ tổ chức quản lý, điều trị F0 tại nhà với địa phương ở cấp độ dịch 3 và 4. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu áp dụng biện pháp này tại cả 4 cấp độ dịch.

Và trong mỗi trường hợp, một điểm chung nhất là Bộ Y tế phải hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về việc không đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin cho các địa phương trên toàn quốc, đưa đến việc những tỉnh/ thành gánh chịu các thiệt hại khi bị xếp vào các nhóm ngặt nghèo về tình hình dịch bệnh Covid.

Thay lời kết

Mở cửa chúng ta sợ cái gì ? Số ca nhiều ? Cũng hơi lo thiệt. Số ca nặng tăng nhanh quá sức ngành y tế : rất lo quá rồi còn gì nữa. Thỉnh thoảng có ca theo lý thuyết không nặng mà lại nặng : cũng lo lắm luôn.

Vậy thì, giải quyết số 1 : Chỉ số độ phủ chích ngừa tốt chắc chắn sẽ giảm số ca và soạn về tiêu chí cho hoạt động mức độ nào để giảm lây lan.

Giải quyết số 2 : Chỉ số chích ngừa cho đối tượng nguy cơ và năng lực nguồn oxygen và hồi sức.

Giải quyết số 3 : Đội chăm sóc cộng động, ngoài thuốc ra nên bổ sung yếu tố tinh thần và dinh dưỡng

Vậy thì như con số mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo là Sài Gòn gộp thêm 150.000 ca nhiễm nữa, thì tỉ lệ tử vong/ ca nhiễm giảm thấp, và xem như Sài Gòn đã có thể chung sống với virus corona như nhiều quốc gia.

Mở cửa thôi.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 28/09/2021

********************

Tham nhũng y tế ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 28/09/2021

Bộ Y tế phê duyệt giá cho một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 230 ngàn đồng, và sau ngày 1/7/2021, giá có thể chỉ còn là 135 ngàn đồng/lần.

Tuy nhiên thông tin tới Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 26/9/2021, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test, tức tương đương đồng Việt Nam là 35.000 đồng/test.

test02

Ông Đặng Hồng Anh cho biết thêm, giá 1,5 USD/test ông nói là giá mua tại nước ngoài, nếu tính chi phí về đến Việt Nam kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.

Ông Đặng Hồng Anh là con trai của ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) liên tục trong 18 năm. Ba công ty chính liên quan đến nghiệp kinh doanh của gia đình ông Đặng Văn Thành là Sacombank (ngân hàng), Thành Công (mía đường) và Sacomreal (bất động sản).

Ông Đặng Hồng Anh là con nhà nòi về kinh doanh, nên về chuyện giá cả test nhanh kháng nguyên Covid-19, có lẽ không phải bận tâm kiểm tra thực hư về những gì mà ông đã công khai với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Liệu ở đây có là ngờ vực tham nhũng y tế ?

Ngày 07/7/2021, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ký phát hành công văn số 5378/BYT-KHTC , về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19. Theo đó, mức giá xét nghiệm nhanh cụ thể như sau : Trước ngày 01/7/2021 : Đối tượng bảo hiểm y tế, thực hiện theo mức giá 238.000 đồng theo hướng dẫn tại công văn 4068/BYT-KHTC  ngày 30/7/2020.

Đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế, thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng theo công văn số 5834/BYT-KHTC ngày 27/10/2020.

Từ ngày 1/7/2021 thực hiện thực thanh thực chi, cụ thể : Các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm : vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công : cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng chống dịch.

Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh thực chi : chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Ví dụ đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu test nhanh là 135.000 đồng/test. Nếu người có thẻ bảo hiểm y tế đủ điều kiện được thanh toán bảo hiểm y tế và là đối tượng được hưởng mức 80% chi phí khám chữa bệnh, thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của một lần xét nghiệm nhanh là 135.000 đồng x 80% = 108.000 đồng.

Phần chi trả 27.000 đồng và các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp hiện hành.

Giờ là đến phần nghi vấn của cú áp phe tham nhũng y tế, khi Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn biện giải với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, rằng, "Vingroup không phải là nhà thầu, không có kinh nghiệm trong bán sinh phẩm xét nghiệm. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Hình thức mua sắm này tương tự như hình thức mà Chính phủ đã áp dụng để mua vắc xin AstraZenecca của Công ty VNVC và như mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng" (dừng trích, trang 4 của công văn số 7263/BYT-KH-TC, về việc xin ý kiến phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-Co-V2, ngày ký 1/9/2021, gửi "đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ").

Có hai lưu ý, dòng in đậm "Vingroup không phải là nhà thầu, không có kinh nghiệm trong bán sinh phẩm xét nghiệm" là định dạng đúng như trong công văn số 7263/BYT-KH-TC.

Lưu ý tiếp theo, Công ty VNVC là tên viết tắt của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam. Như tên gọi, đây là một doanh nghiệp chuyên về vắc xin, nên mang so sánh như cách của Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn là ‘không cùng đại lượng’.

Toàn bộ nội dung liên quan phần giá cả sinh phẩm xét nghiệm liên quan tới Vingroup ở công văn số 7263/BYT-KH-TC, cho thấy giá cả là 2,5 USD/test nhanh kháng nguyên, chưa bao gồm phí ủy thác nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Giá bán test nhanh kháng nguyên này, theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, là 178.080 đồng/test.

Tương tự như Vingroup, ông Đặng Hồng Anh thành danh bằng nghề kinh doanh bất động sản. Có lẽ rất cần quan tâm đến mức giá 1,5 USD/test nhanh kháng nguyên mà ông Đặng Hồng Anh đã công khai ở cuộc họp trực tuyến toàn quốc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 26/9/2021.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 28/09/2021

********************

Cần tháo dỡ những rào chắn mà Bộ Y tế đã dựng lên

Cửu Long, VNTB, 27/09/2021

Tháo gỡ rào chắn ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa là tháo chướng ngại vật và tâm lý nặng nề cho người dân…

test03

Thông tin các hàng rào bằng thép gai, ghế đá, giàn giáo… làm rào chắn ở các tuyến đường, con hẻm, chốt kiểm soát tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tháo dỡ được người dân đón nhận với những hoài nghi, vì cái quan trọng ở đây là nơi đã đưa đến những rào chắn này dường như vẫn chưa muốn tháo dỡ chúng.

Tại họp báo vào chiều ngày 26/9/2021, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng thông tin về kế hoạch tháo gỡ rào chắn tại Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30/9 mới chỉ là dự kiến. Theo ông Bằng, chính quyền thành phố đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau ngày 1/10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn sau ngày 1/10.

Ông Bằng khẳng định vấn đề này mới chỉ đang dự thảo. Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tham mưu thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau ngày 1/10.

"Thành phố đang chuẩn bị một chỉ thị mới" – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải tiếp lời ông Phan Công Bằng. Ông Hải cho biết trong văn bản gửi Thủ tướng, thành phố có 2 đề nghị : Một là cho phép thành phố áp dụng quy định riêng để thực hiện quyết định của Thủ tướng để mở cửa nền kinh tế ; Thứ hai là quan tâm ưu tiên vaccine và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

"Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có một số điểm chưa phù hợp với tình hình chống dịch thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số đặc thù của thành phố", ông Hải nói và cho biết đó là lý do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép thành phố có quy định riêng áp dụng cho tình hình mới.

"Dự kiến, chỉ thị này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 1/10. Tất cả sự chuẩn bị sẽ tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố chưa thể nói bất cứ điều gì khi hướng dẫn vẫn còn là dự thảo. Khi nào bắt đầu ký, thành phố sẽ họp báo triển khai chỉ thị trước 0g, ngày 1/10", ông Hải nhấn mạnh.

Cùng cách nhìn như trên, còn là việc rào chắn về chính sách từ Bộ Y tế tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, đưa đến những suy sụp của nền kinh tế lan nhanh như cú đổ dây chuyền của hiệu ứng domino.

Đơn cử, hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, người dân và người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được chích vắc xin mũi 1 trên 96% và mũi 2 trên 30%. Do đó nếu như người đứng đầu Bộ Y tế cứ khăng khăng bảo thủ chính sách đeo đuổi "Zero Covid" với các mệnh lệnh hành chính nghiệt ngã ‘bóc – tách F0’, thì cần chấm dứt bằng hành động cụ thể, là không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ, và chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

"Hôm 25/9/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tiếp tục đưa ra yêu cầu truy vết và cách ly y tế. vậy thì cách ly y tế ở đây là như thế nào ? Là cách ly tại nhà hay bị bốc đi cách ly tập trung mang tính cưỡng bức ?

Nếu cách ly mang tính cưỡng bức thì người dân, doanh nghiệp – những người không muốn – sẽ lại giấu bệnh. Tâm thức xã hội lại tiếp tục như lên đồng đếm F0 như đã xảy ra suốt gần 2 năm qua. Nạn kỳ thị, chia rẽ, phân biệt đối xử tiếp tục lên ngôi. Và điều này lại quay về tư duy Zero Covid mất rồi !" – luật sư Tr. T., nhận xét.

Theo luật sư Tr.T., ai đã dựng rào chắn thì người đó phải có bổn phận tháo các phên dậu đầy phản cảm ấy, vì càng nhốt người dân thì nền kinh tế càng suy sụp, và sẽ khiến con đường đi lên xã hội chủ nghĩa trở nên mông lung, vời vợi xa như một thứ cổ tích thời hiện đại.

Cửu Long

Nguồn : VNTB, 27/09/2021

Additional Info

  • Author Trần Dzạ Dzũng, Cửu Long
Published in Diễn đàn