Thủ tướng chọn Tập đoàn bán sushi lập chiến lược phát triển kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030
Trong buổi họp báo trước thềm Tọa đàm Mùa xuân 2019 ngày 1/3, UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ ký kết với 2 công ty Singapore hợp đồng tư vấn phát triển thành phố, cụ thể như sau :
- Với công ty Sakae Corporate Advisory : Tư vấn hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 ;
- Với công ty tư vấn Surbana Jurong : Tư vấn hợp phần quy hoạch chung [1].
Tập đoàn Sakae Corporate Advisory vẫn tự nhận họ là tập thể ‘những người sáng tạo ẩm thực’, với sứ mệnh ‘cung cấp thực phẩm chất lượng an toàn với dịch vụ tốt nhất’.
Nếu như công ty Surbana Jurong là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và được giới chức Đà Nẵng giới thiệu rất chi tiết [2] thì với công ty còn lại, Sakae Corporate Advisory, chính quyền thành phố lại kiệm lời đến mức chẳng hề nói gì.
Không quá khó hiểu cho động thái này của Đà Nẵng bởi lẽ cái tên Sakae lâu nay chỉ được biết đến là một thương hiệu chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền ở Singapore nên nghe sẽ thật ngớ ngẩn nếu một đơn vị như vậy lại được giao lập chiến lược phát triển kinh tế dài hạn cho một trong những thành phố quan trọng nhất Việt Nam.
Thành lập năm 1997 với tiệm sushi băng chuyền đầu tiên, Tập đoàn Sakae vẫn đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ăn uống (F&B) khi mà trên website của mình tập đoàn vẫn tự nhận họ là tập thể ‘những người sáng tạo ẩm thực’, với sứ mệnh ‘cung cấp thực phẩm chất lượng an toàn với dịch vụ tốt nhất’. Đặc biệt hơn, slogan của cả tập đoàn đã định vị họ trong lĩnh vực ăn uống một cách không thể rõ ràng hơn : ‘Think Sushi, Think Sakae’ (Nghĩ tới Sushi, Nghĩ tới Sakae) [3].
Những năm gần đây chứng kiến sự sa sút của Sakae với việc họ phải dẹp tiệm hàng loạt và chủ tịch tập đoàn, ông Douglas Foo - người mà tới đây sẽ ký kết hợp đồng tư vấn với UBND Thành phố Đà Nẵng lại đang phải vật lộn trong cuộc chiến pháp lý hao tiền tốn của với cựu giám đốc điều hành [4]. Cũng trong khoảng thời gian này, Sakae đã mở rộng hoạt động ra một số lĩnh vực khác, bao gồm giao nhận, công nghệ tài chính, an ninh mạng, tư vấn doanh nghiệp.
Tuy nhiên kết quả có vẻ không được khả quan cho lắm. Đơn cử như công ty con Sakae Corporate Advisory - đơn vị đứng tên ký hợp đồng tư vấn với Đà Nẵng, kể từ khi thành lập năm 2014 đến nay mới ghi nhận có hai hợp đồng tư vấn cho công ty nha khoa Q&M và Giken Sakata vào năm 2015 [5]. Hoạt động của công ty con này mờ nhạt tới mức trong báo cáo cuối năm 2018 của toàn tập đoàn chẳng có đoạn nào nhắc đến nó [6]. Tương tự, website của công ty tư vấn doanh nghiệp này cũng quá nghèo nàn thông tin với những rất nhiều mục không có nội dung [7] (Những công ty con mới thành lập khác, tệ hơn, còn không có website).
Tóm lại, cả công ty con Sakae Corporate Advisory lẫn công ty mẹ, tập đoàn Sakae đều không hề có chút kinh nghiệm nào trong việc tư vấn chiến lược phát triển kinh tế cho chính quyền, song không hiểu vì lý do gì lại được chọn để tư vấn cho Đà Nẵng lần này.
Đây có lẽ chính là lý do vì sao Đà Nẵng, theo thông tin cung cấp trong buổi họp báo, được Thủ tướng cho phép áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu 2013 [8] để chỉ định Sakae Corporate Advisory bởi lẽ nếu tiến hành đấu thầu theo thủ tục thông thường chắc chắn công ty này sẽ bị loại vì không đủ năng lực.
Được biết tổng kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn là 90,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố chi trả 36,1 tỷ đồng, còn lại kêu gọi xã hội hóa [9].
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 23/02/2019 (nguyenanhtuan's blog)
---
[1] https://vnexpress.net/thoi-su/da-nang-thue-tu-van-singapore-quy-hoach-la...
[3] https://www.sakaeholdings.com/about
[5] https://www.sakaeholdings.com/copy-of-investor
[6] https://docs.wixstatic.com/ugd/a0c38c_f6541aeed9fc49f3b880effbc6bf85b1.pdf
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Luat-dau-thau-2013-215838.aspx (Điều 26)
[9] https://infonet.vn/gan-4-ti-usd-von-dau-tu-dang-nham-vao-da-nang-post291...