Khi leo thang chống hàng nhập khẩu, ông Donald Trump đe dọa đánh thuế thêm toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Tổng thống Mỹ hy vọng thành lập được một mặt trận chung với Châu Âu để chống Trung Quốc. Ở phía bên kia, Bắc Kinh tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng phương Tây đối với nền kinh tế đất nước bằng cách tăng tốc hiện đại hóa và tìm kiếm thị trường mới với dự án "Con đường tơ lụa mới".
Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang lao vào cuộc chiến thương mại. Reuters/Jason Lee
Từ những quan sát trên, bà Martine Bulard, trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 10/2018, đặt câu hỏi : "Trung Quốc – Hoa Kỳ, leo thang căng thẳng sẽ dừng lại ở đâu ?". RFI Tiếng Việt lược dịch.
Bắt đầu từ mùa xuân năm nay, chuyện dài nhiều tập này có nguy cơ kéo dài qua cả mùa đông, với nguy cơ biến thành cuộc chiến trường kỳ và lan sang cả những lĩnh vực khác.
Đầu tiên hết, tác giả trích nhận định của giới chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng thái độ hung hăng này của Mỹ gợi nhắc lại bài học đau thương của Nhật Bản trong những năm 1980. Chính quyền Reagan đã tấn công Nhật Bản, khi ấy là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, khi cho áp dụng một loạt các biện pháp thuế quan quá mức (đôi khi lên đến 100% nhắm vào máy vô tuyến truyền hình và máy đọc băng ghi hình), dẫn đến việc lãi suất tăng tại Nhật Bản. Hoa Kỳ đã gây áp lực buộc Nhật Bản phải khuất phục đến mức nhấn chìm nước này trong suy thoái cho đến giờ vẫn khó khăn hồi phục.
Trung Quốc hiện giờ cũng như Nhật Bản năm xưa, chủ yếu dựa vào xuất khẩu, lâu nay được xem như là động lực cho tăng trưởng. Để thoát khỏi trì trệ, Bắc Kinh tận dụng mọi công cụ có sẵn : Nhân công dồi dào, có tay nghề, có kỷ luật và giá rẻ ; giới đầu tư nước ngoài hau háu đi tìm thị trường mới ; các định chế quốc tế tìm cách phá tung cánh cửa bảo hộ tại những nền kinh tế thế giới cũ.
Sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế , Trung Quốc lần lượt bỏ xa các cường quốc Pháp, Anh, Đức và Nhật Bản và giờ đang trên đà qua mặt nước Mỹ. Tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc trong năm 2016 đạt 11.200 tỷ đô la so với con số 18.569 tỷ đô la của Mỹ. Một điều mà ông Donald Trump đã không thể chấp nhận và đã bực bội thốt lên rằng "tất cả những lũ ngu chỉ chăm chăm nhắm vào Nga tốt hơn hết là nên bận tâm đến Trung Quốc".
Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực (công nghệ, kinh tế, ngoại giao và quân sự). Tuy đế chế Trung Hoa này tiến nhanh với một tốc độ chóng mặt, nhưng tổng sản phẩm nội địa GDP tính theo đầu người của Trung Quốc chưa bằng 15% của Hoa Kỳ.
Ngược lại, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc phá kỷ lục, lên đến 375 tỷ đô la, chiếm gần phân nửa (47,2%) tổng mức nhập siêu của Hoa Kỳ. Nguyên thủ Mỹ tố cáo Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc nhiều nhà xưởng phải đóng cửa, hàng triệu con người mất việc làm.
Lỗi tại ai ?
Theo quan điểm của bà Bulard, tình trạng phi công nghiệp hóa đã bắt đầu xảy ra trước khi Trung Quốc tham gia thị trường thế giới. Bà lưu ý là không nên chẩn đoán sai. Chưa hẳn chỉ có cạnh tranh không lành mạnh giúp Trung Quốc thành công, mà chính nước này đã biết tận dụng một cách có lợi cho mình những quy tắc do các cường quốc, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã đề ra.
Không ai bắt buộc các lãnh đạo phương Tây phải mở hết mọi cánh cửa thương mại, khuyến khích di dời nhà xưởng và hủy bỏ lần lượt các công cụ cho phép can thiệp nền kinh tế dưới áp lực của các tập đoàn đa quốc gia – những hãng đang hối hả chạy sang Trung Quốc.
Đương nhiên Trung Quốc đã ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao một phần công nghệ và kỹ nghệ. Nhưng các hãng này không những không nhăn nhó mà còn sung sướng được đến khai thác nguồn nhân công rẻ và có thể phớt lờ hệ quả sinh thái từ các hoạt động sản xuất của mình.
Chỉ có điều Đảng cộng sản Trung Quốc không để cho thương mại làm mờ mắt. Hệ thống đảng-Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Các đại gia tư bản không thể kinh doanh như ý mình muốn. Dù vậy, Washington vẫn tin rằng rồi Bắc Kinh cũng sẽ phải nhượng bộ trước các đòi hỏi của ông Donald Trump.
Ba giải pháp
Dù mức nhập khẩu từ Mỹ và xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng đều đặn, nhưng cuộc đối đầu này không phải là không đau đớn, buộc Trung Quốc phải có những giải pháp.
Thứ nhất là thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ phải đối mặt với những hệ quả khó lường về mặt xã hội. Một kế hoạch hỗ trợ để bù đắp cho những thiệt hại nếu có cho những doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nặng nề từ các hạn chế thương mại.
Thứ hai, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các cộng sự của ông đã có sẵn một kế hoạch "Made in China 2025", đưa ra cách nay ba năm để phát triển một ngành công nghiệp cách tân hơn và có thể tự chủ trong sáu lĩnh vực (trong đó có công nghệ tin học, ngành tự động hóa, hàng không và không gian, đại dương, phương tiện chạy bằng điện, y sinh học, nguyên liệu mới, năng lượng…).
Các lệnh cấm của Mỹ cũng như là nhiều chính phủ Châu Âu nhằm cản trở Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp chiến lược ở nước ngoài còn thúc đẩy mạnh hơn nữa quyết tâm của Trung Quốc lao vào đầu tư chế tạo chíp điện tử mà giới lãnh đạo cho rằng trong một thời gian không xa không những Trung Quốc không còn lệ thuộc vào Mỹ về dòng sản phẩm này, mà có có thể tự sản xuất và với giá rẻ hơn.
Cuối cùng, vũ khí thứ ba để chống lại lệnh cấm vận của Mỹ chính là dựa vào nhiều đối tác khác và nhất là các nước láng giềng. Một mặt, Trung Quốc bắt đầu di dời nhà xưởng tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, tránh các lệnh cấm vận và mức thuế quan cao. Mặt khác, Trung Quốc thúc đẩy các dự án hợp tác đa phương như thỏa thuận Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện RCEP hay như dự án con đường tơ lụa đi từ Trung Á đến Châu Âu ngang qua Nam Phi, cơ hội để Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới.
Để hỗ trợ dự án này Bắc Kinh thông báo thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á, với sự tham gia của gần 60 quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Đủ để cho Trung Quốc tránh được mọi sự cô lập trên phương diện Tài chính và Đối ngoại. Không rơi vào thế "thân cô, thế cô" đối mặt với Mỹ như Liên Bang Xô Viết năm xưa.
Giờ đây, chính quyền Donald Trump hy vọng rằng có thể làm cho Bắc Kinh chao đảo, thì Tập Cận Bình cũng muốn tin rằng một khi bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc thì đâu sẽ lại vào đấy, Washignton lại trở về bàn đàm phán. Dù vậy, ông An Gang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Pangoal, Trung Quốc, lưu ý rằng cuộc đọ sức Mỹ – Trung vượt quá khuôn khổ thương mại, bắt đầu lan sang "cả quân sự và chiến lược".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 02/10/2018
******************
Hoạt động sản xuất ở Âu, Á trì trệ giữa thương chiến Mỹ-Trung (VOA, 02/10/2018)
Tăng trưởng trong hoạt động của các nhà máy ở Châu Âu và Châu Á trong tháng 9 chậm lại, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm trước cuộc leo thang tranh chấp thương mại mới đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một dấu hiệu nữa cho thấy kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Công nhân tại nhà máy chế tạo các bộ phận của hộp số xe ô-tô tại Lianyungang tỉnh Jiangsu miền đông Trung quốc ngày 14/09/2018.
Những cuộc khảo sát kinh doanh công bố hôm 30/09 và 1/10 cho thấy mức độ tăng trưởng chậm lại tại các nhà máy ở Châu Âu và Châu Á. Việc do lường các hoạt động trong tương lai cho thấy ít có hy vọng tình hình xoay chuyển trong vài tháng tới.
Tuy nhiên Bắc Kinh và Washington không sẵn sàng thỏa hiệp mà còn áp đặt thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau. Đây là bối cảnh đáng ngại cho thực trạng giảm đà khuyếch trương của các nhà máy tại Châu Âu và Châu Á.
Tăng trưởng sản xuất trong khu vực đồng euro tới cuối quý 3 đang ở mức chậm nhất trong hai năm nay, theo chỉ số của các nhà quản lý mua bán IHS Markit.
Tăng trưởng sản xuất của Đức trong tháng 9 ở mức chậm nhất trong vòng 2 năm nay với nhịp độ tăng chậm nhất trong 3 tháng qua tại Pháp và trì trệ tại Ý, đánh dấu lần đầu tiên không có tăng trưởng trong 2 năm.
Đơn đặt hàng xuất khẩu yếu kém là cách giải thích thông thường của việc tăng trưởng chậm lại trên toàn thể khu vực đồng euro.
Hai cuộc thăm dò sản xuất từ Trung Quốc vào ngày Chủ Nhật 30/09 cho thấy có sự yếu kém trong khu vực sản xuất rộng lớn. Một cuộc thăm dò tư cho thấy mức tăng trưởng của các nhà máy bị trì trệ sau 15 tháng mở rộng, trong khi một cuộc đo lường chính thức xác nhận lĩnh vực sản xuất mất sức đẩy vì các đơn đặt hàng xuất khẩu bị thu hẹp lại.
Những con số đầu tiên quan trọng về Trung Quốc trong tháng 9 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp tục mất đà trong lúc mức cầu nội địa yếu kém và việc áp đặt thuế quan của Mỹ bắt đầu có tác dụng. Sự phối hợp này khiến cho Bắc Kinh đưa ra những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng tới.
Tuy nhiên các nhà phân tích không hy vọng có những biện pháp kích cầu thêm nữa để bắt đầu ổn định nền kinh tế Trung Quốc cho đến ít nhất đầu năm tới.
Tại các nơi khác ở Châu Á, việc sản xuất tại Việt Nam, Đài Loan, Indonesia trong tháng qua cũng chựng lại. Tăng trưởng của các nhà máy tại Đài Loan ở mức thấp nhất trong hơn hai năm vì các đơn đặt hàng trì trệ, theo các cuộc thăm dò kinh doanh trong ngày 1/10.
Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị giảm sút trong các đơn đặt hàng xuất khẩu, cho thấy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng và những lo ngại về mức cầu của Trung Quốc chậm lại đè nặng lên các nền kinh tế lớn nhất Châu Á.
Ấn Độ nằm trong số một ít điểm sáng tại Châu Á. Hoạt động của các nhà máy nước này tăng trưởng nhanh trong tháng 9 vì tăng trưởng mạnh trong các đơn đặt hàng nội địa và xuất khẩu, một dấu hiệu khích lệ trong khi các nhà hoạch định chính sách lo ngại đồng rupee của Ấn Độ sụt giá mạnh và những tác dụng phụ do các tranh chấp thương mại toàn cầu.
Dù chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng phần nào sẽ làm tổn thương nền kinh tế thế giới trong năm nay, nhưng các nhà phân tích dự báo những rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2019 vì thuế quan khắc nghiệt của Hoa Kỳ được áp dụng và chi phí vay mượn toàn cầu tăng cao.
Theo Reuters