Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 13/03/2024, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng Nga, về mặt kĩ thuật, đã sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân và nếu Mỹ điều quân tới Ukraine, đó sẽ được coi là hành động leo thang xung đột đáng kể.

hatnhan1

Tổng thống Putin : "Vũ khí được làm ra để sử dụng".

Vài ngày trước cuộc bầu cử Nga diễn ra vào ngày 15-17/3 mà dường như chắc chắn sẽ cho Putin thêm sáu năm quyền lực, ông cho biết hiện đang "không tiến tới" viễn cảnh chiến tranh hạt nhân và việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là không cần thiết.

"Từ góc độ kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng", ông Putin, 71 tuổi, nói với đài truyền hình Rossiya-1 và hãng thông tấn RIA khi trả lời câu hỏi liệu Nga có thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không.

Ông Putin nói Mỹ hiểu rằng nếu họ triển khai quân đội tới lãnh thổ Nga hoặc Ukraine, Nga sẽ coi đó là hành động can thiệp.

"[Ở Mỹ] có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga-Mỹ và trong lĩnh vực kiềm chế chiến lược", ông Putin, người có quyền ra quyết định cuối cùng ở cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nói .

"Do đó, tôi không nghĩ rằng mọi thứ đang dẫn tới [viễn cảnh đối đầu hạt nhân], nhưng chúng tôi đã sẵn sàng".

Lời cảnh báo hạt nhân của ông Putin đi kèm với một đề nghị đàm phán khác về Ukraine – một phần của việc tái phân chia an ninh Châu Âu thời kì hậu Chiến tranh Lạnh.

Phía Hoa Kỳ nói rằng ông Putin chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc về Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã châm ngòi cho căng thẳng nghiêm trọng nhất trong mối quan hệ Nga – phương Tây kể từ sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ông Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về nguy cơ kích động chiến tranh hạt nhân nếu các quốc gia này điều quân tới tham gia chiến đấu tại Ukraine.

Tổng thống Putin đã điều hàng chục ngàn quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, châm ngòi cho cuộc chiến tranh toàn diện sau tám năm xung đột ở miền đông Ukraine giữa quân Ukraine với phe ly khai thân Nga và lực lượng ủy nhiệm của Nga.

Chiến tranh hạt nhân ?

hatnhan2

Tên lửa hạt nhân chiến lược RS-24 Yars trên đường phố Moscow trong cuộc duyệt binh ngày 24/6/2020

Trong năm bầu cử của Hoa Kỳ, phương Tây đang vật lộn tìm cách hỗ trợ Kyiv chống lại Nga trong bối cảnh quốc gia này đã kiểm soát gần một phần năm lãnh thổ Ukraine và có tốc độ tái vũ trang vượt trội so với cả phương Tây lẫn Ukraine.

Kyiv cho biết đang phải tự vệ chống lại một cuộc xâm lược kiểu đế quốc nhằm xóa bỏ bản sắc dân tộc của mình.

Nga tuyên bố các khu vực do họ kiểm soát ở Ukraine giờ là của Nga.

Ông Putin đã nhiều lần công khai cảnh báo Hoa Kỳ về khả năng sử dụng hạt nhân nhằm ngăn chặn sự tham gia sâu hơn của Washington vào tình hình tại Ukraine - động thái mà Điện Kremlin cho rằng sẽ dẫn tới chiến tranh thế giới.

Washington nói rằng họ không thấy có thay đổi đáng kể trong năng lực hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, những cảnh báo công khai của ông Putin về hạt nhân, vốn đi ngược lại sự cẩn trọng tột độ của giới lãnh đạo Liên Xô về những tuyên bố tương tự, lại đang gieo rắc những lo ngại ở Washington.

Ông Putin nhắc lại rằng điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân đã được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Điện Kremlin, bao gồm : cơ bản là để đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc khi có sự tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga "đe dọa sự tồn tại của nhà nước này".

"Vũ khí được làm ra để sử dụng", ông Putin nói. "Chúng tôi có nguyên tắc riêng của mình [cho việc đó]".

Năm 2022, chính quyền Joe Biden từng đặc biệt lo ngại việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường ở Ukraine, theo tin từ CNN ngày 9/3/2024.

Putin từng nói rằng ông chưa bao giờ cảm thấy cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Đàm phán ?

"Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về Ukraine, nhưng chúng phải dựa trên hiện thực - chứ không phải trên những ham muốn sau khi sử dụng chất kích thích thần kinh", ông Putin nói.

Tháng trước, Reuters từng đưa tin rằng đề nghị ngừng bắn ở Ukraine của ông Putin nhằm tạm ngưng chiến tranh đã bị Hoa Kỳ bác bỏ sau những tiếp xúc giữa các bên trung gian.

Đầu tuần này, ông William Burn, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã cảnh báo nếu phương Tây không cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho Ukraine, Kyiv sẽ mất thêm lãnh thổ vào tay Nga.

Ông cho rằng điều đó sẽ khích lệ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Burns, là một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng việc hỗ trợ Ukraine để quốc gia này ở vào tình thế thuận lợi hơn trước các cuộc đàm phán sẽ có lợi cho Hoa Kỳ.

Ông Putin nói rằng ông không tin bất kỳ ai và Nga sẽ cần văn bản đảm bảo an ninh trong trường hợp ký kết thỏa thuận.

"Tôi không tin tưởng ai cả, nhưng chúng tôi cần được đảm bảo. Sự đảm bảo phải được nêu cụ thể và ở mức độ khiến chúng tôi hài lòng", ông nói.

Nguồn : BBC, 13/03/2024

Published in Quốc tế
samedi, 02 mars 2024 17:14

Putin dọa chiến tranh hạt nhân

Mỹ, Pháp lên án phát biểu "vô trách nhiệm"

Hoa Kỳ và Pháp đã lên án các lời lẽ đe dọa chiến tranh hạt nhân mà tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm qua, 29/02/2024, trong thông điệp Liên bang thường niên.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong Thông điệp Liên bang, tại Moskva, Nga, ngày 29/02/2024. AP - Alexander Zemlianichenko

Theo AFP, trả lời báo giới hôm qua, 29/02/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller nhấn mạnh : "Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe những lời lẽ vô trách nhiệm như vậy từ ông Vladimir Putin, và đây không phải là một phát biểu phù hợp với lãnh đạo một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử".

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng nhắc lại "trước đây, chính quyền Mỹ đã từng thông báo riêng và trực tiếp với Nga về những hậu quả một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng". Ông Matthew Miller nhấn mạnh là hiện tại "không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị đưa vào sử dụng một phương tiện tấn công hạt nhân".

Nước Pháp cũng lên án phát biểu "vô trách nhiệm" của lãnh đạo Nga. Trả lời báo giới hôm qua, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, Sébastian Lecornu, tố cáo lời lẽ của ông Putin biến nước Nga "từ một quốc gia xâm lược trở thành nạn nhân", đồng thời nhấn mạnh là mối đe dọa Nga đang "trở nên nghiêm trọng hơn hẳn cách nay hai năm".

Trong thông điệp Liên bang hôm qua, ông Putin đe dọa chiến tranh hạt nhân bùng nổ để đáp trả quan điểm "từ phương Tây" cho rằng các đồng minh có thể đưa quân đến Ukraine để hỗ trợ Kiev chống cuộc xâm lăng của Nga. Chủ nhân điện Kremlin nói rõ là Nga "có các vũ khí có khả năng tấn công vào những mục tiêu trên lãnh thổ các đồng minh của Ukraine".

Trả lời AFP, bà Héloïse Fayet, chuyên gia Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế (IFRI) khẳng định : "Không có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy nguy cơ (Nga) sử dụng vũ khí hạt nhân". Theo bà, tuyên bố này của lãnh đạo Nga "hướng vào công chúng trong nước, nhằm duy trì nỗ lực chiến tranh" chống Ukraine.

"Không loại trừ" việc đưa quân Châu Âu sang Ukraine : Tổng thống Pháp khẳng định đã "rất cân nhắc"

Hôm 26/02, tại hội nghị quốc tế yểm trợ Kiev ở Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không loại trừ khả năng các nước châu Âu đưa quân đến Ukraine để hỗ trợ Kiev trong tương lai. Ngay sau đó, nhiều quốc gia chủ chốt của khối NATO đã bác bỏ khả năng này. Báo chí Đức lên án "ý đồ đánh lạc hướng, muốn che đậy sự yếu kém trong chính sách Ukraine của Paris".

Hôm qua, 29/02, phát biểu tại buổi lễ khánh thành Làng Thế Vận ở Saint-Denis, gần thủ đô Paris, tổng thống Macron nhấn mạnh : "Đây là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Mỗi từ ngữ về vấn đề này đều rất được cân nhắc, suy tính và có chừng mực".

Trọng Thành

Published in Diễn đàn

Trên thế giới hiện nay có 8 nước được coi là chính thức có vũ khí hạt nhân : Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel. Gần đây Bắc Triều Tiên được coi là là nước có khả năng có vũ khí hạt nhân.

hatnhan01

Trữ lượng bom nguyên tử của những quốc gia hạt nhân

Các nước đã có vũ khí hạt nhân thường không muốn và tìm cách cản trở các nước khác tiến tới có vũ khí hạt nhân. Thế giới đã có hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được hầu như toàn bộ các nước ký (191). Một số nước ký rồi lại ra… Hiện tại có 4 nước không ký hoặc ký rồi lại ra là Ấn Độ, Israel, Pakistan, Bắc Triều Tiên.

Việc một số nước đã có vũ khí hạt nhân nhưng không muốn các nước khác có vũ khí hạt nhân có vẻ như là một sự bất công, phi lý. Tuy nhiên nếu chúng ta suy nghĩa sâu xa một chút, "vì lợi ích chung của toàn nhân loại" thì không nên có nhiều nước khác có vũ khí hạt nhân. Tuy có bất công thật đấy, nhưng đỡ nguy hiểm hơn nhiều. Nhiều nước có vũ khí hạt nhân chỉ làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một thí dụ đơn giản là nếu Nhà nước hồi giáo cực đoan (Islamic State) ở Syria có vũ khí hạt nhân thì chắc chắn chúng đã mang ném tứ tung rồi.

Cho đến cách đây hơn một năm, các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ chính thức mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa bất cứ một ai. Vũ khí hạt nhân của họ là để phòng vệ và được dùng để ran đe những ai muốn tấn công họ bằng vũ khí hạt nhân. Nói chung họ đã là những nước lớn, cường quốc, những cấp lãnh đạo của họ hành xử có trách nhiệm vì ai cũng biết những tai họa khủng khiếp do vũ khí hạt nhân gây ra.

Nhưng cho đến gần đây một số lãnh đạo quốc gia đã không những không tôn trọng những qui ước về hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân mà còn dùng chúng như một phương tiện làm áp lực hay săng ta để buộc thế giới qui phục và đạt được điều mình muốn. Điển hình là nước Nga của Putin và Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un.

hatnhan02

Kim Jong-un thăm viếng một căn cứ phòng tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn nguyên tử

Trường hợp Kim Jong-un thì khá dễ hiểu. Từ sau cuộc đình chiến chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên tháng 7/1953, chế độ Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành, và sau này la Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân, chỉ có một mục tiêu duy nhất là dồn mọi nhân tài vật lực chế tạo cho bằng được bom nguyên tử để 'tự hào", và nhất là để răn đe Mỹ và làm áp lực với Hàn Quốc để được cung cấp lương thực và nhiên liệu để nuôi dân và quân đội. Tuy nhiển số bom nguyên tử mà Bắc Triều Tiên dự trù sẽ chế tạo không đáng kể so với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Lãnh tụ Kim Jong-un hiện nay chỉ có thể hù dọa Nam Hàn và Nhật Bản bằng cách bắn lia lịa ra biển những tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, nhưng những vụ bắn này chẳng làm ai sợ.

Ngược lại những đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của lãnh tụ Nga, Vladimir Putin, mới đáng sợ vì Liên bang Nga hiện đang có trong tay gần 6.000 đầu đạn nguyên tử (chính xác là 5.977 năm 2022). Trong khi Mỹ có chưa có 5.500 đầu đạn (chính xác là 5.428 năm 2022).

Từ một nước có uy tín, thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Liên bang Nga ngày nay trở thành nước đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, đem quân đi xâm lược trắng trợn nước Ukraine láng giềng độc lập và có chủ quyền. Khi bị quân Nga đại bại trên các chiến trường, Putin và các cấp lãnh đạo dưới trướng ông ta không ngớt lên tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine. Putin còn tuyên bố rút khỏi hiệp ước giải trừ vũ khí nguyên tử New Start.

Mới đây thôi, một quân nhân Ukraine Shadura Timofiy Mykolayovich bị lính Nga bắt làm tù binh. Trước họng súng của kẻ thù, rít một hơi thuốc lá cuối cùng, anh thản nhiên hô : Vinh quang cho Ukraine. Kẻ thù đã lia một băng AK vào anh. Toàn bộ cảnh này đã được chính bọn chúng quay và đưa lên internet. Cả thế giới đã được chứng kiến sự tàn bạo của người Nga, thể hiện họ vẫn còn tư duy của 2 thế kỷ trước.

hatnhan03

Người lính Ukraine Timofiy Shadura, 40 tuổi, rít một hơi thuốc lá cuối cùng trước khi bị lính Nga xử tử

Tuy nhiên, việc tung một quả bom hạt nhân vào đối phương không đơn giản như các bạn tưởng. Không phải ai cũng có thể ấn vào cái nút đỏ để một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay đến mục tiêu và phát nổ. Để hạn chế những "cơn điên" hay những hành động bất thường của các nhà lãnh đạo ở bất cứ nước nào, thủ tục sử dụng vũ khí hạt nhân để bắn vào một mục tiêu phải qua nhiều công đoạn, với sự đồng ý của một hay nhiều cấp lãnh đạo quân sự và chính trị. Hơn thế nữa các cường quốc hạt nhân có trách nhiệm như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh theo dõi rất sát sao các hoạt động có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí còn có cả đường dây nóng để thông tin cho nhau, tránh hiểu nhầm… như những phim ảnh giả tưởng thời Chiến tranh lạnh đã trình chiếu.

Nhưng trong cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2/2022, Putin đã thảm bại trên mọi lãnh vực, từ chiến lược, chiến thuật trên của chiến trường đến quốc phòng, ngoại giao, kinh tế và tài chính không thể đảo ngược, bộ tham mưu của Putin đã không ngừng lên tiếng hối thúc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Những đe dọa này đã làm cho thế giới "nóng lên" rất nhiều. Tuần tới NATO sẽ tổ chức tập trận báo động hạt nhân trong vòng một tuần. Đây là cuộc tập trận bất thường do tình hình chiến tranh ở Ukraine gây ra. Các hoạt động quân sự, tình báo của NATO gia tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu của tình thế. Một chiếc máy bay Awacs kiểm soát không phận to như cái đình của NATO phải bay liên tục 24/24 dọc theo "biên giới NATO", trên máy bay lúc nào cũng có 35 người của các nước thành viên dán mắt sát vào các màn hình theo dõi. Nếu thấy bất thường như máy bay của Nga lờn vờn sát biên giới là lập tức lệnh cho mặt đất gửi mấy chiếc Rafale của Pháp bay lên cảnh báo… Các vệ tinh thì theo dõi rất sát các hoạt động của hơn 40 kho vũ khí hạt nhân của Nga trên đất liền, các máy bay P8 Poseidon và tàu săn tàu ngầm của của NATO theo dõi sự di chuyển của những tàu ngầm hạt nhân của Nga. Các hoạt động tình báo của NATO cũng rà soát rất kỹ các hoạt động của đối phương và họ có các biện pháp nghiệp vụ để biết được đối phương chuẩn bị bắn vũ khí hạt nhân. Đồng thời với các biện pháp chuẩn bị đánh trả đối phương, NATO sẽ cảnh báo, thậm chí liên lạc qua đường dây nóng trực tiếp với đối phương. Chưa bao giờ NATO theo dõi các hoạt động quân sự của Nga một cách sát sao như hiện nay.

hatnhan04

Máy bay AWACS của NATO được những chiến đấu cơ Rafale hộ tống - Ảnh minh họa

Nga có khả năng tấn công hạt nhân trên 3 phương diện : mặt đất, trên không và từ tầu ngầm. NATO cũng có đầy đủ các phương tiện như vậy và được trải rộng trên rất nhiều các quốc gia. Sức mạnh tác chiến, khoa học quân sự của NATO chắc chắn vượt trội hơn hẳn so với Nga. Nga không dại gì mà gây chiến tranh hạt nhân. Tất nhiên là NATO đã có kế hoạch cụ thể khi Nga muốn "bắn thử một quả", bởi vì sự đáp trả phải thực hiện trong tíc tắc ngay sau khi đối phương vừa khai hỏa.

Trước đây, chúng ta sợ Kim Jong-un mang vũ khí hạt nhân ra dọa. Bây giờ chúng ta sợ cả nước Nga. Putin đã đặt nước Nga ngang hàng với Bắc Hàn của Ủn. Thật là vinh hạnh cho đại đế Putin ! 

Hoàng Quốc Dũng

(07/03/2023)

Published in Quan điểm

Nói một cách thực dụng vô nhân tính, việc Nga và Ukraine đánh nhau thì mặc kệ chúng nó, miễn là không ảnh hưởng gì đến "ta". Nhưng cuộc chiến đang đi đến một khúc rẽ nguy hiểm, đó là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân với sức công phá có thể hủy diệt toàn bộ nhân loại !

hatnhan00

Vũ khí hạt nhân với sức công phá có thể hủy diệt toàn bộ nhân loại !

Những ai theo dõi diễn biến cuộc chiến 8 tháng qua tại Ukraine thì đều biết rằng Nga từ địa vị của kẻ tấn công thì nay đã phải co lại phòng thủ để mong giữ được phần đất đã chiếm được. Với đà tiến công và khí thế lên cao, việc Ukraine thu hồi lại đất đai chỉ là vấn đề thời gian.

Để "chốt lãi", Nga bày trò trưng cầu dân ý và sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Như vậy nếu Ukraine tiếp tục lấn chiếm vào 4 tỉnh này thì về pháp lý (kiểu Nga) thì Ukraine mới là kẻ xâm lược và nước Nga tội nghiệp đang phải bảo vệ tổ quốc với tất cả những gì "có trong tay", nghĩa là kể cả vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 12/10/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết bác bỏ việc Nga đơn phương sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Đáng chú ý, trong số 4 nước bỏ phiếu chống nghị quyết và 35 nước phiếu trắng thì hầu hết là nhưng nước chống Mỹ và Phương Tây, hoặc tỏ ra bướng bỉnh với Mỹ chứ có lẽ chẳng có nước nào "yêu" Nga, ngoại trừ Việt Nam.

hatnhan2

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra Nghị quyết bác bỏ việc Nga đơn phương sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Khi tuyên bố thôn tính 4 tỉnh, Putin lại có một bài diễn văn dài, theo đó phê phán thế giới bất công, đầy rẫy nhưng điều xấu xa, kiểu như Chí Phèo chửi làng Vũ Đại. Thật ra cả làng Vũ Đại không quá xấu như vậy, mà nên chăng chỉ là đích danh ai đó như Bá Kiến thì Chí lại không dám nói.

Thế giới đã, đang và sẽ còn bất công, trong sự tương đối, Putin nên nhìn lại chính mình, ông đang cai trị nước Nga như thế nào, và sẽ còn kìm hãm đầy đọa cả dân tộc Nga đến bao giờ.

Trong thời gian gần đây, Putin và thuộc hạ liên tục dọa dẫm sẽ dùng "hột nhơn". Chiêu bài này không có gì mới lạ vì cha con nhà Ủn (Kim Jong-un) đã dùng nhiều năm rồi, với mục đích tống tiền kiếm cơm mà thôi nên chẳng ai sợ.

Nhưng Putin dọa thì có đáng sợ không ? Mình không có thông tin tình yêu tình báo gì cả nhưng chỉ cần nhìn vào phản ứng của giới thạo tin tài phiệt thông qua thị trường chứng khoán là đủ hiểu. Chứng khoán vẫn bình chân như vại vào mỗi lần Putin "nhả ngọc".

Để có thêm bằng chứng, người Ukraine đã dũng cảm đánh sập cầu Kerch ở Crimea, biểu tượng của sự hãnh tiến chế độ Putin, mà giới chức Nga đã hơn một lần nói rằng, đụng vào Kerch nghĩa là vượt qua "làn ranh đỏ". Đúng dịp sinh nhật Putin 70 tuổi, các chiến sĩ biệt động của Ukraine đã thản nhiên thử vận may "bóp dái hổ" xem sao.

Phản ứng của phía Nga, vẫn không phải hạt nhân mà chỉ là những trận pháo kích từ xa trả thù hèn hạ vào thủ đô Kyiv và các thành phố lớn, giống như lúc soái hạm Moskva bị đánh chìm tại Biển Đen cách đây mấy tháng.

hatnhan3

Người Ukraine đã dũng cảm đánh sập cầu Kerch ở Crimea, biểu tượng của sự hãnh tiến chế độ Putin

Thế là rõ, Putin chỉ được cái già dái mà non hột. Nhiều tiền, nhiều vợ, nhiều con để làm gì, ai hưởng thụ hộ mà dám chơi "hột nhơn". Mặt khác, Putin quá hiểu rằng, càng mạnh tay thì ngày tàn sẽ càng mau tới. Đến nông nỗi này, phương án tối ưu chỉ có thể là kéo dài sự sống được chừng nào hay chừng đó.

Nga đang trông chờ vào hai cơ hội trong chuyến công du Viễn Đông vào trung tuần tháng 11 khi đi dự hội nghị APEC ở Thái Lan và G20 tại Indonesia. Từ nay đến lúc đó, có thể dự đoán rằng Putin sẽ không dám giờ trò mèo gì nữa, kẻo sẽ bị tước quyền đi phó hội.

Nếu được Biden tiếp tại một trong hai nơi, chắc hắn sẽ giở giọng xin xỏ "lạy cụ tha cho con", nhưng "cụ" liệu có mủi lòng hay không thì chưa ai biết.

Nhận định rằng, quyết định cuộc chiến ở Ukraine không phải là Châu Âu hay hai đương sự trực tiếp mà lại là ông chủ từ bên kia đại dương. Mỹ không thể tha thứ cho kẻ dám mở mồm tống tiền đe dọa sự sống còn của loài người và mục tiêu của chú Sam không gì khác hơn là loại bỏ họ Putin.

Trước khi làm thịt, điều Mỹ và Phương Tây đang làm là trói con thú điên lại, tức là phải ngày càng cô lập, bao vây nước Nga là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là siết gọng kìm vào cá nhân Putin và những kẻ đồng lõa theo đóm ăn tàn.

Đó chính là cách để người dân toàn thế giới, trong đó có người dân Nga được sống yên ổn, an toàn trong sự thịnh vượng và hạnh phúc.

Đặng Ngọc Quang (Sydney)

(16/10/2022)

Published in Diễn đàn

Cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động bước sang một khúc quanh mới vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022. Sau hàng loạt thất bại nặng, chính quyền Nga quyết định động viên bán phần, khẩn cấp trưng cầu dân ý tại các vùng chiếm đóng để nhanh chóng sáp nhập. Moskva đe dọa dùng cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ", ngăn chặn đà tiến của quân đội Ukraine.  

hatnhan2

Một trái bom nguyên tử gọi là "chiến thuật" có thể gây thảm họa tương đương với vụ Hiroshima 1945. Ảnh minh họa một vụ nổ nguyên tử. Ảnh của U.S. Federal Emergency Management Agency. © Wikimedia

Từ đầu chiến tranh đến nay, chính quyền Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Cho đến nay điện Kremlin vẫn chỉ dừng ở đe dọa. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nguy cơ Nga biến đe dọa thành hiện thực lần này cần được xem xét nghiêm túc hơn. Truyền thông phương Tây dường như bắt đầu đề cập nhiều hơn đến các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân cụ thể của chính quyền Nga trong chiến tranh Ukraine.  

Bên cạnh nhóm các chuyên gia đặt trọng tâm và niềm tin vào chiến lược răn đe và hành xử khéo léo của chính quyền Mỹ và các đồng minh, đủ sức cản Nga dùng vũ khí nguyên tử, nhiều chuyên gia khác lại nhấn mạnh đến xác suất tuy thấp, nhưng một khi đã xảy ra, việc Nga dùng vũ khí hạt nhân kiểu gì, các hậu quả để lại đều sẽ có thể là những thảm họa khôn lường mang tính toàn cầu.  

***

Vụ nổ kinh hoàng giữa không trung 

Đầu tháng 10/2022, tuần báo L’Obs đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione, người đã 35 năm nay theo dõi vấn đề các hiểm họa hạt nhân quân sự, và dấn thân trong nhiều hoạt động giải trừ hạt nhân. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Putin và vũ khí nguyên tử : bốn kịch bản kinh hoàng theo Joe Cirincione ", vị chuyên gia nói đến bốn kịch bản.  

Thứ nhất, Putin sẽ cho nổ một tên lửa hạt nhân tại Biển Đen, và để gây ấn tượng hơn thì tại một vùng không có người ở tại Ukraine. Có thể là sẽ không có người chết, không có thiệt hại lớn nào. Nhưng đây sẽ là một cú sốc với toàn thế giới. Thế giới sẽ phải sững sờ, bởi chưa bao giờ một vũ khí hạt nhân được sử dụng kể từ Thế chiến Hai, và lần thử bom nguyên tử ngoài không trung cuối cùng là vào năm 1980, tại Trung Quốc (kể từ sau vụ thử này, mọi vụ thử hạt nhân mới đều được thực hiện dưới lòng đất).  

Kịch bản thứ nhất này không phải là chuyện giả tưởng bởi đã nằm trong một số phát triển mới của học thuyết hạt nhân Nga, đặc biệt với khái niệm "Leo thang để buộc đối phương xuống thang" (dùng vũ khí nguyên tử gọi là chiến thuật để buộc đối phương chấm dứt một cuộc chiến tranh quy ước, bất lợi cho Nga). Hiện tại, chính quyền Putin để một không khí mơ hồ bao phủ lên khái niệm này.  

Vũ khí "hạt nhân chiến thuật" – một Hiroshima thứ hai  

Nếu hành động đe dọa này không khiến các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, chính quyền Putin có thể chuyển sang một kịch bản thứ hai.  

Đó là sử dụng một vũ khí hạt nhân gọi là có "sức công phá thấp" để nhắm vào một mục tiêu quân sự, hay một nơi tập trung quân, một căn cứ không quân, một quân cảng... Một vũ khí hạt nhân như trên thường được gọi là "vũ khí hạt nhân chiến thuật", có sức nổ dưới 10 kiloton đến 100 kiloton. Hiện tại nước Nga sở hữu khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân "chiến thuật" như trên, mà giới chuyên gia nhiều nước Châu Âu gọi là vũ khí hạt nhân "phi chiến lược". Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh kho vũ khí này. Hiện nước Mỹ sở hữu khoảng 200 vũ khí hạt nhân có sức nổ từ 0,3 kiloton đến 170 kiloton (trong số đó có khoảng 100 bom B61 (sức công phá tương đương với vụ Hiroshima) được bố trí tại năm nước Châu Âu, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay Mỹ và Nga không có hiệp định nào liên quan đến loại vũ khí này.

Để so sánh tác giả dẫn ra trường hợp vụ nổ tại Hiroshima (Nhật Bản), năm 1945. Trái bom do Mỹ thả với sức nổ 15 kiloton, ngay lập tức khiến 70.000 người thiệt mạng, chưa kể người bị thương và chết sau đó do phóng xạ. Một vụ nổ 10 kiloton giới chuyên môn thường gọi là "có sức công phá thấp", tương đương với 20.000 trái bom B-52 nửa tấn mỗi trái, thả xuống đồng loạt. Như vậy, người chết sẽ rất nhiều, các thiệt hại vật chất là ghê gớm.  

Một hành động như vậy của chính quyền Nga cũng chắc chắn sẽ nhận được các trả đũa ghê gớm từ Hoa Kỳ. Nga sẽ ngay lập tức bị cô lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Nhiều nước vốn trung lập cho đến nay sẽ phải tỏ thái độ. Ukraine có thể được trợ giúp vũ khí dồn dập. Hoa Kỳ và các đồng minh thậm chí có thể tấn công vào đơn vị quân đội Nga nơi phóng tên lửa hạt nhân.  

Kịch bản giả điên 

Để giành lại thế thượng phong, chính quyền Putin có thể đi tiếp kịch bản thứ ba. Sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá đến 50 kiloton, tức mạnh gấp ba hay bốn lần trái bom tại Hiroshima. Hàng trăm nghìn người có thể thiệt mạng. Mức độ hủy diệt là chưa từng có kể từ sau Thế chiến Hai. Kịch bản này được chuyên gia Joseph Cirincione gọi là "giả điên".  

Kịch bản thứ ba này hướng đến mục tiêu làm phân hóa hàng ngũ của NATO. Đòn hạt nhân này có thể đánh gục tinh thần chính quyền nhiều nước phương Tây, với suy nghĩ : "không nên tiếp tục…, Ukraine không đáng để chúng ta phải hy sinh an ninh quốc gia". Tất nhiên, nước Mỹ sẽ không nhường bước.  

Hoa Kỳ chắc chắn sẽ trả đũa. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, trong những thập niên gần đây, khác với Nga, nước Mỹ đã phát triển rất nhiều hệ thống vũ khí quy ước, chính xác và mạnh, có thể ngay lập tức giáng cho phía Nga những đòn thảm khốc. Vấn đề là chiến tranh còn có thể dừng lại được nữa hay không ?  "Một mô phỏng của Đại học Princeton về cuộc xung đột Mỹ-Nga bắt đầu bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, dự đoán sẽ leo thang nhanh chóng khiến hơn 90 triệu người chết và bị thương" ("What are Tactical Nuclear Weapons ? " của Union of Concerned Scientists, đăng ngày 01/06/2022).

Kịch bản trực tiếp tấn công NATO

Nếu không khuất phục được các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, theo chuyên gia Joseph Cirincione, chính quyền Putin có thể chọn một kịch bản leo thang liều lĩnh khác. Đó là tấn công ngay một nước Châu Âu, thành viên NATO. Một quốc gia Trung Âu, cụ thể như Ba Lan có thể là một cái đích. Putin có thể đánh vào một căn cứ không quân Ba Lan, nơi thường xuyên có các chuyến bay vận tải đi Ukraine, với một đầu đạn có sức công chẳng hạn phá gấp ba lần Hiroshima. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nước Mỹ chắc chắn cũng đã tính sẵn đến các phương án đáp trả với kịch bản này. Đòn trả đũa rất có thể sẽ là hạt nhân.  

Vấn đề chủ yếu theo tác giả là, khi đã bước vào cuộc đối đầu bằng vũ khí hạt nhân, hai bên có còn khả năng dừng lại không ? Bước vào vòng xoáy của việc trả đũa hạt nhân là một con đường khó có lối ra. Vị chuyên gia Mỹ dẫn lại câu của cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trong Hồi ký, đó là ông không chắc mình sẽ bấm nút trả đũa hạt nhân hay không cho dù nước Mỹ và đồng minh bị tấn công hạt nhân đầu tiên. "Làm như vậy được lợi gì ?", Ronald Reagan đặt câu hỏi. Cá nhân tổng thống Mỹ là người có quyền khởi động cuộc tấn công hạt nhân. Đặt mình vào vị trí của một tổng thống Mỹ, ắt hẳn không ít người cũng đặt câu hỏi như vậy. Bởi đằng sau quyết định đó là số phận của cả nhân loại.  

"Răn đe hạt nhân" chỉ có nghĩa khi đối thủ biết cân nhắc thiệt hơn

Chuyên gia Joseph Cirincione đặc biệt chú ý đến thách thức vô cùng nan giải với phương Tây, đó là xác định đúng lãnh đạo tối cao Nga thuộc loại người nào : một người rất duy lý hay là một kẻ hoang tưởng. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nếu là người rất duy lý Putin chỉ coi vũ khí hạt nhân như một phương tiện cần thiết, để dùng khi cần thiết, "nhằm đạt được một ưu thế về quân sự, thậm chí một ưu thế mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh này". Theo cách hình dung này, Putin sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc có dùng vũ khí hạt nhân hay không, và dùng như thế nào. Đây là "một quyết định mà lãnh đạo Nga đã hoàn toàn không coi nhẹ, bằng chứng là bất chấp nhiều thất bại, nhưng ông ta vẫn chưa dùng". Nếu tình hình tồi tệ hơn, ông ta có thể tính đến việc sử dụng, nhưng vẫn theo cách tính toán của một con người lý trí.  

Trong trường hợp thứ hai, Putin là một người khác hẳn. Tác giả dùng đến các tính từ "hoang tưởng", "hoang tưởng tự đại" để nói về lãnh đạo Nga. Căn cứ vào bài diễn văn nói về việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine của lãnh đạo Nga, chuyên gia Joseph Cirincione cho rằng rất có thể "mức độ đoạn tuyệt với hiện thực" hay mức độ hoang tưởng của ông Putin đã ở mức rất cao. Joseph Cirincione nhấn mạnh là trong trường hợp này, "các biện pháp răn đe hạt nhân" hay các đe dọa khác của các cường quốc nguyên tử đối với lãnh đạo Nga sẽ không còn có ý nghĩa thực sự. Chính sách răn đe hạt nhân (hay dùng đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt để buộc đối phương không dám xuống tay) dựa trên giả định là đối tác phải là người duy lý, có khả năng cân nhắc thiệt hơn.  

Cho đến nay, các tính toán của phương Tây vẫn dựa trên khả năng Putin là một người duy lý. Tuy nhiên, nếu kẻ sở hữu vũ khí nguyên tử không phải là một con người như vậy, thì cần phải dự đoán một cách hành xử hoàn toàn khác.  

Vũ khí hạt nhân "chiến thuật" đưa nhân loại vào chiến tranh nguyên tử

Thông điệp chủ yếu của chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ là cần phải từ bỏ quan điểm cố hữu về khả năng duy trì vũ khí hạt nhân như một phương tiện "răn đe", để ngăn chặn chiến tranh, nhất là khi chủ nhân của hệ thống vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới có thể là một kẻ "hoang tưởng". Chỉ có giải trừ vũ khí hạt nhân mới là con đường giúp nhân loại giải thoát khỏi nguy cơ hủy diệt lơ lửng.  

Cũng như nhiều chuyên gia khác, Joseph Cirincione chỉ trích xu thế coi việc sử dụng các vũ khí hạt nhân gọi là "chiến thuật" trở thành một chuyện tương đối bình thường. Báo chí Mỹ dẫn lời cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis (trong một cuộc điều trần năm 2018), đã nhận định : "Không có cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, mọi vũ khí hạt nhân khi được đưa ra sử dụng đều có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa chiến lược" (bài "Putin’s tactical nuclear weapons could pack the same punch as atomic bombs dropped on Japan", CNN 27/09/2022).

Tổ chức Union of Concerned Scientists  (UCS) của giới khoa học hàng đầu nước Mỹ, nổi tiếng về các vận động giải trừ hạt nhân từ nhiều thập niên nay, cũng lên án mạnh mẽ khái niệm vũ khí hạt nhân "chiến thuật", có nguy cơ đẩy nhân loại vào thảm họa chiến tranh hạt nhân.  

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 06/10/2022

Published in Diễn đàn

Biển Đông : Trung Quốc tập trận một tháng ở vịnh Bắc Bộ

Trọng Thành, RFI, 02/03/2021

Hôm 01/03/2021, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tập trận kéo dài một tháng tại Biển Đông. Theo truyền thông chính thức Trung Quốc, cuộc tập trận gần eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou), nằm giữa Hoa lục và đảo Hải Nam, diễn ra trong bối cảnh Hải quân Hoa Kỳ cũng như Hải quân Pháp sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian tới tại khu vực này.

backinh1

Tàu hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông ngày 14/1/2021 - Ảnh Chinamil.com.chủ nghĩa

Chính quyền Trung Quốc không nêu rõ chi tiết các cuộc tập trận, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Trung Quốc, cho biết cụ thể là các cuộc tập trận được tổ chức trong một khu vực có bán kính 5 km ở Biển Đông, phía tây bán đảo Lôi Châu. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc, thứ Sáu, 26/02, đã thông báo lệnh cấm tàu bè ra vào khu vực tập trận.

Hoàn Cầu Thời Báo lưu ý tập trận diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ "bắt đầu thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát tại các vùng ven biển của Trung Quốc, cũng như khảo sát môi trường thủy văn ở Biển Đông". Quân đội Pháp cũng đã cử một tàu tấn công đổ bộ và một tàu khu trục nhỏ, dự kiến ​​s quá cnh Bin Đông hai ln, trong thi gian ti. Hoàn Cu Thi Báo nhn mnh là, theo lộ trình trong báo cáo của trang Navynews.com, các tàu chiến của Pháp có kế hoạch đi qua eo biển Quỳnh Châu, một vùng biển nằm giữa bán đảo Lôi Châu (Leizhou), tỉnh Quảng Đông, và đảo Hải Nam, mà theo Hoàn Cầu Thời Báo là vùng biển "nội địa" của Trung Quốc.

Báo Việt Nam : "Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông"

Báo chí Việt Nam đưa tin đồng loạt về cuộc tập trận kéo dài một tháng của quân đội Trung Quốc tại vùng biển phía tây Vịnh Bắc Bộ. Báo Thanh Niên có bài chỉ trích "Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông". Báo mạng Việt Nam nói trênphỏng vấn nhiều chuyên gia Hoa Kỳ về quân sự và hàng hải.

Trả lời báo Việt Nam, ông Timothy R. Heath, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Viện tư vấn chiến lược quân sự RAND, nhận định : "Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận lần này nhằm trả đũa việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh như Pháp, để tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông". Tiến sĩ Patrick Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu Hudson, nhận xét là cùng với việc trao cho lực lượng Hải cảnh quyền hạn nổ súng vào tàu nước ngoài kể từ đầu tháng 2/2021, đợt tập trận tháng Ba này "cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Điều đó dường như hoàn toàn trái ngược với điều mà Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng muốn đóng góp vì lợi ích chung".

Tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với các tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đặc biệt tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, là một chủ trương của Hoa Kỳ và các đồng minh từ nhiều năm nay. 

Trọng Thành

**********************

Ảnh vệ tinh : Trung Quốc tăng cường khả năng chống đỡ một cuộc tấn công hạt nhân

Minh Anh, RFI, 02/03/2021

Trang mạng thông tin Militarytimes.com ngày 01/03/2021 dẫn lời một chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Kinh dường như đang tăng cường khả năng phóng tên lửa hạt nhân đời mới từ các hầm ngầm, cho phép cải thiện khả năng phản ứng kịp thời với bất kỳ một cuộc tấn công hạt nhân.

backinh2

Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp ngày 17/04/2019 cho thấy một trong những hầm chứa tên lửa ngầm đang được xây dựng tại một khu luấn luyện về tên lửa ở miền trung bắc Trung Quốc.  AP - Satellite image ©2021 Maxar Technologies

Ông Hans Kristensen, một nhà phân tích thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chuyên theo dõi về năng lực hạt nhân Mỹ, Nga và Trung Quốc, cho biết các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy dường như Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng 11 hầm ngầm từ cuối năm 2020 tại một bãi thử tên lửa rộng lớn gần Jilantai, miền trung bắc Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã cho xây 5 hầm ngầm tại khu vực đó.

Mười sáu hầm ngầm do ông Kristensen xác định sẽ bổ sung cho hệ thống 18-20 hầm mà Trung Quốc hiện đang sử dụng cho tên lửa liên lục địa (ICBM) đời cũ DF-5. Tuy nhiên, trên trang blog của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông Kristensen cũng nêu rõ "ngay cả khi Trung Quốc có tăng gấp đôi hay gấp ba số lượng ICBM, đó cũng chỉ là một phần nhỏ so với số lượng Mỹ và Nga hiện đang nắm giữ. Không quân Hoa Kỳ vượt xa các đối thủ với 450 kho chứa, trong đó có đến 400 hầm ngầm. Nga có khoảng 130 hầm đang hoạt động".

Cũng theo ông Kristensen, những hầm chứa mới được phát hiện rất có thể là dùng để cất giấu ICBM DF-41, thế hệ tên lửa liên lục địa mới của Trung Quốc có thể bắn tới vùng Alaska và phần lớn lục địa Mỹ và được chế tạo bằng nhiên liệu rắn, cho phép người điều khiển chuẩn bị nhanh hơn để phóng tên lửa so với DF-5.

Hiện Lầu Năm Góc từ chối bình luận về những phân tích của chuyên gia Kristensen. Nhưng trong một báo cáo thường niên được công bố hồi mùa hè năm 2020 về các diễn biến quân sự của Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Mỹ từng khẳng định "chính sách hạt nhân của Trung Quốc là ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót được sau một cuộc tấn công đầu tiên và có đủ sức mạnh đáp trả để gây ra thiệt hại đáng kể cho kẻ thù".

Bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ báo cáo về các hành động khiêu khích của Trung Quốc

Ngày 01/03/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd J. Austin, giao nhiệm vụ cho Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc có 4 tháng để ra báo cáo về những "hành động khiêu khích của Trung Quốc", để có thể vạch ra những hành động cụ thể nhằm thích ứng, đối phó với các "thách thức từ Trung Quốc".

Trang mạng thông tin Defenseworld.net cho biết, tham gia cuộc họp ngày hôm qua có các đại diện bộ Quốc Phòng, bộ Tham mưu liên quân, các lực lượng quân sự, ban chỉ huy tác chiến và cơ quan tình báo Mỹ.

Minh Anh

Published in Châu Á

Kể từ khi cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại - Chiến tranh Peloponnese bùng nổ ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các nhà lý thuyết về ảnh hưởng quốc tế qua lại đã nhấn mạnh đến vị thế tương đối của sự thống trị quốc tế so với các yếu tố khác.

hatnhan1

Một phần trong mong muốn của Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích trước mắt của mình trong toàn cầu hóa kinh tế là thiết lập một mạng lưới hàng hóa, dịch vụ trên bộ và trên biển từ Trung Quốc.

Tầm quan trọng của cuộc chiến Peloponnesian là cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc. Một trong hai lực lượng là nhóm người (chiến binh) Sparta mạnh mẽ, và lực lượng còn lại là sức mạnh đang lên được đại diện bởi Athena đầy tham vọng và khôn ngoan.

Sparta nhận thấy mối nguy hiểm tiềm tàng khi cho rằng Athena sẽ cạnh tranh vị thế của họ trong khu vực. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy Sparta xung đột trực tiếp với Athena.

Bởi vì sợ hãi là một đặc điểm vốn có của tâm lý con người. Dựa trên nhiều bằng chứng lịch sử, một số chuyên gia tin rằng sợ hãi là động cơ không thể tránh khỏi của chiến tranh giữa các lực lượng đang lên và lực lượng thống trị trong bất kỳ trật tự quốc tế nào.

Điều này giải thích tại sao nhiều phân tích và quan sát có xu hướng dự đoán cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi vì Bắc Kinn đe dọa thành phần địa chính trị chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, chi phí cho cuộc chiến hủy diệt quy mô lớn gây ra bởi bất kỳ cuộc chiến nào giữa hai cường quốc hạt nhân khiến cho quyết định bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân là một động thái vô lý, bởi vì cả hai bên đều có khả năng hủy diệt.

Hơn nữa, tư tưởng Mỹ luôn tìm cách vô hiệu hoá mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc trước khi biến thành một mối đe dọa quân sự rõ ràng, điều này ủng hộ giả thuyết rằng Mỹ đã tiến hành các bước gây để áp chế sự bành trướng của con rồng Trung Quốc.

Cuộc chiến thuế quan giữa hai quốc gia do Tổng thống Donald Trump khởi xướng có thể là một trong những biện pháp gia tăng áp lực kể từ khi ông nhậm chức.

Mặt khác, thế hệ thứ năm và thứ sáu của các công cụ chiến tranh vẫn tồn tại trong căng thẳng quốc tế. Các nhà quan sát thường xâu chuỗi một sự kiện bí ẩn với một công cụ như vậy, với mục đích giả định rằng sự kiện nào đó có thể chứa đựng đặc điểm chính trị.

Sự xuất hiện của virus corona bắt đầu ở Trung Quốc chứng minh ở một mức độ nào đó rằng virus là một công cụ làm suy yếu Trung Quốc. Nó sẽ không bắn một viên đạn nào cả về phía vật chủ, nhưng nó sẽ phá hủy sức mạnh kinh tế của vật chủ trong ngắn hạn và trung hạn.

Tuy nhiên, một mặt, cho đến nay, Trung Quốc đã thành công trong việc đối phó với dịch bệnh này và các coronavirus đã xuất hiện ở các thành phố trọng điểm về kinh tế của Tây Âu (như California, New York) đã thúc đẩy giả thuyết cho rằng Trung Quốc có thể hấp thụ cú sốc đầu tiên và hướng mối đe dọa đó đến các khu vực địa lý khác (một cách có chủ đích).

Có lẽ các nhà tổng hợp virus đã tính toán sai, họ không ngờ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ !

Cáo buộc rằng Trung Quốc tuồn virus ra vẫn ở dạng giả thuyết yếu ớt, dễ bị bác bỏ bởi các thuyết cho rằng virus có nguồn gốc tự nhiên.

Cho đến khi sự thật được đưa ra và đám mây mù của "thế giới hậu corona" tan biến, Trung Quốc vẫn sẽ sở hữu nhiều tài sản mà Hoa Kỳ coi là mối đe dọa trực tiếp, trong đó quan trọng nhất là :

Tăng trưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc

Tính đến năm 2018, chi tiêu quân sự của Trung Quốc khoảng 250 tỷ USD, tăng 190% so với ngân sách quân sự năm 2008.

Những chi tiêu này đi kèm với các hành động của Trung Quốc. Trong một số trường hợp, Trung Quốc có thể nói là hung hăng, chẳng hạn như thành lập chuỗi đảo quân sự nhân tạo ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền ở khu vực quan trọng này.

Sau đó, vào tháng 8/2017, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, một trong những quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược tại Châu Phi. Căn cứ quân sự Trung Quốc tại khu vực này giúp Bắc Kinh kiểm soát hàng hoá của nước này đi qua Vịnh Aden.

Trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc có lập trường cởi mở trong các cuộc xung đột ở một số nơi. Ví dụ, họ đã nhiều lần bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an chống lại Nga, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh từ bỏ vị thế trung lập về chính trị, và nỗ lực mở rộng kinh tế theo trật tự quốc tế. Do đó, chính sách trỗi dậy hoà bình toàn cầu do cố vấn chính trị Trung Quốc, Trịnh Tất Nhiên đưa ra có thể không thể giải thích được hành vi chính sách đối ngoại hiện tại, vốn không giới hạn các công cụ của mình đối với quyền lực mềm chỉ để tái định vị toàn cầu.

Phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc

Trái với niềm tin phổ biến, Trung Quốc không chỉ phát triển kinh tế mà còn cam kết phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Trang web tin tức "The Hill" của Mỹ cho biết, theo dữ liệu từ Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc, từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2017, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 200 vụ thử vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn ở Biển Đông, với trung bình mỗi tháng thử nghiệm 5 lần. Trong khi, theo dữ liệu từ Phòng thí nghiệm quốc gia California, Hoa Kỳ thực hiện các thử nghiệm này mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã ban hành một học thuyết hạt nhân mới của Mỹ vào tháng 1/2018, cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân mới có công suất thấp để đối phó với các mối đe dọa, chủ yếu là Trung Quốc và Nga.

Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký kết vào tháng 12/1987. Đây là thỏa thuận hạt nhân song phương duy nhất, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm hoặc triển khai tên lửa đạn đạo, có tầm phóng từ 500 tới 5.500 km.

Rút khỏi hiệp ước vào tháng 8/2019 cũng đe dọa đến tương lai của một thỏa thuận khác : hiệp ước "START III" được ký kết bởi Mỹ và Nga vào tháng 4/2010, sẽ hết hạn vào năm 2021. Trừ khi Washington được đáp ứng các yêu cầu vêd an toàn hạt nhân, nếu không Hiệp ước này sẽ không được gia hạn. Những yêu cầu này không liên quan gì đến người Nga, mà đối với Trung Quốc, cường quốc quân sự mới nổi. Mỹ muốn ký hiệp ước giúp kiểm soát vũ khí hạt nhân của Trung Quốc về số lượng và chất lượng.

Trong thời điểm mà Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung hết hạn, Tổng thống Donald Trump tiết lộ mong muốn đưa Trung Quốc vào hiệp ước mới ký với Nga.

Một phân tích của cựu điệp viên CIA Christopher Johnson cho rằng việc rút hiệp ước có liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục phát triển kho vũ khí chiến thuật tầm trung của mình, đẩy Mỹ vào thế nguy hiểm nếu tiếp tục tuân thủ một hiệp ước ngăn không cho Washington phát triển các khả năng tương tự. Johnson nói rằng số phận của bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai có thể được xác định ở giai đoạn đầu và điều quan trọng đối với quân đội Mỹ là sở hữu các khả năng quân sự cho phép Mỹ tiến vào trung tâm lãnh thổ Trung Quốc trong bất kỳ cuộc đối đầu với quân đội Trung Quốc.

Nếu Mỹ không có khả năng tấn công các căn cứ tên lửa chống hạm nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ bị giới hạn ở các căn cứ ở Nhật Bản và việc gửi tàu chiến ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc sẽ là một nguy cơ quân sự.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường

Là một phần trong mong muốn của Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích trước mắt của mình trong toàn cầu hóa kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" vào tháng 9/2013, nhằm thiết lập một mạng lưới hàng hóa, dịch vụ trên bộ và trên biển từ Trung Quốc.

Các chuyên gia ước tính rằng dự án có khả năng chuyển từ cấp độ kinh tế thuần túy do Trung Quốc công bố sang cấp độ sâu hơn liên quan đến định vị quân sự.

Một đánh giá chi tiết do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra vào tháng 12/2018 cảnh báo rằng nếu Trung Quốc xây dựng thành công sức mạnh quân sự dọc theo các tuyến thương mại, "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" có thể có ý nghĩa quân sự lẫn lợi ích kinh tế.

Với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng coronavirus, Trung Quốc rất muốn sử dụng cuộc khủng hoảng này thông qua các biện pháp ngoại giao thực dụng. Mục tiêu của Bắc Kinh là đánh bóng hình ảnh của mình trên thế giới, trong khi vẫn khăng khăng bác bỏ giả thuyết của một số chuyên gia y tế rằng nguồn gốc của virus đến từ tình trạng ăn thịt động vật hoang dã (dơi) ở thị trường truyền thống Trung Quốc !

Sau khi Trung Quốc có thể hấp thụ cú sốc đầu tiên, Bắc Kinh nhanh chóng giúp đỡ các nước Tây Âu như Ý. Không dừng ở cung cấp vật tư y tế, Trung Quốc còn gửi nhân viên y tế có kinh nghiệm trong xử đại dịch tại Vũ Hán đến Rome. Khi viện trợ đầu tiên của Trung Quốc đến Ý, Tập Cận Bình đã gọi cho Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, nhấn mạnh viện trợ lần này là một phần của "Con đường Tơ lụa sức khoẻ" của Trung Quốc.

Rome thuộc nhóm G7 đầu tiên tham gia "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" vào tháng 3/2019, sự kiện vấp phải phản đối từ Mỹ và Châu Âu.

Tất cả những điều này và các sự kiện liên quan khác là những dấu hiệu quan trọng về sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây có thể là chất xúc tác cho sự phát triển của coronavirus và là một phần của cuộc chiến hỗn hợp chống lại Trung Quốc, bắt đầu bằng thuế quan.

Mặt khác, không nên quên rằng bản chất của sự lây lan corona có thể chỉ ra rằng virus này (có thể) không được tổng hợp trong phòng thí nghiệm – mặc dù chứa các thành phần lạ, bất chấp tuyên bố từ Giáo sư Talal Nsouli, chuyên gia Nhi khoa và Dị ứng – Miễn dịch Đại học Y Georgetown (Mỹ), người đã rất ngạc nhiên về thành phần của virus vào ngày 8/4/2020. Ông nói rằng RNA virus có cấu trúc được thiết kế để phá hủy cơ quan nhất định (nội tạng người). Ông muốn biết liệu đó có phải là tự nhiên hay không, và để lại sự xác định nguồn gốc của nó cho các chính trị gia.

Trước khi có câu trả lời xác đáng nhất, con người sẽ phải nín thở, bởi nếu tìm thấy bằng chứng thuyết phục rằng có sự tham gia của phòng thí nghiệm vào quá trình tổng hợp nhân tạo virus corona, điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh trực tiếp (quân sự) sau khi chúng ta trải qua một cuộc chiến phức hợp gần đây.

Hasan Ismaik

Nguyên tác : Will Coronavirus Ignite a Nuclear War ?, Egypt Independent, 06/05/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 09/05/2020

Published in Diễn đàn