Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoa Kỳ: Trump sẽ áp thuế hải quan đối với hàng Trung Quốc, Canada và Mexico

Minh Anh, RFI, 26/11/2024

Ngày 25/11/2024, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định những biện pháp kinh tế đầu tiên của ông sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025 sẽ là tăng thuế nhập khẩu hàng hóa đến từ các nước Trung Quốc, Canada và Mexico. Ông nêu lên những cuộc khủng hoảng về các chất gây nghiện và di dân để biện minh cho các quyết định nói trên.

economicwar1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/06/2019. AP - Alex Brandon

Trên mạng xã hội Truth Social, Donald Trump viết : "Ngày 20/01, đối với một trong nhiều sắc lệnh đầu tiên, tôi sẽ ký tất cả các văn bản cần thiết để áp mức thuế 25% đối với tất cả các loại hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico nhập vào Mỹ".

Cũng theo ông Trump, "mức thuế này sẽ có hiệu lực cho đến khi nào các loại chất gây nghiện, đặc biệt là fentanyl, và tất cả những di dân bất hợp pháp ngừng xâm chiếm đất nước chúng ta".

Tổng thống đắc cử cũng thông báo tăng thêm thuế hải quan 10%, bổ sung vào mức thuế hiện có, cũng như các mức thuế bổ sung mà ông sẽ có thể đưa ra, nhắm vào "nhiều mặt hàng đến từ Trung Quốc".

Donald Trump giải thích là đã thường xuyên nêu vấn đề ma túy tràn vào Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng chỉ trích chính quyền Bắc Kinh đã cam kết có những biện pháp nghiêm khắc, nhưng "không bao giờ thực hiện đến cùng".

Trả lời hãng tin Pháp AFP, nhà phân tích William Reinsch nhận định "đây là một chiêu cổ điển của ông Trump, đe dọa để rồi đàm phán", bởi vì năm 2026 là kỳ hạn mà Hoa Kỳ, Canada và Mexico phải thương lượng lại thỏa thuận thương mại ba bên.

Minh Anh

*****************************

Canada và Trung Quốc chỉ trích thông báo tăng thuế quan của Donald Trump

Chi Phương, RFI, 26/11/2024

Tuyên bố của Donald Trump về việc tăng thuế quan lên mức 25% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, Canada và Mexico, ngay lập tức đã khiến các nước liên quan lên tiếng chỉ trích. Nếu như Trung Quốc khẳng định "không ai thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại", thì phía Canada cho rằng quyết định này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là đến các lao động Mỹ.

economicwar2

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2024. AP - Allison Robbert

Mexico và Canada được liên kết với Hoa Kỳ trong một thỏa thuận tự do thương mại ACEUM. Trước tuyên bố của Trump, tối hôm qua, phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland đã nhắc lại Ottawa là một đối tác quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho Washington, nhấn mạnh quan hệ hai nước là cân bằng, cùng có lợi, và nhất là đối với những lao động Hoa Kỳ.

Từ Québec, thông tín viên Pascale Guéricolas cho biết thêm thông tin :

"Phó thủ tướng và bộ trưởng An ninh Công cộng Canada đã nhanh chóng nhắc lại mối quan hệ chặt chẽ gắn kết Canada và Hoa Kỳ. Các quan chức cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường Canada đối với các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, như là một cách để thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước.

Ví dụ, 60% lượng dầu thô nhập vào Mỹ là từ miền tây Canada. Lãnh đạo vùng Québec, François Legault, cho rằng việc tăng thuế quan 25% mà Donald Trump thông báo là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Québec và Canada. Ông Legault cũng khẳng định được thủ tướng Canada Justin Trudeau ủng hộ. Lãnh đạo vùng Ontario, khu vực phụ phuộc vào sản xuất ô tô ở cả hai bên biên giới Canada- Mỹ, đã yêu cầu ông Trudeau tổ chức cuộc họp khẩn cấp của nhóm Equipe Canada. Nhóm này gồm các dân biểu và lãnh đạo doanh nghiệp, có nhiệm vụ trình bày lập trường của Canada với chính quyền Hoa Kỳ".

Còn về phía Bắc Kinh, sau khi Donald Trump tuyên bố tăng thêm 10% thuế quan đánh vào các sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ ngay lập tức đã cảnh báo "không ai có thể thắng trong cuộc chiến thương mại" và khẳng định "hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về bản chất là đôi bên cùng có lợi".

Chi Phương

***************************

Donald Trump ‘sẽ áp thuế lên Trung Quốc vào ngày đầu tiên’, điều này có nghĩa như thế nào ?

BBC, 26/11/2024

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế mới lên Trung Quốc, Mexico và Canada ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy vào Mỹ.

economicwar3

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế mới lên Trung Quốc, Mexico và Canada ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ - Reuters/Getty Images/BBC

Ngay khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, ông Trump sẽ ký lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, theo bài viết trên Truth Social của ông.

Theo ông, mức thuế đối với Mexico và Canada sẽ được duy trì cho đến khi hai nước này có biện pháp ngăn chặn người nhập cư trái phép và tình trạng buôn lậu ma túy và các dược chất có ma túy, đặc biệt là fentanyl (một loại thuốc giảm đau nhóm opioid tổng hợp), vào Mỹ.

"Cả Mexico lẫn Canada đều có quyền hạn và khả năng để dễ dàng giải quyết những vấn đề âm ỉ kéo dài này", ông nói. "Đã đến lúc họ phải trả một cái giá rất lớn !"
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay sẽ áp mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tới khi chính quyền nước này ngăn chặn được tình trạng buôn lậu fentanyl từ Trung Quốc sang Mỹ.

Trong một bài viết khác, ông Trump chỉ trích Bắc Kinh vì không thực hiện các cam kết mà ông nói rằng họ từng đưa ra về việc thi hành án tử hình đối với những người bị bắt vì buôn bán fentanyl.

"Đại diện Trung Quốc nói với tôi rằng họ sẽ áp hình phạt kịch khung là tử hình với bất cứ tội phạm buôn bán ma túy nào. Nhưng thật không may, điều ấy chưa xảy ra và ma túy đang tràn lan vào đất nước chúng ta, chủ yếu thông qua Mexico, ở mức độ chưa từng thấy", ông viết.

Một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trả lời BBC : "Việc cho rằng Trung Quốc cố ý để các tiền chất fentanyl đi vào Mỹ là đi ngược hoàn toàn với sự thật và thực tế".

"Trung Quốc tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Mỹ mang tính chất đôi bên cùng có lợi. Sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thuế quan", người này nói thêm.

Theo Reuters, sau khi ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden đồng ý nối lại các nỗ lực chung vào năm ngoái, hai nước đã có những tiến triển chậm rãi nhưng rõ rệt trong việc hợp tác nhằm ngăn chặn buôn bán trái phép các tiền chất ma túy được sử dụng để sản xuất fentanyl.

Ở Mỹ, tình trạng lạm dụng fentanyl gây ra tử vong vẫn rất nghiêm trọng. Nước này đã gây sức ép lên Trung Quốc nhằm thắt chặt việc thực thi pháp luật, bao gồm việc xử lý các khoản thanh toán bất hợp pháp và tăng cường kiểm soát những hóa chất liên quan.

Vào tháng 6, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc đã kêu gọi các quan chức thực thi pháp luật ở Trung Quốc tập trung vào việc chống buôn bán ma túy, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington công bố một cuộc điều tra chung hiếm hoi về vấn ma túy.

Đến tháng 8, chỉ vài ngày sau cuộc họp của nhóm công tác chống ma túy chung, Trung Quốc tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát đối với ba loại tiền chất thiết yếu để sản xuất fentanyl.

Trước đây, ông Trump từng cam kết chấm dứt quy chế tối huệ quốc đối với Trung Quốc và áp dụng mức thuế hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia này. Đây là mức cao hơn nhiều so với các mức thuế đã được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc lại đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương hơn rất nhiều do suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản, rủi ro nợ công và nhu cầu trong nước yếu.

Một số nhà kinh tế nhận định rằng đại thể những chính sách thuế quan của ông Trump có thể sẽ đưa mức thuế nhập khẩu của Mỹ quay trở lại thời kỳ những năm 1930, gây ra lạm phát, làm sụp đổ thương mại Mỹ-Trung, kích động các biện pháp trả đũa và làm thay đổi đáng kể chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Reuters.

Theo họ, các khoản thuế này thoạt tiên là do các công ty nhập khẩu thanh toán, và sau đó sẽ chuyển chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm hoặc phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.

Không lâu sau khi ông Trump tuyên bố về những khoản áp thuế mới nói trên, đồng đô la Mỹ đã tăng 1% so với đồng đô la Canada và 2% so với đồng peso của Mexico.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán ở Châu Á và hợp đồng tương lai cổ phiếu Châu Âu giảm. Hợp đồng tương lai S&P 500 cũng giảm 0,3%.

Một số chuyên gia tài chính đã đưa ra nhận xét với Reuters về tuyên bố vừa rồi của ông Trump

"Mức thuế 10% đồng loạt [đối với Trung Quốc] không lớn như mức 60% mà ông ấy từng nói, nhưng nó lại được đưa ra theo cách rõ ràng hơn, nên tôi nghĩ phản ứng ban đầu là khá tiêu cực.

"Nếu chỉ dừng lại ở mức 10%, thì điều này sẽ không gây ra thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc và có lẽ tác động đến kinh tế toàn cầu cũng không quá nghiêm trọng".

Naka Matsuzawa

Chiến lược gia trưởng của nhóm Nghiên cứu Chiến lược Thị trường tại công ty tài chính Nomura Securities (Nhật Bản)

"Đây chắc chắn là một cú sốc đối với thị trường và gây áp lực lên các tài sản Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành xuất khẩu, vì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng từ những mức thuế bổ sung này.

"Tuy nhiên, so với những gì ông ấy áp dụng với Canada và Mexico, mức thuế này không quá lớn, nên các nhà đầu tư có thể vẫn sẽ muốn chờ thêm những diễn biến tiếp theo và liệu mức 60% mà ông ấy hứa hẹn có thực sự được triển khai hay không".

Gary Ng

Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Thương mại Natixis (Hong Kong)

"Thuế quan là con bài mà ông Trump sử dụng để đàm phán với các quốc gia khác.

"Trung Quốc đã có kinh nghiệm đối phó với thuế quan từ thời Trump 1.0. Đối với các biện pháp trấn áp khác như cấm vận công nghệ, Trung Quốc có thể sẽ đẩy thúc đẩy quá trình tự lực và thay thế nhập khẩu".

Simon Yu

Phó Giám đốc điều hành, Công ty quản lý tài sản Panyao (Trung Quốc)

"Tôi thấy điều này giống như một lời đe dọa hơn bất kỳ điều gì khác.

"Có vẻ ý tưởng là nếu bạn cứ tiếp tục ‘đánh vào mặt họ’, cuối cùng họ sẽ đầu hàng. Nhưng điều đó không hiệu quả với Trung Quốc, và tôi cũng không nghĩ nó sẽ hiệu quả với Mexico và Canada".

William Reinsch

Cố vấn cấp cao từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) 

"Có vẻ như ông ấy sẽ không lãng phí tí thời gian nào... Câu hỏi bây giờ là - vào ngày đầu tiên, liệu ông ấy có thực sự triển khai kế hoạch này không và liệu thuế quan có được áp dụng ngay từ ngày đầu tiên không ?

"Một điều thú vị khác là việc ông ấy nêu rõ lý do cho các mức thuế này (liên quan đến nhập cư và ma túy), vì vậy có vẻ như những mức thuế này có sẽ đi kèm với những điều kiện đó.

"Dù đây là đòn tấn công mở màn, nhưng có thể đây chỉ là khởi đầu cho kiểu thỏa thuận đặc trưng của ông ấy".

Khoon Goh

Trưởng bộ phận Nghiên cứu Châu Á của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ)

"Tôi chỉ đang cố gắng hiểu làm sao mà điều này đi cùng với việc bổ nhiệm ông [Scott] Bessent. Mọi người đã kỳ vọng ông ấy [ông Bessent] sẽ là một tiếng nói ôn hòa hơn. Có thể đây là cách phản ứng trước việc mọi người nghĩ rằng ông Bessent sẽ điều hòa những chính sách thương mại cực đoan [của ông Trump]... nhưng ông Trump sẽ không bị ai làm ảnh hưởng".

"Ông ấy đã nói đến mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc... vậy nếu chỉ là thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc bên cạnh các mức thuế hiện tại, thì đó ít hơn rất nhiều so với những gì ông ấy đã đề cập trước đây... nên có thể mọi chuyện thực ra nhẹ nhàng hơn so với kịch bản xấu nhất mà chúng ta đã nghĩ đến".

Tony Sycamore

Chuyên gia phân tích thị trường của sàn giao dịch IG Markets (Sydney)

Nguồn : BBC, 26/11/2024

Additional Info

  • Author Minh Anh, Chi Phương, BBC tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Đọ sức thương mại với Mỹ : Bắc Kinh dè dặt do sợ lãnh đòn nặng

Mỹ tái áp đặt trừng phạt kinh tế Iran, Luân Đôn cáo buộc Paris làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính của Anh Quốc, vua đầu bếp Pháp Joel Robuchon qua đời là một số tít lớn trang nhất các báo hôm nay.

dosuc1

Đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Reuters/Thomas White

Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Le Monde có bài phân tích về các phản ứng rất dè dặt từ phía Bắc Kinh, trước viễn cảnh Trung Quốc chịu nhiều tổn thất nặng nề, xét về "trung hạn".

Bài "Thương mại : Trung Quốc chưa muốn xung trận" của Le Monde mở đầu với nhận định "Bắc Kinh đang bị kẹp giữa hai gọng kìm". Một mặt, chắc chắn Trung Quốc không thể làm thinh trước các đe dọa tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ. Ngày 3/8 vừa qua, Bắc Kinh đã trả lời bằng các biện pháp đánh thuế 60 tỉ đô la hàng Mỹ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Trung Quốc cũng hiểu rằng không thể địch lại với chính quyền Donald Trump trong cuộc chạy đua gia tăng trừng phạt hàng hóa nhập khẩu.

Lý do đơn giản là Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 130 tỉ đô la hàng hóa Mỹ hàng năm, trong lúc Hoa Kỳ nhập đến 550 tỉ đô la hàng Trung Quốc.

Chênh lệnh rất lớn này buộc Bắc Kinh phản ứng rất chừng mực. Bộ Thương mại Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ trả đũa "về mặt số lượng", nhưng đồng thời cả "về mặt chất lượng". "Về mặt chất lượng" có nghĩa là, không chỉ hàng xuất khẩu Mỹ, mà cả các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc cũng sẽ là đối tượng trừng phạt.

Thế nhưng trên thực tế, chưa có gì cho thấy Bắc Kinh thực sự làm đúng như nói. Ngay giữa tháng 7 vừa qua, việc phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đón tiếp ông chủ doanh nghiệp Mỹ Tesla nổi tiếng ngay tại Trung Nam Hải – được coi là đầu não của chính quyền Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Elon Musk đến Trung Quốc ký hợp đồng hợp đồng xây dựng một nhà máy lớn tại Thượng Hải.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc chưa biết cách làm thế nào để khiến Donald Trump nguôi giận. Đích thân phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) – một cựu sinh viên trường Harvard - đến Washington hồi tháng 5, với hy vọng tìm được một thỏa thuận nhằm giảm bớt tình trạng nhập siêu của Hoa Kỳ, với các biện pháp như nới lỏng hàng rào thuế quan với máy bay và đậu nành Mỹ. Tuy nhiên, thương thuyết không đạt kết quả.

Theo một giảng viên đại học Trung Quốc, ngay từ đầu, Bắc Kinh đã bị động trước cuộc chiến về thuế của Mỹ, và tìm cách tránh né, bởi về trung hạn, xung đột với Mỹ sẽ gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh cấm báo chí dùng từ "chiến tranh thương mại"

Lo ngại căng thẳng với Mỹ gây bất lợi trong nội bộ, Bắc Kinh đã ra lệnh cho báo chí nhà nước không được sử dụng cụm từ "chiến tranh thương mại", mà phải thay bằng những cách diễn đạt khác mềm mại hơn. Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh cũng buộc báo chí ngừng quảng bá cho chương trình "Made in China 2025", dự kiến đầu tư ồ ạt, để biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ mũi nhọn. Một chương trình vốn bị lên án mạnh mẽ tại Mỹ, Washington cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh bất chính.

Thêm một yếu tố nữa khiến Bắc Kinh lo ngại hơn, đó là trong tháng vừa qua, Hoa Kỳ và Liên Âu đã đạt được một thỏa thuận hưu chiến về thương mại. Bruxelles và Tokyo cũng nhanh chóng thông qua một thỏa thuận mậu dịch tự do. Trung Quốc ngày càng cảm thấy cô độc, bởi Liên Âu có cùng chung quan điểm với Hoa Kỳ, chống lại chính sách quản lý chặt thị trường của Bắc Kinh.

Theo giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), Viện Công Nghệ Bắc Kinh, thì "cuộc chiến tranh kinh tế" hiện nay có mặt tích cực của nó, đó là điều này buộc Trung Quốc phải gia tăng các cải cách, có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.

WTO : Ba cải cách chống Trung Quốc thao túng thị trường

Cuộc chiến thương mại mà tổng thống Mỹ vừa khởi sự, ngoài Trung Quốc là đối thủ trực tiếp, còn có một đích ngắm khác, đó là gây áp lực để buộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) - định chế thương mại lớn nhất của thế giới, với 164 thành viên - phải cải cách.

Bài "Cải cách WTO : Những hướng đi bắt đầu xuất hiện" của Les Echos nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong ít tháng gần đây bắt đầu có các nỗ lực đi theo hướng này. Les Echos điểm lại năm hướng cải cách, trong đó không phải hướng nào cũng được Washington hưởng ứng. Tuy nhiên đa số có mục tiêu hạn chế các can thiệp của chính quyền vào thị trường, gây bất lợi cho các nước khác. Đích nhắm chủ yếu không ai khác hơn là Trung Quốc.

Les Echos nhắc đến ba cải cách chủ yếu chống lại việc thao túng thị trường. Thứ nhất là minh bạch hóa các khoản trợ giá của chính quyền cho doanh nghiệp. Cho đến nay, hơn một nửa quốc gia thành viên WTO không thông báo về trợ giá, do vậy các nước bị thiệt khó đưa ra các biện pháp trả đũa tương xứng. Liên Hiệp Châu Âu đề nghị minh bạch hoàn toàn, quốc gia nào không cung cấp thông tin sẽ bị trừng phạt.

Cải cách thứ hai là chống lại các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp Nhà nước. "Chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc" là đích ngắm chính, bởi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là xương sống của hệ thống kinh tế nước này. Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mexico cùng chung quan điểm không nhắm mắt làm ngơ trước việc các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc được hưởng các khoản vay với lãi suất thấp hơn thị trường, được coi là thủ phạm của cạnh tranh bất chính, và gia tăng tình trạng nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc, do Nhà nước nắm, sản xuất dư thừa, và các mặt hàng này được bán ồ ạt ra các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, một vấn đề khó với trường hợp Trung Quốc, đó là còn cần phải tìm ra các biện pháp riêng đối với những doanh nghiệp, về hình thức là của tư nhân, nhưng thực chất do một thành viên của đảng cộng sản chi phối.

Một cải cách quan trọng khác, mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ cùng ủng hộ. Đó là phải sửa đổi quy định của WTO để chấm dứt tình trạng nhiều quốc gia sở tại, đặc biệt là Trung Quốc, gây áp lực buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao công nghệ, bản quyền. Cho đến nay, các quy định của WTO chưa cho phép khắc phục các tệ nạn trong lĩnh vực này.

Đối đầu với Mỹ, Bắc Kinh nhập nhiều hơn hàng Châu Á

Về ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến tăng thuế nhập khẩu mà Washing đang tiến hành, Le Monde có bài dự báo : "Cuộc chiến thương mại của Mỹ có thể vẽ lại các dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu". Châu Á là một khu vực có triển vọng được hưởng lợi trong bối cảnh này.

Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, xu hướng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu từ các nước trong vùng, vốn đã gia tăng, sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn. Theo kinh tế gia trưởng của tập đoàn Edmond Rothschild, đi liền với việc tăng thuế với hàng hóa nông phẩm Mỹ, Trung Quốc cũng hạ thuế đối với hàng hóa từ nhiều nước trong khu vực, như Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Sril Lanka… để cân bằng lại. Thuế nhập khẩu xe hơi của Trung Quốc từ các nước láng giềng cũng giảm xuống.

Riêng về vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh chiến tranh kinh tế với Mỹ khởi sự, theo Les Echos, chính quyền Trung Quốc đang lo ngại đồng tiền quốc gia sụt giá quá nhanh. Đồng nhân dân tệ sụt liên tục từ 8 tuần qua, lần đầu tiên kể từ năm 1994. Đồng nhân dân tệ xuống giá giúp cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, nhưng mặt khác nếu xuống quá mạnh, vượt vòng kiểm soát, sẽ gây lạm phát và làm mất lòng tin trong xã hội. Gần 80% các nhà đầu tư chờ đợi đồng tiền Trung Quốc tiếp tục xuống giá.

Iran : Kinh tế điêu đứng, nhưng phe cực đoan có thể mạnh hơn

Mỹ tái áp đặt trừng phạt kinh tế với Iran là một chủ đề thời sự lớn. Le Monde có bài xã luận "Iran : Trump và chiếc đuôi sư tử". Bài viết nhấn mạnh đến không khí căng thẳng giữa Washington và Tehran như bên bờ vực chiến tranh. Lập trường của chính quyền Trump là buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận mới, Washington không chấp nhận Iran mở rộng ảnh hưởng, nhằm "thống trị" vùng Trung Đông. "Đuôi sư tử" là lời lẽ bóng gió mà tổng thống Iran dùng, để đe Mỹ đừng đụng đến Iran mà mang họa.

Về phần mình, La Croix có bài xã luận "Người Iran bị kẹt" nhắc nhở đến một điều là, với chiến dịch tái áp đặt trừng phạt, tổng thống Mỹ có thể thành công trong cuộc bầu cử giữa kỳ tới, nhận được nhiều ủng hộ của cử tri hơn do tỏ ra "cứng rắn" với một chế độ không được lòng dân, nhưng một điều nghịch lý là, các trừng phạt này có thể khiến "phe cực đoan nhất" của chế độ mạnh hơn, làm gia tăng nguy cơ bất ổn gia tăng khu vực.

Cũng La Croix có bài của chuyên gia Mahnaz Shirali (Viện Công giáo Paris), ghi nhận là "chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran đang hết sức mong manh và bất ổn", áp lực từ Hoa Kỳ làm đời sống kinh tế tại Iran ngày càng khốn đốn, đồng tiền quốc gia mất giá 80% từ một năm nay. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, đối mặt với "khủng hoảng xã hội" trong nước, thế lực siêu bảo thủ và thế lực ôn hòa đang dần dần xích lại với nhau, và chế độ Hồi giáo dường như đoàn kết hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, về phía dân chúng, các phong trào phản kháng chống lại đời sống đắt đỏ hứa hẹn sẽ kéo dài, còn người dân dường như không sẵn sàng đoàn kết với chính quyền, chống lại kẻ thủ bên ngoài, như hồi Cách mạng mới bùng lên cách nay 40 năm. Từ một tháng nay, Tehran đang nhờ đến quốc gia láng giềng Oman, đứng ra làm trung gian đàm phán với Hoa Kỳ.

Điện thoại cũ tái chế : Huy động vốn kỷ lục

Trong lĩnh vực kinh tế - môi trường, Les Echos chú ý đến thành công mới của công ty khởi nghiệp Pháp mang tên Remade, hoạt động trong lĩnh vực làm mới các điện thoại đã qua sử dụng.

Công ty, có cơ sở tại vùng Normandy, ra đời năm 2013, được coi là đứng đầu nước Pháp trong lĩnh vực này. Remade vừa huy động được 125 triệu euro tiền vốn.

Cho đến nay, hàng năm Remade đã đưa trở lại thị trường khoảng 500.000 điện thoại di động một năm, trong đó chủ yếu là iPhone. Nhờ huy động thêm vốn, sản phẩm của hãng dự kiến sẽ tăng lên 840.000 chiếc trong năm tới. Theo giám đốc công ty, đây là lần đầu tiên một số vốn lớn đến như vậy được huy động trong lĩnh vực này. Công ty Remade chiếm 25% thị phần điện thoại tái chế ở Pháp.

Thị trường điện thoại tái chế toàn cầu có tiềm năng rất lớn. Theo dự báo của IDC, từ nay đến năm 2022, thị trường này sẽ đạt doanh số 52,7 tỉ đô la.

Vua đầu bếp Pháp qua đời

Vua đầu bếp Pháp Joel Robuchon qua đời. Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài để nói về người được coi là một "thiên tài". La Croix tiếc thương ngôi sao của nghề bếp đã trở về với "trời sao".

Đầu bếp Joël Robuchon qua đời hôm qua ở tuổi 73. Phụ trương báo kinh tế Les Echos ca ngợi ông là "đầu bếp nhiều sao nhất thế giới". Tổng cộng ông Joël Robuchon được cẩm nang du lịch ẩm thực Michelin vinh danh 32 lần. Lần đầu tiên là vào năm 1981.

Joël Robuchon từ giã cõi đời, nhưng hệ thống 38 cơ sở ẩm thực với 1.200 nhân viên do ông sáng lập, ở khắp nơi trên thế giới, tiếp tục đưa những món ăn mang dấu ấn của ông đến với thế giới. Theo Le Figaro, Joel Robuchon trước hết là một nghệ sĩ, chứ không phải là một doanh nghiệp. Nhà đầu bếp tìm sự hoàn hảo trong chất lượng và vẻ đẹp của các món ăn, chứ không phải trong các hợp đồng làm ăn. Chưa bao giờ trong đời ông ký một hợp đồng, như lời kể của Guy Job, một trong những khách hàng lâu năm và cũng là một cộng sự trung thành của ông.

"Món khoái tây nghiền nhuyễn để tang" là câu đầu tiên trong bài xã luận của Libération để nói về vị đầu bếp thiên tài. Joël Robuchon chính là người đã làm sống dậy món ăn cổ truyền của người Pháp, biến nó thành một niềm tự hào của ẩm thực Pháp.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Chiến tranh kinh tế : Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump

Báo Pháp Les Echos hôm nay dành tựa trang nhất cho hồ sơ quan hệ kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ : "Bắc Kinh sửa soạn vũ khí đối phó với Trump". Nửa năm trước kỳ Đại hội chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh "tăng trưởng chựng lại, nợ công tăng vọt, căng thẳng với tân chính quyền Trump", chủ tịch Trung Quốc quyết định "bổ nhiệm người thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt" của nền kinh tế.

backinh1

Ảnh ông Donald Trump trên một sạp báo tại Bắc Kinh, ngày 12/12/2016. Trang bìa tạp chí mang hàng tựa "Doanh nhân Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào ?" - Ảnh : GREG BAKER / AFP

Việc bổ nhiệm nói trên vừa nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Mỹ trong những tháng trước mắt, vừa là một bước trung gian cho cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trước thềm Đại hội 19.

Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, trưởng khoa chính trị học, Đại học Báp-tít Hồng Kông, với các bổ nhiệm mới này, ông Tập Cận Bình muốn "củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ những đòn bẩy của chính sách kinh tế quốc gia… Tăng trưởng giảm tốc và Trump trở thành tổng thống đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung hóa cao độ".

Quốc Hội Trung Quốc khai mạc cuối tuần này sẽ phải chấp nhận một tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể từ 26 năm qua. Về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương, là hết sức nan giải với Bắc Kinh, nhiều định chế quốc tế, như IMF, đang thúc đẩy Trung Quốc phải "hành động kiên quyết".

Les Echos đặc biệt chú ý đến ba nhân vật mới được bổ nhiệm. Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), 72 tuổi, lãnh đạo Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước (NDRC), là người từng làm việc cùng Tập Cận Bình trong những năm 1980, khi ông Tập còn là phó thị trưởng thành phố Hạ Môn (Xiamen). Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước phụ trách các chính sách lớn, như kế hoạch kinh tế năm năm, hay chủ trương "con đường tơ lụa" - một dự án trung tâm trong chiến lược kinh tế và ngoại giao toàn cầu của ông Tập Cận Bình. Tiếng nói của ủy ban này rất quan trọng trong bối cảnh "tính bền vững của mô hình tăng trưởng Trung Quốc" hiện đang bị thách thức.

Tập Cận Bình cũng bổ nhiệm một chiến hữu khác vào cương vị bộ trưởng Thương mại. Ông Chung Sơn (Zhong Shan), 61 tuổi, từng là người cộng sự lâu năm khi ông Tập còn là bí thư tỉnh Chiết Giang trong những năm 2000. Tân bộ trưởng Thương mại sẽ phải thương lượng gay go với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh "chủ nghĩa bảo hộ và dân túy dâng lên tại phương Tây" và "thương mại toàn cầu có chiều hướng chững lại".

Nhân vật quan trọng thứ ba được Les Echos chú ý là Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), lãnh đạo Uỷ ban Giám sát và quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC), 60 tuổi, người rất có khả năng sẽ trở thành thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Ông Quách Thụ Thanh, từng "nổi tiếng là một nhà cải cách kiên cường trong lĩnh vực điều chỉnh các thị trường hối đoái", sẽ phải đối mặt với một lĩnh vực, được coi là hết sức khó cải cách, nơi mà "mức nợ xấu của các ngân hàng rất cao" và "hệ thống tín dụng ngầm" hoành hành.

Nhìn chung trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Eric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại (CEFCC) tại Hồng Kông, Tập Cận Bình "đã thiết lập nhiều nhóm làm việc quy mô nhỏ, do ông trực tiếp chủ trì, để có khả năng tác động trực tiếp đến các quyết định".

Bắc Kinh "im lặng" trước các cú đá của Trump

Cũng trong hồ sơ quan hệ Trung – Mỹ, Les Echos, có bài "Đối mặt với các cú đá của Trump, Bắc Kinh im lặng". Theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, để hiểu chiến lược hành động giới chính trị Trung Quốc, cần đọc cuốn "Binh pháp" (hay "Nghệ thuật chiến tranh") của Tôn Tử, tác giả thời cổ đại Trung Quốc, rất đề cao "thời điểm hành động phù hợp". Bắc Kinh sẽ "để cho tân tổng thống Mỹ thể hiện hết sự hỗn loạn, rồi mới ra tay".

Một loạt ví dụ cho thấy điều này : Những lời lẽ đao to búa lớn như tuyên bố xem xét thay đổi chính sách với Đài Loan, sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với đảo nhân tạo ở Trường Sa, hay lên án chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã chỉ nhận được những phản ứng vừa phải, thậm chí là "sự im lặng của Bắc Kinh".

Les Echos phê phán các quyết định của tổng thống Mỹ, đặc biệt trong việc chấm dứt hiệp định thương mại TPP với các nước Châu Á – Thái Bình Dương, hành động chẳng khác nào "tự lấy súng bắn vào chân mình", trong bối cảnh Trung Quốc đang mưu toan áp đặt quyền thống trị.

Tân cố vấn an ninh Mỹ chuẩn bị chiến tranh với Nga

Vẫn về Hoa Kỳ, Le Figaro có chùm bài về tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng McMaster, người được ví với vị tướng huyền thoại "Patton", tư lệnh lực lượng Mỹ chống quân đội phát xít Đức tại Châu Âu trong Thế Chiến Hai. Tướng ba sao Herbet Raymond McMaster, 54 tuổi, từng nổi danh trong hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, một người được cấp trên trực tiếp là David Petraeus từng là tư lệnh quân đội Mỹ tại hai chiến trường này, đánh giá là "một chỉ huy xuất sắc, một người lính thực thụ và một anh hùng trong chiến đấu".

Trên thực tế, theo Le Figaro, tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ vốn là người thường đưa đưa ra những sáng kiến trên thực địa, trái ngược với các cấp chỉ huy, đặc biệt nổi tiếng là trận chiến thiết giáp "73 easting", chống chế độ Hussein tại Iraq, đã đi vào lịch sử quân sự Mỹ. Cũng tại Iraq, vào năm 2005, tướng McMaster đã "bình định một cuộc nổi dậy", nhờ dựa vào dân chúng địa phương, khi buộc các binh sĩ phải học tiếng địa phương, phong tục tập quán địa phương…

Theo Le Figaro, tại Nhà Trắng, tướng McMaster sẽ phải học cách làm việc với các trung tâm quyền lực khác trong chính quyền Trump, có vị thế hơn, đặc biệt là cố vấn chiến lược của tổng thống Steven Bannon. Theo một chuyên gia quân sự, "các đồng minh tự nhiên" của viên cố vấn an ninh quốc gia này sẽ là bộ trưởng Quốc phòng Mattis, bộ trưởng Nội Vụ Kelly và ngoại trưởng Tillerson.

Về quan hệ Mỹ - Nga, theo Le Figaro, quan điểm của tướng McMaster cho đến nay là chuẩn bị cho "các cuộc chiến tương lai" quy mô lớn, mà nguy cơ bùng nổ là cao nhất kể từ 70 năm nay, trong đó, "đối thủ hàng đầu sẽ là Nga". Theo tướng McMaster, nguy cơ chiến tranh với Nga là cao hơn với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, với Iran, lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan và Pakistan và hay Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Le Monde, quan điểm của tướng McMaster là không thuận theo chủ trương liên minh với Nga, như tổng thống Donald Trump từng có xu hướng nghĩ đến.

Nga : Phim "Một con người quá tự do"

Về tình hình chính trị Nga, Le Figaro giới thiệu bộ phim tài liệu về nhà đối lập nổi tiếng Boris Nemtsov, bị ám sát cách nay đúng hai năm, ngay sát điện Kremlin.

Chủ nhật vừa qua, tại nhiều thành phố lớn khắp nước Nga đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành, với hàng nghìn người tham gia, để tưởng nhớ nhà đối lập, nguyên phó thủ tướng dưới thời Yeltsin, nhiều cuộc biểu trong số đó đã không được chính quyền cho phép, nhưng được nhắm mắt làm ngơ. Cũng trong dịp này, bộ phim tài liệu về cuộc đời nhà đối lập mang tựa đề "Một con người quá tự do" đã được trình chiếu.

Nữ đạo diễn Vera Krichevskaya, đồng tác giảm bộ phim, nhận xét : "Như điều thường xảy ra ở nước Nga, người ta chỉ nhận ra người anh hùng sau khi họ đã chết".

Boris Nemtvos từng được coi là người thừa kế của Yeltsin, nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến chống lại các tập đoàn lợi ích chi phối chính quyền Nga. Từ chỗ là một phó thủ tướng, ông đã trở thành nhà đối lập, tham gia vào các cuộc biểu tình đơn độc trên đường phố, và thậm chí đã phải vào tù. Vụ sát hại Boris Nemtsov là "hồi chuông báo tử cho một thế hệ các nhà tranh đấu". Vào thời điểm ông qua đời, theo một thăm dò dư luận, có đến 40% người Nga thơ ơ với cái chết của ông. Theo một nhà luật học, thì vụ sát hại Boris Nemtsov đã khiến nhiều người sợ hãi và hậu quả của tình trạng này sẽ có thể còn kéo dài.

Về bộ phim "Một con người quá tự do" vừa được công chiếu tại Nga, Le Figaro nhận xét, "trái ngược với nhiều lo ngại, phim đã được công chiếu, mà không gặp sự cố". Có một trường hợp phim bị đưa ra khỏi chương trình, nhưng được giải thích không phải là do áp lực của điện Kremlin.

Pháp : Điều tra tiếp hay tạm ngưng, thế khó của thẩm phán

Trở lại với nước Pháp, Libération chú ý đến cuộc tranh luận về việc : Tư pháp có nên tiếp tục phận sự của mình trong các điều tra nhắm vào hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong thời gian tranh cử hay không ? Tờ báo thiên tả nhận xét : Việc cùng một lúc, có hai ứng cử viên – là Marine Le Pen và François Fillon - đứng trước nguy cơ bị khởi tố là "một điều chưa từng có" trong lịch sử chính trị Pháp, đặt các thẩm phán vào một vị trí khó khăn.

Các thẩm phán đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục các điều tra, với nguy cơ hành động này gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, hay tôn trọng thỏa thuận ngầm về việc ngưng điều tra mỗi lần diễn ra tranh cử, nhưng điều này sẽ củng cố một cảm nhận về việc những người có thế lực đứng trên luật pháp, không bị trừng phạt, cho dù có phạm pháp.

Libération lên án hai ứng cử viên. Bà Marine Le Pen có thái độ hai mặt, "một mặt ủng hộ cảnh sát và quyền lực của nhà nước, nhưng mặt khác, không tuân thủ lệnh triệu tập của các thẩm phán" trong nghi án tham nhũng đang được điều tra dính đến đảng của bà. Và về phần mình, ứng cử viên Fillon "kêu gọi dùng thể thức phổ thông đầu phiếu để rửa sạch danh dự bị hoen ố, hơn là cung cấp các bằng chứng cho thấy mình vô tội".

Chung kết Le Pen – Macron ?

Cũng về bầu cử Pháp, tờ báo thiên hữu Le Figaro quan tâm trước hết đến "tình trạng báo động của cánh hữu", sau kết quả một thăm dò dư luận mới, cho thấy ứng cử viên đối lập cánh hữu François Fillon bị mất hai điểm, chỉ còn 20% người ủng hộ, tụt xa đằng sau ứng viên độc lập Emmanuel Macron, 25%, và Marine Le Pen 27%.

Le Figaro đặt câu hỏi : "Phải chăng sẽ là trận chung kết Le Pen – Macron ?". Nếu điều này xảy ra thì "lần đầu tiên trong lịch sử, không có ứng viên cánh hữu cộng hòa hay đảng Xã Hội nào lọt được vào vòng hai".

Nhạc kịch "Ulysse trở về"

Báo La Croix giới thiệu vở nhạc kịch "Ulysse trở về", được công diễn tại Paris, bắt đầu từ ngày mai, tại nhà hát Théâtre des Champs-Élysées. Vở diễn được Claudio Monteverdi sáng tác tại thành Venise, nước Ý, cách nay gần 5 thế kỷ.

Đạo diễn vở nhạc kịch, bà Mariame Clément, người Pháp gốc Iran, cho biết bà rất vui sướng khi hai hình tượng huyền thoại cổ đại Ulysse và người vợ Penelope đã được hóa thân bởi hai giọng ca "xuất chúng" của nền nhạc kịch đương đại Pháp, nghệ sĩ Rolando Vilazon với giọng nam cao và Magdalena Kozena với giọng nữ trung ấm áp.

Nữ nhạc trưởng Emmanuelle Hain tâm sự, sáng tác của Monteverdi sẽ chuyển đến công chúng "những xúc cảm nguyên vẹn" về cuộc hành trình huyền thoại hàng nghìn năm về trước, khi người anh hùng Ulysse gặp lại người vợ thân yêu sau 20 năm đằng đẵng, với hết khổ nạn này đến khổ nạn khác. "Mọi thứ đã đổi thay, nhưng không gì thay đổi !".

Trọng Thành

Published in Quốc tế